Bản án 22/2017/KDTM-PT ngày 19/09/2017 về tranh chấp hợp đồng góp vốn, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng bảo hiểm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 22/2017/KDTM-PT NGÀY 19/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP VỐN, HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN VÀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM 

Ngày 19 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 14/2017/TLPT-KDTM ngày 26 tháng 7 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng góp vốn, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng bảo hiểm.

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2017/KDTM-ST ngày 02 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận A, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 684/2017/QĐ-PT ngày21 tháng 8 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 768/2017/QĐ-PTngày 11 tháng 9 năm 2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà B, sinh năm C, địa chỉ cư trú: Tổ D phường Đ, thành phốE, tỉnh Thái Nguyên; có mặt.

- Bị đơn: Ông G, sinh năm H và bà I, sinh năm K, cùng địa chỉ cư trú: Số Lđường M, phường N, quận A, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ngân hàng O, địa chỉ trụ sở: Số P đường Q, phường R, quận S, Thành phốHà Nội;

Người đại diện hợp pháp của Ngân hàng O: Bà Ông T, chức vụ Chuyênviên xử lý nợ (được ủy quyền theo Văn bản ủy quyền số 965/2016/UQ-VBP ngày15-7-2016); có mặt.

2. Công ty U; địa chỉ trụ sở: Số V đường X, Phường Y, Quận A’, Thành phốHồ Chí Minh;

Người đại diện hợp pháp của Công ty U: Ông B’, chức vụ Trưởng Bộ phận Quản lý rủi ro, Tuân thủ và Kế toán (theo Giấy ủy quyền số 88/2017/UQ/AAA ngày 18-8-2017); vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn là bà B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

I. Tóm tắt nội dung, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện:

Đầu năm 2014, do có mối quan hệ họ hàng, vợ chồng ông C’, bà B và vợ chồng ông H, bà I cùng bàn bạc thống nhất về việc góp vốn mua chung xe ôtô tải để kinh doanh vận tải, chuyên chở hàng, hai bên thống nhất thỏa thuận cử ông H đại diện giao dịch mua bán xe, đứng tên trên đăng ký xe. Theo thỏa thuận ngày 29-8-2014, vợ chồng bà B đã ứng trước số tiền đặt cọc mua xe ô tô tải nhãn hiệuHOWO-TMT, màu trắng, hiệu CNHTC, số khung: XSF8EA797626 là550.000.000 đồng (theo Hợp đồng mua bán xe ôtô số 71/HĐ MB -2014 ngày 29-8-2014); sau đó xe ô tô này đã được Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phốHải Phòng cấp đăng ký ngày 13-9-2014 mang tên ông H, biển kiểm soát là 15C-102.32.

Ngày 22-9-2014, vợ chồng bà B, ông C’ và vợ chồng ông H, bà I có lập hợp đồng kinh tế viết tay với nội dung: hai bên góp vốn để mua xe ô tô, vợ chồng bà B góp 800.000.000 đồng, vợ chồng ông H góp 650.000.000 đồng. Đến ngày 02-12-2014, giữa bà B và ông H lập hợp đồng góp vốn mua chung xe ô tô viết tay với nội dung: bà B góp 800.000.000 đồng, ông H góp 650.000.000 đồng…hai bên đều có quyền sử dụng chung; do hợp đồng kinh tế và hợp đồng góp vốn mua chung xe ô tô chỉ được viết tay, nên ngày 04-12-2014, vợ chồng bà B, ông C’ và vợ chồng ông H, bà I đã lập hợp đồng góp vốn tại Phòng Công chứng D’ thành phố Hải Phòng, theo đó: số tiền góp vốn là 1.450.000.000 đồng (trong đó bà B góp 800.000.000 đồng, ông H góp 650.000.000 đồng); thời hạn góp vốn là 72 tháng từ ngày 10-9-2014 đến ngày 10-9-2020; mục đích: mua xe ô tô; hợp đồng góp vốn có hiệu lực kể từ ngày 10-9-2014. Tài sản hai bên góp vốn mua là xe ô tô nhãn hiệu CNHTC CL, biển kiểm soát 15C-102.32.

Ngày 15-9-2014, giữa ông H, Công ty U và Ngân hàng O ký kết hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm xe ô tô số 1101-0310-070100-14-000839 và Giấy chứng nhận bảo hiểm số BV14 012985 và Giấy xác nhận chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm, theo đó các bên thống nhất: Tài sản bảo hiểm là: 01 ôtô tải biển kiểm soát 15C-102.32; giá trị thực tế của xe tại thời điểm ký kết là: 1.200.000.000 đồng; giá trị tham gia bảo hiểm là: 1.200.000.000 đồng; số tiền phí bảo hiểm: 21.714.000 đồng; thời hạn bảo hiểm: 12 tháng từ 00h ngày 15-9-2014 đến 00h ngày 15-9-2015; Ngân hàng O là người thụ hưởng đầu tiên và duy nhất khi số tiền bồi thường trong một lần vượt quá mức 30.000.000 đồng, trừ trường hợp người được bảo hiểm đã thanh toán đầy đủ mọi khoản nợ gốc, lãi và phí cho Ngân hàng O theo Hợp đồng tín dụng số 1833646 ký ngày 22-9-2014.

Ngày 22-9-2014, vợ chồng ông H, bà I và Ngân hàng O ký Hợp đồng tín dụng số 1833646 với nội dung: số tiền vay là 700.000.000 đồng, thời hạn vay 72 tháng, mục đích vay: thanh toán tiền mua xe ô tô tải nhãn hiệu HOWO-TMT, lãi suất vay theo từng khế ước nhận nợ,…Tài sản bảo đảm cho khoản vay là: xe ô tô nhãn hiệu CNHTC CL, biển kiểm soát 15C-102.32, mang tên ông H theo giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 003166 cấp ngày 13-9-2014 (theo hợp đồng thế chấp xe ô tô ngày 22-9-2014).

Ngày 07-01-2015, chiếc xe nhãn hiệu CNHTC CL, BKS 15C-102.32 đượcông H gửi tại bãi đỗ xe của vườn hoa A và bị bốc cháy do chập điện.

* Quan điểm của nguyên đơn bà B: Bà B vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện tại đơn khởi kiện ngày 15-7-2015 với nội dung:

- Yêu cầu Tòa án xác định chiếc xe ôtô tải nhãn hiệu CNHTC, BKS 15C102.32, mang tên chủ xe là ông H là tài sản thuộc quyền sở hữu chung giữa bà B và ông H; phân chia số tiền thanh toán bảo hiểm của chiếc xe theo tỷ lệ vốn góp của các bên khi ký hợp đồng góp vốn.

- Bà B không đồng ý với cách tính giá trị của chiếc xe như Công ty U đã nêu trong văn bản giải trình gửi Tòa án và yêu cầu Công ty U phải thanh toán toàn bộ số tiền bảo hiểm chiếc xe với đơn giá là 1.200.000.000 đồng như trong hợp đồng bảo hiểm, trừ đi chi phí khấu hao như Công ty U đã tính là 39.639.000 đồng.

* Quan điểm của bị đơn ông H, bà I: Ông H, bà I thống nhất về thời gian và số tiền góp vốn như bà B đã trình bày. Ngoài ra, hai bên có thỏa thuận nếu bên nào vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu phạt số tiền 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng chẵn).

Để có tiền góp vốn, ông H, bà I đã vay 700.000.000 đồng của Ngân hàng O, trong đó: 650.000.000 đồng dùng để góp vốn mua xe, 50.000.000 đồng dùng vào mục đích riêng. Khi vay tiền của Ngân hàng O, ông H đã mua bảo hiểm cho xe tại Công ty U theo yêu cầu của Ngân hàng O.

Trong quá trình kinh doanh giữa ông H và bà B phát sinh nhiều quan điểm khác nhau, bất hòa về tình cảm nên hai bên đã cho dừng hoạt động của xe trước khi xe bị cháy khoảng một tuần. Ngày 07-01-2015, chiếc xe được gửi tại bãi đỗ xe của công viên A thì bị bốc cháy, nguyên nhân cháy là do chập điện. Ông, bà yêu cầu Công ty U phải thanh toán toàn bộ số tiền bảo hiểm chiếc xe với đơn giá là1.200.000.000 đồng như trong hợp đồng bảo hiểm, trừ đi chi phí khấu hao nhưCông ty U đã tính là 39.639.000 đồng.

Ông H, bà I đồng ý xác định chiếc xe ôtô nhãn hiệu CNHTC, BKS 15C-102.32, mang tên ông H là chủ sử dụng xe là tài sản thuộc quyền sở hữu chung giữa vợ chồng ông H, bà I và vợ chồng bà B, ông C’. Ông H, bà I không đồng ý với ý kiến của bà B về việc phân chia số tiền thanh toán bảo hiểm của chiếc xe theo tỷ lệ phần trăm vốn góp với bà B vì việc mua bảo hiểm cho chiếc xe ôtô là do ông H đứng ra, giữa ông H, bà I và bà B không có thỏa thuận gì với nhau về việcnày.

* Quan điểm của Ngân hàng O: Giữa Ngân hàng O và ông H, bà I có ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp. Khi giao kết hợp đồng, ông H xác nhận đây là tài sản riêng của ông H và là người đứng tên duy nhất trên Giấy đăng ký chiếc xe ôtô. Do vậy Ngân hàng O có căn cứ để xác định chiếc xe là tài sản riêng của ông H. Tài sản đảm bảo là động sản nên Ngân hàng O đã yêu cầu ông H phải thực hiện việc mua bảo hiểm 100% giá trị của chiếc xe để tránh trường hợp xảy ra rủi ro. Trong nội dung của hợp đồng bảo hiểm đã nêu rõ Ngân hàng O là người thụ hưởng đầu tiên và duy nhất.

Ngân hàng O không đồng ý với cách tính giá trị bồi thường của Công ty U. Ngân hàng O yêu cầu Công ty U phải thanh toán toàn bộ số tiền bảo hiểm chiếc xe với đơn giá như trong hợp đồng và giấy chứng nhận bảo hiểm là 1.200.000.000 đồng, trừ đi chi phí khấu hao là 39.639.000 đồng, số tiền bảo hiểm còn phải thanh toán là: 1.160.361.000 đồng.

Ngân hàng O yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Buộc ông H, bà I phải thanh toán cho Ngân hàng O tổng số tiền còn nợ tính đến ngày 31-5-2017 là: 997.442.156 đồng, trong đó nợ gốc là: 683.560.144 đồng, nợ lãi là: 313.882.012 đồng. Ông H, bà I tiếp tục phải chịu lãi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến ngày ông H, bà I thanh toán hết nợ cho Ngân hàng O.

- Yêu cầu Công ty U phải chuyển ngay toàn bộ tiền bồi thường bảo hiểm là1.160.361.000 đồng; đối với tổn thất xe ôtô BKS 15C-102.32, theo Giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô số 003166 do Phòng cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hải Phòng cấp ngày 13/9/2014, đứng tên ông H cho Ngân hàng O để Ngân hàng O thanh toán khoản nợ của ông H, bà I.

* Quan điểm của Công ty U: Công ty U có ký hợp đồng bảo hiểm với nội dung như nêu trên. Công ty U đồng ý bồi thường thiệt hại với số tiền là826.361.000 đồng. Do giá xe mới là 1.086.000.000 đồng, được Công ty U tham chiếu từ giá xe nhập khẩu mới cùng nhãn hiệu và cùng chủng loại được chào bán ở thời điểm 16-02-2016 tại Auto Út Dương, Cái Răng, Cần Thơ, căn cứ các quy định về giá trị bảo hiểm tại Điều 14 Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô ban hành theo Quyết định 04/2015/AAA ngày 02-3-2015. Công ty U tính toán tiền bồi thường thiệt hại như sau:

Giá trị xe mới (1.086.000.000) - khấu hao (39.639.000) - chi phí thu hồi xác xe (220.000.000 đồng) = 826.361.000 đồng.

II. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

Tại Bản án sơ thẩm số 05/2017/KDTM-ST ngày 02 tháng 6 năm 2017 củaTòa án nhân dân quận A, thành phố Hải Phòng đã căn cứ các Điều 214, 216, 320,342, 343, 346, 351, 389, 471, 474 của Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 41, 45, 46, 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Điều147, khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27-02-2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

- Buộc Công ty U phải có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền bảo hiểm do tổn thất của xe ôtô BKS 15C-102.32, cho ông H với số tiền là: 1.160.361.000 đồng. Số tiền này Công ty U thanh toán trực tiếp cho Ngân hàng O để thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ của ông H và bà I tại Ngân hàng O.

- Buộc bị đơn ông H và vợ là bà I phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng O khoản tiền là 997.442.156 đồng, trong đó nợ gốc là 683.560.144 đồng và nợ lãi là 313.882.012 đồng. Ông H và vợ là bà I phải tiếp tục chịu các khoản tiền lãi phát sinh từ khoản nợ gốc kể từ ngày tuyên án sơ thẩm cho đến khi trả hết nợ theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng O cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng O cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng O cho vay.

Khoản tiền phải trả của ông H và vợ là bà I được trừ vào số tiền do thanh toán tiền bảo hiểm tổn thất của chiếc xe ôtô BKS 15C-102.32 mà Công ty U phải trả cho Ngân hàng O kể trên.

- Khoản tiền thanh toán bảo hiểm của chiếc xe ôtô BKS 15C-102.32 doCông ty U có nghĩa vụ chi trả là: 1.160.361.000 đồng được chia như sau: bà Bđược chia số tiền là: 1.160.361.000 đồng x 55,2% = 640.519.272 đồng; ông H, bà Iđược chia số tiền là: 1.160.361.000 đồng x 44,8% = 519.841.728 đồng.

Phương thức thanh toán: Số tiền 1.160.361.000 đồng được dùng để thanh toán khoản nợ của ông H, bà I tại Ngân hàng O, với số tiền là: 997.442.156 đồng. Số tiền còn lại là 162.918.844 đồng, buộc Ngân hàng O có trách nhiệm chi trả cho bà B.

Buộc ông H và bà I phải có trách nhiệm trả cho bà B số tiền đã góp vốn còn lại theo tỷ lệ góp do được thanh toán bảo hiểm tổn thất của chiếc xe ôtô BKS 15C-102.32 là: 477.600.428 đồng.

- Bác toàn bộ yêu cầu của bị đơn là ông H và bà I về việc yêu cầu bà B phải chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 300.000.000 đồng và yêu cầu bà B phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản tiền lãi phát sinh tại ngân hàng.

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ nộp phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

III. Nội dung kháng cáo:

Sau khi xét xử, ngày 14-6-2017, bà B kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét buộc Công ty U thanh toán toàn bộ số tiền bảo hiểm cho bà chia theo phần trăm góp vốn theo quy định pháp luật.

IV. Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn là bà B trình bày: Bà B vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét buộc Công ty U thanh toán toàn bộ số tiền bảo hiểm chia theo phần trăm góp vốn theo quy định pháp luật. Theo bản án sơ thẩm, tỷ lệ phần trăm vốn góp của vợ chồng bà là 55,2%, tỷ lệ phần trăm vốn góp của vợ chồng ông H và bà I là 44,8%. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm phân chia số tiền mà Công ty U thanh toán là 1.160.361.000 đồng theo tỷ lệ nêu trên.

Bị đơn là ông H, bà I trình bày: Bản án cấp sơ thẩm tuyên là đúng, số tiền bảo hiểm vợ chồng ông bà được hưởng tất cả và được trả cho Ngân hàng O vì ông H là người trực tiếp mua bảo hiểm xe ôtô BKS 15C-102.32 với số tiền mua bảo hiểm là 21.714.000 đồng, là tiền riêng của ông.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng O: Ngân hàng O yêu cầu Tòa án buộc ông H, bà I phải thanh toán tòa bộ nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng O. Khi giao kết hợp đồng tín dụng ông H xác nhận đây là tài sản riêng của ông H và là người đứng tên duy nhất trên Giấy đăng ký chiếc xe ôtô. Do vậy Ngân hàng O có căn cứ để xác định chiếc xe là tài sản riêng của ông H. Do tài sản đảm bảo là động sản nên Ngân hàng O đã yêu cầu ông H phải thực hiện việc mua bảo hiểm 100% giátrị của chiếc xe để tránh trường hợp xảy ra rủi ro. Trong nội dung của hợp đồng bảo hiểm đã nêu rõ: Ngân hàng O là người thụ hưởng đầu tiên và duy nhất.

Ngân hàng O yêu cầu Công ty U phải thanh toán toàn bộ số tiền bảo hiểm chiếc xe với đơn giá như trong hợp đồng và giấy  chứng nhận bảo hiểm là1.200.000.000 đồng, trừ đi chi phí khấu hao như Công ty U đã tính là 39.639.000 đồng, thì số tiền bảo hiểm còn phải thanh toán là: 1.160.361.000 đồng.

Công ty U ý kiến: Người đại diện hợp pháp của Công ty U vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt. Công ty U chấp nhận thanh toán số tiền bảo hiểm là1.086.561.000 đồng sau khi đã trừ chi phí khấu hao là 39.639.000 đồng, trị giá của09 lốp không bị thiệt hại mà chủ xe tự ý thay bằng các lốp không có giá trị sử dụng là 73.800.000 đồng. Yêu cầu chủ xe bàn giao cho Công ty U xác xe, giấy tờ sở hữu xe cũng như phối hợp, tạo điều kiện để Công ty U tiến hành thanh lý xác xe theo quy định pháp luật cũng như giảm trừ thiệt hại. Công ty U chấp thuận thực hiện việc chi trả theo phán quyết của Tòa án và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đi diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo:

- Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về nội dung kháng cáo: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà B, do:

Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận việc góp vốn chung, chiếc xe ô tô Biển kiểm soát 15C-102.32 là tài sản chung của vợ chồng bà B, ông C’ và bà I, ông H. Khi ký hợp đồng tín dụng vay tiền tại Ngân hàng O, ông H và bà I đã thế chấp tài sản chung là xe ô tô Biển kiểm soát 15C-102.32 mà không có sự ủy quyền của bà B, ông C’. Vì vậy, hợp đồng thế chấp tài sản ký giữa ông H, bà I với Ngân hàng O bị vô hiệu một phần theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 122, Điều 125, Điều127 của Bộ luật Dân sự 2005. Do đó, bà B không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ cho khoản nợ của ông H, bà I.

Khoản tiền mà Công ty U có nghĩa vụ thanh toán là 1.160.361.000 đồng. Công ty U đề nghị trừ đi số tiền của 09 lốp xe bị thay thế với giá trị 73.800.000 đồng, tuy nhiên Công ty U không cung cấp được tài liệu chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này. Vì vậy, bà B được nhận số tiền bảo hiểm là 640.519.272 đồng tương đương 55,2% vốn góp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, việc giải quyết xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa;

[1]. Về thủ tục tố tụng:

1.1. Đơn kháng cáo và nội dung kháng cáo, thủ tục kháng cáo của nguyênđơn là bà B hợp lệ nên được Tòa án chấp nhận xem xét.

1.2. Về xét xử vắng mặt: Phiên tòa đã được triệu tập hợp lệ lần hai, tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty U vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

1.3. Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là tranh chấp hợp đồng góp vốn, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng bảo hiểm giữa bà B với ông H, bà I. Theo hợp đồng góp vốn giữa bà B với ông H, bà I và hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng O với ông H, bà I. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông C’ là chồng bà B đã ủy quyền cho bà B toàn quyền khởi kiện và đưa ra các ý kiến, quan điểm liên quan đến quyền lợi của ông, bà. Do vậy, Tòa án nhân dân quận A xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận A là đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

[2]. Về nội dung kháng cáo:

Hợp đồng góp vốn giữa bà B với ông H, bà I được lập ngày 04-12-2014, có hiệu lực từ ngày 10-9-2014, được lập tại Phòng Công chứng D’ thành phố Hải Phòng với nội dung: góp vốn với số tiền 1.450.000.000 đồng, trong đó: bà B góp800.000.000 đồng, ông H và bà I góp 650.000.000 đồng; mục đích: để mua xe ô tô; thời hạn: 72 tháng kể từ ngày 10-9-2014; góp vốn bằng tiền mặt. Tuy nhiên, trước khi lập hợp đồng góp vốn tại Phòng Công chứng D’ thành phố Hải Phòng, giữa bà B với ông H, bà I đã thỏa thuận về việc góp vốn mua xe và đã lập hợp đồng viết tay hợp đồng góp vốn ngày 22-9-2014, hợp đồng góp vốn mua chung xe ô tô ngày02-12-2014. Việc này thể hiện ý chí của các bên về việc góp vốn từ trước chứ không phải các bên có ý định góp vốn từ khi lập hợp đồng tại Phòng Công chứng D’ thành phố Hải Phòng. Mặt khác, tại hợp đồng công chứng, các bên thống nhất hợp đồng góp vốn có hiệu lực từ ngày 10-09-2014 và trong suốt quá trình giải quyết các bên cũng không có ý kiến gì về thời gian góp vốn, thời gian có hiệu lực của hợp đồng.

Theo nội dung các bên đã thỏa thuận, ông H đã đứng ra thay mặt các bên mua xe ô tô nhãn hiệu CNHTC CL của Công ty E’ và hoàn tất các thủ tục mua xe và đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký xe. Ông H, bà I cũng thừa nhận tài sản là xe ô tô BKS 15C-102.32 thuộc quyền sở hữu chung giữa vợ chồng ông bà và vợchồng bà B. Do đó, bà B là người được hưởng quyền lợi và có nghĩa vụ đối với xeô tô BKS 15C-102.32 khi có tranh chấp hay rủi ro,….

Do cần tiền để góp vốn mua xe nên ông H, bà I đã ký hợp đồng tín dụng số1833646 ngày 22-9-2014 với Ngân hàng O để vay số tiền 700.000.000 đồng, trong đó: 650.000.000 đồng dùng để góp vốn, 50.000.000 đồng dùng để sử dụng vào mục đích riêng. Tài sản để đảm bảo cho khoản vay là xe ô tô BKS 15C-102.32 (tài sản chung của các bên).

Mặc dù, hợp đồng góp vốn được lập tại phòng công chứng sau khi ông H, bà I ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp với Ngân hàng O, nhưng giao dịch góp vốn thực tế đã diễn ra từ trước đó và tại hợp đồng công chứng cũng ghi rõ hợp đồng có hiệu lực từ ngày 10-9-2014. Tuy nhiên, khi dùng tài sản chung để thế chấp cho Ngân hàng O, ông H không thông báo cho Ngân hàng O biết về việc tài sản thế chấp là tài sản chung có sự góp vốn của bà B và Ngân hàng O cũng không hỏi rõ thông tin về tài sản thế chấp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 348 Bộ luật Dân sự 2005 về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản:

3. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp…”

Trường hợp ông H, bà I không thông báo cho Ngân hàng O biết về quyền của bà B đối với tài sản thế chấp thì Ngân hàng O có quyền yêu cầu tuyên hủy hợp đồng thế chấp hoặc chấp nhận quyền của bà B đối với tài sản thế chấp. Trong quá trình giải quyết vụ án, Ngân hàng O không yêu cầu tuyên hủy hợp đồng thế chấp mà vẫn yêu cầu bên thế chấp là ông H thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đã ký kết thì Ngân hàng O có nghĩa vụ chấp nhận quyền của bà B đối với tài sản thế chấp theo quy định. Như vậy, theo quy định tại các Điều121, Điều 122, Điều 127, Điều 348 Bộ luật Dân sự 2005 thì hợp đồng thế chấp vô hiệu một phần.

Theo tỷ lệ góp vốn thì số vốn góp của bà B chiếm 55,2%, số vốn góp của vợ chồng H, bà I là 44,8%.

Tài sản góp vốn là xe ô tô BKS 15C-102.32 được mua bảo hiểm của Công ty U với số tiền 21.714.000 đồng, theo hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm kết hợp xe ô tô số 1101-010-070100-14-000839 ngày 15-9-2014 giữa Chi nhánh Công ty U Hải Phòng với ông H. Toàn bộ số tiền góp vốn của hai bên là 1.450.000.000 đồng, trong đó: tiền mua xe là 1.290.000.000 đồng (theo hợp đồng mua bán xe ô tô số71/HĐMB-2014 ngày 29-8-2014). Số tiền còn lại là 160.000.000 đồng là các chi phí khác liên quan đến xe ô tô BKS 15C-102.32. Ông H trình bày tiền mua bảo hiểm cho xe của Công ty U là do ông tự dùng tiền của mình để mua không liên quan đếnbà B, tuy nhiên, ông H chỉ trình bày miệng mà không chứng minh được mình dùng tiền cá nhân hay tiền góp vốn để mua bảo hiểm. Theo bảng kê chi tiết mà bà B cung cấp tại phiên tòa được các bên thừa nhận thì đã có kê chi tiết số tiền mua bảo hiểm xe là 21.710.000 đồng, trong tổng số tiền hạch toán chi phí mua xe. Mặt khác, theo hợp đồng bảo hiểm ký ngày 15-9-2014 giữa ông H và Công ty U và Giấy xác nhận chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm thể hiện: Ngân hàng O là người thụ hưởng đầu tiên và duy nhất khi số tiền bồi thường trong một lần vượt quá mức 30.000.000 đồng, trừ trường hợp người được bảo hiểm đã thanh toán đầy đủ mọi khoản nợ gốc, lãi và phí cho Ngân hàng O theo Hợp đồng tín dụng số 1833646 ký ngày 22-9-2014. Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm ký và Giấy xác nhận chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm, Ngân hàng O chưa ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp với ông H, bà I. Như vậy, việc thỏa thuận chuyển toàn bộ quyền thụ hưởng cho Ngân hàng O là không hợp lệ.

Do đó, khi tài sản chung bị cháy nổ và được Công ty U chi trả thiệt hại thìbà B phải được hưởng giá trị tương đương số phần trăm góp vốn của mình.

Về số tiền Công ty U đồng ý chi trả là 826.361.000 đồng: Giá trị Công ty Ubảo hiểm là 1.200.000.000 đồng, sau khi trừ đi chi phí khấu hao theo quy định là39.639.000 đồng, Công ty U có nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo hiểm là1.160.361.000 đồng. Đối với ý kiến của Công ty U về việc trừ số tiền 73.800.000 đồng (trị giá của 09 lốp không bị thiệt hại mà chủ xe tự ý thay bằng các lốp không có giá trị sử dụng) vào số tiền bảo hiểm phải thanh toán. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Công ty U không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc chủ xe tự ý thay lốp nên không có căn cứ chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Công ty U thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo hiểm 1.160.361.000 đồng là có căn cứ.

Căn cứ tỷ lệ phần trăm góp vốn, số tiền bảo hiểm 1.160.361.000 đồng được phân bổ như sau:

- Bà B được hưởng số tiền bảo hiểm là: 55,2% x 1.160.361.000 =640.519.272 đồng;

- Ông H được hưởng số tiền bảo hiểm là: 44,8% x 1.160.361.000 =519.841.728 đồng.

Khoản vay của ông H, bà I tại Ngân hàng O là khoản vay cá nhân của ông H, bà I không liên quan đến bà B. Ông H, bà I có trách nhiệm thanh toán trả cho Ngân hàng O số tiền nợ gốc và nợ lãi tính đến ngày 02-6-2017 là 997.442.156 đồng, trong đó: nợ gốc là 683.560.144 đồng, nợ lãi là 313.882.012 đồng.

Theo thỏa thuận giữa ông H và Ngân hàng O thì Ngân hàng O là người đầu tiên và là người thụ hưởng duy nhất. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, bà B được hưởng số tiền bảo hiểm là 640.519.272 đồng tương ứng với phần trăm vốn góp. Do đó, Công ty U có trách nhiệm thanh toán cho bà B số tiền 640.519.272 đồng. Do Ngân hàng O là người đầu tiên và là người thụ hưởng duy nhất đối với số tiền bảo hiểm mà ông H được hưởng tương ứng với phần trăm vốn góp, nên Công ty U có trách nhiệm thanh toán trả Ngân hàng O số tiền 519.841.728 đồng thay cho ông H, bà I. Số tiền 519.841.728 đồng đồng Công ty U thanh toán cho Ngân hàng O được trừ vào số nợ gốc mà ông H, bà I còn nợ Ngân hàng. Ông H, bà I có trách nhiệm thanh toán tiếp số nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng O cho đến khi thanh toán xong.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

Từ những phân tích nêu trên, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là bà B;sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

[3]. Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Ông H, bà I phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với khoản tiền phải chi trả và không được chấp nhận.

- Án phí phúc thẩm: Do bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm bị sửa nên nguyên đơn là bà B không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 147, khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng Điều 121, 122, 127, 214, 216, 320, 342, 343, 346, 348, 351, 389,471, 474 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 41, 45, 46, 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27-02-2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Áp dụng Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm,

Xử:

Sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là bà B.

1. Buộc Công ty U phải thanh toán khoản tiền bảo hiểm do tổn thất của xe ôtô BKS 15C-102.32 là 1.160.361.000 đồng, cụ thể:

- Công ty U phải thanh toán cho bà B số tiền bảo hiểm là 640.519.272 đồng (Sáu trăm bốn mươi triệu năm trăm mười chín nghìn hai trăm bảy mươi hai đồng).

- Công ty U phải thanh toán cho ông H số tiền bảo hiểm là 519.841.728 đồng (Năm trăm mười chín triệu tám trăm bốn mươi mốt nghìn bảy trăm hai mươi tám đồng); số tiền này Ngân hàng O được thụ hưởng để đối trừ khoản nợ của ông H, bà I theo hợp đồng tín dụng số 1833646 ngày 22-9-2014.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2Điu 468 của Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Buộc ông H, bà I phải trả cho Ngân hàng Thương O số tiền tính đến ngày31-5-2017 theo hợp đồng tín dụng số 1833646 ngày 22-9-2014 là: 997.442.156 đồng (Chín trăm chín mươi triệu đồng bốn trăm bốn mươi hai nghìn một trăm lăm mươi sáu đồng), trong đó: nợ gốc là 683.560.144 đồng, nợ lãi là 313.882.012 đồng.

Số tiền mà ông H, bà I được Công ty U chi trả là 519.841.728 đồng, được trừ vào số nợ gốc mà ông ông H, bà I còn nợ Ngân hàng O.

Số tiền còn lại ông H, bà I phải trả cho Ngân hàng O tính đến ngày 31-5-2017 là: 477.600.428 đồng (Bốn trăm bảy mươi bảy triệu sáu trăm nghìn bốn trăm hai mươi tám đồng), trong đó nợ gốc là: 163.718.416 đồng, nợ lãi là: 313.882.012 đồng.

Kể từ ngày 01-6-2017, ông H, bà I còn phải tiếp tục chịu khoản tiền quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất mà ông H, bà I phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay.

3. Bác toàn bộ yêu cầu của bị đơn là ông H và bà I về việc yêu cầu bà B phải chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 300.000.000 đồng và yêu cầu bà B phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản tiền lãi phát sinh tại ngân hàng.

4. Về án phí kinh doanh thương mại:

- Án phí sơ thẩm: Ông H, bà I phải nộp 56.923.264 đồng (Năm mươi sáu triệu chín trăm hai ba nghìn hai trăm sáu tư đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Trả lại cho bà B số tiền 18.000.000 đồng (Mười tám triệu đồng chẵn) tạm ứng án phí đã nộp, theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2012/0009698 ngày 16-10-2015 của Chi cục Thi hành án dân sự quận A.

Trả lại Ngân hàng O số tiền 20.055.523 đồng (Hai mươi triệu không trăm năm mươi lăm nghìn năm trăm hai mươi ba đồng) tạm ứng án phí đã nộp, theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2012/0009163 ngày 23-9-2016 của Chi cục Thi hành án dân sự quận A.

- Án phí phúc thẩm: Bà B không phải chịu phí kinh doanh thương mại phúcthẩm.

Trả lại cho bà B số tiền 2.000.000 (Hai triệu đồng) đồng tiền tạm ứng án phíkinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/0009880 ngày 06-7-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận A, thành phố Hải Phòng.

Trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1658
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2017/KDTM-PT ngày 19/09/2017 về tranh chấp hợp đồng góp vốn, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu:22/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 19/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về