Bản án 241/2020/DS-PT ngày 24/08/2020 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 241/2020/DS-PT NGÀY 24/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong ngày 24/8/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 301/2020/TLPT-DS ngày 14 tháng 7 năm 2020, về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 20/2020/DS-ST ngày 21/05/2020 của Tòa án nhân dân huyện L bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 331/2020/QĐ-PT ngày 27 tháng 7 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1960; địa chỉ: số N, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Đồng Tháp. (Có mặt)

2. Bị đơn:

2.1. Bà Trần Thị M, sinh năm 1971 (Có mặt)

2.2. Ông Trần Thanh T, sinh năm 1969 (Có mặt)

Cùng địa chỉ: số A, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Đồng Tháp.

3. Người kháng cáo: Bà Trần Thị M, ông Trần Thanh T - Là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Bà Nguyễn Thị T trình bày: Vào ngày 16/7/2017 bà T (tên thường gọi chị H) có cho bà M, ông T là vợ chồng vay số tiền 50.000.000đ, lãi suất 2,5%/tháng, không thỏa thuận thời gian trả, khi nhận tiền thì bà M có đại diện và ký tên nhận tiền vào biên nhận. Sau đó bà M, ông T có đóng lãi cho bà T từ tháng 8/2017 đến tháng 10/2018 với số tiền cụ thể: 50.000.000đ x 2,5%/tháng x 15 tháng = 18.750.000đ. Bà T đã nhận tiền. Từ tháng 11/2018 đến ngày bà T khởi kiện tháng 11/2019 là 13 tháng ông T, bà M không trả vốn cũng như đóng lãi. Do đó tiền lãi là: 50.000.000đ x 13 x 2,5% = 16.250.000đ.

Vào ngày 21/9/2017 bà T trình bày là ông T có tham gia dây hụi do bà T làm chủ hụi, hụi giá 2.000.000đ, hụi tháng/khui lần, có tất cả 28 thành viên, ông T tham gia 02 phần. Tuấn đóng được 08 lần số tiền là 24.600.000đ. Bà T đồng ý khấu trừ số tiền hụi Tuấn đã đóng vào tiền vay cụ thể: 50.000.000đ tiền vốn + 16.250.000đ tiền lãi = 66.250.000đ - 24.600.000đ = 41.650.000đ. Nay bà T yêu cầu bà M, ông T có nghĩa vụ cùng liên đới trả số tiền còn nợ là 41.650.000đ, không yêu cầu tính lãi.

Tại phiên tòa ngày 15/5/2020, bà T thay đổi ý kiến cũng như yêu cầu cụ thể như sau: Bà T đồng ý thay đổi lãi suất theo thỏa thuận trong biên nhận nợ (2,5%) thành (1%) để phù hợp theo quy định của pháp luật. Trong thời gian từ tháng 8/2017 đến tháng 10/2018 với số tiền cụ thể: 50.000.000đ x 2,5%/tháng x 15 tháng = 18.750.000đ. Bà T đã nhận tiền. Như vậy so với mức lãi suất (1%) thì bà T đã nhận dư ra 11,250.000đ, bà T đồng ý khấu trừ tiền lãi nhận dư ra vào vốn tại thời điểm tháng 10/2018 cụ thể: 50.000.000đ tiền vốn - 11.250.000đ lãi nhận dư = 38.750.000đ. Bà T yêu cầu tiếp tục tính lãi từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2019 cụ thể: 38.750.000đ x 13 tháng x 1% = 5.037.500đ.

Tổng cộng vốn, lãi bà T yêu cầu bà M, ông T cùng liên đới trả là 43.787.500đ, ngoài ra không yêu cầu gì khác. Còn về số tiền Tuấn đóng được 08 lần số tiền là 24.600.000đ thì bà T đồng ý khấu trừ nếu bà M, ông T không đồng ý thì bà T không ý kiến gì.

- Bà Trần Thị M, Trần Thanh T trình bày: Ông T và bà M là vợ chồng cùng thừa nhận từ trước đến nay có vay tiền của bà T nhiều lần cụ thể: Ngày 03/01/2018 vay 50.000.000đ; ngày 16/01/2018 vay 50.000.000đ; ngày 22/3/2018 vay 10.000.000đ. Vay tiền có thỏa thuận lãi suất 20.000đ/1.000.000đ/tuần, vay có viết biên nhận vào sổ do bà T giữ, vay không thỏa thuận thời hạn trả, đóng lãi cho bà T đến tháng 6/2018 thì có vay ngân hàng để trả nợ cụ thể ngày 12/6/2018 thì có mang tiền đến trả cho bà T, lúc mang trả tiền thì bà Huỳnh Thị M, Đặng Thị Bích T, Lê Thị Đ là hàng xóm gần đó có biết sự việc. Khi trả nợ xong thì bà M có yêu cầu bà T hủy giấy nợ, bà T có đưa bà M gạch bỏ biên nhận ngày 16/01/2018 và biên nhận ngày 22/3/2018 còn biên nhận ngày 03/01/2018 bà T nói con trai bà giữ nên hẹn sẽ xé giấy nợ này sau. Do sự tin tưởng nên bà M đồng ý. Nay bà M, ông T không đồng ý trả tiền vốn, lãi vay như bà T yêu cầu.

Ông T trình bày lúc đầu không biết bà M vay tiền, sau đó thì biết. Đồng thời ông T thừa nhận và cho rằng có trả tiền cho bà T rồi nên vì tin tưởng không yêu cầu bà T hủy biên nhận. Ông T không có tham gia chơi hụi gì của bà T nên không đồng ý việc bà T khấu trừ tiền vay vì thực tế vợ, chồng ông T, bà M đã trả nợ cho bà T rồi.

- Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện L đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Nguyễn Thị T về việc yêu cầu bị đơn Trần Thị M, Trần Thanh T trả tiền vốn, lãi vay còn nợ là 43.787.500đ.

Buộc bà Trần Thị M, ông Trần Thanh T phải có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền 43.787.500đ

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án mà người phải thi hành án chậm trả số tiền trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án, đến khi thi hành án xong.

về án phí, tạm ứng án phí:

- Trần Thị M, Trần Thanh T phải chịu 2.189.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Nguyễn Thị T được nhận lại tiền tạm ứng án phí 1.041.000đ theo biên lai số 0001943 ngày 19/12/2019 của Chi cục thi hành án huyện L.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền và thời hạn kháng cáo của các đương sự, quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, thời hiệu thi hành án của các đương sự theo quy định của pháp luật.

- Ngày 08/06/2020, bà Trần Thị M, ông Trần Thanh T có đơn kháng cáo cho rằng đã trả nợ xong nên không đồng ý theo yêu cầu của bà T.

- Tại phiên tòa phúc thẩm:

+ Bà Trần Thị M thừa nhận có vay tiền của bà Nguyễn Thị T, nhưng đã thanh toán xong nên không đồng ý trả nợ theo như quyết định của bản án sơ thẩm. Vì vậy, bà M yêu cầu xem xét lại bản án theo thủ tục phúc thẩm để bác yêu cầu của bà T.

+ Ông Trần Thanh T trình bày, ông không biết việc bà M vay tiền của bà T, nên không đồng ý chịu trách nhiệm liên đới cùng với bà M trả nợ theo như quyết định của bản án sơ thẩm.

+ Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp ý kiến về giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung: Việc bà T yêu cầu bà M, ông T (vợ chồng bà M) liên đới trả số tiền gốc là 50.000.000đ theo biên nhận ngày 16/7/2017. Bà M thừa nhận biên nhận do bà ký tên, ghi họ tên để vay tiền của bà T nhưng cho rằng đã trả xong. Vợ chồng bà M thừa nhận có vay tiền của bà T cụ thể: Ngày 03/01/2018 vay 50.000.000đ; ngày 16/01/2018 vay 50.000.000đ; ngày 22/3/2018 vay 10.000.000đ, thỏa thuận trả lãi 20.000đ/1.000.000đ/tuần. Ngày 12/6/2018, bà M vay tiền Ngân hàng và đã thanh toán nợ cho bà T xong. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà M thay đổi lời khai cho rằng không có xé hay gạch bỏ biên nhận mà biên nhận do bà T giữ, còn biên nhận ngày 03/01/2018 bà T nói con trai bà giữ nên hẹn sẽ xé giấy nợ này sau. Do tin tưởng nên bà M đồng ý. Bà M thống nhất biên nhận mà bà T chua xé như trình bày đúng là biên nhận mà bà M được tiếp cận tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Ông T trình bày lúc đầu không biết bà M vay tiền, sau thì biết việc vay tiền này nhưng đã thanh toán xong.

Vợ chồng bà M cho rằng sau khi vay tiền đã trả cho bà T tổng cộng 110.000.000đ trong đó có khoản nợ 50.000.000đ đang tranh chấp. Trình bày của vợ chồng bà M không được bà T thừa nhận. Các nhân chứng như bà Đặng Thị Bích T, bà Lê Thị Đ, bà Huỳnh Thị M có văn bản ý kiến về việc bà M đến nhà của bà T thì bà T, bà Đ, bà M có nghe bà M nói mang tiền trả cho bà T hơn 100.000.000đ nhưng không có đi cùng với bà M vào nhà của bà T. Do đó không thể xem lời khai của các nhân chứng này là căn cứ chứng minh cho việc trả nợ của vợ chồng bà M là có cơ sở. Ngoài ra, vợ chồng bà M không cung cấp được chứng cứ nào khác chứng minh cho việc trả nợ xong cho bà T, nên phải có nghĩa vụ liên đới trách nhiệm trả nợ là phù hợp quy định. Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà M, ông T.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Bà T khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà M trả nợ vay, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật về tranh chấp dân sự hợp đồng vay tài sản là phù hợp. Bà M, ông T làm đơn kháng cáo trong thời hạn quy định nên chấp nhận việc kháng cáo hợp lệ.

[2] Đối với yêu cầu kháng cáo của bà M: Bà T trình bày, vào ngày 16/7/2017 vợ chồng bà M có vay của bà số tiền 50.000.000đ lãi suất 2,5%/tháng, không quy định thời hạn trả, do bà M nhận tiền và lập biên nhận. Bà M cho rằng, trước đây có vay tiền của bà T nhiều lần, việc thỏa thuận vay tiền không có quy định thời hạn thanh toán và có viết biên nhận vào sổ của bà T, nhưng đã vay tiền của Ngân hàng thanh toán xong vốn lãi cho bà T vào ngày 12/6/2018. Vì vậy không đồng ý trả nợ theo yêu cầu của bà T là không có cơ sở, bởi vì: Thực hiện đối chất tại phiên tòa phúc thẩm thể hiện: Theo bà T trình bày, ngày 01/01/2017 vay 40.000.000đ, ngày 03/01/2018 vay 50.000.000đ, ngày 22/3/2018 vay 10.000.000đ (03 lần vay này đã trả xong không có tranh chấp), và ngày 16/7/2017 vay 50.000.000đ (chưa thanh toán, đang tranh chấp). Bà M trình bày, ngày 03/01/2018 vay 50.000.000đ, ngày 16/01/2018 vay 50.000.000đ, ngày 22/3/2018 vay 10.000.000đ và tất cả các khoản vay đã thanh toán xong. Qua đó cho thấy, hai bên trình bày về các khoản vay có một phần không khớp nhau, cụ thể: Bà T khai ngày 16/7/2017 vay 50.000.000đ, còn bà M thì khai ngày 16/01/2018 vay 50.000.000đ (biên nhận ngày 01/01/2017 vay 40.000.000đ ngày 03/01/2018 vay 50.000.000đ, ngày 22/3/2018 vay 10.000.000đ không có tranh chấp), tuy nhiên hai bên khẳng định các lần vay sau khi nhận tiền vay xong thì bà M có ký tên vào trong sổ theo dõi của bà T. Mặt khác, bà M cho rằng khi trả tiền thì bà dùng viết gạch bỏ phần nội dung biên nhận, tuy nhiên qua kiểm tra sổ ghi biên nhận của bà T giữ đều không thể hiện việc dùng viết gạch bỏ như bà M trình bày, mà thể hiện hình thức là bà T ghi chữ “R” nằm chồng lên nội dung biên nhận. Hơn nữa, bà M cho rằng vay tiền của Ngân hàng và đã thanh toán dứt điểm cho bà T 110.000.000đ vào ngày 12/6/2018, việc thanh toán tiền này thì bà T có đưa bà M gạch bỏ biên nhận ngày 16/01/2018, biên nhận ngày 22/3/2018, còn biên nhận ngày 03/01/2018 thì bà T nói con bà giữ nên hẹn xé giấy nợ sau, nhưng bà M không chứng minh được việc này. Trong khi đó các biên nhận nhận tiền được ghi trực tiếp vào sổ theo dõi của bà T, hiện nay bà T vẫn còn giữ biên nhận ngày 03/01/2018, ngày 22/3/2018 và có ghi chữ “R” nằm chồng lên nội dung biên nhận (thể hiện đã trả xong). Đối với các nhân chứng như bà Thủy, bà Đèo, bà Mừng trình bày chỉ nghe bà M nói lại việc đi trả tiền cho bà T, thực tế họ đều không trực tiếp chứng kiến việc bà M giao tiền trả cho bà T 110.000.000đ, không biết rõ về thỏa thuận vay tiền, không biết rõ số tiền vay và quá trình thực hiện hợp đồng vay, nên không đủ cơ sở chứng minh việc bà M không còn thiếu nợ bà T.

Tại phiên tòa phúc thẩm thì bà M vẫn thừa nhận bà có ký tên và viết họ tên vào biên nhận ngày 16/7/2017, nội dung thể hiện bà M đã nhận số tiền vay 50.000.000đ lãi suất 2,5%, nhưng bà M không chứng minh được đã trả nợ vay. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà T áp dụng mức lãi suất 1%/tháng là phù hợp. Đối với tiền lãi, bà T thừa nhận đã nhận từ ngày vay đến tháng 10 năm 2018 là 18.750.000đ, như vậy đã nhận thừa 11.250.000đ (18.750.000đ - 7.500.000đ = 11.250.000đ), được trừ vào tiền vốn và tiếp tục tính lãi đến tháng 11 năm 2019 để buộc trả vốn 38.750.000đ, lãi 5.037.500đ như án sơ thẩm là có lợi cho bị đơn.

[3] Đối với yêu cầu kháng cáo của ông T: Ông T cho rằng, ông không có vay tiền của bà T nên không đồng ý liên đới trách nhiệm cùng với bà M trả nợ như án sơ thẩm xử. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T thừa nhận việc bà M vay tiền nhằm mục đích trả nợ cho con và ông cũng xác định việc trả nợ cho con là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, nên ông đồng ý liên đới trách nhiệm, nhưng yêu cầu xem xét lại án sơ thẩm vì vợ chồng của ông không còn thiếu nợ bà T. Tuy nhiên, ông không cung cấp được chứng cứ mới chứng việc vợ chồng ông trả nợ dứt điểm số tiền vốn lãi vay như phân tích trên, nên án sơ thẩm buộc ông T có trách nhiệm liên đới cùng bà M trả nợ vay là có căn cứ.

[4] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng của bà M và ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có cơ sở để chấp nhận.

Do đó, không chấp nhận kháng cáo của vợ chồng bà M; giữ nguyên bản án sơ thẩm; các phần khác không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

[5] Việc yêu cầu kháng cáo của bà M, ông T không được chấp nhận nên phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm là 300.000đ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 147, khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 429, 463, 466, 468, 469 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị M và ông Trần Thanh T.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm

2. Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị T.

Buộc bà Trần Thị M, ông Trần Thanh T cùng liên đới trách nhiệm trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền 43.787.500đ

Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

Bà Trần Thị M, ông Trần Thanh T liên đới trách nhiệm chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 2.189.000đ và tiền án phí dân sự phúc thẩm 300.000đ, nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 600.000đ theo các biên lai số 0005061 và 0005060 cùng ngày 10/6/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đồng Tháp. Vậy bà M, ông T số tiền còn phải nộp tiếp là 1.889.000đ.

Bà Nguyễn Thị T được nhận lại tiền tạm ứng án phí là 1.041.000đ theo biên lai thu số 0001943 ngày 19/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đồng Tháp.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

217
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 241/2020/DS-PT ngày 24/08/2020 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:241/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về