Bản án 22/2018/DS-PT ngày 17/04/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 22/2018/DS-PT NGÀY 17/04/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 17 tháng 4 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số 05/2018/TLPT-DS ngày 24 tháng 01 năm 2018 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 14/2017/DS-ST ngày 26 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện YT, tỉnh Nghệ An bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 12/2017/QĐ-PT ngày 01 tháng 3 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Ngô Thị Th, sinh năm 1945. Địa chỉ: Xóm 4, xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Ngô Thị B, sinh năm 1966; Địa chỉ: Xóm 4, xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An; Theo Giấy ủy quyền ngày 07 tháng 11 năm 2018.

Bà Th và bà B đều có mặt tại phiên tòa.

2. Bị đơn: Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An.

Địa chỉ: Xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hữu N, sinh năm 1972; Chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Quỳnh H, sinh năm 1981; Chức vụ: Công chức địa chính xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An; Theo Giấy ủy quyền ngày 10 tháng 8 năm 2017. Bà H có mặt tại phiên tòa.

* Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Ngô Thị Th.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 20 tháng 02 năm 2017 của nguyên đơn là bà Ngô Thị Th trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Ngô Thị B trình bày:

Bà Ngô Thị Th được nhà nước giao quyền sử dụng 370 m2  đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64 từ năm 1993. Đến năm 1995, bà Th được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã trực tiếp sản xuất từ đó. Đến tháng 8 năm 2013, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất lần thứ 02, Ủy ban nhân dân xã VT đã tự ý đơn phương cắt 370 m2 đất sản xuất nông nghiệp đã giao cho bà Th để giao cho người khác. Ngày 05 tháng 02 năm 2016, ông Nguyễn Hữu N- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT ra Quyết định số 10/QĐ-UBND, giao cho địa chính xã lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyềng hủy bỏ số diện tích 370 m2  đất đã cấp cho bà Th tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 6052687. Sau đó, tháng 01 năm 2015, bà Th khiếu nại nên đến ngày 11 tháng 8 năm 2016, ông Phan Văn T - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện YT ra Quyết định số 5795/QĐ- UBND giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT hủy bỏ Quyết định số 10/QĐ- UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT về giải quyết khiếu nại của bà Th để giao lại đất cho bà Th. Do đó, đến ngày 8 tháng 10 năm 2016, ông Nguyễn Hữu N - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT ra Quyết định hủy bỏ Quyết định giải quyết khiếu nại. Như vậy, từ năm 2013 đến nay, bà Ngô Thị Th đã không có đất sản xuất, đã mất thu nhập trong 07 vụ, bị thiệt hại, cụ thể là:

- Về thất thu sản lượng thóc trên diện tích 370 m2 trồng lúa là: Một vụ bình quân thu được 222 kg thóc. Thành tiền là: 222 kg x 5.500 đồng  = 1.221.000 đồng. Trong 07 vụ là: 1.221.000 đồng x 7 = 8.547.000 đồng.

- Các khoản phải bỏ ra đầu tư chi phí phải trừ là:

+ Tiền cấy 01 buổi (200.000 đồng/ngày) = 100.000 đồng ;

+ Đạm Urê (06 kg/sào) 370 m2 tương ứng là 4 kg x 80.000đ = 32.000 đồng;

+ NPK (20kg/sào) 370 m2 tương ứng là 15 kg x 56.000 đồng = 84.000 đồng ;

+ Gặt lúa và thuê chở (01 buổi) = 150.000 đồng;

+Tuốt lúa (7,5 kg/sào) = 30.000 đồng ;

+ Cày bừa (01 buổi) = 100.000 đồng;

+ Làm cỏ, bón phân (01 buổi) = 100.000 đồng; Tổng chi phí phải đầu tư 01 vụ là 596.000 đồng;

Tổng chi phí phải đầu tư 07 vụ là 596.000 đồng x 7 = 4.172.000 đồng.

Như vậy tổng thiệt hại trong 07 vụ là: 8.574.000 đồng – 4.172.000 đồng = 4.375.000 đồng.

Ngoài ra, bà Ngô Thị Th còn yêu cầu thiệt hại về ngày công đi lại và tiền xăng xe đi khiếu nại đòi quyền lợi của bà trong ba năm 06 tháng gồm: Đi lên các cấp có thẩm quyền và các ban ngành liên quan như  Ủy ban nhân dân xã VT, Ủy ban nhân dân huyện YT, Huyện ủy YT, cụ thể:

+ Một tháng đi 02 lần lên Ủy ban nhân dân huyện YT, trong 03 năm 06 tháng tổng cộng là 84 lần (Mỗi lần đi mất 01 buổi = 100.000 đồng). Thành tiền 8.400.000 đồng.

+ Tiền xăng xe: 84 buổi x 20.000 đồng/buổi = 1.680.000 đồng.

Tổng toàn bộ thiệt hại đất không sản xuất được trong 07 vụ và tiền công và chi phí đi lại trong 03 năm 06 tháng, Nguyên  đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã VT bồi thường thiệt hại là: 4.375.000 đồng + 1.680.000 đồng = 14.455.000 đồng.

Theo bản tự khai ngày 27 tháng 9 năm 2017, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn là bà Nguyễn Quỳnh H trình bày: Những yêu cầu của nguyên đơn buộc Ủy ban nhân dân xã VT phải bồi thường thiệt hại về chi phí thu nhập khi không được sản xuất trên 370 m2 đất bị thu hồi; Tiền công, chi phí xăng xe đi khiếu nại của bà Ngô Thị Th với tổng số tiền là 14.455.000 đồng là không thể chấp nhận được bởi các lý do sau đây:

Một là, yêu cầu về sản lượng thu hoạch từ khi bị thu hồi đất cho đến tháng 5 năm 2017 là 07 vụ là không đúng, bởi lẽ: Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã VT về chuyển đổi ruộng đất lần thứ 02 theo Nghị định 64, sau khi rà soát của địa phương trên cơ sở điều tra nhân khẩu và có sự thống nhất lần cuối giữa Cấp ủy và Ban chỉ huy xóm, do bà Ngô Thị Th là người hưởng chế độ mất sức cho nên theo chủ trương là không giao đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Ủy ban nhân dân xã VT đã không tiếp tục giao 370 m2  đất sản xuất nông nghiệp cho bà Th. Biên bản kết thúc công khai rà soát nhân khẩu theo Nghị định 64 phục vụ chuyển đổi ruộng đất lần thứ hai được niêm yết công khai trong thời hạn 15 ngày để các cá nhân và hộ gia đình thấy sai sót có quyền khiếu nại nhưng bà Th không có ý kiến gì. Bà B là (Em gái bà Th) là thành viên của Ban thanh tra trong tổ thực hiện chuyển đổi đất này cũng không có phản ánh gì. Mãi đến tháng 01 năm 2015, bà Th mới có ủy quyền cho bà Ngô Thị B khiếu nại. Xác định có sai sót cho nên Ủy ban nhân dân xã VT chỉ chấp nhận thiệt hại của bà Th từ khi khiếu nại vào tháng 01 năm 2015 đến tháng 5 năm 2017 là 4 vụ chứ không chấp nhận 07 vụ như nguyên đơn yêu cầu.

Hai là, nguyên đơn yêu cầu 07 vụ sản xuất với mức thu hoạch các vụ như nhau, bình quân 222 kg thóc/vụ là bất hợp lý và không đúng thực tế. Theo bà H thì vụ hè thu có sản lượng thấp hơn vụ đông xuân. Các chi phí sản xuất mà Nguyên đơn trình bày là quá thấp so với chi phí sản xuất. Vì vậy, đại diện Ủy ban nhân dân xã VT tính sản lượng và chi phí theo niên giám thống kê của Ủy ban nhân dân xã là như sau:

Theo niên giám thông kê của Ủy ban nhân dân huyên YT và theo phê duyệt sản lượng hàng năm của Ủy ban nhân dân xã VT thì:

- Năm 2014, sản lượng của 370 m2 vụ Đông Xuân là 260 kg, sản lượng vụ Hè Thu là 118,7kg. Tổng là 278,7 kg.

- Năm 2015, sản lượng của 370 m2 vụ Đông xuân là 210,3 kg, sản lượng vụ Hè Thu là 213,3 kg. Tổng là 424,6 kg

- Năm 2016, thì sản lượng của 370 m2 vụ Đông Xuân là 253 kg, sản lượng vụ Hè Thu là 211,4 kg. Tổng là 464,4 kg

- Năm 2017, sản lượng của 370 m2 vụ Đông Xuân là 257 kg.

- Tổng 07 vụ là 1434,2 kg, thành tiền 1434,2 kg x 5.500 đồng/kg = 7.888.100 đồng.

- Trong đó các chi phí phải trừ.

+ Tiền cày bừa 200.000 đồng/sào thì 370 m2 tương ứng là 148.000 đồng;

+ Tiền giống 02 kg /sào thì 370 m2 tương ứng là 27.000 đồng;

+ Đạm 10 kg/sào thì 370 m2 tương ứng là 7,4 kg x 9.000 đồng/kg = 66.600 đồng;

+ Lân 50 kg/sào thì 370 m2 tương ứng là 37 kg x 4000 đồng/kg = 148.000 đồng;

+Kali 08 kg/sào thì 370 m2 tương ứng là 06 kg x 9000 đồng/kg = 54.000 đồng;

+ Tiền thuốc trừ cỏ bảo vệ thực vật 75.000 đồng/sào thì 370 m2 tương ứnglà 55.000 đồng;

+Tiền thủy nông, bảo vệ 10 kg/sào thì 370 m2 tương ứng là 40.700 đồng; Tiền máy gặt 150.000  đồng/sào thì 370 m2 tương ứng là 111.000 đồng;

+Tiền máy cày, làm đất 200.000 đồng/ngày x 02 ngày = 400.000 đồng. Tại cấp phúc thẩm, đại diện bị đơn trình bày đây là tiền công chăm bón, làm cỏ, bón phân.

Tổng chi phí đầu tư 01 vụ là 1.050.000 đồng.

Tổng chi phí đầu tư 07 vụ là: 1.050.000 đồng x 7 = 7.355.000 đồng. 

7.888.100 đồng – 7.355.000 đồng = 532.000 đồng.

Còn yêu cầu của bà Ngô Thị Th về tiền công và chi phí xăng xe đi lại khiếu nại, tiếp dân với số tiền là 10.080.00 đồng. Về yêu cầu này, đại diện Ủy ban nhân dân xã VT không chấp nhận, với lý do thiệt hại đã được bồi thường bằng giá sản lượng sản xuất. Bị đơn yêu cầu các chi phí xăng xe, tiền công là vô lý không thể chấp nhận được.

Theo bà H đại diện Ủy ban nhân dân xã thì bà Ngô Thị Th còn chưa đóng số tiền 730.000 đồng phí chuyển đổi ruộng đất, nay Ủy ban nhân dân xã yêu cầu bà Th phải nộp số tiền trên  bù nghĩa vụ của Ủy ban nhân dân xã.

Bản án sơ thẩm đã xem xét và xác định thiệt hại thu nhập do không canh tác 07 vụ trên 370 m2 đất trồng lúa, chấp nhận yêu cầu sản lượng bình quân của nguyên đơn và chấp nhận mức chi phí đầu tư sản xuất của bị đơn là: Thiệt hại bị mất thu nhập theo nguyên đơn là 8.547.000 đồng trừ đi chi phí đầu tư, sản xuất do bị đơn đưa ra là 7.335.000 đồng, còn lại 1.192.000 đồng.

Với nội dung trên, Bản án Dân sự sơ thẩm số 14/2017/DS-ST ngày 26 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện YT, tỉnh Nghệ An đã quyết định:

Căn cứ vào Điều 584, Điều 585, 589 Bộ luật Dân sự; Điều 26, Điều 35, khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố dụng dân sự; Điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp và quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

Buộc Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT bồi thường giá trị sản lượng thất thu 07 vụ trong canh tác trồng lúa trên diện tích 370 m2 đất cho bà Ngô Thị Th là 1.192.000 đồng.

Bác yêu cầu của bà Ngô Thị Th yêu cầu Ủy ban nhân dân xã VT bồi thường tiền công, chi phí đi lại khiếu nại với tổng số tiền 10.080.000 đồng.

Bác yêu cầu của Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT buộc bà Ngô Thị Th phải nộp 730.000 đồng chi phí chuyển đổi ruộng đất để bù trừ nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí, lãi suất do chậm thi hành án, quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án, cưỡng chế thi hành án của các đương sự và thời hiệu thi hành án.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 06 tháng 11 năm 2017, nguyên đơn bà Ngô Thị Th làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc Ủy ban nhân dân xã VT, huyệnYT, tỉnh Nghệ An bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 40.320.000 đồng, thủ tục ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT là vi phạm pháp luật và đề nghị xử lý kỷ luật  các cán bộ Ủy ban nhân dân xã VT. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút phần nội dung kháng cáo về thủ tục ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT và kỷ luật các cán bộ Ủy ban nhân dân xã VT.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn, sửa án sơ thẩm.

Đại diện bị đơn không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Phát biểu của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An:

- Về việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình thụ lý vụ án đến khi xét xử, Thẩm phán được phân công đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân theo đúng trình tự, thủ tục phiên tòa. Các bên đương sự tham gia phiên tòa tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

- Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ nội dung kháng cáo nguyên đơn đã rút tại phiên tòa phúc thẩm, chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 3.413.000.000 đồng do 07 vụ không canh tác được. Bác nội dung kháng cáo về yêu cầu bồi thường thiệt hại đi khiếu kiện.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án đã hỏi ý kiến của các đương sự về việc có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không nhưng các đương sự không thỏa thuận được. Do đó, Tòa án tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[2] Về tố tụng, tại phiên tòa, nguyên đơn rút nội dung kháng cáo về sự ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT, rút kháng cáo đề nghị xử lý kỷ luật Cán bộ Ủy ban nhân dân xã VT. Căn cứ quy định pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ nội dung kháng cáo này.

[3] Về nội dung vụ án: Năm 1993, bà Ngô Thị Th được Nhà nước giao 370 m2 đất sản xuất nông nghiệp và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Th canh tác nông nghiệp trên diện tích đất được giao đến tháng 8 năm 2013 thì bị Ủy ban nhân dân xã VT thu hồi. Bà Th khiếu nại và ngày 11 tháng 8 năm 2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện YT, tỉnh Nghệ An đã quyết định yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT giao trả lại diện tích 370 m2 đất đã thu hồi cho bà Th. Bà Th khởi kiện yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm buộc Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT phải bồi thường các khoản thiệt hại trong thời gian bà không được canh tác, với tổng số tiền 4.375.000 đồng. Nay, nguyên đơn kháng cáo yêu cầu bị đơn bồi thường do đất bị thu hồi, không sản xuất được là 37.800.000 đồng và tiền chi phí xăng xe 21 lần đi làm việc x 20.000 đồng/lần = 420.000 đồng, tiền công 21 lần làm việc x 100.000 đồng/lần = 2.100.000 đồng. Tổng cả 03 khoản là 40.320.000 đồng.

[5] Xét kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Về kháng cáo yêu cầu bị đơn bồi thường 07 vụ không sản xuất được, xét nguyên đơn kháng cáo không căn cứ vào nội dung và phạm vi khởi kiện mà nguyên đơn kháng cáo yêu cầu bồi thường có tính chất gián tiếp. Nguyên đơn khởi kiện do bà bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT thu hồi đất ruộng không đúng gây thiệt hại, nên bà yêu cầu bị đơn phải bồi thường 4.375.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn phải bồi thường cho bà 1.192.000 đồng.

Bà Th cho rằng bà là nông dân, cuộc sống của bà chỉ có thu nhập từ làm ruộng (Trồng lúa). Do bị thu hồi ruộng không đúng, bà không có thu nhập để sống. Bà tính mức chi tiêu hàng tháng của bà rồi coi đó là khoản thu nhập bị mất do thu hồi ruộng và yêu cầu bị đơn phải bồi thường. Cách quy đổi và yêu cầu của bà là không có căn cứ khoa học và không đúng pháp luật. Thực tế hiện nay, cuộc sống của người nông dân ở vùng đồng bằng như địa phương bà Th sinh sống, ngoài làm ruộng còn làm vườn, chăn nuôi, buôn bán và được người khác tặng cho, giúp đỡ.

Tòa án đã giải thích cho nguyên đơn về nội dung, phạm vi kháng cáo nhưng bà Th vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu bị đơn bồi thường 900.000 đồng/tháng x 42 tháng = 37.800.000 đồng (Bà Th khởi kiện chỉ yêu cầu   bồi thường 07 vụ không sản xuất được là 4.375.000 đồng). Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm phải căn cứ nội dung, phạm vi khởi kiện mà Tòa án sơ thẩm đã giải quyết để xem xét các khoản bồi thường có đúng thực tế, đúng pháp luật hay không.

Xét thấy: Về sản lượng thóc thu hoạch bình quân của mỗi vụ, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định sản lượng của 07 vụ theo yêu cầu của hai bên đương sự là có sự chênh lệch (Ủy ban nhân dân xã VT tính thấp hơn bà Th tính toán) và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tính sản lượng bình quân của mỗi vụ là 222 kg, tổng 07 vụ là 1554 kg thóc là có cơ sở, phù hợp với năng suất bình quân hàng năm của địa phương.

Về chi phí đầu tư cho sản xuất, theo nguyên đơn kê khai thì chi phí đầu tư trong 07 vụ là 4.172.000 đồng, còn theo kê khai của bị đơn là 7.355.000 đồng. Xét thấy, trong phần kê khai của nguyên đơn còn thiếu một số khoản chi phí về tiền giống, tiền thủy nông, bảo vệ..., đồng thời các chi phí mà nguyên đơn kê khai so với thực tế là còn thấp, không phù hợp với chi phí thực tế phát sinh trong quá trình canh tác, sản xuất ở địa phương. Hơn nữa, các chi phí do bị đơn kê khai là phù hợp với chi phí thực tế sản xuất, Tòa án cấp sơ thẩm dựa vào chi phí kê khai này để tính trừ chi phí đầu tư sản xuất là có căn cứ và phù hợp. Tại cấp phúc thẩm, các tài liệu bị đơn nộp về sản lượng, chi phí làm ruộng cơ bản phù hợp với nhau, phù hợp với các tài liệu đã thu thập tại cấp sơ thẩm. Các tài liệu thu thập được ở cấp phúc thẩm như “Dự toán định mức chi phí đầu tư sản xuất cho 01 ha” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An ban hành và tiền công,  với 370 m2  đất ruộng. Tính hiện nay, chi phí hết 1.060.000 đồng/vụ, ở cấp sơ thẩm là 1.050.000 đồng/vụ. Nếu tính đúng, tính đủ thì vẫn bất lợi cho nguyên đơn nhưng do bị đơn không kháng cáo nên cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm tính toán, chấp nhận.

Như vậy, phần thiệt hại giá trị thu nhập của bà Th do không được canh tác trong 07 vụ trên diện tích đất bị thu hồi được xác định dựa trên giá trị sản lượng theo yêu cầu của nguyên đơn 1554 kg thóc x 5.500 đồng/kg trừ đi chi phí đầu tư cho sản xuất theo kê khai của bị đơn là 7.355.000 đồng, còn lại 1.192.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Nguyên đơn còn kháng cáo đề nghị buộc bị đơn phải bồi thường tiền xăng xe đi lại, tiền công đi làm việc hết 2.520.000 đồng, căn cứ quy định của pháp luật thì các chi phí này người yêu cầu giải quyết khiếu nại phải tự chịu, do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này.

[6] Như vậy, bà Ngô Thị Th kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 40.320.000 đồng nhưng trong giai đoạn phúc thẩm, không xuất trình thêm được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình và vượt quá quá phạm vi, yêu cầu khởi kiện nên không có căn cứ để chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[7] Về yêu cầu của Ủy ban nhân dân xã VT buộc bà Th phải nộp 730.000 đồng chi phí chuyển đổi ruộng đất để bù trừ nghĩa vụ, bản án sơ thẩm đã nêu ra căn cứ và bác yêu cầu của bị đơn. Các căn cứ đó là có lý có tình và không có ai kháng cáo nội dung này nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[8] Về án phí phúc thẩm: Nguyên đơn bà Ngô Thị Th, sinh năm 1945, hiện tại 73 tuổi là người cao tuổi, theo quy định thuộc trường hợp được miễn tiền án phí phúc thẩm. Do đó, bà Th được miễn tiền tạm ứng phí phúc thẩm, cần trả lại tiền tạm ứng án phí bà Th đã nộp.

[9] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 289, khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự,

1. Đình chỉ nội dung kháng của của nguyên đơn về thủ tục ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã VT là vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý Cán bộ Ủy ban nhân dân xã VT. Không chấp nhận kháng cáo của bà Ngô Thị Th về việc yêu cầu buộc Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 40.320.000 đồng.

Căn cứ vào Điều 584, Điều 585, 589 Bộ luật Dân sự; Điều 26, Điều 35, khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố dụng dân sự;

- Buộc Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT bồi thường giá trị sản lượng thất thu 07 vụ trong canh tác trồng lúa trên diện tích 370 m2   đất cho bà Ngô Thị Th là 1.192.000 đồng (Một triệu, một trăm chín mươi hai nghìn đồng).

- Bác yêu cầu của bà Ngô Thị Th yêu cầu Ủy ban nhân dân xã VT bồi thường tiền công, chi phí đi lại khiếu nại với tổng số tiền 10.080.000 đồng (Mười triệu, không trăm tám mươi nghìn đồng).

- Bác yêu cầu của Ủy ban nhân dân xã VT buộc bà Th phải nộp 730.000 đồng (Bảy trăm ba mươi nghìn đồng) chi phí chuyển đổi ruộng đất.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

2. Về án phí: Căn cứ Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 26, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp và quả lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

- Về án phí sơ thẩm: Buộc Ủy ban nhân dân xã VT, huyện YT, tỉnh Nghệ An phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí Dân sự sơ thẩm. Trả lại cho bà Ngô Thị Th 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện YT, tỉnh Nghệ An theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004988 ngày 07 tháng 4 năm 2017.

- Về án phí phúc thẩm: Miễn án phí Dân sự phúc thẩm cho bà Ngô Thị Th. Trả lại cho bà Ngô Thị Th 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện YT, tỉnh Nghệ An theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006678 ngày 17 tháng 11 năm 2017.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

761
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2018/DS-PT ngày 17/04/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:22/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về