TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 24/2017/DSPT NGÀY 17/05/2017 VỀ TRANH CHẤP NHÀ THỜ HỌ VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 17 tháng 5 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 23/2017/TLPT-DS ngày 16/01/2017 về việc tranh chấp “nhà thờ họ và quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm 02/2016/DSST ngày 07/11/2016 của Tòa án nhân dân thị xã S, tỉnh Bắc Ninh bị kháng nghị và kháng cáo, quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số:19/2017/QĐXXPT ngày 06/3/2017 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Dòng họ N ở xóm X, thôn T, xã T, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh.
Những người được dòng họ N ủy quyền tham gia tố tụng:
1. Ông Ngô Viết C, sinh năm 1932.Có mặt.
2. Ông Ngô Đức N, sinh năm 1943.Có mặt.
3. Ông Ngô Minh H, sinh năm 1950.Có mặt.
Đều trú tại: Xóm X, thôn T, xã T,thị xã S, tỉnh Bắc Ninh.
Bị đơn: Ông Ngô Văn N, sinh năm 1934. Có mặt.
Trú tại: Xóm X, thôn T, xã T, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1933. Vắng mặt
2. Chị Ngô Thị S, sinh năm 1956. Vắng mặt
3. Đều trú tại: Xóm X, thôn T, xã T, thị xã S tỉnh Bắc Ninh.
đại diện theo ủy quyền của ông N, bà M chị S là:
1. Ông Ngô Văn B, sinh 1960 Có mặt.
2. Ông Ngô Văn K, sinh năm 1962 Có mặt.
Đều trú tại: Xóm X, thôn T, xã T, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh.
Do có kháng cáo của các ông: Ngô Văn N, Ngô Viết C, Ngô Đức N và Ngô Minh H.
Quyết định kháng nghị của: Viện Trưởng VKS nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm và tài liệu trong hồ sơ thì nội dung vụ kiện như sau:
Phía nguyên đơn do các ông Ngô Viết C, Ngô Đức N, Ngô Minh H đại diện theo ủy quyền trình bày: Về đất và nhà thờ tại xóm X, thôn T, xã T, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh hiện nay giữa dòng họ và gia đình ông Ngô Văn N đang tranh chấp trước đây thể hiện trên số điền bạ thời pháp thuộc là thửa số 2943 tờ bản đồ số 05, theo bản đồ địa chính năm 1989 là thửa số 267 tờ bản đồ số 3, theo bản đồ địa chính năm 1999 là thửa số 90 tờ bản đồ số 08 và hiện nay như sổ mục kê đất đai năm 2015 là thửa số 179 tờ bản đồ số 82 diện tích 150,5m2 chủ sử dụng là Ngô M Tộc. Nguồn gốc ban đầu là của cụ tổ Ngô Văn Khang (cụ Tổ dòng Họ) để lại được lưu truyền từ đời này qua đời khác làm nơi thờ cúng tổ tiên. Đến đời thứ 8 trưởng họ là cụ Ngô Văn M đất mới được thể hiện trong hồ sơ quản lý đất còn được lưu lại tại UBND xã T từ thời kỳ trước cách mạng thể hiện thửa đất 2943 thuộc tờ bản đồ số 05 diện tích 09 thước được cấp cho người sử dụng là Ngô M Tộc, mục đích sử dụng là nhà thờ, đất thuộc diện không chịu thuế. Theo lưu truyền vào đời thứ 8 (đời trưởng họ Ngô Văn M) trên thửa đất đã có ngôi nhà thờ 05 gian cấp 4 lợp ngói, tường chất búa. Hàng năm cứ đến ngày giỗ Tổ (07/2 ÂL) con cháu 05 chi trong dòng họ lại về hội tụ tại nhà thờ họp mặt tế lễ tưởng nhớ tổ tiên.
Cụ Ngô Văn M có 04 anh em trai, cụ M là cả và 03 em trai là cụ Kế, cụ Cao, cụ Ngữ. Cụ M sinh được 02 người con trai là cụ Ngô Văn Đ và cụ Ngô Văn V, cụ Đ không có con trai sống dưới chế độ phong kiến do xa cơ lỡ vận phải đưa gia đình vào Thanh Hoá lập nghiệp. Do vậy, nhà thờ và đất bị bỏ hoang không người quản lý, hư hỏng. Năm 1942 các cụ trong dòng họ đã tu sửa dồn ngôi nhà 5 gian tường đất thành nhà ngói 3 gian tường gạch, nhà sửa xong vẫn bỏ trống không có người ở.
Năm 1946 cụ Ngô Văn P con trai cụ V (em cụ Đ) cùng các con là Ngô Thị Nhàn, Ngô Văn Nhã, Ngô Văn N ở La Sầm, Thất khê, Lạng Sơn chạy kháng chiến về quê và ở tại nhà thờ họ. Năm 1949 Pháp vây làng T, gia đình cụ P chạy tản cư lên Hiệp Hoà- Bắc Giang sau đó về sinh sống tại thị xã Bắc Ninh. Trong thời gian kháng chiến nhà thờ lại bỏ trống không có người trông nom. Năm 1957 vợ cK ông Ngô Viết C cùng 03 con chạy lụt về xin phép họ tộc ở nhờ tại nhà thờ. Năm 1965 gia đình ông Ngô Văn N (con thứ 3 cụ P) chuyển từ thị xã Bắc Ninh về quê sinh sống, do không có chỗ ở nên về ở cùng gia đình ông C tại nhà thờ của dòng tộc, khi đó mỗi gia đình ở 01 gian kế bên, còn gian chính vẫn dùng để thờ tổ. Đến năm 1967 gia đình ông Ngô Viết C chuyển đi nơi khác sinh sống còn gia đình ông N vẫn tiếp tục sử dụng nhà thờ họ từ đó đến nay. Lý do dòng họ để cho ông Ngô Văn N ở, vì ông N là con thứ cảnh trưởng, em trai trưởng họ Ngô Văn Nhã, ông Nhã thoát ly sống xa quê nên dòng họ cho ông N ở tại nhà thờ để thuận bề hương khói tổ tiên.
Do thời gian đã lâu nhà thờ cũ nát nên trong các năm 1991 và 1998 dòng họ đã tiến hành vận động khuyên góp tiền sửa chữa nhà thờ họ 02 lần, thời điểm này gia đình ông N vẫn đang ở tại nhà thờ họ. Đến đầu năm 2013 do thời gian dài không được tu bổ nhà thờ xuống cấp hư hỏng nặng Họ tộc họp bàn ra nghị quyết nâng cấp, sửa sang mở rộng nhà thờ từ 3 gian thành 5 gian chất liệu bằng gỗ xoan mới, về kinh phí xây dựng huy động bằng 2 cách:
1- Bổ khẩu con trai, con dâu và cả con gái còn ở với gia đình chưa xuất giá mỗi xuất đóng 500.000đ
2- Vận động lòng hảo tâm cúng tiến của con cháu trong họ, đồng thời thành lập Ban kiến thiết gồm các ông bà: Ngô Văn Nhã, Ngô Văn N, Ngô Đức N, ông Cúc, bà Phương. (Tổng số tiền khuyên góp và cúng tiến được 380.700.000đ)
Nhà thờ động thổ khởi công xây dựng từ 05/9/2013 (tức 01/8 Quý Tỵ), sau hơn 03 tháng thi công thì hoàn thành xong nhà thờ với các hạng mục khác như bếp, công trình vệ sinh, sân gạch...(với tổng chi phí xây dựng như đại diện dòng họ kê khai hết 322.800.000đ không kể phần đồ thờ cúng tiến). Ngày 12/12/2013 (tức 10/11 Quý Tỵ) tại cuộc họp toàn thể gia tộc dưới sự chủ trì của trưởng họ Ngô Văn Nhã (anh trai ông Ngô Văn N) dòng họ có Nghị quyết thống nhất sau khi xây dựng xong nhà thờ để đảm bảo sự tôn nghiêm nơi thờ cúng không để có người sống tại nhà thờ nữa và đề nghị ông Ngô Văn N bà Nguyễn Thị M cùng cô con gái là chị Ngô Thị S về sống cùng con, cháu. Không tán thành với nghị quyết của dòng họ, ông Ngô Văn N và gia đình đã rào lấp lối đi không cho dòng họ đi vào Nhà thờ, ông Ngô Văn N cho rằng lối đi vào nhà thờ trước đây thuộc thửa đất số 2940 nay là thửa 91 tờ bản đồ số 08 do bố ông là cụ Ngô Văn P để lại, vì lợi ích chung của dòng họ cụ P có dành 1 phần đất của gia đình làm lối đi vào nhà thờ cho thuận tiện từ đó giữa dòng họ và gia đình ông Ngô văn N xảy ra tranh chấp, lúc đầu chỉ là tranh chấp lối đi vào nhà thờ sau khi xã, huyện giải quyết phần tranh chấp lối đi các bên tiếp tục nảy sinh tranh chấp đất và ngôi nhà thờ tọa lạc trên đất.
Khi xảy ra tranh chấp UBND xã T, thị xã S nhiều lần tiến hành tổ chức hòa giải nhưng các bên không giải quyết được. Tại báo cáo của UBND xã T, S kết luận: “1. Phần ngõ đi vào thửa đất nhà thờ họ bản đồ các thời kỳ thể hiện là ngõ riêng biệt. Do vậy, không nằm trong thửa đất 91 tờ bản đồ số 8, hiện tích 108m2 đứng tên chủ sở hữu là ông Ngô Văn B- Con trai ông N đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2008. Đây là phần ngõ đi chung . Việc ông Ngô Văn N cho rằng phần ngõ đi này là đất của gia đình để chừa ngõ đi là không có cơ sở. Mọi hành vi gây cản trở việc lưu thông của ngõ đi là vi phạm pháp luật; 2. “Thửa đất số 90 tờ bản đồ số 8 diện tích 150,5m2 đang sảy ra tranh chấp, thể hiện trong sổ mục kê khai là nhà thờ Họ, có mục đích sử dụng là đất tín ngưỡng, nhà nước không thu thuế….”.
Vì thế các ông Ngô Viết C, Ngô Đức N, Ngô Minh H được sự ủy quyền của các thành viên trong họ có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông Ngô Văn N phải trả lại toàn bộ nhà thờ Họ, đất ở cho dòng họ để con cháu dòng họ làm nơi thờ cúng tổ tiên thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Về phần diện tích ngõ đi vào nhà thờ UBND xã đã xác định đây là ngõ đi chung của tập thể không phải của riêng ai các ông không yêu cầu Tòa án giải quyết. Dòng Họ sẽ có trách nhiệm trích trả cho gia đình ông N những tài sản riêng của gia đình ông N.
Phía bị đơn là Ông Ngô Văn N và ông Ngô Văn K, Ngô Văn B đại diện theo ủy quyền của ông N, bà M và chị S Trình bày: Nguồn gốc thửa đất số 90 tờ bản đồ số 08 diện tích 150,5m2 dòng họ đang kiện đòi gia đình ông trả lại có một phần đất của cụ nội ông (là cụ Ngô Văn M- Trưởng dòng họ N đời thứ 8). Trước khi mất cụ M đã cắt đôi phần nhà đất của mình chia cho 02 người con trai, con lớn là cụ Ngô Văn Đ và con thứ là cụ Ngô Văn V (ông nội ông N). Do cuộc sống quá khó khăn nên cả hai anh em là cụ Đ và cụ V phải bán lại nhà đất vào Thanh Hóa làm ăn (phần đất của cụ Đ thuộc thửa 2943 mang tên cụ Ngô M bán cho cụ đồ Sáu (là em vợ cụ V) còn cụ V bán phần đất thuộc thửa 2940 cho cụ Ngô Huy Cộng người cùng làng. Sau một thời gian làm ăn tích lũy được một số vốn, năm 1938 cụ Đ, cụ V cùng các con về chuộc lại hai thửa đất trên. Khi chuộc lại thì chỉ có cụ V làm giấy sang tên chuyển chủ từ cụ Ngô Huy Cộng cho bố ông là Ngô Văn P, còn thửa đất hiện nay đang tranh chấp khi bán không làm thủ tục mua bán nên khi chuộc lại cũng không có giấy tờ gì mà vẫn để nguyên thửa đất mang tên Ngô M tộc. Sau khi chuộc lại nhà đất thửa 2943 nay là thửa số 90, tờ bản đồ số 08 do cụ Đ không có con trai nên cụ lại về quê vợ ở Thanh Hoá làm ăn sinh sống và giao lại nhà, đất cho em trai là cụ V (tức ông nội ông N) quản lý, trông coi, sử dụng và thờ cúng giỗ tổ tiên chi 1 dòng họ N. Ông N khẳng định bố mẹ, gia đình ông cùng các con cháu đã sinh sống ổn định trên thửa đất này 07 đời, bản thân ông vào năm 1973 đã xây dựng 01 gác lửng 2 tầng liền kề với 3 gian nhà thờ, năm 2008 ông đã tách cho vợ chồng con trai lớn là Ngô Văn B một phần diện tích mảnh vườn đằng trước thuộc thửa đất có trên bản đồ cũ là thửa 2940 nay là thửa số 91 tờ bản đồ số 08 diện tích 108m2 để ông B đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần diện tích còn lại nằm sát mép phía Nam của thửa 2940 do trước đây khi còn sống bố ông là cụ Ngô Văn P có cắt và dành một phần làm ngõ đi vào thửa 2943 cho thuận tiện nên khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như kê khai đất đai ông không cho phép con, cháu kê khai phần đất ngõ này vào quyền sử dụng đất của gia đình. Ông Ngô Văn N khẳng định phần ngõ đi vào nhà thờ, đất nhà thờ hiện nay là đất của cha ông để lại gia đình ông có quyền sử dụng B pháp việc UBND xã T có báo cáo số 37/ BC- UB ngày 10/10/2014 kết luận phần ngõ đi vào nhà thờ là ngõ đi chung của tập thể là không có căn cứ, đây là đất của gia đình ông chỉ có gia đình ông sử dụng.
Về ngôi nhà trên đất, trước đây nhà trên đất là của cụ các đời trước của chi 1 nhà ông N để lại. Đến khoảng năm 1973 do nhu cầu sử dụng ông N có xây một ngôi căn nhà chống lụt cạnh nhà thờ và sử dụng ổn định. Đến năm 2013 các ông Ngô Viết C, Ngô Đức N và một số người trong dòng họ nói muốn nhà bác trưởng to đẹp rộng rãi hơn để lừa vợ chồng ông phá rỡ toàn bộ ngôi nhà 3 gian cấp 4 dùng làm nơi thờ cúng của chi 1 và ngôi nhà 2 tầng do vợ chồng ông xây dựng từ năm 1973 để làm ngôi nhà thờ 5 gian như hiện nay. Sau khi xây dựng xong dòng Họ viện cớ đóng góp xây dựng nhà thờ và cho rằng nhà thờ cần phải đảm bảo sự tôn nghiêm nên đã họp và ra nghị quyết yêu cầu vợ chồng ông và con cái về nhà gia đình con, cháu ở trả lại đất và nhà thờ cho dòng Họ. Ông N cho rằng đất, nhà trên đất là của các cụ trong chi 1 C lại cho con cháu thờ cúng tổ tiên, đây là nhà thờ của chi 1 họ Ngô chứ không phải là Nhà thờ chung của cả dòng Họ nên ông không chấp nhận trả lại nhà thờ và đất theo yêu cầu của dòng Họ. Tại tòa án ông N đề nghị Tòa án bác yêu cầu của nguyên đơn, công nhận quyền sở hữu đối với đất, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất, đồng thời ông N sẽ có trách nhiệm tự nguyện trích trả phần đóng góp xây dựng nhà thờ cho những thành viên thuộc các chi trong dòng Họ. Ông N có xuất trình một giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 788 địa bạ số 9 do Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Ninh cấp ngày 17/5/1956 cho chủ đất là bà Nguyễn Thị M và ông Ngô Văn P, ông N cho rằng đó là giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cấp bao gồm cho cả thửa đất đang tranh chấp.
Từ nội dung trên, bản án sơ thẩm đã căn cứ: Điều 3, 214, 215, 217, 220, 224, 255, 256, 258, 303, 305 Bộ luật dân sự; Điều 8 Luật Nhà ở; Điều 100, 160, 203 Luật Đất đai; Điều 26, 35, 39, 143, 144, 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí lệ phí toà án của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện dòng họ N do các ông Ngô Viết C, Ngô Minh H, Ngô Đức N đại diện.
Buộc ông Ngô Văn N bà Nguyễn Thị M, chị Nguyễn Thị S phải trả lại cho dòng họ N thửa đất số 90, tờ bản đồ số 08 nay là thửa số 179, tờ bản đồ 82 diện tích 150,5m2 và ngôi nhà thờ 05 gian diện tích 72,9m2 cùng các công trình xây dựng gắn liền với đất. Dòng họ N do các ông Ngô Viết C, Ngô Đức N, Ngô Minh H đại diện có trách nhiệm thanh toán trả cho ông Ngô Văn N giá trị của 01 giếng khoan và 02 cánh cổng sắt do ông tự bỏ kinh phí xây dựng và trích trả công sức quản lý tài sản cho ông Ngô Văn N với tổng số tiền 51.685.000đ.
Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, lệ phí tòa án, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xử sơ thẩm, ngày 15/11/2016 ông Ngô Văn N làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án; ngày 17/11/2016 đại diện dòng họ N (ông C, ông N, ông H) có đơn kháng cáo một phần bản án; ngày 07/12/2016 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh có quyết định kháng nghị toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm. Đại diện VKS giữ nguyên quyết định kháng nghị.
Đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, các ông đề nghị cấp phúc thẩm sửa quyết định của bản án sơ thẩm, dòng Họ không đồng ý trích trả 50.000.000đ tiền công sức trông nom cho ông N.
Phía bị đơn do ông K và ông B đại diện theo ủy quyền của ông N và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bản án, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn đồng thời công nhận quyền sử dụng đất, nhà thờ và tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của chi 1 dòng họ N. Các bên đương sự không tự hòa giải được đề nghị HĐXX giải quyết theo pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án tới khi nghị án là đảm bảo đúng theo trình tự thủ tục tố tụng. Về đề đường lối giải quyết, xét thấy bản án sơ thẩm có nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng cả về nội dung và thủ tục tố tụng nên Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận quyết định kháng nghị. Tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Tòa án nhân dân thị xã S, tỉnh Bắc Ninh giải quyết lại theo thủ tục chung.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời trình bày của các đương sự và kết quả phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử xét thấy:
Về đất và nhà thờ tại xóm X, thôn T, xã T, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh hiện nay giữa dòng họ và gia đình ông Ngô Văn N đang tranh chấp trước đây thể hiện trên số điền bạ thời pháp thuộc là thửa số 2943 tờ bản đồ số 05, theo bản đồ địa chính năm 1989 là thửa số 267 tờ bản đồ số 3, theo bản đồ địa chính năm 1999 là thửa số 90 tờ bản đồ số 08 và hiện nay như sổ mục kê đất đai năm 2015 là thửa số 179 tờ bản đồ số 82 diện tích 150,5m2. Nguồn gốc đất ban đầu là của cụ tổ Ngô Văn Khang theo gia phả (cụ Tổ dòng họ) để lại được lưu truyền từ đời này qua đời khác làm nơi thờ cúng tổ tiên. Đến đời thứ 8 trưởng họ là cụ Ngô Văn M đất ở mới được thể hiện trong hồ sơ quản lý đất là thửa đất 2943 thuộc tờ bản đồ số 05 diện tích 09 thước được cấp cho người sử dụng là Ngô M Tộc, mục đích sử dụng là nhà thờ, đất thuộc diện không chịu thuế. Trên đất đã có ngôi nhà thờ 05 gian cấp 4 lợp ngói, tường chất búa. Theo lệ hàng năm cứ đến ngày giỗ Tổ (07/2 ÂL) con cháu 05 chi trong dòng họ lại về hội tụ tại nhà thờ họp mặt tế lễ tưởng nhớ tổ tiên.
Cụ Ngô Văn M để lại đất và nhà thờ cho con trai là cụ Ngô Văn Đ, cụ Đ không có con trai sống dưới chế độ phong kiến cụ Đ xa cơ lỡ vận phải đưa gia đình vào Thanh Hoá lập nghiệp đất và nhà thờ bỏ hoang không ai ở nên bị hư hỏng. Năm 1942 các cụ trong dòng họ đã tu sửa dồn ngôi nhà 5 gian tường đất thành nhà ngói 3 gian tường gạch, nhà sửa xong vẫn bỏ trống không có người ở. Năm 1946 cụ Ngô Văn P con trai cụ V (em cụ Đ) cùng các con chạy kháng chiến về ở nhờ tại nhà thờ của dòng Họ. Đến năm 1949 Pháp vây làng T, gia đình cụ P chạy tản cư lên Hiệp Hoà- Bắc Giang sau đó về sinh sống tại thị xã Bắc Ninh. Trong thời gian kháng chiến nhà thờ lại bỏ không có người trông nom. Năm 1957 vợ chồng ông Ngô Viết C cùng 03 con chạy lụt về xin phép họ tộc ở nhờ tại nhà thờ, năm 1965 gia đình ông Ngô Văn N (con thứ 3 cụ P) chuyển từ thị xã Bắc Ninh về quê sinh sống, do không có chỗ ở nên về ở nhờ nhà thờ dòng tộc cùng gia đình ông C. Khi đó mỗi gia đình ở 01 gian kế bên, còn gian chính vẫn dùng để thờ tổ. Đến năm 1967 gia đình ông Ngô Viết C chuyển đi nơi khác sinh sống còn gia đình ông N vẫn tiếp tục sử dụng nhà thờ để sinh sống và ở từ đó đến khi có tranh chấp. Trong quá trình ông N sống tại nhà thờ dòng Họ năm 1991 và 1998 dòng Họ đã tiến hành vận động khuyên góp tiền tiến hành sửa chữa nhà thờ họ 02 lần. Đến đầu năm 2013 do thời gian dài không được tu bổ nhà thờ xuống cấp hư hỏng nặng Họ tộc họp bàn ra nghị quyết nâng cấp, sửa sang mở rộng nhà thờ từ 3 gian thành 5 gian chất liệu bằng gỗ xoan mới, việc xây dựng đều được gia đình ông N và các thành viên chi 1 họ Ngô đồng ý, ủng hộ. Sau khi xây dựng xong nhà thờ Họ để đảm bảo sự tôn nghiêm của nơi thờ tự, họ Ngô đã tổ chức hội nghị và yêu cầu gia đình ông N chuyển về ở với con cháu không tiếp tục sống tại nhờ thờ nữa. Ông N không chấp nhận vì cho rằng đất và nhà thờ là của riêng chi 1 thờ cúng các cụ không phải nhà thờ của dòng Họ nên các bên đã sảy ra tranh chấp. Tranh chấp của các bên đã được giải quyết tại UBND xã T và thị xã S nhưng không có kết quả. Phía dòng họ N đã khởi kiện vụ án ra Tòa án nhân dân thị xã S. Tòa án đã thụ lý và tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của dòng họ N buộc ông N và các thành viên trong ra đình phải trả lại nhà và đất cho dòng Họ.
Sau khi xử sơ thẩm, không chấp nhận với quyết định của bản án sơ thẩm đại diện dòng họ do ông Ngô Viết C, ông Ngô Đức N, ông Ngô Minh H và bị đơn ông Ngô Văn N có đơn kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh có quyết định kháng nghị bản án. Xét thấy kháng cáo, kháng nghị trong hạn luật định cần được chấp nhận, xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị HĐXX thấy: Đối với kháng cáo của nguyên đơn, phía nguyên đơn kháng cáo đề nghị sửa phần quyết định của bản án sơ thẩm về việc tuyên dòng họ N phải trích trả cho ông N tiền trông nom nhà thờ là 50.000.000đ các ông không đồng ý. HĐXX thấy, ông N đã sống tại nhà thờ trong một thời gian dài đã có công quản lý, trông nom, tu tạo, bảo vệ nhà thờ và đất ở. Cụ thể trong năm 2004 ông N cũng là người đứng ra làm đơn đề nghị UBND xã T xem xét hành vi lấn chiếm đất của một số hộ xung quanh đối với nhà thờ của dòng Họ. Hơn nữa ông còn khoan giếng, làm cổng sắt. Do đó, việc dòng họ phải trích một khoản tiền cho việc quản lý, trông nom thửa đất nhà thờ dòng Họ là hoàn toàn phù hợp. HĐXX cho rằng việc kháng cáo của các đại diện của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận.
Đối với kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát: Thứ nhất về việc cho rằng bản án sơ thẩm chưa xác định đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, không đủ điều kiện để khởi kiện và kháng nghị của viện kiểm sát về việc cần phải đưa những thành viên có đóng góp tiền đủ 18 tuổi của chi 1 vào tham gia tố tụng. HĐXX thấy, danh sách thống kê đóng tiền xây dựng lại nhà thờ của dòng họ N ở xóm X, Thôn T, có 434 thành viên tham gia đóng góp bao gồm cả các thành viên chưa thành niên và những người về làm dâu trong dòng họ. Trong khi đó theo các giấy ủy quyền của các thành viên có đủ tư cách ủy quyền theo quy định của pháp luật cho các ông C, ông N, ông H là 262 người chiếm tỷ lệ trên 60% xét thấy số lượng ủy quyền của các thành viên trong dòng họ đã chiếm đại đa số, việc bị đơn và quyết định kháng nghị đề nghị phải xác định cả những thành viên họ Ngô tại chi 1 cũng phải được lấy ý kiến về việc tranh chấp giữa các bên, đồng thời có đơn ủy quyền cho các đại diện nguyên đơn là không phù hợp và không thể thực hiện đối với tính chất đặc thù của quan hệ tranh chấp. Bởi lẽ, khởi kiện nhà thờ Họ không phải để giành quyền lợi cho một người mà là giành quyền lợi cho toàn bộ các thành viên trong dòng Họ, quyền lợi của các thành viên gắn liền với quyền lợi của dòng Họ, những quyền lợi của các thành viên không thể tách rời đối với quyền lợi của dòng Họ. Trong vụ án này ngay cả việc ông N bị buộc phải rời khỏi nhà thờ họ về sống với con cháu thì ông N cũng không mất phần quyền của mình đối với nhà thờ họ, đối với những thành viên khác thuộc chi 1 dòng họ N cũng vậy. Mặt khác, trong vụ án dòng họ N có 5 chi thì có cả đại diện của 5 chi đại diện cho các thành viên trong họ tham gia khởi kiện, trong đó có cả một số thành viên của chi 1 dòng họ N cũng có ủy quyền cho các đại diện dòng Họ khởi kiện ông N. Như vậy, HĐXX xét thấy vụ án tranh chấp giữa dòng họ N với ông N đã đủ điều kiện để Tòa án thụ lý và giải quyết, yêu cầu kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung này là không có cơ sở chấp nhận.
Thứ hai, theo ông N đất, nhà thờ Họ đang có tranh chấp là của cụ Ngô Văn M cụ nội của ông N để lại cho con cháu chi 1 làm nơi thờ cúng không phải là đất nhà thờ của dòng Họ, việc bản án sơ thẩm tuyên đất là đất nhà thờ của dòng Họ là không đúng. HĐXX thấy, theo hồ sơ lưu trữ tại UBND xã T, thị xã S thể hiện thửa đất số 90 tờ bản đồ số 8 diện tích 150,5m2 hiện đang có tranh chấp có trong hồ sơ quản lý đất từ thời pháp thuộc chủ sở hữu đứng tên đất là Ngô M Tộc, đất thuộc diện đất nhà thờ. Theo báo cáo của UBND xã T và thị xã S thì thửa đất số 90 tờ bản đồ số 8 diện tích 150,5m2 đang sảy ra tranh chấp, thể hiện trong sổ mục kê là nhà thờ họ, có mục đích sử dụng là đất tín ngưỡng, nhà nước không thu thuế, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên thực tế thì tuy gia đình ông N sử dụng thửa đất từ rất lâu nhưng không phải đóng thuế đất, gia đình ông N có đơn đề nghị gửi UBND xã T từ những năm 1996 đề làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cũng chưa được UBND xã T xem xét giải quyết. Ngoài ra, tại đơn đề nghị ngày 08/12/2004 ông N đã đứng đơn đề nghị UBND xã T đòi phần đất mà các hộ xung quanh lấn chiếm trong đơn ông N có thừa nhận là đất thờ cúng tổ tiên của dòng họ N.Trong biên bản họp họ ngày 03/11/2013 ông N có đưa ra ý kiến với dòng họ là nếu dòng Họ để ông tiếp tục trông nom nhà thờ hương khói cho các cụ thì ông đồng ý mở cổng cho mọi người đi vào nhà thờ. Nếu dòng Họ không cho ông tiếp tục ở lại nhà thờ thì dòng Họ phải mở lối đi đằng sau nhà thờ họ hiện tại. Như vậy, từ các chứng cứ và việc ông N tự thừa nhận có thể khẳng định đất là đất thờ tự của dòng họ N.
Đối với ngôi nhà thờ, về lịch sử thì nhà thờ có từ thời các cụ để lại đến năm 2013 do nhà thờ xuống cấp ông N đã đồng ý cho dòng họ phá dỡ nhà cũ để xây nhà mới, có nhiều cuộc họp có nghị quyết của dòng họ, chính ông Nhã anh ông N và ông N cũng trong ban xây dựng, tất cả dòng họ vui vẻ ông N đã chuyển sang nhà con trai sinh sống để phá nhà thờ xây dựng mới. Trong tất cả các biên bản hòa giải, lời khai ông N đều thừa nhận nhà thờ là do toàn bộ dòng Họ đóng góp xây dựng lên, ông chỉ có tài sản riêng là 1 chiếc giếng khoan và hai cánh cổng sắt. Từ những căn trên HĐXX cho có thể khẳng định đất và nhà thờ là của dòng Họ do đó kháng cáo của ông N không có căn cứ chấp nhận.
Thứ ba, Viện kiểm sát cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án ông N có xuất trình cho Tòa một giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 788 địa bạ số 9 do Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Ninh cấp ngày 17/5/1956 cho Chủ đất là bà Nguyễn Thị M và cho rằng đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cấp bao gồm cho cả thửa đất đang tranh chấp, nhưng Tòa án lại không đưa UBND thị xã S vào làm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là tH sót. HĐXX thấy, giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất do ông N xuất trình Tòa án đã tiến hành xem xét có sự tẩy xóa về cơ học về nội dung của giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất, sau khi tiến hành giám định giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất theo đề nghị của nguyên đơn cũng không thể xác định được văn bản gốc ban đầu. Nội dung giấy chứng nhận không thống nhất về tên chủ sở hữu trên thì ghi chủ đất là bà M, dưới lại ghi “Kể từ ngày cấp giấy chứng nhận này ông Ngô Văn P được quyền sở hữu và quyền tự do sử dụng những ruộng đất trên đây”. Ngoài ra, Tòa án còn tiến hành xác minh hồ sơ gốc của giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất mà ông N xuất trình tại cơ quan có thẩm quyền quản lý đất, nhưng theo công văn trả lời phúc đáp của các cơ quan có thẩm quyền thì không tìm thấy hồ sơ gốc của giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất đó và không thể xác định được giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất mà ông N cung cấp là cấp cho thửa đất nào, không có số thửa, không có tờ bản đồ. Bên cạnh đó, thời điểm năm 1956 nhà nước chỉ cấp đất cho những người có mặt thực tế ở địa phương trong khi đó ông N bà M đang sống tại thị xã Bắc Ninh. Như vậy, HĐXX thấy giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất mà ông N xuất trình không liên quan đến vụ án này. Hơn nữa giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất do UBHC tỉnh Bắc Ninh cấp, chứ không phải UB thị xã S. Do đó không cần phải đưa UBND thị xã S vào tham gia tố tụng vì không có tư cách là người liên quan, việc Viện kiểm sát kháng nghị về nội dung này là không có cơ sở chấp nhận.
Thứ tư, Viện kiểm sát cho rằng Tòa án khi giải quyết đã không xem xét hết các yêu cầu của đương sự. Đơn khởi kiện và các lời khai của đại diện ủy quyền của nguyên đơn đề yêu cầu trả lại toàn bộ đất, nhà thờ và phần ngõ đi nhưng đến biên bản làm việc ngày 25/7/2016 nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông N trả lại đất và nhà thờ cho dòng Họ không yêu cầu gì khác. Tuy nhiên, phía bị đơn là ông N và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn đề nghị Tòa án công nhận đất, nhà thờ và phần ngõ đi thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chi 1 thuộc dòng họ N Văn mặc dù nguyên đơn không yêu cầu nhưng bị đơn vẫn yêu cầu giải quyết ngõ đi chung đây được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn nhưng Tòa án không hướng dẫn đương sự làm thủ tục thụ lý yêu cầu phản tố là tH sót gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. HĐXX thấy, yêu cầu của ông N không thỏa mãn điều kiện là yêu cầu phản tố vì phía nguyên đơn đã đưa ra yêu cầu xem xét ngõ đi trước tại đơn khởi kiện vụ án. Việc ông N đưa ra yêu cầu sau này chỉ là ý kiến phản bác của phía bị đơn đối với phía nguyên đơn nó thể hiện ngay tại đơn mà ông N gửi cho Tòa án xem xét, ngày 17/01/2016 ông N gửi một đơn đề “Đơn Phản Tố”, tiếp tục đến ngày 06/03/2016 ông N lại gửi một đơn đề “Đơn Phản Bác” với cùng nội dung như đơn phản tố gửi trước đó như vậy ý kiến của ông N không phải là yêu cầu phản tố mà chỉ là ý kiến phản bác đối với những yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; trong các bản tự khai, biên bản ghi lời khai, biên bản hòa giải ông N và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều khẳng định ngõ đi được cắt từ thửa đất 91 tờ bản đồ số 8 diện tích 108m2 hiện anh B đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Như vậy, ngõ đi không liên quan đến thửa đất đang tranh chấp trong khi phía nguyên đơn đã không yêu cầu, cần phải xác định yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là yêu cầu độc lập có thể được giải quyết trong một vụ án khác. Tuy nhiên do ông N cho rằng ngõ đi thuộc phần đất hiện đã cấp chứng nhận quyền sử dụng cho anh B như vậy chỉ có anh B mới có quyền khởi kiện để đề nghị Tòa án xem xét phần ngõ đi; ông N không đủ tư cách là người đưa ra yêu cầu độc lập hay yêu cầu phản tố vì ông N khẳng định ngõ đi là của chi 1 dòng họ N như vậy một mình ông N không đủ tư cách đại diện cho chi 1 đứng ra yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết về phần ngõ đi này. Như vậy, HĐXX xét thấy quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng Tòa án không xem xét yêu cầu của đương sự là không có cơ sở chấp nhận.
Thứ năm, Viện kiểm sát cho rằng các đương sự khai dòng họ có gia phả bằng chữ hán được ghi chép cụ thể các thành viên trong dòng họ qua các đời. Tuy nhiên Tòa án đã không yêu cầu các đương sự cung cấp để tiến hành xác minh các thành viên trong dòng họ là vi phạm quy định về thu thập chứng cứ. HĐXX thấy, tuy dòng họ có bản gia phả chữ hán nhưng trước khi có tranh chấp chính ông N là người đã ghi chép lại gia phả của dòng Họ bằng chữ quốc ngữ, nội dung thể hiện diễn biến của dòng họ cũng như tên tuôi các thành viên trong họ qua các đời. Trong hồ sơ Tòa án đã tiến hành thu thập rất nhiều bản gia phải do ông N ghi chép. Đối với gia phả được viết bằng chữ quốc ngữ cả bên nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều thừa nhận không có ý kiến gì nên xét thấy việc yêu cầu các đương sự giao nộp bản gia phả chữ hán là không cần thiết. HĐXX cho rằng việc Viện kiểm sát kháng nghị là không có cơ sở chấp nhận.
Từ những phân tích trên, HĐXX thấy kháng cáo của nguyên đơn bị đơn và căn cứ kháng nghị của Viện kiểm sát là không có cơ sở chấp nhận. Cần bác toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát tỉnh Bắc Ninh.
Về án phí HĐXX xét thấy ông N, bà M đều đã ngoài 80 tuổi, chị S thì khuyết tật phải sống bằng trợ cấp xã hội, nên cần áp dụng nghị quyết 326 miễn toàn bộ án phí cho ông N, bà M, chị S. Do vậy cấn sửa một phần bản án sơ thẩm.Bởi các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, điều 309 luật tố tụng dân sự 2015; Áp dụng Điều 214, 215, 217, 220, 224, 255, 256, 258, 303, 305 Bộ luật dân sự; Điều 8 Luật Nhà ở; Điều 100, 160, 203 Luật Đất đai; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về việc quy định mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
Sửa một phần bản án sơ thẩm.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của dòng họ N do các ông Ngô Viết C, ông Ngô Minh H, ông Ngô Đức N đại diện.
Buộc ông Ngô Văn N bà Nguyễn Thị M, chị Nguyễn Thị S phải trả lại cho dòng họ N thửa đất số 90, tờ bản đồ số 08 nay là thửa số 179, tờ bản đồ 82 diện tích 150,5m2 tại xóm X, thôn T, xã T, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh và ngôi nhà thờ 05 gian diện tích 72,9m2 cùng các công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất. Dòng họ N do các ông Ngô Viết C, ông Ngô Đức N, ông Ngô Minh H đại diện có trách nhiệm thanh toán trả cho ông Ngô Văn N giá trị còn lại của 01 giếng khoan và 02 cánh cổng sắt do ông N tự bỏ kinh phí xây dựng và trích trả công sức duy trì quản lý tài sản cho ông Ngô Văn N với tổng số tiền 51.685.000đ.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, hàng tháng người có nghĩa vụ phải thi hành còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất qui định tại điều 468 Bộ luật dân sự.
2. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông Ngô Văn N bà Nguyễn Thị M chị Ngô Thị S. Dòng họ N do các ông Ngô Viết C, Ngô Đức N, Ngô Minh H đại diện phải chịu 2.584.250đ án phí dân sự sơ thẩm, xác nhận dòng họ N đã nộp 3.500.000đ theo biên lai thu số AA/2013/02499 ngày 13/10/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã S. Hoàn trả cho dòng họ N do các ông Ngô Viết C, Ngô Đức N, Ngô Minh H đại diện số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm còn lại là 915.750đ.
Ông Ngô Văn N, ông Ngô Viết C, ông Ngô Đức N và ông Ngô Minh H mỗi người phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm. Xác nhận, ông Ngô Viết C, ông Ngô Đức N, ông Ngô Minh H mỗi người đã nộp 200.000đ tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 02783, 02784, 02785 ông Ngô Văn N đã nộp 200.000đ theo biên lai thu số 02850 cùng ngày 17/11/2016 tại Chi cục THA DS thị xã S. Ông Ngô Viết C, Ngô Minh H, Ngô Đức Nhât, Ngô Văn N mỗi người còn phải nộp 100.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án này là phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp nhà thờ họ và quyền sử dụng đất số 24/2017/DSPT
Số hiệu: | 24/2017/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 17/05/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về