Bản án 25/2017/DS-PT ngày 27/04/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 25/2017/DS-PT NGÀY 27/04/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN 

Ngày 27 tháng 4 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/2017/TLPT-DS ngày 23 tháng 01 năm 2017 về “tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2016/DS-ST ngày 14/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 33A/2017/QĐ-PT ngày 03 tháng 4 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Cụ Trịnh Thị Th, địa chỉ: Số X1, khu phố M, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cụ Trịnh Thị Th: Ông Nguyễn H, địa chỉ: Khu phố Tân P, phường Tân B, thị xã D, tỉnh Bình Dương (được ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 17/01/2017).

2. Các bị đơn:

2.1. Bà Trịnh Thị S, địa chỉ: Số X2, khu phố M, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

2.2. Bà Trịnh Thị N, địa chỉ: Số X3, khu phố M, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

2.3. Ông Trịnh Ngọc Linh P, địa chỉ: Số X4, khu phố M, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Trịnh Thị N và ông Trịnh Ngọc Linh P: Ông Trịnh Hoàng Q, địa chỉ: Số X5, khu phố M, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền của bà N ngày 01/8/2016 và văn bản ủy quyền của ông P ngày 17/3/2017).

2.4. Bà Trịnh Thị Ngọc D, địa chỉ: Số X6, khu phố Y, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Trịnh Thị Ngọc D: Bà Trịnh Thị S (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 20/01/2017).

Người kháng cáo: Bà Trịnh Thị S, là bị đơn.

Tại phiên tòa: Cụ Th, bà N, ông P, bà D vắng mặt; bà S, ông H, ông Q có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Cụ Trịnh Thị Th là vợ hợp pháp của cụ Trịnh T, sinh năm 1929 (đã chết năm 1992) có các con chung là Trịnh Ngọc Linh P, Trịnh Thị S, Trịnh Thị N, Trịnh Ngọc Minh H, Trịnh Thị Ngọc D, Trịnh Thị Ngọc L và Trịnh Thị T1. Ông Trịnh Ngọc Minh H đang sinh sống tại Hoa Kỳ; bà Trịnh Thị T1 đã chết năm 1965 khi mới 15 tuổi; bà Trịnh Thị Ngọc L và con bà L là Vũ Thị Tú A đã chết năm 1978 (bà T1 và bà L đều không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ).

Trong quá trình hôn nhân, vợ chồng cụ T và cụ Th có tạo lập được tài sản là nhà và đất tại địa chỉ số C, đường P, thành phố PL, tỉnh Gia Lai (sau đây gọi là nhà đất tại số C, đường P). Sau năm 1975, do gia đình cụ đã chuyển về Đồng Nai sinh sống nên nhà và đất trên Nhà nước quản lý. Khi còn sống, cụ T đã nhiều lần có đơn, thư đề nghị được Nhà nước trả lại căn nhà nhưng đến năm 2013 thì Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai mới trả lại tài sản này cho gia đình cụ T và cụ Th.

Sau khi nhận được nhà đất, cụ Th không muốn sau này khi qua đời các con xảy ra tranh chấp về tài sản thừa kế nên ngày 27/5/2016 cụ làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của cụ T để lại theo quy định của pháp luật. Theo cụ Th, hiện nhà đất của cụ có trị giá 15.000.000.000 đồng; khi cụ T chết không để lại di chúc nên cụ được quyền sở hữu đối với phần lớn tài sản này. Do đó, cụ đề nghị Tòa án giao nhà đất tại số C, đường P cho cụ quản lý, sử dụng; cụ có trách nhiệm thanh toán cho các con của cụ phần kỷ phần được hưởng thừa kế.

Ý kiến của cụ Th được các con của cụ (là bị đơn trong vụ kiện này) là ông Trịnh Ngọc Linh P, bà Trịnh Thị N, ông Trịnh Ngọc Minh H, bà Trịnh Thị Ngọc D nhất trí và đồng ý nhận phần kỷ phần của mình khi được phân chia. Ông Trịnh Ngọc Minh H có văn bản từ chối nhận di sản và tặng cho toàn bộ phần di sản được hưởng cho cụ Th, cụ Th đồng ý nhận phần kỷ phần của ông H.

Đối với bà Trịnh Thị S, trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm đã có đơn trình bày ý kiến như sau:

- Cha bà là ông Trịnh T chết năm 1992, thời điểm này căn nhà và đất tại số C, đường P do Nhà nước quản lý. Vào năm 1992, theo chính sách đất đai thì quyền sử dụng đất không được công nhận là di sản thừa kế. Cha bà chết đến nay hơn 20 năm, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế không còn; bà và các anh chị em của bà không hề có bất kỳ tranh chấp nào đối với tài sản trên; căn cứ vào Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 29/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai thì nhà đất tại số C, đường P thuộc quyền sở hữu của một mình cụ Th; cụ Th hiện còn sống nên không thể xác định nửa căn nhà và đất tại số C, đường P này là di sản để yêu cầu chia thừa kế.

- Ngày 09/8/2013, cụ Th đã đồng ý chuyển nhượng toàn bộ nhà và đất nêu trên cho bà Trần Thị Ngọc B với giá 16.000.000.000 đồng. Cụ Th đã nhận của bà B 3.000.000.000 đồng theo Hợp đồng đặt cọc và được Văn phòng công chứng Pleiku chứng nhận số 03880 ngày 09/8/2013; sau đó, ngày 07/4/2016 cụ Th tiếp tục yêu cầu bà B thanh toán thêm 100.000.000 đồng. Giao dịch nêu trên giữa cụ Th và bà B có công chứng là giao dịch dân sự hợp pháp, có bà là người làm chứng. Nay cụ Th có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế đối với nửa căn nhà này là không đúng. Do đó, bà S có ý kiến:

+ Không đồng ý yêu cầu khởi kiện của cụ Trịnh Thị Th;

+ Không thừa nhận nửa căn nhà và đất nêu trên là di sản của cụ T để lại và cũng không đồng ý nhà đất tại số C, đường P là tài sản chung của cụ Th và cụ T, mà thuộc quyền sở hữu của một mình cụ Th;

+ Căn nhà và đất tại số C, đường P do cụ Th đã chuyển nhượng cho bà Trần Thị Ngọc B nên bà đề nghị Tòa án không thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện nêu trên của cụ Th vì không có căn cứ, trái quy định pháp luật. Cụ Th phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ nhà đất tại số C, đường P cho bà Trần Thị Ngọc B. Trong trường hợp Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án này, bà đề nghị đưa bà Trần Thị Ngọc B tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bà cũng như của cụ Th.

Đối với ông Trịnh Ngọc Minh H, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, ông H đã có văn bản từ chối tham gia tố tụng và tặng cho toàn bộ phần kỷ phần mình được hưởng cho cụ Th. Tòa án cấp sơ thẩm xác định việc ông H không tham gia tố tụng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên không triệu tập và không đưa ông H vào tham gia tố tụng nữa.

Ti Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2016/DS-ST ngày 14/12/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định:

Căn cứ Điều 29; Điều 37; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 40; khoản 1 Điều 147; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng các Điều 632, 633, 634, 635, 636, 638, 645, 674, 675, 676 của Bộ luật Dân sự. Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Trịnh Thị Th về việc chia thừa kế đối với nhà và đất tại số C, đường P, thành phố PL, tỉnh Gia Lai.

- Di sản được chia (tài sản do cụ Trịnh T để lại và hiện nay cụ Trịnh Thị Th đang quản lý, sử dụng) là một nửa nhà, đất trên trị giá 7.500.000.000 đồng;

- Chia di sản của cụ Trịnh T để lại thành 6 kỷ phần bằng nhau cho các thừa kế gồm cụ Trịnh Thị Th, ông Trịnh Ngọc Linh P, bà Trịnh Thị S, bà Trịnh Thị N, ông  Trịnh  Ngọc  Minh  H,  bà  Trịnh  Thị  Ngọc  D;  mỗi  kỷ  phần  có  giá  trị 1.250.000.000 đồng.

Giao cho cụ Trịnh Thị Th được quyền sở hữu, sử dụng di sản là nhà, đất tại số C, đường P, thành phố PL, tỉnh Gia Lai do cụ Trịnh T để lại. Cụ Trịnh Thị Th được quyền liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục để đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đối với nhà và đất nêu trên.

Cụ Trịnh Thị Th có nghĩa vụ phải thanh toán cho ông Trịnh Ngọc Linh P, bà Trịnh Thị S, bà Trịnh Thị N, bà Trịnh Thị Ngọc D, mỗi người là 1.250.000.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên trách nhiệm về án phí, thực hiện nghĩa vụ chậm trả, quy định về thi hành án dân sự và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ny 26/12/2016, bà Trịnh Thị S nộp đơn kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2016/DS-ST ngày 14/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không khách quan, không đúng quy định của pháp luật; đề nghị hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn.

Sau khi Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, ngày 10/3/2017 ông Nguyễn H (là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cụ Trịnh Thị Th) nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện đề ngày 17/01/2017 của cụ Trịnh Thị Th và văn bản trình bày ý kiến của bà Trịnh Thị S (tại thời điểm này bà S vừa là bị đơn, vừa là đại diện theo ủy quyền của ông Trịnh Ngọc Linh P và bà Trịnh Thị Ngọc D) hoàn toàn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của cụ Trịnh Thị Th. Bà Trịnh Thị N là bị đơn không có ý kiến gì về việc rút đơn khởi kiện của cụ Th.

Ti phiên tòa phúc thẩm:

- Ông Nguyễn H vẫn giữ nguyên yêu cầu rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; bà S nhất trí việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện; ông Trịnh Hoàng Q không nhất trí việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện;

- Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án;

- Bà Trịnh Thị S giữ nguyên kháng cáo; đồng thời trình bày ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét các nội dung cụ thể như sau:

Theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai thì nhà đất tại số C, đường P được trả cho cụ Th nên đó là của riêng cụ Th; thời điểm cụ Trịnh T chết, nhà đất này do Nhà nước quản lý và quyền sử dụng đất không được công nhận là di sản thừa kế, tính đến nay thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Trịnh T để lại đã hết; việc cụ Th khởi kiện vụ án dân sự này là do bị người khác tác động, ép buộc, không theo ý chí của cụ Th; nhà đất trên cụ Th đã thỏa thuận và nhận tiền đặt cọc để chuyển nhượng cho bà B nên Tòa án cấp sơ thẩm quyết định chia một nửa căn nhà này là không đúng pháp luật, đồng thời không đưa bà B vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Với các căn cứ trên, bà S đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp vụ án vẫn được xét xử phúc thẩm thì bà cũng đề nghị hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện.

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật đối với các thủ tục tố tụng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm bảo đảm đúng quy định của pháp luật; việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà B vào tham gia tố tụng trong vụ án là đúng vì bà B không có liên quan gì đến chia di sản thừa kế; ông Trịnh Ngọc Minh H có văn bản từ chối tham gia tố tụng và tự nguyện tặng cho phần kỷ phần di sản thừa kế được hưởng cho cụ Th nên Tòa án sơ thẩm không đưa ông H vào tham gia tố tụng là đúng. Về nội dung, nhà đất tại số C, đường P là tài sản chung của cụ T và cụ Th; thời hiệu khởi kiện chia thừa kế vẫn còn; Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ T để lại là một nửa nhà đất nêu trên và được chia đều cho 6 người được hưởng thừa kế là đúng pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Trịnh Thị S và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện:

[1.1] Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn H vẫn giữ nguyên yêu cầu rút đơn khởi kiện của cụ Trịnh Thị Th; bị đơn bà Trịnh Thị S, đồng thời là đại diện theo ủy quyền của bà Trịnh Thị Ngọc D nhất trí việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Trịnh Thị N và ông Trịnh Ngọc Linh P là ông Trịnh Hoàng Q không nhất trí việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện.

[1.2] Do việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn không được các bị đơn nhất trí; căn cứ điểm a khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn bà Trịnh Thị S:

[2.1] Về việc bà S và ông H cho rằng nhà đất tại số C, đường P là của riêng cụ Th và đã hết thời hiệu chia thừa kế:

[2.1.1] Xét thấy, nguốn gốc nhà và đất tại số C, đường P là tài sản được cụ T và cụ Th tạo lập từ trước năm 1975, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì đây là sản chung của vợ chồng cụ T và cụ Th. Do chiến tranh, nên cả gia đình cụ T phải chuyển đến Đồng Nai sinh sống và sau năm 1975 tài sản này do nhà nước quản lý. Khi còn sống, cụ T đã nhiều lần đề nghị Nhà nước trả lại tài sản trên và sau này là ngày 18/5/1992 cụ T đã ủy quyền cho cụ Th tiếp tục liên hệ để xin lại nhà, đất của mình (BL: 172) đã thể hiện việc cụ T và cụ Th liên tục khẳng định là chủ sở hữu của tài sản này. Sự việc này đã được cụ Th và các con của cụ là ông P, bà N, ông H và bà D thừa nhận là đúng sự thật. Đối với Quyết định trả lại nhà và đất ở số 80/QĐ-UBND ngày 29/01/2013 của ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai mặc dù không ghi tên cụ Trịnh T, mà chỉ ghi “Trả lại căn nhà số C, đường P, thành phố PL, tỉnh Gia Lai cho bà Trịnh Thị Th ” là do cụ T đã chết, cụ Th là người được cụ T ủy quyền để xin lại nhà đất của mình. Do đó, Quyết định này mặc dù ghi trả lại nhà đất cho cụ Th, nhưng không làm thay đổi hình thức sở hữu chung của vợ chồng cụ T và cụ Th. Vì vậy, việc bà S cho rằng nhà đất tại số C, đường P là tài sản riêng của cụ Trịnh Thị Th là không có căn cứ.

[2.1.2] Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”; Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết...”. Cụ Trịnh T chết năm 1992, tại thời điểm này tài sản chung của cụ T, cụ Th là căn nhà và đất tại số C, đường P do Nhà nước đang quản lý nên những người thừa kế không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ về dân sự đối với tài sản này. Căn cứ Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì trong trường hợp này được xác định là “do có trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu và không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình”. Do đó, khoảng thời gian từ khi cụ Trịnh T chết (năm 1992) đến ngày được Nhà nước trả lại nhà, đất cho gia đình cụ T, cụ Th (ngày 29/01/2013) không được tính vào thời hiệu khởi kiện chia thừa kế. Như vậy, việc cụ Th khởi kiện ngày 27/5/2016 yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Trịnh T để lại là vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.

[2.1.3] Từ các căn cứ nêu trên đã có đủ cơ sở khẳng định: Tòa án cấp sơ thẩm xác định nhà đất tại số C, đường P là tài sản chung của vợ chồng cụ T và cụ Th; di sản thừa kế của cụ T để lại là một nửa căn nhà và đất tại số C, đường P nên đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Th chia phần di sản thừa kế của cụ T cho những người được hưởng thừa kế là đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc bà Trịnh Thị S và ông Nguyễn H cho rằng nhà đất tại số C, đường P là của riêng cụ Th và đã hết thời hiệu chia thừa kế là không có cơ sở.

[2.2] Về ý kiến của bà S và ông Nguyễn H cho rằng việc cụ Th khởi kiện là do sự tác động, ép buộc của người khác, không theo ý chí của cụ Th: Tại phiên tòa, bà S và ông H đều cho rằng cụ Th bị những người muốn mua nhà đất của cụ khống chế cụ, không cho cụ được liên hệ với người nhà và ép buộc cụ phải điểm chỉ các văn bản để khởi kiện vụ án này nhưng không xuất trình được chứng cứ, tài liệu nào để chứng minh. Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của ông Trịnh Hoàng Q tại phiên tòa, thấy rằng: Tại Đơn khởi kiện của cụ Trịnh Thị Th có điểm chỉ của cụ và được Văn phòng Công chứng Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh chứng thực “Bà Trịnh Thị Th có Giấy chứng minh nhân dân số 270 397 077 cam đoan đã hiểu, tự chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản và đã lăn tay vào giấy tờ, văn bản này trước mặt tôi (Công chứng viên Ngô Thị Thuận)” (BL: 01, 02); tại biên bản lấy lời khai của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ngày 27/6/2016, cũng như tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 07/9/2016, bản thân cụ Th có mặt đã đề nghị Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế của cụ Trịnh T để lại theo quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị Tòa án nhanh chóng giải quyết vụ án (BL: 20, 108-111); tại các biên bản lấy lời khai của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ngày 27/6/2016 đối với ông Trịnh Ngọc Linh P, bà Trịnh Thị N, bà Trịnh Thị Ngọc D đều thể hiện các ông, bà này nhất trí việc khởi kiện của cụ Th và đề nghị được nhận phần kỷ phần được hưởng bằng tiền, còn nhà đất giao cho cụ Th quản lý, sử dụng (BL: 16, 18, 19). Những căn cứ nêu trên đã thể hiện việc cụ Th khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T để lại là tự nguyện, đúng theo ý chí của cụ; không có cơ sở nào thể hiện việc cụ Th khởi kiện là do sự tác động, ép buộc của người khác như ý kiến trình bày của bà S và ông H.

[2.3] Về yêu cầu xem xét giao dịch chuyển nhượng nhà đất số C, đường P giữa cụ Th, bà Trần Thị Ngọc B và đưa bà B vào tham gia tố tụng trong vụ án: Hội đồng xét xử thấy rằng, giao dịch chuyển nhượng nhà đất số C, đường P giữa cụ Th và bà Trần Thị Ngọc B đã được bà B khởi kiện và đã được Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý bằng một vụ án dân sự khác. Trong vụ án này, Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết yêu cầu của cụ Th về việc chia di sản thừa kế do cụ Trịnh T để lại; cụ Trịnh T không có nghĩa vụ dân sự nào có liên quan đến bà B; bà B không có quyền, nghĩa vụ nào đối với việc chia di sản thừa kế do cụ Trịnh T để lại. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, bà B cũng có đơn khiếu nại yêu cầu được tham gia tố tụng trong vụ án dân sự này và đã được Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giải quyết đơn khiếu nại không chấp nhận yêu cầu của bà B. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã không đưa bà B vào tham gia tố tụng trong vụ án là đúng pháp luật.

[2.4] Từ những căn cứ trên và ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Trịnh Thị Th là đúng pháp luật; không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Trịnh Thị S.

[3] Các quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng. Tuy nhiên, khi bà S Kháng cáo ngày 26/12/2016 thì Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án đang có hiệu lực tại thời điểm đó thông báo cho bà S nộp 200.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Căn cứ khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng xét xử thống nhất giảm 100.000 đồng án phí dân sự cho bà S; cụ thể, bà S phải chịu 200.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 299 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29, Điều 47 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn cụ Trịnh Thị Th.

2. Không chấp nhận kháng cáo của bà Trịnh Thị S và giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2016/DS-ST ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

Áp dụng các Điều 161, 632, 633, 634, 635, 645, 674, 675, 676, 685 của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11. Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Trịnh Thị Th về việc chia di sản thừa kế đối với nhà và đất tại số C, đường P, thành phố PL, tỉnh Gia Lai.

- Di sản được chia (tài sản do cụ Trịnh T để lại và hiện nay cụ Trịnh Thị Th đang quản lý, sử dụng) là một nửa nhà, đất trên có trị giá 7.500.000.000 đồng;

- Chia di sản thừa kế của cụ Trịnh T để lại thành 06 kỷ phần bằng nhau cho những người thừa kế gồm: Cụ Trịnh Thị Th, ông Trịnh Ngọc Linh P, bà Trịnh Thị S, bà Trịnh Thị N, ông Trịnh Ngọc Minh H, bà Trịnh Thị Ngọc D; mỗi kỷ phần có giá trị 1.250.000.000 (Một tỷ hai trăm năm mươi triệu) đồng.

Giao cho cụ Trịnh Thị Th được quyền sở hữu, sử dụng phần tài sản của cụ và phần di sản do cụ Trịnh T để lại là căn nhà và quyền sử dụng đất tại số C, đường P, thành phố PL, tỉnh Gia Lai. Cụ Trịnh Thị Th được quyền liên hệ với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Cụ Trịnh Thị Th có nghĩa vụ phải thanh toán cho ông Trịnh Ngọc Linh P, bà Trịnh Thị S, bà Trịnh Thị N, bà Trịnh Thị Ngọc D: Mỗi người là 1.250.000.000 (Một tỷ hai trăm năm mươi triệu) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Trịnh Thị S phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng, được trừ vào số tiền 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo “Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án” số 0000389 ngày 26/12/2016 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (24 tháng 7 năm 2017)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1103
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2017/DS-PT ngày 27/04/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:25/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:27/04/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về