Bản án 239/2019/HS-PT ngày 10/09/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 239/2019/HS-PT NGÀY 10/09/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Vào ngày 10 tháng 9 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 204/2019/TLPT-HS ngày 20 tháng 5 năm 2019 đối với bị cáo Lê Xuân N về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của bị cáo Lê Xuân N đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 16/2019/HS-ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 995/2019/QĐXXPT-HS ngày 26 tháng 8 năm 2019.

- Bị cáo có kháng cáo:

Lê Xuân N, sinh ngày 05/11/1948 tại thành phố Hồ Chí Minh; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 57/19 Đường Tr, phường Y, quận Z, thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Phật giáo; Con ông Lê Văn C (đã chết) và bà Đào Ngọc Q (chết), có 02 con (lớn sinh năm 1983, nhỏ sinh năm 2003); Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Ngày 29/6/1981 bị Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh xử phạt 04 năm tù về tội “Làm và sử dụng giấy tờ giả”.

Bị cáo bị bắt giam ngày 06/8/2018, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Văn P - Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng bào chữa cho bị cáo Lê Xuân N theo yêu cầu của Tòa án, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty Cổ phần thương mại, dịch vụ xây dựng B (sau đây gọi tắt là Công ty B), địa chỉ trụ sở chính đăng ký tại 57/19 Đường Tr, phường Y, quận Z, TP Hồ Chí Minh, được Sở kế hoạch đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103000196 ngày 01/11/2000 do Lê Xuân N làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.

Mặc dù Lê Xuân N giữ các chức danh chủ chốt nhưng việc điều hành hoạt động của Công ty đều do Lê Văn L (em ruột N) thực hiện. Mục đích thành lập Công ty là để thực hiện việc bán hóa đơn GTGT khống cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn hợp thức hóa việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc để được nhà nước hoàn thuế GTGT rồi chiếm đoạt.

Quá trình điều tra thể hiện từ đầu năm 2001 đến tháng 8/2001, Lê Xuân N đã ký các chứng từ hợp thức hóa đầu vào cho các doanh nghiệp để làm thủ tục xin hoàn thuế GTGT rồi chiếm đoạt, cụ thể như sau:

1. Xí nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và chế biến thực phẩm (sau đây gọi tắt là Xí nghiệp).

Khoảng tháng 3/2001, Lê Văn L nhờ Nguyễn Thành D1 (trú tại X12 đường B1, Cư Xá B2, phường Y1, quận Z1, TP Hồ Chí Minh) tìm đối tác làm ăn. D1 giới thiệu L và N gặp Lưu Tiến B3 - là Giám đốc Xí nghiệp để bàn bạc thống nhất cách thức, thủ đoạn chiếm đoạt tiền thuế GTGT từ ngân sách Nhà nước.

Để có chứng từ đầu vào, Lưu Tiến B3 và Lê Xuân N ký kết 02 hợp đồng mua bán hàng nông sản, gồm:

+ Hợp đồng mua bán số 15/HĐK-XNK ngày 03/5/2001 có nội dung Xí nghiệp mua của Công ty B 1.430 tấn hàng nông hải sản, trị giá 41.999.387.800 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT), địa điểm giao hàng tại Cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Hàng giao chuyến nào thanh toán chuyến đó. Chứng từ thanh toán là hóa đơn GTGT. Hợp đồng có giá trị kể từ ngày ký và có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2001.

+ Hợp đồng mua bán số 17 ngày 20/6/2001 có nội dung Xí nghiệp mua của Công ty B 600 tấn hàng nông sản, trị giá 16.517.000.000 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT). Sau đó B3 và N thống nhất nâng giá trị Hợp đồng bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng số 17 ngày 02/7/2001, có lượng hàng 1.405 tấn, trị giá 33.422.050.000 đồng. Các điều khoản còn lại giống hợp đồng số 15 nêu trên.

Để hợp thức cho việc có thực hiện 02 hợp đồng nêu trên, Công ty B phát hành 24 hóa đơn GTGT có nội dung: Bán hàng nông sản cho Xí nghiệp với số lượng 624,722 tấn, trị giá 45.804.631.972 đồng, thuế GTGT là 2.892.659.104 đồng. Tổng giá trị tiền hàng Xí nghiệp phải thanh toán cho Công ty B là 48.697.291.077 đồng. Trong số 24 hóa đơn GTGT này, có 02 hóa đơn số 016542 và 016543 đề ngày 08/7/2001 là do Phan Hiền T1 - kế toán Xí nghiệp viết tại Xí nghiệp đưa N ký với tổng số tiền 6.180.367.878 đồng, trong đó tiền thuế GTGT là 458.620.375 đồng.

Lưu Tiến B3 chỉ đạo Phan Hiền T1 lập 24 phiếu nhập kho tương ứng với số lượng hàng hóa 624,722 tấn. Đồng thời chỉ đạo kế toán lập 17 phiếu chi tiền mặt (chi giả) thanh toán tiền hàng cho Công ty B với số tiền 48.697.291.077 đồng. Trong đó: Chi tại quỹ Xí nghiệp bằng tiền mặt là 1.903.479.157 đồng: Giả thu chi tại Móng Cái là 43.193.811.920 đồng; Chuyển ủy nhiệm chi qua tài khoản Công ty tại Ngân hàng nông nghiệp Móng Cái là 3.600.000.000 đồng.

Các cá nhân nhận phiếu chi gồm: Lê Xuân N ký nhận 1.024.333.536 đồng; Nguyễn Hoàng A (nhân viên công ty B) ký nhận 43.193.811.920 đồng; La Tiến G (giám đốc Công ty NG) ký nhận 379.175.621 đồng; Huỳnh Văn H1 (phó giám đốc công ty B) ký nhận 500.000.000 đồng.

Riêng số tiền chuyển bằng ủy nhiệm chi vào tài khoản Công ty B do Lê Xuân N ký nhận 223.250.000 đồng; Trần Đạt Đ ký nhận 1.500.000.000 đồng và Lê Chí Th ký nhận 1.870.000.000 đồng, số tiền này N, Đ, Th không thực nhận mà chỉ ký hợp thức chứng từ. Số tiền còn lại trong tài khoản Công ty B 6.750.000 đồng, sau đó được cơ quan điều tra tạm giữ.

Để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, hợp thức chứng từ, Lê Xuân N cho lập phiếu thu số tiền 48.697.291.077 đồng, trong đó có 6 phiếu thu do kế toán Xí nghiệp viết tại Xí nghiệp đưa cho N ký. Sau khi hoàn tất các thủ tục này, ngày 07/8/2001, Lưu Tiến B3 và Lê Xuân N ký biên bản thanh lý 02 hợp đồng nêu trên.

Ngoài việc xuất hóa đơn GTGT khống, N được Lê Văn L chỉ đạo đến cửa khẩu Móng Cái để hợp thức hóa việc mua bán (giả thu, giả chi) và xuất khống hàng hóa đi Trung Quốc.

Như vậy, việc mua bán hàng hóa giữa Công ty B và Xí nghiệp là không có thật mà chỉ được thể hiện trên hồ sơ gồm có: Hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT, phiếu xuất hàng, phiếu nhập kho, phiếu chi, phiếu thu và Biên bản thanh lý hợp đồng.

Để có chứng từ thể hiện việc Xí nghiệp bán hàng đã mua hàng hóa trên cho khách Trung Quốc, Lưu Tiến B3 làm giả các hợp đồng mua bán ghi tên đơn vị mua là Tổng công ty thực nghiệp Kim Quân (địa chỉ: 108 Đông Hưng, Trung Quốc). Để chứng minh có việc mua bán hàng nông sản thật, Lưu Tiến B3, Lê Xuân N và Lê Văn L bàn bạc thống nhất mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã Móng Cái. Ngày 22/6/2001, Lê Xuân N mở tài khoản số 431.101.030.359. Tuy nhiên qua xác minh, tài khoản này chỉ có số tiền 3.600.000.000 đồng do Xí nghiệp chuyển bằng ủy nhiệm chi vào, ngoài ra không phát sinh nghiệp vụ kế toán nào khác.

Để thể hiện có xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc, Lưu Tiến B3 mở tờ khai hải quan đứng tên Xí nghiệp, số hàng của Công ty B được mở bằng 31 tờ khai hải quan với số lượng 624,772 tấn. B3 cùng N và L dựng ra bộ chứng từ thanh toán qua hệ thống ngân hàng giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể giữa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Móng Cái với Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hưng có quan hệ mở tài khoản thanh toán theo hối phiếu ngân hàng thanh toán mậu dịch hoặc thư ủy thác thanh toán mậu dịch biên giới Việt- Trung. B3, N và L móc nối với một người tên Hải để mượn tiền rồi đứng tên Lý Ái Sương, Chu cần chuyển tiền thanh toán tiền hàng vào tài khoản số 431101010352 mang tên Công ty xuất, nhập khẩu chế biến thực phẩm Đà Nẵng (công ty không có thật) bằng hối phiếu hoặc thư ủy thác. Sau khi có tiền, Lưu Tiến B3 đề nghị Công ty XNK Nông sản thực phẩm Đà Nẵng chuyển bằng ủy nhiệm chi thanh toán cho Công ty B 3.600.000.000 đồng vào tài khoản Công ty B tại Ngân hàng nhà nước Móng Cái do các cá nhân Công ty này ký séc lĩnh tiền.

Sau khi làm các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán, giả thu, giả chi, mượn hàng xuất khống sang Trung Quốc để có được hồ sơ hợp lệ, Lưu Tiến B3 và Nguyễn Thị Mai A1 (Kế toán Xí nghiệp) đã lập bảng kê khai hoàn thuế 18 hóa đơn GTGT với số thuế là 2.300.124.167 đồng, còn 06 hóa đơn còn lại có số thuế GTGT là 592.534.938 đồng do phát sinh trong tháng 6/2001 nên chưa được hoàn thuế.

Theo thông báo từ Cục thuế TP Hồ Chí Minh và Cục thuế TP Đà Nẵng; Công ty B không thực hiện 02 hợp đồng mua bán nói trên mà chỉ ký để hợp thức việc bán 24 hóa đơn GTGT của Công ty B cho Xí nghiệp. Công ty B trong đường dây mua bán hóa đơn và đã trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, các hóa đơn đầu vào của Công ty B liên quan đến các hóa đơn đầu ra bán cho xí nghiệp là bất minh vì có nguồn gốc từ Công ty TLH và Công ty MT, 02 đơn vị này không có bán hàng mà chỉ xuất khống hóa đơn.

Trong 24 hóa đơn của Công ty B đã xuất bán cho Xí nghiệp thì có 18 hóa đơn đã được kê khai hoàn thuế với số tiền thuế 2.300.064.167 đồng. Cục thuế TP Đà Nẵng đã có Công văn yêu cầu Xí nghiệp nộp lại số tiền đã hoàn thuế trên do các hóa đơn đầu vào không hợp pháp.

Quá trình điều tra, Lê Xuân N thừa nhận Công ty B được thành lập nhằm mục đích mua bán hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của nhà nước, hoàn toàn không có hoạt động mua bán hàng hóa. Việc lập khống tài liệu, chứng từ đều do Lê Văn L chỉ đạo và ăn chia theo tỷ lệ 3-7 với Lưu Tiến B3, N được nhận tiền công 5.000.000 đồng/tháng, tổng số tiền được nhận trong khoảng 12 tháng là 60.000.000 đồng.

2. Tổng Công ty Xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến - Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (gọi tắt là Công ty Vinafimex)

Đinh Thế Q1 (trú tại tổ 37, phường Tr1, quận C, TP Hà Nội) là Phó trưởng phòng XNK4, thuộc tổng công ty Vinafimex. Thông qua giới thiệu của Lê Đình C1 - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm thủy sản MĐ, Q1 gặp Ngô Quế V và thống nhất về việc V giới thiệu cho Q1 doanh nghiệp xuất bán hóa đơn GTGT khống để làm thủ tục xuất khẩu hàng khống nhằm chiếm đoạt tiền thuế GTGT của nhà nước.

Qua sự giới thiệu của V, ngày 02/01/2001, Q1 thay mặt Tổng công ty Vinafimex ký hợp đồng mua hàng số 01/VNF-BT/2001 với Lê Xuân N. Sau khi ký hợp đồng, N ký xuất cho Tổng công ty Vinafìmex 03 hóa đơn GTGT số MK/00-N 081962, MK/00-N 081963 và MK/00-N 081965 đều đề ngày 03/01/2001 với số lượng 255,5 tấn hàng nông sản thực phẩm, tổng số tiền hàng là 3.988.843.000 đồng gồm tiền hàng là 3.740.350.000 đồng, tiền thuế GTGT là 248.493.000 đồng.

Q1 làm thủ tục xuất bán hàng hóa khống sang Trung Quốc và tập hợp các tài liệu theo quy định của Tổng cục thuế để xin hoàn thuế GTGT và được Cục thuế TP Hà Nội hoàn số tiền thuế là 248.493.000 đồng, số tiền này Q1 khai sau khi nhận được chuyển khoản cho V 79.000.000 đồng, giao tiền mặt cho V 75.000.000 đồng, đưa cho Lê Xuân N 100.000.000 đồng (đưa tiền mặt, không có giấy tờ giao nhận). Tuy nhiên đối với số tiền đưa cho N, lúc Q1 khai đưa cho N, lúc Q1 khai không biết N nên đưa cho V nhờ chuyển cho N. Lê Xuân N khai không nhận tiền từ V và Q1 mà những người này đưa tiền cho Lê Văn L, N chỉ được L cho mỗi tháng 5.000.000 đồng để sử dụng cá nhân trong thời gian làm việc cho L, do thời gian đã lâu nên N không nhớ rõ cụ thể số tiền được nhận. Hiện L và V đều bỏ trốn, số tiền 248.493.000 đồng đã được Đinh Thế Q1 nộp khắc phục hậu quả.

Tổng cộng Lê Xuân N cùng các đồng phạm chiếm đoạt tổng số tiền 2.548.557.167 đồng.

Quá trình điều tra Lê Xuân N đã nộp 60.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.

Với nội dung trên, tại Bản cáo trạng số 09/2019/CT-VKS-P3 ngày 22/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã truy tố bị cáo Lê Xuân N về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 16/2019/HS-ST ngày 11/4/2019, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

Căn cứ: Điểm a khoản 4 Điều 174; Điểm a, g khoản 1 Điều 52; Điểm b, o, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Tuyên bố bị cáo Lê Xuân N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Xử phạt: Lê Xuân N 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam, ngày 06/8/2018.

Về xử lý vật chứng: Căn cứ vào Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015,

Tuyên:

- Tiếp tục tạm giữ số tiền 60.000.000 đồng mà gia đình bị cáo Lê Xuân N đã nộp để đảm bảo thi hành án phần nghĩa vụ bồi thường của Lưu Tiến B3 theo bản án hình sự sơ thẩm số 87/HSST ngày 25/10/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng và bản án hình sự phúc thẩm số 246 ngày 19/4/2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.

(Hiện số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Cục thi hành án dân sự TP Đà Nẵng mở tại Kho bạc nhà nước theo quyết định số 143 ngày 13/3/2019 của Giám đốc sở Tài chính TP Đà Nẵng.)

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/4/2019 bị cáo Lê Xuân N có đơn kháng cáo với nội dung: Án sơ thẩm xử nặng, xin giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có quan điểm hành vi phạm tội của bị cáo giúp sức tích cực cho đồng phạm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Án sơ thẩm xử phạt bị cáo về tội danh là đúng tội, đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xử phạt bị cáo 07 năm tù là không nặng, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng vai trò của bị cáo mờ nhạt trong vụ án, chỉ thực hiện việc ký khống các chứng từ giúp sức cho đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo tiếp tục khắc phục thêm 60.000.000 đồng, hiện nay tuổi già, con còn nhỏ nên đề nghị HĐXX xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Bị cáo Lê Xuân N khai nhận tội, đối chiếu thấy phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có tại hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Lê Xuân N là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ xây dựng B. Từ đầu năm 2001 đến tháng 8-2001, lợi dụng chính sách ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nông thủy sản xuất khẩu, N cùng Lê Văn L và các đồng phạm khác lập, ký kết khống các chứng từ mua bán hàng hóa không có thật gồm: Hợp đồng mua bán hàng hóa; hóa đơn giá trị gia tăng; phiếu thu, phiếu chi; biên bản thanh lý hợp đồng với Xí nghiệp Kinh doanh xuất nhập khẩu và Chế biến thực phẩm Đà Nẵng và Tổng công ty Xuất nhập khẩu nông sản và Thực phẩm chế biến – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm hợp thức chứng từ đầu vào cho các doanh nghiệp này. Sau khi có chứng từ đầu vào, Lưu Tiến B3, Đinh Thế Q1 cùng các đồng phạm khác làm các thủ tục xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc để hợp thức hóa chứng từ đầu ra. Trên cơ sở các chứng từ đầu vào, đầu ra; tờ khai Hải quan; chứng từ thu chi qua ngân hàng, Lưu Tiến B3 cùng đồng phạm lập hồ sơ xin hoàn thuế tại Cục thuế thành phố Đà Nẵng với số tiền 2.300.064.167 đồng; Đinh Thế Q1 cùng đồng phạm làm thủ tục xin hoàn thuế tại Cục thuế thành phố Hà Nội với số tiền 248.493.000 đồng. Tổng số tiền Lê Xuân N và đồng phạm chiếm đoạt là 2.548.557.167 đồng. Sau khi vụ án phát hiện, N bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.

Hành vi nêu trên của bị cáo Lê Xuân N đã bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, mức độ phạm tội, đồng thời xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lê Xuân N như thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, đã nộp số tiền 60.000.000 đồng có được từ hành vi phạm tội để bồi thường, khắc phục hậu quả, hiện bị cáo đã lớn tuổi (71 tuổi), bị bệnh huyết áp cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mặt khác, trong vụ án này bị cáo chỉ tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức, mọi hoạt động tổ chức, điều hành, ăn chia đều do Lưu Tiến B3, Đinh Thế Q1, Lê Văn L bàn bạc, thực hiện (bị cáo N chỉ được trả công mỗi tháng 5.000.000 đồng). Do đó, cấp sơ thẩm quyết định xử phạt Lê Xuân N 07 năm tù, ở mức khởi điểm của Khoản 3 Điều 174 BLHS là đã có xem xét, chiếu cố giảm nhẹ cho bị cáo. Tuy nhiên trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bị cáo đã động viên gia đình nộp thêm 60.000.000 đồng để khắc phục hậu quả do bị cáo và đồng phạm gây ra, thể hiện thái độ thật sự ăn năn, hối cải, do đó Hội đồng xét xử xem xét thêm vai trò đồng phạm của bị cáo trong vụ án, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giảm một phần hình phạt cho bị cáo để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, tạo điều kiện để bị cáo an tâm cải tạo, sớm trở về hòa nhập cộng đồng.

Do yêu cầu kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Lê Xuân N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Tòa không đề cập đến.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.

1/ Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Xuân N và sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng điểm a Khoản 4 Điều 174; điểm b, o, s khoản 1, Khoản 2 Điều 51; điểm a, g Điều 52; khoản 1 Điều 54, Điều 58 BLHS năm 2015.

Xử phạt: Lê Xuân N 06 (Sáu) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 6-8-2018.

2/ Về án phí: Lê Xuân N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3/ Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1814
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 239/2019/HS-PT ngày 10/09/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:239/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về