TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HN
BẢN ÁN 227/2020/DS-PT NGÀY 26/06/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 26 tháng 06 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố HN xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 235/2020/TLPT-DS ngày .07/05/2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” Do bản án sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 29/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện M Đ, thành phố HN bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 223/2020/QĐ-PT ngày 26 tháng 05 năm 2019; Quyết định hoãn phiên toà dân sự phúc thẩm số: 316/2020/QĐ-PT ngày 16 tháng 06 năm 2020 giữa các đương sự:
1/ Nguyên đơn :
2.1/ Ông N M H, sinh năm 1936;
2.2/ Bà P T B, sinh năm 1941.
Cùng địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN. Người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn: Anh N V H, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
2/ Bị đơn :
2.1. Ông L V N, sinh năm 1967;
2.2. Bà T T L, sinh năm 1972;
Địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
3. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
3.1. UBND huyện M Đ, thành phố HN; người đại diện theo pháp luật:
Ông Đ V T - Chủ tịch. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đ V T - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện M Đ; địa chỉ: Phố Đ Đ, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN;
3.2. UBND thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN; người đại diện theo pháp luật: Ông N V N - Chủ tịch.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông L V T - Phó chủ tịch; địa chỉ: Phố Đ Đ, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN;
3.3. Bà L T Đ, sinh năm 1956; người đại diện theo uỷ quyền của bà Đ:
Ông L V N, sinh năm 1967; cùng địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN;
3.4. Ông L V B, sinh năm 1964; địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN;
3.5. Chị N T D, sinh năm 1962; địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN;
3.6. Anh N M C, sinh năm 1967; địa chỉ: Số 03, ngõ 323, N V C, phường N L, quận L B, thành phố HN;
3.7. Anh N T D, sinh năm 1965 địa chỉ: Số 45, P L 6, khối Đ T, phường C L, thành phố L S, tỉnh L S;
3.8. Anh N Q H, sinh năm 1970; địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN;
3.9. Chị N T M, sinh năm 1975; địa chỉ: Số 03, ngõ 14, phố N Q, phường Q T, quận H Đ, thành phố HN;
3.10. Anh N V H, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN;
3.11. Chị N T A, sinh năm 1981; địa chỉ: Số 07, ngõ 14, phố N Q, phường Q T, quận H Đ, thành phố HN;
3.12. Chị N T V, sinh năm 1984; địa chỉ: Thôn Đ X, xã H N, huyện U H, thành phố HN;
Người đại diện theo uỷ quyền của chị D, anh C, anh D, anh H, chị M, chị A, chị V: Anh N V H, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
3.13. Ông L V C, sinh năm 1959; người đại diện theo uỷ quyền của ông C: Bà Đ T L, sinh năm 1957 (vợ ông C); cùng địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
3.14. Bà N T N, sinh năm 1967;
3.15. Bà N T H, sinh năm 1954;
3.16. Anh L V K, sinh năm 1979;
3.17. Anh L V T, sinh năm 1981;
3.18. Chị L T H, sinh năm 1983;
3.19. Anh L V B, sinh năm 1986;
3.20. Chị L T T, sinh năm 2002;
Cùng địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
Người đại diện theo uỷ quyền của chị H và anh B: Bà N T H, sinh năm 1954; địa chỉ: Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
3.21. Chị L T M X, sinh năm 1989; địa chỉ: Thôn V K, xã H T, huyện M Đ, thành phố HN.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau:
Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn - ông NMH, bà PTB và lời khai của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn anh NVH trình bày :
Khoảng năm 1976, gia đình ông N M H và bà P T B được Hợp tác xã nông nghiệp T T giao quyền sử dụng thửa đất nông nghiệp tại khu R T (C Q) để trồng rau nuôi lợn. Thực tế, gia đình ông đã sử dụng từ khoảng từ năm 1976 để canh tác nông nghiệp.
Năm 1998, gia đình ông đã kê khai thửa đất số 81, tờ bản đồ số 05, diện tích 87 m2 đứng tên chủ sử dụng là N M H và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất đầy đủ với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Năm 2009, khi tiến hành đo lập bản đồ mới thì gia đình ông đã làm hồ sơ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đối với diện tích đất trên. Theo bản đồ lập năm 2009 thì đất của gia đình ông thuộc thửa số 106, tờ bản đồ 35, diện tích 95,6 m2; phần diện tích tăng thêm là do quá trình sử dụng, ông bà có cải tạo, cơi nới, mở rộng thêm.
Năm 2010, do các gia đình xung quanh xây nhà ở, đổ đất san nền, nên diện tích ruộng của gia đình trở thành vũng. Do đó, ông bà đã đổ đất tôn nền cao thêm khoảng 01 m đồng thời kè bờ bao ruộng, rồi canh tác trồng rau muống, khoai lang, trồng chuối. Quá trình sử dụng trước đó chỉ có duy nhất gia đình ông bà trực tiếp canh tác trên đất, không xảy ra tranh chấp, việc này nhiều người ở địa phương biết rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng của gia đình ông bà và đã có giấy làm chứng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, gia đình ông L V N và bà T T L có hành vi chiếm đất, đổ đá mạt, chặt phá cây cối trên thửa đất của gia đình ông.
Vì vậy, ông đã có đơn gửi đến UBND huyện M Đ yêu cầu giải quyết việc vợ chồng ông L V N và bà T T L có hành vi chiếm đất nông nghiệp của ông và kiến nghị việc UBND thị trấn Đ N không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông dù ông đã sử dụng đất ổn định từ năm 1980.
Tại Thông báo số 36/TB-UBND ngày 15/4/2013, UBND huyện M Đ xác minh theo đơn kiến nghị của ông và kết luận vợ chồng ông N M H là người sử dụng hợp pháp đối với thửa đất số 81, diện tích 87 m2, tờ bản đồ số 05, đo năm 1998 tại Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ; gia đình ông L V N và bà T T L phải chấm dứt việc xây dựng trên đất của ông H, bà B.
Ngày 06/5/2013, UBND thị trấn Đ N có tờ trình số 28/TTr-UBND không nhất trí với Thông báo số 36/TB-UBND ngày 15/4/2013 của UBND huyện M Đ.
Ngày 12/7/2013, UBND huyện M Đ ban hành Quyết định số 1147/QĐ- UBND thu hồi và hủy bỏ Thông báo số 36/TB-UBND ngày 15/4/2013.
Đến ngày 12/7/2013, UBND huyện M Đ có kết luận số 742/KL-UBND giải quyết kiến nghị của UBND thị trấn Đ N. Trong đó tại phần “Xử lý của Ủy ban nhân dân huyện” có nội dung: “Công nhận diện tích 87 m2 tại thửa số 81, tờ bản đồ số 05, đo đạc năm 1998 của UBND thị trấn Đ N là đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn Đ N, gia đình ông N M H sử dụng từ năm 1998 đến nay”.
Nay ông bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:
1. Công nhận vợ chồng ông N M H và bà P T B là người sử dụng hợp pháp đối với thửa đất nông nghiệp số 81, diện tích 87 m2, tờ bản đồ số 5 đo đạc năm 1998 Thôn T T, thị trấn Đ N.
2. Yêu cầu vợ chồng ông L V N, bà T T L chấm dứt hành vi xâm chiếm đất, đồng thời phải bốc dỡ đá mạt đổ trên đất nông nghiệp của vợ chồng ông H và bà B, không được cản trở gia đình ông H, bà B thực hiện quyền sử dụng đất.
3. Yêu cầu vợ chồng ông N, bà L bồi thường thiệt hại cây cối hoa màu do bị phá hoại như chuối, khoai lang bị chặt, phá; thiệt hại bị giảm sút thu hoạch số tiền là 24.500.000 đồng.
4. Đề nghị Toà án kiến nghị UBND huyện M Đ để vợ chồng ông H và bà B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất xen kẹt trong khu dân cư theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nguyên đơn xuất trình các chứng cứ, tài liệu kèm theo đơn khởi kiện.
Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án , bị đơn - ông LVN trình bày:
Diện tích đất đang tranh chấp giữa hai bên có nguồn gốc của Hợp tác xã nông nghiệp Đ N giao cho hộ cụ L V T và cụ N T M (là bố, mẹ đẻ của ông) và các con gồm: L V T, sinh năm 1953 (Chết năm 1993); L T Đ, sinh năm 1956; L V C, sinh năm 1959; L V B, sinh năm 1962 (chết năm 2005); L V B, sinh năm 1964 và ông là L V N. Từ năm 1975, gia đình ông đã được đăng ký kê khai diện tích đất trên trong sổ mục kê.
Sau khi được giao đất thì gia đình ông sử dụng liên tục.
Năm 1993, cụ L V T có cho anh N M D là con trai cả của ông H và bà B mượn để trồng rau ăn. Khoảng 01 năm thì vợ chồng anh D lên L S làm ăn, ruộng này bị ô nhiễm không cấy rau muống được nên gia đình ông chuyển trồng rau khoai đốm cho lợn.
Năm 1998, dòng họ N Â ngâm nhờ bương, gỗ tại thửa ruộng trên của gia đình ông. Cũng khoảng thời gian này thì cụ T bị bệnh nặng phải đi viện điều trị, đến năm 2000 thì cụ T mất. Lợi dụng thời điểm gia đình ông tập trung chăm sóc cho cụ T, gia đình ông H và bà B đã tự ý kê khai vào danh sách người sử dụng đất và đổ đất, làm móng. Khi phát hiện sự việc, gia đình ông đã gọi gia đình ông H đến nhà và yêu cầu dừng lại, giữ nguyên hiện trạng. Đến khoảng năm 2013, trên cơ sở ý kiến của những người làm chứng là các hộ có ruộng liền kề và cán bộ địa chính của địa phương qua các thời kỳ công nhận đây là đất của gia đình ông thì gia đình ông đã đổ đất để trồng rau nhưng bị gia đình ông H cản trở. Ngoài ra gia đình ông cũng làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và hàng năm đều thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ với Nhà nước.
Do đó, các yêu cầu khởi kiện còn lại của ông H và bà B về việc buộc gia đình ông phải chấm dứt hành vi xâm chiếm, bốc dỡ đất đá cũng như bồi thường hoa màu bị phá hoại và kiến nghị UBND huyện M Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xen kẹt cho ông H, bà B là không có căn cứ. Gia đình ông bác bỏ toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn.
Ngoài ra, bị đơn xuất trình các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án , bị đơn - bà TTL trình bày:
Bà T T L đồng quan điểm như ông L V N, không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bà kết hôn với ông L V N năm 1990. Quá trình chung sống với gia đình nhà chồng, bà vẫn cùng bà L T Đ canh tác trồng rau muống tại ruộng đang tranh chấp.
Khoảng năm 1995, do bị ô nhiễm nên chuyển sang trồng khoai đốm. Khi phát hiện gia đình ông H tự ý đổ đất thì cụ M đã gọi ông H đến nhà yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Sau khi có xác nhận của các hộ liền kề là bà D, bà N - T, ông B và cán bộ địa chính là ông L, ông B, ông T, ông N thì gia đình bà đã đề nghị UBND thị trấn Đ N công nhận quyền sử dụng đồng thời ra đổ đất trồng rau thì gia đình ông H cản trở.
Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án , những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ủy ban nhân dân huyện M Đ, thành phố HN trình bày: Vụ kiện tranh chấp đất đai giữa gia đình ông H và gia đình ông N đã kéo dài nhiều năm.
Về nguồn gốc, quá trình sử dụng thửa đất: Tại văn bản số 55/VPĐK ngày 02/8/2013 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện M Đ; văn bản 251/TNMT ngày 31/5/2016 và Văn bản số 11/TNMT ngày 20/01/2017 của Phòng tài nguyên và môi trường M Đ kèm theo tài liệu là trích lục thửa đất tranh chấp, sao sổ mục kê thể hiện:
Theo bản đồ năm 1983 của thị trấn T T (nay là thị trấn Đ N) thì diện tích đất các đương sự tranh chấp là một phần của thửa đất số 63, diện tích 5250 m2.
Do Hợp tác xã nông nghiệp quản lý giao cho nhiều cá nhân canh tác.
Hồ sơ địa chính năm 1998: Sổ mục kê năm 1998 của thị trấn Đ N của thửa đất số 81, tờ bản đồ số 05, diện tích 87 m2; tại trang số 31 sổ mục kê năm 1998 đứng tên ông N M H. Tuy nhiên, sổ mục kê năm 1998 chưa được xác nhận, đóng dấu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hồ sơ địa chính năm 2009, bản đồ đo đạc năm 2009, sổ mục kê đất đai năm 2009 tại thửa đất số 106, tờ bản đồ số 35, diện tích 95,6 m2, hồ sơ kỹ thuật thửa đất ghi tên ông N M H.
Quá trình giải quyết khiếu nại của công dân, Ủy ban nhân dân huyện M Đ đã ban hành Thông báo 36/TB-UBND ngày 15/4/2013 (Sau đó bị thu hồi và hủy bỏ bằng Quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 12/7/2013) và Kết luận 742/KL- UBND ngày 12/7/2013 thì gia đình ông N M H thực tế đang sử dụng diện tích đất đang tranh chấp.
Kết luận 742/KL-UBND ngày 12/7/2013 của UBND huyện M Đ xác định: Công nhận diện tích 87 m2, tại thửa đất số 81, tờ bản đồ số 5, đo đạc năm 1998 của UBND thị trấn Đ N là đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn Đ N.
Tại công văn số 1423/UBND-TNMT ngày 16/12/2017 của UBND huyện M Đ cung cấp: Hồ sơ địa chính năm 1983; bản đồ đo đạc năm 1983; sổ mục kê đất đai năm 1983 của UBND thị trấn Đ N tại thửa số 63, diện tích 5250 m2 là đất ruộng do nhiều hộ canh tác.
UBND huyện M Đ đã cung cấp đầy đủ, toàn diện và chính xác toàn bộ các tài liệu, chứng cứ hiện đang lưu giữ và không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ nào khác. Đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
UBND thị trấn Đ N trình bầy: Về nguyền gốc sử dụng thửa đất đang tranh chấp, cụ thể:
Trước năm 1980, gia đình ông L V T được giao một phần diện tích để trồng rau tại khu vực R T.
Tại bản đồ đo vẽ năm 1980 là thửa đất số 63; tờ bản đồ: Đất nông nghiệp thị trấn T T; diện tích 5250 m2; loại đất: Đất nông nghiệp do Hợp tác xã giao cho các hộ xã viên trồng rau muống để nuôi lợn nái; chủ sử dụng: UBND thị trấn T T.
Bản đồ năm 1998 là thửa đất số 81; tờ bản đồ số 5; diện tích 87 m2; số thửa và diện tích trên bản đồ tại khu vực R T được xác định theo các bờ ruộng do các hộ trồng rau phân định với nhau; loại đất: Đất ruộng; Chủ sử dụng: Sổ mục kê thời điểm năm 1998 thửa đất trên đứng tên ông N M H (Sổ mục kê không có dấu của cơ quan pháp danh, do đó không đủ cơ sở làm căn cứ xác định chủ sử dụng đất).
Bản đồ năm 2010: Là thửa đất số 106; tờ bản đồ số 35; diện tích 95,6 m2; đứng tên ông N M H và bà P T B; hiện trạng sử dụng đất: Trong quá trình sử dụng đất từ những năm 1975, UBND huyện M Đ đã tiến hành thu hồi dần diện tích trên để giao cho các đơn vị (Ngân hàng, Chi cục thuế, Tòa án, Kiểm lâm...) làm trụ sở và giao đất ở cho các hộ, do vậy hiện trạng hiện nay chỉ là một phần trong tổng số 5250 m2, trong quá trình bị thu hồi, các hộ không được đền bù về diện tích đã sử dụng để trồng rau nuôi lợn. Số diện tích còn lại được các hộ tiếp tục sử dụng cho đến thời điểm hiện nay, trong đó có hộ ông L V T sử dụng diện tích 87 m2. Giữa gia đình ông N M H và gia đình ông L V T có quan hệ họ hàng, do đó việc sử dụng diện tích 87 m2 tại khu vực R T có thời điểm cả hai gia đình đều sử dụng, đến năm 2010 khi gia đình ông N M H tiến hành xây móng thì xảy ra tranh chấp giữa hai gia đình.
Tại Kết luận số 742/KL-UBND ngày 12/7/2013 của UBND huyện M Đ đã xác định đây là đất nông nghiệp do UBND thị trấn quản lý, do vậy UBND thị trấn Đ N đề nghị công nhận để thực hiện quy hoạch đã đề ra. Thông tin về thửa đất và quy hoạch hiện nay: Thửa đất số 81; tờ bản đồ số 05; diện tích 87 m2; nguồn gốc sử dụng đất: Đất nông nghiệp xen kẹt do UBND thị trấn T T nay là UBND thị trấn Đ N quản lý; loại đất: Đất nông nghiệp; quy hoạch sử dụng đất: Đất công viên cây xanh; hiện trang sử dụng đất: Đất có tranh chấp quyền sử dụng đất.
Đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Anh N V H, chị N T D, anh N T D, anh N M C, anh N Q H, chị N T M, chị N T A, chị N T V cùng thống nhất trình bầy: Đều đồng ý đối với toàn bộ yêu cầu khởi kiện, ý kiến trình bày của nguyên đơn, đồng thời có quan điểm tự nguyện cho bố mẹ là ông H và bà B được hưởng phần quyền lợi của mình.
Ông L V B (anh trai của ông L V N) trình bầy: Ông trình bày quan điểm và ý kiến như ông N đã nêu vì đây là đất cấp cho hộ gia đình cụ T trong đó có ông, ông không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H, bà B.
Bà N T H (chị dâu của ông N): Bà về làm dâu nhà cụ L V T và cụ N T M từ năm 1975, chồng bà là ông L V T mất năm 1993.
Năm 1975, bà đã thấy gia đình nhà cụ T có diện tích đất khu C Q (R T) thuộc Thôn T T, thị trấn Đ N do Hợp tác xã nông nghiệp T T chia cho một số hộ dân, để tăng gia trồng rau muống phục vụ việc chăn nuôi. Gia đình nhà chồng bà sử dụng diện tích đất này ổn định (chủ yếu do bà L T Đ canh tác).
Khoảng năm 1986 - 1987, gia đình anh D là con trai cả của ông H và bà B có đến hỏi cụ T cho mượn để trồng rau. Vì là người nhà, cụ T và cụ M đã đồng ý cho canh tác.
Đến khoảng năm 1999 - 2000, do cụ T bị ốm phải thường xuyên đi viện và lợi dụng các anh em trong gia đình nhà chồng bà phải thay nhau đi trông nom nên gia đình ông H, bà B đã đổ đá, đổ đất rồi xây móng vào ban đêm để chiếm đất, đồng thời đã tự ý kê khai là chủ sử dụng thửa đất trên.
Sau khi phát hiện ra sự việc đổ đất, đá và xây móng, gia đình bà đã ra ngăn cản không cho nhà ông H và bà B thi công, từ đó giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Những người làm chứng diện tích đất này của gia đình chồng bà là các hộ liền kề gồm ông bà H, N, vợ chồng ông L, D, ông B. Bà không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông H và bà B và xác định diện tích đất ruộng nêu trên là cấp cho hộ gia đình cụ T và cụ M, các con là L V T, L T Đ, L V C, L V B, L V B, L V N. Do chồng bà đã mất, nên bà và các con sẽ kế thừa phần quyền lợi của chồng để lại.
Bà N T N (chị dâu của ông N) trình bầy: Bà kết hôn với ông L V B năm 1988. Khi về làm dâu nhà cụ M, bà nghe mọi người trong gia đình kể có diện tích đất khu C Q (R T) thuộc Thôn T T, thị trấn Đ N đã cho anh D là con ông H và bà B mượn. Nguồn gốc đất này là do Hợp tác xã nông nghiệp T T chia cho gia đình bố mẹ chồng bà là cụ T, cụ M để trồng rau muống phục vụ việc chăn nuôi, tăng gia sản xuất.
Đến khoảng năm 1999 - 2000, do cụ T bị ốm phải thường xuyên đi viện;
lợi dụng thời điểm các anh em trong gia đình nhà chồng bà phải thay nhau đi trông nom, gia đình ông H, bà B đã đổ đá, đổ đất rồi xây móng vào ban đêm để chiếm đất và đã tự ý kê khai là chủ sử dụng thửa đất trên. Sau khi phát hiện ra sự việc đổ đất, đá và xây móng, gia đình bà đã ra ngăn cản không cho nhà ông H và bà B làm, từ đó giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Bà xác định diện tích đất ruộng nêu trên là cấp cho hộ gia đình cụ T, cụ M và các con trong đó có chồng bà là ông L V B. Do ông B đã mất, vì vậy bà và các con sẽ kế thừa phần quyền lợi của ông B để lại và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H và bà B. Riêng việc ông H và bà B kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại việc chặt phá cây là không có căn cứ vì số cây chuối trên đất ruộng này là chuối hoang. Khi xảy ra việc ông H và bà B đổ đất thì gia đình bà ra ngăn cản để giữ đất, bà Đ đã chặt bỏ đi những cây chuối này.
Bà Đ T L trình bầy: Bà kết hôn với ông L V C năm 1984. Thời gian này, bà đã thấy gia đình nhà chồng có diện tích đất khu C Q. Theo bà biết, Hợp tác xã nông nghiệp T T chia cho gia đình bố mẹ chồng bà diện tích ruộng này để trồng rau muống phục vụ việc chăn nuôi. Gia đình nhà chồng sử dụng diện tích đất này ổn định (chủ yếu do bà L T Đ canh tác).
Khoảng năm 1986 - 1987, bố mẹ chồng bà có cho anh D là con trai cả của ông H và bà B mượn để trồng rau.
Khoảng năm 1999 - 2000, do cụ T bị ốm phải thường xuyên đi viện, lợi dụng thời điểm các anh em trong gia đình nhà chồng bà phải thay nhau đi trông nom, gia đình ông H, bà B đã đổ đá, đổ đất rồi xây móng vào ban đêm để chiếm đất và đã tự ý kê khai là chủ sử dụng thửa đất trên. Sau khi phát hiện ra sự việc thì gia đình bà đã ra ngăn cản không cho nhà ông H và bà B làm, từ đó giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Bà cho rằng đất này thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình bố mẹ chồng bà, còn ông H và bà B không được chia đất tại khu C Q. Việc sử dụng đất của gia đình nhà chồng bà có các hộ liền kề là ông bà H - N, vợ chồng ông L-bà D, nhà ông B là các hộ có ruộng liền kề biết, có thể làm chứng.
Đối với việc ông H và bà B kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại việc chặt phá cây là không có căn cứ vì số cây chuối trên đất ruộng này là chuối hoang, khi xảy ra việc ông H và bà B đổ đất thì gia đình bà ra ngăn cản để giữ đất, bà Đ đã chặt bỏ đi những cây chuối này. Bà xác định diện tích đất ruộng nêu trên là cấp cho hộ gia đình cụ T và cụ M trong đó có chồng bà là L V C. Ông C bị câm và điếc từ nhỏ, vì vậy, bà đại diện đề nghị Toà án bảo vệ phần quyền lợi của chồng bà và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H và bà B.
Anh L V K và anh L V T thống nhất trình bầy: Các anh là con đẻ của ông L V T và bà N T H. Nguồn gốc đang tranh chấp này là của ông, bà nội, của bố và các cô, chú ruột của các anh chị. Trước yêu cầu khởi kiện của ông H và bà B các anh chị không đồng ý. Đề nghị Toà án giải quyết cho các anh chị hưởng phần quyền lợi được thừa kế của bố là ông L V T.
Chị L T M X trình bầy: Chị là con đẻ của ông L V B và bà N T N. Do thời gian trước còn nhỏ nên chị không biết về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất tại khu “R T” này. Sau này lớn lên, nghe những người thân nói chuyện là ông, bà có ruộng tại đây để trồng rau nuôi lợn. Đến thời gian gần đây, chị lại thấy nhà ông H và bà B chiếm diện tích đất trên, xây móng nhà và không trả lại đất. Chị xác định diện tích đất trên là của ông, bà nội cùng bố và các bác, các chú ruột của chị. Chị không đồng ý đối với yêu cầu khởi kiện của ông H và bà B. Đề nghị Toà án giải quyết theo pháp luật buộc ông H và bà B trả lại đất và chia cho chị được hưởng phần quyền lợi mà chị được thừa kế của bố chị.
Tại bản án sơ thẩm số 01/2017/DS-ST ngày 14/04/2017 của Tòa án nhân dân huyện M Đ, thành phố HN đã xử:
Công nhận gia đình ông N M H và vợ là bà P T B là người sử dụng hợp pháp thửa đất nông nghiệp số 81, diện tích đất 87 m2, tờ bản đồ số 05, đo năm 1998; theo bản đồ năm 2009-2010 thuộc thửa số 106, tờ bản đồ số 35, diện tích 95,6m2 Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
Ông L V N và bà T T L phải bốc dỡ toàn bộ đá mạt đã đổ trên đất; không ai được chiếm giữ và cản trở quyền sử dụng thửa đất số 81, diện tích đất 87 m2, tờ bản đồ số 05, đo năm Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, Thành phố HN của ông N M H và bà P T B.
Buộc bà T T L phải bồi thường trả ông N M H và bà P T B 100.000 đồng tiền cây cối hoa màu do bị chặt phá.
Không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại 24.400.000 đồng của ông N M H và bà P T B.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí và quyền kháng cáo.
Tại bản án phúc thẩm số 67/2018/DS-ST ngày 02/04/2018 của Tòa án nhân dân thành phố HN đã xử:
1. Huỷ bản án sân sự sơ thẩm 01/2017/DS-ST ngày 14/04/201 của Tòa án nhân dân huyện M Đ, thành phố HN;
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện M Đ, thành phố HN tiếp tục giải quyết theo trình tự sơ thẩm theo thủ tục chung.
Tại bản án sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện M Đ, thành phố HN đã xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N M H và bà P T B.
Công nhận gia đình ông N M H và vợ là bà P T B là người sử dụng hợp pháp thửa đất nông nghiệp số 81, diện tích đất 87 m2, tờ bản đồ số 05, đo năm 1998; theo bản đồ năm 2009-2010 thuộc thửa số 106, tờ bản đồ số 35, diện tích 95,6m2 Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN.
Ông L V N và bà T T L phải bốc dỡ toàn bộ đá mạt đã đổ trên đất; không ai được chiếm giữ và cản trở quyền sử dụng thửa đất số 81, diện tích đất 87 m2, tờ bản đồ số 05, đo năm Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN của ông N M H và bà P T B.
Buộc bà T T L phải bồi thường trả ông N M H và bà P T B 100.000 đồng tiền cây cối hoa màu do bị chặt phá.
Không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại 24.400.000 đồng của ông N M H và bà P T B.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí và quyền kháng cáo.
Sau phiên toà sơ thẩm, ông L V N, anh L V K kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện theo uỷ quyền cuả nguyên đơn - ông N V H trình bày: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên các ý kiến đã trình bầy trong quá trình Toà án giải quyết vụ án.
Bị đơn ông L V N trình bầy: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên các ý kiến đã trình bầy trong quá trình Toà án giải quyết vụ án. Ông L V N xác nhận vị trí các thửa đất thổ canh của người sử dụng “L.V.T” tại sổ mục kê này thể hiện xứ đồng là đất trong làng.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có kháng cáo - ông L V K trình bày: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên các ý kiến đã trình bầy trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, đồng ý vơí phần trình bầy của ông L V N tại phiên toà.
Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố HN tham gia phiên toà phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ giai đoạn thụ lý vụ án đến phiên toà xét xử vụ án.
Về nội dung:
Theo bản đồ năm 1983 thì diện tích đất các đương sự tranh chấp là một phần của thửa số 63, diện tích 5.250m2 mục đích sử dụng là đất nông nghiệp do nhiều hộ canh tác. Bản đồ năm 1998, bản đồ năm 2009-2010 đều đứng tên chủ sử dụng là ông N M H, hiện nay do gia đình ông N M H sử dụng.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H và bà B đề nghị được công nhận là người sử dụng hợp pháp đối với thửa đất nông nghiệp số 81, diện tích 87 m2, tờ bản đồ số 5, đo đạc năm 1998 tại Thôn T T, thị trấn Đ N là có căn cứ.
Căn cứ Điều 131, Điều 166 Luật đất đai năm 2013; Điều 169 Bộ luật dân sự 2015 ông H, bà B có quyền yêu cầu Tòa án buộc ông N, bà L chấm dứt hành vi xâm chiếm đất đồng thời phải bốc dỡ đá mạt đổ trên đất nông nghiệp, không được cản trở gia đình ông H, bà B thực hiện quyền sử dụng đất là có cơ sở.
Căn cứ vào lời khai của bà L bà có chặt 05 cây chuối nhỏ.Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại: 05 cây x 20.000 đồng = 100.000 đồng là có cơ sở.
Từ những phân tích trên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông L V N và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - anh L V K.
Về án phí: Ông H, bà B là người cao tuổi nên Toà án sơ thẩm buộc phảit chịu án phí là không chính xác.
Tài liệu có trong hồ sơ cho thấy hộ gia đình ông N M H và bà P T B sử dụng đất từ năm 1983 đến nay. Tòa án cấp sơ thẩm kiến nghị UBND huyện M Đ, thành phố HN cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất trên là không phù hợp với Điều 101 Luật đất đai năm 2013 và Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Tuy nhận định như trên nhưng tại phần Quyết định của bản án Tòa án cấp sơ thẩm cũng không đề cập đến việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H, bà B là thiếu xót. Do đó, cần phải sửa về cách tuyên đối với nội dung trên.
Vì vậy, căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm bản án số 09/2019/DS-ST ngày 29/11/2019 của Toà án nhân dân huyện M Đ về án phí và sửa về cách tuyên.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Về việc thực hiện tố tụng của Toà án sơ thẩm:
Về phạm vi khởi kiện, quan hệ pháp luật: Tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên tại thời điểm thụ lý là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện M Đ, thành phố HN theo quy định tại khoản 6, 9 Điều 26; Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự.
Về thẩm quyền: Bị đơn cư trú tại Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ; đất tranh chấp cũng tại địa chỉ trên; do vậy, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện M Đ theo điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a,c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Về thủ tục tiền tố tụng: Ông N M H đã có Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp gửi đến UBND thị trấn Đ N. Ngày 18/04/2015, UBND thị trấn Đ N đã làm việc và hoà giải với đầy đủ thành phần theo quy định của pháp luật nhưng hoà giải không thành. Do vậy, việc thụ lý vụ án là đảm bảo thủ tục tiền tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật đất đai năm 2013.
Toà án sơ thẩm đã thu thập chứng cứ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[1.2] Về chứng cứ: Tại Biên bản về kiểm tra việc giao nộp chứng cứ trong quá trình Toà án giải quyết; Các đương sự xác nhận các tài liệu giao nộp đã đầy đủ trong hồ sơ vụ án, không còn tài liệu, chứng cứ nào khác cần bổ sung. Các đương sự đã được tiếp cận toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ do hai bên đương sự cung cấp và Toà án thu thập. Do vậy, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án mà Toà án sử dụng làm căn cứ giải quyết đủ điều kiện là chứng cứ theo 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Về chứng cứ về nguồn gốc thửa đất tranh chấp: Trong quá trình Toà án giải quyết qua ba bản án đã xét xử; UBND huyện M Đ; UBND thị Trấn Đ N đã có nhiều văn bản xuất trình tại Tòa án cung cấp về nguồn gốc đất. Chứng cứ về nguồn gốc đất đã rõ và đủ điều kiện xét xử.
[1.3] Về kháng cáo: Ông L V N, anh L V có mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ngày 29/11/2019; Ngày 12/12/2019, Toà án sơ thẩm nhận được Đơn kháng cáo đề ngày 12/12/2019 của ông L V N, anh L V K kháng cáo toàn bộ bản án. Kháng cáo đảm bảo về chủ thể, hình thức, nội dung và trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 271, Điều 272, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Về phạm vi kháng cáo, tại đơn kháng cáo chị H, anh H kháng cáo toàn bộ bản án.
[1.4] Về sự vắng mặt của các đương sự tại phiên toà phúc thẩm:
Tại phiên toà, có mặt ông N V H, ông L V N, ông L V K; vắng mặt các đương sự khác. Các đương sự có mặt tại phiên toà đều không có yêu cầu hoãn phiên toà. Các đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nên Hội đồng xét xử thấy cần xét xử vắng mặt các đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
[2.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đòi quyền sử dụng đất tại thửa đất số 106, tờ bản đồ số 35, diện tích 95,6 m2:
Hội đồng xét xử thấy theo hồ sơ địa chính năm 1983; bản đồ đo đạc năm 1983; sổ mục kê đất đai năm 1983 của thị trấn Đ N, tại thửa đất số 63, diện tích 5250 m2 là đất ruộng cho nhiều hộ canh tác, không có quyết định giao ruộng, không phân định diện tích canh tác của từng hộ. Cả nguyên đơn và bị đơn đều không có quyết định giao đất đối với diện tích tranh chấp. Những người làm chứng như bà N T M, ông N V G, bà N T T, ông N V C xác nhận gia đình ông N M H và gia đình cụ L V T có canh tác tại thửa đất số 63 (diện tích 5250 m2) vào khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1985. Trong số những người làm chứng thì người có ý kiến là ông N M H canh tác, người thì có ý kiến cụ L V T canh tác trên đất vị trí đất tranh chấp ở những khoảng thời gian khác nhau.
Hội đồng xét xử nhận thấy ngay tại lời khai của những người liên quan thuộc gia đình ông L V N như bà N T H (vợ ông L V B), bà Đ T L (vợ ông L V C) đã xác nhận năm 1986-1987, anh N M D con của ông N M H đã sử dụng diện tích đất này để canh tác (do gia đình ông N cho mượn).
Hồ sơ địa chính năm 1998 của thị trấn Đ N: Bản đồ đo đạc năm 1998, sổ mục kê năm 1998 của thị trấn Đ N (sổ mục kê chưa được xác nhận, ký tên, đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền) có nội dung: Tại thửa đất số 81, tờ bản đồ số 05, diện tích 87 m2; tại trang số 61 sổ mục kê đất đai đứng tên ông N M H.
Về hồ sơ địa chính năm 2009 của thị trấn Đ N gồm: Bản đồ đo đạc năm 2009, sổ mục kê đất đai năm 2009 của thị trấn Đ N thể hiện: Tại thửa đất số 106, tờ bản đồ số 35, diện tích 95,6 m2, hồ sơ kỹ thuật thửa đất ghi tên ông N M H.
Tài liệu UBND thị trấn Đ N đang quản lý là sổ có tiêu đề “Sổ mục kê”, bản viết tay, diện tích đất tranh chấp giữa các đương sự thuộc tờ bản đồ số 05, thửa số 81, diện tích 87 m2, mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chủ sử dụng ông N M H - Thôn T T, Thị trấn Đ N, là tài liệu địa chính phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa phương. Biên bản làm việc và xác minh ngày 06/03/2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện M Đ cung cấp: Các bản đồ đo đạc hiện trạng lập năm 1998 và năm 2009 là căn cứ pháp lý và có giá trị thi hành.
Tiến hành xem xét các tài liệu do UBND thị trấn Đ N, UBND huyện M Đ đều thể hiện chỉ có gia đình ông N M H vẫn đang là người thực tế sử dụng diện tích đất mà các đương sự đang tranh chấp.
Hội đồng xét xử thấy ông N M H kê khai và đứng tên chủ sử dụng đối với diện tích đất 87 m2, tờ bản đồ số 05, thửa số 81 đo năm 1998 và diện tích 95,6 m2, thửa số 106, tờ bản đồ số 35, đo vẽ năm 2009-2010 là phù hợp với thực tế sử dụng đất, phù hợp với xác nhận của người làm chứng là ông N V C, bà N T M, bà N T T về việc gia đình ông N M H đã canh tác trên diện tích đất tranh chấp khoảng từ khoảng năm 1979.
Hội đồng xét xử nhận thấy có căn cứ xác định ông N M H đã sử dụng diện tích đất tranh chấp từ trước ngày 15/10/1993.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân sư đang sử dụng đất…d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.
Do vậy, yêu cầu khởi kiện của ông N M H và bà P T B đề nghị được công nhận là người sử dụng hợp pháp đối với thửa đất nông nghiệp số 81, diện tích 87 m2, tờ bản đồ số 5, đo đạc năm 1998 tại Thôn T T, thị trấn Đ N là có căn cứ pháp luật nên được chấp nhận.
Về ý kiến của UBND thị trấn Đ N thu hồi để đưa vào làm dự án: Tại “Bản tự khai” ngày 16/9/2019 có nội dung: Tờ bản đồ đo vẽ năm 1980, đất có số thửa 63, tờ bản đồ Đất nông nghiệp thị trấn T T, diện tích 5.250 m2. Đây là loại đất nông nghiệp do hợp tác xã giao cho các hộ xã viên trồng rau muống để nuôi lợn nái. Chủ sử dụng là UBND thị trấn T T. Đến bản đồ năm 1998: Đất có số thửa 81, tờ bản đồ số 05, diện tích 87 m2, số thửa và diện tích trên bản đồ tại khu vực ruộng được xác định theo các bờ ruộng, do các hộ trồng rau phân định với nhau. Loại đất: Là đất ruộng; chủ sử dụng: Do không có sổ mục kê xác định chủ sử dụng. Vì vậy, thửa đất trên được xác định là do UBND thị trấn quản lý. Tuy nhiên, đến bản đồ năm 2010: Đất số thửa 106, tờ bản đồ số 35, diện tích 95,6 m2 lại đứng tên ông N M H và bà P T B.
Như vậy, UBND thị trấn Đ N và UBND huyện M Đ đều không có hồ sơ địa chính lưu trữ theo đúng quy định của pháp luật về thửa đất đang có tranh từ năm 1980 đến năm 1998. Việc không có hồ sơ quản lý là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, UBND thị trấn đã xác định chủ sử dụng đất vào năm 1998, 2010 đều đứng tên ông N M H và bà P T B nhưng lại có yêu cầu thu hồi là không có căn cứ.
[2.2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc gia đình ông N, bà L chấm dứt hành vi xâm chiếm đất đồng thời phải bốc dỡ đá mạt đổ trên đất nông nghiệp, không được cản trở gia đình ông H, bà B thực hiện quyền sử dụng đất.
Hội đồng xét xử thấy rằng, ông N và các thành viên trong gia đình cho rằng diện tích đất tranh chấp là của gia đình mình và thừa nhận đã có hành vi đổ đá mạt lên trên để giữ đất. Tuy nhiên, do không có chứng cứ để chứng minh quyền sử dụng diện tích đất trên là của gia đình ông N, bà L nên việc đổ đá mạt lên đất là hành vi cản trở quyền sử dụng của sử dụng là ông H, bà B. Do đó, áp dụng Điều 131, Điều 166 Luật đất đai năm 2013; Điều 169 Bộ luật dân sự 2015, cần buộc ông N và bà L và những người khác phải bốc dỡ đá mạt, không ai được xâm chiếm và cản trở quyền sử dụng của ông N M H, bà P T B đối với thửa đất nông nghiệp số 81, diện tích 87 m2, tờ bản đồ số 5, đo năm 1998 tại Thôn T T, thị trấn Đ N.
[2.3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc vợ chồng ông N, bà L bồi thường thiệt hại cây cối hoa màu do bị phá hoại với số tiền là 24.500.000 đồng, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Nguyên đơn khai sau khi đổ đất san nền đã trồng chuối, khoai lang trên đất. Đến năm 2013, thì bị gia đình ông N và bà L chặt phá khoảng 30 cây chuối và 90 m2 rau khoai lang; tuy nhiên, nguyên đơn không có tài liệu chứng minh việc ông N, bà L chặt phá số lượng hoa màu trên.
Những người làm chứng như bà N T M, ông N V C, ông N V B đều xác nhận thấy nhà ông H trồng chuối tây, ông B khai trồng khoảng 10 khóm chuối tây.
Biên bản làm việc xác định hoa màu tại khu đất nông nghiệp thể hiện tại thời điểm xem xét không có cây chuối nào trên đất, bà T T L có xác nhận đã chặt 05 cây chuối nhỏ, ngoài ra biên bản cũng không ghi nhận có hoa màu nào khác trên đất. Như vậy, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ xác định số hoa màu bị chặt phá là 05 cây chuối nhỏ. Cần buộc bà T T L phải bồi thường thiệt hại về hoa màu theo quy định tại Điều 170, Điều 589 Bộ luật dân sự giá trị của 05 cây chuối theo định giá là 20.000 đồng/cây, tổng bằng số tiền 100.000 đồng.
Các yêu cầu bồi thường thiệt hại khác do chưa đủ căn cứ nên không được xem xét, chấp nhận.
[2.4] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đề nghị Toà án kiến nghị UBND huyện M Đ, thành phố HN để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở:
Như nhận định trên là đất nông nghiệp do UBND thị trấn Đ N quản lý; gia đình ông N M H đã sử dụng thửa đất từ trước ngày 15/10/1993, đã được ghi nhận tại hai bản đồ năm 1998 và bản đồ năm 2010. Hiện trạng đất xen kẹt trong khu dân cư. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện M Đ, thành phố HN. Hội đồng xét xử thấy rằng, UBND huyện M Đ cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ ông N M H theo đúng quy định của pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của ông L V N và ông L V K:
Quá trình giải quyết vụ án, gia đình ông L V N không xuất trình được tài liệu nào như quyết định giao đất;, chứng minh quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp.
Về tài liệu do bị đơn cung cấp là “Sổ mục kê diện tích đất thổ cư - thổ canh sao lưu bản đồ lưu trữ năm 1975” trang 53; mục “xứ đồng” ghi: Đất trong làng; mục “Đơn vị quản lý và sử dụng” dòng thứ 34 từ trên xuống ghi: “Lê.V. Thiêm”, số thửa: 129, thổ canh: 164 m2, cộng: 164. Tại biên bản xác minh ngày 03/4/2017, UBND thị trấn Đ N cung cấp: Không có Bản đồ địa chính theo sổ mục kê này. Điều này phù hợp với lời khai của người làm chứng là cán bộ địa chính về việc được cán bộ địa chính cũ là N T N (đã chết) xé cho một nửa thì ông không được bàn giao tài liệu địa chính nào khác. Ngoài ra, qua xem xét thực tế thì sổ mục kê trên không có dấu phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nên không có giá trị pháp lý để coi là chứng cứ theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, những người có quyền nghĩa vụ liên quan về phía nguyên đơn đều không công nhận giá trị pháp lý của tài liệu “Sổ mục kê diện tích thổ cư-thổ canh sao lưu bản đồ lưu trữ năm 1975”.
Theo các tài liệu về nguồn gốc đất do UBND thị trấn Đ N và UBND huyện M Đ cung cấp thì số thửa, số diện tích trong tài liệu này không trùng với đất đang tranh chấp. Diện tích đất đang tranh chấp hiện nay, theo bản đồ năm 1998 là 87 m2, bản đồ đo năm 2009 là 96,5 m2, nhỏ hơn rất nhiều các diện thổ canh có trong sổ mục kê này (164 m2 và 280 m2).
Tại phiên toà phúc thẩm, ông L V N xác nhận vị trí các thửa đất thổ canh của người sử dụng “L.V.T” tại sổ mục kê này thể hiện xứ đồng là “Đất trong làng”, trong khi diện tích các đương sự tranh chấp hiện nay không nằm trong làng mà ở tại khu đồng R T (C Q).
Do vậy, Hội đồng xét xử nhận thấy không có sự liên quan giữa tài liệu bên bị đơn đưa ra với diện tích đất tranh chấp.
Theo “Sổ mục kê” năm 1998 tại trang số 61, các cột 9, 10, 11, 12 mục “Chia ra các loại đất” và cột 13 mục “Ghi chú” có ghi chú đối với thửa số 81, diện tích 87 m2, chủ sử dụng ông N M H là: “Nguồn gốc: L V T sử dụng trước năm 1980”. Tuy nhiên, căn cứ pháp lý và tài liệu địa chính làm cơ sở để ghi chú nội dung ông L V T là chủ sử dụng diện tích đất này đều không có, việc ghi chú cũng không theo quy định về chỉnh lý đối với sổ mục kê tại tiểu mục 3.4, mục 3, phần II Quyết định số 499 QĐ/ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục địa chính ban hành quy định mẫu sổ địa chính; sổ mục kê; sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ theo dõi biến động đất đai.
Hội đồng xét xử thấy rằng không có căn cứ để xác định diện tích đất các đương sự đang tranh chấp là hoặc thuộc một trong các diện tích thổ canh của chủ sử dụng L V T được thể hiện tại “Sổ mục kê diện tích thổ cư-thổ canh sao lưu bản đồ lưu trữ năm 1975”. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông L V N, ông L V K.
[4] Về nghĩa vụ chịu án phí:
[4.1] Về án phí dân sự sơ thẩm:
Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của ông N M H và bà P T B được chấp nhận nên ông H, bà B không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về tranh chấp quyền sử dụng đất. Ông H, bà B phải chịu án phí về phần yêu cầu bồi thường thiệt hại không được chấp nhận là 1.220.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên, ông N M H, sinh năm 1936; bà N T B, sinh năm 1941 là người cao tuổi nên được miễn án phí theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009. Hoàn trả số tiền đã nộp tại biên lai số 1063 ngày 10/11/2015 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M Đ, thành phố HN. Cần sửa nội dung này của bản án sơ thẩm.
Ông L V N và bà T T L phải liên đới nộp 200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; bà T T L phải nộp 200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm về việc bồi thường thiệt hại.
[4.2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố HN phù hợp với Hội đồng xét xử nên cần chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
- Điều 169, 170, 357, 463, 466, 468, 589 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Điều 131, 166, Điều khoản 2 Điều 202; Điều 203 Luật đất đai năm 2013;
- Điểm d khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003;
- Khoản 2 Luật người cao tuổi năm 2009;
- Khoản 6,9 Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 93, Điều 271, Điều 272, Điều 273, khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Tiểu mục 3.4, mục 3, phần II Quyết định số 499 QĐ/ĐC ngày 27/07/1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục địa chính ban hành quy định mẫu sổ địa chính; sổ mục kê; sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ theo dõi biến động đất đai;
- Điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 1 và khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án,;
- Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
Xử:
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông L V N, ông L V K; sửa phần án phí bản án sơ thẩm 09/2019/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện M Đ, thành phố HN cụ thể như sau:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N M H và bà P T B:
1.1. Công nhận gia đình ông N M H và vợ là bà P T B là người sử dụng hợp pháp thửa đất nông nghiệp số 81, diện tích đất 87 m2, tờ bản đồ số 05, đo năm 1998; theo bản đồ năm 2009-2010 thuộc thửa số 106, tờ bản đồ số 35, diện tích 95,6m2 Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN. Kiến nghị UBND huyện M Đ xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Pháp luật.
1.2. Ông L V N và bà T T L phải bốc dỡ toàn bộ đá mạt đã đổ trên đất;
không ai được chiếm giữ và cản trở quyền sử dụng thửa đất số 81, diện tích đất 87 m2, tờ bản đồ số 05, đo năm Thôn T T, thị trấn Đ N, huyện M Đ, thành phố HN của ông N M H và bà P T B.
1.3. Buộc bà T T L phải bồi thường trả ông N M H và bà P T B số tiền 100.000 đồng tiền cây cối hoa màu do bị chặt phá.
1.4. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại 24.400.000 đồng của ông N M H và bà P T B.
Khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án không thi hành thì còn phải chịu lãi nợ quá hạn theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
2. Về án phí:
Ông N M H và bà N T B không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả ông H, bà B số tiền đã nộp tại biên lai số 1063 ngày 10/11/2015 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M Đ, thành phố HN.
Ông L V N phải chịu 100.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, đối trừ với số tiền 300.000 đồng ông N đã nộp tại biên lai số 2543 ngày 12/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M Đ, thành phố HN; ông N được hoàn trả 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).
Bà T T L phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ông L V K được hoàn trả 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng ) đã nộp tại biên lai số 2544 ngày 12/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M Đ, thành phố HN.
Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày Tòa tuyên án./.
Bản án 227/2020/DS-PT ngày 26/06/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 227/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/06/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về