Bản án 23/2016/KDTM-PT ngày 15/07/2016 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 23/2016/KDTM-PT NGÀY 15/07/2016 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 15 tháng 7 năm 2016, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét  xử  phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 01/2016/TLPT-KDTM ngày 04 tháng 01 năm 2016 về việc: "Tranh chấp hợp đồng tín dụng".

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 52/2015/KDTM-ST ngày 10/11/2015 của Toà án nhân dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng có kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 214/QĐ-PT ngày 28 tháng 3 năm 2016 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng A; Địa chỉ: Số 35 Đường B, quận C, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông D – Giám đốc chi nhánh E - là người đại diện theo ủy quyền ( Quyết định 1920/QĐ-PC ngày 22/ 10/2013 của Chủ tịch hội đồng quản trị A). Vắng mặt.

Người được ủy quyền lại làm đại diện:

- Ông F – Cán bộ khách hàng doanh nghiệp Chi nhánh E (Giấy ủy quyền số 2050/UQ – ACD ngày 20/01/2016). Có mặt.

- Ông G – Phó phòng TT XLN A (Giấy ủy quyền số 956/UQ – ACD ngày 14/7/2016). Có mặt.

2. Bị đơn: Công ty TNHH H; Địa chỉ: Thôn I, xã J, huyện K, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà L – Giám đốc. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông M, sinh năm 1940 và bà N sinh năm 1939. Đều trú tại: Thôn O, xã J, huyện K, thành phố Hải Phòng. Đều vắng mặt.

- Bà P sinh năm 1955 và ông Q sinh năm 1955. Đều trú tại: Thôn R, xã J, huyện K, thành phố Hải Phòng. Bà P có mặt, ông Q vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P: Ông R - luật sư Văn phòng luật sư S - Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng. Có mặt.

4. Người kháng cáo: Công ty TNHH H, bà P

NHẬN THẤY

* Theo bản án sơ thẩm, nguyên đơn Ngân hàng A trình bày:

Ngân hàng liên doanh T chi nhánh Hà Nội và Công ty TNHH H có ký kết các hợp đồng tín dụng sau:

1. Hợp đồng tín dụng trung hạn số 01-1429/HĐTD – TH ngày 30/01/2007: Ngân hàng cho Công ty H vay 4.278.000.000 đồng để đóng tàu chở hàng khô có tải trọng 1.200 tấn mang tên tàu H 08, thời hạn vay 60 tháng.

Tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản đầu tư được hình thành bằng vốn tự có và vốn vay ngân hàng là tàu H 08.

Ngày 02/02/2007 hai bên đã ký hợp đồng thế chấp tài sản là tàu H 08 theo Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cấp ngày 05/01/2007. Giá trị tài sản 6.000.000.000 đồng. Hợp đồng thế chấp tài sản  được công chứng chứng thực và tài sản có đăng ký giao dịch bảo đảm.

2. Hợp đồng tín dụng số 01-1429/2010/HĐTD ngày 29/12/2010: Ngân hàng cho Công ty H vay 700.000.000 đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh, thời hạn vay 12 tháng. Tài sản đảm bảo gồm:

- Quyền sử dụng 205,2 m2   đất ở và toàn bộ tài sản gắn liền với đất  tại thôn O, xã J, huyện K được UBND huyện K cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 521819 ngày 28 tháng 12 năm 2006 mang tên ông M và bà N được ký Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 29/12/2008;

- Tàu H 08 theo hợp đồng thế chấp tài sản ngày 02/02/2007.

Thực hiện các hợp đồng tín dụng, Ngân hàng đã cho Công ty H vay đủ số tiền theo đúng hợp đồng bằng các khế ước nhận nợ ngày 30/01/2007 và ngày 29/12/2010.

Tuy nhiên, Công ty H đã không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng như thời hạn đã cam kết tại các Hợp đồng tín dụng và tại các khế ước nhận nợ, dẫn đến nợ của Công ty bị quá hạn.

Ngân hàng đã nhiều lần đôn đốc trả nợ vay nhưng Công ty H vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ theo cam kết hợp đồng tín dụng.

Việc không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, Công ty H  nêu do tàu H 08 sau thời gian bị bắt giữ phải đưa đi hoán cải nên không hoạt động. Ngày 21/6/2011 Công ty H có công văn số 01/CV-2011 gửi Ngân hàng về việc xin hoán cải tàu H 08 trên cơ sở Công ty tự huy động vốn. Ngày 28/6/2011 Công ty có giấy cam kết về quá trình hoán cải và sau hoán cải tàu với Ngân hàng, Ngân hàng có công văn đồng ý để tạo điều kiện cho Công ty hoán cải tàu theo đúng quy định. Việc hoán cải tàu Công ty nêu có sự tham gia góp vốn của vợ chồng bà P nhưng Ngân hàng không được Công ty thông báo và không có văn bản đồng ý cho bà P tham gia hoán cải tàu. Tàu H 08 vẫn là tài sản thế chấp của ngân hàng.

Tính đến 31/10/2014, Công ty H còn nợ Ngân hàng theo các hợp đồng tín dụng như sau:

- HĐTD 01-1429/HĐTD-TH ngày 30/01/2007 còn nợ 2.558.500.000 đồng tiền gốc và 1.944.218.528 đồng tiền lãi.

- HĐTD 01-1429/2010/HĐTD ngày 29/12/2010 còn nợ 650.000.000 đồng tiền gốc và 427.633.333 đồng tiền lãi.

Tổng cả hai hợp đồng, Công ty nợ gốc là: 3.208.500.000 đồng, nợ lãi là: 2.371.851.861đồng.

Ngày 01/11/2014 Ngân hàng khởi kiện Công ty H tại Tòa án với yêu cầu:

-  Buộc Công ty H thanh toán số tiền nợ tạm tính đến ngày 31/10/2014 nêu trên và nợ lãi phát sinh theo lãi suất quá hạn các Hợp đồng tín dụng cho đến khi thi hành án xong.

- Trường hợp Công ty H không thực hiện được việc trả nợ thì đề nghị được xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, tính đến ngày 09 tháng 11 năm 2015 Công ty H còn nợ  Ngân  hàng  tổng  số  tiền  là  5.948.644.409  đồng  trong  đó  nợ  gốc  là: 3.208.500.000 đồng, nợ lãi: 2.740.144.409 đồng.

* Bị đơn - Công ty H xác nhận có ký kết các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng Liên doanh T chi nhánh Hà Nội nay là A – chi nhánh E. Công ty được Ngân hàng cho vay số tiền theo đúng các hợp đồng tín dụng đã ký.

Quá trình vay, Công ty luôn thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ theo thời hạn hợp đồng. Nhưng do từ tháng 4/2008 đến 8/2009 tàu H 08 bị công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ nên Công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Sau khi nhận lại tàu, do tàu bị hư hỏng và tải trọng không còn phù hợp thị trường vận tải nên Công ty phải hoán cải nâng cấp. Do tàu đã thế chấp cho Ngân hàng nên Công ty không thể vay thêm được vốn, vì vậy Công ty phải huy động vốn khác. Công ty có công văn đề nghị và được Ngân hàng đồng ý cho hoán cải tàu.  Công ty đã huy động vốn của bà P để đầu tư hoán cải tàu. Việc đầu tư của bà P mục đích cùng hợp tác kinh doanh, phần giá trị chênh lệch của tàu trước và sau khi hoán cải là tiền của bà P. Từ ngày 17/6/2013 tàu được hoán cải và đi vào hoạt động ổn định, Công ty có văn bản đề nghị Ngân hàng cơ cấu lại nợ vay theo hợp đồng đã ký kết và nhiều lần đề nghị Ngân hàng miễn lãi trong thời gian tàu gặp sự cố không khai thác được do khách quan. Công ty đề nghị thanh toán tiền nợ gốc mỗi tháng 50.000.000 đồng nhưng Ngân hàng không đồng ý.

Công ty xác nhận còn nợ Ngân hàng tiền gốc của hai hợp đồng là 3.208.500.000 đồng và tiền lãi như ngân hàng nêu. Công ty đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện cho Công ty tiếp tục khai thác tàu H 08 để trả nợ dần 50.000.000 đồng/tháng. Công ty không đồng ý việc phát mại tàu để thu hồi nợ vì tàu khi thế chấp có hoán cải nên tàu có giá trị khác, phần giá trị hoán cải phải có sự thỏa thuận của bà P.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan :

- Ông M và bà N xác nhận ông  bà  có ký hợp đồng thế chấp tài sản ngày 29/12/2008 với Ngân hàng. Tài sản ông bà thế chấp là quyền sử dụng 205,2 m2 đất ở và toàn bộ tài sản gắn liền với đất  tại thôn O, xã J, huyện K được UBND huyện K cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 521819 ngày 28 tháng 12 năm 2006. Tài sản trên đảm bảo cho số tiền 700.000.000 đồng Công ty H vay Ngân hàng. Ông bà đề nghị Ngân hàng cho Công ty trả nợ dần, không đồng ý phát mại tài sản ông bà thế chấp vì ông bà không còn chỗ ở nào khác.

- Bà P và ông Q: Năm 2011 bà được biết tàu H 08 thế chấp cho Ngân hàng. Công ty H có công văn đề nghị Ngân hàng và được Ngân hàng đồng ý cho hoán cải  nên bà đã đầu tư vốn hoán cải tàu. Trước khi hoán cải, tàu chỉ còn giá trị 3 tỷ đồng, bà đã đầu tư thêm 3 tỷ đồng theo  thỏa thuận với Công ty H. Vì vậy bà là đồng sở hữu con tàu  H 08 với tỷ lệ 50% giá trị con tàu. Khi đầu tư bà không thông báo cho Ngân hàng nhận thế chấp tàu biết. Nay ông bà đề nghị Ngân hàng cơ cấu lại khoản vay của Công ty H để vợ chồng bà cùng có trách nhiệm trả nợ của Công ty H mỗi tháng 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ông bà không đồng ý phát mại tàu H 08  để ngân hàng thu hồi nợ.

Tại bản án số 52/2015/KDTM-ST ngày10 tháng 11 năm 2015 của Toà án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng đã áp dụng  Điều 280, Điều 281, Điều 290, Điều 342, Điều 343, Điều 344, Điều 346, Điều 348, Điều 349, Điều 351, Điều 354, Điều 355, Điều 471, Điều 474, Điều 476, Điều 715, Điều 720, Điều 721 Bộ luật dân sự; áp dụng Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; Áp dụng Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27 tháng 02 năm 2009 của UBTVQH, xử:

Chấp nhận yêu cầu của A.

Buộc công ty TNHH TM và VT H có nghĩa vụ phải trả cho A thương mại cổ phần tính đến ngày 09/11/2015 tổng số tiền là 5.948.644.409 đồng trong đó nợ gốc là 3.208.500.000 đồng, nợ lãi là 2.740.144.409 đồng.

Công ty TNHH TM và VT H  tiếp tục chịu khoản tiền lãi đối với khoản nợ gốc kể từ ngày 10/11/2015 cho đến khi thanh toán hết nợ cho ngân hàng, theo mức lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng các bên có thỏa thuận về điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

Trường hợp Công ty TNHH TM và VT H  không thanh toán trả nợ được cho A thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ bao gồm:

Tàu H 08, số đăng ký HP 2510, cấp phương tiện S1, đóng năm 2016, trọng tải 1.070 tấn, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở giao thông công chính thành phố Hải Phòng cấp ngày 05/01/2007, hoán cải năm 2011 tại Hải Dương, trọng tải 1.768 tấn. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa số 2326/ĐK do Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cấp ngày 15/3/2012. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa số 00153/15V34 do Chi Cục đăng kiểm Hải Hưng cấp tại Hải Dương ngày 20/3/2015 có hiệu lực đến ngày 19/3/2016, để đảm bảo cho khoản vay của hợp đồng tín dụng số 01-1429/HĐTD-TH ngày 30/01/2007 (hợp đồng thế chấp tài sản có công chứng364/2006/TC n gày 02/02/2007).

Trường hợp Công ty TNHH TM và VT H không trả được khoản nợ cho Ngân hàng thì Ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm là:  Quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại thửa số 1234 tờ bản đồ số 01; địa chỉ: Xóm O, xã J, huyện K, thành phố Hải Phòng, diện tích là 205,2mđược Ủy ban nhân dân huyện K cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 521819 vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H/01505, cấp ngày 28/12/2006 chủ sử dụng ông M và vợ là N, để đảm bảo khoản vay theo hợp đồng tín dụng trung hạn số 01-1429/2010/HĐTD ngày 29/12/2010 (Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 hợp đồng công chứng 3115/TCTS/PTXB-08 ngày 29/12/2008).

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí, lãi suất chậm thi hành án đối với Công ty TNHH H, quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 23 tháng 11 năm 2015 Công ty H và bà P cùng có đơn kháng cáo.

Tại phiên toà phúc thẩm:

* Bị đơn - Công ty H trình bày: Công ty vẫn giữ nguyên đơn kháng cáo với các nội dung:

- Ngân hàng A không có quyền khởi kiện vì Công ty vay tiền của Ngân hàng liên doanh T chi nhánh Hà Nội không vay tiền của A.

- Thời gian tàu H 08 bị bắt giữ do người lao động trên tàu vi phạm pháp luật là sự cố ngoài ý muốn của Công ty, thời gian bị bắt giữ tàu không được hoạt động nhưng ngân hàng không miễn lãi cho Công ty. Thời gian tàu nghỉ hoạt động để hoán cải, có sự đồng ý của Ngân hàng, nhưng ngân hàng vẫn tính lãi là không phù hợp với thỏa thuận hợp đồng tín dụng.

- Công ty có đơn xin miễn giảm án phí nhưng Tòa án sơ thẩm không xét.

-  Bà P đầu tư hoán cải tàu H 08 được Tòa án lấy lời khai, đưa vào vụ kiện nhưng khi xử Tòa lại tách ra vụ kiện độc lập khác là giải quyết không triệt để đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty H vẫn xác nhận số tiền nợ ngân hàng đến ngày 09/11/2015 như Ngân hàng nêu là đúng. Đối với tàu H 08 sau khi hoán cải, được Sở giao thông công chính Hải Phòng cấp lại Giấy CNĐK phương tiện thủy nội địa số 2326/ĐK ngày 15/3/2012. Sau khi hoán cải tàu và được cấp Giấy CNĐK mới thì Ngân hàng và Công ty H đã ký kết lại hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012. Công ty có huy động vốn của bà P để hoán cải tàu nên đề nghị Tòa án xem xét giải quyết quyền lợi của bà P đối với tàu H 08.

* Bà P trình bày: Bà vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo phần bản án sơ thẩm tuyên phát mại tàu H, với lý do: Bà có đầu tư 3 tỷ đồng cho Công ty H để sửa chữa, hoán cải tàu H 08 nên bà là đồng sở hữu con tàu. Vì vậy bà đề nghị cấp phúc thẩm xem xét quyền lợi của bà đối với tàu H 08 khi mà Ngân hàng có yêu cầu phát maị  để thu hồi thu hồi nợ vay của Công ty H.

Bà P khai: Việc đầu tư hoán cải tàu bà có ký hợp đồng hợp tác với Công ty nhưng Ngân hàng nhận thế chấp tàu không biết việc đầu tư của bà. Bà cũng không thông báo cho Ngân hàng biết về việc bà đầu tư hoán cải tàu.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P nêu: Tàu H hoán cải có sự tham gia đầu tư tiền của bà P là có thật thể hiện trên các phiếu thu của Công ty H. Sau khi tàu hoán cải, Ngân hàng và Công ty có lại ký hợp đồng thế chấp  ngày 27/6/2012 nhưng hợp đồng này không ghi nhận được thay thế hợp đồng thế chấp đã ký ngày 02/02/2007. Tài sản thế chấp theo hợp đồng mới chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Ngày 08/7/2016 mới đăng ký giao dịch bảo đảm là do Ngân hàng tự thực hiện Công ty không ký đơn đề nghị, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Về người tham gia tố tụng của nguyên đơn: Người được ủy quyền của Ngân hàng chỉ được ủy quyền lại cho Phó giám đốc Chi nhánh nhưng lại ủy quyền cho các cán bộ là không đúng với Điều 4  Quyết định 1920/QĐ-PC ngày 22/ 10/2013 của Chủ tịch hội đồng quản trị A. Vì vậy là vi phạm về tố tụng, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.

* Đại diện A nêu:

Đối với việc hoán cải tàu, Ngân hàng đồng ý cho Công ty được hoán cải theo vốn do Công ty tự huy động. Ngân hàng không biết việc bà P đầu tư tiền với Công ty H và cũng không có văn bản đồng ý cho bà P đầu tư hoán cải tàu. Sau khi tàu được hoán cải, tàu được cấp Giấy CNĐK phương tiện thủy nội địa số 2326/ĐK ngày 15/3/2012 chỉ có duy nhất tên Công ty H. Tàu H 08 vẫn là tài sản Công ty thế chấp cho Ngân hàng, việc ký lại hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 là trên cơ sở cam kết ngày 28/6/2011 của Công ty và Giấy chứng nhận ngày 15/3/2012. Theo Nghị định của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm thì đối với phương tiện thủy nội địa không bắt buộc phải đăng ký. Tại cấp sơ thẩm do Tòa án không yêu cầu cung cấp hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 nên Ngân hàng chưa cung cấp, tại cấp phúc thẩm Ngân hàng đã cung cấp bổ sung các tài liệu này.

* Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đúng các quyền và nghĩa vụ, tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về kháng cáo của Công ty H là không có cơ sở để chấp nhận.

Về kháng cáo của bà P về quyền lợi đối với tàu H 08 khi Ngân hàng đề nghị phát mại thu hồi nợ: Sau khi tàu được hoán cải được cấp giấy chứng nhận mới vẫn do Công ty H là chủ sở hữu, bà P không đứng tên đồng sở hữu. Hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 đã được công chứng chứng thực, có hiệu lực thực hiện mà không cần phải làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP vì là phương tiên thủy nội địa. Vì vậy đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty H và của bà P.

Sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ được xem xét, ý kiến tranh luận của các bên, ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa, xét đơn kháng cáo của Công ty H và kháng cáo của bà P, Hội đồng xét xử phúc thẩm

XÉT THẤY

1. Về tố tụng:

- Ông M, bà N là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ ba vẫn vắng mặt, vì vậy, Tòa án xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Những người đại diện theo ủy quyền lại của nguyên đơn là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định 1920/QĐ-PC ngày 22/10/2013 của Chủ tịch Hội đồng quản trị A. Vì vậy, bản án sơ thẩm chấp nhận những người này là đại diện hợp pháp của nguyên đơn là đúng, không vi phạm thủ tục tố tụng.

2. Về nội dung:

Các Hợp đồng tín dụng trung hạn số 01-1429/HĐTD – TH ngày 30/01/2007 và Hợp đồng tín dụng số 01-1429/2010/HĐTD ngày 29/12/2010  được ký kết giữa Ngân hàng liên doanh T chi nhánh Hà Nội với Công ty TNHH H  phù hợp với các Điều 121, Điều 122 Bộ luật Dân sự là những hợp đồng kinh doanh hợp pháp.

Các hợp đồng thế chấp tài sản là tàu H 08 giữa Ngân hàng với Công ty H ngày 02/02/2007 và được ký lại ngày 27/6/2012 được công chứng, chứng thực; Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa Ngân hàng với bên thứ ba  là ông M và N ngày 29/12/2008 được ký kết trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với các quy định của pháp luật, được công chứng chứng thực và được đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực thực hiện.

Ngân hàng đã thực hiện nghĩa vụ cho Công ty H vay tiền theo đúng cam kết tại các hợp đồng tín dụng. Mặc dù đã nhận tiền vay để kinh doanh nhưng Công ty H đã  không thực hiện  nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo đúng kỳ hạn hợp đồng đã cam kết. Việc không trả nợ theo đúng cam kết hợp đồng của Công ty là đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, vi phạm hợp đồng. Vì vậy Ngân hàng khởi kiện là phù hợp với Điều 13 hợp đồng tín dụng trung hạn ngày 30/01/2007 và khoản 3 điều 11 hợp đồng tín dụng ngày 29/12/2010. Tính đến ngày 09 tháng 11 năm 2015 số tiền vay  của Công  ty  H  đối  với  Ngân  hàng  được  các  bên  xác  nhận  nợ  gốc  là: 3.208.500.000 đồng, nợ lãi: 2.740.144.409 đồng.

*  Xét các lý do kháng cáo của Công ty H:

- Kháng cáo về xác định tư cách nguyên đơn của A: Ngày 23/9/2013 Ngân hàng Nhà nước có công văn 6963/NHNN-TTGSNH chấp nhận cho A được mở Chi nhánh E. Ngày 24/9/2013 A đã ra quyết định 1674/QĐ-HĐQT mở Chi nhánh E trên cơ sở tiếp nhận và chuyển đổi Ngân hàng liên doanh T chi nhánh Hà Nội. A tiếp nhận chuyển giao toàn bộ tài sản, công nợ, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Ngân hàng liên doanh T chi nhánh Hà Nội. Vì vậy theo quy định Điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự 2012, A kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ tố tụng của Ngân hàng liên doanh T chi nhánh Hà Nội, án sơ thẩm xác định A là nguyên đơn là đúng.

Công ty H và Ngân hàng là các tổ chức có đăng ký kinh doanh, nên tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng tín dụng giữa hai bên án sơ thẩm xác định là tranh chấp về kinh doanh, thương mại là đúng.

- Kháng cáo về miễn giảm tiền lãi vay theo các hợp đồng tín dụng: Tàu H 08 có thời gian bị bắt giữ do vi phạm, tuy là ngoài ý muốn của Công ty nhưng trong hợp đồng tín ngày 30/01/2007 giữa hai bên không có điều khoản nào quy định cho Công ty được miễn trả tiền lãi vay trong thời gian tàu bị bắt giữ. Ngân hàng đồng ý với đề nghị của Công ty về việc hoán cải tàu H 08, không có thỏa thuận cho Công ty được miễn trả lãi vay trong thời gian hoán cải tàu. Vì vậy Công ty kháng cáo yêu cầu Ngân hàng miễn giảm lãi vay trong thời gian tàu bị bắt giữ và hoán cải tàu là không có căn cứ và không được Ngân hàng chấp nhận.

- Kháng cáo Tòa án sơ thẩm không xét giảm án phí theo đơn của Công ty: Theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì Công ty không là đối tượng được xét giảm án phí, vì vậy án sơ thẩm không xét đơn xin giảm án phí của Công ty là đúng.

* Xét  kháng cáo của Công ty và kháng cáo của bà P về quyền lợi của bà P trong trường hợp Ngân hàng đề nghị thi hành án phát mại tàu H 08:

Tàu H 08 là tài sản Công ty đã thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của Công ty theo hợp đồng thế chấp ký ngày 02/02/2007 với giá trị là 6.000.000.000 đồng.

Ngày 21/6/2011  Công ty có công văn 01/CV-2011 đề nghị Ngân hàng cho hoán cải và nâng cấp tàu H 08 từ 1.050 tấn lên 1.900 tấn. Tại dự án hoán cải tàu và giấy cam kết của Công ty  thì Công ty sẽ thế chấp lại tàu H 08 ngay sau khi thực hiện việc hoán cải và nhận Giấy chứng nhận tàu. Ngân hàng đồng ý cho Công ty hoán cải tàu với điều kiện: Việc hoán cải phải được Cục đăng kiểm Việt Nam duyệt thiết kế hoán cải, sau khi hoàn thiện việc hoán  cải và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký tàu thì Công ty phải ký lại hợp đồng thế chấp. Việc Công ty đề nghị Ngân hàng cho hoán cải tàu là hoàn toàn phù hợp với thực tế  và phù hợp với quy định tại Điều 27 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính Phủ. Sau khi tàu hoán cải và được Sở giao thông công chính Hải Phòng cấp Giấy CNĐK phương tiện thủy nội địa số 2326/ĐK ngày 15/3/2012, hai bên đã ký kết lại hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 được hai bên xác nhận tại phiên tòa phúc thẩm. Việc ký kết lại hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 trên cơ sở cam kết của Công ty được Ngân hàng chấp nhận. Do đó, các bên không cần thiết phải ghi nhận hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 được thay thế hợp đồng thế chấp đã ký ngày 02/02/2007. Hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 được công chứng chứng thực là đủ hiệu lực thực hiện. Đối với tàu H 08 là phương tiện thủy nội địa không thuộc đối  tượng  phải  đăng  ký giao dịch bảo đảm theo quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CPNghị định 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Việc Ngân hàng làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ để được quyền ưu tiên thanh toán khi phát mại tàu.

Công ty và bà P cho rằng việc hoán cải tàu có sự góp vốn đầu tư của bà P nên sau khi tàu được hoán cải thì bà P cũng là đồng sở hữu tàu là không có căn cứ, bởi lẽ: Các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời khai của bà P thì Ngân hàng không biết và không có văn bản đồng ý cho bà P đầu tư hoán cải tàu H 08.  Hợp đồng hợp tác ký ngày 22/7/2011 giữa Công ty với bà P không là căn cứ xác định bà P là bên thứ ba đầu tư vào tài sản là tàu H 08 mà Công ty đã thế chấp với Ngân hàng. Giấy CNĐK phương tiện thủy nội địa số 2326/ĐK ngày 15/3/2012 thể hiện Công ty H  duy nhất là chủ sở hữu tàu H.

Vợ chồng bà P có tham gia góp vốn với Công ty để hoán cải tàu là quan hệ dân sự khác, không có căn cứ xác định vợ chồng ông bà P là đồng chủ sở hữu tàu H nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể chấp nhận kháng cáo đề nghị xem xét đến quyền lợi khi phát mại tàu H của bà P.

Từ những phân tích nêu trên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty H,  không chấp nhận kháng cáo của bà P. Tài sản thế chấp là tàu H đã được  các bên ký lại hợp đồng thế chấp ngày 27/6/2012 nhưng quyết định của bản án sơ thẩm vẫn tuyên theo hợp đồng thế chấp ngày 02/02/2007 là không đúng, vì vậy Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm cho phù hợp. Do  sửa một phần án sơ thẩm  nên  Công ty H và bà P không phải chịu án phí phúc thẩm.

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH H, không chấp nhận kháng cáo của bà P. Sửa một phần bản án sơ thẩm.

Áp dụng Điều 280, Điều 281, Điều 290, Điều 342,Điều 343, Điều 344, Điều 346, Điều 348, Điều 349, Điều 351, Điều 354, Điều 355, Điều 471, Điều 474, Điều 476, Điều 715, Điều 720, Điều 721 của  Bộ luật dân sự; Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng;  Khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 27, Khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng  A.

Buộc công ty TNHH H có nghĩa vụ phải trả cho Ngân hàng A tính đến ngày 09/11/2015 tổng số tiền là 5.948.644.409 đồng trong đó nợ gốc là 3.208.500.000 đồng, nợ lãi là 2.740.144.409 đồng.

Kể từ ngày 10/11/2015 Công ty TNHH H còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại các hợp đồng tín dụng của số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong hết nợ.

Trường hợp Công ty TNHH H không trả được nợ   cho Ngân hàng A thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản đảm bảo là:

- Tàu H 08, số đăng ký HP 2510, cấp phương tiện S1, đóng năm 2006, trọng tải 1.070 tấn, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa số 2326/ĐK do Sở giao thông công chính thành phố Hải Phòng cấp ngày 05/01/2007; Hoán cải năm 2011 tại Hải Dương, trọng tải 1.768 tấn. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa số 2326/ĐK do Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cấp ngày 15/3/2012. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa số 00153/15V34 do Chi Cục đăng kiểm Hải Hưng cấp tại Hải Dương ngày 20/3/2015 có hiệu lực đến ngày 19/3/2016, để đảm bảo cho khoản vay của hợp đồng tín dụng trung hạn số 01-1429/2010/HĐTD ngày 29/12/2010 (Hợp đồng thế chấp tài sản ký ngày 27/6/2012).

- Quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại thửa số 1234 tờ bản đồ số 01; địa chỉ: Xóm O, xã J, huyện K, thành phố Hải Phòng, diện tích là 205,2m2 được Ủy ban nhân dân huyện K cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 521819 vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H/01505, cấp ngày 28/12/2006 chủ sử dụng ông M và vợ là N, để đảm bảo khoản vay theo hợp đồng tín dụng số 01-1429/HĐTD-TH ngày 30/01/2007 (Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 ký ngày 29/12/2008).

2. Về án phí:

- Công ty TNHH H  phải chịu 113.948.644 đồng án phí sơ thẩm, không phải chịu án phí phúc thẩm. Công ty được trừ đi 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007116 ngày 09/12/2015 tại Chi Cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng, Công ty còn phải nộp tiếp 113.748.644 đồng án phí sơ thẩm.

- Bà P không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn lại cho bà P 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007117 ngày 09/12/2015 tại Chi Cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng.

- Hoàn lại cho Ngân hàng A số tiền 48.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0010707 ngày 23/01/2015 tại Chi Cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và  Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án đươc quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1019
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2016/KDTM-PT ngày 15/07/2016 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:23/2016/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:15/07/2016
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về