Bản án 23/2019/HS-PT ngày 27/03/2019 về tội cướp giật tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 23/2019/HS-PT NGÀY 27/03/2019 VỀ TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 17/2019/TLPT-HS ngày 20-02-2019 đối với bị cáo Tài Thanh T; do kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt đối với bản án hình sự sơ thẩm 02/2019/HS-ST ngày 08-01-2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Bị cáo bị kháng nghị:

Họ và tên: Tài Thanh T; Sinh năm 1991 tại tỉnh Ninh Thuận; Nơi ĐKHKTT: Thôn PN 1, xã XH, huyện NH, tỉnh Ninh Thuận; Nơi cư trú (nhà trọ): 36 NVT, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 7/12; Dân tộc: Chăm; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Bà Ni (nhánh của Hồi giáo); Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Tài X, sinh năm 1958; Con bà Dương Thị Đ, sinh năm 1960; hiện đều cư trú: Thôn PN 1, xã XH, huyện NH, tỉnh Ninh Thuận; Vợ Miễu Thị Hoàng O, sinh năm 1996, có 01 con, sinh năm 2015; hiện cư trú (nhà trọ): 36 NVT, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng.

Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt ngày 17-10-2018; Hiện bị cáo bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; Có mặt.

Trong vụ án này, bị hại bà Đàm Thị T không kháng cáo; không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, hành vi bị cáo bị truy tố, xét xử được tóm tắt như sau:

Khoảng 05 giờ 30 phút ngày 14-10-2018, bị cáo T điều khiển xe mô tô hiệu Guangta, biển số 49V6-7785 đến Khu HB, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng để tìm khách đi xe thồ. Khi đến tiệm bánh Cối Xay Gió, bị cáo Tiến thấy chị Đàm Thị T đang chụp hình bằng điện thoại di động nên nảy sinh ý định cướp giật chiếc điện thoại của chị Thu để bán lấy tiền tiêu xài. Bị cáo T điều khiển xe đến cách chị T khoảng 05 đến 06 mét và khi thấy chị T cầm điện thoại đưa lên chụp ảnh, bị cáo T nhanh chóng điều khiển xe chạy đến trước mặt chị T, dùng tay phải giật lấy điện thoại của chị T rồi chạy xe về hướng đường Hai Bà Trưng, sau đó chạy về nhà trọ, đưa cho vợ là chị O cất giữ, bị cáo T nói với vợ rằng “điện thoại bị cáo nhặt được”. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, bị cáo T chở chị O mang chiếc điện thoại mà Tiến cướp giật được lúc sáng đến tiệm điện thoại Duy Bích tại số 12 NCT, phường T, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng bán cho anh Diệp Đoàn Anh D là chủ tiệm được 2.700.000đ, bị cáo T đưa cho chị Hoàng O 1.300.000đ, số tiền còn lại bị cáo T tiêu xài cá nhân hết.

Về tang vật thu giữ 01 điện thoại di động hiệu Iphone 7 plus. Tại Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Đà Lạt ngày 24-10-2018 kết luận “Tài sản 01 điện thoại di động hiệu Iphone 7 plus” trị giá 15.741.250đ. Cơ quan điều tra đã xử lý vật chứng trả lại cho bị hại chị T (anh Thành là người được ủy quyền nhận); chị O đã trả lại số tiền 2.700.000đ cho anh D. Nay anh D không có yêu cầu bồi thường gì thêm.

Tại bản án số 02/2019/HS-ST ngày 08-01-2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tuyên bố bị cáo Tài Thanh T phạm tội “Cướp giật tài sản”.

Áp dụng khoản 1 điều 171; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi chung Bộ luật hình sự năm 2015), xử phạt bị cáo Tài Thanh T 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17-10-2018.

Ngoài ra, bản án còn giải quyết về vật chứng, án phí; tuyên quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

- Tại Quyết định số 01/QĐ-VKS ngày 21-01-2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm; bị cáo khai nhận hành vi cướp giật tài sản như bản án sơ thẩm quy kết, không thắc mắc khiếu nại gì bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng giữ nguyên kháng nghị và đề nghị căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt, sửa bản án sơ thẩm; tuyên bố bị cáo T phạm tội “Cướp giật tài sản”, áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171 của Bộ luật hình sự năm 2015; phạt bị cáo từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Khoảng 05 giờ 30 phút ngày 14-10-2018, bị cáo T điều khiển xe mô tô hiệu Guangta, biển số 49V6-7785 đến Khu HB, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng để tìm khách đi xe thồ. Khi đến tiệm bánh Cối Xay Gió, bị cáo T thấy bị hại chị T đứng ở đường và đang chụp hình bằng điện thoại di động nên bị cáo nảy sinh ý định cướp giật chiếc điện thoại của chị T. Khi bị hại chị T cầm điện thoại đưa lên chụp ảnh thì bị cáo thực hiện hành vi cướp giật chiếc điện thoại của chị T. Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ; gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Cấp sơ thẩm đánh giá toàn diện chứng cứ, đối chiếu lời khai của bị cáo, lời khai bị hại, vật chứng thu giữ, tuyên bố bị cáo T phạm tội “Cướp giật tài sản” là có căn cứ.

[2]. Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đối chiếu với tài liệu chứng cứ thể hiện: Với tình tiết khách quan của vụ án, khi chị T đang đứng ở đường cầm điện thoại đưa lên chụp ảnh thì bị cáo T thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô áp sát cướp giật điện thoại của chị Thu.

Theo hướng dẫn tiểu mục 5.3 mục 5 phần I Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về áp dụng điểm d khoản 2 Điều 136 của Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng điểm d khoản 2 Điều 171 của Bộ luật hình sự năm 2015) quy định: "Dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác như “dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản"; “cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy...”. Cần chú ý là trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì phải áp dụng cả hai tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điểm d và h khoản 2 Điều 136 của Bộ luật hình sự”.

Như vậy, người phạm tội “dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản” hoặc trường hợp người phạm tội “cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy...”, là thuộc trường hợp bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung theo điểm d khoản 2 Điều 171 của Bộ luật hình sự năm 2015. Tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng tình tiết tăng nặng định khung này, nên kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ. Tuy nhiên, Quyết định kháng nghị chỉ đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo; không kháng nghị tăng hình phạt, nên cấp phúc thẩm không được tăng hình phạt đối với bị cáo; mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát đề nghị tăng hình phạt.

Mặt khác, bị cáo được hưởng một tình tiết giảm nhẹ quy định khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015; một tình tiết giảm nhẹ quy định khoản 2 của Bộ luật hình sự năm 2015 để quyết định mức hình phạt đối với bị cáo 02 năm tù. Do vậy, nếu chấp nhận kháng nghị áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171 của Bộ luật hình sự năm 2015 để quyết định hình phạt 02 năm tù đối với bị cáo là trái quy định khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015. Do vậy, không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt; giữ nguyên bản án sơ thẩm; đồng thời kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm này theo thủ tục chung.

[3] Về án phí phúc thẩm: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt; giữ nguyên bản án sơ thẩm. Xử:

1. Tuyên bố bị cáo Tài Thanh T phạm tội “Cướp giật tài sản". Áp dụng khoản 1 điều 171; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Tài Thanh T 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 17-10-2018.

2. Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án số 02/2019/HS-ST ngày 08-01-2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và bản án phúc thẩm này theo thủ tục chung.

3. Về án phí: Áp dụng Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí tòa án. Bị cáo Tài Thanh T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

346
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2019/HS-PT ngày 27/03/2019 về tội cướp giật tài sản

Số hiệu:23/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về