Bản án 239/2020/DS-PT ngày 31/12/2020 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ ủy quyền đòi nợ

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 239/2020/DS-PT NGÀY 31/12/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ ỦY QUYỀN ĐÒI NỢ

Ngày 31 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 225/2020/TLPT-DS ngày 26/10/2020 về việc "Tranh chấp hợp đồng dịch vụ ủy quyền đòi nợ ". Do bản án dân sự sơ thẩm số 83/2020/DS-ST ngày 03/09/2020 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 212/2020/QĐPT-DS ngày 26/10/2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn V.

Địa chỉ: Số 216 Lý Thường K, Tp. Buôn Ma Th, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn Ngh Địa chỉ: 02 Y Bih Al, P. Tân L, Tp. Buôn Ma Th, tỉnh Đắk Lắk.

(Giấy ủy quyền số công chứng 008022 quyển số 07TP/CC-SCC/HĐGD ngày 22/7/2019 lập tại Văn phòng Công chứng Đại An) - Bị đơn: Công ty TNHH MTV đòi nợ Dân L Địa chỉ: 198 Nguyễn Thị Minh Kh, Tp. Buôn Ma Th, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Phí Thị Bích H – Chức vụ: Giám đốc Công ty.

Địa chỉ: 08 Lê Quý Đ, P. Tân A, Tp. Buôn Ma Th, Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Đức S.

Địa chỉ: 694/5 Nguyễn K, phường 4, Quận Phú Nh, thành phố Hồ Chí Minh.

(Giấy ủy quyền ngày 27/11/2020).

Người kháng cáo: Công ty TNHH MTV đòi nợ Dân L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 26/12/2018, ông Nguyễn Văn V có ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV đòi nợ Dân L (gọi tắt là Công ty Dân L), ủy quyền cho Công ty Dân L đòi khoản nợ mà ông Phan Đình Thái A nợ ông V là 324.000.000 đồng.

Hai bên thỏa thuận Công ty Dân L được hưởng hoa hồng 35%/số tiền thu nợ được, còn 65% phải trả cho ông V. Sau khi ký hợp đồng, phía Công ty Dân L đã thu được từ ông Phan Đình Thái A số tiền là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng), ngày 16/4/2019 Công ty Dân L đã chi trả cho ông V 50.000.000 đồng, hẹn đến ngày 05/5/2019 sẽ chi trả 15.000.000 đồng còn lại. Đến hẹn, ông V đã yêu cầu Công ty Dân L trả số tiền này nhưng Công ty cố tình chây ỳ không chịu trả.

Ông Nguyễn Văn V đề nghị Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột giải quyết, buộc Công ty Dân L phải trả cho ông V số tiền 15.000.000 đồng và đề nghị thanh lý hợp đồng ủy quyền đòi nợ giữa hai bên, chấm dứt việc đòi nợ đối với ông Phan Đình Thái A.

Ngày 26/12/2019, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Đòi nợ Dân L có lời khai:

Ngày 26/12/2018, ông Nguyễn Văn V lập phiếu yêu cầu đòi nợ và ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty Dân L đòi ông Phan Đình Thái A số tiền 324.000.000 đồng, ông V có cung cấp các tài liệu liên quan đến việc đòi nợ.

Trong quá trình xử lý hồ sơ và xác minh thì ông Phan Đình Thái A chỉ còn nợ ông Nguyễn Văn V số tiền 165.000.000 đồng. Tại biên bản làm việc ngày 29/01/2019, ông V cũng thừa nhận ông Phan Đình Thái A chỉ còn nợ số tiền 165.000.000 đồng.

Như vậy, ông V đã vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền đòi nợ. Theo thỏa thuận trong Hợp đồng thì khi Công ty Dân L đòi được nợ sẽ được hưởng hoa hồng 35%/số tiền thu nợ, còn 65% sẽ trả cho ông V. Căn cứ vào yêu cầu ban đầu của ông V và thỏa thuận giữa hai bên thì số tiền hoa hồng mà Công ty Dân L được hưởng là (324.000.000 đồng x 35%) =113.400.000 đồng, khấu trừ số tiền 50.000.000 đồng mà Công ty Dân L đang giữ thì ông Nguyễn Văn V còn phải trả cho Công ty Dân L số tiền 63.400.000 đồng. Do đó phía Công ty Dân L đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn V.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 83/2020/DS-ST ngày 03/9/2020 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 26, Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, Điều 147, Điều 220, Điều 227, Điều 244, Điều 266, Điều 271, Điều 273 của Bộ L Tố tụng dân sự.

Áp dụng các Điều 513, 514, 515, 516, 517, 518, 519 Bộ luật Dân sự năm 2015 Áp dụng Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn V. Buộc Công ty TNHH MTV đòi nợ Dân L phải trả cho ông Nguyễn Văn V số tiền 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng). Áp dụng Điều 357 BLDS để tính lãi suất chậm trả phát sinh trong giai đoạn thi hành án.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 21/9/2020, bị đơn Công ty TNHH MTV đòi nợ Dân L có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với lý do: cấp sơ thẩm xét xử không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; xác định sai quan hệ pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên nội dung yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữa nguyên nội dung kháng cáo. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

*Về thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ L tố tụng dân sự;

*Về nội dung: Kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ:

- Công ty TNHH Một thành viên đòi nợ Dân L được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp làm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” là đúng.

- Căn cứ nội dung Biên bản làm việc ngày 23/4/2019 giữa ông Nguyễn Văn V và Công ty Dân L, thì có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn V về việc yêu cầu Công ty TNHH MTV đòi nợ Dân L phải trả số tiền 15.000.000 đồng.

- Trong đơn khởi kiện, Công ty yêu cầu thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc đòi nợ nhưng Cấp sơ thẩm không xem xét là thiếu sót. Tuy nhiên, người đại diện của nguyên đơn cũng đồng ý và không kháng cáo nên cần rút kinh nghiệm.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn - Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 83/2020/DS-ST ngày 03/9/2020 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét kháng cáo và ý kiến của bị đơn cho rằng cấp sơ thẩm đã xét xử không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, phí dịch vụ là 35 % trên tổng số tiền mà ông V yêu cầu chứ không phải 35% trên số tiền đòi nợ được, Hội đồng xét xử xét thấy:

Ngày 26/12/2018, ông Nguyễn Văn V lập Phiếu yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đòi nợ Dân L (Sau đây viết tắt là Công ty Dân L) đòi khoản nợ của ông Phan Đình Thái A (BL06). Cùng ngày 26/12/2018, giữa ông Nguyễn Văn V (Bên A) và Công ty Dân L (Bên B) ký Hợp đồng ủy quyền đòi nợ số 2612/2018- HĐGUQ/DL (Sau đây viết tắt là Hợp đồng). Nội dung của Hợp đồng thể hiện: ông Nguyễn Văn V ủy quyền cho Công ty Dân L đòi ông Phan Đình Thái A số tiền nợ là 324.000.000 đồng (BL 04).

Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty Dân L đã xác minh và xác định ông Phan Đình Thái A chỉ còn nợ ông Nguyễn Văn V số tiền 165.000.000 đồng. Nên vào ngày 15/5/2019, Công ty Dân L có văn bản thông báo cho ông V biết ông Phan Đình Thái A chỉ còn nợ ông V 165.000.000đ (BL59), Công ty đã thu được 100.000.000đ và tạm chi cho ông V số tiền 50.000.000đ. Nội dung này cũng được hai bên thừa nhận.

Cấp sơ thẩm nhận định “Căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng ủy quyền đòi nợ thì Công ty Dân L được hưởng 35%, ông V được nhận 65% số tiền đòi nợ được”, tuy nhiên Hợp đồng ủy quyền đòi nợ không thỏa thuận cụ thể phí dịch vụ mà chỉ ghi nhận phí dịch vụ hai bên thỏa thuận theo quy chế của Công ty. Cấp phúc thẩm đã yêu cầu Công ty cung cấp quy chế nhưng Công ty không cung cấp được. Tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp Biên bản làm việc ngày 23/4/2019 giữa ông Nguyễn Văn V và Công ty Dân L, theo nội dung của Biên bản thì Công ty Dân L có ý kiến (Tóm tắt): “Quá trình xử lý, thu tiền nợ của ông Phan Đình Thái A 02 lần, tổng số tiền thu là 100.000.000 đồng; Trừ 35% phí dịch vụ của Công ty là 35.000.000 đồng; Số tiền chi trả cho ông V sau khi đã trừ 35% phí dịch vụ là 65.000.000 đồng; Công ty đã tạm chi cho ông V 50.000.000 đồng, số tiền còn lại Công ty Dân L sẽ chi trả cho ông V vào ngày 5/5/2019”. Như vậy, việc Công ty Dân L cho rằng phí dịch vụ là 35% trên tổng số tiền ông V yêu cầu Công ty đòi nợ là không có căn cứ.

Về nội dung Công ty cho rằng, ông V vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng ủy quyền đòi nợ khi yêu cầu Công ty đòi 324.000.000 đồng, nhưng số nợ thực là 165.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy: Tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 của Hợp đồng quy định: “Bên A (Ông Nguyễn Văn V) ủy quyền cho bên B (Công ty Dân L) đại diện chủ nợ để xác định các khoản nợ; Thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ...”. Như vậy, mặc dù ông V có yêu cầu Công ty đòi số tiền 324.000.000 đồng, nhưng Công ty phải chịu trách nhiệm xác định các khoản nợ. Mặt khác, phí dịch vụ chỉ tính trên số tiền mà Công ty thu được. Do đó, Cấp sơ thẩm buộc Công ty Dân L trả cho ông V số tiền còn lại là 15.000.000 đồng là có căn cứ.

[2] Đối với nội dung kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp, xét thấy:

[2.1] Công ty Dân L được Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành, nghề kinh doA dịch vụ đòi nợ và được Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ thì Hoạt động đòi nợ của Công ty là hoạt động kinh doanh dịch vụ được thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do đó, cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” và cấp phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp Hợp đồng dịch vụ ủy quyền đòi nợ” là đúng bản chất tranh chấp.

[2.2] Cấp sơ thẩm có một số vi phạm về thủ tục tố tụng: Không gửi thông báo kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho bị đơn nhưng vẫn lập biên bản hòa giải không được là vi phạm Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sau khi cấp phúc thẩm thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ cũng đã tiến hành công khai chứng cứ và hòa giải nên đã đảm bảo quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự.

[2.3] Tại bản tự khai ngày 24/4/2020 (BL 40), đại diện Công ty trình bày: “Phí dịch vụ ông V phải trả cho Công ty là 342.000.000 đồng x 35% = 113.400.000 đồng. Công ty đã trả cho ông V 50.000.000 đồng nên đề nghị ông V bồi thường số tiền 63.400.000 đồng”. Cấp sơ thẩm không làm rõ nội dung yêu cầu này của Công ty là thiếu sót. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm, Đại diện theo ủy quyền của Công ty xác định, việc ông V còn nợ Công ty số tiền 63.400.000 đồng là ý kiến phản đối của Công ty, Công ty không khởi kiện phản tố. Các bên chỉ tranh chấp về phí dịch vụ và nội dung này đã được xem xét, đánh giá trong vụ án nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[2.4] Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc đòi nợ. Hợp đồng thỏa thuận: Hợp đồng có hiệu lực kể từ khi hai bên ký kết (ngày 26/12/2018) cho đến khi bên B tiến hành đòi nợ xong. Theo thông báo ngày 15/5/2019 của Công ty Dân L và sự thừa nhận của ông V thì sau khi Công ty thu được của ông Phan Đình Thái A số tiền 100.000.000 đồng thì ông Phan Đình Thái A vẫn còn nợ ông V 65.000.000đ. Như vậy, Hợp đồng ủy quyền đòi nợ giữa ông V và Công ty còn hiệu lực. Cấp sơ thẩm không xem xét làm rõ yêu cầu chấm dứt đòi nợ của nguyên đơn là thiếu sót. Tuy nhiên, nguyên đơn không kháng cáo và tại cấp phúc thẩm thì người đại diện của nguyên đơn cũng đồng ý với bản án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử chỉ xem xét trong phạm vi kháng cáo.

Mặc dù có những vi phạm nêu trên, nhưng Bị đơn đã đảm bảo quyền kháng cáo và toàn bộ nội dung kháng cáo đã được xem xét, giải quyết tại cấp phúc thẩm nên không cần thiết hủy bản án sơ thẩm, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[3]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do không được chấp nhận kháng cáo nên bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;

[1] Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, Công ty TNHH Một thành viên đòi nợ Dân L. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 83/2020/DS-ST ngày 03/9/2020 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

[2] Về án phí dân sự phúc thẩm:

Áp dụng khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công ty TNHH Một thành viên đòi nợ Dân L phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ số tiền 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) đã nộp theo biên lai thu số AA/2019/0005448 ngày 11/12/2019 tại chi cục Thi hành án dân sự dân thành phố Buôn Ma Th.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

367
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 239/2020/DS-PT ngày 31/12/2020 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ ủy quyền đòi nợ

Số hiệu:239/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về