Bản án 23/2017/HS-ST ngày 27/09/2017 về tội bắt người trái pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TỦA CHÙA, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 23/2017/HS-ST NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI BẮT NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 27 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án Nhân Dân huyện Tủa Chùa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 22/2017/HSST ngày 08 tháng 9 năm 2017theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2017/QĐ-TA ngày 14 tháng 9 năm 2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Sùng A M - tên gọi khác: không; sinh năm 1978; Tại xã TST, huyện T, tỉnh Điên Biên.

Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: thôn P, xã TST, huyện T, tỉnh Điện Biên. Nghề nghiệp: cán bộ; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Mông; Tôn giáo: không; Con ông Sùng A P – SN 1919 (đã chết) và con Cứ Thị C  – SN 1922 (đã chết); Vợ: Mùa Thị Ch – SN 1979 và 03 con, con lớn sinh năm 1996, con nhỏ nhất sinh năm 2006. Tiền án: không; Tiền sự: không; Tạm giữ, tạm giam: không, Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại:   Ông Chang A S – sinh năm 1977; địa chỉ: thôn P, xã TST,

huyện T, tỉnh Điện Biên/có mặt.

- Những người làm chứng:

+ Anh Sùng A L – sinh năm 1992 /có mặt.

+ Chị Hạng Thị S – sinh năm 1994 /có mặt.

+ Anh Lỳ A L – sinh năm 1979 /có mặt.

+ Ông Sùng A C – sinh năm 1958 /có mặt.

+ chị Mùa Thị Gi- sinh năm 1980 / có mặt

+ Anh Sùng A S – sinh năm 1986 / Vắng mặt.

+ Anh Phàng A V – sinh năm 1992 /Vắng mặt

+ Anh Sùng A H – sinh năm 1983 /Vắng mặt

+ Anh Sùng A P – sinh năm 1978 /Vắng mặt

Cùng địa chỉ: thôn P, xã TST, huyện T, tỉnh Điện Biên.

Người phiên dịch: anh Giàng A Dè – sinh năm 1985; địa chỉ: tổ dân phố TC, Thị trấn T, huyện T, tỉnh Điện Biên./ có mặt

NHẬN THẤY

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Vào 21 giờ, ngày 30/3/2017 người bị hại ông Chang A S sau khi uống rượu xong tại đám cưới trong thôn P, xã TST, huyện T, khi đi về đã vào nhà của ông Sùng A T cùng thôn (thời gian đó ông Sùng A T không có mặt tại nhà) khi vào trong nhà, ông S vào ngủ cùng giường với bà Mùa Thị D là vợ của ông T, lúc đó bà D cũng đi đám cưới về say rượu nên ngủ say nên không biết việc ông S vào ngủ cùng. Khi con dâu bà D dậy đi lấy nước uống cho chồng là Sùng A L phát hiện thấy ông S ngủ cùng với bà Mùa Thị D, khi đó thấy cả hai người vẫn mặc nguyên quần áo, Sùng A L đã gọi ông S dậy kéo ra khỏi buồng ngủ; Sùng A L giữ Chang A S và bảo Hạng Thị S đi gọi ông Sùng A C, Sùng A M đến; quá trình giằng co, lôi kéo nhau thấy S định bỏ chạy L đã dùng một thanh gỗ (dạng cán dao phát) có chiều dài 72cm, một đầu có đường kính 3cm, đầu còn lại có đường kính 2cm đánh trúng trán S, ở trên cung lông mày phải gây thương tích cho Chang A S là 6%. Sau đó Chang A S chạy ra ngoài sân, Sùng A L chạy theo giữ Chang A S lại, lúc giằng co đã làm rách áo của Chang A S. Khi ông Sùng A C đến  đã đưa Chang A S vào nhà xem thì bà Mùa Thị D vẫn đang ngủ trên giường và mặc nguyên quần áo, không bị ông S thực hiện hành vi trái pháp luật gì.

Khi Sùng A M và anh Lỳ A L đến, M thấy ông S đang ngồi trên nền nhà, cởi trần, mặc quần dài, trên mặt có chảy máu; M hỏi S tại sao vào ngủ với bà Mùa Thị D nhưng ông S bảo “đánh vào đầu tôi cho chết đi” Sùng A M đã kéo quần dài S ra và vứt xuống nền nhà, lúc này ông S chỉ còn mặc quần đùi. Bà Mùa Thị Gi (vợ của ông S) đến được nghe kể sự việc do ông S ngủ với bà Mùa Thị D, lúc này bà Mùa Thị D đang ngồi ở bếp, bà Gi liền lấy một thanh gỗ (dạng thanh củi) có chiều dài 72cm, đường kính 3,5cm đánh bà Mùa Thị D gây thương tích 7%.

Khi đó Sùng A M bảo Lỳ A L và Sùng A S trói ông S lại nhưng không ai trói, Sùng A M liền lấy sợi dây chun bọc vải màu vàng đen, dùng tay kéo hai tay S ra phía sau và dùng dây cuốn vòng ở cổ tay, buộc chặt hai tay S lại; Khoảng 30 phút sau thì Trưởng thôn và Công an viên thôn đến; công an viên Sùng A H đã yêu cầu cởi trói cho ông S, sau đó mọi người đưa ông S và bà D ra Phòng khám đa khoa xã TST chữa trị vết thương.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Sùng A M khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, người bị hại và những người làm chứng đều có lời khai phù hợp với lời khai của bị cáo về việc trói Chang A S, người bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại vấn đề gì và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Những người làm chứng Sùng A L, Hạng Thị S trình bày ngoài sự việc thấy Chang A S ngủ cùng giường với bà Mùa Thị D thì không thấy Chang A S thực hiện hành vi gì khác, tài sản trong gia đình không mất mát thứ gì.

Về hành vi gây thương tích của anh Sùng A L đối với Chang A S và của bà Mùa Thị Gi đối với bà Mùa Thị D, trong quá điều tra những người bị gây thương tích đã có đơn đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Sùng A L, Mùa Thị Gi, do đó cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án đối với hành vi cố ý gây thương tích và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Sùng A L và Mùa Thị Gi.

Bản cáo trạng số 13/QĐ-VKS-HS ngày 07/9/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T truy tố bị cáo Sùng A M về tội “Bắt người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 123; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 29 Bộ luật hình sự, xử phạt “Cảnh cáo” đối với bị cáo về tội Bắt người trái pháp luật; không áp dụng hình phạt bổ sung theo khoản 4 Điều 123 Bộ luật hình sự và không buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại do người bị hại không yêu cầu. Về

vật chứng đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 đoạn dây chun bọc vải màu vàng đen và miễn án phí HSST cho bị cáo.

Tại phiên tòa Bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo không có ý kiến tranh luận với luận tội của Kiểm sát viên và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, những người tham gia tố tụng khác giữ nguyên ý kiến.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng.

XÉT THẤY

[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa vắng mặt những người làm chứng Sùng A S, Phàng A V, Sùng A H, Sùng A P, xét thấy những người làm chứng đã có lời khai tại cơ quan điều tra và sự vắng mặt của những người này không gây trở ngại cho việc xét xử nên HĐXX quyết định xét xử vắng mặt họ theo quy định tại điều192 của BLTTHS.

[2] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa bị cáo Sùng A M khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với các lời khai của người bị hại, những người làm chứng đã chứng kiến sự việc. Sau khi bị cáo đến nhà ông Sùng A T và hỏi ông Chang A S về lý do gì mà vào nhà  ông Tằng, ngủ với bà Mùa Thị D nhưng ông S không trả lời câu hỏi, không thừa nhận có mối quan hệ bất chính với bà D nên bị cáo đã dùng tay tát vào mặt, kéo quần dài đang mặc của S ra và dùng dây trói hai tay người bị hại ra phía sau với thời gian 30 phút trong nhà của ông Sùng A T và bà Mùa Thị D.

Xét việc ông Chang A S đi vào nhà ông Sùng A T và ngủ cùng giường với bà Mùa Thị D khi đó ông S uống rượu say nên đã vào nhầm nhà, tuy có ngủ cùng giường với bà Mùa Thị D nhưng hai người đều do uống rượu nằm ngủ say không thực hiện hành vi gì, thể hiện qua lời khai của Sùng A L và Hạng Thị S xác nhận khi đó chứng kiến thấy hai người vẫn mặc nguyên quần áo, khi mọi người vào kiểm tra thì thấy bà D vẫn đang ngủ do say rượu, kiểm tra tài sản trong nhà không mất mát, hư hỏng vật gì.

Xét bị cáo hiện là Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã TST do đó không có thẩm quyền bắt giữ người theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hay thẩm quyền tạm giữ người theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; Mặt khác Chang A S là người trong thôn P do uống rượu say đi vào nhầm nhà và ngủ trên giường trong gia đình của ông Sùng A T và bà Mùa Thị D, Chang A S không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gì, thể hiện qua lời khai của bà Mùa Thị D, Sùng A L và Hạng Thị S do đó Chang A S cũng không thuộc trường hợp “phạm tội quả tang” hoặc “đang bị truy nã”. Do đó hành vi dùng dây trói tay Chang A S của bị cáo với thời gian 30 phút đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “Bắt người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999. Vì vậy VKSND huyện T truy tố bị cáo theo tội danh và điều luật là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; bị cáo nhận thức được hành vi của mình  xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do, dân chủ của công dân được pháp luật bảo vệ, do đó cần phải xử lý nghiêm nhằm giáo dục, ngăn ngừa tội phạm, bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội.

Xét nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:  Bị cáo Sùng A M sinh ra lớn lên tại tại xã TST, huyện T, văn hóa lớp 12/12. Năm 2003 đi bộ đội sau đó học sỹ quan dự bị và được kết nạp Đảng trong quân đội, đến năm 2006 bị cáo về địa phương và tham gia công tác Hội cựu chiến binh xã. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm h, p khoản 1 Điều 46 BLHS cho bị cáo;

Mặt khác xác định người bị hại cũng có một phần lỗi khi đang đêm vào nhà người khác và ngủ cùng chị dâu của bị cáo trong khi anh trai bị cáo không có ở nhà, dẫn đến tâm lý bức xúc và có phần gây kích động cho bị cáo nên cần xem xét tình tiết giảm nhẹ “người bị hại cũng có lỗi” theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP; Ngoài ra bị cáo có nhân thân tốt, đã được tặng thưởng nhiều giấy khen, danh hiệu chiến sĩ giỏi và trong quá trình điều tra và tại phiên tòa người bị hại đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS cho bị cáo; Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 BLHS.

Từ những phân tích trên, HĐXX xét thấy nguyên nhân dẫn đến bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật một phần do thiếu hiểu biết pháp luật, một phần do tâm lý bức xúc, có phần bị kích động khi mới uống rượu đám cưới về nghe thấy có người lạ vào ngủ cùng chị dâu nên đã không kìm chế được bản thân dẫn đến hành vi vi phạm; xét bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 46, và hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của BLHS, bị cáo là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, quá trình công tác bị cáo được tặng thưởng nhiều Giấy khen, Kỷ niệm chương của Hội cựu chiến binh và UBND xã TST, danh hiệu chiến sĩ giỏi trong quá trình tham gia quân đội … Do đó HĐXX thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp phải cải tạo đối bị cáo mà chỉ cần áp dụng hình phạt thấp nhất của khung để cảnh cáo đối với bị cáo cũng đủ để răn đe, giáo dục bị cáo và tạo điều kiện cho bị cáo được tiếp tục học tập, công tác, lao động sản xuất, đồng thời thể hiện tính khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội ít nghiêm trọng đã thật sự nhận ra lỗi lầm và thật sự ăn năn hối cải.

Qua vụ án này, cũng cho thấy trình độ nhận thức pháp luật của nhân dân và một số cán bộ cấp xã vẫn còn hạn chế; cụ thể trong vụ án này bản thân bị cáo với cương vị Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã nhưng do nhận thức pháp luật không rõ ràng mới dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật. Hội đồng xét xử kiến nghị UBND các xã cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân; nhất là pháp luật hình sự về các hành vi xâm phạm về quyền tự do thân thể, quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của công dân.

[3] Về hình phạt bổ sung:  Không áp dụng hình phạt bổ sung theo khoản 4 Điều 123 BLHS đối với Bị cáo.

[4] Về bồi thường dân sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa người bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường vấn đề gì nên HĐXX không xem xét.

[5] Về các vấn đề khác:

Đối với Sùng A L và bà Mùa Thị Gi có hành vi gây thương tích; trong giai đoạn điều tra những người bị hại ông S và bà D đã không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Lử và bà Giàng nên cơ quan điều tra  đã ra quyết định không khởi tố vụ án và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Sùng A L và bà Mùa Thị Gi là phù hợp với quy định tại điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự. Đối với 01 đoạn gậy gỗ (dạng cán dao phát) và 01 thanh gỗ (dạng thanh củi) cơ quan điều tra đã xử lý tịch thu tiêu hủy theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính là phù hợp.

[6] Về vật chứng của vụ án:

- 01 đoạn dây chun bọc vải màu vàng- đen, có kích thước dài 5,15m, rộng 2cm đã cũ, là vật không còn giá trị và giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.

- 02 điện thoại di động cơ quan điều tra đã quyết định trả lại cho người bị hại là phù hợp với quy định của pháp luật nên HĐXX cần chấp nhận

[7] Về án phí:  xét Bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có Điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên cần miễn toàn bộ án phí cho Bị cáotheo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên!

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Sùng A M phạm tội: "Bắt người trái pháp luật”.

- Áp dụng khoản 1 Điều 123; Điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 29 của Bộ luật hình sự năm 1999; điều 71 của Luật thi hành án hình sự

Xử phạt bị cáo Sùng A M hình phạt:  Cảnh cáo. Hình phạt được thi hành ngay tại phiên tòa do Tòa án tuyên.

2. Về vật chứng vụ án:

- Áp dụng điểm a,đ khoản 2, khoản 3 Điều 76 của BLTTHS

+ Chấp nhận quyết định xử lý vật chứng của cơ quan điều tra về việc trả lại các vật chứng cho người bị hại gồm: 01 điện thoại di động nhãn hiệu Mostel màu xanh đen đã qua sử dụng; 01 điện thoại di động nhãn hiệu GIONEE màu đen trắng đã qua sử dụng.

+ Tịch thu và tiêu hủy 01 đoạn dây chun bọc vải màu vàng đen, có kích thước dài 5,15m, rộng 02cm, một đầu dây có móc bằng kim loại hình chữ "S", đã cũ; hiện cơ quan Thi hành án dân sự đang quản lý theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 07/9/2017 giữa cơ quan Điều tra và Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.

3. Về án phí:  Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

4. Kháng cáo: Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 27/ 9/2017).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

653
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2017/HS-ST ngày 27/09/2017 về tội bắt người trái pháp luật

Số hiệu:23/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tủa Chùa - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về