TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
BẢN ÁN 24/2019/DS-PT NGÀY 05/07/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 5 tháng 7 năm 2019, tại Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2019/TLPT-DS ngày 2 tháng 1 năm 2019, về tranh chấp hợp đồng vay tài sản;
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2018/DS-ST ngày 6 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 54/2019/QĐ-PT ngày 11 tháng 6 năm 2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Ngọc Đ; địa chỉ: Số 79 đường T, phường H, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Có mặt.
Bị đơn: Chị Trịnh Thị N; địa chỉ: Đội 1, thôn 3, xã N, huyện Đ, tỉnh Gia Lai. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Văn A, Luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng. Có mặt.
Người kháng cáo: Bị đơn là chị Trịnh Thị N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2018/DS-ST ngày 6 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai thì nội D vụ án được tóm tắt như sau:
Nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Ngọc Đ trình bày: Chị và chị Trịnh Thị N và chị Ngô Thị Phương D có quen biết, làm ăn với nhau. Nói chuyện với chị D, chị biết chị N cần tiền để đáo hạn Ngân hàng, nên khi chị N gặp chị đặt vấn đề vay tiền, chị đã đồng ý cho chị N vay 2.600.000.000 đồng với thời hạn vay là 3 ngày và với lãi suất do các bên tự thỏa thuận bằng lời nói.
Ngày 24-4-2017, chị N viết “Giấy mượn tiền” để chị giữ. Sau khi đáo hạn Ngân hàng, chị N không trả tiền nợ cho chị, mặc dù chị đòi nợ nhiều lần. Do đó, chị làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của chị N đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai. Tại Cơ quan điều tra, chị N cho rằng đã đưa 2.500.000.000 đồng cho chị D, để nhờ chị D trả cho chị, nhưng chị không biết sự việc này. Chị N vay tiền của chị thì phải trả cho chị, việc chị N có đưa tiền cho chị D hay không, thì đó là việc của chị N với chị D. Chị không ủy quyền cho chị D nhận tiền trả nợ của chị N.
Do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai giải quyết quá lâu, nên ngày 11-6-2018, chị rút đơn tố cáo đối với chị N và khởi kiện tại Tòa án.
Nay, chị yêu cầu chị N phải trả 2.600.000.000 đồng nợ gốc và khoản lãi của số tiền vay theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, bị đơn là chị Trịnh Thị N trình bày:
Do chị không có tiền trả nợ Ngân hàng khi đến hạn, nên vay tiền để đáo hạn. Qua giới thiệu của chị Ngô Thị Phương D, chị D đã gặp chị Đ đặt vấn đề vay 2.600.000.000 đồng. Chị đã lập “Giấy mượn tiền” đề ngày 24-4-2017, giao cho chị Đ với nội dung chị vay của chị Đ 2.600.000.000 đồng với mức lãi là 4.000 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày, thời hạn trả nợ là 3 ngày.
Sau khi đáo hạn Ngân hàng, chị đã đưa 2.500.000.000 đồng cho chị D để trả nợ cho chị Đ, nhưng chị D đã không đưa cho chị Đ, mà lại đem đi trả cho các chủ nợ khác của chị D, gây thiệt hại cho chị. Tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai, chị D đã thừa nhận sự việc chị đưa tiền cho chị D là để chị D đưa cho chị Đ. Việc chị Đ cho rằng chị không trả nợ là không đúng, chị đã trả cho chị Đ 2.500.000.000 đồng nợ gốc, chỉ còn nợ lại 100.000.000 đồng nợ gốc. Chị đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2018/DS-ST ngày 6 tháng 11 năm 2018, Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai đã quyết định:
Áp dụng Điều 357, Điều 468, khoản 2 Điều 470 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Điều 24, khoản 2 điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Ngọc Đ.
1. Buộc chị Trịnh Thị N số tiền 2.992.535.000 đồng, trong đó có 2.600.000.000 đồng là nợ gốc và 392.535.000 đồng nợ lãi.
2. Buộc chị Trịnh Thị N phải nộp 91.850.700 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả lại cho chị Nguyễn Thị Ngọc Đ 42.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ chịu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán; thông báo quyền thoả thuận, quyền yêu cầu, tự nguyện hoặc bị cưỡng chế thi hành án, thời hiệu thi hành án; tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 15 tháng 11 năm 2018, bị đơn là chị Trịnh Thị N có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc chị phải trả cho chị Đ 2.992.535.000 đồng, trong đó có 2.600.000.000 đồng nợ gốc và 392.535.000 đồng nợ lãi là không đúng pháp luật, không đúng sự thật khách quan.
Ngày 24-4-2017, chị Đ có cho chị vay 2.600.000.000 đồng là đúng và khi cho vay, chị Đ yêu cầu chị trả số nợ này cho chị Đ thông qua chị Ngô Thị Phương D (trú tại thôn S, xã Đ, huyện M) vì chị D là người môi giới để chị Đ cho chị vay tiền. Từ ngày 24-4-2017 đến ngày 26-4-2017, chị đã đưa cho chị D 2.500.000.000 đồng để trả nợ cho chị Đ. Như vậy, chị đã trả nợ vay cho chị Đ được số tiền vay gốc là 2.500.000.000 đồng theo như yêu cầu trả nợ vay của chị Đ khi chị Đ cho chị vay tiền. Chị chỉ còn nợ chị Đ 100.000.000 đồng vay gốc. Số tiền 2.500.000.000 đồng chị đưa cho chị D để trả nợ cho chị Đ, thì hiện nay chị D đang giữ của chị Đ, nên chị D phải có trách nhiệm giao lại cho chị Đ. Vì vậy, chị Đ khởi kiện yêu cầu chị phải trả cho chị Đ số tiền vay gốc là 2.600.000.000 đồng thì chị không đồng ý vìchị đã trả cho chị Đ được 2.500.000.000 đồng tiền vay gốc. Chị chỉ còn có trách nhiệm trả cho chị Đ số tiền vay gốc là 100.000.000 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, chị đã trình bày vấn đề trên và có đề nghị Tòa án nhân dân huyện Đ đưa chị Ngô Thị Phương D vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để làm rõ việc chị đã trả nợ cho chị Đ, nhưng Tòa án nhân dân huyện Đ không chấp nhận, việc này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Chị đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bác một phần yêu cầu khởi kiện của chị Đ đối với khoản vay 2.500.000.000 đồng, chị chỉ có trách nhiệm trả cho chị Đ 100.000.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện.
- Bị đơn giữ kháng cáo.
- Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
- Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đó là không đưa chị Ngô Thị Phương D vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Chị Đ khởi kiện và trình bày rằng, ngày 24-4-2017, chị cho chị N vay 2.600.000.000 đồng với thời hạn vay là 3 ngày và với mức lãi là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày; do chị N không trả nợ gốc và nợ lãi khi đến hạn, nên chị Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc chị N phải trả số nợ gốc là 2.600.000.000 đồng và nợ lãi theo quy định của pháp luật và với mức lãi là 0,825%/tháng.
Để chứng minh, chị Đ xuất trình bản gốc của “Giấy mượn tiền” đề ngày 24-4-2017 có nội D thể hiện ngày 24-4-2017, chị N vay của chị Đ 2.600.000.000 đồng để “đáo hạn Ngân hàng” với thời hạn vay là 3 ngày (bút lục số 34).
Tham gia tố tụng, chị N trình bày rằng, ngày 24-4-2017, chị vay của chị Đ 2.600.000.000 đồng để “đáo hạn Ngân hàng” với thời hạn vay là 3 ngày; chị là người “Giấy mượn tiền” đề ngày 24-4-2017 mà chị Đ xuất trình và được Tòa án cấp sơ thẩm đóng dấu bút lục số 34.
Các tình tiết trên đã xác định vào ngày 24-4-2017, chị N vay của chị Đ 2.600.000.000 đồng với thời hạn vay là 3 ngày. Tại “Giấy mượn tiền” đề ngày 24- 4-2017, các bên không ghi thỏa thuận việc chị N phải trả lãi cho chị Đ. Tuy nhiên, hai bên đương sự đều trình bày, chị N phải trả lãi cho chị Đ. Do vậy, có căn cứ để xác định chị Đ và chị N đã xác lập với nhau hợp đồng vay 2.600.000.000 đồng có thời hạn và có lãi.
[2] Tại đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, chị N trình bày rằng “Từ ngày 24-4-2017 đến ngày 26-4-2017, chị đã đưa cho chị D 2.500.000.000 đồng để trả nợ cho chị Đ. Như vậy, chị đã trả nợ vay cho chị Đ được số nợ gốc là 2.500.000.000 đồng theo như yêu cầu trả nợ vay của chị Đ khi chị Đ cho chị vay tiền. Chị chỉ còn nợ chị Đ 100.000.000 đồng nợ gốc. Số tiền 2.500.000.000 đồng chị đưa cho chị D để trả nợ cho chị Đ, thì hiện nay chị D đang giữ của chị Đ, nên chị D phải có trách nhiệm giao lại cho chị Đ”.
Lời khai này của chị N không có cơ sở, bởi lẽ:
- Tuy trình bày như vậy, nhưng chị N không xuất trình được chứng cứ để chứng minh sự việc chị Đ đã yêu cầu chị N đưa 2.500.000.000 đồng cho chị D để chị D giao lại cho chị Đ; chị Đ cũng không thừa nhận lời khai của chị N là đúng sự thật và thực tế, chị Đ chưa nhận 2.500.000.000 đồng mà chị D nhận từ chị N.
- Tại “Giấy mượn tiền” đề ngày 24-4-2017 (bút lục số 34) không có nội D nào thể hiện sự việc các bên thỏa thuận phương thức trả nợ vay là chị N đưa 2.500.000.000 đồng cho chị D để chị D trả cho chị Đ thay cho chị N.
- Bị đơn giao nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm tài liệu đọc được có nội D và hình thức: “Giấy biên nhận
Hôm nay ngày 15-10-2016. D có trả dùm chị N ở Đak đo số tiền là 800.000.000 1.100.000.000 (1 tỷ 1 trăm triệu) (chữ ký) Nguyễn Thị Ngọc Đ 1.100.000.000 x 4N x 3N= 13.200.000 đ” (bút lục 153).
Chị N trình bày: “...năm 2016, tôi vay của bà Điệp 1.100.000.000 đồng để thực hiện công việc này (đáo hạn) và ngày 15-10-2016, tôi đã đưa 1.100.000.000 đồng này cho bà D để bà D trả cho bà Điệp. Sở dĩ, tôi phải nhờ bà D trả nợ giúp là do bà Điệp không tin tưởng tôi, bà Điệp nói thẳng với tôi là khi trả tiền thì phải đưa cho bà D, để bà D trả cho bà Điệp. Khi nhận tiền của tôi nhờ trả nợ cho bà Điệp, bà D đều có viết giấy biên nhận cho tôi. Sau đó, bà D trả tiền cho bà Điệp thì bà Điệp lập giấy biên nhận là có nhận tiền của bà D trả thay cho tôi rồi đưa giấy nhận nợ của tôi cho bà D để bà D đưa lại cho tôi. Đó là cách thức vay và trả tiền giữa tôi với bà Điệp, sau khi tôi trả tiền như vậy thì coi như tôi đã thanh toán xong khoản nợ và bà Điệp cũng không yêu cầu tôi trả nợ nữa... Cũng với cách thức như vậy thì ngày 24-4-2017, do tôi phải trả một khoản nợ đến hạn cho ngân hàng nên bà D tiếp tục nhờ bà Điệp cho tôi vay tiền. Sau đó tôi đã vay của bà Điệp 2.600.000.000 đồng để trả nợ đến hạn cho ngân hàng. Tôi cũng trả 2.500.000.000 đồng cho bà Điệp thông qua bà D. Bà D có viết giấy biên nhận về việc đã nhận của tôi 2.500.000.000 đồng để trả giúp tôi cho bà Điệp” (Biên bản lấy lời khai do Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai lập ngày 22-2-2019, bút lục số 156).
Xem xét lời khai và tài liệu này thấy rằng, chị N vay tiền của chị Đ hai lần (một lần vay 1.100.000.000 đồng vào năm 2016 và một lần vay 2.600.000.000 đồng vào ngày 24-4-2017), nên hoàn toàn không có căn cứ để xác định hai bên có thói quen thanh toán nợ vay thông qua chị D. Vì vậy, nếu có sự việc chị N đưa 2.500.000.000 đồng cho chị D để chị D trả cho chị Đ như chị N trình bày thì cũng không phải là thói quen thanh toán của các đương sự với nhau, không được coi như chị N đã trả 2.500.000.000 đồng cho chị Đ.
- Tại giai đoạn sơ thẩm, bị đơn giao nộp cho Tòa án bản photocoppy của tài liệu có tiêu đề “Giấy biên nhận” (bút lục số 59) và bản photo coppy của tài liệu có tiêu đề “Giấy nhận nợ” (bút lục số 60). Nội D đọc được tại hai tài liệu này thể hiện chị Ngô Thị Phương D nhận của chị N 2.500.000.000 đồng để trả cho chị Đ. Ngoài ra, theo yêu cầu của chị N, Tòa án cấp phúc thẩm đã thu thập tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đang điều tra giải quyết đơn tố cáo của chị N đối với chị D về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N.
Tại Biên bản ghi lời khai ngày 4-7-2017 do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cung cấp, chị Ngô Thị Phương D trình bày, chị có biết việc chị Đ cho chị N vay 2.600.000.000 đồng để đáo hạn ngân hàng, chị không biết chị N thỏa thuận hình thức trả tiền với chị Đ như thế nào, chị có nhận của chị N 2.500.000.000 đồng để trả cho chị Đ nhưng chị không đưa cho chị Đ, mà trừ vào số tiền chị N đã vay của chị trước đó, do chị muốn thu hồi khoản nợ mà chị N đã vay trước đó nên chị buộc phải nói dối là sẽ lấy tiền của chị N để trả cho chị Đ, nhưng thực tế chị không trả và sau đó chị cũng đã gọi cho chị N thông báo là chị trừ nợ (bút lục từ số 176 đến số 179).
Tham gia tố tụng và tại đơn kháng cáo, chị N trình bày số tiền 2.500.000.000 đồng chị đưa cho chị D để trả nợ cho chị Đ, thì hiện nay chị D đang giữ của chị Đ, nên chị D phải có trách nhiệm giao lại cho chị Đ.
Như vậy, chị N và chị D đều thừa nhận có sự việc chị D nhận 2.500.000.000 đồng của chị N để chị D trả nợ cho chị Đ thay cho chị N, nhưng chị D không trả 2.500.000.000 đồng này cho chị Đ; cũng theo lời khai của chị D tại Biên bản ghi lời khai ngày 4-7-2017 do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cung cấp thì việc chị D nhận 2.500.000.000 đồng của chị N để trả cho chị Đ chỉ là lời nói dối nhằm lấy 2.500.000.000 đồng để trừ vào số nợ mà chị N đang vay chị D (bút lục từ số 176 đến số 179).
[3] Từ nhận định [1] và [2] trên đây, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
- Tòa án cấp sơ thẩm không xác định và không đưa chị D vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự. Kháng cáo của chị N cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không đưa chị D vào tham tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không có căn cứ.
- Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Đ là đúng pháp luật.
- Kháng cáo của chị N đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bác một phần yêu cầu khởi kiện của chị Đ đối với khoản vay 2.500.000.000 đồng, là không có căn cứ.
[4] Tuy chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Đ, nhưng tại bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm lại quyết định “Buộc chị Trịnh Thị N số tiền 2.992.535.000 đồng, trong đó có 2.600.000.000 đồng là nợ gốc và 392.535.000 đồng nợ lãi” là đã tuyên không rõ, khó thi hành. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa phần quyết định này của bản án sơ thẩm cho rõ.
[5] Như đã nhận định trên, tại “Giấy mượn tiền” đề ngày 24-4-2017, các bên không ghi thỏa thuận việc chị N phải trả lãi cho chị Đ. Tham gia tố tụng, chị Đ trình bày, lãi suất của hợp đồng là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, chị N thì trình bày lãi suất của hợp đồng là 4.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày. Đây là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, nên lãi suất được xác định là 10%/năm, tương đương với 0,833%/ tháng.
Do tại phiên tòa sơ thẩm, chị Đ tự nguyện yêu cầu chị N phải trả lãi theo mức lãi 0,825%/tháng theo quy định của pháp luật (Biên bản phiên tòa sơ thẩm, bút lục 112), nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận và buộc chị N trả lãi theo mức lãi 0,825%/tháng là phù hợp.
[6] Lẽ ra theo quy định tại khoản 5 Điều 466 của Bộ luật dân sự thì chị N phải trả cho chị Đ các khoản lãi gồm lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ lãi và lãi trên nợ gốc quá hạn, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc chị N trả cho chị Đ lãi trên nợ gốc quá hạn từ ngày 28-4-2017 đến ngày 6-11-2018, mà không buộc chị N phải trả lãi trên nợ lãi và lãi trên nợ gốc trong hạn là không đúng.
Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định lãi như trên là đã có lợi cho chị N và chị Đ không kháng cáo, nên Hội đồng xét xử không buộc chị N trả lãi trên nợ lãi và lãi trên nợ gốc trong hạn.
Tuy buộc chị N trả cho chị Đ lãi trên nợ gốc quá hạn, nhưng Tòa án cấp sơthẩm tính khoản tiền này là 392.535.000 đồng, là không chính xác. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại tiền lãi trên nợ gốc quá hạn mà chị N phải trả cho chị Đ như sau:
Thời gian phải trả lãi tính từ ngày 28-4-2017 đến ngày 6-11-2018 là 548 ngày.
Lãi suất phải trả là 0,825%/30 ngày.
Tiền lãi phải trả là: 2.600.000.000 đồng x 0.825%/30 ngày x 548 ngày = 391.820.000 đồng.
[7] Từ các nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của chị N, sửa bản án sơ thẩm, buộc chị N phải trả cho chị Đ 2.600.000.000 đồng nợ gốc và 391.820.000 đồng nợ lãi, tổng cộng là 2.991.820.000 đồng.
[8] Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Do sửa bản án dân sự sơ thẩm, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:
Chị N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm với số tiền là: 72.000.000 đồng + (2% x 991.820.000 đồng) = 91.836.400 đồng, làm tròn số là 91.836.000 đồng.
- Chị Đ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, hoàn trả lại cho chị Đ 42.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. [9] Về án phí dân sự phúc thẩm:
Do Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo, nên chị N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 147 và Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26, Điều 27 và Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn là chị Trịnh Thị N; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2018/DS-ST ngày 6 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai như sau:
Áp dụng Điều 357, Điều 463, Điều 466, Điều 468, khoản 2 Điều 470 của Bộ luật dân sự năm 2015;
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Ngọc Đ. Buộc chị Trịnh Thị N phải trả cho chị Nguyễn Thị Ngọc Đ số nợ gốc là 2.600.000.000 đồng và số nợ lãi là 391.820.000 đồng, tổng cộng là 2.991.820.000 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của chị Nguyễn Thị Ngọc Đ cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền nêu trên, chị Trịnh Thị N còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Buộc chị Trịnh Thị N phải chịu 91.836.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Chị Nguyễn Thị Ngọc Đ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; hoàn trả lại cho chị Nguyễn Thị Ngọc Đ 42.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai số 0002651 ngày 18-6-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Gia Lai.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm:
Chị Trịnh Thị N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại cho chị Trịnh Thị N 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0002790 ngày 16-11-2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Gia Lai;
3. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 24/2019/DS-PT ngày 05/07/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 24/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Gia Lai |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 05/07/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về