TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 23/2019/HS-PT NGÀY 07/03/2019 VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN
Trong các ngày 06 và 07 tháng 03 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 189/2018/TLPT-HS ngày 22/11/2018 đối với bị cáo Nguyễn Thị A và các đồng phạm khác do có kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị A, Nguyễn Quốc B và Nguyễn Hoàng C đối với bản án hình sự sơ thẩm số 46/20178/HSST ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Khánh Hòa.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1) Nguyễn Thị A, sinh năm 1967 tại L Yên; nơi ĐKNKTT: Tổ dân phố A1, thị trấn A2, huyện A3, tỉnh Khánh Hòa; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ văn hóa: 9/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn A4 (chết) và bà Võ ThịE A5 (sinh năm 1943); chồng: Trần A6 (sinh năm 1962); có 02 con, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 1996; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú, tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.
2) Nguyễn Quốc B, sinh năm 1987 tại Khánh Hòa; nơi ĐKNKTT: Tổ dân phố B1, thị trấn A2, huyện A3, tỉnh Khánh Hòa; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Viết B2 (sinh năm 1954) và bà Mai Thị B3 (sinh năm 1954); tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2018/HS-ST ngày 24/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện A3 xử phạt bị cáo 01 năm 09 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/6/2017. Có mặt tại phiên tòa.
3) Nguyễn Hoàng C (tên gọi khác: C C4 Trúc), sinh năm 1986 tại Khánh Hòa; nơi ĐKNKTT: Thôn C1, xã C2, thành phố C3, tỉnh Khánh Hòa; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 7/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Văn C4 (sinh năm 1958) và bà Hoàng Thị C5 (sinh năm 1962); vợ: Trần Thị C6 (sinh năm 1992); có 02 con, con lớn sinh năm 2010, con nhỏ sinh năm 2014; tiền sự: Không; Tiền án: Bản án số 67/2015/HSPT ngày 11/6/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử phạt 03 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 27/4/2017.
Nhân thân:
+ Bản án số 81/2007/HSST ngày 19/4/2007 của Tòa án nhân dân thị xã C3 xử phạt 15 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Chấp hành xong hình phạt ngày 02/02/2008;
+ Ngày 04/4/2011 bị đưa vào cơ sở giáo dục theo Quyết định số 288/QĐ- UB ngày 19/01/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Chấp hành xong ngày 04/02/2013.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/6/2017. Có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa cho các bị cáo: Luật sư Lê Văn Đ - Văn phòng Luật sư Lê Văn Đ và cộng sự, thuộc đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị A và bị cáo Nguyễn Quốc B. Có mặt tại phiên tòa. Luật sư Hoàng Bá E - Văn Phòng luật sư E1, thuộc đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị A. Có mặt tại phiên tòa.
- Người bị hại: Ông Đào Đức G, sinh năm 1964; cư trú: Khu phố 5A, phường G1, thành phố G2, tỉnh Đồng Nai. Có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bà Nguyễn Thị H trú tại huyện H1, tỉnh Đồng Tháp có quan hệ làm ăn và nợ Nguyễn Thị A 16.000.000 đồng. Khoảng 10 giờ ngày 25/6/2017, A cùng chồng là Trần A6 trên đường đi từ A3 đến D thì thấy ông Đào Đức G (ông G là người sống như vợ chồng với bà H) đang ngồi trước nhà ông Nguyễn Văn I (tại tổ dân phố I1, thị trấn D). Do đã nhiều lần vào tỉnh Đồng Nai gặp bà H, ông G đòi nợ không được nên khi thấy ông G, A đã gọi điện cho chị là Nguyễn Thị Mỹ K và Nguyễn Quốc B ra D đồi nợ ông G giúp. B đồng ý và rủ Nguyễn Hoàng C, Nguyễn Trọng L cùng đi. C và L đều đồng ý. C thuê xe ô tô biển kiểm soát 79A-072.69 của Trần Thiên M với giá 500.000 đồng chở B, C, L ra thị trấn D. Khi đi, B cầm theo 01 roi điện, đến nhà của Nguyễn Ngọc N (bạn của B) ở thị trấn A2, B nói xe dừng lại và nói L đi lấy hung khí gồm 01 con dao, 01 mã tấu được quấn vải bỏ trong bao đem ra xe để dưới sàn xe. Xe đến khu vực cây xăng A7 (thuộc A3) thì A nhờ B đón K cùng đi.
Khi đến D thì B, C, L gặp A tại một quán nước. A nói: “có người nợ tiền chị 16.000.000 đồng nhưng không trả, bây giờ chị ra đòi tiền, nếu có xô xát thì mấy em can thiệp và hù dọa để họ sợ trả tiền giúp chị”. Cả ba đồng ý. A dẫn cả nhóm đến nhà ông I để gặp ông G. Khi đến nơi, A vào đòi tiền ông G, hai bên cải vã và bị ông I đuổi ra ngoài. Thấy vậy, B, C và L xuống xe, anh M vẫn ngồi trong xe. A nói với B “đưa ông này ra ngoài nói chuyện”. B hiểu ý A nên nói C và L bắt ông G ra ngoài. B đến kẹp tay ông G đưa ra ngoài, ông G không chịu đi nên B dùng roi điện chích vào hông trái ông G và lôi ông G ra, đẩy lên xe, C cầm mã tấu mở cửa xe, L cầm dao đứng bên cạnh để hỗ trợ. Sau khi bắt ông G lên xe, B yêu cầu anh M lái xe vào hướng A3. Trên đường đi, B vừa bấm roi điện, vừa đe dọa buộc ông G phải trả 16.000.000 đồng cho A. Ông G sợ nên lấy tiền đưa cho C đếm, B nói lấy thêm 6.000.000 đồng tiền xe và tiền nước, tổng cộng là 22.000.000 đồng. Do sợ nguy hiểm đến tính mạng nên ông G lấy tiền đưa cho C, C lấy 22.000.000 đồng rồi nói ông G sao nợ tiền người ta không trả và dùng cùi chỏ đánh vào miệng ông G. Sau khi lấy được tiền thì nhóm của B thả ông G xuống tại khu vực xã D1, huyện D và đi về huyện C3. C trả 500.000 đồng tiền thuê xe, còn lại đưa hết cho B. B lấy tiền dẫn C và L đi ăn uống, số còn lại B cất giữ, sau đó đưa cho A 7.500.000 đồng. Cơ quan điều tra khám xét nơi ở của B thu giữ 8.100.000 đồng.
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện D, Nguyễn Thị A, Nguyễn Quốc B, Nguyễn Hoàng C và Nguyễn Trọng L đã khai nhận hành vi phạm tội. Bản án hình sự sơ thẩm số 46/2018/HSST ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện D đã quyết định:
- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Thị A và bị cáo Nguyễn Quốc B; áp dụng thêm Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Thị A; xử phạt bị cáo Nguyễn Thị A 06 (sáu) năm tù; xử phạt Nguyễn Quốc B 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù về tội "Cướp tài sản".
- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Hoàng C; xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng C 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù về tội "Cướp tài sản".
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng L 05 (năm) năm tù về tội "Cướp tài sản"; xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 18/10/2018 bị cáo Nguyễn Quốc B kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 19 tháng 10 năm 2018, bị cáo Nguyễn Thị A kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm, bị cáo không thực hiện hành vi cướp tài sản.
Ngày 25/10/2018 bị cáo Nguyễn Hoàng C kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
* Tại phiên tòa, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Bị cáo A trình bày: Bị cáo chỉ có ý thức đi đòi nợ, không có ý thức đi cướp tài sản, bị cáo không hiểu biết pháp luật, nên mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo.
Bị cáo B trình bày: Trong vụ án này bị cáo làm bị cáo chịu, chị A không biết gì. Do bị cáo hành động sai trái nên kéo theo chị A liên lụy, mong Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho chị A.
Bị cáo C: Mong tòa xem xét giảm nhẹ án cho chị A.
Người bị hại: Bị cáo A không phải là tổ chức cướp tài sản, sự việc này xảy ra là do bị cáo A nhìn nhận nhầm sự việc hiểu lầm tôi là chồng bà H; bị cáo C và bị cáo B còn trẻ nên hành động nông nổi, nên đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
* Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa: Cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò và nhân thân của các bị cáo; đã xử phạt bị cáo Nguyễn Quốc B và bị cáo Nguyễn Hoàng C mức án 07 năm 06 tháng tù, bị cáo Nguyễn Thị A 06 năm tù là thỏa đáng. Đối với bị cáo C, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có cung cấp tài liệu thể hiện ông bà nội của bị cáo có công với đất nước, tình tiết giảm nhẹ này quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, nhưng cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều khoản này khi xét xử đối với bị cáo C. Ngoài ra, xét thấy không phát sinh tình tết nào khác nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
* Ý kiến của người bào chữa:
+ Luật sư Hoàng Bá E: Tuy nói bị cáo là kẻ chủ mưu trong vụ án có đồng phạm nhưng bị cáo chỉ có hành vi gọi điện thoại cho bị cáo B, chứ không có sự bàn bạc việc đi đòi nợ. Qua quá trình thẩm vấn tại Tòa cho thấy không có việc bị cáo A bảo bị cáo B đi hù dọa hay mang hung khí để đòi nợ. Việc đi thuê xe, rủ thêm người và chuẩn bị hung khí là do bị cáo B tự hành động, không có sự bàn bạc, trao đổi với bị cáo A, nên bị cáo B phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Bị cáo A nói ông G ra ngoài đường là để nói chuyện, chứ không phải nói đánh, sự việc diễn ra rất nhanh nên bị cáo A không kịp xử lý. Không thể cho rằng hù dọa là phải dùng hung khí để đánh, hành vi “hù” chưa đủ mạnh để cấu thành tội “Cướp tài sản”. Vì vậy, hành vi của bị cáo A không cấu thành tội “Cướp tài sản”, không có vai trò chủ mưu của bị cáo trong vụ án này.
Nếu hành vi của bị cáo có tội, bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, nên có thể áp dụng khung hình phạt liền kề để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ở đây phải xem xét đến cường độ đe dọa, không gian, thời gian đe dọa, việc dùng vũ lực giữa bị cáo và người bị hại, (các bị cáo chỉ dùng lời nói là chính). Do vậy, luật sư nghiêng về tội “Cưỡng đoạt tài sản” chứ không phải là tội “Cướp tài sản”.
+ Luật sư Lê Văn Đ trình bày: Trong vụ án này việc chuyển hóa tội phạm từ quan hệ dân sự sang tội phạm hình sự là rất mờ nhạt, nhất là vai trò chủ mưu cầm đầu của bị cáo A. Tính chất tội phạm không có sự liên kết, liên tục; không có cơ sở để nhận thức hành vi phạm tội của bị cáo B và bị cáo C vì không có sự thỏa thuận, bàn bạc trong vụ án; không có sự thống nhất ý chí thực hiện tội phạm từ người chủ mưu đến người thực hành. Ý thức chủ quan ngay từ đầu của bị cáo A không có, nên không có vai trò của kẻ chủ mưu mà chỉ có việc đòi nợ. Do đó, việc cấp sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội và là kẻ chủ mưu là không đúng với bản chất sự việc. Nếu là cướp thì hành vi đe dọa phải liên tục, ngay tức khắc. Bản tự khai bị cáo viết hoàn toàn giống nhau về từ ngữ (bị cáo cho rằng điều tra viên đọc cho bị cáo viết) cần phải xem xét. Như vậy, việc kết tội bị cáo A chưa đủ cơ sở, đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng, kháng cáo của các bị cáo trong thời hạn luật định nên có cơ sở xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Về nội dung:
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Quốc B và Nguyễn Hoàng C vẫn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, việc khai báo của hai bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm còn quanh co, phủ nhận vai trò khởi xướng, tham gia hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thị A.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo B và bị cáo A cho rằng: Bị cáo A gọi điện thoại cho bị cáo B là để nhờ B đi lấy giúp tiền nợ, nếu có xảy ra cãi vã thì nhờ B can thiệp giùm, chứ không có việc bị cáo A nói bị cáo B đi hù dọa để ông G sợ mà trả tiền cho bị cáo.
Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm đã chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo. Khi bị cáo A gọi điện thoại cho bị cáo B và khi vào quán nước ven đường, bị cáo A đều nói cùng một nội dung với bị cáo B, tại các bản tự khai bị cáo viết: “Khi vào quán nước có tôi, chị K, chồng tôi, B và hai thanh niên lạ mặt… tôi nói với B: Có ông ở chợ G1, Đồng Nai nợ cô 16 triệu đồng, cô đã vào đòi nhiều lần nhưng ổng không chịu trả còn hăm dọa đánh cô, giờ cô và cô K đi ra gặp ổng đòi nợ, tụi con đứng ngoài nếu ông ta có giằng co, xô xát thì tụi con vào hù dọa giúp cô để ổng sợ trả tiền nợ cho cô, thì B đồng ý, còn những người khác không nói gì…”(BL 259). Đồng thời, khi bị cáo A và ông G cãi vã qua lại nên bị ông I chủ vựa xoài đuổi ra ngoài, lúc này bị cáo A bước ra ngoài nhìn vào trong vựa xoài và chứng kiến toàn bộ sự việc “… tôi thấy B đi lại sát ông G dùng tay nắm tay trái ông G kéo ra nhưng ông G giằng lại, lúc này hai thanh niên lạ mặt đi cùng với B từ A2 ra đi vào chỗ ông G và B, tôi thấy trên tay mỗi người cầm theo một con dao dài bằng sắt, khi đến sát ông G thì họ cầm dao nhá lên trên đầu, tôi nghe ông G nói để tôi trả, rồi tôi thấy B lấy trong người ra một vật màu đen giống như chiếc điện thoại dí vào sát người ông G ở vùng cổ, tôi thấy vật B cầm có nhá đèn màu đỏ và nghe ông G la á á. Lúc này hai thanh niên đến nắm hai tay của ông G và kéo ra ngoài, còn B thì đi theo sau” (BL260).
Mặt khác, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy lời khai của các bị cáo B, C và L đều khai phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án và phù hợp với lời khai của bị cáo A trong quá trình điều tra (BL 410, trang 4, 8 bút ký phiên tòa).
Như vậy, tuy bị cáo A không thừa nhận việc nói bị cáo B và các bị cáo khác đi lấy tiền nợ bằng cách hù dọa, không bàn bạc, không bảo các bị cáo lôi ông G ra ngoài, không chứng kiến hành vi dùng hung khí uy hiếp ông G để lôi lên xe taxi, nhưng với những chứng cứ như đã nêu trên và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định:
Trong quan hệ làm ăn mua bán, bà Nguyễn Thị H có nợ của bị cáo Nguyễn Thị A số tiền 16.000.000 đồng. bị cáo A đã nhiều lần vào Đồng Nai gặp bà H đòi nợ nhưng không được, nên sáng ngày 25/6/2017, khi nhìn thấy ông G (bị cáo A cho rằng ông G là chồng của bà H), nên bị cáo A đã gọi điện thoại cho bị cáo Nguyễn Quốc B và nhờ B ra D can thiệp, hù dọa để ông G sợ trả tiền cho bị cáo A. Sau đó, bị cáo B đã rủ bị cáo Nguyễn Hoàng C, Nguyễn Trọng L đi cùng và mang theo hung khí là 01 cây roi điện và 2 cây mã tấu. Khi đến nơi, trong lúc bị cáo A đòi tiền và cãi vã với ông G thì bị cáo B, C và L xuống xe, bị cáo A nói với bị cáo B “đưa ông này ra ngoài”, ông G không chịu đi nên B đến kẹp tay ông G đưa ra ngoài và dùng roi điện chích vào hông trái, lôi và đẩy ông G lên xe ô tô, còn C và L cầm mã tấu đứng ngay gần bên giơ lên. Sau khi bắt ông G lên xe, B vừa bấm roi điện, vừa đe dọa buộc ông G phải đưa 16.000.000 đồng tiền nợ và 6.000.000 đồng tiền xe, tiền nước, ông G sợ nên lấy tiền đưa cho C tất cả là 22.000.000 đồng.
Như vậy, việc các bị cáo dùng hung khí nguy hiểm để khống chế, lôi, kéo người bị hại lên xe taxi để chiếm đoạt tài sản của họ là hành vi“dùng thủ đoạn nguy hiểm”để chiếm đoạt tài sản; trên đường đi các bị cáo lại tiếp tục khống chế, đe dọa người bị hại, bị cáo B vừa có lời nói đe dọa, vừa có hành động cầm roi điện bấm, bị cáo C và L cầm dao lên xe. Điều này cho thấy nếu người bị hại kháng cự hoặc không đưa tiền thì các bị cáo sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc. Thực tế, người bị hại do hoảng sợ nên đã phải đưa tiền cho các bị cáo, đây chính là dấu hiệu của hành vi cướp tài sản được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999; không phải các bị cáo chỉ có lời nói “đe dọa sẽ dùng vũ lực” là dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” như lời bào chữa của Luật sư E. Vì vậy, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cướp tài sản” theo điều khoản như trên là có căn cứ và đúng pháp luật.
[3] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ngang nhiên, manh động thực hiện hành vi trái pháp luật, chiếm đoạt tài sản ngay giữa ban ngày tại khu vực đông dân cư. Hành vi của các bị cáo không những xâm phạm quyền sở hữu của công dân, mà còn xâm phạm sức khỏe, an toàn trật tự công cộng, gây tâm lý bất an và lo sợ trong nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, nên cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, cải tạo các bị cáo về ý thức tuân thủ pháp luật, đồng thời răn đe các hành vi tương tự khác trong xã hội.
[4] Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:
4.1 Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị A cho rằng bị cáo không phạm tội: Hội đồng xét xử thấy rằng:
Do không lấy được tiền nợ, nên bị cáo A đã nhờ bị cáo B đi lấy tiền bằng cách hù dọa để người nợ tiền sợ mà trả tiền. Mặc dù, tại phiên tòa bị cáo không thừa nhận việc bị cáo nói bị cáo B đưa ông G ra ngoài và hù dọa cho ông G sợ để lấy tiền. Nhưng quá trình điều tra đã chứng minh: Có việc bị cáo A nhờ bị cáo B hù dọa để ông G sợ mà trả tiền cho bị cáo. Thực tế, khi bị cáo B cầm roi điện chích vào hông ông G để đưa ông G lên xe taxi, bị cáo C và L đứng gần cửa xe cầm mã tấu giơ lên đe dọa. Lúc này, bị cáo A đứng gần đó nhìn thấy và chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng bị cáo A đã không có lời nói hay hành động nào khác để ngăn cản hành vi của các bị cáo B, C và L, để cho rằng bị cáo chỉ nhờ B can thiệp như lời trình bày của bị cáo (BL 250).
Mặt khác, hành vi của các bị cáo B, C và L dùng hung khí uy hiếp, đe dọa người bị hại để lấy tiền là hoàn toàn phù hợp với ý thức chủ quan và ý chí của bị cáo A “hù dọa” để lấy được tiền nợ. Thực tế, ông G vì quá sợ hãi trước hành động của các bị cáo, nên phải đưa tiền cho các bị cáo, trong đó có khoản tiền nợ của bị cáo A nhờ các bị cáo đòi hộ. Do vậy, bị cáo A phải chịu trách nhiệm hình sự đối với với hành vi phạm tội của mình. Cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cướp tài sản” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
4.2. Đối với các bị cáo Nguyễn Quốc B và Nguyễn Hoàng C: Khi bị cáo A gọi điện thoại nhờ B đi lấy tiền nợ, tại quán nước ven đường bị cáo A đã nói với các bị cáo và mọi người đi cùng đều nghe “cô vào đó đòi nợ, nếu có giằng co xô xát thì tụi con vào hăm dọa cho ổng sợ để trả tiền cho cô” (bản tự khai của bị cáo A). Như vậy, việc các bị cáo B và C dùng hung khí nguy hiểm ngồi kèm ông G trên xe, bị cáo B có lời nói và hành động cầm roi điện đe dọa đối với người bị hại làm cho họ hoảng sợ nên đã giao tiền cho các bị cáo, là đúng với ý chí của bị cáo A nhờ. Bị cáo Nguyễn Quốc B là người rủ bị cáo C và L thực hiện hành vi phạm tội và thực hiện tội phạm rất tích cực.
Bị cáo Nguyễn Hoàng C, ngoài 01 tiền án, bản thân bị cáo còn bị xử phạt 15 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Nhân thân của bị cáo xấu lại tái phạm, thực hiện hành vi rất nghiêm trọng. Do vậy mức án mà cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là tương xứng và phù hợp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo C có cung cấp tài liệu thể hiện ông bà nội của bị cáo có công với đất nước, nhưng các tài liệu này là bản photo không có chứng thực nguồn gốc sao y nên không có cơ sở để xem xét.
Khi xét xử và quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân của các bị cáo; áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và xử phạt các bị cáo mức án như bản án sơ thẩm đã xét xử là phù hợp.
Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
[5] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự.
1. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị A, Nguyễn Quốc B, Nguyễn Hoàng C; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Thị A.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị A 06 (sáu) năm tù về tội "Cướp tài sản". Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm p, b khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Quốc B. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Quốc B 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù về tội "Cướp tài sản”; Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 29 - 6 - 2017.
- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Hoàng C Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hoàng C 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù về tội "Cướp tài sản”; Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam ngày 29 - 6 - 2017.
2. Về án phí: Mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 23/2019/HS-PT ngày 07/03/2019 về tội cướp tài sản
Số hiệu: | 23/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về