Bản án 22/2021/DS-PT ngày 12/01/2021 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 22/2021/DS-PT NGÀY 12/01/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Trong các ngày 25/12/2020, 05/01/2021 và ngày 12/01/2021, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 544/DSPT ngày 10/11/2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”;

Do bản án dân sự sơ thẩm số 316/2020/DS-ST ngày 22/09/2020 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 586/2020/QĐ-PT ngày 24/11/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 22036/2020/QĐ-PT ngày 14/12/2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Phạm Đình P, sinh năm 1957;

Địa chỉ: A, phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang V, sinh năm 1983 (có mặt) Địa chỉ: X, Phường Y, Quận Z, Thành phố Hồ Chí Minh Bị đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T;

Địa chỉ: A1, phường B1, Quận C1, Thành phố Hồ Chí Minh Đại diện theo pháp luật: Ông Dương M - Chức vụ: Giám đốc Đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Phạm Văn T1, sinh năm 1985 (có mặt) Địa chỉ: X1, Phường Y1, Quận Z1, Thành phố Hồ Chí Minh

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Hồng L – Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh. (có mặt) Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện nộp ngày 31/08/2018, đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện nộp ngày 04/10/2019, các bản tự khai cùng các tài liệu, chứng cứ khác, nguyên đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:

Ông Phạm Đình P là chủ sở hữu nhà ở tại số O13 Khu Nhà ở Vạn Phúc 1, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh theo Văn bản chuyển nhượng Hợp đồng Mua bán nhà ở ngày 26/07/2017 với ông bà Phạm D, Bùi Phạm P1.

Sau khi nhận chuyển nhượng nhà ở trên với phần xây dựng thô 05 tầng gồm: tầng trệt, tầng lửng, lầu 2, 3, 4 và sân thượng, ông Phạm Đình P đã ký hợp đồng không đề ngày tháng 9 năm 2017 (sau đây gọi tắt là hợp đồng) với Công ty Cổ phần Xây dựng T (tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T – sau đây gọi tắt là Công ty) do ông Dương M – Giám đốc công ty làm đại diện với nội dung: Công ty T nhận thầu thi công xây dựng hoàn thiện căn nhà trên với giá 1.200.000.000đ theo bảng báo giá đính kèm, thời gian thi công bắt đầu là 28/09/2017 và kết thúc thi công, bàn giao sau 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Phương thức thanh toán: Đợt 1 tạm ứng 40% giá trị hợp đồng là 480.000.000 đồng vào ngày 29/09/2017; Đợt 2: thanh toán 40% giá trị hợp đồng là 480.000.000 đồng vào ngày 29/10/2017; Đợt 3: 20% giá trị còn lại của hợp đồng sau khi nghiệm thu hoàn thành.

Thực hiện hợp đồng, nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn số tiền sau:

- Đợt 1: ngày 29/09/2017 tạm ứng 480.000.000 đồng.

- Đợt 2: ngày 02/11/2017 tạm ứng 300.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền đã tạm ứng là 780.000.000 đồng.

Do bị đơn không thực hiện đúng hợp đồng, thi công chậm trễ kéo dài nên nguyên đơn đã lấy lại mặt bằng thi công và yêu cầu bị đơn hoàn trả phần tiền ứng trước chưa được thi công.

Ngày 31/08/2018, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn:

- Hoàn trả số tiền 480.000.000 đồng.

- Bồi thường thiệt hại thực tế và các khoản tiền lẽ ra được hưởng theo hợp đồng thuê nhà ngày 01/12/2017 giữa nguyên đơn và ông Nguyễn Thanh Tuấn làm 300.000.000 đồng.

Ngày 21/05/2019, tại biên bản không tiến hành hòa giải được (BL.163), nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của hợp đồng thuê nhà ngày 01/12/2017 giữa nguyên đơn và ông Nguyễn Thanh T2 làm 300.000.000 đồng, chỉ giữ yêu cầu bị đơn trả lại phần tiền chưa thi công: 780.000.000 đồng – 259.332.000 đồng = 520.332.000 đồng dựa theo kết quả giám định phần các hạng mục đã thi công trị giá là 259.668.100 đồng của Chứng thư giám định xây dựng ngày 18/04/2019.

Ngày 28/08/2019 nguyên đơn hủy bỏ nội dung rút một phần yêu cầu khởi kiện ngày 21/05/2019, vẫn giữ nguyên yêu cầu ban đầu.

Ngày 04/10/2019, nguyên đơn yêu cầu bổ sung: do bị đơn thi công chậm trễ gây thiệt hại cho nguyên đơn không có nhà ở đưa vào sử dụng, buộc nguyên đơn phải đi thuê chỗ ở khác nên yêu cầu bị đơn thanh toán tiền thuê nhà giữa ông Phạm Đình P và bà Trần Thị L1 là 41.400.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại phần tiền chưa thi công: 520.332.000 đồng dựa theo kết quả của Chứng thư giám định xây dựng ngày 18/04/2019, không yêu cầu tiền lãi và rút tất cả các yêu cầu khác.

Bị đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:

Không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn, vì các lý do sau:

1. Ông Phạm Đình P đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán đợt 2 vì tại khoản 1 điều III Hợp đồng: Ông P phải thanh toán cho Công ty T đợt 2 số tiền 480.000.000 đồng vào ngày 29/10/2017, nhưng ông P mới thanh toán được 300.000.000 đồng; theo Hợp đồng đợt 2 thanh toán chưa có thỏa thuận nghiệm thu, chỉ đến thanh toán đợt 3 hai bên mới tiến hành nghiệm thu và thanh toán đợt 3;

2. Ông P đã đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với bên B, cụ thể: bên ông P không cho công nhân bên công ty T tiếp tục thi công.

3. Việc nguyên đơn dựa trên kết quả giám định để yêu cầu Công ty phải hoàn lại tiền chênh lệch là không có căn cứ vì không được quy định trong họp đồng thi công mà hai bên đã ký kết.

4. Do bên phía nguyên đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công nên Công ty không thể tiếp tục thi công hoàn thiện công trình, Công ty không có lỗi.

Ngày 11/07/2019 bị đơn có đơn yêu cầu phản tố như sau:

- Yêu cầu ông Phạm Đình P phải thanh toán cho Công ty T số tiền 180.000.000 đồng do chưa thanh toán đủ số tiền đợt 2 theo quy định tại Điều III của Hợp đồng.

- Yêu cầu nguyên đơn phải chịu tiền phạt tương ứng với thời gian chậm thanh toán từ ngày 30/10/2017 đến ngày 10/7/2019 là 619 ngày số tiền 41.210.137 đồng.

- Tổng cộng cả gốc và lãi là 221.210.137 đồng.

Tòa án nhân dân quận Thủ Đức đưa vụ án ra xét xử và đã quyết định tại bản án số 316/2020/DS - ST ngày 22/9/2020 như sau:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.

Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T có trách nhiệm hoàn trả lại cho ông Phạm Đình P số tiền 655.037.200 đồng.” Ngoài ra án sơ thẩm cũng tuyên về quyền thi hành án, án phí, chi phí tố tụng khác và quyền kháng cáo cho các bên đương sự.

Ngày 06/10/2019 bị đơn có đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án (BL.295).

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:

Công ty Cổ phần Xây dựng T và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T là một. Việc phần đầu của hợp đồng xây dựng ghi thiếu chữ Đầu tư trong phần tên công ty là do sai sót đánh máy. Bị đơn xác định là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T là đơn vị ký kết hợp đồng xây dựng với ông Phạm Đình P và ông Dương M là người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Bị đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm không đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện và không công bằng, thể hiện:

- Bị đơn thực hiện thi công nhưng ông P thay đổi thiết kế: yêu cầu dời vị trí thang máy nên phải đập ra xây lại. Đến ngày 16/08/2018 ông P đuổi công nhân của công ty không cho thi công tiếp.

- Bản án sơ thẩm tuyên buộc bị đơn trả tiền nhưng không căn cứ trên hợp đồng. Vì theo hợp đồng nguyên đơn phải thanh toán đủ giai đoạn 2 nhưng nguyên đơn chỉ thanh toán 300.000.000 đồng, còn 180.000.000 đồng chưa thanh toán.

- Không đồng ý chứng thư thẩm định giá vì thủ tục thẩm định giá không đúng, việc thẩm định giá trị đã thi công nhưng không tính đến các chi phí khác như vật tư đã tập kết đưa vào công trình chưa thi công nhưng bị hao hụt và sau đó nguyên đơn đóng cửa không cho vào thi công, tiền thuê máy móc, thiết bị đưa vào sử dụng trong công trình, các chi phí do việc thi công rồi nhưng phải đập đi làm lại do nguyên đơn thay đổi thiết kế yêu cầu di dời vị trí lắp đặt hố thang máy, chứng thư giám định liệt kê về gói thầu điện, nước đang thi công dang dở nhưng không xác định giá trị.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu quan điểm tranh luận: Bản án sơ thẩm không đảm bảo đúng quy định pháp luật, do đó đề nghị hủy bản án giao hồ sơ về giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Nguyên đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không đồng ý kháng cáo của bị đơn. Đồng ý không yêu cầu tiền lãi, chỉ yêu cầu số tiền gốc chênh lệch so với giá trị công trình mà bị đơn đã thi công theo chứng thư thẩm định giá là 780.000.000 đồng – 259.332.000 đồng = 520.332.000 đồng, không yêu cầu tiền lãi.

Hai bên thỏa thuận phần thiết kế hoàn thiện nội thất nhưng bị đơn không đưa bản vẽ thiết kế và bảng tính chi tiết các phần thi công, hai bên tiến hành ký hợp đồng thi công hoàn thiện là tiến hành luôn dựa trên thiết kế của Vạn Phúc. Sau khi ứng tiền đợt 1, đến đợt 2 nguyên đơn ứng trước 300.000.000 đồng nhưng thấy bị đơn không tiến hành thi công được bao nhiêu nên sau đó không đồng ý trả tiền tiếp. Do bị đơn không thi công nên nguyên đơn lấy lại công trình để tự hoàn thiện, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Bị đơn nêu việc có đưa máy móc thiết bị và công trình thì sau đó đã giao lại cho bị đơn và có ký nhận, còn một số vật liệu như cát, xi măng, ... thì không có giá trị bao nhiêu.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát biểu về quá trình tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm và quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cho đến thời điểm kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa, những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung: Xét thấy kháng cáo của bị đơn có một số cơ sở nhất định nên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo hướng sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1.] Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị đơn, nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, phù hợp các Điều 271, 272, 273, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên được chấp nhận để xem xét giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

[2.] Về nội dung kháng cáo của bị đơn yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Xét hợp đồng xây dựng tháng 9/2017 các bên đã ký kết, hình thức và nội dung phù hợp quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 nên phát sinh hiệu lực thực hiện.

Dựa trên căn cứ ký kết hợp đồng, hai bên chọn áp dụng Luật xây dựng năm 2003 và Bộ luật dân sự năm 2005 (dù thời điểm ký kết hợp đồng Luật xây dựng 2014 và Bộ luật dân sự 2015 đã có hiệu lực).

Về nội dung điều khoản thanh toán có tranh chấp, nhận thấy: Các bên thỏa thuận thanh toán làm 3 đợt, trong đó đợt 1 được tạm ứng 40% khi ký kết hợp đồng, đợt 2 thanh toán 40% vào ngày 29/10/2017 và đợt 3 thanh toán 20% giá trị còn lại sau khi hoàn thành và nghiệm thu.

Thực hiện nội dung thỏa thuận trên, nguyên đơn đã tạm ứng đủ 480.000.000 đồng đợt 1 sau khi ký hợp đồng. Đến đợt 2, nguyên đơn đã nộp tạm ứng 300.000.000 đồng theo phiếu thu của bị đơn ngày 02/11/2017.

Việc thanh toán giữa đợt 1 và đợt 2 theo Điều III của Hợp đồng, các bên không thỏa thuận cụ thể điều kiện để thanh toán, về khối lượng hay tiến độ thi công.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Xây dựng năm 2003, “Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán, quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện. Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng công việc được nghiệm thu.” Tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng bị đơn không đưa ra biên bản nên hai bên không có nghiệm thu từng phần. Phía bị đơn không đưa ra bằng chứng về việc các bên có biên bản nghiệm thu từng phần.

Đối chiếu với Điều 2 của Hợp đồng, nguyên đơn có trách nhiệm “cử người tiếp tục giám sát thi công về tiến độ, về khối lượng và chất lượng, xác nhận vật liệu thiết bị lắp đặt thi công và xác nhận phần việc mới cho việc thi công tiếp”. Vậy, việc giám sát thi công tiến độ và khối lượng thi công thuộc trách nhiệm bên A là nguyên đơn nhưng việc lập biên bản để tiến hành nghiệm thu và thanh quyết toán từng phần thuộc trách nhiệm bị đơn nhưng bị đơn không thực hiện.

Về chứng thư giám định xây dựng: Xét thấy chứng thư giám định xây dựng không ghi nhận được tiến độ, khối lượng công việc cần thi công của từng giai đoạn theo thỏa thuận của các bên, việc thẩm định giá trị khối lượng công việc đã thi công không giúp đánh giá được khối lượng công việc theo thỏa thuận của từng giai đoạn, việc thẩm định cũng không ghi nhận toàn bộ các chi phí nguyên vật liệu sử dụng tại công trình (bao gồm cả phần còn dôi dư tại công trình theo biên bản thẩm định tại chỗ và các chi phí khác như phần điện, nước đã thi công dang dở...). Do đó, căn cứ vào kết quả thẩm định giá trị đã thi công tại công trình để buộc bị đơn thanh toán phần giá trị ứng trước chưa được thi công như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định là không phù hợp.

Bị đơn không đồng ý kết quả của chứng thư giám định xây dựng nêu trên nhưng cũng không yêu cầu giám định lại vì cho rằng hiện công trình đã được chủ nhà hoàn thiện xong nên không thể thực hiện được việc giám định lại.

Vậy, không có bằng chứng được nêu ra về việc giai đoạn 1 bị đơn không hoàn thành tiến độ, khối lượng công việc, đồng thời với việc nguyên đơn đã chấp nhận thanh toán đợt 2, thể hiện nguyên đơn đã đồng ý với kết quả thi công của giai đoạn 1. Do vậy, số tiền 480.000.000 đồng đã ứng trước của giai đoạn 1 được xem như đã thanh toán cho giai đoạn 1.

[2.2] Xét giai đoạn 2 của hợp đồng, nguyên đơn tạm ứng 300.000.000 đồng trong số 480.000.000 đồng cần thanh toán. Về phía bị đơn, xét thấy: Theo Khoản 2 Điều VI của Hợp đồng bị đơn có nghĩa vụ “Đảm bảo công việc đúng tiến độ và hoàn tất đúng thời hạn quy định”. Nhưng theo quy định về thời hạn của Hợp đồng, thời hạn thi công hoàn thiện công trình là 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Và “bất kỳ sự thay đổi phát sinh nào yêu cầu của bên A trong nội dung công việc ký hợp đồng này phải được sự thỏa thuận bằng văn bản và được hai bên ký kết trước khi thực hiện và sẽ được thanh toán theo Điều III của Hợp đồng giữa hai bên.” (Trích quy định tại Khoản 4. Điều I của Hợp đồng). Theo trình bày của ông Dương M tại văn bản ngày 29/10/2018 (BL.146-147), thời gian thi công hoàn thiện công trình là từ ngày 28/09/2017, thời hạn thực hiện là 90 ngày, do quá trình thi công vấp phải sự cố kỹ thuật buộc thay đổi vị trí lắp đặt thang máy nên chậm tiến độ 60 ngày và phải xin phép lại từ Ban quản lý dự án Vạn Phúc phê duyệt. Sau đó, khi tường ngăn của lầu 4 được xây xong thì phía nguyên đơn yêu cầu thay đổi – phải đập ra xây lại nên mất thêm 01 tháng. Tuy nhiên, giữa hai bên không có văn bản thể hiện sự thay đổi thiết kế - thi công để làm căn cứ gia hạn thêm thời hạn của hợp đồng mà chỉ là lời khai của phía bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn không xác định được thời điểm nguyên đơn đã lấy lại mặt bằng để chấm dứt sự thi công của bị đơn tại công trình; Người đại diện hợp pháp của bị đơn cũng như ông Dương M khẳng định tại BL.146 là công nhân của công ty T bị yêu cầu ra khỏi công trình vào ngày 16/08/2018. Vậy, từ ngày ký hợp đồng và bắt đầu thực hiện thi công hoàn thiện công trình là 28/09/2017, thời hạn thực hiện là 90 ngày, cộng 90 ngày gia hạn do các lý do bị đơn nại ra, vậy thời hạn hoàn thành công trình phải là khoảng 06 tháng – khoảng 28/03/2018 là hoàn thành. Nhưng khi bị yêu cầu ra khỏi công trình là ngày 16/08/2018, công trình vẫn còn dang dở và khối lượng công trình đạt được rất ít so với bản dự toán công trình do chính ông Dương M nộp Tòa án ngày 03/07/2019 (BL.131-139). Bản dự toán này thay vì được lập trước khi ký kết hợp đồng và được giao cho chủ đầu tư là nguyên đơn, nhưng ông Dương M đã lập dự toán không có chữ ký xác nhận của nguyên đơn và chỉ giao nộp cho Tòa án vào ngày 03/07/2019.

Vậy, bị đơn đã liên tiếp vi phạm các quy định của luật pháp về xây dựng và cũng như thỏa thuận của hợp đồng khi không bàn giao bản dự toán công trình cho chủ đầu tư khi ký hợp đồng xây dựng, không lập hồ sơ thanh toán từng giai đoạn với chủ đầu tư để minh bạch kết quả thi công xây dựng, quá trình thi công kéo dài gây nhiều thiệt hại cho chủ đầu tư, đây là các lỗi vi phạm nghiêm trọng nên chủ đầu tư đã đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng với nhà thầu - bị đơn - là đúng quy định theo Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Xây dựng năm 2003 và Khoản 1 Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005. Điều này cũng phù hợp quy định của Khoản 1 Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015: “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn về việc bị đơn hoàn trả lại phần tiền ứng trước chưa được đưa vào thi công là có căn cứ, tuy nhiên việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn hoàn trả lại phần tiền chưa thi công dựa trên kết quả chưng thư giám định xây dựng là chưa phù hợp, cần điều chỉnh lại.

Về phía bị đơn cho rằng nguyên đơn đã vi phạm điều khoản thanh toán do thanh toán không đủ số tiền của giai đoạn 2, theo quy định tại Điều V của Hợp đồng, bị đơn được hưởng thời hạn gia hạn bàn giao công trình vì bất kỳ các lý do được liệt kê, trong đó có lý do bên A chậm thanh toán cho bên B theo điều khoản III tại Hợp đồng. Từ đó, bị đơn có yêu cầu phản tố buộc nguyên đơn thanh toán số tiền còn thiếu của giai đoạn 2 và lãi do chậm thanh toán.

Theo quy định tại Điểm c và d Khoản 1 Điều 76 Luật Xây dựng năm 2003, nhà thầu được quyền “c) Yêu cầu thanh toán giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành theo đúng hợp đồng; d) Dừng thi công xây dựng công trình nếu bên giao thầu không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký kết gây trở ngại và thiệt hại cho nhà thầu;”, tuy nhiên, do bị đơn không thực hiện lập hồ sơ thanh toán từng giai đoạn với chủ đầu tư theo nghĩa vụ của mình nên không có căn cứ cho rằng chủ đầu tư là nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với mình, vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán để chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn là không phù hợp, cần sửa lại án sơ thẩm.

[2.3] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa phúc thẩm là có cơ sở, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát và chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm để điều chỉnh lại nghĩa vụ hoàn trả tiền ứng trước của bị đơn do không thực hiện thi công như sau:

- Bị đơn có nghĩa vụ hoàn trả lại 300.000.000 đồng tiền nguyên đơn đã ứng trước cho giai đoạn thi công thứ hai nhưng bị đơn không thực hiện.

- Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn trong việc không tính tiền lãi phạt trên số tiền ứng trước 300.000.000 đồng.

- Đối với kết quả giám định xây dựng, kết quả xem xét thẩm định tại chỗ được thực hiện theo yêu cầu của ngyên đơn nhằm thu thập chứng cứ chứng minh cho vụ án, tuy nhiên kết quả của chứng thư cũng như biên bản thẩm định tại chỗ không được sử dụng trong việc giải quyết vụ án nên các chi phí tố tụng này do nguyên đơn chịu.

- Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng thiếu sót trong phần quyết định không tuyên rõ các quyết định giải quyết của Tòa án đối với phần yêu cầu khởi kiện nguyên đơn đã rút dù đã được xem xét giải quyết tại phần nhận định nên cần khắc phục thiếu sót này.

Do sửa án sơ thẩm nên án phí sơ thẩm được tính lại như sau:

Bị đơn chịu án phí đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận là 300.000.000 đồng x 5% = 15.000.000 đồng.

Nguyên đơn chịu án phí 5% trên số tiền yêu cầu nhưng không được chấp nhận là 520.332.000 đồng - 300.000.000 đồng = 220.332.000 đồng nhưng được miễn án phí do là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Nguyên đơn được nhận lại tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp.

[2.4] Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bị đơn được nhận lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 5, Khoản 2 Điều 148, Khoản 1 Điều 161, Khoản 1 Điều 165, Khoản 3 Điều 218, Khoản 2 Điều 308, Khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T.

Sửa một phần bản án sơ thẩm số 316/2020/DS-ST ngày 22/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức:

1.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Đình P.

1.2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng do nguyên đơn tự nguyện rút yêu cầu.

1.3. Bị đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T có trách nhiệm hoàn trả lại cho ông Phạm Đình P số tiền 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng) để thanh lý cho Hợp đồng không đề ngày tháng 9/2017 được ký kết giữa ông Phạm Đình P với Công ty Cổ phần Xây dựng T.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chậm thực hiện việc trả số tiền nêu trên thì người phải thi hành án còn phải trả tiền lãi của số tiền gốc chậm trả theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

1.4. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc buộc nguyên đơn thanh toán số tiền 180.000.000 đồng và lãi chậm thanh toán.

2. Chi phí tố tụng: Nguyên đơn chịu và đã nộp xong.

3. Án phí dân sự sơ thẩm:

Bị đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T phải chịu án phí là 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng), được trừ một phần vào tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 5.530.253 đồng (Năm triệu năm trăm ba mươi ngàn hai trăm năm mươi ba đồng) theo Biên lai thu số 003510 ngày 01/08/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức. Bị đơn có trách nhiệm nộp tiếp số tiền án phí còn lại là 9.469.747 đồng (Chín triệu bốn trăm sáu mươi chín ngàn bảy trăm bốn mươi bảy đồng).

Nguyên đơn được miễn nộp án phí do là người cao tuổi. Nguyên đơn được nhận lại toàn bộ tạm ứng án phí đã nộp là 17.600.000 đồng (Mười bảy triệu sáu trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0022631 ngày 13/09/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: không ai phải chịu.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T được nhận lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0057908 ngày 09/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

560
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2021/DS-PT ngày 12/01/2021 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

Số hiệu:22/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về