TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 236/2017/DS-PT NGÀY 25/12/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ
Ngày 25 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 170/2017/TLPT-DS ngày 27/10/2017 về việc "Tranh chấp về chia thừa kế và chia tài sản chung".
Do bản án dân sự sơ thẩm số 07/2014/DSST ngày 25/6/2014 của Tòa án nhân dân huyện H bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 356/2017/QĐ-PT ngày 30/11/2017 và Quyết định hoãn phiên tòa số 275/QĐ/2017QĐPT-HPT ngày 12/12/2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1939
Địa chỉ: Đội 7, xã YS, huyện H, Hà Nội.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1957
Địa chỉ: Đội 3, xã YS, huyện H, Hà Nội.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1 Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1958
3.2 Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1964
Cùng địa chỉ: Thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội.
3.3 Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1972
Địa chỉ: Thôn 2, xã YS, huyện H, Hà Nội.
Đại diện theo ủy quyền của bà Đoàn, bà Bảy và bà Chín là ông Nguyễn
Văn T, sinh năm 1957.
3.4 Ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1959
Địa chỉ: Thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội.
3.5 Bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1968
Địa chỉ: Ấp HT, xã TH, huyện TT, tỉnh LA.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Hoàng
Ngọc H và luật sư Nguyễn Văn T2 - Văn phòng luật sư ĐH, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Do có kháng cáo của ông Nguyễn Văn T là bị đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm vụ án có nội dung như sau:
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị V trình bày: Bố mẹ bà là cụ Nguyễn Văn T3 và cụ Nguyễn Thị T, sinh thời sinh được 05 người con:
- Nguyễn Văn O, đã chết năm 1986 có vợ là Nguyễn Thị S (chết năm 2000) và có 05 người con là: Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị B, Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị C.
- Nguyễn Thị V.
- Nguyễn Văn Ng (là liệt sỹ hy sinh năm 1969) không có vợ con.
- Nguyễn Văn D (là liệt sỹ hy sinh năm 1968) không có vợ con.
- Nguyễn Thị T2, đã chết năm 1957 chưa có chồng con.
Ngoài những người con này ra hai cụ không còn người con nào khác nữa. Trong quá trình chung sống, bố mẹ bà có 04 gian nhà trên, 03 gian nhà dưới, bể, giếng nước, sân gạch trên diện tích đất là 144m² tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 3 tại thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội. Năm 1956, cụ T3 chết không để lại di chúc. Toàn bộ tài sản sau khi cụ T3 chết do cụ T3 bố bà quản lý. Năm 2003 cụ T3 chết. Khi còn sống cụ T3 đã lập 02 bản di chúc. Bản di chúc thứ nhất cụ lập năm 2000 với nội dung cho anh Nguyễn Văn T toàn bộ tài sản là nhà và đất tại thửa đất 144m² trên. Sau đó năm 2001 cụ T3 lại lập tiếp bản di chúc thứ 2 với nội dung cho bà 01 gian nhà trên, 02 gian nhà dưới về góc Tây Bắc trên diện tích đất 72m², phần còn lại giao cho anh T. Sau khi cụ T3 chết, bà đã công bố di chúc. Anh T đề nghị bà cho lại phần đất đó nhưng bà không đồng ý. Nay bà khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết chia thừa kế tài sản của bố bà để lại theo di chúc lập ngày 03/01/2001 và chia tài sản chung đối với phần di sản mẹ bà để lại.
Bị đơn ông Nguyễn Văn T trình bày: Về quan hệ gia đình và nguồn gốc đất tranh chấp ông đồng ý như nguyên đơn trình bày. Năm 2000 ông nội ông là cụ T3 đã lập bản di chúc (do chính tay ông viết) với nội dung cho ông toàn bộ tài sản là nhà và đất tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 3 tại thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội. Ông đã sử dụng ổn định thửa đất từ ngày đó đến nay. Bà Vân cũng đã trực tiếp ký tên vào bản di chúc này. Ông không chấp nhận di chúc lập năm 2001 của cụ T3 vì thời điểm lập di chúc năm 2001 cụ T3 không cón minh mẫn nữa, căn cứ vào những lý do sau:
- Cụ T3 đã xác định trong di chúc về diện tích đất là 144m² nhưng thực tế thửa đất chỉ có 117,4m².
- Nhà là của bố mẹ ông làm nên nhưng cụ T3 lại lấy của anh trai cho em gái (cho tài sản không phải của mình).
- Cụ T3 cho bà Vân 03 gian nhà đó thì chỉ có diện tích dưới 35m² chứ không phải 72m² như trong di chúc.
- Ông Lê Công H xác nhận vào di chúc tại trụ sở UBND xã không phải cụ
T3 trực tiếp cầm di chúc lên UBND xã, có ông Nguyễn Bá D là trưởng thôn làm chứng việc này.
Những người có công sức đóng góp vào việc tôn tạo, xây dựng thửa đất đang tranh chấp gồm có bố mẹ đẻ ông là cụ Nguyễn Văn O, cụ Nguyễn Thị S và 05 anh em ông gồm ông, ông T1, bà B, bà X, bà C. Ngoài những người này ra không ai có công sức cũng như có quyền lợi trên thửa đất này nữa.
Nay bà Vân khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ T3 để lại theo di chúc cụ T3 lập năm 2001 thì ông không đồng ý. Đề nghị Tòa án xét xử bác đơn khởi kiện của bà Vân.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Ông Nguyễn Văn T1, bà Nguyễn Thị B, bà Nguyễn Thị C: Về huyết
thống như nguyên đơn trình bày là đúng. Về nguồn gốc đất tranh chấp là của bố mẹ các ông, bà là Nguyễn Văn O và Nguyễn Thị S để lại. Toàn bộ tài sản này sau khi bố mẹ ông bà chết thì do ông T1 quản lý. Năm 2000 cụ T3 đã lập bản di chúc với nội dung cho ông T1 toàn bộ tài sản là nhà và đất tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 3 tại thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội. Ông T1 đã sử dụng ổn định thửa đất từ ngày đó đến nay. Bà Vân cũng đã trực tiếp ký tên vào bản di chúc này.
Các ông, bà bác bỏ hoàn toàn di chúc cụ T3 lập năm 2001 vì các lý do sau:
- Cán bộ địa chính xã là ông Nguyễn Trí Liễu là người tự tay viết chúc thư hộ cụ T3 và viết cả xác nhận của UBND xã.
- Anh em ông, bà là người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cụ T3 mà không được biết việc lập di chúc của cụ T3 năm 2001.
- Cụ T3 là người biết chữ mà lại điểm chỉ vào di chúc nên các ông bà không chấp nhận việc điểm chỉ này.
- Diện tích thửa đất chỉ có 120m² nhưng trong di chúc ghi 144m² là không chính xác.
Vì vậy các ông bà không công nhận chúc thư năm 2001 của cụ T3. Thực chất đối với thửa đất cụ T3 lập di chúc cụ T3 chỉ có quyền ở, sử dụng chứ không có quyền cho tặng, chuyển nhượng với lý do: Thửa đất của ông T đang ở tại xóm CĐ, thôn 3 là do bố mẹ các ông bà mua của ông Nguyễn Chí Tưởng từ năm 1962. Năm 1965 chú các ông bà là Nguyễn Văn N đi bộ đội, bố mẹ ông bà định làm nhà ở tại thửa đất xóm CĐ nhưng cụ T3 yêu cầu bố mẹ ông bà vào trong thửa đất tranh chấp làm nhà và trông nom cụ và đổi thửa đất hiện nay ông T đang ở cho 02 chú khi đi bộ đội về sẽ ra đấy ở. Thửa đất ở xóm CĐ đến năm 1989 vẫn đứng tên cụ T3. Năm 1989 cả 2 chú đã hy sinh nên cụ T3 giao lại thửa đất ở xóm CĐ cho ông T ở để ông T thờ cúng 02 chú liệt sỹ. Như vậy thửa đất tranh chấp đã thuộc quyền sử dụng của bố mẹ các ông bà nên cụ T3 không có quyền với mảnh đất này nữa. Việc đổi đất không có giấy tờ gì mà chỉ được lập bằng miệng. Hiện nay ông T vẫn đang ở tại thửa đất cụ T3 đổi cho bố mẹ các ông bà từ năm 1989 đến nay.
Các ông bà khẳng định thửa đất tranh chấp là của bố mẹ các ông bà để lại. Bố mẹ các ông bà đã chết không để lại di chúc nên quyền thừa kế tài sản này là của 05 anh em ông bà. Các ông bà đều có quan điểm nhường phần quyền lợi của mình cho ông T1 để ông T1 làm nhà cho con ở thờ cúng tổ tiên không được bán.
Nay bà Vân khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ T3 để lại theo di chúc cụ T3 lập năm 2001 thì các ông bà không đồng ý. Đề nghị Tòa án xét xử bác đơn khởi kiện của bà Vân.
Bà Nguyễn Thị X: Nguồn gốc khối tài sản tranh chấp là của bố mẹ bà là Nguyễn Văn O và Nguyễn Thị S để lại. Cụ Nguyễn Văn T3 là ông nội của bà còn cụ Nguyễn Thị T là ai thì bà không biết. Về yêu cầu khởi kiện chia thừa kế tài sản của cụ T3 để lại theo di chúc bà không nhất trí. Vì nguồn gốc tài sản tranh chấp là của bố mẹ bà để lại chứ không phải của cụ T3. Bà nghe các anh bà nói lại khi lập di chúc thì tinh thần của cụ T3 không còn minh mẫn. Cụ T3 là người biết chữ nhưng vì sao di chúc lại nhờ người khác lập. Bản thân bà không có quyền lợi gì trong khối tài sản tranh chấp nên không có yêu cầu gì. Bà đề nghị Tòa án giải quyết theo hướng đây là tài sản do bố mẹ bà để lại nên bà Vân không được hưởng di sản này.
Bà Nguyễn Thị Đ: Bà là vợ ông Nguyễn Văn T, hiện nay vợ chồng bà đang quản lý thửa đất đang tranh chấp với bà Vân. Bà nhất trí với ý kiến của chồng bà. Nay bà Vân khởi kiện yêu cầu chia thừa kế với thửa đất vợ chồng bà đang quản lý thì bà không đồng ý.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2014/DSST ngày 25/6/2014 của Tòa án nhân dân huyện H đã quyết định:
1.Chấp nhận đơn yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc của bà Nguyễn Thị V đối với tài sản cụ Nguyễn Văn T3 để lại và chia tài sản chung đối với tài sản cụ Nguyễn Thị T để lại.
2. Xác định tài sản cụ Nguyễn Văn T3 để lại có tổng giá trị 191.350.000đ, tài sản của cụ Nguyễn Thị T để lại có giá trị 173.550.000đ.
3. Chia tài sản của cụ Nguyễn Văn T3 để lại theo di chúc. Chia tài sản chung đối với tài sản của cụ Nguyễn Thị T để lại.
4. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Xuyến không yêu cầu nhận phần di sản nếu mình được hưởng.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông T, bà Bảy và bà Chín nhường kỷ phần của mình được hưởng cho ông T1.
Ghi nhận sự tự nguyện của bà Vân không yêu cầu ông T1 phải thanh toán chênh lệch tài sản.
5. Chia thừa kế tài sản của cụ T3 để lại theo di chúc và chia tài sản chung đối với tài sản của cụ Nguyễn Thị T để lại bằng hiện vật như sau:
Giao bà Nguyễn Thị V sở hữu một đoạn tường của nhà trên, 01 đoạn tường của nhà dưới trên diện tích đất 57,85m² có tổng giá trị 176.720.000đ.
Giao ông Nguyễn Văn T sở hữu một đoạn tường của nhà trên phần còn lại, 01 đoạn tường của nhà dưới còn lại, bể nước, 01 cây bưởi, 02 cánh cổng, 02 trụ cổng trên diện tích đất là 57,85m² có tổng giá trị 188.180.000đ.
Hai bên không phải thanh toán chênh lệch cho nhau và tự mở lối đi riêng trên phần đất mà mình được giao.
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm, ngày 03/7/2014, ông Nguyễn Văn T có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa:
Bị đơn ông Nguyễn Văn T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Tòa án xem xét vì tài sản tranh chấp là của ông Oanh bà Sửu, không phải là tài sản của cụ T3 và cụ T3. Cụ T3 lập di chúc trong tình trạng không được minh mẫn vì: Diện tích trong di chúc không phù hợp với thực tế; Cụ T3 biết chữ nhưng trong di chúc chỉ có điểm chỉ; Nhà trên đất là do bố mẹ ông xây dựng. Bố mẹ ông và bản thân ông có công chăm sóc cụ T3 nhưng ông không yêu cầu Tòa án tính toán công sức.
Nguyên đơn bà Vân giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế di sản của cụ T3 và chia tài sản chung đối với di sản của cụ T3 để lại.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Vân trình bày: Nguyên đơn và bị đơn thống nhất xác định về diện và hàng thừa kế. Về di sản: Tài liệu địa chính thể hiện tài sản tranh chấp có nguồn gốc là của cụ T3 và cụ T3. Bị đơn không xuất trình được tài liệu thể hiện tài sản tranh chấp là của ông Oanh bà Sửu. Cụ T3 lập di chúc trong tình trạng minh mẫn, có người làm chứng và được địa phương chứng thực như vậy di chúc của cụ T3 năm 2001 phù hợp với quy định của pháp luật và nó thay thế di chúc năm 2000. Cấp sơ thẩm đã chia tài sản chung vợ chồng cụ T3 cụ T3 rồi chia thừa kế theo di chúc của cụ T3 và chia tài sản chung của cụ T3 cho các thừa kế của hai cụ là phù hợp với quy định. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ kiện.
Quan điểm của đại diện viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội:
Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Cấp sơ thẩm xác định tài sản tranh chấp là di sản của cụ T3 và cụ T3 để lại là có căn cứ. Cụ T3 (chết 1956) không để lại di chúc, cụ T3 (chết 2003) để lại hai bản di chúc, bản di chúc năm 2000 và bản di chúc năm 2001. Bản di chúc năm 2001 của cụ T3 phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, bản di chúc này thay thế cho bản di chúc cụ lập năm 2000 theo quy định. Cấp sơ thẩm chia di sản của cụ T3 theo di chúc là có căn cứ. Cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ T3 để lại là tài sản chung chưa chia và tuyên chia cho các thừa kế là không đúng theo quy định tại Điểm a Điều 2.4 Nghị quyết 02/2004/HĐTP- TATC. Tuy nhiên tại thời điểm xét xử phúc thẩm Bộ luật dân sự 2015 đã có hiệu lực pháp luật. Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản...”, tại Điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của bộ luật này”. Cụ T3 chết năm 1956, căn cứ vào khoản 1 Điều 3 và khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế được Hội đồng nhà nước ban hành ngày 30/8/1990 thì thời điểm mở thừa kế đối với di sản của cụ T3 vẫn còn. Cụ T3 chết không để lại di chúc, cấp sơ thẩm đã chia di sản của cụ T3 cho các thừa kế của cụ T3 và cụ T3 là đảm bảo quyền lợi của các thừa kế của hai cụ nên cần sửa án sơ thẩm về cách tuyên án. Cụ thể: Chia thừa kế của cụ T3 theo di chúc và chia thừa kế của cụ T3 theo pháp luật.
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa án sơ thẩm theo phân tích trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Nhận thấy:
Về hình thức: Bị đơn ông Nguyễn Văn T có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, đã nộp dự phí kháng cáo, về hình thức là hợp lệ.
Ngày 03/7/2014 ông T1 có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 27/10/2017 Tòa án huyện H chuyển hồ sơ cho Tòa án Hà Nội là vi phạm thời hạn chuyển kháng cáo, cần rút kinh nghiệm.
Về nội dung:
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn T3 (chết 2003), cụ Nguyễn Thị T (chết 1956) sinh được 05 người con là:
1. Nguyễn Văn O (chết 1986), vợ là Nguyễn Thị S (chết năm 2000) có 05 người con là: Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị B, Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị C.
2. Nguyễn Thị V
3. Nguyễn Văn N, liệt sỹ, không có vợ con
4. Nguyễn Văn D, liệt sỹ, không có vợ con
5. Nguyễn Thị T2, chết năm 1957, chưa có chồng con
Ngoài những người con trên hai cụ không có con nuôi hay con riêng nào khác.
Năm 1956 cụ T3 chết, cụ T3 là người trực tiếp quản lý khối tài sản chung vợ chồng và xây dựng 04 gian nhà trên, 03 gian nhà dưới, bể, giếng nước, sân gạch. Hiện nhà cũ đã đổ nát chỉ còn lại 02 bức tường, bể nước, tường nhà dưới, 02 cánh cổng sắt, 02 trụ cổng và 01 cây bưởi.
Ủy ban nhân dân xã YS, huyện H cung cấp: Nguồn gốc tài sản mà cụ T3 lập trong di chúc là tài sản của cụ T3 và cụ T3 có từ trước khi cải cách ruộng đất.
Theo bản đồ năm 1924 và sổ địa bạ cũ lập trước năm 1970 thì thửa đất đang tranh chấp có số thửa 16, tờ bản đồ số 6 diện tích 150m² trên có nhà đứng tên ông Nguyễn Văn T3. Theo sổ dã ngoại và bản đồ năm 1986 của UBND xã YS thì thửa đất hiện nay đang tranh chấp có số thửa 397, tờ bản đồ số 2, diện tích 116m² đứng tên ông Nguyễn Văn T3. Thửa đất hiện nay đang tranh chấp có số thửa 317, diện tích 117,4m² đứng tên ông Nguyễn Văn T. Lý do đứng tên ông T1 vì sau khi cụ T3 chết ông T1 là người đang quản lý nên kê khai như vậy.
Ông T1 và các thừa kế của ông Oanh bà Sửu đều cho rằng khối tài sản đang có tranh chấp là của ông Oanh bà Sửu để lại nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh, hiện nhà cũ đã đổ nát. Mặt khác tại thời điểm năm 2000 khi cụ T3 lập di chúc cho ông T1 toàn bộ di sản, ông T1 và các thừa kế của ông Oanh bà Sửu không có ý kiến gì. Cấp sơ thẩm xác định tài sản tranh chấp là di sản của cụ T3 và cụ T3 để lại là có căn cứ.
Nguyên đơn yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của cụ T3 và chia tài sản chung đối với phần tài sản của cụ T3 để lại. Cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ T3 để lại là tài sản chung chưa chia và tuyên chia cho các thừa kế là không đúng theo quy định tại Điểm a Điều 2.4 Nghị quyết 02/2004/HĐTP-TATC vì bị đơn ông T1 và các thừa kế của ông Oanh không thừa nhận tài sản đang có tranh chấp là tài sản chung của cụ T3 chưa chia. Tuy nhiên tại thời điểm xét xử phúc thẩm Bộ luật dân sự 2015 đã có hiệu lực pháp luật. Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản...”, tại Điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của bộ luật này ”. Đây là những quy định mới của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế nói chung nên cần áp dụng để giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.
Cụ T3 chết năm 1956, căn cứ vào khoản 1 Điều 3 và khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế được Hội đồng nhà nước ban hành ngày 30/8/1990 thì thời điểm mở thừa kế đối với di sản của cụ T3 vẫn còn. Cụ T3 chết không để lại di chúc, cấp sơ thẩm đã chia di sản của cụ T3 cho các thừa kế của cụ T3 và cụ T3 là đảm bảo quyền lợi của các thừa kế của hai cụ là phù hợp với quy định mới của Bộ luật dân sự nên cần sửa quan hệ pháp luật là chia thừa kế theo pháp luật như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với quy định.
Cụ T3 để lại hai bản di chúc, bản di chúc năm 2000 và bản di chúc năm 2001. Theo quy định tại Điều 662 Bộ luật dân sự thì người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc, bản di chúc mới thay thế cho bản di chúc bị hủy bỏ. Như vậy bản di chúc năm 2001 sẽ thay thế bản di chúc năm 2000. Chúc thư giao thừa kế quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất ở ngày 03/01/2001 được cụ T3 lập trong tình trạng minh mẫn, có sự chứng kiến của đại diện UBND xã, có hai người làm chứng. Ông Nguyễn Trí Liễu cán bộ địa chính xã là người viết hộ di chúc cho cụ T3. Di chúc được UBND xã xác nhận cùng ngày. Đối chiếu với quy định tại các Điều 652, 653, 654, 656 Bộ luật dân sự thì di chúc năm 2001 của cụ T3 là di chúc hợp pháp. Cấp sơ thẩm chấp nhận Di chúc năm 2001 của cụ T3 là có căn cứ. Ông T1 cho rằng cụ T3 lập di chúc trong tình trạng không được minh mẫn nhưng không xuất trình được tài liệu chứng cứ.
Tuy nhiên trong di chúc của mình cụ T3 đã định đoạt cả phần di sản của cụ T3 để lại. Cấp sơ thẩm đã chia tài sản chung của cụ T3, cụ T3 rồi mới chia thừa kế của cụ T3 theo di chúc và chia tài sản của cụ T3 cho các thừa kế của hai cụ theo các quy định về chia tài sản chung là đảm bảo quyền lợi của các đương sự và phù hợp với quy định mới của Bộ luật dân sự như phân tích trên.
Các đương sự không yêu cầu xem xét những tài sản bị tháo dỡ, công chăm sóc, nuôi dưỡng và chi phí mai táng nên Tòa án không xem xét.
Theo kết quả xem xét tại chỗ và định giá tài sản, tổng giá trị khối tài sản tranh chấp là 364.900.000đ.
Tổng giá trị tài sản của cụ T3 và cụ T3 là 347.100.000đ. Phần của cụ T3 là 347.100.000đ : 2 = 173.550.000đ. Phần tài sản của cụ T3 có giá trị là: 173.550.000 + 17.800.000đ (tài sản trên đất) = 191.350.000đ.
Phần di sản của cụ T3 để lại được chia cho cụ T3, các thừa kế ông Oanh (ông T1, ông T, bà X, bà B và bà C) và bà Vân là: 173.550.000đ : 3 = 57.850.000đ.
Bà Xuyến từ chối phần quyền lợi của mình nên phần quyền lợi của bà Xuyến được chia đều cho ông T1, ông T, bà Bảy và bà Chín. Ông T, bà Bảy và bà Chín đều tự nguyện nhường kỷ phần mình được hưởng cho ông T1 vì vậy ông T1 được nhận phần tài sản cụ T3 để lại có giá trị là: 57.850.000đ.
Thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Văn T3 là năm 2003. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ T3 là: bà Nguyễn Thị V và những người thừa kế thế vị suất của ông Oanh để lại là: Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị B và Nguyễn Thị C. Tài sản của cụ T3 để lại có tổng giá trị là: 191.350.000đ + 57.850.000đ = 249.200.000đ.
Do cụ T3 để lại di chúc phần tài sản của mình cho bà Nguyễn Thị V và ông Nguyễn Văn T, vì vậy phân chia tài sản của cụ T3 để lại theo di chúc, ý chí của cụ T3 là chia cho bà Vân và ông T1 mỗi người ½ là: 249.200.000đ : 2 = 124.600.000đ.
Như vậy bà Vân được hưởng tài sản có giá trị là: 57.850.000đ + 124.600.000đ = 182.450.000đ.
Ông T1, do các em để lại phần di sản của mình cho ông nên được hưởng tài sản có giá trị là: 57.850.000đ + 124.600.000đ = 182.450.000đ.
Hiện nay theo đo đạc hiện trạng thửa đất chỉ còn lại 115,7m² và nhà cũng như các công trình đều đã bị hỏng chỉ còn lại các bức tường của nhà, vì vậy nên chấp nhận hiện trạng này và giao cho bà Vân 01 phần bức tường nhà trên và phần bức tường của nhà dưới trên diện tích đất là 115,7m² : 2 = 57,85m², có tổng giá trị là 176.720.000đ. Giao cho ông T1 phần còn lại gồm 01 phần bức tường của nhà trên, 01 phần bức tường tương đương với 01 gian chuồng lợn, bể nước, 01 cây bưởi, cổng, trụ cổng trên diện tích đất là 57,85m² có tổng giá trị là 188.180.000đ.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông T1 đã tự đổ đất và xây một đoạn tường bao phía sát đường đi. Tại phiên tòa phúc thẩm ông không yêu cầu Tòa án tính toán công sức đối với phần tường bao và phần đất mới đổ nên Tòa án không xem xét.
Ghi nhận sự tự nguyện của bà Vân không yêu cầu ông T1 thanh toán phần chênh lệch đáng ra bà Vân được hưởng.
Hai bên tự mở lối đi trên phần diện tích đất mà mình được giao (có sơ đồ giao đất kèm theo).
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông T1.
Về án phí: Do sửa án sơ thẩm, ông T1 không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.
Bà Vân có đơn yêu cầu xem xét miễn giảm án phí nhưng bà Vân được chia di sản nên phải chịu án phí có giá ngạch. Ông T1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 07/2014/DSST ngày 25/6/2014 của Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Hà Nội.
Căn cứ Điều 631, 633, 634, 635, 646, 647, 648, 649, 650,652, 653, 657, 674, 675, 676, 683 Bộ luật dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009;
Xử:
1. Chấp nhận đơn yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc của bà Nguyễn
Thị V đối với tài sản cụ Nguyễn Văn T3 để lại và chia tài sản chung đối với tài sản cụ Nguyễn Thị T để lại.
2. Xác định di sản của cụ Nguyễn Văn T3 và cụ Nguyễn Thị T là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 3, thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội, diện tích 115,7m² có giá trị 364.900.000đ.
3. Xác định di sản của cụ Nguyễn Văn T3 để lại có tổng giá trị 191.350.000đ, di sản của cụ Nguyễn Thị T để lại có giá trị 173.550.000đ.
4. Thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Văn T3 là năm 2003, thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị T là năm 1956. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ T3 và cụ T3 là bà Nguyễn Thị V và những người thừa kế thế vị của ông Nguyễn Văn O gồm: Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị B và Nguyễn Thị C.
5. Chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T3 để lại theo di chúc. Chia thừa kế đối với di sản của cụ Nguyễn Thị T để lại theo pháp luật.
6. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Xuyến không yêu cầu nhận phần di sản nếu mình được hưởng.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông T, bà Bảy và bà Chín nhường kỷ phần của mình được hưởng cho ông T1.
Ghi nhận sự tự nguyện của bà Vân không yêu cầu ông T1 phải thanh toán chênh lệch tài sản.
7. Chia thừa kế di sản của cụ T3 để lại theo di chúc và chia thừa kế đối với sản của cụ Nguyễn Thị T để lại bằng hiện vật như sau:
Giao bà Nguyễn Thị V sở hữu một đoạn tường của nhà trên, 01 đoạn tường của nhà dưới trên diện tích đất 57,85m² có tổng giá trị 176.720.000đ tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 3 tại thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội.
Giao ông Nguyễn Văn T sở hữu một đoạn tường của nhà trên phần còn lại, 01 đoạn tường của nhà dưới còn lại, bể nước, 01 cây bưởi, 02 cánh cổng, 02 trụ cổng trên diện tích đất là 57,85m² có tổng giá trị 188.180.000đ tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 3, thôn 3, xã YS, huyện H, Hà Nội (có sơ đồ kèm theo).
Hai bên không phải thanh toán chênh lệch cho nhau và tự mở lối đi riêng trên phần đất mà mình được giao.
Về án phí:
Án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm được nhận lại số tiền 200.000đ đã nộp tại Biên lai thu dự phí kháng cáo số 0008373 ngày 03/7/2014 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện H, thành phố Hà Nội.
Án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Nguyễn Thị V phải chịu 8.836.000đ án phí dân sự sơ thẩm đối trừ vào số tiền 3.500.000đ đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 0000161 ngày 01/02/2013 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện H, thành phố Hà Nội, bà Vân còn phải nộp tiếp 5.336.000đ.
Ông Nguyễn Văn T phải chịu 9.409.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án 236/2017/DS-PT ngày 25/12/2017 về tranh chấp chia thừa kế
Số hiệu: | 236/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 25/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về