TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 24/2019/DS-PT NGÀY 20/02/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HÙN VỐN
Ngày 20 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 264/2018/TLPT-DS ngày 26 tháng 11 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng hùn vốn”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 143/2018/DS-ST ngày 19/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố C bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 336/2018/QĐ-PT ngày 14 tháng 12 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lâm Văn Ch, sinh năm 1964 (có mặt).
Bà Phạm Thị X, sinh năm 1965 (vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Ấp T, xã L, thành phố C, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị X: Ông Lâm Văn Ch (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Trịnh Thanh L – Văn phòng Luật sư Trịnh Thanh L, đoàn luật sư tỉnh Cà Mau.
- Bị đơn: Ông Lê Tứ H, sinh năm 1938 (có mặt).
Bà Trương Thị Kh, sinh năm 1946 (vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Ấp T, xã L, thành phố C, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Anh Lê Quốc H và anh Lê Tú A.
Cùng địa chỉ: Ấp B, xã L, thành phố C, tỉnh Cà Mau (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Phạm Minh Tr, Văn phòng Luật sư Tr, đoàn luật sư tỉnh Cà Mau.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Anh Lê Quốc H, sinh năm 1971 (có mặt)
- Anh Lê Tú A, sinh năm 1972 (có mặt).
Cùng địa chỉ: Ấp B, xã L, thành phố C , tỉnh Cà Mau.
- Anh Lê Quốc T, sinh năm 1977 (có mặt).
- Anh Lê Thanh S , sinh năm 1985 (có mặt)
Cùng địa chỉ: Ấp T, xã L, thành phố C, tỉnh Cà Mau.
- Ông Lâm Văn B, sinh năm 1963 (vắng mặt).
Địa chỉ: Ấp L, xã Ph, huyện C, tỉnh Cà Mau.
- Người kháng cáo: Ông Lê Tứ H, bà Phạm Thị X là bị đơn; anh Lê Quốc H, anh Lê Tú A, anh Lê Quốc T, anh Lê Thanh S là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn ông Lâm Văn Ch trình bày: Cuối năm 2009, đầu năm 2010, vợ chồng ông cùng với vợ chồng ông H bà Kh và ông Lâm Văn B có hùn nuôi tôm công nghiệp, việc hùn vốn chia làm 06 phần, trong đó ông B 01 phần, ông Ch 01 phần và ông H 04 phần (do ông H có 04 người con trai là H, A, T, S tham gia nuôi tôm nên ưu tiên cho ông H nhiều hơn). Ông Ch có nhiệm vụ đi vay tiền bỏ vào để chi phí, lãi xuất vay là 3%/tháng, ông H có nhiệm vụ tìm đất để thuê, quản lý chi tiêu và cùng coi tôm với ông B. Sau khi trừ hết chi phí lời hay lỗ đều chia theo phần. Việc hùn nuôi tôm không có lập văn bản mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói với nhau. Do việc nuôi tôm không kết quả nên ông Ch rút vốn nên ngày 08/9/2011 âl, các bên hoàn tất các thủ tục kết toán xác định rõ nghĩa vụ thanh toán đối với khoản tiền lỗ từ việc nuôi tôm.
Tổng số tiền ông Ch đã bỏ ra để nuôi tôm là 3.405.009.000 đồng và tiền lãi đến ngày 08/9/2011 âl là 68.097.000 đồng, tổng khoản lỗ và phải đóng lãi là 3.473.106.000 đồng nên mỗi phần hùn có nghĩa vụ trả lại cho ông Ch số tiền là 578.850.000 đồng, ông B phải trả 578.850.000 đồng, còn ông H phải trả 04 phần bằng 2.315.404.000 đồng. Đến sáng ngày 09/09/2011 âl vợ chồng ông H đến nhà ông xin bớt số tiền lẽ, ông H sẽ trả số tiền 2.300.000.000 đồng nên ông đồng ý, nhưng ông H xin chuyển sang thành tiền vay nên ông không đồng ý bớt tiền lẽ và ông H bà Kh thống nhất chuyển sang hợp đồng vay số tiền 2.315.404.000 đồng, có làm hợp đồng kỳ hạn 02 năm với lãi suất 3%/tháng, thanh toán lãi vào cuối năm.
Ngày 01/10/2011 ông Ch bàn giao đất thuê nuôi tôm các tài sản mua để phục vụ cho việc nuôi tôm khoản 3 tỷ đồng cho ông B và ông H. Ông H, ông B phải thanh toán tiền thuê đất của hai năm tiếp theo cho những người còn lại nuôi. Ngày 01/11/2011 ông Ch có thanh toán cho ông H các khoản sau: Tiền thuê đất 02 năm (2012-2013) là 71.744.000 đồng; Tiền thức ăn tôm: 31.739.000 đồng; Tiền điện 20 ngày là 470.000 đồng. Do vợ chồng ông H ký hợp đồng vay tài sản nhưng không thanh toán vốn và lãi nên ông Ch đã khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông H thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng vay.
- Bị đơn ông Lê Tứ H và bà Trương Thị Kh do người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là anh Lê Quốc H và anh Lê Tú A thống nhất trình bày:
Cuối năm 2009 đầu năm 2010 ông Ch, ông B, Lê Tú A, Lê Quốc H, Lê Đức T, Lê Thanh S (Tú A, H, T, S là con ông H) thỏa thuận ông Ch bỏ toàn bộ chi phí để nuôi tôm, ông H có trách nhiệm thuê đất còn anh Tú A, anh H, anh T, anh S chịu trách nhiệm về kỹ thuật nuôi tôm, ông B cùng trông coi việc nuôi tôm. Thỏa thuận sau khi trừ chi phí thì lãi chia 06 phần cho 06 người là Ch, B, T A, H, T, S. Đến cuối năm 2010 ông Ch rút lại vốn nuôi tôm, ông Ch tính mỗi người chịu lỗ 578.851.000 đồng, anh Tú A, anh H, anh T, anh S phải trả cho ông Ch tổng cộng 2.315.404.000 đồng nhưng phía anh Tú A, anh H, anh T, anh S không chấp nhận thanh toán số tiền lỗ này vì bị đơn xác định số tiền lỗ là do ông Ch tự chịu vì chỉ thỏa thuận lời chia theo phần còn lỗ thì ông Ch tự chịu. Ngày 09/09/2011(âl) vợ chồng ông Ch , bà X cùng với vợ chồng ông H, bà Kh có xác lập hợp đồng vay tài sản giá trị 2.315.404.000 đồng. Nhưng phía ông Ch và bà X không giao tiền nên phía bị đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết, Ban nhân dân ấp T, xã L, thành phố C có hòa giải ngày 04/9/2012. Người chủ trì hòa giải là ông Nguyễn Văn C và ông Phạm Văn Tr. Tại buổi hòa giải ông Ch có tham gia cho rằng đây không phải hợp đồng vay vốn mà xuất phát từ số tiền hùn hạp nuôi tôm công nghiệp bị thua lỗ chuyển qua nợ vay. Còn ông H trình bày có ký hợp đồng vay nhưng chưa nhận tiền từ ông Ch nên không chấp nhận theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đã qua cơ quan Thi hành án đã kê biên tài sản của ông H và bà Kh 05 phần đất, đã bán 03 phần với tổng số tiền là 1.758.000.000 đồng. Đối với 02 phần đất còn lại chưa phát mãi.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Lê Quốc H, anh Lê Tú A, anh Lê Quốc T và anh Lê Thanh S thống nhất trình bày: Cuối năm 2009 đầu năm 2010, ông B, ông Ch và 04 anh em anh là anh H, anh Tú A, anh T và anh S thỏa thuận nuôi tôm công nghiệp. Trong đó, ông Ch bỏ toàn bộ chi phí ra để nuôi tôm, còn 04 anh em anh chịu trách nhiệm về kỹ thuật nuôi tôm, ông B cùng nuôi tôm, ông H (là cha các anh) có trách nhiệm thuê đất. Các bên thỏa thuận sau khi trừ chi phí thì lãi được chia ra 06 phần cho 06 người là ông B, ông Ch, anh H, anh Tú A, anh T và anh S, còn lỗ thì ông Ch tự chịu. Các bên chỉ thỏa thuận bằng lời nói không làm văn bản. Đến năm 2010, ông Ch rút vốn nuôi tôm và thông báo lỗ mỗi người phải chịu là 578.851.000 đồng và 04 anh em anh phải trả cho ông Ch số tiền là 2.315.404.000 đồng nhưng 04 anh em các anh không thống nhất nên không đồng ý ký vào biên bản nhận nợ. Tại phiên tòa sơ thẩm, anh H xác định không có hùn nuôi tôm với ông Ch mà các anh chỉ làm thuê nhưng do nuôi tôm thua lỗ nên các anh cũng không được chia tiền.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lâm Văn B trình bày: Khoảng năm 2010 bắt đầu hùn vốn nuôi tôm, giữa ông B, ông Ch và ông H có hùn vốn nuôi tôm, cụ thể việc nuôi tôm chia làm 06 phần trong đó ông 01 phần, ông Ch 01 phần còn lại ông H 04 phần do ông H có các con tham gia nên ưu tiên cho ông H nhiều hơn. Tiền vốn ban đầu là do ông Ch bỏ ra, có tính lãi thấp (cụ thể bao nhiêu thì ông không nhớ) sau khi thu hoạch lời hay lỗ thì chia theo phần. Nếu ai rút ra trước thì phải bỏ các tài sản nuôi tôm cho những người còn lại nuôi tôm và phải đóng tiếp hai năm tiền thuê đất cho những người còn lại làm.
Cuối năm 2011, ông Ch đồng ý rút vốn ra thì ông Ch cộng sổ lại và xác định lỗ trên 3 tỷ, số tiền lỗ này chia làm sáu phần, ông có nghĩa vụ trả lại cho ông Ch trên 500.000.000 đồng, 04 phần còn lại thì ông H có nghĩa vụ trả lại cho ông Ch. Việc ông H có thanh toán cho ông Ch chưa thì ông không biết. Sau khi ông Ch rút ra thì khoảng 01 tháng sau thì ông cũng yêu cầu tách phần tài sản nuôi tôm ra và ông được hưởng 1/5 trong số tài sản và vuông nuôi tôm. Số tiền lỗ từ việc nuôi tôm giữa ông và ông Ch đã thanh toán xong. Đối với vụ kiện của ông Ch và ông H ông xác định ông không liên quan nên ông xin không tham gia tố tụng trong vụ án này.
Tại bản án sơ thẩm số 30/2013/DSST ngày 06/3/2013 Tòa án nhân dân thành phố C đã xét xử đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Văn Ch và bà Phạm Thị X. Buộc ông Lê Tứ H và bà Trương Thị Kh phải trả cho ông Ch và bà X tổng số tiền vốn và lãi là 2.593.252.480 đồng trong đó số tiền gốc là 2.315.404.000 đồng và số tiền lãi là 277.848.480 đồng.
Tại bản án phúc thẩm số 101/2013/DS-PT ngày 11/6/2013 đã xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Tứ H. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 30/2013/DS-ST ngày 06/3/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan Thi hành án dân sự thành phố C đã kê biên 06 phần đất của vợ chồng ông H và đã bán được 03 phần đất với số tiền 1.718.000.000 đồng. Đã thi hành cho ông Ch với số tiền là 934.357.451 đồng, trả Ngân hàng Ph 271.479.499 đồng, nộp án phí 92.389.050 đồng số tiền còn phải tiếp tục thi hành theo bản án cho ông Ch là 1.658.895.029 đồng.
Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 33/2017/DS-GĐT ngày 29/11/2017 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bảnán sơ thẩm của Tòa án hân dân thành phố C và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau để xét xử lại.
Do có Quyết định Giám đốc thẩm nên cơ quan thi hành án tạm đình chỉ thi hành án và gửi ngân hàng chờ thi hành là 361.755.462 đồng theo vản bản của Chi cục thi hành án thành phố C (BL 235).
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 143/2018/DS-ST ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố C đã quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc ông Lê Tứ H, bà Trương Thị Kh có nghĩa vụ thanh toán cho ông ông Lâm Văn Ch bà Phạm Thị X số tiền 2.685.336.000 đồng (trong đó vốn 1.658.895.029 đồng và lãi 1.026.441.328 đồng).
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 02 tháng 11 năm 2018, bị đơn là ông Lê Tứ H và bà Trương Thị Kh, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê Quốc H, anh Lê Tú A, anh Lê Quốc T và anh Lê Thanh S có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm ông H, bà Kh ủy quyền cho anh H, anh Tú A cùng với anh T, anh S giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và tranh luận cho rằng: Ông H không có hùn vốn nuôi tôm mà việc nuôi tôm là do ông Ch bỏ toàn bộ chi phí ra nuôi tôm, ông H chỉ có trách nhiệm thuê đất dùm cho ông Ch . Còn lại anh H, anh Tú A, anh T, anh S là những người làm công cho ông Ch và chịu trách nhiệm về kỹ thuật, ông B là thủ quỹ và chịu trách nhiệm trông coi việc nuôi tôm, nếu nuôi tôm có lãi thì chia 6 phần, ông Ch 01 phần, ông B một phần anh H, anh Tú A, anh T, anh S mỗi người một phần, nếu lỗ thì ông Ch tự chịu. Do ông Ch nuôi tôm lỗ nên anh H, anh Tú A, anh T, anh S không được chia tiền. Việc ông Ch kê lỗ với số tiền trên 3 tỷ là do ông Ch tự đưa ra vì ông H, anh H, anh Tú A, anh T, anh S không có hùn nuôi tôm nên không có tham gia việc công khai tính toán từng khoản thu, chi và các khoản chi phí đầu tư nuôi tôm. Sau khi ông Ch khai lỗ buộc ông H phải trả cho ông Ch bốn phần bằng 2.315.404.000 đồng nên anh H, anh Tú A, anh T, anh S không đồng ý ký tên vào biên bản thanh toán cho ông Ch. Sau đó giữa ông H và bà Kh đã ký hợp đồng vay tiền với ông Ch và bà X số tiền 2.315.404.000 đồng nhưng ông Ch không giao tiền nên ông H và bà Kh báo chính quyền địa phương. Hiện nay, ông H và bà Kh không chấp nhận trả tiền vay cho ông Ch và bà X theo hợp đồng vay tiền.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ch tranh luận cho rằng: Từ trước đến nay ông Ch và bà X khởi kiện ông H và bà Kh về tranh chấp hợp đồng vay tài sản theo hợp đồng vay ngày 09/9/2011, không khởi kiện về hợp đồng hùn vốn nhưng cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là hợp đồng hùn vốn là không đúng nhưng do bản án sơ thẩm xét xử buộc ông H và bà Kh trả tiền vốn và lãi theo yêu cầu của ông Ch và bà X về việc yêu cầu trả vốn và lãi theo hợp đồng vay nên ông Ch và bà X không kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Ch cũng xác định không khởi kiện hợp đồng hùn vốn mà chỉ khởi kiện hợp đồng vay tài sản. Ông Ch thừa nhận không có đưa tiền cho ông H và bà Kh vay theo hợp đồng vay mà do ông H hùn vốn nuôi tôm nhưng ông H không bỏ tiền vào mà ông H nhờ ông Ch đi vay tiền dùm, từ đó ông Ch đã vay tiền cho ông H 04 phần, vay cho ông B một phần và ông Ch bỏ vào một phần để ông B và gia đình ông H nuôi tôm nếu có lãi hay lỗ thì đều chia cho 06 phần hùn. Ông H 04 phần vì ông H có 04 người con tham gia nuôi tôm là anh H, anh Tú A, anh T, anh S. Khi thỏa thuận nuôi tôm thì không có làm văn bản, khi ông Ch vay tiền về thì cũng không trực tiếp đưa cho ông H mà đưa cho ông B và anh H để chi, ông Ch không theo dõi việc nuôi tôm mà ông Ch đưa tiền ra để ông B và gia đình ông H trực tiếp nuôi tôm. Ông H chịu trách nhiệm tìm đất để thuê. Trong thời gian nuôi tôm đến ngày 09/9/2011 thì ông Ch đã tính tổng số tiền đã vay bỏ vào cho ông H nuôi tôm nhiều lần tổng cộng vốn và lãi là 3.473.109.000 đồng nên chia đều cho 06 phần hùn mỗi phần phải chịu 578.851.000 đồng. Phần của ông H 04 phần nên ông H phải trả cho ông là 2.315.404.000 đồng. Ông H không có tiền trả nên đã chuyển sang tiền vay và ông H và bà Kh đã ký hợp đồng vay tiền của ông Ch và bà X với số tiền 2.315.404.000 đồng lãi suất 3%/tháng nhưng do ông H không trả tiền nên ông Ch và bà X khởi kiện. Do đó, hiện nay ông Ch chỉ yêu cầu ông H và bà Kh trả tiền theo hợp đồng vay.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố C để làm rõ việc hùn vốn nuôi tôm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét yêu cầu kháng cáo của ông H, bà Kh cho rằng không có nhận tiền vay theo hợp đồng vay tiền ngày 09/9/2011 nên không đồng ý trả tiền vốn và lãi cho ông Ch bà X theo yêu cầu của ông Ch và bà X về hợp đồng vay.
Hội đồng xét xử xét thấy, tại hồ sơ và tại phiên tòa, ông Ch cũng thừa nhận không có đưa tiền cho ông H và bà Kh theo hợp đồng vay mà số tiền các bên ký trong hợp đồng vay là khoản tiền chuyển từ số tiền ông H nợ do hùn nuôi tôm, ông H phải chịu bốn phần bằng 2.315.404.000 đồng. Xét thấy, do không có việc cho vay tiền theo hợp đồng vay tiền ngày 09/9/2011(BL 23-24) nên ông Ch và bà X yêu cầu ông H và bà Kh trả tiền vốn và lãi theo hợp đồng vay là không có cơ sở.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 33/2017/DS-GĐT ngày 29/11/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định đây là hợp đồng hùn vốn nuôi tôm. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là hợp đồng hùn vốn nhưng giải quyết hợp đồng vay để buộc ông H và bà Kh trả cho ông Ch và bà X số tiền vốn và lãi theo hợp đồng vay là không phù hợp. Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ch và bà X về việc yêu cầu ông H và bà Kh trả tiền vốn và lãi theo hợp đồng vay.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông H, bà Khiếm, anh H, anh Tú A, anh T, anh S về việc không thừa nhận có hợp đồng hùn vốn nuôi tôm với ông Ch. Anh H, anh Tú A, anh T, anh S chỉ thừa nhận có cùng nuôi tôm với ông Ch, nếu có lãi thì chia cho gia đình ông H bốn phần, nếu lỗ thì ông Ch tự chịu. anh H, anh Tú A, anh T, anh S chỉ là người làm công cho ông Ch nên không biết việc thu chi trong quá trình nuôi tôm, còn ông H chỉ là người đứng ra thuê đất dùm cho ông Ch.
Hội đồng xét xử xét thấy, theo hồ sơ và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa thể hiện gia đình ông H có hùn nuôi tôm với gia đình ông Ch là có xảy ra. Cụ thể tại biên bản phân chia tài sản (BL 168) do ông H, ông Ch, ông B, anh Tú A, anh H, anh T ký tên đã thể hiện ông H thống nhất chia cổ phần cho ông B, tại biên nhận ông H nhận tiền của ông Ch (BL 167) và tại các biên nhận do ông Ch cung cấp tại Tòa án ngày 15/02/2019 thể hiện có nhiều biên nhận anh H thừa nhận đã ký tên có hỏi tiền của ông Ch. Tại tờ giải trình ngày 06/3/2013 ông Ch thừa nhận có hùn vốn nuôi tôm giữa gia đình ông Ch và gia đình ông H (BL 48). Tại Quyết định giám đốc thẩm số 33/2017/DS-GĐT ngày 29/11/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định đây là hợp đồng hùn vốn nuôi tôm. Tuy nhiên, ông Ch và bà X không khởi kiện ông H về hợp đồng hùn vốn nuôi tôm, nên ông Ch không cung cấp hồ sơ, chứng cứ để chứng minh việc hùn vốn nuôi tôm được chia như thế nào, tiền đầu tư vào việc nuôi tôm và số tiền lãi hay lỗ sau mỗi đợt nuôi tôm. Hiện nay, ông Ch cho rằng số tiền ông H nhờ ông vay tiền để hùn vốn nuôi tôm còn nợ ông số tiền 2.315.404.000 đồng, trong khi đó ông Ch không chứng minh được từng khoản tiền vốn vay của mỗi lần vay là bao nhiêu, lãi là bao nhiêu nên chưa có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của ông Ch về số tiền ông H vay để hùn vốn nuôi tôm theo yêu cầu của ông Ch .
[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Ch cũng xác định không khởi kiện ông H về hợp đồng hùn vốn nuôi tôm nên ông không chứng minh việc hùn vốn. Do đó, không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của ông Ch. Ông Ch có quyền khởi kiện yêu cầu ông H về hợp đồng hùn vốn nuôi tôm thành vụ kiện khác.
[4] Do bản án số 101/2013/DSPT ngày 11/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã có hiệu lực pháp luật nên Chi cục thi hành án dân sự thành phố C đã kê biên bán tài sản của ông H để thi hành cho ông Ch . Do đó, cần giải quyết vấn đề tài sản và nghĩa vụ đã được thi hành theo quy định tại khoản 5 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự.
Theo Công văn số 23/TB-CCTHADS ngày 18/10/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố C thể hiện, Chi cục thi hành án dân sự thành phố C đã giao cho ông Ch và bà X số tiền là 934.357.451 đồng từ việc bán tài sản của ông H và bà Khiếm, nên buộc ông Ch và bà X phải trả lại cho ông H và bà Kh số tiền này. Hiện nay, còn gửi tại kho bạc số tiền là 361.755.462 đồng. Buộc Chi cục thi hành án phải trả lại cho ông H và bà Khiếm. Số tiền đã thu án phí của ông H là 92.389.050 đồng và số tiền 200.000 đồng chuyển thu án phí kháng cáo của ông H theo biên lai số 004480 ngày 19/3/2013 buộc Chi cục thi hành án dân sự thành phố C trả lại cho ông H . Đối với số tiền 271.479.499 đồng Chi cục thi hành án đã trả cho ngân hàng Ph để kê biên phát mãi phần đất của ông H là khoản nợ vay của vợ chồng ông H nên vợ chồng ông H tự chịu.
[5] Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch: Do không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn nên nguyên đơn phải chịu án phí theo quy định pháp luật. Bị đơn không phải chịu án phí. Đã qua, Chi cục Thi hành án đã thu số tiền án phí của ông H từ số tiền bán tài sản của ông H buộc chi cục thi hành án trả lại cho ông H .
[6] Về số tiền phí kê biên, bán đấu giá, thẩm định giá ông H phải chịu là 58.018.538 đồng.
[7] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tại phiên tòa là chưa phù hợp với nhận định trên nên không được chấp nhận.
[8] Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309, khoản 5 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê Tứ H, bà Trương Thị Kh, Anh Lê Quốc H, Anh Lê Tú A, anh Lê Quốc T, anh Lê Thanh S.
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 143/2018/DS-ST ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông Lê Tứ H bà Trương Thị Kh có nghĩa vụ thanh toán cho ông ông Lâm Văn Ch bà Phạm Thị X số tiền vốn là 2.315.040.000 đồng và tiền lãi theo tổng cộng là 2.685.336.000 đồng.
Ông Lâm Văn Ch và bà Phạm Thị X phải trả lại cho ông Lê Tứ H và bà Trương Thị Kh số tiền đã nhận từ việc được thi hành án là 934.357.451 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chi cục thi hành án dân sự thành phố C phải hoàn trả lại cho ông Lê Tứ H và bà Trương Thị Kh số tiền còn gửi tại kho bạc là 361.755.462 đồng và tiền án phí đã thu từ việc bán tài sản là 92.389.050 đồng và hoàn cho ông H 200.000 đồng theo biên lai thu số 004480 ngày 19/3/2013 đã chuyển thu.
Ông H và bà Kh phải chịu số tiền chi phí kê biên, bán đấu giá, thẩm định giá là 58.018.538 đồng.
Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch: Buộc ông Lâm Văn Ch và bà Phạm Thị X phải nộp số tiền 85.706.000 đồng, ngày 03/5/2018 ông Ch và bà X có dự nộp 42.853.000 đồng theo biên lai số 0000743 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố C được đối trừ, Ông Ch và bà X còn phải tiếp tục nộp số còn lại là 42.853.000 đồng, nộp tại chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau. Ông H và bà Kh không phải chịu án phí.
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Tứ H , bà Trương Thị Kh, anh Lê Quốc H, anh Lê Tú A, anh Lê Quốc T, anh Lê Thanh S không phải nộp. Ngày 06/11/2018 Lê Tứ H, bà Trương Thị Kh, anh Lê Quốc H, anh Lê Tú A, anh Lê Quốc T, anh Lê Thanh S mỗi người đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai số 0001587, 0001588, 0001589, 0001590, 0001591 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố C được nhận lại.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyề n thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 24/2019/DS-PT ngày 20/02/2019 về tranh chấp hợp đồng hùn vốn
Số hiệu: | 24/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/02/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về