Bản án 24/2018/HS-PT ngày 05/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 24/2018/HS-PT NGÀY 05/03/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 05/3/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 18/2018/TLPT-HS ngày 05/01/2018 đối với bị cáo Thân Văn Q do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 51/2017/HSST ngày 30/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

*Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Họ và tên: Thân Văn Q, sinh năm 1991; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn N, xã A, huyện Y, tỉnh Bắc Giang; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ văn hoá: 10/12; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Thân Văn C (đã chết) và con bà Lê Thị H; có vợ: Bùi Thị T và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; hiện tại ngoại (có mặt).

*Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Đức T- Luật sư của Văn phòng Luật sư Đ, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh (có mặt).

*Bị hại có kháng cáo: Bà Ngô Thị B, sinh năm 1960 (có mặt)

Địa chỉ: Số 26, Phố Lao Động, thị trấn N, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

Trong vụ án còn người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án như sau:

Do có nghi ngờ bà Lê Thị H1, ở thôn N, xã A, huyện Y có quan hệ tình cảm với chồng mình là ông Phùng Tố D nên khoảng 17 giờ ngày 21-3-2017, bà Ngô Thị B, trú tại phố L, thị trấn N, huyện T đến nhà rủ bà Dương Thị H2, ở thôn T, xã N, huyện T vào nhà bà H1 mục đích để nói chuyện với bà H1. Bà H2 đồng ý và đi xe mô tô kèm bà Bình và cháu bà Hằng là Nghiêm Xuân T1 (3 tuổi) cùng đi, trên đường đi bà B rủ thêm bà Nguyễn Thị D, ở thôn N, xã A, huyện Y đi cùng. Bà H2 kèm bà B, bà D và cháu T1 đến đỗ ngoài cổng nhà bà H1 thì bà B và bà H2 đứng ngoài còn bà D vào thì gặp Thân Văn Q là con trai bà H1 đang buộc lồng gà ở sân. Bà D hỏi thì Q cho biết bà H1 không có ở nhà rồi Q đi về nhà ở thôn N. Bà H2 kèm bà D, bà B và cháu T1 cũng đi về. Khi đến cổng nhà Q thì bà B thấy chị Bùi Thị T là vợ của Q nên bảo bà H2 đỗ xe lại. Sau khi đỗ xe, bà H2 đi ra nghe điện thoại cách đó khoảng hơn 20 mét, bà D đi về phía khu ruộng đối diện nhà Q đứng cách xe khoảng 10 mét, còn bà B đến hỏi chị T: “Mẹ cháu có nhà không?” chị T trả lời “Mẹ cháu không có nhà!”. Lúc này bà B nói “Chúng mày về nói với mẹ mày là không được quan hệ với ông D nữa! Mẹ mày không có đạo đức, không có lương tâm, người đàn bà này bòn tiền của chồng tao, làm tiền vô liêm sỉ thối tha! Tao bảo bao nhiêu lần rồi vẫn đi với chồng tao!”. Bà B to tiếng lăng mạ, xúc phạm bà H1 một lúc thì chị T nói: “Cháu không biết, mẹ cháu không có nhà. Cháu không biết gì” rồi đi vào phía trong. Bà B tiếp tục lăng mạ, xúc phạm bà H1. Lúc này Q ra bảo bà B không được chửi, lăng mạ như vậy nữa, Q nói “Nếu có việc gì cần trao đổi thì mời các bác vào trong nhà uống nước nói chuyện nhẹ nhàng, nhà cháu đang có thợ..” nhưng bà B vẫn tiếp tục có lời nói lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với Q và bà H1 nên Q vào trong nhà ngồi. Khi đó bà Lê Thị L ở thôn L, xã A, huyện Y đang làm cỏ lúa đối diện nhà Q đi lên bảo bà B ở đây là thôn văn hóa không được chửi bới nữa. Bức xúc việc bà B vẫn tiếp tục to tiếng chửi, lăng mạ, xúc phạm bà H1 nên Q tay trái cầm chiếc điếu cày bằng tre từ trong nhà ra vụt 03 phát trúng vào cẳng tay trái và trúng vào cẳng tay phải của bà B. Sau khi vụt bà B xong, Q bảo: “Thế bây giờ thì các bà có đi không?” rồi cầm điếu cày mang vào để trong thùng sơn dưới gầm bàn uống nước. Sau khi bị Q vụt vào tay bà B kêu bị gãy tay lúc này bà H2 chở bà B, bà D và cháu T1 đi đến nhà bà Nguyễn Thị T, ở thôn N, xã A sơ cứu vết thương rồi bà B được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị thương tích từ ngày 21-3-2017 đến 01-4-2017 thì ra viện.

Cùng ngày, Thân Văn Q đã giao nộp 01 (một) chiếc điếu cày bằng tre dài 65 cm, đường kính miệng điếu là 4,2cm, thành của miệng điếu được bọc nhôm màu trắng, thân điếu màu vàng vẽ hình con rồng bằng mực màu đen, gắn 01 nõ điếu bằng kim loại là điếu cày mà Q đã dùng đánh gây thương tích cho bà B.

Tại Giấy chứng nhận thương tích ngày 19-6-2017 của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xác định bà Ngô Thị B: Vào viện lúc 21 giờ 26 phút ngày 21-3-2017, ra viện lúc 9 giờ 00 phút ngày 01-4-2017. Tình trạng thương tích lúc vào viện: Vết thương dài 2cm mặt ngoài 1/3 trên cẳng tay phải có máu chảy lẫn váng mỡ, qua vết thương thấy thông với ổ gãy xương quay. Ấn đau chói tại vị trí 1/3 giữa xương trụ trái.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 7823/17/TgT ngày 03-7-2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Giang kết luận: Tỷ lệ thương tích của bà Ngô Thị B là 22% (hai mươi hai phần trăm), gồm: Thương tích gãy 1/3 dưới xương trụ phải và 1/3 giữa xương quay phải: 15%; thương tích gãy 1/3 giữa xương trụ trái: 08%. Thương tích do vật cứng gây nên, lực tác động mạnh, không xác định được chiều hướng gây thương tích. Trường hợp dùng 01 (một) chiếc điếu cày bằng tre dài 65cm và trường hợp dùng 01 (một) đoạn gậy gỗ dài khoảng hơn 01m có đặc điểm nêu trên đánh thì cả hai trường hợp đều gây được các thương tích kể trên của bà Ngô Thị B.

Tại văn bản số 7959/TTPY ngày 03-10-2017, Trung tâm Pháp y tỉnh Bắc Giang giải thích: Trong giám định pháp y, việc đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tích theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12-6-2014 của Bộ Y tế không có mục đánh giá cố tật, không có mục đánh giá thời gian bình phục cơ thể. Vì vậy trong giám định pháp y không đánh giá cố tật, không đánh giá thời gian bình phục cơ thể.

Quá trình điều tra, Thân Văn Q xác định khi dùng điếu cày đánh bà B thì bà B đang đứng dưới đất cạnh đuôi xe mô tô và cách Q khoảng 01 mét còn bà D đứng bên phải và cách Q khoảng 0,5 mét. Q dùng tay trái cầm vào vùng miệng điếu vụt mạnh ngang 03 (ba) phát theo chiều từ trái qua phải, từ sau ra trước về phía người bà B. Khi Q vụt phát đầu tiên thì bà B giơ tay phải đỡ thì bị vụt trúng vào cẳng tay phải, 2 phát sau Q vụt thì bà B xoay người, hướng tay trái về phía Q thì bị Q vụt trúng 01 (một) phát vào cẳng tay trái của bà B đang giơ lên, còn 01 (một) phát nữa thì Q không rõ trúng vào vị trí nào trên cơ thể của bà B. Q xác định không đánh trúng bà D vì bà D không có mâu thuẫn với Q.

Bà Ngô Thị B khai: Sau khi được bà L đến can ngăn thì bà B và bà D ngồi trên xe mô tô (bà B ngồi sau cùng), khi chuẩn bị về thì bị Q chạy từ nhà ra đứng ở phía sau, bên phải bà B và dùng hai tay cầm đoạn gậy gỗ dài khoảng hơn 01 mét, bản rộng từ 05 đến 08cm, dầy khoảng 02 - 03cm, có cạnh vuông vụt 01 phát về phía người bà B, bà B giơ tay phải đỡ thì bị Q vụt trúng vào cẳng tay phải. Ngay sau đó Q chạy sang đứng ở phía sau bên trái bà B rồi vụt tiếp 01 phát trúng vào cẳng tay trái của bà B. Q lôi bà D ngã xuống đất rồi vụt 01 phát vào bà D nhưng không rõ trúng vào đâu, sau đó Q bỏ đi.

Bà D khai: Khi Q đánh bà B thì bà D và bà B đang ngồi trên xe, bà D chỉ biết Q cầm vật cứng dài khoảng 60cm đến 70cm đứng ở phía sau bên phải bà B và vụt 01 phát về phía tay phải của bà B, bà D giơ tay phải đỡ cùng bà B thì Q vụt trúng vào cẳng tay phải của bà B và cũng trúng vào ngón út bàn tay trái của bà D rồi Q chạy qua đuôi xe, đứng ở phía sau bên trái bà B thì bà D xoay người, ngoảnh mặt nhìn theo Q thấy Q vụt tiếp 01 phát trúng vào cẳng tay trái của bà B khi bà B giơ tay lên đỡ đồng thời cũng trúng vào mỏm vai phải của bà D. Do bị đau nên bà D không nhìn theo nên không biết Q đánh bà B như thế nào nữa. Bà D có đơn từ chối khám chứng thương, giám định thương tích và không đề nghị xử lý gì đối với Q.

Bà H2 khai: Khi đang mải đạp nổ máy xe thì nghe thấy có khoảng 02 đến 03 tiếng “Bụp!” phía sau lưng thì ngoảnh lại thấy Q đang cầm một vật hình đoạn ống trụ tròn dài khoảng 50 cm đến 60cm, đường kính khoảng 03cm đến 04cm nhưng không xác định được là vật gì. Chị Bùi Thị T và bà Lê Thị L đều cho rằng khi Q dùng điếu cày vụt bà B thì bà B đang đứng dưới đất cạnh đuôi xe và đều không nhìn thấy Q vụt trúng bà D. Do có mâu thuẫn trong các lời khai nêu trên, Cơ quan điều tra đã tiến hành cho đối chất nhưng tất cả đều giữ nguyên lời khai của mình. Tiến hành thực nghiệm điều tra, kết quả: Thân Văn Q thực hiện thuần thục động tác đánh gây thương tích cho bà B.

Việc bà B có lời nói lăng mạ, xúc phạm đến bà H1, ngày 25-10-2017 Công an huyện Yên Thế đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tại Bản án số 51/2017/HSST ngày 30/11/2017 của Toà án nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Thân Văn Q phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7; Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt: Thân Văn Q 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 590, Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; Buộc bị cáo Thân Văn Q có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Ngô Thị B tổng số tiền 70.129.708 đồng, được trừ 20.000.000 đồng Q đã tự nguyện nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, Q còn phải bồi thường tiếp 50.129.708 đồng.

Ngoài ra bản án xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/12/2017, bị cáo Thân Văn Q làm đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt tù, hưởng án treo và giảm mức bồi thường thiệt hại.

Ngày 13/12/2017, bà Ngô Thị B làm đơn kháng cáo với nội dung tăng hình phạt tù, tăng mức bồi thường thiệt hại.

Tại phiên toà phúc thẩm, lúc đầu bị cáo và bị hại đều giữ nguyên kháng cáo, sau đó bị hại rút một phần kháng cáo về yêu cầu tăng hình phạt tù và giữa bị cáo và bị hại đã tự nguyện thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại tổng số là 100.000.000 đồng, hai bên đã tự thành toán xong bằng tiền mặt, bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo ở khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự và xem xét bị cáo đã bồi thường xong cho bị hại, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm một phần hình phạt cho bị cáo và ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và bị hại về phần trách nhiệm dân sự.

Người bào chữa cho bị cáo xác định án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Cố ý gây thương tích, theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng hành vi của bị cáo gây ra; Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về nguyên nhân bị cáo phạm tội do lỗi của bị hại, án sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại (điểm đ khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự) là thiếu sót. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, được bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo; đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo Thân Văn Q và bị hại bà Ngô Thị B đã nộp theo đúng các quy định của pháp luật nên được xác định là kháng cáo hợp pháp cần được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại tự nguyện rút một phần kháng cáo về yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo, bị cáo vẫn còn kháng cáo về hình phạt tù nên Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút một phần kháng cáo này của bị hại.

[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án: Với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi tại phiên tòa thấy đủ cơ sở xác định: Khoảng hơn 17 giờ ngày 21-3-2017, Thân Văn Q do bực tức việc bà Ngô Thị B ở phố L, thị trấn N có lời nói chửi bới, xúc phạm đến bà Lê Thị H1 là mẹ đẻ của Q nên Q đã cầm 01 điếu cày bằng tre vụt hai cái vào cẳng tay bà B gây thương tích 22% (hai mươi hai phần trăm), trong đó thương tích cẳng tay phải là 15%, thương tích cẳng tay trái là 08%.

Án sơ thẩm đã căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu mà Cơ quan điều tra đã thu thập có trong hồ sơ và diễn biến tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm đã kết án bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự là có căn cứ.

[3] Xét nội dung kháng cáo thì thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xét xử sơ thẩm ở điểm b, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, nhưng không áp dụng cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở khoản 2 Điều 46 (có lỗi của bị hại do đã chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của mẹ bị cáo). Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù, không cho hưởng án treo là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo có tình tiết mới: “tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã thỏa thuận và bồi thường xong cho bị hại 100.000.000 đồng, được bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo”. Bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm tội có nguyên nhân do lỗi của bị hại, có tình tiết mới ở cấp phúc thẩm; Bị cáo có đủ điều điều kiện hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và bị hại tự nguyện thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại tổng số là 100.000.000 đồng, hai bên đã thi hành xong nên cần chấp nhận kháng cáo của bị hại, ghi nhận sự thỏa thuận này và sửa bản án sơ thẩm. Số tiền bị cáo Q đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y cần trả lại cho bị cáo.

[4] Án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo, bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị cấp phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1và điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Thân Văn Q và kháng cáo của bị hại, sửa một phần bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự:

+ Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Thân Văn Q 02 (hai) năm tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm: 05/3/2018. Giao bị cáo Thân Văn Q cho Ủy ban nhân dân xã A, huyện Y, tỉnh Bắc Giang giám sát và giáo dục trong trời gian thử thách; trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

+ Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 590 của Bộ luật dân sự; Ghi nhận sự thỏa thuận của bị cáo Thân Văn Q và bị hại Ngô Thị B tại phiên tòa phúc thẩm như sau: Bị cáo Thân Văn Q bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Ngô Thị B tổng số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng); xác nhận hai bên đã thi hành xong.

Hoàn trả bị cáo Thân Văn Q số tiền 20.000.000 đồng nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện  Y (theo  Biên lai thu tiền số AA/2010/006880 ngày 16/11/2017).

[2] Về án phí: Bị cáo Thân Văn Q và bà Ngô Thị B không phải chịu án phí phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

355
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 24/2018/HS-PT ngày 05/03/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:24/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về