Bản án 23/2020/DS-PT ngày 25/12/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 23/2020/DS-PT NGÀY 25/12/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 25 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 29/2020/TLPT-DS ngày 02 tháng 11 năm 2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 17/09/2020 của Toà án nhân dân thị xã Ba Đồn bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1913/2020/QĐ-PT ngày 08 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Hoàng Minh Đ, sinh năm 1975 Bà Hoàng Thị Thu H, sinh năm 1976 Địa chỉ: Thôn TML, xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình Bà Hoàng Thị Thu H ủy quyền cho ông Hoàng Minh Đ, ông Đ có mặt tại phiên toà, bà H vắng mặt.

2. Bị đơn: Ông Hoàng S, sinh năm 1953 Địa chỉ: Thôn TML, xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Q Địa chỉ: Tổ dân phố T, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Ngọc D; Chức vụ: Giám đốc ban quản lý rừng phòng hộ huyện Q.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tiến H; Chức vụ: Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Q. Theo văn bản quyền quyền số 99/2020/UQ-GĐ ngày 10/5/2020, có đơn đề nghị xử vắng mặt.

- Người làm chứng: Ông Hoàng Minh T, sinh năm 1964 Địa chỉ: Thôn TML, xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Phía nguyên đơn ông Hoàng Minh Đ trình bày: Năm 2014, theo quyết định trồng rừng phòng hộ sản xuất của huyện Q, UBND xã Q tiến hành cho nhân dân đăng ký làm đơn trồng rừng. Trong dự án có 10 hộ gia đình được UBND xã Q ký duyệt (Niêm yết công khai). Diện tích đất rừng mà gia đình ông được giao là 5ha tại tiểu khu 212B – khoảnh 2 – lô D. Trong thời gian chờ đo đạc, phê duyệt, gia đình ông vì lý do ốm đau phải đi viện nên không trồng rừng kịp tiến độ. Vì vậy, ông đã nhờ ông Hoàng Minh T kêu gọi người trồng rừng giúp 01 vụ (4 năm) để đảm bảo tiến độ. Sau khi ông T kêu gọi thì ông S đã đứng ra trồng rừng trên diện tích đất của gia đình ông. Tuy nhiên, khi đó chỉ nói bằng miệng chứ không có văn bản gì. Hết thời hạn 04 năm khi đã thu hoạch cây nhưng ông S không trả lại đất nên gia đình ông đã làm đơn đề nghị UBND xã Q giải quyết nhiều lần nhưng không giải quyết được. Nay gia đình ông khởi kiện tại Toà án đề nghị ông S thu hoạch cây trên đất và trả lại diện tích đất rừng 5 ha tại tiểu khu 212B - khoảnh 2 - lô D cho gia đình ông theo như Hợp đồng trồng rừng giữa gia đình ông và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch.

Bị đơn ông Hoàng S trình bày: Khoảng giữa năm 2014, ông được ông Hoàng Minh T mời đi khảo sát rừng. Cây bị bão năm 2013 làm đổ nên nhiều người dân không dám trồng rừng. Vì vậy, ông nói với ông T là nếu không ai làm thì ông làm. Sau đó ông T vận động được 07 người tham gia trồng rừng, mỗi người 01 lô, còn ông 04 lô. Tổng diện tích đất ông được giao là 16 ha. Quá trình trồng cây, ông chỉ biết đây là trồng đất rừng dự án, không biết việc có Hợp đồng. Đến năm 2018, UBND xã Q họp đền bù cây do bão năm 2016 thì ông mới biết có 10 Hợp đồng trồng rừng (trong đó có 01 Hợp đồng của ông với diện tích là 05 ha). Việc ông trồng rừng là theo đề nghị của ông Hoàng Minh T và Ban quản lý rừng phòng hộ. Tuy nhiên, khi giao đất trồng rừng thì không có giấy tờ, văn bản bàn giao đất. Nay ông Đ, bà H khởi kiện yêu cầu ông thu hoạch tài sản trên đất và trả lại đất trồng rừng thì ông không đồng ý và đề nghị Toà án giải quyết theo quy định pháp luật.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Q trình bày: Năm 2014, được UBND tỉnh Quảng Bình giao kế hoạch hỗ trợ trồng rừng sản xuất, BQL rừng phòng hộ đã làm việc với UBND thị xã B, phòng kinh tế đã gửi công văn thông báo cho các địa phương có người dân có nhu cầu trồng rừng phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao thu nhập thì đăng ký. Tại xã Q đăng ký tham gia trồng rừng với diện tích 40 ha. Sau đó BQL rừng phòng hộ làm việc với UBND xã Q và thống nhất hỗ trợ dự án trồng rừng sản xuất cho người dân địa phương. Sau khi hoàn thành trình UBND thị xã B phê duyệt đã ban hành Quyết định số 1343/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán hỗ trợ trồng rừng sản xuất, nguồn vốn chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững năm 2014. Tại xã Q có 10 hộ đăng ký tham gia trồng rừng được gửi lên và phê duyệt. Trong đó hộ ông Hoàng Minh Đ được giao đất tại tiểu khu 212B, khoảnh 2, lô D, diện tích 5,0 ha; hộ ông Hoàng S được giao đất tại tiểu khu 212B, khoảnh 2, lô H, diện tích 5,0 ha. Nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ là 2.250.000đ/ha bao gồm cây giống, phân bón và một phần chi phí nhân công, còn lại hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn để trồng rừng. Việc giao đất để trồng rừng là thuộc thẩm quyền của UBND xã, do xã quản lý còn QBL rừng phòng hộ chỉ là đơn vị có nhiệm vụ xây dựng hồ sơ, lập dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, khảo sát, kiểm tra hiện trường, thiết kế diện tích trồng rừng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rừng, cung cấp cây giống và phân bón đến hộ gia đình địa điểm tại UBND xã; phối hợp với UBND xã kiểm tra, nghiệm thu kết quả trồng rừng và đánh giá chất lượng rừng trồng chứ không thực hiện việc giao đất cho ông S. Theo danh sách đăng ký và Quyết định số 1343/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 thì ông S chỉ được xã giao 01 lô đất để trồng rừng và chỉ đăng ký, ký kết hợp đồng với 01 lô đất tại tiểu khu 212B, khoảnh 2, lô H, diện tích 5,0 ha với BQL rừng phòng hộ. Việc ông S cho rằng Hợp đồng ký kết giữa BQL rừng phòng hộ và hộ ông Đ không chính xác là không đúng. Vì Hợp đồng ký kết giữa BQL rừng phòng hộ với các hộ gia đình trồng rừng được lập theo mẫu của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015; Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg quy định.

Đối với việc ông S có trồng rừng trên phần diện tích được giao cho hộ ông Đ hay không thì QBL rừng phòng hộ không biết.

Người làm chứng ông Hoàng Minh T trình bày: Ông cùng với ông Đ, ông S là những người thuộc nhóm trồng rừng. Thời điểm năm 2014, sau khi đăng ký trồng rừng do hộ ông Đ không tiến hành trồng rừng được nên những người trong nhóm trồng rừng có bàn bạc, kêu gọi giúp đỡ nhau trồng rừng 01 vụ (04 năm). Sau đó, khi nghe tin thì ông S tự mình trồng rừng chứ ông không trực tiếp nhờ vả gì ông S trồng rừng hộ.

Quá trình giải quyết vụ án, mặc dù hai bên đương sự không yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nhưng thấy cần thiết phải xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nên ngày 31/7/2020, Toà án đã tiến hành xem xét, thẩm định đối với diện tích đất rừng đang tranh chấp tại tiểu khu 212B - khoảnh 2 - lô D tại thôn NML, xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình. Kết quả đo đạc, thẩm định xác định hiện trạng thửa đất có tổng diện tích 5,0 ha, trên phần diện tích đã nêu trên có trồng cây keo trên 01 năm tuổi. Số lượng cây các đương sự thống nhất tính theo quy chuẩn do Nhà nước quy định. Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản ngày 10/9/2020 xác định cây keo tính theo quy chuẩn có tổng giá trị là 216.394.043 đồng (Hai trăm sáu mươi triệu ba trăm chín mươi tư nghìn không trăm bốn mươi ba đồng).

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 17/9/2020 của Tòa án nhân dân thị xã Ba Đồn đã quyết định:

1. Xét xử vắng mặt đại diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Tiến H.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Minh Đ và bà Hoàng Thị Thu H đối với ông Hoàng S. Buộc ông Hoàng S chậm nhất đến hết tháng 12/2022 phải trả lại diện tích đất rừng 5,0 ha tại tiểu khu 212B - khoảnh 2 - lô D tại thôn NML, xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình cho ông Hoàng Minh Đ và bà Hoàng Thị Thu H.

Giao cho ông Hoàng S tiếp tục chăm sóc quản lý phần cây trồng trên diện tích đất rừng 5,0 ha tại tiểu khu 212B - khoảnh 2 - lô D tại thôn NML, xã Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình cho đến khi toàn bộ số cây được thu hoạch.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, chi phi xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 02/10/2020 bị đơn ông Hoàng S có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xác định tính hợp pháp của Hợp đồng trồng rừng; Hợp đồng trồng rừng có giá trị pháp lý xác nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn hay không; Việc bị đơn trồng rừng trên phần đất hiện tại đang tranh chấp là đúng hay sai.

Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên kháng cáo và cho rằng hợp đồng ký kết giữa BQL rừng phòng hộ Q và ông Hoàng Minh Đ không thực hiện nên không có hiệu lực, ông Đ không có các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo luật đất đai; gia đình ông S được cán bộ Ban quản lý dự án giao 16ha đất, không liên quan gì đến gia đình ông Đ nên ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình phát biểu quan điểm:

+ Về tố tụng: Trong quá trình tiến hành tố tụng, giải quyết vụ án người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự.

+ Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân thị xã Ba Đồn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định: [1]. Về tố tụng: Thẩm quyền giải quyết, người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, giải quyết, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo về việc ông S về đánh giá tính pháp lý của hợp đồng trồng rừng giữa ông Đ và BQL rừng phòng hộ huyện Q xem xét việc ông trồng rừng trên phần đất tranh chấp đúng hay sai, Hội đồng xét xử thấy rằng: Năm 2014, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Q ký hợp đồng trồng rừng phòng hộ với 10 hộ dân xã Q, trong đó có hộ ông Đ, ông S. BQL rừng phòng hộ Q và gia đình ông Hoàng Minh Đ kí hợp đồng trồng rừng số 08/2014/HĐ TrR ngày 02/11/2014. Theo nội dung hợp đồng, ông Đ được giao 5 ha để trồng rừng tại tiểu khu 212B - khoảnh 2 - lô D tại thôn NML, xã Q, được hỗ trợ cây giống, phân bón và tiền công trồng. Hợp đồng được lập theo mẫu của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Hợp đồng thì bên A (BQL rừng phòng hộ) sẽ có trách nhiệm kết hợp với các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy Hợp đồng trồng rừng xác nhận việc sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông S cho rằng, do ông Đ không trồng cây nên hợp đồng không có hiệu lực thực hiện. Hợp đồng có hiệu lực hay không là quan hệ giữa các bên trong hợp đồng. Phía Ban quản lý rừng phòng hộ chỉ cần biết đất đã giao theo hợp đồng có trồng cây hay không, không buộc phải biết ai là người đã trồng cây trên đất. Tại thời điểm đó, một số hộ gia đình vì lý do cá nhân đã không thực hiện trồng rừng theo đúng tiến độ nên thông qua ông T trưởng thôn để vận đồng các hộ dân khác trồng giúp một vụ (bốn năm). Theo đó, ông S đã trồng rừng trên đất của một số hộ (vì ông S chỉ hợp đồng với BQL rừng phòng hộ trồng 5 ha tại 212B - khoảnh 2 – lô H thôn NML, xã Q) trong đó có hộ ông Hoàng Minh Đ. Việc ông S trồng cây trên đất ông Đ được giao chính là thực hiện công việc không có uỷ quyền theo quy định tại Điều 574 Bộ luật Dân sự. Và theo Điều 576 BLDS thì ông S được thanh toán khoản thù lao khi thực hiện việc trồng rừng giúp. Trên thực tế thì ông S được nhận hỗ trợ cây giống, phân bón, nhân công và đã được khai thác cây trồng trên đất một vụ (đang chuẩn bị khai thác vụ thứ hai). Quá trình giải quyết vụ án ông S không có yêu cầu thêm chi phí do thực hiện công việc không có uỷ quyền nên không có căn cứ để toà án xem xét. Ông S cho rằng ông được cán bộ BQL dự án giao 16 ha rừng để trồng nhưng không xuất trình được chứng cứ về việc được giao 16 ha đất. Ông còn trình bày việc ông không biết có hợp đồng trồng rừng giữa ông với BQL rừng phòng hộ là không đúng vì theo chứng cứ do BQL rừng phòng hộ xuất trình thì ông có ký hợp đồng trồng rừng 5ha với BQL rừng phòng hộ và tại phiên toà phúc thẩm ông đã xác nhận chữ ký của ông tại hợp đồng. Việc ông S sử dụng đất ông Đ được giao là không có căn cứ pháp luật nên phải trả lại đất cho ông Đ. Bản án sơ thẩm giải quyết buộc ông S thu hoạch cây trên đất và trả lại đất cho ông Đ (chậm nhất đến tháng 12 năm 2022) là đúng theo Điều 579 Bộ luật Dân sự. Vì vậy, kháng cáo của ông S không có căn cứ chấp nhận.

[3]. Về án phí: Kháng cáo của ông Hoàng S không được chấp nhận nên ông phải chịu án phí phúc thẩm. Tuy nhiên ông S thuộc đối tượng người cao tuổi nên miễn án phí phúc thẩm cho ông Hoàng S.

[4]. Các nội dung khác không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 228, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 158, khoản 1 Điều 165, Điều 166, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 170, điểm a khoản 2 Điều 59, khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai; Điều 165, Điều 166, Điều 189, khoản 4 Điều 275, Điều 574, khoản 1 Điều 579 và khoản 1 Điều 580 của Bộ luật Dân sự; điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng S, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 17/9/2020 của Tòa án nhân dân thị xã Ba Đồn.

2. Về án phí: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Hoàng S, ông Hoàng S được nhận lại 300.000 đồng đã nộp tạm ứng tại biên lai tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0006949 ngày 02/10/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Ba Đồn.

3. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (25/12/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

371
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2020/DS-PT ngày 25/12/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:23/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về