Bản án 25/2017/HSST ngày 27/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHONG THỔ, TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 25/2017/HSST NGÀY 27/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 27 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số:29/2017/HSST, ngày 15 tháng 12 năm 2017, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 29/2017/HSST ngày 15 tháng 12 năm 2017 đối với bị cáo:

Sùng A D; tên gọi khác: không; sinh năm: 1992; tại huyện P, tỉnh L; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Bản H, xã D, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Sùng A P (đã chết) và bà Lừu Thị D1 sinh năm 1964; bị cáo có vợ là Giàng Thị L, sinh năm 1997 và có 01 con sinh năm 2015; tiền sự: không; tiền án: không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 09/10/2017, hiện đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Phong Thổ. Bị cáo trích xuấtcó mặt tại phiên toà.

Người bị hại: Cháu: Sùng A C, sinh ngày 09 tháng 10 năm 2002. Địa chỉ: Bản S, xã D, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (có mặt). Người đại diện hợp pháp của người bị hại:

Ông: Sùng A S; sinh năm: 1976 (bố đẻ của người bị hại);

Địa chỉ: Bản S, xã D, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (có mặt).

Những người làm chứng:

1/ Anh: Sùng A P1, sinh năm 1984.

Địa chỉ: Bản S, xã D, huyện P, tỉnh Lai Châu (vắng mặt không có lý do).

2/ Anh: Sùng A S1, sinh năm 1998.

Địa chỉ: Bản S, xã D, huyện P, tỉnh Lai Châu (vắng mặt không có lý do).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 30/7/2017, gia đình Sùng A S, sinh năm 1976, trú tại Sin Chải, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nghi ngờ con trai của Sùng A P1, sinh năm 1984, trú cùng bản bắt trộm gà nên con trai của S là Sùng A S1, sinh năm 1998 lên nhà P1 tự ý mở chuồng gà nhà P1 để tìm gà nhưng không thấy. Sùng A P1 tức giận vì S1 đến không nói gì. Chiều cùng ngày P1 bảo S1 lên nhà P1 để nói chuyện nhưng S1 không đến. Sáng ngày 31/7/2017, P1 gọi Sùng A D, sinh năm 1992, Sùng A C, sinh năm 1999, Sùng A Sinh, sinh năm 1998 cùng trú tại bản Hợp 1, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đến nhà Phình kể sự việc và Phình bảo S2, C, D cùng P1 đi đến nhà Sùng A S để nói chuyện. Khi đi P1 cầm theo một dây thừng dài khoảng 2m mục đích nếu S1 không nói chuyện thì trói S1 mang về nhà P, D cầm theo một con dao tông dài khoảng 46cm cả cán, của nhà P1 (cán dao làm bằng gỗ, phần lưỡi dao làm bằng kim loại dài 37cm, chỗ rộng nhất 5,2cm, chỗ hẹp nhất 0,4cm) cuốn vào áo khoác kẹp vào nách không cho ai biết, mục đích để phòng khi bị đánh sẽ dùng đánh lại. Khoảng 07 giờ 45 phút cả bốn người đến nhà Sùng A S, lúc đó nhà S đang ăn cơm, nhóm của D đứng ngoài cổng, P1 bảo Sùng A S2 vào gọi S ra nói chuyện nhưng S không ra.Vợ của S là Dì Thị M ra chửi mắng nhóm của D, thấy vậy nhóm của D đi vào trong sân nhà S, đúng lúc S1 đi ra ngoài P1 nhìn thấy chạy đến túm cổ áo S1. Dì Thị M và Sùng A S chạy đến đánh P1. Sùng A C và Sùng A S2 cũng lao vào đánh S1. Thấy mọi người lao vào đánh nhau Sùng A D cầm dao lao vào chỗ S và M rồi dùng sống dao gõ một nhát vào trán của S. Sùng A C, sinh ngày 09/10/2002 (con trai của S) từ nhà chạy ra D cầm dao chỉ C nói mày không được đánh nên C không ra nữa. Sùng A D quay ra thấy S1 đang đánh nhau với C và S2 nên chạy đến cầm dao gõ phần sống dao vào trán của S1, bị đau S1 chạy vào trong nhà. Sùng A C thấy vậy lao đến đánh D nên D dùng dao chém một nhát vào trán bên trái của C, bị đau C chạy vào trong nhà thấy S1 đang cầm một thanh kiếm tự rèn ra C giật lấy rồi đuổi theo D. Thấy C cầm kiếm đuổi, D cùng với P1, C, S2 bỏ chạy rồi đi về nhà. Sau khi nhóm của D đi về, do vết thương chảy nhiều máu nên Sùng A S đưa con đến trình báo Đồn Công an Dào San và đưa con đi điều trị tại trạm y tế xã Dào San, sau chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.

Tại bệnh án ngoại khoa của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu xác nhận Sùng A C vào viện hồi 11 giờ 20 phút ngày 31/7/2017 đến hồi 16 giờ ngày 10/8/2017 ra viện điều trị vết vỡ lún xương trán trái kích thước 36mm.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 59/GĐ-TTPY ngày 25/8/2017 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Lai Châu kết luận thương tích của Sùng A C, như sau: “Hình ảnh vỡ lúm xương trán trái, kích thước 36mm; vùng trán có một vết sẹo thương tích kích thước 0,5cm x ,5cm, sẹo lõm. Tỷ lệ thương tật hiện tại là: 24% (Hai mươi bốn phần trăm).

Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa Sùng A D đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng đã truy tố.

Người bị hại và đại diện của người bị hại khẳng định toàn bộ nội dung sự việc đúng như bị cáo trình bày; hậu quả xảy ra đã làm cho cháu C bị tổn hại sức khỏe vì vậy đại diện của người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền thuốc; tiền đi giám định, tiền viện phí, tổn hại sức khỏe với tổng số tiền 40.000.000đ (Bốn mươi triệu đồng).

Cáo trạng số 06/KSĐT-SH, ngày 15/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã truy tố bị cáo Sùng A D về tội: “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ giữ quyền công tố tại phiên toà, sau khi phân tích nội dung, tính chất của vụ án, khẳng định việc truy tố bị cáo theo tội danh và điều luật như cáo trạng đã nêu là đúng người,đúng tội và đúng pháp luật. Do đó, Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo và đề nghị: áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999, Nghị quyết số 41/2017/QH14, khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 xử phạt bị cáo từ  02 năm đến 02 năm 06 tháng tù; ghi nhận sự thỏa thuận; đồng thời đề nghị giải quyết vật chứng theo quy định của pháp luật.

Bị cáo, người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại nhất trí với bản cáo trạng, luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; Bị cáo và người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại không tranh luận; Bị cáo thành khẩn khai báo nhận tội, thái độ ăn năn hối cải và nói lời sau cùng xin Hội đồngxét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra huyện Phong Thổ,Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Những người làm chứng đều vắng mặt tại phiên tòa, kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều đề nghị xét xử vắng mặt. Xét việc vắng mặt những người này không gây cản trở cho việc xét xử nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng Hình sự tiến hành xét xử vắng mặt những người này.

[2] Tại phiên toà bị cáo Sùng A D đã khai nhận hành vi phạm tội của bị cáo như nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ truy tố;lời khai nhận của bị cáo phù hợp tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ có căn cứ xác định: Khoảng 07 giờ 45 phút, ngày 31/7/2017, tại nhà của Sùng A S ở bản S, xã D, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bị cáo Sùng A D có hành vi dùng dao tông dài khoảng 46cm cả cán (cán dao làm bằng gỗ, phần lưỡi dao làm bằng kim loại dài37cm, chỗ rộng nhất 5,2cm, chỗ hẹp nhất 0,4cm) chém vào trán bên trái của cháuSùng A C, sinh ngày 09/10/2002; vết chém để lại thương tích vỡ lún xương kích thước 36mm; để lại một sẹo lõm tại trán trái kích thước 6,5cm x 05cm, tổn hại sức khỏe cho cháu C với tỷ lệ phần trăm thương tích hiện tại là 24% (Hai mươi bốn phần trăm).

Hành vi của bị cáo Sùng A D là nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Bản thân bị cáo là người đã trưởng thành, có đủ sức khỏe, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện. Vậy Hội đồng xét xử kết luận bị cáo Sùng A D đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”, như cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã truy tố đối với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Bị cáo dùng dao là tình tiết “hung khí nguy hiểm”; gây thương tích cho cháu C chưa đủ 16 tuổi là tình tiết “đối với trẻ em” đây là tình tiết định khung tặng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999; cụ thể điều luật quy định:

“ Khoản 1: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưngthuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm ……

d) Đối với trẻ em, ….

Khoản 2: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

[3] Xét tính chất hành vi của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ của gia đình người bị hại với người đã nhờ bị cáo đi cùng giải quyết mâu thuẫn đó mà bị cáo tự ý cầm theo dao với ý định phòng thân khi bị đánh; đến khi sự việc xô xát bằng tay giữa hai bên gia đình có mâu thuẫn diễn ra thì bị cáo bị cáo đã không kìm chế được bản thân dùng dao chém một nhát vào trán trái của Sùng A C. Hành vi đó là hành vi cố ý gây thương tích đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây mất trật tự an ninh tại địa phương. Vì vậy, cần được xử lý bằng pháp luật hình sự cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định theo Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới có tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung.

[4] Tuy nhiên, xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Hội đồng xét xử thấy: Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên toà hôm nay bị cáo thành khẩn khai báo, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở nơi có điều kiện kinh tế văn hóa, xã hội khó khăn, bị cáo không được đi học dẫn đến có hạn chế nhất định về nhận thức là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999. Mặt khác thực hiện Nghị quyết số: 41/2017/QH14,ngày 20/6/2017 hướng dẫn áp dụng điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt nhẹ hơn cho người phạm tội. Như vậy đối chiếu khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt nhẹ hơn, vậy Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc, xem xét;

Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm ”. Bên cạnh đó xét nguyên nhân phạm tội cũng xuất phát từ chính mẫu thuẫn của người nhà của người bị hại, do vậy cần xem xét giảm nhẹ thêm cho bị cáo để bị cáo được hưởng mức hình phạt đầu khung như đề nghị của Viện kiểm sát.

[5] Về phần dân sự: Tại phiên tòa bị cáo D nhất trí bồi thường theo như yêu cầu của người bị hại. Xét việc thỏa thuận là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội vậy Hội đồng xét xử ghi nhận theo Điều 246 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Điều 590 Bộ luật Đân sự.

[6] Về vật chứng: một con dao là công cụ phương tiện phạm tội không có giá trị cần tịch thu để tiêu hủy theo Điều 41 Bộ luật hình sự và Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự phù hợp với đề nghị của Viện kiểm sát (con dao hiện đang lưu giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Phong Thổ có đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng ngày 18/12/2017 giữa Công an huyện Phong Thổ và Chi cục thi hàn án dân sự huyện Phong Thổ).

[7] Đối với Sùng A P1, Sùng A C, Sùng A S2 đã đánh nhau với những người trong gia đình của Sùng A S nhưng không gây thương tích cho những người trong gia đình nhà S; còn Sùng A S1, Sùng A S cũng bị D dùng sống dao gõ vò đầu, vào tránnhưng S và S1 không yêu cầu giám định, không gây thương tích nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[8]Về án phí: Bị cáo là hộ nghèo, căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Hội đồng xét xử miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1/ Tuyên bố bị cáo Sùng A D phạm tội “ Cố ý gây thương tích”.

2/ Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14, khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 xử phạt bị cáo Sùng A D 02 (Hai) năm tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo tính từ ngày bị bắt tạm giam (ngày 09/10/2017).

3/ Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 589 Bộ luật Dân sự; Điều 246 Bộ luật Tố tụng Dân sự ghi nhận sự thỏa thuận là bị cáo Sùng A D phải bồi thường cho gia đình người bị hại, đại diện là anh Sùng A S ( sinh năm 1976, trú tại bản xã D, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) số tiền là: 40.000.000đ (Bốn mươi triệu đồng).

4/ Áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự và 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự:

Tịch thu một con dao tông dài khoảng 46cm cả cán (phần thân dao dài khoảng dài 37cm được làm bằng kim loại), cán dao làm bằng gỗ dài koảng 09cm (đường kính 03cm), chỗ rộng nhất 5,2cm, chỗ hẹp nhất 0,4cm) để tiêu hủy.

Con dao hiện đang lưu giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Phong Thổ có đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng ngày 18/12/2017 giữa Công an huyện Phong Thổ và Chi cục thi hàn án dân sự huyện Phong Thổ.

5/ Áp dụng Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, miễn án ph íhình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cho bị cáo Sùng A D .

Áp dụng Điều 26 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014; Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.

Áp dụng Điều 231, Điều 234 Bộ luật Tố tùng Hình sự bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 kể từ ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 27/12/2017)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

361
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2017/HSST ngày 27/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:25/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phong Thổ - Lai Châu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về