Bản án 22/2018/HS-ST ngày 02/03/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 22/2018/HS-ST NGÀY 02/03/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong ngày 02/3/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 226/2017/TLPT-HS ngày 19/12/2017 đối với bị cáo Nguyễn Đức P do có kháng cáo của bị cáo  đối với bản án hình sự sơ thẩm số 76/2017/HSST ngày 23/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Bị cáo có kháng cáo :

Họ và tên: Nguyễn Đức P, sinh năm 1949; nơi cư trú: thôn B, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: lớp 3/7; con ông Nguyễn Văn T và con bà Phan Thị T (đều đã chết); có vợ là Nguyễn Thị B và có 06 con (con lớn nhất sinh năm 1976, con nhỏ nhất sinh năm 1990); tiền án, tiền sự: không; hiện đang tại ngoại (vắng mặt).

Trong vụ án còn có người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Đức P tham gia kháng chiến tại chiến trường Miền Nam từ năm 1968 đến năm 1977. Sau khi xuất ngũ phục viên, Nguyễn Đức P trở về địa phương làm ruộng, đến năm 2007 Nguyễn Đức P làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ chất độc hóa học đối với người tham gia kháng chiến. Ngày 06/3/2008, Nguyễn Đức P có Quyết định được hưởng trợ cấp chế độ chất độc hóa học (chất độc da cam).

Năm 2011, thông qua ông Lương Văn H- sinh năm 1953, trú tại thôn C, xã P, huyện L, tỉnh Bắc Giang và ông Phan Thanh Đ- sinh năm 1948, trú tại thôn P, xã P, huyện L, tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Đức P biết có một số người ở xã P, huyện L, tỉnh Bắc Giang cũng là những người đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Miền Nam muốn làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ chất độc hóa học, nên Nguyễn Đức P đã tìm gặp những người này tư vấn cho họ cách làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chất độc hóa học và khi tư vấn cho họ thì Nguyễn Đức P đều bảo là muốn làm nhanh hồ sơ để được hưởng chế độ chất độc hóa học thì đưa tiền cho P, Nguyễn Đức P sẽ tác động đến những người có chức trách (người quen của P) để làm nhanh và được hưởng chế độ chất độc hóa học. Do tin tưởng Nguyễn Đức P có mối quan hệ với những người có chức trách, lo chạy được để hưởng chế độ chất độc hóa học, nên có 14 người gồm: Ông Nguyễn Văn L- sinh năm 1948, ông Nguyễn Văn M- sinh năm 1943, ông Hà Văn L- sinh năm 1937, ông Nguyễn Đức D- sinh năm 1937, ông Lê Văn C- sinh năm 1955, ông Phạm Văn T- sinh năm 1949, đều trú quán: Thôn C, xã P, huyện L, tỉnh Bắc Giang; Ông Bùi Ngọc S- sinh năm 1951, ông Lưu Ngọc S- sinh năm 1942, ông Phạm Văn Đ- sinh năm 1950, đều trú tại: Thôn Đ, xã P, huyện L. Ông Phan Thanh Đ- sinh năm 1949, ông Nguyễn Văn T-sinh năm 1952, ông Hoàng Văn T- sinh năm 1950, ông Đào Thanh T- sinh năm 1947 và ông Nguyễn Văn C-sinh năm 1946, đều trú tại: Thôn P, xã P, huyện L đã đưa tiền cho Nguyễn Đức P nhờ lo giúp làm nhanh hồ sơ và sẽ được hưởng chế độ chất độc hóa học. Ban đầu Nguyễn Đức P bảo mỗi người đưa cho P từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng, sau khi nhận tiền của những người này, một thời gian sau Nguyễn Đức P lại đến gặp họ và nói phải đưa thêm tiền, mỗi người phải đủ 25.000.000 đồng mới lo chạy được chế độ nên những người nêu trên tin tưởng đưa thêm tiền cho Nguyễn Đức P. Tuy nhiên do một số người không có tiền nên không đưa đủ số tiền trên cho P theo như yêu cầu. Khi 14 người nêu trên đưa tiền cho Nguyễn Đức P, P đều viết giấy vay tiền của những người này để làm tin.

Cụ thể những người trên mỗi người đã hai lần đưa tiền cho Nguyễn Đức P (riêng ông Hà Văn L và ông Phạm Văn Đ do không có tiền nên mới đưa tiền cho P một lần), tổng số tiền 14 người đã đưa cho Nguyễn Đức P với số tiên cụ thể như sau:

Ông Nguyễn Văn L đưa 20.000.000 đồng; Ông Nguyễn Văn M đưa 25.000.000 đồng; Ông Hà Văn L đưa 6.000.000 đồng; Ông Nguyễn Đức D đưa 15.000.000 đồng; Ông Lê Văn C đưa 25.000.000 đồng; Ông Phạm Văn T đưa 16.000.000 đồng; Ông Bùi Ngọc S đưa 17.000.000 đồng; Ông Lưu Ngọc S đưa 15.000.000 đồng; Ông Phạm Văn Đ đưa 7.000.000 đồng; Ông Phan Thanh Đ đưa 12.000.000 đồng; Ông Nguyễn Văn T đưa 25.000.000 đồng; Ông Hoàng Văn T đưa 25.000.000 đồng; Ông Đào Thanh T đưa 20.000.000 đồng; Ông Nguyễn Văn C đưa 25.000.000 đồng. 

Tổng cộng 14 người nêu trên đã đưa cho Nguyễn Đức P số tiền 253.000.000 đồng (hai trăm năm mươi ba triệu đồng). Sau khi đưa tiền cho Nguyễn Đức P, 14 ông trên chờ đợt mãi không được hưởng chế độ chất độc hóa học nên các ông đã gặp Nguyễn Đức P để đòi lại tiền. Tuy nhiên  Nguyễn  Đức P mới  trả cho ông Hoàng  Văn  T 3.000.000 đồng; ông Nguyễn Văn T 6.000.000 đồng, ông Nguyễn Văn C 4.000.000 đồng, ông Lê Văn C 5.000.000 đồng, ông Lưu Ngọc S 7.000.000 đồng. Do 14 người nêu trên đòi tiền Nguyễn Đức P nhiều lần nhưng không trả hết, trong số đó có người không được trả cho đồng nào nên những người trên đã làm đơn tố cáo Nguyễn Đức P đến Cơ quan Công an huyện Lục Ngạn.

Tại Bản án số 76/2017/HSST ngày 23/10/2017 của Toà án nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Đức P phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt: Nguyễn Đức P 03 (Ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.

Ngoài ra bản án xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 30/10/2017, bị cáo Nguyễn Đức P làm đơn kháng cáo với nội dung xin hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức P vắng mặt.

Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức P và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức P đã nộp theo đúng các quy định của pháp luật nên được xác định là kháng cáo hợp pháp được chấp nhận để xem xét vụ án theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức P vắng mặt nhưng chỉ có kháng cáo theo hướng giảm nhẹ mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo nên việc xét xử vắng mặt bị cáo đúng với quy định tại Điều 351 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án: Với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi tại phiên tòa thấy đủ cơ sở xác định: Nguyễn Đức P là người không có nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng làm nhanh, xét duyệt hồ sơ đề nghị hưởng chất độc hóa học cho những người tham gia kháng chiến, nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2012, lợi dụng sự cả tin của những người có nhu cầu làm hồ sơ để được hưởng chế độ chất độc hóa học, Nguyễn Đức P đã tư vấn cho những người này làm hồ sơ và bảo họ đưa tiền để giúp họ làm nhanh hồ sơ và sẽ được hưởng chế độ chất độc hóa học. Tổng cộng bị cáo đã nhận tiền của 14 người thuộc thôn Đ, thôn C và thôn P, xã P, huyện L, tỉnh Bắc Giang với tổng số tiền là 253.000.000 đồng.

Án sơ thẩm đã căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu mà Cơ quan điều tra đã thu thập có trong hồ sơ và diễn biến tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm đã kết án bị cáo Nguyễn Đức P phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 139 của Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức P thì thấy: Tuy bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thuộc điểm a khoản 3 Điều 139 của Bộ luật hình sự có mức hình phạt từ 07 năm tù đến 15 năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân trong việc thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng, các tình tiết của vụ án và nhân thân bị cáo đã tuyên phạt bị cáo mức hình phạt 03 năm tù là đã có sự chiếu cố, khoan hồng đối với bị cáo. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Án phí: Do bị cáo Nguyễn Đức P là người có công với cách mạng nên cần miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo.

[5] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị cấp phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

[1] Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức P và giữ nguyên bản án sơ thẩm: 

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139; điểm b, p, s khoản 1và khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức P 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

[2] Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Nguyễn Đức P.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

475
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2018/HS-ST ngày 02/03/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:22/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 02/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về