Bản án 21/2020/KDTM-PT ngày 21/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 21/2020/KDTM-PT NGÀY 21/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 21 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 23/2020/TLPT-KDTM ngày 04 tháng 8 năm 2020 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận HA, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 95/2020/QĐ-PT ngày 17 tháng 8 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 111a/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP NT Việt Nam (viết tắt là V); địa chỉ trụ sở: Số 198 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Quốc H, chức vụ: Trưởng phòng Khách hàng V - Chi nhánh Hạ Long (theo Giấy ủy quyền số 02/VCB.HLO-UQ ngày 25/02/2019); có mặt.

- Bị đơn: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Vận tải NC (viết tắt là Công ty NC) địa chỉ trụ sở: Số 16 TL, phường ĐL, quận HA, thành phố Hải Phòng; địa chỉ trụ sở hiện tại: Số 168 Khu tái định cư ĐH 2, tổ 4, phường ĐH, quận HA, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Văn C và ông Phạm Hồng Q (theo Giấy ủy quyền số 19/11-2UQ-NC/2019 ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Công ty NC); ông C có mặt, ông Q vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên CHD (viết tắt là Công ty CHD); địa chỉ đăng ký kinh doanh: Số nhà 278, tổ 9, khu 8, phường CT, thành phố CP, tỉnh Quảng Ninh; địa chỉ trụ sở hiện nay: Số nhà 219 Khu tái định cư ĐH 2, tổ 4, phường ĐH, quận HA, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của Công ty CHD: Ông Trần Đức T, chức vụ Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật; vắng mặt - Người kháng cáo: Bị đơn là Công ty NC; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty CHD.

 NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo:

Theo đơn khởi kiện ngày 25/02/2019 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của V trình bày:

Ngày 24/3/2015, Công ty NC và V đã thỏa thuận và ký kết hợp đồng tín dụng (viết tắt là HĐTD) số 2015/DA/HĐTD/NC, theo dự án đầu tư phát triển để vay vốn của V với tổng hạn mức tín dụng là 15.000.000.000 đồng; mục đích vay vốn: Đầu tư 01 tàu biển quốc tế hạn chế II, trọng tải 3.635,1 tấn mang tên NC 8888; thời hạn vay 84 tháng kể từ ngày bên vay rút khoản vốn đầu tiên; lãi suất cho vay trong hạn áp dụng lãi suất mức lãi suất ưu đãi trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Sau thời hạn trên thì áp dụng mức lãi suất cho vay trung dài hạn theo thông báo của V tại thời điểm áp dụng. Căn cứ HĐTD trên, V đã giải ngân và Công ty NC đã nhận đủ số tiền 15.000.000.000 đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty NC đã trả nợ cho V đến hết ngày 09/02/2016, sau đó không trả nợ tiếp cho V. Tính đến ngày 23/6/2020, dư nợ của Công ty NC theo HĐTD theo dự án đầu tư phát triển số 2015/DA/HĐTD/NC ngày 24/03/2015 là 20.146.852.500 đồng (bao gồm: nợ gốc là 13.900.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn là 5.919.754.167 đồng; nợ lãi quá hạn là 327.098.333 đồng). Đối với khoản vay này của Công ty NC tại V đã bị quá hạn từ ngày 02/10/2016.

Đến ngày 01/07/2016, Công ty NC tiếp tục ký HĐTD theo hạn mức số 2016/HM/NC để vay tiếp số tiền 10.000.000.000 đồng (bao gồm cả dư nợ của Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 2015/HĐTD/NC ngày 27/03/2015); mục đích vay: Bổ sung vốn lưu động; lãi suất cho vay trong hạn là lãi suất cho vay áp dụng tại thời điểm nhận nợ và được tự động điều chỉnh theo mức lãi suất của V - Hạ Long; thời hạn cho vay: 09 tháng kể từ ngày rút vốn vay và được ghi trên Giấy nhận nợ. V đã giải ngân và Công ty NC đã nhận đủ số tiền 10.000.000.000 đồng. Tính đến ngày 23/6/2020, dư nợ của Công ty NC theo HĐTD hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/07/2016 là 10.313.336.779 đồng (bao gồm nợ gốc 7.245.450.559 đồng; nợ lãi trong hạn là 2.621.720.862 đồng, nợ lãi quá hạn là 446.165.357 đồng). Đối với khoản vay thứ hai của Công ty NC tại V bị quá hạn theo từng Giấy nhận nợ, bắt đầu từ Giấy nhận nợ số 15 ngày 23/3/2016.

Như vậy, tính đến ngày 23/6/2020, tổng dư nợ của Công ty NC tại V là 30.460.189.279 đồng (trong đó, nợ gốc là 21.145.450.559 đồng, nợ lãi trong hạn là 8.541.475.029 đồng, nợ lãi quá hạn là 773.263.691 đồng). Để đảm bảo cho khoản vay trên, Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC đã thế chấp các tài sản sau:

+ Tàu biển mang tên NC 8888, chủ sở hữu tàu: Công ty NC, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam số HP-GEN-001136-3 do Chi cục Hàng hải Việt Nam tại thành phố Hải Phòng cấp ngày 07/9/2017. Đăng ký giao dịch bảo đảm: Đầy đủ theo Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp số 42/ĐKTC-2015.HP ngày 17/04/2015 do Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Hải Phòng cấp (nay là Chi cục Hàng hải Việt Nam tại thành phố Hải Phòng), trọng tải toàn phần:

3.724,38 MT, số IMO: 3WCF9/9581734. Tài sản thế chấp này được ký kết theo Hợp đồng thế chấp (viết tắt là HĐTC) số 2015/DA/HĐTC/NC ngày 24/3/2015 cũng như các phụ lục số 01 ngày 16/4/2015 và phụ lục số 02 ngày 01/7/2016.

+ Xe ô tô con, nhãn hiệu Mazda CX5 màu xanh, chủ sở hữu Công ty NC; biển kiểm soát 15A-13120, sản xuất năm 2014; Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 019513 do Công an thành phố Hải Phòng cấp ngày 19/5/2014. Đăng ký Giao dịch đảm bảo: Đầy đủ theo Giấy chứng nhận giao dịch đảm bảo số 1177554441 ngày 27/3/2015 do Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thành phố Hà Nội cấp. Được ký kết theo HĐTC tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/3/2015 và Phụ lục số 01 ngày 01/7/2016 Các HĐTD, HĐTC và các phụ lục hợp đồng nêu trên đã ký kết theo đúng quy định pháp luật.

Trong quá trình thực hiện HĐTD với V, Công ty NC đã trả được tổng số tiền gốc, lãi là 6.417.511.993 đồng (trong đó, nợ gốc trả 4.430.852.461 đồng; nợ lãi trong hạn trả 1.985.648.299 đồng; nợ lãi quá hạn trả 1.011.233 đồng). Kể từ ngày 25/9/2016 đến nay, Công ty NC không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ trả nợ dẫn đến khoản vay của Công ty NC bị chuyển sang nợ quá hạn kể từ ngày 25/9/2016. Như vậy, Công ty NC đã vi phạm các điều khoản đã ký kết tại HĐTD. Nay, V vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Tòa án giải quyết những vấn đề sau:

1. Buộc Công ty NC thanh toán ngay cho Vietcombank số tiền nợ tính đến ngày 23/6/2020 là 30.460.189.279 đồng (trong đó, nợ gốc: 21.145.450.559 đồng; nợ lãi trong hạn 8.541.475.029 đồng; nợ lãi quá hạn 773.263.691 đồng) và tiếp tục phải trả lãi theo thỏa thuận trong HĐTD đã ký kể từ ngày 24/6/2020 cho đến khi trả hết nợ.

2. Trường hợp Công ty NC không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ toàn bộ khoản nợ thì V có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền kê biên và phát mại các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Tại bản tự khai ngày 12/4/2019, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, bị đơn là Công ty NC và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trình bày:

Yêu cầu khởi kiện của V về việc yêu cầu Công ty NC trả nợ theo HĐTD. Công ty NC thừa nhận có nợ V nhưng đến thời điểm hiện tại thì Công ty không nắm được số liệu cụ thể đang nợ V là bao nhiêu. Đối với hồ sơ khởi kiện của V theo Công ty NC là chưa đầy đủ, chưa đúng quy định pháp luật nên khi nào V bổ sung đầy đủ hồ sơ khởi kiện thì Công ty NC sẽ xem xét, hợp tác giải quyết vụ án.

Ngày 14/11/2019, Công ty NC có đơn yêu cầu phản tố về việc yêu cầu công nhận Công ty NC đã đầu tư sửa chữa tàu NC 8888 với số tiền là 2.327.117.864 đồng. Tuy nhiên, ngày 14/11/2019, Tòa án đã ra thông báo không chấp nhận đơn phản tố của Công ty NC.

Ngày 25/12/2019, Công ty NC có đơn đề nghị bổ sung Công ty TNHH Đa phương thức S tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vì Công ty NC đã mượn tiền của Công ty S để sửa chữa, phục vụ cho việc hoán cải tàu NC 8888 thì ưu tiên trả số tiền 2.327.117.864 đồng là số tiền bên thứ ba là Công ty S cho Công ty NC vay mượn để sửa chữa, hoán cải tàu NC 8888.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty NC tiếp tục đề nghị đưa Công ty TNHH MTV CHD (viết tắt là Công ty CHD) tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì tàu NC 8888 vừa đảm bảo cho nghĩa vụ của Công ty NC tại Vietconbank vừa đảm bảo cho nghĩa vụ của Công ty CHD tại V, cụ thể, liên quan đến phụ lục số 02 ngày 01/7/2016 ký giữa V và Công ty NC.

Hiện nay, Công ty NC đang là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về HĐTD mà nguyên đơn là V - chi nhánh Hạ Long và bị đơn là Công ty CHD. Hiện vụ án đang được Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh giải quyết và chưa có kết quả nên đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ này chờ kết quả giải quyết vụ án tại Tòa án Cẩm Phả do cả hai Công ty đều có chung một tài sản đảm bảo và đề nghị Tòa án cho Công ty CHD tham gia vụ án này với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 23/6/2020 của Tòa án nhân dân quận HA, thành phố Hải Phòng đã căn cứ khoản 1, Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 471, Điều 473, Điều 474 và Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005; khoản 2 Điều 91, Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng; khoản 1, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Buộc Công ty NC phải trả cho V. Tính đến ngày 23/6/2020, tổng dư nợ của Công ty NC tại V là 30.460.189.279 đồng (trong đó nợ gốc 21.145.450.559 đồng; nợ lãi trong hạn 8.541.475.029 đồng; nợ lãi quá hạn 773.263.691 đồng). Theo HĐTD theo dự án đầu tư phát triển số 2015/DA/HĐTD ngày 24/3/2015 và HĐTD theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm ngày 20/6/2020 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc còn phải thi hành theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong HĐTD. Trường hợp trong HĐTD các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi cho vay theo từng thời ký của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà bên phải thi hành án phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng cho vay theo quy định của pháp luật cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi suất.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản nợ lãi quá hạn cho đến khi thi hành án đối với khoản nợ lãi quá hạn cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự.

2. Kể từ ngày Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật nếu bị đơn không trả hoặc trả không đầy đủ khoản nợ trên thì V có quyền đề nghị Cơ quan Thi hành án Dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, bàn giao tài sản sau:

Tài sản thế chấp thứ nhất là: Tàu biển mang tên NC 8888, chủ sở hữu tàu: Công ty NC, Giấy Chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam số HP-GEN-001136-3 do Chi cục Hàng hải Việt Nam tại thành phố Hải Phòng cấp ngày 07/09/2017. Đăng ký Giao dịch đảm bảo đầy đủ theo Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp số 42/ĐKTC-2015.HP ngày 17/04/2015 do Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Hải Phòng cấp (nay là Chi cục Hàng hải Việt Nam tại thành phố Hải Phòng). Trọng tải toàn phần: 3.724,38 MT, số IMO: 3WCF9/9581734, theo HĐTC tài sản số 2015/DA/HĐTC/NC ngày 24/03/2015 và các phụ lục HĐTC theo quy định pháp luật.

Tài sản thế chấp thứ hai là: Xe ô tô con, nhãn hiệu Mazda CX 5, màu xanh; chủ sở hữu Công ty NC; biển kiểm soát 15A-13120, sản xuất năm 2014; Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 019513 do Công an thành phố Hải Phòng cấp ngày 19/5/2015. HĐTC tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/03/2015; đăng ký giao dịch đảm bảo: Đầy đủ theo Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch đảm bảo số 1177554441 ngày 27/3/2015 do Trung tâm Đăng ký Giao dịch tài sản tại thành phố Hà Nội cấp theo HĐTC số 2015/HĐTC/NC ngày 27/03/2015.

Số tiền phát mại tài sản trên không đủ trả hết nợ thì Công ty NC còn phải tiếp tục trả nợ cho V bằng trị giá các tài sản khác thuộc quyền sở hữu của Công ty NC.

Ngoài ra còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án Nội dung kháng cáo:

Ngày 06/7/2020, bị đơn là Công ty NC và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty CHD và đều kháng cáo toàn bộ bản án do không đồng ý với toàn bộ nội dung bản án và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại toàn bộ vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn: Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm vì Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập Công ty S tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là thiếu sót do Công ty NC đã mượn tiền của Công ty S để sửa chữa, phục vụ cho việc hoán cải tàu NC 8888 thì phải ưu tiên trả số tiền 2.327.117.864 đồng là số tiền Công ty S cho Công ty NC vay mượn để sửa chữa, hoán cải tàu NC 8888, khi sửa chữa, hoán cải tàu NC 8888 Công ty NC đã thông báo cho V biết bằng văn bản. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên phụ lục 01 và phụ lục số 02 ngày 01/7/2016 ký giữa V và Công ty NC vô hiệu vì trong 02 phụ lục này có thể hiện nghĩa vụ của Công ty CHD phải trả cho V thay cho Công ty NC những khoản nợ đến hạn mà Công ty NC không trả được; 02 phụ lục này chỉ có V và Công ty NC ký, Công ty CHD không ký và không được thông báo nên không biết và không phải chịu trách nhiệm.

Công ty CHD: Vắng mặt tại phiên tòa, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và yêu cầu Hội đồng xét xử giải quyết tuyên phụ lục HĐTC số 02 ngày 01/7/2016 ký giữa Công ty NC và V là vô hiệu. Lý do: Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Công ty CHD và và Công ty NC đều đã có yêu cầu Tòa án tuyên phụ phụ lục HĐTC số 02 ngày 01/7/2016 vô hiệu. Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên chấp nhận (vô hiệu) hoặc bác (không vô hiệu) mà nhận định chung chung mang tính đánh đố Công ty NC. Việc không tuyên trong phần quyết định của bản án là không giải quyết triệt để các yêu cầu giải quyết của vụ án, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự.

Đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày: V giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không đồng ý với ý kiến của bị đơn về việc triệu tập Công ty S với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vì Công ty NC có văn bản thông báo cho V về việc sẽ sửa chữa, hoán cải tàu 8888, nguồn kinh phí do Công ty NC tự chịu trách nhiệm mà cũng không thông báo về việc vay tiền của Công ty S. Đối với phụ lục HĐTC số 01 và 02 ngày 01/7/2016 ký giữa Công ty NC và V có đề cập đến nghĩa vụ của Công ty CHD nhưng Công ty CHD không có mặt, không ký thì mọi trách nhiệm thanh toán các khoản nợ do Công ty NC.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về kháng cáo:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Quan điểm giải quyết vụ án:

+ Về tố tụng:

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh với mục đích kinh doanh, bị đơn là Công ty NC có địa chỉ tại quận HA nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận HA theo quy định tại Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về những người tham gia tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bị đơn bổ sung Công ty TNHH Đa phương thức Sunrire và Công ty TNHH MTV CHD tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ, bởi lẽ: Công ty TNHH Đa phương thức S không liên quan đến hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa VCB và Công ty NC. Hai HĐTD ký năm 2015 và 2016, đến năm 2017 giữa công ty NC và Công ty S mới ký hợp đồng góp vốn kinh doanh, đồng thời Công ty NC không thông báo cho VCB về việc Công ty S đầu tư tiền sửa chữa, nâng cấp tàu đang thế chấp do VCB quản lý nên Công ty S không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Công ty CHD và Công ty NC là hai Công ty có tư cách pháp nhân độc lập, không liên quan đến nhau, việc vay vốn và tài sản thế chấp cũng khác nhau. Các phụ lục hợp đồng thế chấp số 01 ngày 16/4/2015 và 02 ngày 01/7/2016 chỉ được ký kết giữa VCB và Công ty NC, Công ty CHD không tham gia ký kết HĐTC và các phụ lục HĐTC nên các thỏa thuận trong HĐTC và phụ lục không có giá trị ràng buộc đối với Công ty CHD. Hơn nữa, VCB chỉ khởi kiện Công ty NC trong phạm vi nghĩa vụ mà Công ty phải chịu, tại phiên tòa hôm nay, VCB có quan điểm: Trường hợp tài sản thế chấp thu hồi phát mại có giá trị cao hơn nghĩa vụ của Công ty NC phải chịu thì phần còn thừa trả lại cho Công ty NC và Công ty CHD không có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty NC trường hợp giá trị phát mại tài sản thế chấp của CHD còn thừa. Như vậy, Công ty CHD không có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Bản án sơ thẩm không tuyên quyền kháng cáo của Công ty CHD nên đơn kháng cáo của Công ty CHD không có cơ sở để chấp nhận.

Về việc Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý đơn phản tố và xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn là đúng quy định, bởi: Tòa án nhân dân quận HA tiến hành tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 12/11/2019, đơn phản tố không rõ Tòa án nhận được ngày nào nhưng đề ngày 13/11/2019 là sau khi Tòa án tiến hành tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nên đơn yêu cầu phản tố của bị đơn không được chấp nhận là đúng.

+ Về nội dung:

Xét tính hợp pháp của Hợp đồng tín dụng: Hợp đồng tín dụng số 2015/DA/HĐTD/NC ngày 24/3/2015 và khế ước nhận nợ số 01 ngày 24/3/2015 được lý kết giữa VCB và Công ty NC với nội dung Ngân hàng cho Công ty NC vay 15 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016, các khế ước nhận nợ được ký kết giữa VCB và Công ty NC với nội dung cho Công ty NC vay hạn mức tối đa 10 tỷ đồng. Hợp đồng ký kết giữa các bên hoàn toàn tự nguyện, các chủ thể tham gia ký đều đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự, hình thức và nội dung hợp đồng phù hợp với quy định tại Điều 121, 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Căn cứ vào Giấy nhận nợ số 01 ngày 24/3/2015; số 15 ngày 25/3/2016; số 16 ngày 25/3/2016; số 01 ngày 22/9/2016; số 02 ngày 23/9/2016; số 03 ngày 30/9/2016; số 04 ngày 16/12/2016; số 05 ngày 20/12/2013; bảng kê chi tiết dư nợ của Công ty NC tại VCB xác định: VCB đã giải ngân đủ số tiền thỏa thuận. Công ty NC đã trả được tổng số tiền gốc, lãi là 6.417.511.923 đồng (trong đó, nợ gốc là 4.430.852.461 đồng, nợ lãi trong hạn là 1.985.648.299 đồng, nợ lãi quá hạn 1.011.233 đồng). Kể từ ngày 25/9/2016 đến nay, Công ty NC không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo HĐTD mà hai bên đã ký. Tính đến ngày 23/6/2020, tổng dư nợ của Công ty NC tại VCB là 30.460.189.279 đồng (trong đó, nợ gốc là 21.145.450.559 đồng, nợ lãi trong hạn là 8.541.475.029, nợ lãi quá hạn là 773.263.691 đồng). Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả số tiền trên là có căn cứ, phù hợp với các Điều 471, 472, 474 Bộ luật Dân sự 2005 cần được chấp nhận. Tuy nhiên, ngân hàng cần tách riêng về số nợ lãi trong hạn và lãi quá hạn theo từng giấy nhận nợ, cụ thể đối với từng khoản nợ cần làm rõ kể từ ngày chuyển nợ quá hạn thì tính số nợ lãi quá hạn = 120% lãi trong hạn chứ không thể tách 100% lãi trong hạn + 20% lãi quá hạn, bởi lẽ: Việc xác định chính xác khoản nợ lãi quá hạn có liên quan đến việc tuyên nghĩa vụ phải thanh toán khi chậm thi hành án của bị đơn.

Xét tính hợp của Hợp đồng thế chấp tài sản và các phụ lục: Hợp đồng thế chấp được ký ngày 25/3/2015, 27/3/2015 giữa nguyên đơn và công ty NC. Theo đó, tài sản thế chấp bao gồm: Tàu biển NC, chủ sở hữu tàu là Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC, đăng ký giao dịch bảo đảm theo Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp số 42/ĐKTC-2015.HP ngày 17/4/2015; theo hợp đồng thế chấp số 2015/DA/HĐTD/NC ngày 24/3/2015; phụ lục số 01 ngày 16/4/2015, phụ lục số 02 ngày 01/7/2016. Xe oto con mang nhãn hiệu Mazda CX5 màu xanh chủ sở hữu Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC; BKS 15A-13120, đăng ký giao dịch bảo đảm số 1177554441 ngày 27/3/2015, hợp đồng thế chấp tài sản số 2015 ngày 27/3/2015 và phụ lục số 01 ngày 01/7/2016. Các hợp đồng thế chấp được đăng ký thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo theo đúng quy định pháp luật; chủ thể, nội dung không trái pháp luật. Vì vậy, Hợp đồng thế chấp phát sinh hiệu lực pháp luật. Việc ký kết các phụ lục hợp đồng số 01, 02 kèm theo Hợp đồng thế chấp số 2015/DA/HĐTC/NC ngày 01/7/2016 mặc dù VCB và Công ty NC có thỏa thuận tài sản thế chấp là tàu NC 8888 và xe Mazda CX5 được bảo đảm bao gồm tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ thuộc bất kỳ loại nào mà bên thế chấp và khách hàng là công ty CHD tại VCB nhưng việc ký kết nêu trên không có sự tham gia của Công ty CHD vì vậy, hai phụ lục 01, 02 không có giá trị pháp lý ràng buộc đối với Công ty CHD. Các tài sản thế chấp nêu trên đều thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty NC nên trường hợp Công ty NC không trả nợ được cho VCB thì có căn cứ để chấp nhận yêu cầu phát mại theo thỏa thuận tại Hợp đồng và quy định pháp luật để VCB thu hồi nợ. Trường hợp sau khi phát mại tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của bị đơn còn thừa thì trả lại cho bị đơn.

+ Về việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên nghĩa vụ phải chịu khoản lãi của số tiền chậm thi hành án: Bản án sơ thẩm tuyên nghĩa vụ chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc đã đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc bản án sơ thẩm tuyên: Kể từ ngày có đơn yêu càu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản nợ lãi quá hạn cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự” là chưa đúng quy định pháp luật, cần sửa như sau: “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản nợ lãi trong hạn cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự”. Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và Công ty CHD, sửa Bản án sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 23/6/2020 của Tòa án nhân dân quận HA về nội dung: Xác định rõ khoản tiền nợ lãi trong hạn và quá hạn, sửa phần tuyên nghĩa vụ khi chậm thi hành án, tuyên trường hợp phát mại thanh toán nợ còn thừa trả lại cho bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về thủ tục tố tụng:

[1] Về thẩm quyền và quan hệ pháp luật: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về việc vắng mặt đương sự: Công ty CHD có kháng cáo, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, bị đơn có 02 người đại diện theo ủy quyền là ông Phạm Văn Cường và ông Phạm Hồng Quang, đã được triệu tập hợp lệ nhưng ông Quang vắng mặt tại phiên tòa không có lý do. Công ty S đã được triệu tập đến phiên tòa nhưng vắng mặt. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về yêu cầu bổ sung người tham gia tố tụng: Đối với Công ty CHD, Công ty NC cho rằng, tại Phụ lục HĐTC số 01 và 02 ngày 01/7/2016, các bên có thỏa thuận nghĩa vụ được bảo đảm cho cả khoản nợ của Công ty CHD đối với V nên phải đưa Công ty CHD tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, phụ lục số 01 và 02 mặc dù có liên quan đến Công ty CHD nhưng Công ty CHD không được ký và được thông báo về nội dung; mặt khác, tại Biên bản làm việc ngày 11/6/2020 với ông Trần Đức Thắng là người đại diện theo pháp luật của Công ty CHD, đã trình bày: “Ông Thắng không biết Công ty NC và Công ty CHD có mối quan hệ như thế nào, mọi quyết định do ông Phạm Văn Cường quyết định. Tàu NC 8888 là tài sản của Công ty NC, không liên quan gì đến Công ty CHD. Phụ lục hợp đồng thế chấp số 02 ngày 01/7/2016 giữa V và Công ty NC không liên quan gì đến Công ty CHD nên Công ty CHD không liên quan đến Công ty NC trong vụ án này”. Như vậy, giữa Công ty NC và Công ty CHD không có mối quan hệ ràng buộc, liên quan về mặt pháp luật, đây là hai công ty độc lập, có đăng ký kinh doanh riêng biệt; phụ lục 02 mặc dù có liên quan đến Công ty CHD nhưng không được Công ty CHD biết và ký nên phụ lục 01, 02 không có giá trị ràng buộc với Công ty CHD; ngoài phụ lục 01, 02 Công ty NC cũng không cung cấp được các tài liệu gì khác thể hiện giữa 2 Công ty CHD và Công ty NC có mối quan hệ ràng buộc về mặt pháp lý hay có liên quan đến nhau về mặt kinh tế và cùng thống nhất ý chí đối với Phụ lục 01, 02. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty CHD không liên quan đến vụ án là có căn cứ.

[4] Đối với Công ty TNHH Đa phương thức S (viết tắt là Công ty S) không liên quan đến việc ký kết HĐTD giữa V và Công ty NC nhưng Công ty NC cho rằng Công ty S có cho Công ty NC mượn tiền để sửa chữa nâng cấp tàu NC 8888, tuy nhiên Công ty NC không cung cấp được các tài liệu thể hiện có việc vay tiền của Công ty S và các tài liệu thể hiện việc mượn tiền vào mục đích sửa chữa tàu; mặt khác, việc mượn tiền để sửa chữa, nâng cấp tàu NC 8888 hiện là tài sản thế chấp tại V, Công ty NC không thông báo cho V việc mượn tiền này. Do đó, không có căn cứ để xác định Công ty S có liên quan đến các HĐTD và các HĐTC giữa V và Công ty NC nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định chưa đủ căn cứ để bổ sung Công ty S tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng. Như vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

[5] Do xác định Công ty CHD không liên quan đến vụ án và không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên không có quyền kháng cáo vụ án theo quy định của pháp luật, tại Bản án sơ thẩm cũng không tuyên quyền kháng cáo cho Công ty CHD nhưng Công ty CHD vẫn kháng cáo và được Tòa án quận HA thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và thông báo kháng cáo đối với kháng cáo của Công ty CHD là không đúng quy định tại Điều 70 của Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền và nghĩa vụ của đương sự nhưng Tòa cấp phúc thẩm vẫn xem xét kháng cáo của Công ty CHD để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

[6] Xét kháng cáo của bị đơn về toàn bộ nội dung Bản án, kháng cáo của Công ty CHD về phần phụ lục hợp đồng thế chấp:

[7] Về Hợp đồng tín dụng: V và Công ty NC đã ký kết các HĐTD theo dự án đầu tư phát triển số 2015/DA/HĐTD/NC ngày 24/03/2015 và HĐTD theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016 trên cơ sở tự nguyện, đúng quy định pháp luật. Công ty NC đã được V giải ngân đủ số tiền 25.000.000.000 đồng theo 2 HĐTD trên; tính đến ngày 23/6/2020, tổng dư nợ của Công ty NC tại V là 30.460.189.279 đồng; trong đó: Dư nợ của HĐTD theo dự án đầu tư phát triển số 2015/DA/HĐTD/NC ngày 24/03/2015 là 20.146.852.500 đồng (gồm, nợ gốc 13.900.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn 5.919.754.167 đồng, nợ lãi quá hạn 327.098.333 đồng); dư nợ của HĐTD theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016 là 10.313.336.779 đồng (gồm, nợ gốc 7.245.450.559 đồng, nợ lãi trong hạn 2.621.720.862 đồng, nợ lãi quá hạn 446.165.357 đồng). V và Công ty NC đều thừa nhận có việc ký các HĐTD, số tiền Công ty NC đã thanh toán và số nợ còn lại của V. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của V và buộc Công ty NC phải thanh toán số tiền nợ gốc, nợ lãi trong hạn và lãi quá hạn cho V tính đến ngày 23/6/2020 là có căn cứ và đúng pháp luật nên Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

[8] Về Hợp đồng thế chấp: Đối với tài sản thế chấp là chiếc xe ô tô, nhãn hiệu Mazda CX5 màu xanh, chủ sở hữu là Công ty NC, việc thế chấp đã được các bên ký HĐTC tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/03/2015 và đã được đăng ký giao dịch đảm bảo đầy đủ theo Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch đảm bảo số 1177554441 ngày 27/3/2015 do Trung tâm Đăng ký giáo dịch tài sản tại thành phố Hà Nội cấp. Đây là tài sản hợp pháp của Công ty NC, được thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của Công ty NC theo đúng quy định của pháp luật cho các khoản vay tại HĐTD theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016, nếu không trả được nợ cho V các khoản nợ theo Hợp đồng tín dụng này thì sẽ được phát mại tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ cho V; theo Điều 1 của HĐTC tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/03/2015 có quy định: Bên thế chấp đồng ý thế chấp và Ngân hàng đồng ý nhận thế chấp Tài sản thế chấp quy định tại Điều 2 Hợp đồng này (chiếc xe ô tô, nhãn hiệu Mazda CX5 màu xanh) để đảm bảo cho các nghĩa vụ thanh toán của bên thế chấp cho Ngân hàng bao gồm nhưng không giới hạn ở nợ gốc, nợ lãi…liên quan đến HĐTD số 2015/HĐTD/NC ngày 27/03/2015 ký giữa bên thế chấp với Ngân hàng; và tất cả các HĐTD khác ký kết giữa Bên thế chấp với Ngân hàng trong thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày ký kết Hợp đồng này. Do HĐTD theo dự án đầu tư phát triển số 2015/DA/HĐTD/NC ngày 24/03/2015 không quy định tài sản đảm bảo theo HĐTC tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/03/2015 nên chiếc xe ô tô không phải là tài sản đảm bảo của HĐTD số 2015/HĐTC/NC ngày 27/03/2015. Nhưng, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phát mại tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho cả 02 Hợp đồng là chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

[9] Đối với tài sản thế chấp là tàu biển mang tên NC 8888, chủ sở hữu tàu là Công ty NC. Việc thế chấp đã được các bên ký HĐTC tài sản số 2015/DA/HĐTC/NC ngày 24/3/2015 và các phụ lục số 01 ngày 16/4/2015 và các phụ lục số 01, 02 ngày 01/7/2016 và đã được đăng ký giao địch đảm bảo theo Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp số 42/ĐKTC-2015 ngày 17/04/2015 do Cơ quan đăng ký tài biển và thuyền viên khu vực Hải Phòng cấp. Liên quan tới Hợp đồng thế chấp này, như đã phân tích ở trên, mặc dù phụ lục 01, 02 ngày 01/7/2016 được ký kết giữa Công ty NC và V có liên quan đến Công ty CHD nhưng Công ty CHD không ký phụ lục và không được thông báo về phụ lục này nên không liên quan đến Hợp đồng thế chấp giữa Công ty NC và V. Như vậy, hợp đồng thế chấp tài sản số 2015/DA/HĐTC/NC ngày 24/3/2015 chỉ có giá trị ràng buộc giữa Công ty NC và V không liên quan đến Công ty CHD nên trong trường hợp Công ty NC không thanh toán được nợ cho V thì V có quyền yêu cầu phát mại tài sản theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ.

[10] Theo mục 5.2 Điều 5 HĐTD theo hạn mức số 2016/HM/NC thì giao dịch đảm bảo thực hiện nghĩa vụ gồm HĐTC tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/3/2015 và các Hợp đồng bảo đảm được xác lập trước, cùng hoặc sau thời điểm ký Hợp đồng này giữa bên cho vay với bên vay có quy định hoặc dẫn chiếu đến nghĩa vụ được bảo đảm, bao gồm cả nghĩa vụ của bên vay theo hợp đồng này. Theo đó, tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Hợp đồng tín dụng này là chiếc xe ô tô, nhãn hiệu Mazda CX5 màu xanh, chủ sở hữu là Công ty NC và tàu biển mang tên NC 8888, chủ sở hữu tàu là Công ty NC theo hợp đồng thế chấp tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/3/2015 và hợp đồng thế chấp tài sản số 2015/DA/HĐTC/NC ngày 24/3/2015.

[11] Về phần tuyên lãi suất theo quyết định của Bản án: Mức lãi suất trong hạn và quá hạn theo HĐTD đã phù hợp với quy định của pháp luật, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, các bên không có yêu cầu hay ý kiến gì khác về mức lãi suất. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định mức lãi suất là có căn cứ, đúng pháp luật nên Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

[12] Tuy nhiên, đối với mức lãi suất chậm thi hành án đối với khoản nợ lãi quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm xác định mức lãi suất chậm thi hành án riêng biệt đối với số tiền nợ gốc và nợ lãi là chưa đúng, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 về việc hướng áp dụng một số quy định của pháp luật lãi, lãi suất, phạt vi phạm “…hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật…cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và Luật các Tổ chức tín dụng, án lệ số 08/2016/AL ngày 17/10/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng (chưa hết hiệu lực thi hành). Do đó, cần phải xác định bị đơn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền gốc còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng thì mới đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Ngoài ra, đối với ý kiến của Kiểm sát viên về việc Ngân hàng cần tách riêng số tiền nợ lãi trong hạn và lãi quá hạn do có liên quan đến việc tuyên nghĩa vụ phải thanh toán khi chậm thi hành án của bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy ý kiến của Kiểm sát viên có phần có căn cứ tuy nhiên, theo án lệ lãi suất chậm thi hành án được tính theo tổng số tiền lãi nên không cần thiết phải tách riêng số tiền nợ lãi trong hạn và quá hạn như ý kiến của Kiểm sát viên.

[13] Hội đồng xét xử thấy Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc tuyên V có quyền yêu cầu phát mại các tài sản thế chấp, không triệu tập Công ty CHD và Công ty S là có căn cứ và đúng pháp luật. Nhưng cần sửa lại phần tuyên lãi suất chậm thi hành án và phần tuyên phát mại tài sản đảm bảo tương ứng với từng HĐTD để đảm bảo quyền lợi của các đương sự đã thỏa thuận theo các HĐTD và HĐTC nên Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn.

[14] Từ phân tích trên Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và không chấp nhận kháng cáo của Công ty CHD, sửa một phần Bản án sơ thẩm.

[15]- Về án phí kinh doanh thương mại: Căn cứ Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[16] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC phải chịu 138.460.189 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại cho Ngân hàng TMCP NT Việt Nam số tiền tạm ứng án phí 67.548.072 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0004760 ngày 18/3/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận HA, thành phố Hải Phòng.

[17] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do Bản án bị sửa nên Công ty CHD và Công ty Công ty S không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,  

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ khoản 1, Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 147, Điều 296, khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 471, Điều 473, Điều 474 và Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005; khoản 2 Điều 91, Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng:

Căn cứ án lệ số 08/2016/AL ngày 17/10/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng:

Căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội:

Xử: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng cáo của Công ty TNHH MTV CHD. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Sửa một phần Bản án sơ thẩm:

1. Buộc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại vận tải NC phải trả cho Ngân hàng TMCP NT Việt Nam tổng số tiền 30.460.189.279 (Ba mươi tỷ, bốn trăm sáu mươi triệu đồng, một trăm tám mươi chín nghìn, hai trăm bảy mươi chín) đồng; trong đó nợ gốc: 21.145.450.559; nợ lãi trong hạn 8.541.475.029 đồng; nợ lãi quá hạn 773.263.691 đồng. Cụ thể: Theo Hợp đồng tín dụng theo dự án đầu tư phát triển số 2015/DA/HĐTD ngày 24/3/2015 số tiền là 20.146.852.500 đồng (bao gồm, nợ gốc 13.900.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn 5.919.754.167 đồng, nợ lãi quá hạn 327.098.333 đồng) và theo Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016 số tiền là 10.313.336.779 đồng (bao gồm, nợ gốc 7.245.450.559 đồng, nợ lãi trong hạn 2.621.720.862 đồng, nợ lãi quá hạn 446.165.357 đồng).

Kể từ ngày 23/6/2020, cho đến khi thi hành án xong, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại vận tải NC còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp trong Hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

2. Kể từ ngày Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật nếu bị đơn không trả hoặc trả không đầy đủ khoản nợ trên thì Ngân hàng TMCP NT Việt Nam có quyền đề nghị Cơ quan Thi hành án Dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, bàn giao tài sản sau:

2.1 Tài sản thế chấp thứ nhất là: Tàu biển mang tên NC 8888, chủ sở hữu tàu: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại vận tải NC, Giấy Chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam số HP-GEN-001136-3 do Chi cục Hàng hải Việt Nam tại thành phố Hải Phòng cấp ngày 07/09/2017; trọng tải toàn phần: 3.724,38 MT, số IMO: 3WCF9/9581734, theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 2015/DA/HĐTC/NC ngày 24/03/2015 và các phụ lục hợp đồng thế chấp theo quy định pháp luật để đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC theo các Hợp đồng tín dụng theo dự án đầu tư phát triển số 2015/DA/HĐTD/NC ngày 24/03/2015 và Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016.

2.2 Tài sản thế chấp thứ hai là: Xe ô tô con, nhãn hiệu Mazda CX 5, màu xanh; chủ sở hữu Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC; biển kiểm soát 15A-13120, sản xuất năm 2014; Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 019513 do Công an thành phố Hải Phòng cấp ngày 19/5/2015 theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 2015/HĐTC/NC ngày 27/03/2015 để đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC theo Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 2016/HM/NC ngày 01/7/2016.

Số tiền phát mại tài sản trên không đủ trả hết nợ thì Công ty NC còn phải tiếp tục trả nợ cho VCB bằng trị giá các tài sản khác thuộc quyền sở hữu của Công ty NC.

3. Về án phí:

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải NC phải chịu 138.460.189 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại cho Ngân hàng TMCP NT Việt Nam số tiền tạm ứng án phí 67.548.072 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0004760 ngày 18/3/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận HA, thành phố Hải Phòng.

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại vận tải NC và Công ty TNHH MTV CHD không phải chịu án phí phúc thẩm.

Trả lại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại vận tải NC số tiền 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0005724 ngày 10/7/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận HA, thành phố Hải Phòng, nhưng tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án cho Công ty Trả lại Công ty TNHH MTV CHD số tiền 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0005725 ngày 10/7/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận HA, thành phố Hải Phòng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

402
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2020/KDTM-PT ngày 21/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:21/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 21/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về