Bản án 220/2019/HS-PT ngày 26/04/2019 về tội trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 220/2019/HS-PT NGÀY 26/04/2019 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN, HỦY HOẠI TÀI SẢN VÀ VỀ TỘI TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ

Ngày 26 tháng 4 năm 2019 tại Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 102/2019/TLPT-HS ngày 29 tháng 01 năm 2019 đối với bị cáo Đỗ Văn D và các bị cáo khác do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 59/2018/HS-ST ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1/ Đỗ Văn D (Tên gọi khác: D T); sinh ngày 24 tháng 01 năm 1991 tại thành phố Hà Nội; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Đ2, huyện Q, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Đỗ Văn T sinh năm 1948 (chết) và bà: Nguyễn Thị B sinh năm 1952; chưa có vợ, con; tiền án: ngày 21 tháng 3 năm 2013 bị Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Lâm Đồng xử phạt 06 năm tù về các tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản” tại Bản án số 15/2013/HSST (chấp hành xong hình phạt tù ngày 28 tháng 4 năm 2017; tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 23 tháng 7 năm 2018; hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng (có mặt).

2/ Nguyễn Văn T; sinh ngày 04 tháng 10 năm 1995 tại thành phố Hà Nội; nơi cư trú: Thôn V, xã H, huyện L, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn D2 sinh năm 1946 và bà: Nguyễn Thị X sinh năm 1952 (chết); chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 30 tháng 7 năm 2018; hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng (có mặt).

3/ Nguyễn Thị N (Tên gọi khác: H2); sinh ngày 07 tháng 8 năm 1991 tại Lâm Đồng; nơi cư trú: Thôn 2, xã T3, huyện L, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn T4 sinh năm 1960 và bà: Phan Thị N2 sinh năm 1954; có chồng là ông Vương Đắc T5 sinh năm 1986, có 02 người con (lớn sinh năm 2011, nhỏ sinh năm 2013); tiền án, tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 30 tháng 7 năm 2018; hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng (có mặt).

- Người bào chữa cho các bị cáo:

1/ Ông Đỗ Vi V2 là Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư V3 - Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng bào chữa cho bị cáo Đỗ Văn D (có mặt).

2/ Ông Nguyễn Thanh H3 là Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư H4 - Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn T2 (có mặt).

Ngoài ra, có nguyên đơn dân sự, 04 bị hại, 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị và không liên quan đến kháng cáo.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Đỗ Văn D không có nghề nghiệp ổn định, có 01 tiền án về tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”, chấp hành xong hình phạt ngày 28 tháng 4 năm 2017, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội cụ thể:

Ngày 11 tháng 6 năm 2018, bị cáo D rủ bị cáo Nguyễn Văn T2 đi trộm cắp thì bị cáo T2 đồng ý. Bị cáo D mang theo 01 chiếc cặp đeo, dùng xe máy biển số 49D1-487.36 chở bị cáo T2 từ L qua huyện Đ3, tỉnh Lâm Đồng, tìm nhà nào sơ hở để trộm cắp. Đến tiệm vàng D3 do anh Huỳnh Quốc V4 làm chủ ở khu vực chợ M, huyện Đ3, tỉnh Lâm Đồng, bị cáo D nói với bị cáo T2 là đến đêm sẽ đột nhập tiệm vàng này rồi cả hai quay về xã H5, huyện Đ4, tỉnh Lâm Đồng. Bị cáo D mua 01 xà beng cho vào bao rồi thuê nhà nghỉ. 01 giờ 00 phút sáng ngày 12 tháng 6 năm 2018, các bị cáo D và T2 mang theo xà beng, đi xe máy quay lại tiệm vàng D3. Bị cáo D dùng xà beng cạy bung chốt cửa cuốn, leo vào bên trong tủ trưng bày vàng, lấy hết số vàng gồm nhẫn, dây chuyền, kiềng, lắc tay, mặt dây chuyền, bông tai, còng, bộ vòng... cho vào cặp đeo rồi đi ra. Khi đi ra, thấy bên trong tủ vẫn còn vàng nên bị cáo D lại leo vào lấy hết số vàng gồm còng, kiềng, dây chuyền tại tủ của tiệm vàng. Bị cáo D ra ngoài đưa cặp đựng vàng lấy trộm được cho bị cáo T2 giữ rồi chở bị cáo T2 về nhà tại xã H6, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Bị cáo D mở cặp cho bị cáo T2 xem rồi điện thoại hẹn bị cáo Nguyễn Thị N sáng hôm sau đi cùng bị cáo D để bán số tài sản trên thì bị cáo N đồng ý. Sáng ngày 12 tháng 6 năm 2018, bị cáo D thuê xe taxi chở các bị cáo D, T2 và N từ L đi Đà Nẵng theo hướng từ đèo K với mục đích bán số tài sản đã trộm cắp được tại tiệm vàng D3. Trên đường đi, bị cáo D đưa vàng cho bị cáo N đi bán 04 lần, lần ít nhất bán được 17 triệu đồng, lần nhiều nhất bán được hơn 30 triệu đồng. Bị cáo N đưa hết số tiền bán vàng cho bị cáo D. Bị cáo D đưa cho bị cáo T2 bán 01 lần được 17.600.000 đồng và bị cáo T2 đưa bị cáo D hết số tiền bán được. Số vàng còn lại bị cáo D đi bán. Sau khi đã bán hết số vàng trên, cả ba bị cáo quay trở lại L. Bị cáo D chia cho bị cáo T2 95.000.000 đồng, trả tiền thuê taxi 9.000.000 đồng, cho bị cáo N 2.000.000 đồng.

Tại công văn số: 2237/STC-GCS ngày 12 tháng 6 năm 2018, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng xác định giá vàng tại thời điểm ngày 11 và 12 tháng 6 năm 2018 tại địa bàn huyện Đ3, tỉnh Lâm Đồng: vàng 18K có giá 23.400.000 đồng 01 lượng, vàng 24K có giá 35.8000 đồng 01 lượng.

Các bị cáo D và T2 trộm cắp tại tiệm vàng D3 82 nhẫn vàng 18K có trọng lượng 10,6025 lượng; 39 sợi dây chuyền vàng 18K có trọng lượng 8,1123lượng; 46 mặt dây  chuyền vàng 18K có trọng lượng 2, 8463 lượng; 25 lắc tay vàng 18K có trọng lượng 5, 6365 lượng; 03 bộ đồ vàng18K có trọng lượng 2, 1177 lượng; 03 còng tay vàng 18K có trọng lượng 5,809 lượng; 02 bộ vòng simen vàng 18K có trọng lượng 02 lượng; 02 kiềng, còng vàng 24K có trọng lượng 01 lượng; 03 đôi bông tai vàng 18K có trọng lượng 02 chỉ vàng; 10 nhẫn vàng 18K có trọng lượng 04 lượng. Tổng cộng: Vàng 18K là 41,3243 lượng; vàng 24K là 01 lượng. Tổng giá trị tài sản bị trộm cắp là 1.002.788.620 đồng.

Ngoài ra, bị cáo D cùng các đồng phạm còn thực hiện 05 vụ trộm khác trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng cụ thể:

Vụ thứ nhất: Vào khoảng 16 giờ 20 phút ngày 14 tháng 12 năm 2017 bị cáo D sử dụng xe Honda Wave biển số Z đến trường mầm non Y thuộc phường Y1, quận H7, thành phố Hà Nội, vào khu vực sân trường lấy 01 túi xách (bên trong gồm có 01 thẻ bảo hiểm y tế mang tên Nguyễn Thị Quỳnh T6, một số dụng cụ y tế để sơ cứu, 01 ví da đựng tiền (số tiền trong ví da theo D khai là 450.000 đồng, theo chị T6 khai là 3.000.000 đồng) của chị Nguyễn Thị Quỳnh T6 ngụ tại quận H7, thành phố Hà Nội. Bị cáo D chạy về Cống Yên thuộc phường Yên Nghĩa, quận H7, thành phố Hà Nội, mở túi xách lấy trộm được lấy tiền tiêu xài và vứt các đồ vật khác xuống sông.

Theo kết luận của hội đồng định giá trọng tố tụng quận H7, thành phố Hà Nội, tổng giá trị của các tài sản trên là 170.000 đồng. Như vậy tổng số tài sản bị cáo D trộm cắp của chị T6 là 620.000 đồng.

Vụ thứ 2: Khoảng tháng 5 năm 2018 bị cáo D chở bị cáo T2 và mang theo 01 xà beng. Đến nhà chị Phan Thị Đ ở thôn 9, xã T3, huyện L, tỉnh Lâm Đồng, bị cáo T2 dùng xà beng cạy cửa sau, để các bị cáo T2 và D vào trong nhà lục tìm tài sản và lấy được 300.000 đồng. Trên đường về, bị cáo T2 vứt xà beng xuống đập nước T3, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Số tiền trộm cắp được, bị cáo D để bị cáo T2 tiêu xài.

Vụ thứ 3: Sáng ngày 31 tháng 5 năm 2018, bị cáo D rủ bị cáo Trần Nam A đi trộm cắp thì bị cáo A đồng ý. Khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, bị cáo D chở bị cáo A bằng xe Sirius màu đen (bị cáo A mang theo cây xà beng) đi tìm chỗ trộm cắp. Đến quán cà phê H8 của gia đình ông Lê H9 tại thôn P, xã P1, huyện L, tỉnh Lâm Đồng, cả hai bị cáo cạy cửa sau vào trong lấy được 16 triệu đồng trong heo đất, 200.000 đồng tại quầy cà phê, 01 cây thuốc lá Seven, 04 chai rượu tây, 01 ống nhòm.

Bị cáo A phát hiện nhà ông H9 có gắn camera nên nói với bị cáo D. Để tránh bị ghi lại hình ảnh, các bị cáo A và D đã đập phá 01 màn hình máy tính bảng nhãn hiệu Apple, 01 màn hình laptop hiệu Sony Vaio, 01 màn hình máy tính để bàn, 02 camera.

Tại Biên bản định giá tài sản trong tố tụng hình sự ngày 16 tháng 8 năm 2018, Hội đồng định giá tài sản huyện L, tỉnh Lâm Đồng xác định: 01 cây thuốc lá seven có giá trị 120.000 đồng, 01 chai rượu hiệu Chivas 12 có giá trị 2.500.000 đồng, 01 màn hình máy tính bảng nhãn hiệu Apple có giá trị 950.000 đồng, 01 màn hình laptop hiệu Sony Vaio có giá trị 2.050.000 đồng, 01 máy tính để bàn có giá trị 460.000 đồng, 02 camera có giá trị 1.180.000 đồng. Tổng giá trị tài sản là 7.260.000 đồng. Như vậy, tổng số tài sản mà bị cáo D cùng bị cáo A trộm cắp là 18.820.000 đồng và tổng số tài sản các bị cáo D và A đập phá là 4.640.000 đồng.

Vụ thứ 4: Lúc 00 giờ ngày 20 tháng 6 năm 2018, bị cáo D cùng bị cáo A đi xe máy đến Bưu điện huyện Đ6, tỉnh Lâm Đồng. Bị cáo D cạy cửa vào, dùng xe đẩy tại Bưu điện đẩy 01 két sắt ra cổng rồi dùng xà beng phá két sắt lấy 26.860.000 đồng, chia cho bị cáo A 10.000.000 đồng.

Tại Kết luận định giá tài sản ngày 5 tháng 10 năm 2018, Hội đồng định giá tài sản huyện Đ6, tỉnh Lâm Đồng xác định: Két sắt hiệu Safe k-one do Công ty trách nhiệm hữu hạn P2 sản xuất có giá trị còn lại là 1.023.000 đồng, tổng giá trị tài sản là 27.883.000 đồng.

Vụ thứ 5: Rạng sáng ngày 21 tháng 6 năm 2018, bị cáo D chở bị cáo A mang theo 01 xà beng từ huyện L đến P3, xã H5, Đ4, tỉnh Lâm Đồng rồi cả hai dùng xà beng cạy cửa đại lý Kubota (bán máy móc nông cụ) lấy 01 két sắt, chở lên đường cao tốc Liên Khương. Các bị cáo D và A dùng xà beng phá két sắt nhưng bên trong không có tài sản, chỉ có một số giấy tờ nên các bị cáo D và A bỏ két sắt về.

Tại Bản kết luận, Hội đồng định giá huyện Đ4, tỉnh Lâm Đồng xác định giá trị két sắt là 2.700.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 59/2018/HS-ST ngày 19 tháng 12 năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định:

1. Tuyên bố các bị cáo Đỗ Văn D phạm tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Hủy hoại tài sản”; tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn T2 phạm tội “Trộm cắp tài sản”; tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị N phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Áp dụng khoản 4 Điều 173; Điều 17; điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm b, h khoản 1 Điều 52; Điều 58 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đỗ Văn D, xử phạt bị cáo Đỗ Văn D 17 (Mười bảy) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đỗ Văn D, xử phạt bị cáo Đỗ Văn D 02 (Hai) năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”.

Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Đỗ Văn D phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là 19 (Mười chín) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam 23/7/2018.

Áp dụng khoản 4 Điều 173; Điều 17; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn T2, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T2 13 (Mười ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam 30/7/2018.

Áp dụng khoản 4 Điều 323; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị N, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị N 10 (Mười) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam 30/7/2018.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Trần Nam A về các tội “Trộm cắp tài sản” và “Hủy hoại tài sản”, trách nhiệm dân sự của các bị cáo, buộc bị cáo N nộp tiền thu lợi bất chính, việc thi hành án, lãi suất nếu chậm thi hành án, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 24 tháng 12 năm 2018, bị cáo Nguyễn Thị N kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ngày 25 tháng 12 năm 2018, bị cáo Đỗ Văn D kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ngày 25 tháng 12 năm 2018, bị cáo Nguyễn Văn T2 kháng cáo xin giảm hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm như sau:

Bị cáo Đỗ Văn D có nhân thân xấu, phạm 02 tội, không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không có điều kiện giảm hình phạt trong khi mức hình phạt 17 năm tù đối với bị cáo là phù hợp.

Bị cáo T2 phạm tội thuộc khung hình phạt 12 đến 20 năm tù, đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ để xử phạt trên mức khởi điểm của khung hình phạt 01 năm tù. Nay, không có tình tiết nào mới để xem xét giảm hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo N tiêu thụ 04 lần, hưởng lợi 02 triệu đồng, được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ để xử phạt 10 năm tù. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày hoàn cảnh đã thôi chồng, có con còn nhỏ. Trước khi đi cùng với bị cáo N, bị cáo D không nói việc đi tiêu thụ tài sản trộm cắp được cho thấy ý thức của bị cáo N về việc tiêu thụ đồ gian là có giới hạn nên mức hình phạt 10 năm tù đối với bị cáo là hơi nghiêm khắc.

Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo D và T2, giảm hình phạt cho bị cáo N từ 01 đến 02 năm tù.

Luật sư bào chữa cho bị cáo D phát biểu: Đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết phạm tội chuyên nghiệp đối với bị cáo D vì bị cáo D không lấy việc trộm cắp làm nguồn sống chính. Theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì nguồn sống chính là khi bị cáo phạm tội liên tục từ 05 lần trở lên, trong khi số lần bị cáo trộm cắp liên tục là khó xác định. Nguồn sống chính của bị cáo D là làm thuê, phụ bán quán. Đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo T2 phát biểu: Đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo một mức án thấp vì bị cáo T2 là lao động chính trong gia đình, có cha già, phạm tội lần đầu.

Bị cáo N tự bào chữa: Bị cáo không biết số vàng là bao nhiêu mà chỉ nghĩ vàng khoảng từ 20 đến 30 triệu đồng thôi. Bị cáo không được bàn bạc trước về việc bán vàng, không được chia tiền mà chỉ được bị cáo D đưa 02 triệu đồng đi mua trái cây ăn chung cả nhóm. Khi được giao đi bán vàng, bị cáo sợ hãi nhưng bị cáo D động viên và nói là không sao nên bị cáo mới đi. Mức hình phạt đối với bị cáo là quá nặng, xin Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo.

Kiểm sát viên tranh luận: Đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc đề nghị của Luật sư đối với bị cáo D vì mức hình phạt 17 năm tù đối với bị cáo là không nặng, thậm chí hình phạt 20 năm tù cũng không nặng. Bị cáo T2 có hoàn cảnh gia đình có truyền thống nhưng đã được Tòa án cấp sơ thẩm vận dụng chính sách khoan hồng, xử phạt mức hình phạt thỏa đáng, không nặng. Đối với bị cáo N, dù bị cáo 04 lần tiêu thụ tài sản do các bị cáo khác phạm tội mà có nhưng hình phạt đối với bị cáo như vậy là quá nghiêm khắc nên có thể giảm cho bị cáo từ 01 đến 02 năm tù.

Khi bổ sung lời bào chữa và nói lời nói sau cùng, bị cáo D thống nhất với Luật sư và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt để bị cáo được sớm trở về với gia đình.

Khi bổ sung lời bào chữa và nói lời nói sau cùng, bị cáo T2 thống nhất với Luật sư và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm hình phạt cho bị cáo vì bị cáo có cha già.

Khi nói lời nói sau cùng, bị cáo N khẳng định từ khi bị bắt bị cáo đã thấy không có gì quý hơn sự tự do. Bị cáo N gửi lời xin lỗi đến mẹ, đến các con và đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt để bị cáo sớm được về phụng dưỡng mẹ và chăm sóc các con.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi như Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết đối với các bị cáo. Lời nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của các bị hại, vật chứng thu được, và phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Từ đó có đủ cơ sở kết luận: Từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018, các bị cáo D và T2 đã cùng đồng phạm thực hiện 06 vụ trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản có tổng giá trị là 1.055.661.620 đồng; bị cáo D đã cùng bị cáo A đập phá tài sản tại quán cà phê H8, hủy hoại tài sản có tổng trị giá là 4.640.000 đồng; bị cáo N có hành vi tiêu thụ tài sản do các bị cáo D và T2 trộm cắp tại tiệm vàng D3. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo D phạm các tội “Trộm cắp tài sản” và “Hủy hoại tài sản”, bị cáo T2 phạm tội “Trộm cắp tài sản” và bị cáo N phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 4 Điều 173, khoản 1 Điều 178 và Điều 323 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tài sản hợp pháp của các bị hại, làm mất an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại nên cần phải nghiêm trị nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa chung, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Các bị cáo cùng thực hiện tội phạm nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) để quyết định hình phạt là có căn cứ.

[3] Bị cáo D là người chủ mưu và lôi kéo các đồng phạm thực hiện 6 vụ trộm cắp tài sản với tổng giá trị tài sản trộm cắp là 1.055.661.620 đồng (Bị cáo D một mình thực hiện 01 vụ, cùng bị cáo A thực hiện 03 vụ, cùng bị cáo T2 thực hiện 02 vụ) nên phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Bị cáo D đập phá tài sản với giá trị tài sản bị hủy hoại là 4.640.000 đồng. Quá trình điều tra, bị cáo D thành khẩn khai báo nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho bị cáo là có căn cứ.

[4] Bị cáo D ra tù ngày 28 tháng 4 năm 2017 đến ngày 14 tháng 12 năm 2017 đã thực hiện hành vi trộm cắp tại thành phố Hà Nội. Trong quá trình điều tra, được tại ngoại, bị cáo D vào Lâm Đồng gây ra 05 vụ trộm cắp. Bị cáo D không có nghề nghiệp, không có nơi ở nhất định, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính nên phạm tội thuộc trường hợp “Có tính chất chuyên nghiệp” và “Tái phạm” nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b và h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo là có căn cứ.

[5] Sau khi cân nhắc tính chất của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định xử phạt bị cáo D đối với 02 tội 19 năm tù là thỏa đáng, không nặng, không nhẹ. Bị cáo D kháng cáo nhưng không có tình tiết gì mới để Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo. Ngay cả khi không áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp cũng không thể giảm hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo D, giữ nguyên phần Bản án sơ thẩm đối với bị cáo.

[6] Bị cáo T2 đồng tình thực hiện, cùng hưởng lợi với bị cáo D, cùng bị cáo D thực hiện 02 vụ trộm cắp tài sản có tổng giá trị 1.002.788.620 đồng. Bị cáo T2 thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có ông nội là Liệt sĩ nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho bị cáo là có căn cứ.

[7] Sau khi cân nhắc tính chất của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo T2, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định xử phạt bị cáo T2 13 năm tù là thỏa đáng, không nặng, không nhẹ. Bị cáo T2 kháng cáo nhưng không có tình tiết gì mới để Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo T2, giữ nguyên phần Bản án sơ thẩm đối với bị cáo.

[8] Bị cáo N biết vàng là tài sản do các bị cáo D và T2 trộm cắp được nhưng vẫn đồng ý cùng các bị cáo D và T2 đi tiêu thụ. Bị cáo N khai bán vàng 04 lần là một phần trong số vàng các bị cáo D và T2 trộm cắp được (lần bán thấp nhất được 17 triệu đồng, lần bán cao nhất được 34 triệu đồng). Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lâm Đồng không chứng minh được số vàng mà bị cáo N tiêu thụ là bao nhiêu. Nếu thực hiện điều tra lại cũng không thể tìm được giá trị thực của số vàng mà bị cáo N đã bán. Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lâm

Đồng xác định bị cáo N tiêu thụ tài sản do phạm tội có tổng trị giá 1.002.788.620 đồng là không đúng. Hội đồng xét xử phúc thẩm tính toán theo hướng có lợi cho bị cáo N và căn cứ theo thực tế là người kinh doanh vàng luôn thu mua với giá thấp hơn giá trị thật của vàng trang sức thì giá trị tài sản mà bị cáo N tiêu thụ thuộc tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 323 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[9] Quá trình điều tra, bị cáo N thành khẩn khai báo nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ. Bị cáo N có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có con nhỏ và mẹ già. Vì vậy, sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo N, giảm hình phạt cho bị cáo.

[10] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có phần phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm nêu trên nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Các quan điểm khác với quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm không được chấp nhận.

[11] Kháng cáo của các bị cáo D và T2 không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này. Kháng cáo của bị cáo N được chấp nhận nên bị cáo N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 344, Điều 345, điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Đỗ Văn D và Nguyễn Văn T2, giữ nguyên phần Bản án hình sự sơ thẩm số 59/2018/HS-ST ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đối với các bị cáo Đỗ Văn D và Nguyễn Văn T2. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị N, sửa một phần Bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị N.

Tuyên bố bị cáo Đỗ Văn D phạm tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Hủy hoại tài sản”.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn T2 phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị N phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Áp dụng khoản 4 Điều 173, Điều 17, điểm s khoản 1 Điều 51, các điểm b và h khoản 1 Điều 52, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt bị cáo Đỗ Văn D 17 (mười bảy) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 178, điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt bị cáo Đỗ Văn D 02 (hai) năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”.

Áp dụng Điều 55 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Đỗ Văn D phải chấp hành hình phạt chung 02 tội là 19 (mười chín) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam 23 tháng 7 năm 2018.

Áp dụng khoản 4 Điều 173, Điều 17, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T2 13 (mười ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam 30 tháng 7 năm 2018.

Áp dụng khoản 2 Điều 323, điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt bị cáo Nguyễn Thị N 06 (sáu) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam 30 tháng 7 năm 2018.

Các bị cáo Đỗ Văn D và Nguyễn Văn T2, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm ngàn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

496
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 220/2019/HS-PT ngày 26/04/2019 về tội trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Số hiệu:220/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về