Bản án 229/2018/DS-PT ngày 14/06/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 229/2018/DS-PT NGÀY 14/06/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT

Ngày 14 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 81/2017/TLPT-DS ngày 20 tháng 11 năm 2017 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt” do có kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2017/DS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3463/2018/QĐ-PT ngày 30 tháng 5 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Dòng họ Đ

Địa chỉ: Khu 3, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

Đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Đỗ Đức H, sinh năm 1964; địa chỉ: Số 2, ngõ 55, phố G, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

Bị đơn: Bà Đỗ Thị L, sinh năm 1967; địa chỉ: Số nhà 16 phố Thái Bình, khu 3, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Đỗ Bá S, sinh năm 1934 và bà Bùi Thị P, sinh năm 1938; địa chỉ: Số nhà 16 phố T, khu 3. thi trấn G, huyên G, tỉnh Hải Dương.

Ủy quyền cho ông Đỗ Bá Q, Đỗ Thị N, Đỗ Thị L.

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và người liên quan: Luật sư Nguyễn Trọng Q, Văn phòng luật sư An Phước thuộc đoàn luật sư tỉnh Hải Dương.

- UBND huyện G, tỉnh Hải Dương.

Người làm chứng:

- Ông Đỗ Mạnh M, sinh năm 1948; địa chỉ: Số nhà 32, khu 2, thị trấn G,

huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Ông Bùi Văn H, sinh năm 1952 (nguyên cán bộ địa chính của thị trấn G); địa chỉ: Số nhà 02, ngõ 173 phố C, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Ông Mai Xuân T - Trưởng khu 3 thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương; địa chỉ: Khu 3 P, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Ông Trần Quốc T, sinh năm 1932; địa chỉ: Thôn P, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Ông Hoàng Đức T, sinh năm 1940; địa chỉ: Khu 3, P, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Ông Đỗ Thế X, sinh năm 1936; địa chỉ: Khu 3, P, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Ông Nguyễn Kim N, sinh năm 1934; địa chỉ: Khu 2, P, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Anh Đỗ Văn Q, sinh năm 1973; địa chỉ: Số 20 phố T, khu 3, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Ông Đỗ Gia V, sinh năm 1956- nguyên trưởng thôn P. Địa chỉ: Khu 3, thị trấn G, huyện G, tỉnh Hải Dương.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện của phía nguyên đơn, lời khai của ông Đỗ Hồng T (Trưởng tộc dòng họ Đ); lời khai của ông Đỗ Đức H (Đại diện theo ủy quyền) trình bày:

Dòng họ Đ có ngôi mộ tổ có tên là “Huyền Chân” ở khu Đống tại khu 3, thị trấn G (trước đây là thôn P, xã P) từ năm 1615 đến nay (402 năm). Phần mộ Tổ họ Đỗ ở cạnh đất nhà ông Đỗ Bá S. Trước đây, lối đi vào mộ là bờ ruộng. Quá trình sử dụng, ông S san lấp phần đất ruộng, đất ao phía giáp lối đi, và đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt: GCNQSD đất) nhưng không để lại lối đi vào mộ. Để cho rõ ràng, dòng họ đã tổ chức cuộc họp và ông S có ý kiến và nhờ lập “Giấy chứng nhận” ngày 23/10/2003 có xác nhận của UBND thị trấn G, nội dung: Tên tôi là Đỗ Bá S,...Dòng họ thảo luận đi đến nghị quyết thống nhất, con đường từ đường cái làng tới phần mộ “cụ Huyền Chân” rộng 01m nằm độc lập phục vụ cho việc đi lại thuận lợi cho dòng họ đi; nay giao lại cho tôi trông nom sử dụng và xóa hàng rào ngăn cách để tiện sinh hoạt, hàng năm tôi có trách nhiệm phục vụ và tạo điều kiện cho dòng họ đi lại thăm viếng tảo mộ và được phép sử dụng lưu truyền con cháu.

Nếu sau này gặp trường hợp đặc biệt nhượng quyền sở hữu cho chủ khác, người đương kim ở trên mảnh đất quyền sở hữu mang tên Đỗ Bá S phải có trách nhiệm đến mời một số cụ cao liên và trưởng dòng họ thực hiện đúng nghị quyết trên. Đo con đường rộng 01m từ đường cái làng đến phần mộ cụ Huyền Chân...Tôi đề nghị... chứng thực giúp đỡ, tôi hứa sẽ thực hiện đúng. Ông S, trưởng tộc là ông Tâm và ông M đã ký tên (Có bút phê của Trưởng thôn, Địa chính xã và chính quyền UBND thị trấn G). Năm 2004, UBND thị trấn đã tổ chức đo hiện trạng (đo máy) và lập bản đồ để cấp quyền sử dụng đất. Bản đồ đã thể hiện lối đi vào Mộ Tổ không nằm trong GCNQSD đất của chị L; Sau đó chị Đỗ Thị L (con ông S) được ông S cho đất, chị L xây nhà như hiện nay; ngày 12/8/2009 chị L được cấp GCNQSD đất. Từ khi chị L sử dụng đất dòng họ vẫn đi vào mộ tổ theo lối đi như đã thể hiện tại bản đồ địa chính năm 2004. Nhưng khoảng mấy năm gần đây, chị L đã xây chặn không cho dòng họ đi lại tảo mộ, có thái độ khiếm nhã đối với các thành viên trong dòng họ. Nên yêu cầu chị L tháo dỡ công trình trả lại lối đi cho dòng họ; không đồng ý hủy GCNQSD đất đã cấp mang tên chị L.

*Bị đơn (chị Đỗ Thị L) trình bày:

Chị là con gái ông Đỗ Bá S và bà Bùi Thị P; hai ông bà có tài sản là diện tích đất 410m2 tại thửa 233, tờ bản đồ số 1; năm 1991 ông bà được cấp GCNQSD đất; thửa đất có chiều mặt đường làng dài 22m. Năm 2004, khi đo đất, ông S đã tách thành 03 phần cho anh Bùi Bá H (là cháu), anh Đỗ Bá Q và chị; trong đó phần đất tách mang tên chị có chiều mặt đường 5m (bao gồm cả phần lối đi vào mộ hiện nay các bên đang tranh chấp). Phần Mộ tổ đã tồn tại hàng trăm năm như nguyên đơn trình bày là đúng; nhưng trước đây lối đi vào mộ là một đường thẳng thuộc diện tích đất mà sau này Nhà nước giao cho ông Đỗ Văn T sử dụng (hiện vợ chồng ông T đã chết). Từ khi Nhà nước giao đất cho ông T, dòng họ không có lối đi vào mộ nên vẫn đi nhờ qua đất của gia đình chị. Theo GCNQSD đất đứng tên ông S, chiều ngang thửa đất giáp phố T là 22m, khi tách thành 3 thửa chỉ còn 18m là không đúng. Chữ ký của ông S trong “Giấy chứng nhận” đề ngày 23/10/2003 như nguyên đơn trình bày là giả mạo, không đúng vì hôm đó ông S có đi họp, khi dòng họ ý kiến cắt một phần đất của ông làm đường đi vào mộ cụ Huyền Chân, ông không đồng ý và đã bỏ về giữa cuộc họp; mặt khác ông S không biết đọc, không biết viết nên không thể ký như vậy. “Giấy chứng nhận” lập ngày 23/10/2003 nhưng mãi đến ngày 01/03/2004 (gần 1 năm sau) mới được chứng thực là không hợp lệ. Hơn nữa, ông S bà P là đồng sở hữu đất nhưng bà P không có chữ ký mà thôn, xã vẫn ký xác nhận nên không có giá trị. Phía nguyên đơn khẳng định đó là chữ ký của ông S thì phải chứng minh chứ chị không yêu cầu giám định; mặt khác, chị cũng không xuất trình được mẫu chữ ký của ông S để đề nghị giám định.

Ngày 20/3/2017, chị L có đơn yêu cầu Tòa án hủy GCNQSD đất số H12CM/TTr-GL ngày 12/8/2009 do UBND huyện G cấp mang tên chị, vì: Ông S bà P tặng cho riêng chị 5m giáp mặt phố T, nhưng GCNQSD đất chỉ ghi 4m là sai; Năm 2009, anh Nguyễn Kim Đ là cán bộ xã giao GCNQSD và chị đã nhận và ký sổ, nhưng không để ý nên cứ nghĩ chiều mặt phố T dài 5m. Năm 2013, khi xảy ra tranh chấp chị mới biết GCNQSD đất cấp mang tên chị chỉ có 4m, nhưng không có ý kiến. Nay đề nghị Tòa án hủy GCNQSD đất đã cấp mang tên chị; không nhất trí yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì diện tích lối đi đang tranh chấp có nguồn gốc của ông S và bà P.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Theo ông Đỗ Bá S: Lối đi vào mộ tổ dòng họ Đ trước đây là ruộng cấy. Gia đình ông sử dụng 410m2 từ sau cải cách ruộng đất (bao gồm cả lối đi này); năm 1991 ông được cấp GCNQSD và vẫn sử dụng ổn định. Năm 2004, khi đo hiện trạng để cấp sổ thì ông bà tách đất thành 3 thửa như chị L khai trong đó thửa 188 = 99,1m2 mang tên Đỗ Thị L; thửa 240 = 80,5m2 mang tên Bùi Bá H (do ông bà bán cho anh H từ năm 1997). Phần lối đi đang tranh chấp hiện nay ông đã cho chị L và chị đã được cấp GCNQSDĐ nên ông không liên quan gì về quyền lợi trên mảnh đất đó. Lối đi nguyên thủy của dòng họ Đ vào mộ Tổ là bờ ao giáp đất ông T và anh H, hiện nay thuộc phần đất của nhà ông T. Ông không đồng ý yêu cầu khởi kiện của dòng họ Đ vì từ trước đến nay họ Đỗ chỉ đi nhờ qua đất của gia đình ông để vào mộ tổ, đất của ông không thể hiện lối đi này. Ngày 23/10/2003, ông có đi họp nhưng ông không viết, không ký và bỏ về giữa cuộc họp như chị L khai và ông cũng không đề nghị giám định chữ ký của ông tại giấy này. Dòng họ Đ cho rằng ông đã tách 01m lối đi và sau này phần lối đi đó thuộc đất của chị L là không đúng. Ngoài ra ông còn xác định đã tách đất cho chị L là 5m mặt đường. 

UBND huyện G do ông do Đỗ Văn S, Phó chủ tịch UBND là đại diện theo ủy quyền trình bày: Theo bản đồ 299 (lập năm 1983), đất mang tên ông S thể hiện tại thửa 293, tờ bản đồ số 8, diện tích 403m2; theo bản đồ lập năm 1991 thể hiện tại thửa 233, tờ bản đồ 1, diện tích 410m2 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng cấp GCNQSD đất (Sổ đỏ không ghi ngày tháng năm cấp). Năm 2004, theo chủ trương chung, địa phương tổ chức đo hiện trạng để cấp quyền sử dụng, trong đó hộ ông S thuộc tờ bản đồ 17 và được tách thành 3 thửa (như ông S khai). Tổng 3 thửa = 397,4m2 (thiếu 12,6m2). Diện tích bị giảm là do sai số giữa đo thủ công (năm 1990) và đo máy (năm 2004), ngoài ra năm 2004 khi đo lập bản đồ địa chính, địa phương đã trừ diện tích làm đường vào ngôi mộ tổ họ Đỗ. Bản đồ địa chính 299 lập năm 1983, bản đồ lập năm 1991 có thể hiện ngôi mộ nhưng không thể hiện lối đi vào mộ; bản đồ năm 2004 thể hiện có lối đi vào mộ. Hồ sơ địa chính năm 1991 và GCNQSD cấp năm 1991 cho ông S thì lối đi vào ngôi mộ trước đây nằm trong diện tích 410m2 của ông S. Năm 2004, khi tổ chức đo đạc hiện trạng để cấp GCNQSD đất theo đợt, thửa đất của hộ ông S tách làm

3 thửa như đã nêu và thể hiện tại bản đồ năm 2004. Về hồ sơ cấp GCNQSĐ đất cho chị L là cấp theo đợt (Quyết định 1830/QĐ-UBND ngày 12/8/2009, cấp cho 123 hộ gia đình, cá nhân theo danh sách với tổng diện tích cấp 23.803,2m2). 

Việc cấp GCNQSD đất số H12CM/TTr-GL ngày 12/8/2009 mang tên chị L là đúng trình tự quy định.

Quan điểm của UBND huyện G: Mộ tổ họ Đỗ đã tồn tại nhiều đời. Về lối đi vào mộ tổ họ Đỗ: Theo bản đồ lập năm 2004 để cấp GCNQSD đất cho các hộ dân khu vực P trong đó có chị L, tại bản đồ này đã thể hiện lối đi vào mộ tổ họ Đỗ. Quá trình lập hồ sơ địa chính để cấp quyền sử dụng đất, chị L đã ký xác định ranh giới, mốc giới thửa đất và ký đơn xin cấp quyền sử dụng đất. Nên không đồng ý hủy GCNQSD đất mang tên chị L theo yêu cầu của chính chị; đề nghị Tòa án căn cứ vào hồ sơ cấp GCNQSD đất cho các hộ dân khu vực thôn P năm 2004 và quy định tại Điều 275 Bộ luật dân sự năm 2005 để chấp nhận yêu cầu của dòng họ Đ theo quy định.

* Xác minh tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện G xác định: Quá trình lập hồ sơ địa chính để cấp GCNQSD đất, chị L đã kiểm tra và ký biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trong đó thể hiện chiều ngang mặt đường là 4m. Đề nghị Tòa án chấp nhận quan điểm của UBND huyện vì từ khi chị L nhận GCNQSD đất đã không ý kiến phản đối. Những tài liệu khác liên quan đến cấp quyền sử đất cho chị L, Văn phòng đăng ký QSDĐ chưa tìm thấy.

Theo yêu cầu của đương sự, Tòa án đã thẩm định tại chỗ và định giá tài tài sản: Xác định đất tranh chấp có giá là 2,5 triệu đồng/1m2 = 43.825.000 đồng; trên đất tranh chấp có tường bao xây gạch chỉ (tường 10 xây năm 2015) dài 17,93 = 10.168.000 đồng; 01 cây cau đường kính gốc 10cm = 150.000 đồng; 01 giàn trầu không 4m2 x 15.000đ/m2= 60.000 đồng; sân trạt đổ vữa bata 15m2 = 4.212.118 đồng; 02 chuồng gà nhỏ xây từ năm 1997 giá trị = 0 đồng (Có sơ đồ hiện trang kèm theo). Đất và tài sản trên đất bằng 58.415.118 đồng.

* Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2017/DS-ST ngày 29/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định:

Áp dụng Điều 275 Bộ luật dân sự 2005; Điều 245, Điều 246, Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 34, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 30; 31; 193 Luật tố tụng hành chính; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

1. Bác yêu cầu của chị Đỗ Thị L đề nghị hủy GCNQSD đất số H12CM/TTr-GL do UBND huyện G đã cấp ngày 12/8/2009 mang tên Đỗ Thị L.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc chị Đỗ Thị L phải trả cho Dòng họ Đ lối đi vào ngôi mộ tổ với diện tích là 17,637m2 (Hình thể, kích thước lối đi, tài sản trên đất - có sơ đồ kèm theo). Chị L có nghĩa vụ tự tháo dỡ hoặc di chuyển những tài sản trên đất gồm: 01 giàn trầu không; 01 cây cau; bức tường ranh giới giáp đất anh Hòa; 02 chuồng gà nhỏ, 01 chuồng chó v.v.. và một phần mái tôn phía trên để trả lại lối đi vào mộ tổ cho dòng họ Đ.

Chấp nhận tự nguyện của nguyên đơn không buộc chị L phải cắt dỡ phần âm móng nhà phía Nam của chị L. Nhưng chị L không được xây dựng thêm công trình gì phần đất này.

Nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho chị Đỗ Thị L tiền công vượt lập lối đi = 2.949.920 đồng; giá trị đổ trạt = 3.998.705 đồng. Tổng số tiền nguyên đơn phải trả cho bị đơn = 6.948.625 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/10/2017, bị đơn là chị Đỗ Thị L và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Đỗ Bá S, bà Bùi Thị P có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: các đương sự kháng cáo không thay đổi hoặc rút kháng cáo.

Luật sư sau khi phân tích các căn cứ đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm công nhận lối đi cho dòng họ nhưng dòng họ phải thanh toán giá trị của 17,637m2 đất và giá trị tài sản trên đất cũng như công sức san lấp lối đi của chị L. Đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chị L.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử y án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Các đương sự đều xác nhận ngôi mộ tổ của dòng họ Đ ở khu 3, thị trấn G đã tồn tại trên 400 năm.

Theo Bản đồ 299 (lập 1983) và bản đồ năm 1991 không thể hiện lối đi vào mộ và năm 1991 ông Đỗ Bá S được cấp GCNQSD đất 410m2.

Năm 2004, ông S tách thửa đất 233 diện tích 410m2 (theo Bản đồ năm 1991) thành 3 thửa: Thửa 187 = 217,8m2 (cho anh Sáu, con ông S) thửa 188 = 99,1m2 (cho chị Lan con ông S) và thửa 240 = 80,5m2 (cho anh Hòa, cháu ông S mua năm 1997) thì bản đồ địa chính năm 2004 có thể hiện lối đi vào ngôi mộ tổ.

Theo “Giấy chứng nhận” không ghi ngày, tháng, năm có nội dung “...dòng họ thảo luận đi đến nghị quyết thống nhất, con đường từ đường cái làng tới phần mộ “cụ Huyền chân” rộng 1m nằm độc lập phục vụ cho việc đi lại thuận lợi cho dòng họ đi, nay giao lại cho tôi (tức ông S) trông nom sử dụng và xóa hàng rào ngăn cách để tiện sinh hoạt...”. Ông Đỗ Bá S đã ký vào “Giấy chứng nhận” nêu trên.

Theo ông Đỗ Bá S, ông không ký vào “Giấy chứng nhận” nêu trên vì không đồng ý với Nghị quyết của dòng tộc nên ông đã bỏ về không ký giấy. Ông S không đề nghị giám định chữ ký (và chị L cũng không đề nghị giám định chữ ký của ông S trong “Giấy chứng nhận” vì nguyên đơn khẳng định chữ ký của ông S thì phải chứng minh).

Xét lời khai của ông Đỗ Mạnh M (người viết “Giấy chứng nhận”) và ông Đỗ Hồng T và các nhân chứng khác trong cùng dòng tộc với ông S thì có đủ cơ sở xác nhận: Ông S có tham gia cuộc họp của dòng tộc và ký “Giấy chứng nhận” nêu trên thể hiện sự thỏa thuận xác nhận lối đi của dòng họ rộng 1m.

Như vậy, có cơ sở xác định hàng năm dòng họ Đ phải có lối đi vào mộ “cụ Huyền Chân” vào các dịp Thanh Minh, tảo mộ .v.v.. Mặc dù Bản đồ 299 và Bản đồ năm 1991 không thể hiện lối đi là thiếu hiểu biết pháp luật nên dòng họ không kê khai.

Năm 2004, ông S phân chia 410m2 đất của ông thành 3 thửa cho anh S, chị L, anh Hòa là có cơ sở trên thực tế vì bản thân ông S cũng không kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3 thửa đất nêu trên.

Chị Đỗ Thị L đứng tên kê khai thửa 188 = 99,1m2 và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng sử dụng đất năm 2009. Tại Biên bản xác minh mốc giới ngày 9/12/2004 đối với thửa 188 diện tích 99,1m2 chị L đã ký xác nhận với chiều ngang là 4m. Do đó việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 99,1m2 đất cho chị L là hoàn toàn có cơ sở.

Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của chị L đòi hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009 cấp cho chị L là có căn cứ.

 [2] Về kháng cáo không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi lối đi vào mộ tổ qua đất của chị L, Hội đồng xét xử thấy rằng: Lối đi vào mộ tổ của dòng họ Đ phải được thực hiện và đã được thực hiện hàng trăm năm là một thực tế. Diện tích 410m2 đất thuộc thửa 233 Bản đồ năm 1991 đứng tên ông Đỗ Bá S trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1991 là cấp cho cá nhân ông S. Ông S đã công nhận lối đi có chiều ngang 1m vào mộ tổ qua thửa 233 đất của ông S, nên năm 2004 những thửa đất ông S tách từ thửa 233 nêu trên cho 2 người con của ông S và anh Hòa đều không có diện tích đất đi vào mộ tổ.

Do đó theo Điều 246; 248 Bộ luật dân sự 2015 quy định lối đi được hình thành theo thỏa thuận.

Tòa án cấp sơ thẩm buộc gia đình chị L phải tháo dỡ công trình, cây cối trên diện tích 17,637m2 đất là lối đi của dòng họ Đ và không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/8/2009 cấp cho chị L là có căn cứ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của chị Đỗ Thị L, ông Đỗ Bá S và bà Bùi Thị P, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Cụ thể:

Áp dụng Điều 275 Bộ luật dân sự 2005; Điều 245, Điều 246, Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 34, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 30; 31; 193 Luật tố tụng hành chính; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

1. Bác yêu cầu của chị Đỗ Thị L đề nghị hủy GCNQSD đất số H12CM/TTr-GL do UBND huyện G đã cấp ngày 12/8/2009 mang tên Đỗ Thị L.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc chị Đỗ Thị L phải trả cho Dòng họ Đ lối đi vào ngôi mộ tổ với diện tích là 17,637m2 (Hình thể, kích thước lối đi, tài sản trên đất - có sơ đồ kèm theo). Chị L có nghĩa vụ tự tháo dỡ hoặc di chuyển những tài sản trên đất gồm: 01 giàn trầu không; 01 cây cau; bức tường ranh giới giáp đất anh Hòa; 02 chuồng gà nhỏ, 01 chuồng chó và một phần mái tôn phía trên để trả lại lối đi vào mộ tổ cho dòng họ Đ.

Chấp nhận tự nguyện của nguyên đơn không buộc chị L phải cắt dỡ phần âm móng nhà phía Nam của chị L. Nhưng chị L không được xây dựng thêm công trình gì phần đất này.

Nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho chị Đỗ Thị L tiền công vượt lập lối đi = 2.949.920 đồng; giá trị đổ trạt = 3.998.705 đồng. Tổng số tiền nguyên đơn phải trả cho bị đơn = 6.948.625 đồng (sáu triệu, chín trăm bốn tám nghìn, sáu tram hai lăm đồng).

Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải chịu mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm) trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Về án phí: Chị Đỗ Thị L phải nộp 300.000 đồng án phí phúc thẩm được trừ theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số số 0002321 ngày 11/10/2017 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

524
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 229/2018/DS-PT ngày 14/06/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt

Số hiệu:229/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về