Bản án 23/2021/DS-PT ngày 20/01/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 23/2021/DS-PT NGÀY 20/01/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Trong các ngày 08 tháng 12 năm 2020 và ngày 20 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 305/2020/TLPT- DS ngày 20 tháng 10 năm 2020 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 35/2020/DS-ST ngày 01/09/2020 của Toà án nhân dân huyện Thới Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 315/2020/QĐPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Trần Hồng T1, sinh năm 1975;

Nơi cư trú: Ấp 4, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Trần Văn Đạo – Luật sư, Chi nhánh Công ty Luật TNHH MTV Công Hùng và Cộng sự tại Cà Mau; Địa chỉ số 122 – 124 Ngô Gia Tự, Phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

- Bị đơn: + Ông Trần Ngọc D1, sinh năm 1957;

+ Bà Phạm Thị N, sinh năm 1959; Cùng nơi cư trú: Ấp 9, xã T, huyện T, tỉnh C ..

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Lê Anh Tuấn – Luật sư, Văn phòng luật sư Lê Anh Tuấn thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ủy ban nhân dân huyện Thới B;

Địa chỉ trụ sở: Khóm 1, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp: Ông Lê Chí Tâm - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình (Giấy ủy quyền ngày 30/10/2020).

+ Anh Lê Văn T2, sinh năm 1976; chị Trần Bích Hạnh, sinh năm 1978; Cùng nơi cư trú: Ấp 9, xã T, huyện T, tỉnh C ..

+ Bà Trần Thanh C, sinh năm 1963;

Nơi cư trú: Số 215A6 đường Nguyễn Văn Hưởng, Khu phố 3, phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Bà Trần Thị M, sinh năm 1965; Nơi cư trú: Ấp 1, xã T, huyện T, tỉnh C ..

+ Bà Trần Thị Hải Yến, sinh năm 1971;

Nơi cư trú: Số 63 đường Phạm Ngủ Lão, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

+ Bà Trần Thị H2, sinh năm 1958; Nơi cư trú: Đội 6, xã N, huyện N, tỉnh N ..

- Người kháng cáo: Bà Trần Hồng T1 là bị đơn; bà Trần Thị M và bà Trần Thị Hải Yến là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Tại phiên tòa: Bà T1, ông Đạo, ông D1, bà N, ông Tuấn, anh T2, chị H1 có mặt;

Đại diện UBND huyện Thới Bình, bà M, bà Y, bà Chuyển, bà H2 vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Cụ ông Trần Văn Phiêu và cụ bà Trần Thị Nữ có chung 07 người con, gồm: Trần Ngọc D1, Trần Thanh C, Trần Thị M, Trần Thị Hải Yến, Trần Thị H2, Trần Hồng T1, Trần Thị Nguyệt có quê quán ở miền Bắc. Năm 1977, ông D1 kết hôn với bà N được cha mẹ cho ra riêng; Bà H2 có chồng theo chồng sinh sống. Còn lại 05 chị em là Trần Thanh C, Trần Thị M, Trần Thị Hải Yến, Trần Thị Nguyệt theo cha mẹ vào miền Nam sinh sống. Năm 1983 cụ Nữ chết, năm 1986 cụ Phiêu chết hai cụ đều không để lại di chúc; Năm 2001 bà Trần Thị Nguyệt chết.

Nguyên đơn cho rằng: Phần đất tại ấp 9, xã T, huyện T, tỉnh C . tranh chấp với bị đơn có nguồn gốc nguyên đơn được cụ Phiêu và cụ Nữ cho. Năm 1995, bà T1 được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt Giấy CNQSD đất) phần 6.600m2 thuộc thửa 580 tờ bản đồ số 1a (đo thực tế diện tích 6.748,9m2) và phần 6.280m2 thuộc thửa 599 tờ bản đồ số 1a (đo thực tế 5.889,0m2). Phần đất 5.889,0m2 sản xuất trồng tràm và trồng cây lâu năm từ năm 1983. Phần đất 6.748,9m2 anh chị em thay phiên nhau canh tác trồng lúa; đến năm 1996 chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía. Năm 1997, bà T1 có chồng về xã Thới Bình. Đối với phần đất 6.748,9m2 ông D1 vẫn tiếp tục trồng mía. Đối với phần đất 5.889,0m2, năm 2017 ông D1 tự ý cho con là anh T2, chị H1 cất nhà trên phần đất nên bà yêu cầu đòi lại đất.

Nay bà T1 khởi kiện ông D1 và bà N yêu cầu ông D1, bà N và những người có liên quan di dời công trình kiến trúc trên đất, giao trả lại 02 phần đất trên; Yêu cầu ông D1, bà N trả lại Giấy CNQSD đất số D0750897 cấp ngày 06/12/1994 do bà T1 đứng tên; Đồng thời yêu cầu trả tiền hoa lợi trên phần đất thửa 6.748,9m2 ông D1 trồng mía từ năm 1997 đến tháng 3/2018 là 20 năm, mỗi năm 10.000.000 đồng bằng số tiền 200.000.000 đồng.

* Trình bày của bị đơn: Phần đất 6.748,9m2 là di sản của cụ Phiêu và cụ Nữ để lại, do bà T1 là con gái út nên sau khi cha mẹ chết, ông D1 để bà T1 đứng tên Giấy CNQSD đất.

Phần đất 5.889,0m2 do vợ chồng bị đơn nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Xuân vào năm 1982; phần đất này thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bị đơn. Phần đất này hiện nay bị đơn cho vợ chồng anh T2 mượn và trực tiếp quản lý sử dụng.

Nay bị đơn thống nhất giao cho bà T1 quản lý sử dụng và đồng ý giao lại Giấy CNQSD đất cho bà T1 đối với phần đất 6.748,9m2. Đối với 5.889,0m2 đất không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà T1.

Bị đơn không đồng ý hoàn trả cho bà T1 200.000.000 đồng tiền hoa lợi do bị đơn canh tác trên 6.600m2 đất.

* Lời trình bày của anh Lê Văn T2 và chị Trần Bích Hạnh:

Phần đất 5.889,0m2 mà bà T1 yêu cầu trong đó có 1489m2 đất vợ chồng anh chuyển nhượng của bà M, phần còn lại do ông D1 và bà N giao vợ chồng anh canh tác, anh chị không có ý kiến đối với phần đất tranh chấp mà do ông D1 và bà N quyết định. Trên phần đất, vợ chồng anh cất 01 ngôi nhà và các cây trồng đúng như biên bản thẩm định ngày 26/3/2019. Đối với tài sản trên phần đất anh không có yêu cầu gì trong vụ án.

*Trình bày của bà H2, bà C, bà M, bà Y:

Cụ Phiêu và cụ Nữ cùng 05 người con gái từ Bắc vào Nam sinh sống năm 1980 - 1981, tạo lập tài sản có 05 phần đất, cụ thể:

Phần đất thứ nhất là khu mộ cụ Phiêu, cụ Nữ và bà Nguyệt.

Phần đất thứ hai là đất bị đơn đang quản lý sử dụng, đất này liền kề với đất khu mộ; Đất này bị đơn vào Nam sinh sống cha mẹ cho bị đơn.

Phần đất thứ ba là sau khi cụ Phiêu chết tất cả anh chị em thống nhất chuyển nhượng lấy tiền lo việc chung.

Phần đất thứ tư là 5.889,0m2 đất, lúc chưa có chồng thì bà C, bà M, bà Y, bà H2, bà T1 thay phiên nhau sản xuất (do chị em có người đi học, người đi công tác). Phần đất này, khi còn sống vụ Phiêu và cụ Nữ có nói là cho bà T1. Nay bà H2, bà Chuyển, bà M, bà Y xác định phần đất 5.889,0m2 cha mẹ đã cho bà T1 nên thuộc quyền sử dụng của bà T1.

Phần đất thứ năm là 6.748,9m2, đất trồng cây Tràm, lúc còn sống cha mẹ có nói với các chị em gái là cho bà T1.

Từ nội dung trên, bản án dân sự sơ thẩm số 35/2020/DS-ST ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình quyết định:

Căn cứ vào khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39; Điều 228, Điều 244, Điều 147, Điều 157, Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166 Bộ luật dân sự; khoản 5 Điều 98, Điều 100, Điều 166, Điều 203 Luật đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: + Buộc ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N giao trả cho bà Trần Hồng T1 6.748,9m2 đất thuộc thửa 70 tờ bản đồ số 02 đất tại ấp 9, xã T, huyện T, tỉnh C .;

+ Không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Hồng T1 về việc buộc ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N giao trả 5.889,0m2 đất thuộc thửa 629 tờ bản đồ số 02 đất tại ấp 9, xã T, huyện T, tỉnh C .;

+ Không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Hồng T1 về việc buộc ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N hoàn lại tiền thu hoa lợi 200.000.000 đồng.

+ Buộc ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N có nghĩa vụ hoàn lại cho bà Trần Hồng T1 6.190.500 đồng tiền chi phí đo đạc, định giá.

+ Bà Trần Hồng T1 phải chịu tiền án phí có giá ngạch 15.889.000 đồng, được đối trừ tiền dự nộp án phí 11.152.000 đồng.

+ Ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N được miễn tiền án phí dân sự.

Ngày 17/9/2020, bà T1 kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xử buộc bị đơn giao trả 5.889,0m2 đất và 200.000.000 đồng; bà M và bà Y kháng cáo yêu cầu buộc bị đơn giao trả cho bà T1 5.889,0m2 đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau.

Về trình tự thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử, đương sự đã tuân thủ và thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 – Bộ luật Tố tụng dân sự; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà T1, bà M, bà Y; Giữ nguyên bản án sơ thẩm dân sự số 35/2020/DS-ST ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu bị đơn giao trả phần đất 6.280m2, phần đất 6.600m2 và hoàn trả 200.000.000 đồng tiền hoa lợi do bị đơn canh tác trên 6.600m2 đất. Bị đơn chấp nhận giao trả lại phần đất 6.600m2, không đồng ý hoàn trả 200.000.000đ; không chấp nhận giao 6.280m2 đất với lý do: 6.280m2 đất thuộc quyền sử dụng của bị đơn. Tranh chấp trên án sơ thẩm xác định tranh chấp quyền sử dụng đất là đúng quan hệ tranh chấp.

[2] Tại cấp sơ thẩm bị đơn đồng ý giao trả lại nguyên đơn 6.600m2 (đo thực tế 6.748,9m2); án sơ thẩm buộc bị đơn giao trả cho nguyên đơn phần đất 6.748,9m2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, Viện kiểm sát cũng không kháng nghị đối với phần đất 6.748,9m2 nên cấp phúc thẩm không xem xét theo trình tự phúc thẩm đối với phần đất này.

[3] Xét kháng cáo của bà Trần Hồng T1, bà Trần Thị M, bà Trần Thị Hải Yến.

[3.1] Đối với phần đất tại thửa 599, tờ bản đồ số 1A theo đo thực tế có diện tích 5.889,0m2. Người kháng cáo cho rằng, phần đất này thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn do được cha mẹ cho; Còn bị đơn cho rằng, phần đất này thuộc quyền sử dụng của bị đơn, phần đất này nằm trong tổng thể phần đất bị đơn chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Xuân vào năm 1982.

Xét các chứng cứ các đương sự xuất trình để chứng minh, Hội đồng xét xử xét thấy: Phần đất tranh chấp 5.889,0m2 người kháng cáo xác định là nguồn gốc của cha mẹ tạo lập nhưng không có chứng cứ gì để chứng minh; Còn bị đơn xác định do bị đơn chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Xuân vào năm 1982, bị đơn xuất trình được giấy tay chuyển nhượng với ông Xuân, được ông Xuân thừa nhận. Song, vấn đề trên chỉ chứng minh nguồn gốc đất trước khi Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận QSD đất cho nguyên đơn chứ chưa đủ cơ sở để xác định phần đất trên là thuộc quyền sử dụng của bị đơn.

Bị đơn cho rằng, sau khi chuyển nhượng đất của ông Xuân, đất được tách thành 02 thửa. Thửa 600 do bị đơn đứng tên; thửa 599 do bà T1 đứng tên với lý do: Trước đó, bị đơn và bà Trần Thị M cùng chung sang nhượng của ông Trần Văn Tiển, mỗi người 02 công đất tại thửa 489. Sau đó, bà M xin đổi với bị đơn, bà M đưa 02 công đất sang chung cho bị đơn; bị đơn giao lại 02 công đất trong phần đất sang nhượng của ông Xuân cho bà M. Phần đất đưa lại bà M là phần đất nằm đoạn giữa thửa 599. Do đất bà M ở đoạn giữa và không đủ diện tích để cấp Giấy đỏ nên bà M hỏi bị đơn mượn phần đất còn lại của thửa 599 của bị đơn nhập chung vào để đủ diện tích được cấp Giấy đỏ nên bị đơn đồng ý. Còn việc để bà T1 đứng tên là do thỏa thuận giữa bà M với bà T1. Song lời trình bày của bị đơn không được nguyên đơn và bà M thừa nhận; bị đơn cũng không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh cho lời trình bày của mình. Trong khi, nguyên đơn tiến hành các thủ tục cấp quyền sử dụng đất thì bị đơn đồng ý cho nguyên đơn làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đối với 5.889,0m2 cho nguyên đơn đứng tên. Như vậy, dù phần đất tranh chấp trên có nguồn gốc do bị đơn chuyển nhượng nhưng tại thời điểm tháng 8/1994 (làm thủ tục cấp QSD đất) bị đơn đã tự nguyện và đồng ý chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho bà T1. Sự tự nguyện này đã được Cơ quan Nhà nước có thẩm quản lý Nhà nước về đất đai chấp nhận và UBND huyện cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bà T1 đứng tên. Do đó, việc UBND huyện cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bà T1 là không trái pháp luật. Giấy chứng nhận QSD đất mà UBND huyện cấp cho bà T1 là Văn bản pháp lý chứng minh Nhà nước thừa nhận 5.889,0m2 thuộc quyền sử dụng của bà T1 từ năm 1995 và cũng là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn cho rằng, việc để cho bà T1 đứng tên 5.889,0m2 đất còn có lý do là nghe nói vượt hạn điền sẽ bị nộp thuế cao; tại thời điểm này các con chưa đủ tuổi để đứng tên QSD đất nên để phần đất này cho bà T1 đứng tên. Lời trình bày này không có cơ sở, bởi: Nếu cho rằng sợ vượt hạn điền thì ngay chính phần đất bị đơn được cấp QSD đất cùng thời điểm với nguyên đơn cũng đã vượt hạn điền lên đến 19.340m2 (cùng ngày làm thủ tục với nguyên đơn, bị đơn làm thủ tục cấp Giấy với diện tích 49.340m2) trong khi phần đất bị đơn cho rằng sợ vượt hạn điền nên cho mượn chỉ có khoảng gần 3.000m2. Còn đối với việc con chưa đủ tuổi thì vấn đề này sau đó vài năm các con bị đơn đã đủ tuổi nhưng bị đơn vẫn không làm thủ tục chuyển đổi cho các con đứng tên trong khi Giấy chứng nhận QSD đất của bà T1 thì bị đơn đang cất giử.

Đối với vấn đề sử dụng đất: Sau khi được cấp Giấy CNQSD đất thì năm 1997, nguyên đơn có sản xuất được 01 năm thì giao cho người chị Trần Thị Nguyệt sản xuất. Lúc này bị đơn yêu cầu chị Nguyệt phải trả tiền đầu tư trên đất. Chị Nguyệt không có tiền, nên chị Nguyệt giao cho bị đơn sản xuất để có thêm tiền chi phí lo hương hỏa cho cha mẹ (BL: 43). Chính bị đơn xác định trong phần đất 5.889,0m2 có ½ đất của bà M và bà M sử dụng; cũng chính anh T2 và chị H1 xác định cho rằng, đến năm 2007 anh chị sang nhượng đất của bà M (BL: 169, 315). Từ những lời trình bày này đã chứng minh: Bị đơn không phải là người duy nhất trực tiếp quản lý, sản xuất 5.889,0m2 từ năm 1995 đến khi xảy ra tranh chấp. Mà trong khoảng thời gian này, bà T1, chị Nguyệt, bà M cũng đã có sản xuất trên phần đất này. Đến năm 2017, do anh T2 và chị H1 (con của bị đơn) xây cất nhà ở nên nguyên đơn khởi kiện đòi lại đất.

Từ những chứng cứ trên, xét thấy có đủ chứng cứ kết luận: Diện tích đất tranh chấp đo thực tế 5.889,0m2 (trong giấy 6.280m2), thửa 599, tờ bản đồ số 1A thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn Trần Hồng T1. Án sơ thẩm chỉ xem xét cho rằng nguồn gốc đất là của bị đơn và căn cứ vào đó mà bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa xem xét một cách toàn diện của vụ án. Do đó, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà T1, bà M, bà Y; buộc bị đơn và những người có liên quan giao trả lại đất cho nguyên đơn; Không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát.

Hiện nay trên phần đất 5.889,0m2 có nhà, cây trồng là tài sản của vợ chồng anh T2. Do đó, vợ chồng anh T2 có nghĩa vụ di dời các công trình kiến trúc trên đất để giao trả lại đất cho bà T1. Riêng đối với cây trồng gồm: 03 cây dừa, 08 cây Tràm núi, 01 cây sao, 01 bụi chuối, dừa nước trên đất theo bản thẩm định tại chổ và đã được định giá ngày 07/8/2019 có tổng trị giá 12.041.000đ. Các loại cây trồng này rất khó trong việc di dời; Do đó giao cho bà T1 được sở hữu, bà T1 có nghĩa vụ hoàn trả lại cho vợ chồng anh T2 tiền giá trị của các cây trên.

Đối với lời trình bày của anh T2 và chị H1 cho rằng, trong 5.889,0m2 có 1.480,9m2 đất (đo thực tế) của anh chị chuyển nhượng của bà Trần Thị M nhưng chỉ giao dịch bằng miệng. Còn bà M không thừa nhận có chuyển nhượng đất cho vợ chồng anh T2. Do đó, không có chứng cứ để chấp nhận lời trình bày này của vợ chồng anh T2. Tại phiên tòa phúc thẩm anh T2 xác định do không có giấy tờ chứng minh nên anh không có yêu cầu gì đối với 02 công đất chuyển nhượng của bà M mà do ông D1 và bà N quyết định, vợ chồng anh không có ý kiến gì đối với yêu cầu khởi kiện của bà T1.

[3.2] Đối với kháng cáo của bà T1 về số tiền 200.000.000đ, Hội đồng xét xử xét thấy: Phần đất 6.600m2 (đo thực tế diện tích 6.748,9m2) bị đơn sử dụng, số tiền thu được từ việc khai thác đất bị đơn đã chi tiêu cho việc thờ cúng, mồ mã cha mẹ tổ tiên; Do đó, khởi kiện này cấp sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ, nên bác yêu cầu kháng cáo này của nguyên đơn.

[3.3] Đối với khởi kiện của bà T1 về việc yêu cầu bị đơn giao trả lại Giấy chứng nhận QSD đất: Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên Giấy chứng quyền sử dụng đất đối với đất tranh chấp bị đơn phải giao trả lại nguyện đơn. Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn thừa nhận Giấy chứng nhận QSD đất hiện bị đơn đang quản lý. Do đó, bị đơn có nghĩa vụ giao trả lại Giấy CN.QSD đất cho nguyên đơn.

[4] Án phí, chi phí tố tụng khác:

Yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Yêu cầu kháng cáo của bà M, bà Y được chấp nhận nên bà M, bà Y không phải chịu án phí phúc thẩm.

Do sửa án sơ thẩm, nên án phí dân sự, chi phí tố tụng được tính lại, cụ thể:

Ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N phải chịu án phí dân sự đối với phần đất tranh chấp nhưng do là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự.

Ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N phải chịu toàn bộ tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản là 12.381.000đ; Số tiền này bà T1 đã chi trả xong nên ông D1 và bà N có nghĩa vụ giao trả lại bà T1.

Bà Trần Hồng T1 phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là 10.000.000đ đối với phần yêu cầu hoàn trả 200.000.000đ không được chấp nhận.

Bà Trần Hồng T1 phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là 602.000đ đối với số tiền giá trị cây trồng hoàn trả cho anh T2 và chị H1.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 – Bộ luật Tố tụng dân sựChấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Trần Hồng T1; Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị Hải Yến và bà Trần Thị M; Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm 35/2020/DS-ST ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình.

Căn cứ khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 148; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 158; khoản 1 Điều 165; khoản 1 Điều 166 – Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 166 – Bộ luật dân sự.

Áp dụng khoản 1 Điều 3; Điều 73 – Luật Đất đai 2003 và Khoản 9, 16, 24 Điều 3; khoản 2 Điều 5; khoản 1, 2 Điều 26; Điều 166; khoản 1 Điều 203 – Luật Đất đai 2013.

Căn cứ khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29, điểm đ khoản 1 Điều 12 - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: - Ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N có nghĩa vụ giao trả cho bà Trần Hồng T1 6.748,9m2 đất thuộc thửa 70 tờ bản đồ số 02 đất tại ấp 9, xã T, huyện T, tỉnh C .; Đất có vị trí và số đo theo Mãnh trích đo địa chính số 03 – 2019 ngày 28/3/2019 (BL: 213).

- Ông Trần Ngọc D1, bà Phạm Thị N, anh Lê Văn T2, chị Trần Bích Hạnh có nghĩa vụ giao trả cho bà Trần Hồng T1 5.889,0m2 đất thuộc thửa 629 tờ bản đồ số 02 đất tại ấp 9, xã T, huyện T, tỉnh C .; Đất có vị trí và số đo theo Mãnh trích đo địa chính số 04 – 2019 ngày 28/3/2019 (BL: 210).

- Ông Trần Ngọc D1, bà Phạm Thị N có nghĩa vụ giao trả cho bà Trần Hồng T1 bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D 0750897 cấp ngày 06/12/1995 do bà Trần Hồng T1 đứng tên.

- Ông Trần Ngọc D1, bà Phạm Thị N, anh Lê Văn T2, chị Trần Bích Hạnh có nghĩa vụ di dời 02 căn nhà trên phần đất 5.889,0m2 (Phần đất thứ nhất) ra khỏi phần đất (theo Biên bản thẩm định ngày 26/3/2019, BL: 197) để giao trả lại đất cho bà Trần Hồng T1.

- Bà Trần Hồng T1 sở hữu 03 cây dừa, 08 cây Tràm núi, 01 cây sao, 30 cây chuối, dừa nước trên đất (Biên bản thẩm định ngày 26/3/2019, BL: 197).

- Bà Trần Hồng T1 có nghĩa vụ hoàn trả lại 12.041.000đ (tiền giá trị cây trồng trên đất) cho anh Lê Văn T2 và chị Trần Bích Hạnh.

- Không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Hồng T1 về việc ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N có nghĩa vụ hoàn trả cho bà tiền hoa lợi 200.000.000 đồng.

- Án phí, chi phí tố tụng khác:

+ Ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N được miễn tiền án phí dân sự.

+ Ông Trần Ngọc D1 và bà Phạm Thị N có nghĩa vụ trả cho bà Trần Hồng T1 12.381.000 đồng tiền chi phí đo đạc, định giá.

+ Bà Trần Hồng T1 phải chịu tiền án phí có giá ngạch 10.602.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp 11.152.000 đồng theo biên lai số 0005392 ngày 10/4/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thới Bình; Bà Trần Hồng T1 được hoàn trả lại số tiền chênh lệch là 550.000 đồng.

+ Bà Trần Hồng T1 không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại cho bà T1 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0011385 ngày 14/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thới Bình.

+ Bà Trần Thị Hải Yến không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại cho bà Y 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0011389 ngày l7/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thới Bình.

+ Bà Trần Thị M không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại cho bà M 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0011390 ngày l7/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thới Bình.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền phải thi hành án, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

316
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2021/DS-PT ngày 20/01/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:23/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về