Bản án 23/2018/HS-ST ngày 29/11/2018 về tội làm nhục người khác

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 23/2018/HS-ST NGÀY 29/11/2018 VỀ TỘI LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC

Ngày 29 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 21/2018/TLST-HS ngày 15 tháng 11 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 22/2018/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 11 năm 2018 đối với:

1/ Bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T– Sinh năm: 1990, tại: Lâm Đồng; Nơi cư trú: Thôn A, xã H, huyện Đ, Lâm Đồng; Nghề nghiệp: Nhân viên kinh doanh; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Ngọc N – sinh năm 1960 và bà Phạm Thị K – sinh năm 1961; Chồng: Lê Duy Tr – sinh năm 1989; Con: Hiện bị cáo đang mang thai; Tiền án, tiền sự: không; Hiện bị cáo đang được tại ngoại. “Có mặt”.

2/ Bị cáo Nguyễn Ngọc P (tên gọi khác: T1)– Sinh năm: 1995, tại: Lâm Đồng; Nơi cư trú: Thôn A, xã H, huyện Đ, Lâm Đồng; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Ngọc N – sinh năm 1960 và bà Phạm Thị K – sinh năm 1961; Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: không; Hiện bị cáo đang được tại ngoại. “Có mặt”.

* Bị hại: Chị Phạm Thị C – sinh năm: 1993.

Nơi cư trú: Thôn A, xã H, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại (chị Phạm Thị C): Ông Nguyễn Văn Đ – Luật sư Văn phòng luật sư Văn Đ, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ

Chí Minh. “Có mặt”.

* Người làm chứng:

1/ Bà Phan Thị S – sinh năm: 1952

Nơi cư trú: Thôn B, xã M, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.

2/ Chị Dương Thị X – sinh năm: 1982

Nơi cư trú: Thôn B, xã M, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Vắng mặt”.

3/ Bà Trịnh Thị T2 – sinh năm: 1969

Nơi cư trú: Thôn 1, xã M, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 07 giờ 20 phút ngày 02/01/2018, Nguyễn Ngọc P điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường liên xã H đi xã M, huyện Đ chở chị gái là Nguyễn Thị Mỹ T đi chợ. Khi đi đến địa phận thôn B, xã M, huyện Đ phát hiện chị Phạm Thị C đang điều khiển xe mô tô đi phía trước, cùng chiều. Do nghi ngờ chị C đã có quan hệ tình cảm bất chính với bố đẻ của mình nên T nói với P là chạy xe lên phía trước để chặn xe của chị C. Nghe vậy, P chạy lên phía trước xe chị C chặn lại. Khi dừng xe, T hỏi chị C là “đã ngủ với bố tao bao lần rồi, có nhận hay không”, C trả lời là không. Ngay lúc này T liền dùng hai tay nắm tóc chị C giật kéo vào mương nước bên lề đường, dùng tay đánh liên tiếp người chị C. Sau đó T lấy 01 cái kéo dài 16.5cm, cán kéo bọc nhựa màu đỏ, lưỡi kéo bằng kim loại sắc bén màu bạc từ trong túi áo khoác đang mặc trên người của mình, tay trái nắm tóc chị C thành từng búi rồi sử dụng cây kéo cắt tóc chị C. Do chị C giằng co, chống cự nên T không cắt được tóc của chị C. Lúc này, T bảo P đến giữ chị C để T cắt tóc. P đến và dùng hai tay giữ ghì chặt đầu chị C để cho T cắt tóc của chị C. Sau khi cắt tóc chị C xong thì P lượm cây gỗ dài 50cm, đường kính 2cm bên lề đường để đe doạ chị C nhưng không đánh rồi vứt cây gỗ xuống và dùng tay phải đánh một cái vào vùng mặt của chị C rồi bỏ đi cùng với T. Sau khi sự việc xảy ra, chị C đã nhặt số tóc đã bị T và P cắt đem đến Công an xã M trình báo giao nộp rồi sau đó đến Bệnh viện II Lâm Đồng điều trị. Ngày 07/02/2018, Công an xã M chuyển hồ sơ tin báo cùng với những vật chứng đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Đ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Sau khi bị đánh và cắt tóc thì chị Phạm Thị C đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị cáo đối với Nguyễn Thị Mỹ T và Nguyễn Ngọc P.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tỉnh Lâm Đồng số 145/2018/TgT ngày 05/6/2018 kết luận thương tích của chị Phạm Thị C là: Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Phạm Thị C: 00%

Tại bản cáo trạng số 21/CT-VKSĐH-ĐH ngày 15/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng truy tố các bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T và Nguyễn Ngọc P về tội “Làm nhục người khác” theo khoản 1 Điều 155 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

* Về hình phạt: Áp dụng khoản 1 Điều 155; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 và điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật hình sự.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T số tiền từ 12.000.000 đồng (Mười hai triệu đồng) đến 18.000.000 đồng (Mười tám triệu đồng) để sung vào ngân sách nhà nước.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc P số tiền từ 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) đến 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng) để sung vào ngân sách nhà nước.

* Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại chị Phạm Thị C yêu cầu các bị cáo phải bồi thường tổng số tiền 66.900.000 đồng. Tuy nhiên, các bị cáo T, P không đồng ý theo mức yêu cầu bồi thường của chị C. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 590, 592 của Bộ luật dân sự, buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định của pháp luật.

* Về vật chứng vụ án: Căn cứ đểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu tiêu hủy những vất chứng trong vụ án không còn giá trị sử dụng.

* Ông Nguyễn Văn Đ – Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Cáo trạng truy tố các bị cáo T, P về tội Làm nhục người khác theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội và tại phiên tòa tôi đồng ý với

mức đề xuất về hình phạt, về phần bồi thường mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với các bị cáo. Tuy nhiên, người bị hại bị thương tích ở phần mềm trên cơ thể do các bị cáo T, P gây ra và phải đi điều trị tại Bệnh viện, đề nghị buộc các bị cáo T, P phải liên đới bồi thường cho chị C tổng số tiền là 66.900.000 đồng như đã yêu cầu trước đây. Nếu tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo T, P đồng ý bồi thường cho chị C số tiền 60.000.000 đồng thì chị C sẽ viết đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với các bị cáo T, P nhưng tại phiên tòa các bị cáo T, P không đồng ý bồi thường, do đó đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết về phần bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tại phiên tòa các bị cáo T, P đều đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Các bị cáo nói lời sau cùng: Các bị cáo ân hận về hành vi phạm tội của mình, các bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1]Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Đ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, bị hại không có ý kiến hay khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của các bị cáo: Tại phiên tòa hôm nay các bị cáo T, P đã khai nhận toàn bô hành vi phạm tội của mình và thừa nhận: Vào khoảng 07giờ 20 phút ngày 02/01/2018, tại đường liên xã thuộc thôn B, xã M, huyện Đ. Do nghi nghờ chị Phạm Thị C có quan hệ bất chính với bố ruột của mình nên các bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T, Nguyễn Ngọc P đã dùng tay đánh chị C, bị cáo T dùng kéo trực tiếp cắt tóc chị C, bị cáo P dùng tay ghì giữ chị C để cho bị cáo T thực hiện hành vi cắt tóc. Sau khi bị đánh và cắt tóc thì chị C đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các bị cáo T, P. Qua lời khai nhận của các bị cáo, bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại, người làm chứng tại phiên tòa hôm nay đều phù hợp với những tài liệu chứng cứ đã được phản ánh trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Hành vi của các bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T, Nguyễn Ngọc P đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm nhục người khác”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật hình sự.

[3] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội: Nhân phẩm, danh dự và sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm. Bất kỳ người nào có hành vi xâm hại đến nhân phẩm, danh dự và sức khỏe của người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. Các bị cáo T, P đều có năng lực nhận thức điều đó, nhưng do bất chấp các quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, coi thường nhân phẩm, danh dự người khác mà các bị cáo đã có hành vi đánh và cắt tóc chị Phạm Thị C, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người bị hại. Hành vi phạm tội của các bị cáo là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, gây ra sự phẫn nộ, bất bình trong quần chúng nhân dân.

Đây là vụ án có đồng phạm nhưng chỉ ở mức độ giản đơn, xét vai trò và trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án thấy rằng: Bị cáo T là người khởi xướng, là người phạm tội tích cực, do vậy bị cáo T phải chịu trách nhiệm cao hơn bị cáo P; còn đối với bị cáo P phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi phạm tội do bị cáo đã gây ra.

Đối với bị cáo T, do nghi ngờ và cho rằng chị C đã có quan hệ tình cảm bất chính với bố ruột của mình nên bị cáo T đã chủ động nói với em ruột của mình là bị cáo P chặn dừng xe của chị C lại. Khi chị C trả lời, không có quan hệ bất chính với bố của các bị cáo thì bị cáo T liền dùng hai tay nắm tóc chị C giật kéo vào mương nước bên lề đường, dùng tay đánh liên tiếp vào người chị C. Sau đó, bị cáo T dùng kéo cắt cùng với sự giúp sức của bị cáo P đã cắt tóc chị C.

Đối với bị cáo P, khi nghe bị cáo T nói chạy xe lên phía trước để chặn xe của chị C, do nghi ngờ chị C đã có quan hệ tình cảm bất chính với bố ruột của mình, bị cáo P không những không can ngăn mà đồng ý ngay, sau khi chặn xe của chị C, bị cáo P đến giữ chị C và dùng hai tay giữ ghì chặt đầu chị C để cho bị cáo T cắt tóc chị C. Sau khi cắt tóc chị C xong thì bị cáo P lượm cây gỗ dài 50cm, đường kính 2cm bên lề đường để đe doạ chị C và dùng tay phải đánh một cái vào vùng mặt chị C.

Do vậy, cần áp dụng một mức hình phạt nghiêm tương xứng với hành vi phạm tội do từng bị cáo đã gây ra. Tuy nhiên, khi lượng hình phạt cũng cần xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần vì: Sau khi phạm tội, các bị cáo T, P mỗi bị cáo đã tự nguyện tạm nộp số tiền là 2.000.000 đồng để bồi thường khắc phục một phần hậu quả; các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; các bị cáo đều đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ sự ăn năn hối cải; các bị cáo không có tiền án, tiền sự và các bị cáo đều có nơi cư trú rõ ràng. Ngoài ra, xét thấy tại phiên tòa, người bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị xử phạt mức án nhẹ nhất đối với các bị cáo T, P. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Do đó, xét thấy không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cần áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với bị cáo T số tiền 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng) và bị cáo P số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) để sung vào ngân sách nhà nước, cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Theo các tài liệu đã phản ánh trong hồ sơ vụ án thì hành vi của các bị cáo T, P đã gây đa thương tích phần mềm cho chị C phải đi điều trị.

Người bị hại là chị C yêu cầu các bị cáo phải bồi thường các khoản tiền sau:

1. Tiền chi phí thuốc chữa bệnh 3.000.000 đồng.

2. Tiền xe chở đi bệnh viện Lâm Đồng cấp cứu 1.000.000 đồng.

3. Tiền bồi dưỡng hồi phục sức khỏe 7.000.000 đồng.

4. Tiền mất thu nhập trong thời gian một tháng 6.000.000 đồng.

5. Tiền thuê người chở con đi học 2.000.000 đồng.

6. Tiền chi phí đi giám định sức khỏe 1.000.000 đồng.

7. Tiền mua tóc và thuốc mọc tóc 1.400.000 đồng.

8. Tiền công thợ nối tóc 5.500.000 đồng.

9. Tiền đền bù danh dự nhân phẩm cá nhân bị xúc phạm 40.000.000 đồng. Tổng cộng: 66.900.000 đồng (sáu mươi sáu triệu chín trăm ngàn đồng).

Các bị cáo và bị hại không thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường. Tại phiên tòa, các bị cáo chỉ đồng ý bồi thường cho người bị hại các khoản chi phí hợp lý với tổng số tiền là 14.600.000 đồng. Sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và người bị hại cung cấp. Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận thêm các khoản sau cho người bị hai theo quy định:

1. Tiền chi phí thuốc chữa bệnh 3.000.000 đồng, các bị cáo đồng ý bồi thường 3.000.000 đồng, nên cần chấp nhận.

2. Tiền xe chở đi bệnh viện Lâm Đồng cấp cứu 1.000.000 đồng, các bị cáo không đồng ý bồi thường, cần buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền này là 1.000.000 đồng.

3. Tiền bồi dưỡng hồi phục sức khỏe 7.000.000 đồng, bị cáo T chỉ đồng ý bồi thường số tiền 2.000.000 đồng, bị cáo P không đồng ý bồi thường, cần chấp nhận một phần yêu cầu của người bị hại, buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền này là 3.500.000 đồng.

4. Tiền mất thu nhập trong thời gian một tháng là 6.000.000 đồng, các bị cáo chỉ đồng ý bồi thường mất thu nhận trong thời gian 03 ngày với số tiền bồi thường là 600.000 đồng, cần chấp nhận một phần yêu cầu của người bị hại, buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền mất thu nhập của người bị hại trong thời gian 15 ngày với số tiền phải bồi thường là 3.000.000 đồng.

5. Tiền thuê người chở con đi học là 2.000.000 đồng, các bị cáo không đồng ý bồi thường, cần chấp nhận một phần yêu cầu của người bị hại, buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền là 1.000.000 đồng.

6. Tiền chi phí đi giám định sức khỏe 1.000.000 đồng, các bị cáo đồng ý bồi thường 1.000.000 đồng, nên cần chấp nhận.

7. Tiền mua tóc và thuốc mọc tóc 1.400.000 đồng, các bị cáo không đồng ý bồi thường, do người bị hại bị cắt tóc nên cần chấp nhận yêu cầu này của bị hại, buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền này là 1.400.000 đồng.

8. Tiền công thợ nối tóc 5.500.000 đồng, các bị cáo không đồng ý bồi thường, cần chấp nhận một phần yêu cầu của người bị hại, buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền là 2.000.000 đồng.

9. Tiền đền bù danh dự nhân phẩm cá nhân bị xúc phạm là 40.000.000 đồng, các bị cáo chỉ đồng ý bồi thường số tiền 8.000.000 đồng (trong đó, bị cáo T đồng ý bồi thường 3.000.000 đồng, bị cáo P đồng ý bồi thường 5.000.000 đồng), cần chấp nhận một phần yêu cầu của người bị hại, buộc các bị cáo phải bồi thường một khoản tiền tương đương 07 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm hiện tại là: 7 x 1.390.000 đồng = 9.730.000 đồng.

Xét thấy, ngoài số tiền các bị cáo đã đồng ý bồi thường, cần buộc các bị cáo phải bồi thường thêm các khoản tiền theo quy định với tổng số tiền phải bồi thường là 25.630.000 đồng. Do đó, buộc các bị cáo T, P phải liên đới bồi thường cho chị Phạm Thị C tổng số tiền 25.630.000 đồng, trong đó mỗi bị cáo phải bồi thường số tiền 12.815.000 đồng.

[5] Về vật chứng của vụ án: Xét thấy các vật chứng sau không còn giá trị sử dụng, cần tịch thu tiêu hủy: 02 (hai) mẫu tóc (số tóc chị C bị cắt đem đến giao nộp và số tóc của chị C bị cắt còn sót lại tại hiện trường xảy ra vụ việc do Công an xã M tiến hành thu giữ) được niêm phong; 01(một) cái kéo dài 16.5cm, cán kéo được bọc bằng nhựa màu đỏ, lưỡi kéo bằng kim loại sắc bén màu bạc; 01 (một) khúc cây gỗ dài 50 cm, đường kính 2cm.

[6] Về án phí: Buộc các bị cáo T, P mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T, Nguyễn Ngọc P (tên gọi khác: T1) phạm tội “Làm nhục người khác”.

Áp dụng khoản 1 Điều 155; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật hình sự.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T số tiền 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng) để sung vào ngân sách nhà nước.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc P số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) để sung vào ngân sách nhà nước. 2.Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 46, Điều 48 của Bộ luật hình sự; Điều 590, Điều 592 của Bộ luật Dân sự.

Buộc các bị cáo Nguyễn Thị Mỹ T, Nguyễn Ngọc P phải liên đới bồi thường cho chị Phạm Thị C số tiền 25.630.000 đồng (hai mươi lăm triệu sáu trăm ba mươi ngàn đồng), trong đó các bị cáo T, P mỗi bị cáo phải bồi thường số tiền 12.815.000 đồng (mười hai triệu tám trăm mười lăm ngàn đồng). Xác nhận các bị cáo T, P mỗi bị cáo đã nộp số tiền 2.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2010/07832 và số AA/2010/07833 ngày 17/10/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ. Như vậy, các bị cáo T, P mỗi bị cáo còn phải bồi thường số tiền 10.815.000 đồng (mười triệu tám trăm mười lăm ngàn đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án còn phải trả số tiền lãi, tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự.

3. Về vật chứng của vụ án: Căn cứ điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu tiêu hủy những vất chứng sau: 02 (hai) mẫu tóc (số tóc chị C bị cắt đem đến giao nộp và số tóc của chị C bị cắt còn sót lại tại hiện trường xảy ra vụ việc do Công an xã M tiến hành thu giữ) được niêm phong; 01(một) cái kéo dài 16.5cm, cán kéo được bọc bằng nhựa màu đỏ, lưỡi kéo bằng kim loại sắc bén màu bạc; 01 (một) khúc cây gỗ dài 50 cm, đường kính 2cm. Hiện những vật chứng trên đang được tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ theo biên bản giao nhận vật chứng lập ngày 16/11/2018.

4. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sựNghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Buộc các bị cáo T, P mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 540.750 đồng (năm trăm bốn mươi ngàn bảy trăm năm mươi đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Trong thời hạn 15 ngày tròn kể từ ngày tuyên án, bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo nội dung bản án lên Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

 “Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

480
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2018/HS-ST ngày 29/11/2018 về tội làm nhục người khác

Số hiệu:23/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về