Bản án 23/2018/HNGĐ-PT ngày 27/09/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 23/2018/HNGĐ-PT NGÀY 27/09/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

Ngày 27 tháng 9 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số 17/2018 TLPT-HNGĐ ngày 23 tháng 8 năm 2018 về việc Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Do bản án sơ thẩm số 10/2018/HNGĐ ngày 17/07/2018 của Tòa án nhân dân thành phố SC, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 79/2018/QĐPT-HNGĐ ngày 04 tháng 9 năm 2018 giữa:

Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị V - sinh 1991 (có mặt)

Nơi cư trú: Thôn 3, xã CP, huyện CX, tỉnh HT.

Tạm trú: TDP N1, phường ĐT, thị xã PY, tỉnh TN.

Bị đơn: Anh Đỗ Quang D - sinh 1977 (Có mặt)

Trú tại: Xóm XĐ2, xã BS, thành phố SC, TN.

Người làm chứng:

- Bà Lê Thị H - sinh 1946 (Có mặt)

Địa chỉ: Xóm XĐ2, xã BS, thành phố SC, tỉnh TN.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:

Bà Nguyễn Thị Thanh N - Luật sư văn phòng luật sư Thanh N - Đoàn luật sư tỉnh TN. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm nguyên đơn chị Nguyễn Thị V trình bày:

Chị kết hôn với anh Đỗ Quang D năm 2015, do mâu thuẫn vợ chồng nên năm 2017 chị và anh D đã thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố SC, tỉnh TN theo quyết định số 58/2017/QDST-HNGĐ ngày 20/6/2017. Về con chung, do điều kiện chỗ ăn ở của chị khi đó chưa ổn định nên chị và anh D thỏa thuận giao con chung Đỗ Tuyết N cho anh Đỗ Quang D trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Thời gian sau ly hôn chị thường xuyên đến thăm nom, nuôi dưỡng con chung tại gia đình nhà anh D, thì chị được biết anh D đi làm ăn xa không trực tiếp chăm sóc con chung, cháu N ở nhà do bà nội trực tiếp chăm sóc. Khi chị đến thăm nom con chung thì bà Lê Thị H (là bà nội cháu N) luôn gây khó khăn, cản trở trong việc thăm nom chăm sóc con chung của chị, việc cản trở này xẩy ra thường xuyên đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi và sự phát triển bình thường, toàn diện của cháu N, hiện nay con chị cháu Đỗ Tuyết N còn nhỏ mới 30 tháng tuổi, không được sự trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trực tiếp của bố mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đầy đủ của con chị. Hiện nay chị đã có công việc và thu nhập ổn định, chị có đủ mọi điều kiện để nuôi con, chị làm việc tại Công ty Sam Sung, thời gian chị làm theo giờ hành chính, thu nhập hiện tại của chị bình quân 06 (sáu) triệu đồng/ tháng, hiện tại chị đã có chỗ ăn ở ổn định, chị đang thuê nhà ở gần công ty Sam Sung tại Phường ĐT, thị xã PY, TN. Anh D là đối tượng khuyết tật mức độ nặng, đang hưởng chế độ của nhà nước nên anh D không thể làm chủ được hành vi, không phục vụ được chính bản thân mình chứ chưa nói đến việc chăm sóc con chung. Vì vậy, chị Nguyễn Thị V đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, chị đề nghị được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con Đỗ Tuyết N, sinh ngày 14/12/2015. Chị không yêu cầu anh D cấp dưỡng nuôi con.

Bị đơn anh Đỗ Quang D trình bày:

Anh và chị V kết hôn năm 2015, do mâu thuẫn vợ chồng nên năm 2017 anh chị đã thuận tình ly hôn tại Tòa án theo quyết định số 58/2017/QDST- HNGĐ ngày 20/6/2017. Về con chung vợ chồng anh chị thỏa thuận giao con chung Đỗ Tuyết N, sinh ngày 14/12/2015 cho anh trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con chung đối với chị V. Sau khi Vợ chồng ly hôn anh là người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục con, do điều kiện anh phải đi làm ăn tại Bắc Ninh, một tháng có về nhà 4-5 lần, anh có gửi con cho mẹ anh để đi làm, về kinh tế anh vẫn lo kinh tế để đảm bảo cho việc nuôi dậy con chung, con chung phát triển bình thường. Chị V cho rằng chị V đến thăm con, mẹ anh có cản trở hai bên có xẩy ra xô xát, giằng co là có thật. Nay chị V có đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con, xin trực tiếp được nuôi con chung Đỗ Tuyết N- 14/12/2015 anh không nhất trí. Vì anh đã nuôi con chung từ khi con chung mới 08 tháng tuổi, con chung hiện phát triển bình thường. Về thu nhập cá nhân anh làm nghề lao động tự do tại Bắc Ninh, thu nhập từ 11- 15 triệu đồng/ tháng, hiện tại anh đang ăn ở tại công trình xây dựng.

Người làm chứng bà Lê Thị H trình bày:

Anh D (con trai bà) và chị V kết hôn năm 2015, do mâu thuẫn vợ chồng nên năm 2017 anh D, chị V đã thuận tình ly hôn tại Tòa án. Sau khi ly hôn cháu Đỗ Tuyết N ở với ông bà nội và bố cháu. Do điều kiện kinh tế anh D con trai bà phải đi làm công trình tại Bắc Ninh, hàng tháng có về 4-5 lần và đem tiền về nuôi cháu N đầy đủ, cháu N ở với ông bà nội cháu phát triển bình thường. Hiện tại cháu N chưa được đi học, do không có Giấy khai sinh. Bà H cho rằng quá trình bà nuôi cháu N, chị V có về thăm con, giữa bà và chị V không xẩy ra giằng co, xô xát gì, việc chị V trình bày giữa bà và chị V xẩy ra giằng co, xô xát là không đúng.

Với nội dung nêu trên, tại bản án số 10/2018/HNGĐ-ST ngày 17 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân thành phố SC đã xét xử và quyết định:

Áp dụng:

- Điều 28, 35, 39, khoản 4 Điều 147, 235 Bộ Luật tố tụng dân sự;

- Điều 58, 81, 82, 83 và 84 Luật hôn nhân và gia đình;

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về việc quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị V về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn. Giao con chung Đỗ Tuyết N - sinh ngày 14/12/2015 cho chị Nguyễn Thị V trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Anh Đỗ Quang D có quyền đi lại thăm nom và chăm sóc con chung.

2. Về cấp dưỡng nuôi con: Chị V không yêu cầu anh Đỗ Quang D cấp dưỡng nuôi con chung. Tạm hoãn cấp dưỡng nuôi con đối với anh Đỗ Quang D cho đến khi chị Nguyễn Thị V có yêu cầu.

3. Về án phí: Anh Đỗ Quang D được miễn án phí DSST, Chị Nguyễn Thị V được trả lại số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Sông Công theo biên lai thu số 0010894 ngày 26 tháng 4 năm 2018.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/7/2018 anh D làm đơn kháng cáo không đồng ý với bản án với lý do không đồng ý với lời đề nghị của chị V và đề nghị được tiếp tục nuôi con.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm anh D vẫn giữ nguyên nội dung đã kháng cáo.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và nghe lời trình bày của các đương sự, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh TN, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Anh D và chị V kết hôn năm 2015, do mâu thuẫn vợ chồng nên năm 2017 anh, chị đã thuận tình ly hôn tại Tòa án theo quyết định số 58/2017/QDST- HNGĐ ngày 20/6/2017, về con chung giao con chung Đỗ Tuyết N, sinh ngày 14/12/2015 cho anh D trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Chị V cho rằng sau khi có Quyết định sơ thẩm chị V đã rất nhiều lần đến thăm con nhưng gia đình anh D ngăn cản, gây khó khăn không cho chị thăm đón con. Chị V đến thăm con luôn gặp sự cản trở của bà Lê Thị H. Đến nay chị V có đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con với lý do trong quá trình anh D là người trực tiếp nuôi con, chị V đến đón và thăm con bà H là mẹ chồng, gây khó dễ đôi khi không cho đón. Khi chị đến đón hoặc thăm cháu N nhiều lần chị và bà H to tiếng, cãi nhau, giằng co cháu N, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển toàn diện của con, hơn nữa anh D đi làm ăn xa ở Bắc Ninh, không trực tiếp chăm sóc con hàng ngày, cháu N còn nhỏ chưa đủ 36 tháng tuổi, không có bố mẹ chăm sóc trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển toàn diện của con.

Về kháng cáo của anh D: Tại phiên tòa phúc thẩm anh D xác định, anh và chị V đã thuận tình ly hôn, về con chung anh là người được quyền nuôi, quyết định có hiệu lực pháp luật anh trực tiếp nuôi con, do anh không có công việc ổn định, nên anh phải đi làm ăn xa nhà để kiếm tiền nuôi con và phải gửi con cho bố mẹ anh là bà H chăm sóc, nuôi dưỡng khi anh vắng nhà, hiện nay cháu N chưa đủ 36 tháng tuổi. Anh cũng xác định anh bị khuyết tật được hưởng chính sách trợ cấp xã hội mỗi tháng 270.000 đồng. Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện chị V có công việc và thu nhập ổn định, có thời gian làm việc trong giờ hành chính nên có thời gian chăm sóc con nhiều hơn. Mặt khác con dưới 36 tháng tuổi nên theo quy định tại khoản 3 điều 81 luật hôn nhân gia đình về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ. Như vậy căn cứ vào quy định của pháp luật Tòa án nhân dân thành phố SC đã xét xử chấp nhận yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị V, giao con cho chị V nuôi là có căn cứ, kháng cáo của anh D không đưa ra được căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: Chị V không yêu cầu anh D cấp dưỡng nên tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho anh D. Anh D có quyền đi lại thăm nom và chăm sóc con chung.

Ý kiến của Luật sư tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của chị V xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, giao cho chị V trực tiếp nuôi cháu Đỗ Tuyết N, sinh ngày 14/12/2015 là có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án đã được thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của anh D, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 10/2018 ngày 17 tháng 7 năm 2018 là có căn cứ.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 điều 308, điều 148 BLTTDS. Điều 58, 81, 82, 83 và 84 Luật hôn nhân và gia đình; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về việc quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Bác kháng cáo của anh D, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 10/2018 ngày 17 tháng 7 năm 2018 của Tòa án thành phố SC, tỉnh TN.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị V về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn. Giao con chung Đỗ Tuyết N - sinh ngày 14/12/2015 cho chị Nguyễn Thị V trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cho đến khi đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Anh Đỗ Quang D có quyền đi lại thăm nom và chăm sóc con chung.

2. Về cấp dưỡng nuôi con: Chị V không yêu cầu anh Đỗ Quang D cấp dưỡng nuôi con chung. Tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho anh Đỗ Quang D cho đến khi chị Nguyễn Thị V có yêu cầu.

3. Về án phí: Anh Đỗ Quang D được miễn án phí DSST, Chị Nguyễn Thị V được trả lại số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Sông Công theo biên lai thu số 0010894 ngày 26 tháng 4 năm 2018.

Án phí phúc thẩm: miễn án phí phúc thẩm cho anh D.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

454
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2018/HNGĐ-PT ngày 27/09/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Số hiệu:23/2018/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:27/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về