Bản án 24/2019/HSST ngày 10/10/2019 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KBANG - TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 24/2019/HSST NGÀY 10/10/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 10/10/2019, tại Hội trường xét xử TAND huyện Kbang, TAND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 16/2019/HS-ST ngày 25/6/2019 đối với các bị cáo:

1. Đậu Minh G, sinh ngày 30/10/1983 tại: Q, T, B; hộ khẩu thường trú (HKTT): Xã Q, huyện T, tỉnh B; chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố 7 (trước đây là Tổ dân phố 9), thị trấn K, huyện K, tỉnh G; nghề nghiệp: Tổ phó Tổ bảo vệ rừng (BVR) Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Roong (sau đây gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong); trình độ học vấn: 12/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Đậu Minh T và bà Nguyễn Thị L, vợ là Hồ Thị T và 02 con.

2. Đồng Anh Tuấn, sinh ngày 13/8/1988 tại: M, Q, N; HKTT: Thôn Suối U, xã Đ, huyện K, tỉnh G; nghề nghiệp: Tổ trưởng Tổ BVR Công ty TNHH Lâm nghiệp ĐăkRoong; trình độ học vấn: 12/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Đồng Quyết T và bà Lương Thị O, vợ là Nguyễn Thị Thúy H và 01 con.

3. Lâm Quốc T, sinh ngày 12/4/1983 tại: T, T, B; HKTT: Xã T, huyện T, tỉnh B; chỗ ở hiện nay: Thôn Suối U, xã Đ, huyện K, tỉnh G; nghề nghiệp: Trưởng phòng quản lý kỹ thuật (QLKT) Công ty Lâm nghiệp Đ; trình độ học vấn: 12/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Lâm T và bà Võ Thị T, vợ là Trần Thị H và 03 con.

4. Đinh Văn K, sinh năm 1988 tại: K, G; HKTT: Làng Kon Lanh 1, xã Đ, huyện K, G; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 05/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Đinh L và bà Đinh Thị P, vợ là Đinh Thị K.

5. Đinh Văn Q, tên gọi khác: B, sinh năm 1986 tại: K, G; HKTT: Làng Kon Lanh 1, xã Đ, huyện K, G; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 02/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Đinh Văn X và bà Đinh Thị P, vợ là Đinh Thị T và 02 con.

Các bị cáo hiện đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

*Người bị hại:

1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập (sau đây gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập);

Đại diện theo ủy quyền: Ông Đàm Văn T, Phó Giám đốc Công ty (có mặt).

Trú tại: Thôn Trạm Lập, xã S, huyện K, tỉnh G.

2. Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong;

Đại diện theo ủy quyền: Ông Ngô Thanh V, Kế toán trưởng Công ty (có mặt).

Trú tại: Thôn Suối U, xã Đ, huyện K, tỉnh G.

*Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Q và Đinh Văn K: Ông Nguyễn Thành T, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 8/2018, ba cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong gồm Đồng Anh T (Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 3) và Đậu Minh G (Tổ phó Tổ bảo vệ rừng số 3) và Lâm Quốc T (Trưởng phòng QLKT) là người được phân công quản lý tiểu khu 21, 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện K, tỉnh G nắm được thông tin có một số đối tượng sẽ vận chuyển gỗ trái phép theo đường từ Lũng Lô đi Bãi Cháy (thuộc tiểu khu 21, 27 địa bàn giáp ranh giữa lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý). G, T và Tr bàn nhau thuê máy múc để đào đường ngăn việc vận chuyển lâm sản trái phép nhưng do không thuê được máy múc nên cả ba bàn nhau thuê người cắt hạ một số cây khô, những cây có giá trị kinh tế thấp cho đổ ngang đường để ngăn không cho lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép. Sau đó G đã thuê Đinh Văn K và Đinh Văn Q, cùng trú tại làng Kon Lanh 1, xã Đ đi cắt hạ cây. Từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2018, T, G và T đã thuê K và Q sử dụng cưa xăng của Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong cắt hạ gỗ trái phép 03 lần, cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Khoảng tháng 8/2018 (không xác định được ngày), khoảng 08 giờ, Giang gọi điện thoại cho K nói K đi cưa hạ cây, G trả tiền công. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, Khiếu đến Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong thì gặp G. Sau khi chuẩn bị cưa, xăng và nhớt thì G điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 81S1-1145 chở K ngồi sau cầm 01 cái cưa xăng đến tiểu khu 21, 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý. G dẫn K đi cưa hạ cây gỗ theo hướng từ Bãi Cháy đi Lũng Lô. Giang chỉ cây hai bên đường cho K cưa hạ. G chỉ cây nào thì K dùng cưa xăng cưa hạ cây đó cho đổ ngang đường. G đã chỉ cho Khiếu cắt hạ 08 (tám) cây gồm các cây có số thứ tự là 09, 10, 11, 18, 27, 29, 31 và 32 theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 05/11/2018 và biên bản thực nghiệm điều tra ngày 28/02/2019. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày thì G và K về lại Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong, G trả cho K 100.000 đồng tiền công rồi K đi về làng. Sau khi cưa hạ cây về, G có báo lại cho Tvà T biết.

Lần thứ hai: Khoảng tháng 9/2018, qua kiểm tra phát hiện số cây cắt hạ trước đó đã bị các đối tượng khác cắt khúc, dọn tấp vào hai bên lề đường nên Tn, G về báo lại cho T biết. Cả ba tiếp tục bàn bạc thuê người cắt hạ cây nhằm ngăn chặn việc vận chuyển gỗ trái phép. Sau đó khoảng 08 giờ (không xác định được ngày), Giang đến nhà của K tại làng Kon Lanh 1, xã Đ nói K đi cắt hạ cây, G nói với K gọi thêm người cùng đi làm rồi về lại Công ty. K đến nhà của Đinh Văn Q ở cùng làng với Khiếu, rủ Q cùng đi cưa hạ cây cho G để lấy tiền công. Khoảng 09 giờ cùng ngày, K điều khiển xe mô tô (không xác định được biển kiểm soát) của K chở Quân đến Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong gặp T và G đang chờ. Sau khi chuẩn bị cưa, xăng và nhớt thì Tuấn và Giang dẫn K và Q đi vào tiểu khu 21, 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý để cắt hạ cây. G và T dẫn K và Q đi cưa hạ cây gỗ theo hướng từ Bãi Cháy đi Lũng Lô. G và T chỉ cây nào thì K và Q thay nhau cưa hạ cây cho đổ ngang đường. Tổng cộng K và Q đã cắt hạ 13 (mười ba) cây, gồm các cây có số thứ tự là 02, 03, 04, 06, 07, 12, 14, 15, 16, 17, 26, 28 và 30 theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 05/11/2018 và biên bản thực nghiệm điều tra ngày 28/02/2019. Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày thì Giang, Tuấn, K và Q về lại Công ty. Khi đi đến trước UBND xã Đăk Rong thì ghé vào uống nước. Sau đó G đưa cho K và Q mỗi người 50.000 đồng tiền công cưa hạ gỗ rồi K và Q về lại làng, G và T về lại Công ty và báo lại cho T biết.

Lần thứ ba: Tương tự như trên, khoảng cuối tháng 10/2018, thấy số cây cắt hạ lần thứ hai đã bị cắt khúc, dọn tấp sang hai bên đường nên T, G và Tr tiếp tục thuê K đi cắt hạ cây gỗ. T và G dẫn K đi theo đường từ Lũng Lô đi Bãi Cháy, T và G chỉ cho K dùng cưa xăng cắt hạ cây đổ ngang đường. K cắt hạ 07 (bảy) cây, gồm các cây có số thứ tự là 13, 19, 20, 21, 22, 23 và 24 theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 05/11/2018 và biên bản thực nghiệm điều tra ngày 28/02/2019. Sau khi cắt hạ cây, G đưa cho K 200.000 đồng rồi cùng với T về lại Công ty báo lại cho T biết.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 10, 12a tiểu khu 21; khoảnh 4, 4a tiểu khu 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; thuộc loại rừng sản xuất; trạng thái rừng TXB, rừng thường xanh trung bình. Qua kiểm tra thực tế phát hiện có 32 (ba mươi hai) cây gỗ gồm: 01 cây gỗ Giổi, nhóm III; 08 cây Chua khét, nhóm III;

02 cây gỗ Giẻ đỏ, nhóm V; 06 cây Giẻ trắng, nhóm VII; 04 cây gỗ Hồng Tùng, nhóm IV, 02 cây gỗ Thạch đảm, nhóm VII; 08 cây Trâm Tía, nhóm 5; 01 cây SP7, nhóm VII, bị cắt hạ cưa, xẻ trái phép bằng phương tiện cưa xăng. Trong đó lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong bị chặt hạ 17 cây, lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập bị chặt hạ 15 cây. Khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ còn lại tại hiện trường có khả năng thu giữ là 67 lóng, khúc, thanh tấm; trong đó Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập là 21 lóng, khúc và Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong là 14 lóng, khúc. Mở rộng hiện trường về các hướng không phát hiện gì khác, không thu giữ được phương tiện, đồ vật gì liên quan.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Kbang, tỉnh Gia Lai thu giữ vật chứng gồm:

- Gỗ còn lại tại hiện trường đã thu giữ, bảo quản tại kho bãi của Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong là 67 lóng, khúc, thanh tấm có khối lượng 26,353 m3 (gỗ tròn là 35 lóng, khúc có khối lượng 25,588 m3 và gỗ xẻ là 32 tấm có khối lượng là 0,765 m3). Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định xử lý vật chứng trả lại cho Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập 21 lóng, khúc có khối lượng 16,046 m3 và trả lại cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong 14 lóng, khúc có khối lượng 9,542 m3 gỗ tròn và 0,765 m3 gỗ xẻ.

- 01 (một) cưa xăng nhãn hiệu STIHL MS660, lam cưa dài 80cm, kèm theo xích, cưa đã qua sử dụng, không kiểm tra máy móc bên trong.

Ngoài ra quá trình điều tra xác định xe mô tô biển kiểm soát 81S1-1145 do Giang dùng làm phương tiện dẫn K, Q đến hiện trường khai thác gỗ trái phép là tài sản hợp pháp của chị Hồ Thị T (vợ của Giang, sinh năm 1981) trú tại tổ dân phố 9, thị trấn K, huyện K, tỉnh G. Việc G sử dụng xe mô tô trên đi khai thác gỗ trái phép chị T không biết, G cũng không nói cho chị T biết việc này nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang không xem xét trách nhiệm đối với chị T là có căn cứ.

Điện thoại di động của G và K liên lạc nhau khi Ggọi điện thuê K chặt cây rừng do cũ, hư hỏng các bị cáo đã vứt bỏ, thất lạc đâu không rõ. Xe mô tô K dùng chở Q đến hiện trường khai thác gỗ, Khiếu khai là xe của bị cáo nhưng hiện xe mô tô này Khiếu đã bán cho một người không rõ lai lịch nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang không thu giữ được.

Ngày 04/4/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện K, tỉnh G đã trưng cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai giám định vị trí, loại rừng, khối lượng gỗ thiệt hại, giá trị thiệt hại về môi trường của 32 cây gỗ bị cắt hạ, khai thác trái phép tại tiểu khu 21, 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đăk Rong, huyện K, tỉnh G. Kết quả xác định:

- Vị trí: Tại khoảnh 10, 12a tiểu khu 21; khoảnh 4, 4a tiểu khu 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện K, tỉnh G.

- Loại rừng: Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI thông qua tại Nghị quyết số: 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 (bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai năm 2017): Thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất.

- Hiện trạng: Theo Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai năm 2017 là rừng tự nhiên.

- Chủ quản lý: Thuộc diện tích do Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý.

- Tổng khối lượng gỗ thiệt hại: 29,769 m3.

+ Gỗ lớn: 25,338 m3.

+ Gỗ nhỏ: 0,216 m3.

+ Gỗ cành ngọn: 4,215 m3.

+ Củi: 3,536 Ster.

- Giá trị thiệt hại về môi trường: Căn cứ Thông tư số: 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Thông tư quy định phương pháp định giá rừng; khung giá rừng.

Giá trị thiệt hại về môi trường được tính bằng giá trị của rừng về lâm sản nhân với hệ số K điều chỉnh thiệt hại về môi trường, chức năng sinh thái của rừng.

Khoảnh 10, 12a tiểu khu 21; khoảnh 4, 4a tiểu khu 27 là rừng tự nhiên sản xuất do đó hệ số K=3. Giá trị thiệt hại về môi trường=Giá trị lâm sản x 3.

Ngày 06/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang đã trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kbang, tỉnh Gia Lai về trị giá thiệt hại của tổng khối lượng gỗ bị cắt hạ, thiệt hại về môi trường và trị giá toàn bộ số gỗ tròn, gỗ xẻ thu giữ được. Tại Kết luận giám định số: 18/KL-HĐĐG ngày 10/5/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kbang kết luận như sau:

- Giá trị thiệt hại về môi trường của khối lượng 29,769 m3 gỗ tròn và 3,536 ster củi bị cắt hạ trên lâm phần của từng Công ty quản lý, tại thời điểm định giá như sau:

Căn cứ Luật lâm nghiệp năm 2017 và khoản 3 điều 11 mục 3 của Thông tư số: 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ số “k” đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên là k=3.

+ Giá trị thiệt hại về môi trường của 17 cây gỗ có khối lượng 12,974 m3 và 1,543 ster củi thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Rong là 56.716.658 đồng x 3 = 170.149.974 đồng (Một trăm bảy mươi triệu, một trăm bốn mươi chín ngàn, chín trăm bảy mươi tư đồng).

+ Giá trị thiệt hại về môi trường của 15 cây gỗ có khối lượng 16,795 m3 và 1,993 ster củi thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập là 59.452.682 đồng x 3 = 178.358.046 đồng (một trăm bảy mươi tám triệu, ba trăm năm mươi tám ngàn, không trăm bốn mươi sáu đồng).

- 01 cây gỗ Giổi và 03 Hồng Tùng có khối lượng 6,287 m3 và 0,746 ster củi có giá trị thiệt hại là 32.835.015 đồng (ba mươi hai triệu, tám trăm ba mươi lăm ngàn, không trăm mười lăm đồng).

Giá trị thiệt hại về môi trường: Căn cứ Luật lâm nghiệp năm 2017 và khoản 3 điều 11 mục 3 của Thông tư số: 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ số “k” đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên là k=3 nên giá trị thiệt hại về môi trường của 01 cây gỗ Giổi và 03 Hồng Tùng là 32.835.015 đồng x 3 = 98.505.045 đồng (chín mươi tám triệu, năm trăm linh năm ngàn, không trăm bốn mươi lăm đồng).

2. Giá trị của số gỗ đã thu gom:

- Tổng giá trị của khối lượng gỗ thu giữ được là 80.789.150 đồng (tám mươi triệu, bảy trăm tám mươi chín ngàn, một trăm năm mươi đồng), trong đó:

+ Giá trị của 35 lóng gỗ có khối lượng 25,588 m3 là 77.300.750 đồng (bảy mươi bảy triệu, ba trăm ngàn, bảy trăm năm mươi đồng).

+ Giá trị của 32 tấm gỗ xẻ có khối lượng 0,765 m3 là 3.488.400 đồng (ba triệu, bốn trăm tám mươi tám ngàn, bốn trăm đồng).

- Giá trị của gỗ thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong là 30.287.700 đồng (ba mươi triệu, hai trăm tám mươi bảy ngàn, bảy trăm đồng), trong đó:

+ Giá trị của gỗ tròn có khối lượng 9,542 m3 là 26.799.300 đồng (hai mươi sáu triệu, bảy trăm chín mươi chín ngàn, ba trăm đồng) + Giá trị của 32 tấm gỗ xẻ có khối lượng 0,765 m3 là 3.488.400 đồng (ba triệu, bốn trăm tám mươi tám ngàn, bốn trăm đồng).

- Giá trị của gỗ thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập có khối lượng gỗ 16,046 m3 là 50.501.450 đồng (năm mươi triệu, năm trăm linh một ngàn, bốn trăm năm mươi đồng).

Ngoài ra, quá trình điều tra xác định lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong quản lý có 17 cây bị cắt hạ với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 12,974 m3 và củi 1,543 Ster; lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý có 15 cây bị cắt hạ với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 16,795 m3 và củi là 1,993 Ster.

Căn cứ kết quả điều tra và đối chiếu biểu tính khối lượng gỗ, củi thiệt hại kèm theo kết luận giám định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai xác định khối lượng gỗ, củi thiệt hại do các bị cáo cắt hạ, khai thác trái phép trong ba lần cụ thể như sau:

Lần thứ nhất có 8 cây bị cắt hạ với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 5,900m3 cụ thể: Cây số 9 (Giẻ đỏ): 0,487 m3, Cây số 10 (Giẻ trắng): 1,012 m3, Cây số 11 (Trâm tía): 0,560 m3, Cây số 18 (Giẻ trắng): 2,065 m3, Cây số 27 (Chua khét): 0,420 m3, Cây số 29 (SP7): 0,302 m3, Cây số 31 (Chua khét): 0,567 m3, Cây số 32 (Giẻ đỏ): 0,487 m3 và củi 0,700 Ster.

Lần thứ hai có 13 cây bị cắt hạ với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 11,566m3, cụ thể: Khiếu trực tiếp cắt hạ Cây số 2 (Giẻ trắng): 0,560 m3, Cây số 3 (Thạch đảm): 0,216 m3, Cây số 4 (Thạch đảm): 0,302 m3, Cây số 6 (Trâm tía): 1,012 m3, Cây số 15 (Trâm tía): 0,723 m3 và Cây số 17 (Chua khét): 1,358 m3; Quân trực tiếp cắt hạ: Cây số 7 (Giẻ trắng): 0,302 m3, Cây số 12 (Trâm tía): 1,485 m3, Cây số 14 (Trâm tía): 1,012 m3, Cây số 16 (Trâm tía): 3,136 m3, Cây số 26 (Chua khét): 0,420 m3, Cây số 28 (Chua khét): 0,317 m3, Cây số 30 (Trâm tía): 0,723 m3 và củi 1,377 Ster.

Lần thứ ba có 7 cây bị cắt hạ với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 6,016m3, cụ thể: Cây số 13 (Giẻ trắng): 0,813 m3, Cây số 19 (Trâm tía): 0,723 m3, Cây số 20 (Chua khét): 0,560 m3, Cây số 21 (Hồng tùng): 0,317 m3, Cây số 22 (Chua khét): 2,065 m3, Cây số 23 (Giẻ trắng): 0,302 m3 và Cây số 24 (Chua khét): 1,236 m3 và củi 0,713 Ster.

Tại Cơ quan CSĐT, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Qua làm việc với các bị cáo T, T và G thì việc bàn bạc, thống nhất và thuê người cắt hạ cây gỗ trái phép là vì mục đích ngăn chặn việc vận chuyển lâm sản trái phép chứ không vì động cơ vụ lợi cá nhân và những cây gỗ mà các bị cáo thuê người cắt hạ đều là những cây gỗ tạp, có giá trị kinh tế thấp. Trong số 32 cây gỗ bị cắt hạ, khai thác trái phép thì T, G và T đã thuê người cắt hạ 28 cây với tổng khối lượng gỗ thiệt hại 23,482m3; còn lại 01 cây gỗ Giổi và 3 cây gỗ Hồng Tùng, tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 6,287 m3và 0,746 Ster củi vẫn chưa xác định được đối tượng khai thác trái phép, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang sẽ tiếp tục điều tra xác minh xử lý sau.

Đối với Đinh Văn K và Đinh Văn Q là những người được thuê và trực tiếp sử dụng cưa xăng cắt hạ cây trái phép. K tham gia cắt hạ cả ba lần, Q tham gia một lần cắt hạ 13 cây có khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 11,566m3, hai lần còn lại Q không biết và không tham gia.

Trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án: Tổng trị giá thiệt hại của 28 cây gỗ các bị cáo cắt hạ, khai thác trái phép là 83.334.325 đồng, trị giá số gỗ thu giữ được của 28 cây gỗ trên là 68.351.150 đồng, các bị cáo phải bồi thường chênh lệch thiệt hại là 14.983.175 đồng, trong đó bồi thường cho Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập là 8.951.232 đồng và bồi thường cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong là 6.031.943 đồng. Tiền thiệt hại môi trường của 28 cây gỗ do các bị cáo cắt hạ, khai thác trái phép là 250.002.975 đồng (trong đó lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong là 71.644.929 đồng, lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập là 178.358.046 đồng ).

Trong quá trình điều tra và chuẩn bị xét xử, các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền để bồi thường khắc phục một phần hậu quả do mình gây ra, cụ thể: Các bị cáo T, T và G mỗi người đã nộp 4.494.392 đồng; bị cáo K đã nộp 1.350.000 đồng, gồm: 350.000 đồng là tiền thu lợi bất chính và 1.000.000 đồng là tiền bồi thường; bị cáo Q đã nộp 550.000 đồng, gồm: 50.000 đồng là tiền thu lợi bất chính và 500.000 đồng là tiền bồi thường.

Tại Bản cáo trạng số: 15/CT-VKS ngày 21/6/2019, VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã truy tố Đậu Minh G, Đồng Anh T, Lâm Quốc T và Đinh Văn K về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS) và truy tố Đinh Văn Q về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên toà, đại diện VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vẫn giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như nội dung Bản cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố các bị cáo Đậu Minh G, Đồng Anh T, Lâm Quốc T, Đinh Văn K và Đinh Văn Q phạm tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Đề nghị áp dụng b khoản 2 Điều 232; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 58 và 65 của BLHS để xử phạt bị cáo Đậu Minh G, Đồng Anh T và Đinh Văn K mỗi bị cáo từ 26 đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 52 đến 60 tháng; xử phạt bị cáo Lâm Quốc T từ 24 đến 26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 đến 52 tháng. Đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 58 và 36 của BLHS để xử phạt bị cáo Đinh Văn Q từ 09 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại về môi trường do hành vi phạm tội của mình gây ra cho Nhà nước.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị tuyên trả lại cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong 01 cưa xăng nhãn hiệu STIHL MS660, lam cưa dài 80cm, kèm theo xích, cưa đã qua sử dụng.

Tuyên trả lại cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập số tiền mà các bị cáo đã tự nguyện bồi thường là 14.983.175 đồng và tuyên sung ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính là 400.000 đồng.

Về án phí: Buộc các bị cáo T, T và G phải chịu án phí hình sự sơ thẩm (HSST) và dân sự sơ thẩm (DSST) theo quy định.

Đề nghị miễn án phí HSST và DSST cho hai bị cáo Q và K.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung Bản cáo trạng đã nêu, không tranh luận gì với đại diện Viện Kiểm sát và xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện theo ủy quyền của người bị hại xin nhận lại số tiền bồi thường mà các bị cáo đã giao nộp, không có yêu cầu gì thêm và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Người bào chữa cho các bị cáo Đinh Văn K và Đinh Văn Q trình bày nội dung bào chữa: Nhất trí với tội danh và điều luật mà Bản cáo trạng của VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã truy tố đối với hai bị cáo và đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt là:

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Q và K đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo đã bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại gây ra cho người bị hại. Ngoài ra, hai bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nên trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế; các bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, đây là lần đầu bị cáo K phạm tội; tại phiên tòa, đại diện của người bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo; gia đình hai bị cáo thuộc diện có công với cách mạng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Đối với bị cáo Q còn phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Vì vậy, mức hình phạt mà đại diện VKSND huyện Kbang đề nghị đối với bị cáo Q là phù hợp; mức hình phạt đề nghị đối với bị cáo K là quá nghiêm khắc nên đề nghị HĐXX xem xét xử phạt bị cáo K mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 232 BLHS và cho bị cáo được hưởng án treo là hợp tình, hợp lý và đúng pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị HĐXX xem xét mức bồi thường phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và điều kiện, hoàn cảnh của hai bị cáo.

Về án phí: Do bị cáo K và Q là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, hai bị cáo đã có đơn xin miễn nộp tiền án phí nên đề nghị HĐXX xem xét miễn án phí HSST và DSST cho hai bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang, Điều tra viên, VKSND huyện Kbang, KSV trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, người đại diện của người bị hại, người bào chữa cho bị cáo Quân và Khiếu không có người nào ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa hôm nay, lời khai của các bị cáo Đậu Minh G, Đồng Anh T, Lâm Quốc T, Đinh Văn K và Đinh Văn Q phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó có đủ cơ sở để khẳng định rằng:

Đồng Anh T là Tổ trưởng, Đậu Minh G là Tổ phó Tổ BVR số 3 và Lâm Quốc T là Trưởng phòng QLKT của Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong; được phân công quản lý các tiểu khu 21 và 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong thuộc địa giới hành chính xã Đăk Rong, huyện K, tỉnh G. Do nắm được thông tin có một số đối tượng sẽ vận chuyển gỗ trái phép theo đường từ Lũng Lô đi Bãi Cháy (thuộc tiểu khu 21 và 27 địa bàn giáp ranh giữa lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý) nên G, T và T đã bàn nhau thuê người cắt hạ một số cây khô, những cây có giá trị kinh tế thấp cho đổ ngang đường để ngăn không cho lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép.

Sau khi bàn bạc, đến khoảng tháng 8/2018, Giang liên hệ thuê và chở Đinh Văn K, trú tại: Làng Kon Lanh 1, xã Đăk Rong đến tiểu khu 21 và 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý để cưa hạ cây gỗ theo hướng từ Bãi Cháy đi Lũng Lô, K đã dùng cưa xăng cắt hạ 8 cây gỗ với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 5,900m3, cụ thể: Cây số 9 (Giẻ đỏ): 0,487 m3, cây số 10 (Giẻ trắng): 1,012 m3, cây số 11 (Trâm tía): 0,560 m3, cây số 18 (Giẻ trắng): 2,065 m3, cây số 27 (Chua khét): 0,420 m3, cây số 29 (SP7): 0,302 m3, cây số 31 (Chua khét): 0,567 m3, cây số 32 (Giẻ đỏ): 0,487 m3 và củi 0,700 Ster Đến khoảng tháng 9/2018, qua kiểm tra phát hiện số cây cắt hạ nói trên đã bị các đối tượng khác cắt khúc, dọn tấp vào hai bên lề đường nên T, G và T tiếp tục bàn bạc thuê người cắt hạ cây nhằm ngăn chặn việc vận chuyển gỗ trái phép. Sau đó khoảng 09 giờ (không xác định được ngày), Tuấn và Giang đã dẫn K và Đinh Văn Q là người ở cùng làng với Khiếu đi cắt hạ cây ở tiểu khu 21 và 27 lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý theo hướng từ Bãi Cháy đi Lũng Lô. G và T chỉ cây nào thì K và Q thay nhau dùng cưa xăng cưa hạ cây cho đổ ngang đường. K và Q đã cắt hạ 13 cây với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 11,566m3, cụ thể: Cây số 2 (Giẻ trắng): 0,560 m3, cây số 3 (Thạch đảm): 0,216 m3, cây số 4 (Thạch đảm): 0,302 m3, cây số 6 (Trâm tía): 1,012 m3, cây số 15 (Trâm tía): 0,723 m3, cây số 17 (Chua khét): 1,358 m3, cây số 7 (Giẻ trắng): 0,302 m3, cây số 12 (Trâm tía): 1,485 m3, cây số 14 (Trâm tía): 1,012 m3, cây số 16 (Trâm tía): 3,136 m3, cây số 26 (Chua khét): 0,420 m3, cây số 28 (Chua khét): 0,317 m3, cây số 30 (Trâm tía): 0,723 m3 và củi 1,377 Ster.

Đến khoảng cuối tháng 10/2018, do thấy số cây cắt hạ lần thứ hai đã bị cắt khúc, dọn tấp sang hai bên đường nên T, G và T tiếp tục thuê K đi cắt hạ cây gỗ. Tuấn và G dẫn K đi theo đường từ Lũng Lô đi Bãi Cháy, T và G chỉ cho K dùng cưa xăng cắt hạ 7 cây với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 6,016m3, cụ thể: Cây số 13 (Giẻ trắng): 0,813 m3, cây số 19 (Trâm tía): 0,723 m3, cây số 20 (Chua khét): 0,560 m3, cây số 21 (Hồng tùng): 0,317 m3, cây số 22 (Chua khét): 2,065 m3, cây số 23 (Giẻ trắng): 0,302 m3, cây số 24 (Chua khét): 1,236 m3 và củi 0,713 Ster.

Tại Kết luận giám định ngày 06/5/2019 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã kết luận tổng khối lượng thiệt hại của 28 cây gỗ bị các bị cáo cắt hạ là 23,482m3 và 0,713 Ster củi.

Tại Kết luận giám định số: 18/KL-HĐĐG ngày 10/5/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kbang đã kết luận giá trị thiệt hại của quy thành tiền của 23,482m3 gỗ và 0,713 Ster củi là 83.334.325 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 250.002.975 đồng Như vậy, hành vi nêu trên của Lâm Quốc T, Đồng Anh T, Đậu Minh G và Đinh Văn K đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 BLHS; riêng Đinh Văn Q do chỉ một lần tham gia cắt hạ 13 cây gỗ có khối lượng thiệt hại là 11,566m3 nên hành vi của Quân đã phạm vào tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 BLHS như kết luận của Viện Kiểm sát là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Hành vi phạm tội nêu trên của các bị cáo đã trực tiếp gây thiệt hại đến nguồn tài nguyên rừng của đất nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập. Trong đó, hành vi của Lâm Quốc T, Đồng Anh T, Đậu Minh G và Đinh Văn K đã phạm vào tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 BLHS; hành vi của Đinh Văn Q đã phạm vào tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 BLHS. Hành vi phạm tội của T, T, G và K là tội phạm nghiêm trọng; của Quân là tội phạm ít nghiêm trọng cần phải được xem xét và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, xét các bị cáo phạm tội đồng phạm giản đơn, không có tình tiết tăng nặng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đó là: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, các bị cáo đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại về gỗ cho người bị hại; tại phiên tòa, đại diện của người bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Riêng bị cáo Q phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 của BLHS.

Ngoài ra, xét các bị cáo có nhân thân tốt, đây là lần đầu các bị cáo T, T, Giang và K phạm tội; bị cáo K và Q là đồng báo dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế; trong vụ án này, hai bị cáo chỉ là người làm thuê, đóng vai trò thứ yếu; gia đình hai bị cáo có công với cách mạng. Các bị cáo T, T và Giang đã có thời gian công tác bảo vệ rừng lâu năm, mặc dù công việc có nhiều khó khăn, vất vả nhưng đến trước thời điểm phạm tội, các bị cáo cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình (riêng bị cáo Trung đã được UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen), động cơ phạm tội của ba bị cáo không vì mục đích vụ lợi cho bản thân mà xuất phát từ mong muốn bảo vệ rừng và do áp lực trách nhiệm đối với công việc được giao nên ba bị cáo đã chủ quan, nôn nóng và thiếu suy nghĩ dẫn tới hành vi phạm tội nói trên.

Xét các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng và xét trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay khi việc khai thác, hủy hoại rừng trái phép diễn ra ngày càng phức tạp thì để tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội cải tạo trở thành người lương thiện và tiếp tục đóng góp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, HĐXX thấy không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội mà chỉ cần áp dụng Điều 65 của BLHS cho các bị cáo T, T và G được hưởng án treo, có thời gian thử thách, riêng bị cáo K áp dụng thêm Điều 54 BLHS cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 232 BLHS và cho bị cáo được hưởng án treo; áp dụng Điều 36 của BLHS cho bị cáo Q được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ là đã đảm bảo tác dụng giáo dục, cải tạo riêng đối với các bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Xét bị cáo Q và K là dân tộc thiểu số, không có việc làm và thu nhập ổn định; bị cáo T, T và G không thu lợi bất chính từ việc khai thác gỗ trái phép nên HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo và không khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Q.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập là 23,482m3 gỗ và 0,713 Ster củi, trị giá là 83.334.325 đồng. Sau khi trừ đi số gỗ đã thu gom được thì giá trị thiệt hại còn lại là 14.983.175 đồng (Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong là 6.031.943 đồng và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập là 8.951.232 đồng). Phần thiệt hại này đã được các bị cáo nộp bồi thường đầy đủ (các bị cáo Trung, Tuấn và Giang mỗi người nộp 4.494.392 đồng; bị cáo Khiếu đã nộp 1.000.000 đồng và bị cáo Quân đã nộp 500.000 đồng).

Tại phiên tòa, đại diện của người bị hại không có yêu cầu gì thêm nên cần tuyên trả số tiền các bị cáo đã bồi thường cho người bị hại.

Buộc các bị cáo phải liên đới tiếp tục bồi thường thiệt hại về môi trường cho Nhà nước, trong đó các bị cáo T, T, G, K và Q phải liên đới bồi thường với số tiền là 120.956.568 đồng (mỗi bị cáo là 24.191.313 đồng); bị cáo Tr, T, G và K phải liên đới bồi thường với số tiền là 129.046.407 đồng (mỗi bị cáo là 32.261.601 đồng).

[5] Về xử lý vật chứng:

Do vật chứng là 01 cưa xăng nhãn hiệu STIHL MS660, lam cưa dài 80cm, kèm theo xích, cưa đã qua sử dụng được các bị cáo sử dụng làm công cụ phạm tội là tài sản của Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong nên cần tuyên trả lại cho Công ty.

Tuyên sung ngân sách Nhà nước số tiền bị cáo Q và K thu lợi bất chính đã được hai bị cáo giao nộp là 400.000 đồng (bị cáo K đã nộp 350.000 đồng, bị cáo Q đã nộp 50.000 đồng).

[6] Về án phí: Các bị cáo Tr, T và G phải chịu án phí HSST và DSST theo quy định.

Các bị cáo Q và K là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đã có đơn xin miễn án phí được UBND xã Đăk Rong xác nhận nên HĐXX chấp nhận miễn án phí HSST và DSST cho hai bị cáo.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố các bị cáo Lâm Quốc Tr, Đồng Anh T, Đậu Minh G, Đinh Văn Kvà Đinh Văn Q, tên gọi khác: B phạm tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".

- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 232; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 58 và 65 của BLHS; Áp dụng thêm Điều 54 của BLHS đối với bị cáo Khiếu;

Xử phạt bị cáo Đậu Minh G 26 (hai mươi sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 52 (năm mươi hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 10/10/2019).

Xử phạt bị cáo Đồng Anh T 26 (hai mươi sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 52 (năm mươi hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 10/10/2019).

Xử phạt bị cáo Lâm Quốc T 24 (hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 (bốn mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 10/10/2019).

Xử phạt bị cáo Đinh Văn K 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 10/10/2019).

Giao các bị cáo T, T và K cho Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Đăk Rong, giao bị cáo Giang cho UBND thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; các điểm b,i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 58 và 36 của BLHS;

Xử phạt bị cáo Đinh Văn Q 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn cải tạo không giam giữ của bị cáo Q được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Miễn khấu trừ một phần thu nhập cho bị cáo Đinh Văn Q.

Không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo Lâm Quốc T, Đồng Anh T, Đậu Minh G, Đinh Văn K và Đinh Văn Q.

- Áp dụng khoản 1 điều 48 của BLHS; các Điều 584, 585, 586, 587 và 589 của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) và Thông tư liên tịch số: 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính;

Buộc các bị cáo Lâm Quốc T, Đồng Anh T, Đậu Minh G, Đinh Văn K và Đinh Văn Q phải liên đới bồi thường thiệt hại về môi trường cho Nhà nước với số tiền là 120.956.568 đồng (mỗi bị cáo phải bồi thường là 24.191.313 đồng).

Buộc các bị cáo Lâm Quốc Tg, Đồng Anh T, Đậu Minh G và Đinh Văn K phải liên đới bồi thường thiệt hại về môi trường cho Nhà nước với số tiền là 129.046.407 đồng (mỗi bị cáo phải bồi thường là 32.261.601 đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi các bị cáo thi hành xong các khoản tiền trên thì hàng tháng các bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất được quy định tại Điều 357 của BLDS.

Tuyên trả lại cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong số tiền là 6.031.943 đồng và Công ty Lâm nghiệp Trạm Lập số tiền là 8.951.232 đồng.

-Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 của BLHS;

Tuyên sung ngân sách Nhà nước số tiền bị cáo Q và K thu lợi bất chính đã được hai bị cáo giao nộp là 400.000 đồng.

(các khoản tiền trả lại cho người bị hại và sung ngân sách Nhà nước nói trên đã được các bị cáo giao nộp theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 09/7/2019 giữa Công an huyện Kbang và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kbang cùng các Biên lai thu tiền số 0001527, 0001528 và 0001529 ngày 02/10/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) -Áp dụng khoản 2 Điều 47 của BLHS;

Tuyên trả lại cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong 01 cưa xăng nhãn hiệu STIHL MS660, lam cưa dài 80cm, kèm theo xích, cưa đã qua sử dụng.

(đặc điểm cụ thể theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 09/7/2019 giữa Công an huyện Kbang và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kbang).

- Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Buộc các bị cáo Lâm Quốc T, Đồng Anh T và Đậu Minh G mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí HSST và 2.822.645 đồng án phí DSST.

Miễn án phí HSST và DSST cho các bị cáo Đinh Văn K và Đinh Văn Qn.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các bị cáo, đại diện của người bị hại có quyền làm đơn kháng cáo đề nghị TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

610
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 24/2019/HSST ngày 10/10/2019 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:24/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện KBang - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:10/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về