Bản án 240/2017/HNGĐ-ST ngày 11/08/2017 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PT, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 240/2017/HNGĐ-ST NGÀY 11/08/2017 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 11 tháng 8 năm 2017, tại Tòa án nhân dân huyện PT, tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 74/2017/TLST-HNGĐ ngày 29 tháng 3 năm 2017 về tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 101/2017/QĐXXST-DS, ngày 20 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Trần Văn P (tên gọi khác D), sinh năm 1992. (có mặt).

Địa chỉ: tổ 04, ấp HG 1, xã TH, huyện PT, tỉnh An Giang.

- Bị đơn: Chị Từ Thị Kim V (tên gọi khác Mỹ Linh), sinh năm 1994. (có mặt).

Địa chỉ: ấp T 2, thị trấn PM, huyện PT, tỉnh An Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 17/02/2017 và tại phiên tòa nguyên đơn là anh Trần Văn P trình bày:

Anh và chị Từ Thị Kim V đã được Tòa án nhân dân huyện PT, tỉnh An Giang giải quyết ly hôn theo Quyết định Công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự số  119/2015/QĐST-HNGĐ ngày 04/5/2015. Theo Quyết định này, anh đồng ý giao con chung của vợ chồng là cháu Trần Thị TA, sinh ngày 12/8/2013 cho chị V tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, anh tự nguyện cấp dưỡng nuôi con một lần là 1.000.000 đồng nhưng đến nay anh vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Anh và chị V đã trở lại chung sống như vợ chồng vào khoảng tháng 06/2015 và cùng đi làm ở tỉnh Bình Dương. Chị V đã giao cháu TA lại cho cha mẹ ruột của anh là ông Trần Văn Đ và bà Lê Thị Bạch T nuôi dưỡng. Anh, chị chung sống đến tháng 06/2016 thì chị V tiếp tục bỏ đi nên anh đã về sống chung với cha mẹ ruột và cháu TA. Đến khoảng tháng 02/2017, chị V xuống nhà gặp cha mẹ anh hỏi xin chở cháu TA về nhà chơi nhưng đến nay không giao trả cháu lại.

Hiện tại, anh đã chí thú làm ăn, công việc làm thuê và buôn bán nhỏ lẻ card điện thoại có thu nhập hàng tháng từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, anh cũng chưa lập gia đình nên đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cháu TA. Vì vậy, anh khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, buộc chị V phải giao lại cháu TA cho anh nuôi dưỡng, anh không yêu cầu chị V phải cấp dưỡng nuôi con.

Bị đơn là chị Từ Thị Kim V trình bày:

Sau khi ly hôn khoảng một tháng, chị và anh P cùng ra Bình Dương chung sống lại với nhau như vợ chồng. Đến tháng 6/2016, anh P nhiều lần say rượu đánh đập chị nên chị bỏ đi về nhà cha mẹ ruột sinh sống. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến đầu năm 2017 chị vẫn để cháu TA cho cha mẹ anh P nuôi dưỡng vì chị chưa có việc làm ổn định và cha mẹ anh P không đồng ý cho chị đón con. Khoảng tháng 02/2017, thấy cháu TA bị bệnh, anh P đi làm ăn xa ở Bình Dương nên chị đã chở cháu về chăm sóc cho đến nay.

Khoảng tháng 4/2017, chị đã kết hôn với anh Nguyễn Văn Tung. Hiện tại, chị đã có chỗ ở và nghề nghiệp ổn định, công việc làm móng và chăm sóc da mặt mỗi ngày của chị có thu nhập trên dưới 200.000 đồng. Anh Tung làm tài xế xe tải, thu nhập mỗi tháng từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nên anh, chị có đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho cháu TA. Do đó, chị yêu cầu được quyền tiếp tục nuôi cháu TA, chị sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh P đến thăm non, chăm sóc, giáo dục con chung. Chị không yêu cầu anh P cấp dưỡng nuôi con cũng như tiếp tục yêu cầu anh P cấp dưỡng một lần là 1.000.000 đồng theo Quyết định số 119/2015/QĐST-HNGĐ ngày 04/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện PT.

Tại phiên tòa, kiểm sát viên phát biểu về quá trình tiến hành tố tụng như sau

Về tố tụng: Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, xác định tư cách đương sự, quan hệ pháp luật tranh chấp, thẩm quyền giải quyết vụ án cũng như ban hành văn bản tố tụng, cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng đúng quy định.

Về nội dung: Anh Trần Văn P yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, buộc chị V phải giao lại cháu TA cho anh nuôi dưỡng. Xét thấy, chị V đã thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với con, hiện nay chị V cũng có ngành nghề tạo ra thu nhập ổn định. Dưới sự chăm sóc giáo dục của chị V cháu TA đã sống khỏe mạnh, phát triển bình thường cả về tâm, sinh lý, hơn nữa cháu TA giới tính là nữ thiết nghĩ tiếp tục giao cho mẹ cháu nuôi dưỡng sẽ thuận lợi hơn giao cho anh P. Bên cạnh đó anh P cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh chị V không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa chị V cũng không đồng ý giao cháu TA lại cho anh P nuôi dưỡng. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của anh P.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

Anh Trần Văn P khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị Từ Thị Kim V phải giao lại con chung là cháu Trần Thị TA cho anh nuôi dưỡng nên quan hệ tranh chấp của vụ án là tranh chấp “về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Bị đơn là chị V có nơi cư trú tại ấp Thượng 2, thị trấn Phú Mỹ, huyện PT, tỉnh An Giang nên căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện PT, tỉnh An Giang.

[2] Về nội dung:

Theo Quyết định Công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự số 119/2015/QĐST-HNGĐ ngày 04/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện PT, tỉnh An Giang anh P đã thống nhất giao cháu Trần Thị TA, sinh ngày 12/8/2013 cho chị V tiếp tục nuôi dưỡng. Đến tháng 6/2015 anh P, chị V đã quay lại tiếp tục chung sống như vợ chồng. Xét thấy, sau khi ly hôn chị V đã thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với con, hiện nay chị V cũng có ngành nghề tạo ra thu nhập ổn định. Dưới sự chăm sóc giáo dục của chị V cháu TA đã sống khỏe mạnh, phát triển bình thường cả về tâm, sinh lý.

Tại khoản 2 Điều Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Việc thay đi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Anh P có yêu cầu thay đổi người nuôi con nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh chị V không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa chị V cũng không đồng ý giao cháu TA cho anh P nuôi dưỡng. Do đó đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là hoàn toàn có cơ sở nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh P.

[3] Án phí: Yêu cầu của anh P không được chấp nhận nên anh phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0012927 ngày 29/3/2017 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện PT, tỉnh An Giang.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; điểm c khoản 1 Điều 217; khoản 1, khoản 3 Điều 218; điểm b khoản 2 Điều 227; Điều 266; Điều 271; Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;

Căn cứ Điều 82, Điều 83 và Điều 84 của Luật Hôn nhân và Gia đình;

Căn  cứ vào khoản 3 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của nguyên đơn là anh Trần Văn P đối với bị đơn là chị Từ Thị Kim V.

2. Án phí: Anh Trần Văn P phải chịu án phí dân sợ sơ thẩm là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0012927 ngày 29/3/2017 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện PT, tỉnh An Giang.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

753
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 240/2017/HNGĐ-ST ngày 11/08/2017 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:240/2017/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phú Tân - An Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:11/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về