Bản án 23/2018/HSST ngày 28/11/2018 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THÔNG NÔNG, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 23/2018/HSST NGÀY 28/11/2018 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Trong ngày 28 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 23/2018/TLST- HS ngày 12 tháng 11 năm 2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 23/2018/QĐXXST- HS ngày 14 tháng 11 năm 2018 đối với các bị cáo:

1- Họ và tên: Hoàng Văn K (tên gọi khác: Không), sinh ngày: 09 tháng 8 năm 1967, tại xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nơi cư trú: xóm T, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: 5/10; Dân tộc: Nùng; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc Tịch: Việt Nam; Con ông Hoàng Văn K (đã chết) và bà Nông Thị H; Anh chị em ruột: Bị cáo có 09 anh chị em, bị cáo là con thứ 04 trong gia đình; Có vợ: Hoàng Thị N, sinh năm 1967 và có 02 con, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 1994; Tiền án, tiền sự: Không có; Hiện bị cáo đang được tại ngoại tại xóm T, xã B, huyện T, Cao Bằng. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

2- Họ và tên: Triệu Chiều P (tên gọi khác: Triệu Tòn G), sinh ngày: 08 tháng 01 năm 1980, tại xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: Mù chữ; Dân tộc: Dao đỏ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc Tịch: Việt Nam; Con ông Triệu Dào S (đã chết) và bà Bàn Mùi D; Anh chị em ruột: Bị cáo có 04 anh em, bị cáo là con thứ hai trong gia đình; Có vợ: Hoàng Mùi H, sinh năm 1978 và có 02 con, con lớn sinh năm 2000, con nhỏ sinh năm 2005; Tiền án, tiền sự: Không có; Hiện bị cáo đang được tại ngoại tại xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

3- Họ và tên: Lý Văn C (tên gọi khác: không có), sinh ngày: 01 tháng 9 năm 1989, tại xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nơi cư trú: xóm T, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: 08/12; Dân tộc: Nùng; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc Tịch: Việt Nam; Con ông Lý Văn L và bà Nông Thị T; Anh chị em ruột: Bị cáo có 02 anh em, bị cáo là con cả trong gia đình; Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không có; Hiện bị cáo đang được tại ngoại tại xóm T, xã B, huyện T, Cao Bằng. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

4- Họ và tên: Lý Kiềm S (tên gọi khác: Lý Tòn D), sinh ngày: 27 tháng 4 năm 1989, tại xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: Mù chữ; Dân tộc: Dao đỏ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc Tịch: Việt Nam; Con ông Lý Dào P (đã chết) và bà Triệu Mùi L; Anh chị em ruột: Bị cáo có 03 anh chị em, bị cáo là con 02 trong gia đình; Có vợ: Bàn Mùi P, sinh năm 1989 và có 02 con, con lớn sinh năm 2010, con nhỏ sinh năm 2012; Tiền án, tiền sự: Không có; Hiện bị cáo đang được tại ngoại tại xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

5- Họ và tên: Bàn Kiềm K (tên gọi khác: Bàn Tòn L), sinh ngày: 01 tháng 11 năm 1974, tại xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nơi cư trú: xóm L, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: Mù chữ; Dân tộc: Dao đỏ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc Tịch: Việt Nam; Con ông Bàn Quầy Ph và bà Bàn Mùi D (đều đã chết); Anh chị em ruột: Bị cáo có 04 anh chị em, bị cáo là con út trong gia đình; Có vợ: Bàn Mùi N, sinh năm 1969 và có 02 con, con lớn sinh năm 1989, con nhỏ sinh năm 1994; Tiền án, tiền sự: Không có; Hiện bị cáo đang được tại ngoại tại xóm L, xã B, huyện T, Cao Bằng. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

6- Họ và tên: Hoàng Văn Đ (tên gọi khác: Không), sinh ngày: 20 tháng 01 năm 1992, tại xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nơi cư trú: xóm T, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Nùng; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc Tịch: Việt Nam; Con ông Hoàng Văn K và bà Hoàng Thị N; Anh chị em ruột: Bị cáo có 02 anh em, bị cáo là con thứ cả trong gia đình; Có vợ: Ma Ngọc A, sinh năm 1997, con chưa có; Tiền án, tiền sự: Không có; Hiện bị cáo đang được tại ngoại tại xóm T, xã B, huyện T, Cao Bằng. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án:

1. Bàn Tòn P (tên gọi khác: Không có), sinh năm 1989. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

2. Bàn Tòn P (tên gọi khác: Bàn Phụ L), sinh năm 1993. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

3. Hoàng Văn V (tên gọi khác: Không có), sinh năm 1988. Nơi cư trú: xóm C, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

4. Lý Văn D (tên gọi khác: Lý Riềm C), sinh năm 1988. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

- Người làm chứng:

1. Triệu Mùi D (tên gọi khác: Không có), sinh năm 1969. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

2. Bàn Phụ S (tên gọi khác: Không có), sinh năm 1990. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

3. Bàn Mùi D (tên gọi khác: Bàn Mùi K), sinh năm 1994. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

4. Hoàng Mùi H (tên gọi khác: Hoàng Mùi K), sinh năm 1978. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

5. Bàn Mùi N (tên gọi khác: Không có), sinh năm 1969. Nơi cư trú: xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

6. Triệu Mùi N (Trưởng xóm L), Sinh năm 1990. Nơi cư trú: xóm L, xã B, huyện T, Cao Bằng (có mặt tại phiên tòa).

- Người bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn K: Ông Triệu Bằng G, Trợ giúp viên pháp lý thuộc trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng (có mặt).

- Người phiên dịch tiếng Dao đỏ: Bà Triệu Thị H. Nơi công tác: Hội liên hiệp phụ nữ huyện T, tỉnh Cao Bằng (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Sau khi nhận được tin báo tố giác của chinh quyền UBND xã B về việc khai thác cây gỗ nghiến trái phép tại khu vực L, thuộc xóm L, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng. Quá trình điều tra đã xác định được các đối tượng Hoàng Văn K, sinh năm 1967; Lý Văn C, sinh năm 1989; Triệu Chiều Ph, sinh năm 1980; Lý Kiềm S, sinh năm 1989; Hoàng Văn Đ, sinh năm 1992; Bàn Kiềm K, sinh năm 1974. Đều cùng trú tại: xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng là những người đã bàn bạc, tham gia chặt hạ cây gỗ nghiến trên.

Hồi 14 giở 15 phút, ngày 20/7/2018 Cơ quan điều tra Công an, Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm huyện Thông Nông và chính quyền địa phương xã B cùng các đói tượng chặt hạ trên đến khu vực núi L, để chỉ xác định cây gỗ nghiến các đối tượng đã cưa hạ, đồng thời tiến hành khám nghiệm hiện trường đo khối lượng cây gỗ nghiến bị cưa hạ tại hiện trường là 14,428m3 (Bút lục số: 02,19,20).

Tại Cơ quan điều tra các đối tượng khai nhận như sau:

Buổi chiều ngày 01/7/2018 Hoàng Văn K có nói và rủ Lý Văn C là người cùng xóm với K là “đi xem cây gỗ nghiến xem có làm thớt được không?” C đồng ý trả lời “thế thì cùng nhau đi”. Đến nơi K, C xem cây gỗ nghiến và C lấy điện thoại di động của C ra chụp hình lưu lại rồi K và C đi về nhà.

Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 06/7/2018 K có gọi điện thoại cho Triệu Chiều P và nói “tối nay ra đây uống nước nhé, có cái hay lắm”. Khoảng 21 giờ cùng ngày P đi ra nhà K, đến nơi thì thấy C ở nhà K, tại nhà của K, có K, C, P và Hoàng Văn Đ con trai của K, 03 người K, C, P ngồi uống nước và cùng nhau bàn bạc, chặt hạ khai thác cây gỗ nghiến để làm thớt đem bán lấy tiền rồi chia nhau. C đã lấy hình điện thoại chụp cây gỗ nghiến cho P xem, C nói với P “có làm được không?” P hiểu ý của C trả lời “Nhìn xong điện thoại P nói làm được nhưng không rõ lắm, mai C cùng anh đi xem trực tiếp thì mới biết”. K nói “chỗ đấy vắng lắm, trước kia có 03 nhà ở đấy, nhưng giờ chuyển đi hết rồi” “anh không đi đâu nhé, anh ở nhà nếu có Kiểm lâm xuống thì anh gọi điện thoại báo để các em tránh” “nếu đi làm thì đi làm nhanh đi, làm 2-3 ngày cho xong đi, thế máy cưa của em có còn cắt xẻ được không?” P nói “máy cưa của em hỏng rồi, để em về hỏi xem có ai có máy cưa còn cắt được thì gọi nó mang máy cưa cùng đi làm” K nói “tìm nhanh được thì tối mai di nhé” P hỏi “thế xăng dầu như thé nào?” K đáp “cứ lấy của tôi trước, khi nào bán được thớt thì trả tôi sau, số tiền còn lại thì chia đều”, 03 người cùng thống nhất chặt hạ cắt xẻ cây gỗ nghiến, riêng K không đi chặt cây gỗ nghiến mà ở nhà (nhưng vẫn có phần) nếu có Kiểm lâm qua thì K gọi điện thoại di động báo để mọi người trốn đi. K, P, C thống nhất lấy xăng, dầu, nhớt, áo mưa, nước uống thì lấy ở quán của K trước, khi nào chặt hạ khai thác cây gỗ nghiến làm được thớt có tiền thì trả cho K. Số tiền còn lại thì chia đều nhau. Bàn bạc thống nhất xong C và P đi về nhà (Bút lục số: 110,111,115,118,119,122,123,128,129,130,131, 198 đến 240).

Khoảng 05 giờ 30 phút, ngày 07/7/2018 P một mình đi xe máy của mình đi thị trấn N, huyện N, tỉnh Cao Bằng mua một vòng xích máy cưa với giá tiền 392.000 đồng mua xong P về nhà. Khoảng 11 giờ trưa cùng ngày C gọi điện thoại cho P và P đi xem vị trí cây gỗ nghiến, P đồng ý và C đưa P đi xem cây, xem xong khoảng 15 giờ C và P đi về. Buổi chiều ngày 08/7/2018 đang trong lúc thu hoạch ngô tại rẫy ngô của gia đình Lý Kiềm S, Phin rủ Bàn Kiềm K và Lý KIềm S đi chặt cây gỗ nghiến về làm thớt. S và K đồng ý, P bảo K lấy máy cưa của K để đi cưa hạ cây gỗ nghiến và P hẹn sơn với K là khoảng 20 giờ đến 21 giờ đến nhà P, ăn cơm tối xong, K cầm cưa máy (cưa lốc) của mình đến nhà P, đến nơi K để máy cưa của K ở trước cửa nhà P K nói “để máy cưa ở đây nhé P trả lời là “ừ cứ để ở đấy đi”. Khoảng 21 giờ 05 phút, sau khi được P gọi thì S đã có mặt ở nhà P, đến nơi S gặp K rồi cùng K vào nhà P ngồi uống nước, K có nói với S là “chú say rượu quá không đi được đâu, các cháu cứ đi đi, để mai chú mới đi” nói xong K đi ra nhà hàng xóm, P đi xe máy cầm theo vòng xích cưa máy mới mua được đi ra nhà K trước để pha xăng, đến nơi thấy K, C, Đ có mặt ở nhà K. P, K, C chuẩn bị nước ngọt (nước C2, nước lọc, 01 can xăng 10 lít màu trắng, 01 can 05 lít nhớt thải màu vàng, C hỏi Đ “mày có đi không”, Đ hỏi lại “thế có những ai nhiều?” P trả lời “có mấy người rồi” Đ hiểu ý C và P rủ Đ đi chặt hạ cây gỗ nghiến và trả lời “đi thì đi”. C điều khiển xe máy của C chở Đ đem theo can nhớt 05 lít và nước lọc, P cầm can xăng 10 lít màu trắng và túi dứa nhỏ đựng nước ngọt đi theo hướng L, xã B, huyện T, Còn S đi xe máy từ nhà P chở theo cái máy cưa để trên giá xe đằng trước, trên đường đi thì gặp P, C, Đ, bốn người cùng đến đọan rẽ vào chỗ cây gỗ nghiến thì dừng xe đi bộ, lúc này P cầm túi dứa đựng nước, C đeo túi vải đựng can nhớt thải 05 lít, Đ xách can xăng 10 lít, còn S vác cưa máy đi vào vị trí cây gỗ nghiến. Đi được nửa đường thì S đổi với C, S xách túi vải đựng can nhớt thải 05 lít, còn C vác cưa máy. Khi gần đến cây gỗ nghiến thì Đ nói “mệt quá không đi được nữa”, P nói “thế thì cứ ở dưới này nghỉ đi, để ý xung quanh nếu có ai đi lại thì báo anh”. Đ đồng ý, P, C, S đi tiếp đến vị trí cây nghiến, đến gốc cây P lấy máy cưa từ S để thay vòng xích mới và đổ xăng vào máy cưa, C soi đèn pin, S cầm máy cưa và nổ máy, trực tiếp cưa vào vào gốc cây nghiến, S cưa được khoảng 30 phút thì cây đổ. Sau đó Đ đi lên chỗ cây nghiến bị chặt hạ cùng P, C và S, S cắt phần đoạn gốc cây một đoạn ngắn để xem cây có bị hỏng không và cưa cắt rời phần ngọn, khoảng 03 giờ sáng ngày 9/7/2018 P, C, S, Đ đi về nhà (Bút lục số: 207 đến 249).

Buổi chiều ngày 09/7/2018 P gặp K và hẹn K tối sẽ đi cắt cây gỗ nghiến thành thớt bán lấy tiền chia nhau. K đồng ý, ăn tối xong, P gọi điện thoại rủ K nói “lát nữa đi xẻ cây gỗ làm thớt, cây chặt hạ rồi” K trả lời “đi thì đi, nhưng thấy mệt rồi cho P đi được không?” P nói “được!”. K nói với P là con trai của K “P gọi cho bố bảo là chặt được cây rồi, giờ đi cưa làm thớt giờ bố say rượu không đi được, con đi thay đi”, P trả lời “Bố không đi được thì để con đi”. Khoảng 19 giờ cùng ngày P gọi điện rủ thêm Bàn Tòn P là người cùng xóm với P đi cắt xẻ thớt cùng, P đồng ý. P sang nhà P luôn và thấy P con trai K cũng đến, P nói “bố em say rượu rồi, bố bảo em đi thay”. P trả lời “ừ”. Khoảng 22 giờ cùng ngày P cùng P, P và S cùng nhau đi xe máy ra nhà K gặp C và Đ rồi cùng nhau đi cắt xẻ cây nghiến đã chặt hạ làm thớt. Đến nơi P cầm cưa máy cắt xẻ cây nghiến được 04 cái thớt. Sau đó, P, S thay P cầm cưa máy cắt xẻ, còn P cùng P dùng dao bóc vỏ gọt thớt thành hình tròn. Đ tiếp tục làm người canh gác, nếu phát hiện người lạ hoặc lực lượng chức năng thì gọi điện thoại cho mọi người biết bỏ trốn. Canh gác được một lúc Đ lại lên chỗ cây nghiến bị chặt hạ cầm dao giúp gọt thớt và gom thớt để gọn vào một chỗ, C ở chỗ để xe máy gần đường cái canh gác, nếu thấy người lạ hoặc lực lượng chức năng thì báo cho mọi người bỏ trốn, P, C, S, P, Đ, P cùng nhau cắt xẻ được khoảng 15 cái thớt và xếp để ở gốc cây nghiến bị cưa đổ, làm đến khoảng 03 giờ sáng ngày 10/7/2018 thì cùng nhau đi về nhà.

Khoảng 21 giờ 30 ngày 10/7/2018, P rủ thêm Lý Văn D SN 1988 là người cùng xóm P và Hoàng Văn V SN 1988, trú tại xóm C, xã B, huyện T, đi cùng cắt xẻ thớt lấy tiền chia nhau, D, V đồng ý. Tám người gồm: P, S, C, K, Đ, P, D, V cùng nhau đi lên vị trí cây nghiến đã bị chặt hạ để cắt xẻ thành thớt, C nói để cho V canh gác tại chỗ để xe máy gần đường cái, C gác chỗ đường xuống L, còn Đ gác chỗ đường rẽ đi xã C - huyện H nếu thấy có người lạ hoặc lực lượng chức năng thì báo để mọi người bỏ trốn. P, S thay nhau cầm cưa máy cắt xẻ cây gỗ nghiến thành thớt. Còn P, K, D dùng dao gọt, bóc vỏ và xếp thớt để gọn vào một chỗ. Đến khoảng 03 giờ sáng ngày 11/7/2018 thì cắt được khoảng 25 cái thớt xếp gọn vào cùng với số thớt cắt xẻ ngày 09/7/2018 để ở gốc cây, rồi 08 người cùng nhau đi về nhà (Bút lục số: 164 đến 195).

Khoảng 18 giờ ngày 11/7/2018 P đi bẻ ngô về gặp và hỏi 05 người cùng xóm với P gồm: Triệu Mùi D SN 1969, Bàn Mùi D SN 1994, Bàn Mùi N, Bàn Phụ S SN 1990, Hoàng Mùi H SN 1978 (Hỏi là vợ P), P nói “đi vác thớt thuê cho mỗi phân một nghìn như thế có đi vác được không”, cả 05 người đều đồng ý, P nói “tối nay đi nhé”. Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày , P cùng D, P, K, S cùng 05 người P đã thuê ở trên đi ra nhà ông K, đến nhà ông K thì gặp Đ, C và V. Rồi cùng nhau lên chỗ cây nghiến, đi lên đến chỗ để xe máy, đoạn đường rẽ lên núi thì cũng thống nhất để Đ, V canh gác ở chỗ để xe khi những người thuê vác thớt xuống đến thì V, Đ có nhiệm vụ vận chuyển thớt về nhà của C để cất giấu. Những người còn lại đến vị trí cây gỗ nghiến đã chặt hạ để cắt xẻ thớt, khi đang định cắt xẻ, vận chuyển thớt thì bị người dân xóm L - xã B, phát hiện và đuổi bắt, nên tất cả bỏ chạy về nhà (Bút lục số: 92 đến 101).

Ngoài ra Cơ quan điều tra đã thu giữ được 33 cái thớt nghiến có tổng khối lượng 0,257m3, 02 lưỡi cưa máy (cưa lốc) chiều dài mỗi lưỡi 01 mét đã qua sử dụng, 01 lưỡi cưa không nhãn hiệu, 01 lưỡi cưa nhãn hiệu HUSQVARNA và 02 con dao, cán dao làm bằng gỗ, có chiều dài 50cm (tính cả phần lưỡi dao). Những tang vật phương tiện trên do nhân dân xóm L, xã N thu được tại vị trí cây gỗ nghiến bị chặt hạ đã giao cho Cơ quan điều tra. Ngoài ra Cơ quan điều tra đã thu giữ của Bàn Kiềm K một đầu cưa máy (cưa lốc) phần vỏ màu nâu trắng nhãn hiệu STIHL-MS 381 đã qua sử dụng.

Nhằm xác định thiệt hại về kinh tế do các đối tượng gây ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thông Nông gửi công văn đến Phòng TC- KH huyện đề nghị định giá cây nghiến do các bị can chặt hạ khai thác có tổng khối lượng 14,685m3 (trong đó có 0,257m3 của 33 cái thớt). Tại kết luận định giá tài sản số 12/KL-ĐGTS ngày 21/9/2018 và số 13/KL-ĐGTS ngày 24/9/2018 của Phòng Tài chính kế hoạch huyện kết luận: Cây gỗ nghiến do các bị can chặt hạ khai thác có khối lượng 14,685m3 có tổng trị giá là 89.006.000 đồng (Bút lục số: 281 đến 284).

Quá trình điều tra các bị can khai nhận hành vi phạm tội của mình, các lời khai đều phù hợp với nhau và phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Các bị can thành khẩn khai báo ăn năn hối cải. Riêng K giai đoạn điều tra ban đầu, K thành khẩn khai báo, nhưng khi gần kết thúc điều tra vụ án, K thay đổi lời khai, quanh co chối tội, đã vậy K còn mua chuộc C và P nhằm thay đổi lời khai để trốn tránh hành vi, vi phạm của mình, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra làm rõ vụ án.

Căn cứ vào tính chất vụ việc , để đảm bảo cho việc quản lý, bảo vệ ngày 16/7/2018 Cơ quan Kiểm Lâm đã giao cây gỗ nghiến bị chặt hạ còn lại tại hiện trường cho UBND xã B, huyện T quản lý trông coi, bảo vệ để xứ lý theo quy định.

* Đối với tang vật thu giữ gồm:

- Đối với 33 cái thớt nghiến có tổng khối lượng 0,257m3; 01 đầu cưa máy (cưa lốc); 02 lưỡi cưa của cưa máy (cưa lốc) có đặc điểm như trên; 02 con dao đều có đặc điểm như trên. Kết quả điều tra xác định, đây là tang vật, phương tiện mà các đối tượng sử dụng chặt hạ cây nghiến, nên là vật chứng vụ án.

- Đối với 01 xe máy BKS 11H1-16094 nhãn hiệu HONDA, loại xe wave RSX, màu sơn đỏ đên đã qua sử dụng. Kết quả điều tra xác định, xe máy trên là của Hoàng Văn V. Buổi chiều ngày 15/10/2018 bị can C có mượn xe máy trên của V để làm phương tiện đi ra Công an huyện Thông Nông vì có giấy triệu tập đến làm việc, nên chiếc xe này không liên quan đến vụ án. Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự Cơ quan điều tra đã trả lại xe máy này cho V.

- Đối với 03 chiếc điện toại di động, trong đó: 01 chiếc nhãn hiệu inphone, nắp sau màu hồng, số IMEL 354436066034644 thu giữ của C, 01 chiếc nhãn hiệu Oppo, nắp sau màu trắng, số IMEL 1:867457021849330, số IMEL 2:867457021849322 thu giữ của P; 01 chiếc điện thoại nhãn hiệu Samsung, nắp sau màu đen, màn hình đã bị rạn nứt, trong điện thoại không có pin, kèm theo 01 sim, số IMEI 352289/05/695236/0 thu giữ của S. Kết quả điều tra xác định, 03 chiếc điện thoại di động trên là phương tiện mà các đối tượng sử dụng để liên lạc trao đổi với nhau trong quá trình chặt hạ khai thác cây gỗ nghiến, nên là vật chứng vụ án.

- Đối với số tiền VNĐ 1.184.000 đồng thu giữ của C, C khai nhận số tiền trên là của C làm đá vật liệu xây dựng có được, nên không liên quan đến vụ án. Căn cứ vào Điều 106 Bộ TTHS Cơ quan điều tra đã trả lại số tiền trên cho mẹ đẻ của C.

Đối với các đối tượng Bàn Tòn P, Lý Văn D, Hoàng Văn V: Khi được P rủ đã đồng ý tham gia khai thác cây gỗ nghiến khi đã bị chặt hạ trước đó để xẻ thành thớt bán lấy tiền chia nhau. P tham gia cắt xẻ cây gỗ nghiến từ đêm ngày 09,10 và11/7/2018. Còn Vvà D tham gia cắt xẻ cây gỗ nghiến từ đêm ngày 10 và11/7/2018. Kết quả điều tra xác định, đêm ngày 09/7/2018 các bị can và các đối tượng cắt xẻ được 15 cục thớt nghiến và đêm 10/7/2018 cắt xẻ được khoảng 25 cục thớt nghiến. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu được 33 cái thớt nghiến có tổng khối lượng là 0,257m3 . Các đối tượng P, V, D biết việc khai thác cây gỗ nghiến là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn tham gia. Mục đích của P, V, D tham gia khai thác cây nghiến là lấy lâm sản (gỗ) được hưởng lợi từ khai thác cây gỗ nghiến. Tuy nhiên căn cứ vào khối lượng gỗ Pham, Vượng, Dần tham gia cắt xẻ được, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ vi phạm hành chính và thuộc thẩm quyền của Hạt kiểm lâm huyện. Cơ quuan điều tra đã chuyển hồ sơ các đối tượng này đến Hạt kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền.

- Đối với Bàn Tòn P (là con trai K), đêm ngày 09/7/2018 P được tham gia cắt xẻ cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ được 15 cục thớt nghiến. Quá trình điều tra xác định, do K đã uống rượu say thấy mệt, nên khi P rủ K cùng đi cắt xẻ cây gỗ nghiến thì K bảo P đi thay K. Khi P được bố chỉ đạo bảo P cùng đi cùng P, thì P không biết đi cắt xẻ là cây gỗ thuộc loại gỗ gì. Đồng thời về ý thức chủ quan bản thân P không biết việc khai thác cây gỗ nghiến là vi phạm pháp luật. Căn cứ khối lượng P tham gia cắt xẻ chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ vi phạm hành chính và thuộc thẩm quyền của Hạt kiểm lâm huyện. Cơ quuan điều tra đã chuyển hồ sơ các đối tượng này đến Hạt kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền.

- Đối với Triệu Mùi D, Bàn Mùi D, Bàn Phụ S, Bàn Mùi N, Hoàng Mùi HỎI: cùng trú tại: Xóm K, xã B, huyện T, Cao Bằng. Kết quả điều tra xác định, đêm ngày 11/7/2018, P đã thuê 05 người ở trên đi vác thớt nghiến cắt xẻ được và bị người dân xóm L, xã B, huyện T, Cao Bằng đuổi bắt, do vậy những người này là nhân chứng trong vụ án.

Đây là vụ án vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản các bị can đã chặt hạ cây gỗ nghiến có tọa độ, vị trí VN 2000, X526736, Y2513360 thuộc lô41, tiểu khu 164, thuộc rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Vụ án đồng phạm có tính chất nghiêm trọng, các bị can có đủ nhận thức trách nhiệm hình sự và thực hiện hành vi do lỗi cố ý, gây thiệt hại đến cây rừng do Nhà nước quản lý, vì vậy cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Hành vi trên đây của Hoàng Văn K, Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K và Hoàng Văn Đ đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và Lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thông Nông đã đề nghị truy tố các bị cáo Hoàng Văn K, Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Văn K và Hoàng Văn Đ về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và Lâm sản” theo khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cáo trạng số: 22/KSĐT ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thông Nông đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Thông để xét xử các bị cáo Hoàng Văn K, Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K và Hoàng Văn Đ về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và Lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa sau khi trình bày lời luận tội vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và Lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 và áp dụng các căn cứ pháp luật để xử phạt đối với các bị cáo như sau:

1. Áp dụng điểm d khoản 2 và khoản 4 Điều 232; Điểm s,v khoản 1 và khoản 2 điều 51, khoản 1,2 Điều 65, Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Hoàng Văn K từ 30 đến 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 05 (Năm) năm.

Áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) từ 15.000.000đ đến 25.000.0000đ đối với bị cáo.

2. Áp dụng điểm d khoản 2 và khoản 4 Điều 232, điểm s khoản 1 điều 51, khoản 1,2 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Triệu Chiều P từ 30 đến 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 05 (Năm) năm.

Áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) từ 15.000.000đ đến 25.000.0000đ đối với bị cáo.

3. Áp dụng điểm d khoản 2 và khoản 4 Điều 232, điểm s khoản 1 điều 51, khoản 1,2 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Lý văn C từ 30 đến 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 05 (Năm) năm.

Áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) từ 15.000.000đ đến 25.000.0000đ đối với bị cáo.

4. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1 điều 51, khoản 1,2 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Lý Kiềm S từ 24 đến 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 04 đến 05 (Năm) năm. Không áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) đối với bị cáo.

5. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1 điều 51, khoản 1,2 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Hoàng Văn Đ từ 24 đến 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 04 hơn 05 (Năm) năm.

Không áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) đối với bị cáo 6. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1 điều 51, khoản 1,2 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Bàn Kiềm K từ 24 đến 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 04 đến 05 (Năm) năm. Không áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) đối với bị cáo.

7. Áp dụng điều 47 Bộ luật hình sự, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng của vụ án theo quy định của pháp luật.

- Người bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn K nhất trí với tội danh, các điều luật áp dụng, xử lý vật chứng như vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Thông Nông luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đó là bị cáo được tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba, giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến của Bộ tư lệnh Quân khu I và nhiều giấy khen, áp dụng điểm s,v khoản 1 Điều 51 và Điều 54 của Bộ luật hình sự cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt.

8. Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo nhất trí nội dung quyết định đã truy tố cũng như nội dung bản luận tội, các bị cáo không có tranh luận gì và dề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt thấp nhất theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

{1} Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Thông Nông, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thông Nông, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

{2} Tòa xét thấy, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều hoàn toàn phù hợp với các lời khai tại Cơ quan điều tra, được chứng minh bằng vật chứng là 01 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ tại hiện trường tối ngày 09/7/2018 tại khu rừng L, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng có khối lượng còn lại là 14,428m3, và 33 cục thớt nghiến có tổng khối lượng 0,257m3 Cơ quan điều tra đã thu giữ như cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố.

Đồng thời tại phiên tòa các bị cáo đều khai nhận mục đích chặt hạ cây gỗ nghiến trên do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thấy cây gỗ nghiến ở chỗ vắng không có người quản lý, trông coi nên mới nảy sinh ý định cùng bàn bạc đi chặt. Mục đích là chặt hạ cây gỗ nghiến để làm thớt đem bán lấy tiền chia nhau nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện.

Ngày 20/7/2018 Cơ quan điều tra Công an, Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm huyện Thông Nông và chính quyền địa phương xã B cùng các bị cáo đến khu vực núi L, để chỉ xác định cây gỗ nghiến các bị cáo đã cưa hạ, đồng thời tiến hành khám nghiệm hiện trường đo khối lượng cây gỗ nghiến bị cưa hạ tại hiện trường dược chia thành 22 khúc gỗ tròn còn lại là 14,428m3, ngoài ra cơ quan điều tra đã thu giữ 33 thớt nghiến có tổng khối lượng 0,257m3. Theo kết luận định giá cây gỗ nghiến do các bị cáo chặt hạ khai thác có khối lượng 14,685m3 có tổng trị giá là 89.006.000 đồng (Tám mươi chín triệu không trăm linh sáu ngàn đồng)

Tại phiên tòa, các bị cáo giữ nguyên lời khai như đã khai tại Cơ quan điều tra, các bị cáo không thay đổi, bổ sung thêm nội dung gì. Các bị cáo hoàn toàn nhất trí với hành vi phạm tội như quyết định truy tố. Các bị cáo khẳng định việc khai báo tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay là hoàn toàn tự nguyện và đúng với sự việc các bị cáo đã thực hiện.

Xét lời khai của các bị cáo là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với biên bản kiểm tra tại hiện trường và phù hợp với lời khai của những người có nghĩa vụ liên quan và lời khai của những người làm chứng. Phù hợp với vật chứng, biên bản xác định số lượng, khối lượng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Từ những chứng cứ nêu trên đã có đủ căn cứ để kết luận:

Hành vi nêu trên của các bị cáo Hoàng Văn K, Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K và Hoàng Văn Đ đã có đủ yếu tố cấu thành tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có mức hình phạt tiền từ 300.000.000đ đến 1.500.000.000đ hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý tài nguyên rừng, các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi khai thác cây gỗ nghiến trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình thực hiện như đã phân tích ở trên. Nên cần phải xử lý các bị cáo bằng chế tài hình sự với mức án tương ứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội và vai trò của từng bị cáo trong vụ án này đã gây ra để giáo dục các bị cáo nói riêng và phòng ngừa tội phạm chung.

Phân hóa vai trò phạm tội trong vụ án thấy rằng bị cáo Hoàng Văn K giữ vai trò chủ mưu, Tuy bị cáo K không trực tiếp thực hiện chặt hạ cây gỗ nghiến, nhưng thể hiện trong các lời khai và tại tòa K là người khởi xướng, bàn bạc thực hiện bằng lời nói và vật chất là “xăng, nhớt, nước uống, áo mưa” cho tạm ứng trước khi nào bán được thớt sẽ trừ sau, cũng như Khầu có một suất và cho con trai Đ theo làm cùng nhóm để có hai suất được chia.

Xác định trong vụ án này trước khi thực hiện, các bị cáo có sự bàn bạc thống nhất thời gian để tiến hành khai thác, nhưng các bị cáo không có sự câu kết chặt chẽ, nên chỉ là vụ án có đồng phạm giản đơn, không coi là tội phạm có tổ chức. Bị cáo K có vai trò là người chủ mưu, xúi dục và là người giúp sức tạo điều kiện tinh thần cho các bị cáo khác phạm tội. Bị cáo P có vai trò là người xúi dục đồng thời là người thực hiện việc phạm tội, các bị cáo C, S, Đ, K đều là người có vai trò giúp sức tích cực và thực hiện việc phạm tội.

Về tình tiết tăng nặng không có, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo Hoàng Văn K được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ, đó là sau khi phạm tội bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải, bản thân bị cáo được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba, nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s,v khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Về tình tiết tăng nặng không có, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K và Hoàng Văn Đ đều được hưởng 01 tình tiết giảm nhẹ, đó là sau khi phạm tội bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải, nên các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra xét thấy các bị cáo đều có nhân thân tốt, đều phạm tội lần đầu, sống ở vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, ngoài lần phạm tội này các bị cáo luôn chấp hành đúng chính sách pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người công dân nơi cư trú, chưa có tiền án, tiền sự. Các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Do đó không cần thiết phải bắt các bị cáo chấp hành hình phạt tù mà giao các bị cáo cho gia đình và chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú giám sát, giáo dục các bị cáo cũng có thể trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, để các bị cáo lấy đây làm bài học tự sửa chữa sai lầm và đồng thời làm gương cho kẻ khác.

{3} Về hình phạt bổ sung (phạt tiền):

Xét động cơ của các bị cáo là vụ lợi, cũng cần phải xem xét điều kiện của từng bị cáo để phạt bổ sung các bị cáo một khoản tiền nhất định:

+ Đối với gia đình Hoàng Văn K, Lý Văn C, Triệu Chiều P tại địa phương xác nhận gia đình các bị cáo không phải hộ gia đình cận nghèo, nghèo nên cần phạt một khoản tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự.

+ Đối với gia đình Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K tại địa phương xác nhận gia đình K là hộ nghèo, gia đình S là hộ cận nghèo không có tài sản nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự.

+ Đối với bị cáo Hoàng Văn Đ mới lấy vợ vẫn sống chung với gia đình, phụ thuộc vào kinh tế bố mẹ chưa có tài sản riêng nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự.

{4} Về vật chứng của vụ án:

Tịch thu, sung quỹ Nhà nước của bị cáo Lý Văn C 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Inphone, nắp sau màu hồng, số IMEI 354436066034644; của bị cáo Triệu Chiều P 01 chiếc điện thoại nhãn hiệu Oppo, nắp sau màu trắng, số IMEI 1: 867457021849330, số IMEI 2: 867457021849322; của bị cáo Lý Kiềm Sơn 01 chiếc điện thoại nhãn hiệu Samsung, nắp sau màu đen, màn hình đã bị rạn nứt, trong điện thoại không có pin, số IMEI 352289/05/695236/0.

Tịch thu, sung quỹ Nhà nước gồm: 33 cục thớt nghiến có tổng khối lượng 0,257m3; 01 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ tại hiện trường tối ngày 09/7/2018 tại khu rừng L, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng có khối lượng còn lại là 14,428m3, theo biên bản giao tang vật ngày 16/7/2018 giữa hạt kiểm lâm huyện Thông Nông và Ủy ban nhân dân xã B, huyện Thông Nông để trông coi, chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Tịch thu, sung quỹ Nhà nước gồm: 01 đầu cưa máy (cưa lốc) phần vỏ màu trắng, nhãn hiệu STIHL-MS 381 đã qua sử dụng (của K); 02 lưỡi cưa của cưa máy (cưa lốc) chiều dài mỗi lưỡi cưa 01 mét đã qua sử dụng, 01 lưỡi cưa không nhãn hiệu, 01 lưỡi cưa nhãn hiệu HSUQVARNA (01 lưỡi của Phin 01 lưỡi của K);

Tịch thu và tiêu hủy: 01 sim, số IMEI 352289/05/695236/0 của Lý Kiềm S; 02 con dao, cán dao làm bằng gỗ có chiều dài 50cm (tính cả phần cán dao), là vật chứng của vụ án, không còn giá trị sử dụng.

{5} Đối với những người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án gồm: Lý Văn D, Hoàng Văn V, Bàn Tòn P, Bàn Tòn P đều có hành vi cùng khai thác cây gỗ nghiến, sau khi cây đã bị chặt hạ để cùng được hưởng tiền sau khi bán thớt được. Tuy nhiên xét thấy P là đi làm thay suất của bố (K), còn P, V, D, căn cứ vào khối lượng gỗ P, V, D, P tham gia cắt xẻ được, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ vi phạm hành chính và thuộc thẩm quyền xử phạt của Hạt Kiểm lâm huyện Thông Nông. Do vậy Hội đồng xét xử không đề cập gì thêm.

{6} Về án phí: Các bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

{7} Quyền kháng cáo: Các bị cáo được quyền kháng cáo bản án theo quy định của Điều 331, 332 và Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Hoàng Văn K, Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K, Hoàng Văn Đ phạm tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

1. Căn cứ điểm d khoản 2 và khoản 4 Điều 232; Điểm s,v khoản 1 Điều 51; Khoản 1,2 và khoản 5 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Hoàng Văn K 33 (Ba mươi ba) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 (Năm) năm.

Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 28/11/2018. Áp dụng hình phạt bổ sung tiền: 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng để sung quỹ Nhà nước.

2. Căn cứ điểm d khoản 2 và khoản 4 Điều 232; Điểm s khoản 1 Điều 51; Khoản 1,2 và khoản 5 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Triệu Chiều P 32 (Ba mươi hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 (Năm) năm.

Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 28/11/2018. Áp dụng hình phạt bổ sung tiền: 15.000.000 (Mười lăm triệu) đồng để sung quỹ Nhà nước.

3. Căn cứ điểm d khoản 2 và khoản 4 Điều 232; Điểm s khoản 1 Điều 51; Khoản 1,2 và khoản 5 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Lý Văn C 32 (Ba mươi hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 (Năm) năm.

Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 28/11/2018. Áp dụng hình phạt bổ sung tiền: 15.000.000 (Mười lăm triệu) đồng để sung quỹ Nhà nước.

4. Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 232; Điểm s khoản 1 Điều 51; Khoản 1,2 và khoản 5 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Lý Kiềm S 28 (Hai mươi tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 56 (Năm mươi sáu) tháng.

Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 28/11/2018. Không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.

5. Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 232; Điểm s khoản 1 Điều 51; Khoản 1,2 và khoản 5 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Hoàng Văn Đ 26 (Hai mươi sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 52 (Năm mươi hai) tháng.

Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 28/11/2018. Không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.

6. Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 232; Điểm s khoản 1 Điều 51; Khoản 1,2 và khoản 5 Điều 65; Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Bàn Kiềm K 25 (Hai mươi lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 50 (Năm mươi) tháng.

Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 28/11/2018. Không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.

- Giao các bị cáo: Hoàng Văn K, Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K, Hoàng Văn Đ cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng, giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

“Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

7. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; Khoản 1,2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước của bị cáo Lý Văn C 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Inphone, nắp sau màu hồng, số IMEI 354436066034644; của bị cáo Triệu Chiều P 01 chiếc điện thoại nhãn hiệu Oppo, nắp sau màu trắng, số IMEI

1: 867457021849330, số IMEI 2: 867457021849322; của bị cáo Lý Kiềm S 01 chiếc điện thoại nhãn hiệu Samsung, nắp sau màu đen, màn hình đã bị rạn nứt, trong điện thoại không có pin, số IMEI 352289/05/695236/0.

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước gồm: 33 cục thớt nghiến có tổng khối lượng 0,257m3; 01 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ tại hiện trường tối ngày 09/7/2018 tại khu rừng L, xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng có khối lượng còn lại là 14,428m3, theo biên bản giao tang vật ngày 16/7/2018 giữa hạt kiểm lâm huyện Thông Nông và Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Cao Bằng để trông coi, chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục giao cho Ủy ban nhân dân xã B quản lý, trông coi, bảo vệ cây gỗ trên đến khi giải quyết xong vật chứng của vụ án.

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước gồm: 01 đầu cưa máy (cưa lốc) phần vỏ màu trắng, nhãn hiệu STIHL-MS 381 đã qua sử dụng; 02 lưỡi cưa của cưa máy (cưa lốc) chiều dài mỗi lưỡi cưa 01 mét đã qua sử dụng, 01 lưỡi cưa không nhãn hiệu, 01 lưỡi cưa nhãn hiệu HSUQVARNA;

- Tịch thu và tiêu hủy: 01 sim, số IMEI 352289/05/695236/0 của Lý Kiềm S; 02 con dao, cán dao làm bằng gỗ có chiều dài 50cm (tính cả phần cán dao). (Xác nhận vật chứng trên đã được Công an huyện Thông Nông bàn giao cho

Chi cục thi hành án dân sự huyện Thông Nông hồi 14 giờ 30 phút, ngày 12 tháng 11 năm 2018).

8. Về án phí: Áp dụng Khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Nghị quyết quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc các bị cáo Hoàng Văn K,Triệu Chiều P, Lý Văn C, Lý Kiềm S, Bàn Kiềm K, Hoàng Văn Đ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, mỗi bị cáo là 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng), để sung quỹ Nhà nước.

9. Về quyền kháng cáo đối với bản án: Các bị cáo được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

684
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2018/HSST ngày 28/11/2018 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:23/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thông Nông (cũ) - Cao Bằng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:28/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về