Bản án 21/2020/DS-ST ngày 13/07/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TY – TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 21/2020/DS-ST NGÀY 13/07/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Trong các ngày 09 và ngày 13 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện TY, tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 107/2018/TLST-DS ngày 21 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 120/2020/QĐXXST-DS ngày 22 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Cụ Thân Thị S, sinh năm 1930. (vắng mặt). Nơi cư trú: Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang:

Do ông Nguyễn Đình H - Luật sư, Văn phòng luật sư Nguyễn Đình H, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, đại diện theo ủy quyền. (theo văn bản ủy quyền lập ngày 17/12/2018, ông H có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

* Bị đơn: Bà Hoàng Thị B, sinh năm 1974. (có mặt).

Nơi cư trú: Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ủy ban nhân dân huyện TY, do ông Nguyễn Văn H - Phó Trưởng phòng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện TY đại diện theo ủy quyền. (Theo văn bản ủy quyền lập ngày 20/12/2019, ông H có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Ủy ban nhân dân xã AD, do ông Nguyễn Văn C - Công chức địa chính xã đại diện theo ủy quyền. (Theo văn bản ủy quyền lập ngày 09/12/2019, ông Cù có đơn xin vắng mặt).

- Anh Lê Văn T, sinh năm 1994, do bà Hoàng Thị B đại diện theo ủy quyền.

(Theo văn bản ủy quyền lập ngày14/01/2019, bà B có mặt).

- Ông Lê Văn D, sinh năm 1956. (có đơn xin vắng mặt).

- Bà Lê Thị N, sinh năm 1960. (có mặt).

- Bà Lê Thị N1, sinh năm 1963. (có mặt).

- Bà Lê Thị H1, sinh năm 1967. (có mặt).

 - Ông Lê Văn Q, sinh năm 1972. (có mặt).

Đều cư trú: Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang:

- Bà Lê Thị N2, sinh năm 1976. (có đơn xin vắng mặt). Nơi cư trú: Thôn XT, xã TN, huyện HB, tỉnh Quảng Ninh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ghi ngày 10 tháng 11 năm 2018 và các lời khai tiếp theo thì nguyên đơn là cụ Thân Thị S trình bày:

Năm 1953 cụ kết hôn cùng cụ Lê Văn L, sau khi kết hôn cụ và cụ L về chung sống với nhau ngay và sinh được các người con gồm: Lê Văn D, sinh năm 1956; Lê Thị N, sinh năm 1966; Lê Thị N1, sinh năm 1964; Lê Thị H1, sinh năm 1968; Lê Văn T1, sinh năm 1971; Lê Văn Q, sinh năm 1972; Lê Thị N2, sinh năm 1976. Trong thời gian chung sống vợ chồng đã tạo lập được tài sản chung là thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300m2, địa chỉ thửa đất tại Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang. Nguồn gốc thửa đất trên do vợ chồng cụ mua của ông Vị ở cùng thôn giá 85.000 đồng. Khi mua, trên đất có 01 gian nhà cấp 4, hai trái. Đến năm 1973, do nhà đã cũ hỏng nên vợ chồng cụ đã phá bỏ nhà cũ đi và xây nhà mới 05 gian nhà ở và 03 gian nhà ngang đều xây cay, lợp ngói mũi; 04 gian công trình phụ xây gạch, tiền vật liệu và tiền công xây nhà toàn bộ do vợ chồng cụ bỏ ra trả. Thửa đất trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Lê Văn L.

Đối với các con của cụ hiện đã lấy vợ, lấy chồng đều chuyển ra ở riêng, chỉ còn con út là Lê Văn Q sau khi lấy vợ vẫn ở chung với vợ chồng cụ. Còn vợ chồng ông T1, bà B năm 1994 hai cụ đã xây 03 gian nhà ngang ở cùng thửa đất để vợ chồng anh Tĩnh ra ở riêng. Năm 2002 vợ chồng anh Q chuyển ra ở riêng trên thửa đất vợ chồng cụ cho, khi đó anh Q tháo dỡ 05 gian nhà ở do vợ chồng cụ xây do đã cũ hỏng. Đến năm 2006 thì cụ chuyển về ở cùng với vợ chồng anh Q. Từ đó đến nay chỉ còn vợ chồng anh Tĩnh ở trên thửa đất đang có yêu cầu chia thừa kế. Ngày 26/9/1997 cụ L chết, khi chết cụ L không để lại di chúc. Năm 2018 thì anh Tĩnh chết.

Nay cụ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế mà cụ L để lại là một 1/2 diện tích thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300m2, địa chỉ thửa đất tại Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang. Do thửa đất trên là tài sản chung của vợ chồng cụ nên cụ yêu cầu được nhận 1/2 diện tích thửa đất. Còn 1/2 diện tích thửa đất cụ xác định là di sản thừa kế của cụ Liện để lại cụ đền nghị chia đều cho những người có quyền thừa kế tài sản của cụ L gồm cụ và 07 con chung. Do anh Tĩnh đã chết nên vợ và con anh Tĩnh được hưởng phần thừa kế của anh Tĩnh. Ngoài yêu cầu chia thừa kế là thửa đất trên, cụ không yêu cầu chia thừa kế tài sản nào khác.

Đối với yêu cầu phản tố của bà B ý kiến của cụ là không có việc vợ chồng bà B, ông T1 mua đất của vợ chồng cụ, cụ không đổi diện tích đất nào cho vợ chồng bà B và cụ cũng không được nhận số tiền 5.000.000 đồng như bà B yêu cầu nay cụ không nhất trí với yêu cầu phản tố của bà B.

Tại phiên tòa hôm nay cụ S vắng mặt và ủy quyền cho ông Nguyễn Đình H.

Với tư cách là người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Đình H trình bầy: Tại phiên tòa các người con của cụ S là bà N1, bà H1, bà N, ông Q, bà N2 đều có ý kiến phần di sản thừa kế mà ông, bà được hưởng thì để lại cho cụ S được hưởng nên ông đề nghị Hội đồng xét xử giao toàn bộ phần di sản thừa kế của bà N1, bà H1, bà N, ông Q, bà N2 cho cụ S quản lý sử dụng. Phần trích trả tiền công sức tôn tạo, bồi thường tiền cây cối lâm lộc trên đất cho bà B thì cụ S nhất trí có trách nhiệm trả.

Tại đơn yêu cầu phản tố ngày 13/6/2019 và những lời khai tiếp theo bà Hoàng Thị B trình bầy:

Bà kết hôn cùng ông Lê Văn T1 năm 1992, sau khi kết hôn bà về gia đình ông T1 làm dâu luôn, khi đó bố mẹ ông T1 là cụ Lê Văn L, cụ Thân Thị S còn sống và ở cùng vợ chồng bà. Năm 1993, cụ L, cụ S cho vợ chồng bà ra ở riêng và đã tuyên bố cho vợ chồng bà 720m2 đất. Vợ chồng bà đã xây dựng 03 gian nhà cấp 4 cùng các công trình phụ khác trên diện tích đất được cho. Đến năm 2006 vợ chồng bà xây một nhà 02 tầng và vẫn tiếp tục ở trên đất, không có tranh chấp gì. Khoảng tháng 6/1996, vợ chồng bà có mua diện tích đất 360m2 của bà Lê Thị H1 với giá 200.000 đồng. Cùng thời điểm tháng 6/1996 bố mẹ chồng bà là cụ L, cụ S đã bán cho vợ chồng bà 720m2 đất rừng tại thửa đất khác giá 300.000đ, khi mua bán thì chỉ nói miệng, không lập thành văn bản. Sau khi mua 02 diện tích đất trên thì vợ chồng bà đã sử dụng tổng diện tích đất là 1.080m2 để canh tác trồng cây hàng năm, không có tranh chấp gì. Tháng 11/1999, cụ S, ông Q đặt vấn đề về việc đổi đất với vợ chồng bà. Hai bên thỏa thuận như sau: Cụ S, ông Q về ở trên diện tích đất 1.080m2 mà vợ chồng bà đã mua; còn vợ chồng bà sẽ sử sụng diện tích đất 1.580m2 của cụ S, ông Q (liền thửa với diện tích đất mà vợ chồng bà đang ở); vợ chồng bà phải trả tiền chênh lệch cho cụ S, ông Q số tiền 5.000.000 đồng. Sau khi thống nhất thì hai bên giao đất và chuyển về ở trên thửa đất của nhau như đã thỏa thuận, khi sử dụng đất thì có đóng thuế và các loại phí sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định. Ngày 22/12/2010 cụ S cùng gia đình đã lập biên bản tặng cho vợ chồng bà thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21 và các thành viên trong gia đình đều ký tên trong biên bản. Nay cụ S yêu cầu chia di sản thừa kế thì bà không đồng ý vì một phần diện tích đất khi cụ L còn sống cụ L, cụ S đã cho vợ chồng bà để ra ở riêng và vợ chồng bà đã xây dựng các công trình để ở từ năm 1993 đến nay. Còn diện tích đất 1.580m2 trong phần diện tích đất cụ S yêu cầu chia thì cụ S, ông Q đã đổi đất cho bà năm 1999 và bà đã cải tạo và trồng cây, nên bà xác định thuộc quyền sử dụng của bà Nay cụ S yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất trên, bà không đồng ý. Nếu phải chia thừa kế thì bà yêu cầu cụ S, ông Q phải tháo dỡ công trình để trả lại cho bà diện tích đất đã đổi là 1.080 m2 và phải bồi thường tiền công múc ao, giá trị cây cối lâm lộc trên đất, giá trị bờ tường bao và yêu cầu cụ S, ông Q mỗi người phải trả bà số tiền 2.500.000 đồng và lãi suất phát sinh theo quy định của pháp luật từ năm 1999 đến nay.

Đối với yêu cầu trả tiền công san lấp mặt bằng tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải ngày 27/12/2019 và tại phiên tòa hôm nay bà xin rút yêu cầu, bà không đề nghị Tòa án giải quyết.

Tại phiên tòa hôm nay bà Hoàng Thị B có mặt và có ý kiến: Đại diện theo ủy quyền của cụ S trình bầy về việc không có việc vợ chồng bà mua đất của cụ L, cụ S và mua đất của bà H1, không có việc đổi đất giữa bà với cụ S, ông Q là không đúng vì: Mặc dù bà mua đất của bà H1, cụ S, cụ L không lập văn bản gì nhưng trong quá trình giải quyết vụ án cụ S, bà H1 đều thừa nhận có việc mua bán trên, việc đổi đất và trả tiền chênh lệch cũng không lập văn bản gì nhưng trong quá trình giải quyết vụ án cụ S, ông Q cũng đã thừa nhận việc nhận tiền này.

Với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của anh Lê Văn T, bà B có ý kiến: Nếu phải chia thừa kế thì ông D có ý kiến tặng cho toàn bộ phần thừa kế mà ông D được hưởng cho anh T. Nay bà đại diện theo ủy quyền của anh T bà nhất trí nhận phần thừa kế của ông D.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 07/01/2019 và những lời khai tiêp theo bà Lê Thị H1 trình bầy:

Bà là con của cụ S, cụ L, trong thời gian hai cụ chung sống có tạo lập được tài sản là thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300 m2. Năm 1997, cụ L chết, khi chết không để lại di chúc. Nay bà xác định thửa đất trên là tài sản chung của cụ S, cụ L. Cụ S được quyền sử dung 1/2 thửa đất, phần còn lại là di sản của cụ L. Nay bà nhất trí chia di sản thừa kế theo yêu cầu của cụ S, bà xác định được hưởng di sản thừa kế trên, bà đề nghị được nhận di sản thừa kế và bà đề nghị được nhận một phần diện tích đất, nếu diện tích đất bà được nhận mà có cây cối hoặc tài sản do bà B tôn tạo được thì bà nhất trí trả bằng tiền cho bà B. Bà không đề nghị chia thừa kế tài sản gì khác.

Đối với ý kiến của bà B cho rằng năm 1996, bà có chuyển nhượng cho vợ chồng bà B diện tích đất 360 m2 tại khu Thần Đánh với giá 200.000 đồng. Nay bà xác định năm 1996 bà có bán cho vợ chồng bà B một số cây trồng trên diện tích đất rừng do cụ L quản lý, bà bán cây với giá 200.000 đồng, bà xác định không chuyển nhượng cho vợ chồng ba Ban diện tích đất nào, diện tích đất mà bà bán cây thuộc quyền sử dụng của cụ S, cụ Liên, bà không được quyền sử dụng diện tích đất trên, nên bà không có quyền chuyển nhượng cho vợ chồng bà B.

Tại phiên tòa hôm nay bà H1 có mặt và có ý kiến: Phần di sản thừa kế của bà được hưởng bà để lại toàn bộ cho cụ S hưởng, nhưng cụ S phải thanh toán tiền bồi thường tôn tạo, cây cối lâm lộc trên đất cho bà B.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 07/01/2019 và những lời khai tiêp theo ông Lê Văn Q trình bầy:

Ông là con của cụ S, cụ L, bố mẹ ông sinh được 07 người con là Lê Văn D, sinh năm 1956; Lê Thị N, sinh năm 1966; Lê Thị N1, sinh năm 1964; Lê Thị H1, sinh năm 1968; Lê Văn Tình, sinh năm 1971; Lê Thị N2, sinh năm 1976 và ông. Các anh chị em trong gia đình khi trưởng thành đã lấy vợ, lấy chồng và ở riêng còn ông T1 sau khi lấy bà B thì bố me ông đã làm nhà trên một phần thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21 để cho ra ở riêng. Đối với ông sau khi lấy vợ thì ở cùng với bố mẹ trên thửa đất mà cụ S đang yêu cầu chia thừa kế, năm 2001 vợ chồng ông cùng cụ S chuyển ra sinh sống trên thửa đất đấu thầu của xã để ở. Khi chuyển ra thì cụ S có cho vợ chồng ông T1, bà B mượn toàn bộ diện tích đất còn lại để canh tác và thu hoạch hoa lợi trên đất. Cụ S và ông chỉ tuyên bố cho vợ chồng bà B mượn đất chứ không có việc trao đổi mua bán gì. Do đó ông xác định không có việc đổi đất và trả tiền chêch lệch như bà B trình bầy.

Ông xác định tài sản là thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300 m2 là tài sản chung của bố mẹ ông. Năm 1997, cụ L chết, khi chết không để lại di chúc. Cụ S được quyền sử dung 1/2 diện tích thửa đất, phần còn lại là di sản của cụ L.

 Nay ông nhất trí chia di sản thừa kế theo yêu cầu của cụ S, ông xác định được hưởng di sản thừa kế trên, ông đề nghị được nhận di sản thừa kế và ông đề nghị được nhận một phần diện tích đất, nếu diện tích đất ông được nhận mà có cây cối hoặc tài sản do bà B tôn tạo được thì ông nhất trí trả bằng tiền. Ngoài ra ông không đề nghị chia thừa kế tài sản gì khác của cụ L.

Đối với yêu cầu của bà B về việc trả lại diện tích đất 1080 m2 mà ông và cụ S đang sử dụng và trả số tiền 2.500.000 đồng gốc cùng lãi suất theo quy định của pháp luật. Ông không nhất trí với yêu cầu trên vì: Diện tích đất mà ông và cụ S đang sử dụng có nguồn gốc do cụ L, cụ S đấu thầu của UBND xã An Dương, bố mẹ ông cùng bà H1 chưa lần nào chuyển nhượng diện tích đất trên cho vợ chồng bà B, hiện diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận. Đối với yêu cầu trả số tiền 2.500.000 đồng thì ông xác định chưa lần nào ông được nhận số tiền trên nên ông không nhất trí trả.

Tại phiên tòa hôm nay ông Q có mặt và có ý kiến: Phần di sản thừa kế của ông được hưởng ông để lại toàn bộ cho cụ S hưởng, nhưng cụ S phải thanh toán tiền bồi thường tôn tạo, cây cối lâm lộc trên đất cho bà B.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 07/01/2019 và những lời khai tiếp theo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị N1, Lê Thị N, Lê Thị Linh đều trình bầy:

Các bà là con của cụ S, cụ L, trong thời gian hai cụ chung sống có tạo lập được tài sản là thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300 m2. Năm 1997, cụ L chết, khi chết không để lại di chúc. Nay các bà xác định thửa đất trên là tài sản chung của cụ S, cụ L. Cụ S được quyền sử dung 1/2 diện tích thửa đất, phần còn lại là di sản của cụ L. Nay các bà nhất trí chia di sản thừa kế theo yêu cầu của cụ S, các bà xác định được hưởng di sản thừa kế trên, các bà đề nghị được nhận di sản thừa kế và các bà đề nghị được nhận một phần diện tích đất, nếu diện tích đất các bà được nhận mà có cây cối hoặc tài sản do bà B tôn tạo được thì các bà nhất trí trả bằng tiền. Ngoài ra các bà không đề nghia chia di sản thừa kế gì khác.

Tại phiên tòa hôm nay bà N1, bà N, có mặt và có ý kiến: Phần di sản thừa kế của bà được hưởng bà để lại toàn bộ cho cụ S hưởng, nhưng cụ S phải thanh toán tiền bồi thường tôn tạo, cây cối lâm lộc trên đất cho bà B.

Tại đơn xin xét xử vắng mặt bà N2 trình bầy: Phần di sản thừa kế của bà được hưởng bà để lại toàn bộ cho cụ S hưởng, nhưng cụ S phải thanh toán tiền bồi thường tôn tạo, cây cối lâm lộc trên đất cho bà B.

Tại bản tự khai ngày 07/01/2019 và những lời khia tiếp theo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn D trình bầy:

Ông là con của cụ S, cụ L, trong thời gian hai cụ chung sống có tạo lập được tài sản là thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300 m2. Năm 1997, cụ L chết, khi chết không để lại di chúc, sau khi cụ L chết thì cụ S và anh Q có đổi đất cho vợ chồng bà B, ông T1 hay không thì ông không biết. Nay cụ S yêu cầu chia di sản thừa kế đối với thửa đất trên, ông xác định được hưởng thừa kế đối với thửa đất đó.

Nay ông có ý kiến phần tài sản thừa kế ông được hưởng ông để lại cho cháu Lê Văn T được hưởng.

Tại phiên tòa hôm nay ông D có đơn xin vắng mặt.

 bầy:

Đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Tân Yên ông Nguyễn Văn H trình Về nguồn gốc thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300 m2 do vợ chồng cụ L sử dụng trước năm 1990. Năm 1998 hộ cụ L có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, sau đó hộ cụ L được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên không còn lưu trữ nên không xác định được trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận và không xác định được những ai có quyền sử dụng đối với thửa đất trên. Đề nghị Tòa án căn cứ vào các chứng cứ khác để giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa, ông H có đơn xin vắng mặt.

Đại diện theo ủy quyền của UBND xã AD ông Nguyễn Văn C trình bầy: Khoảng năm 1992, 1993 Hợp tác xã YL và DL lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các hộ. Năm 1998 UBND xã cấp đổi giấy chứng nhận cho các hộ, trong đó hộ cụ L được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300 m2. Đến nay diện tích thực tế đo đạc là 2.600,1 m2, diện tích tăng lên là do sai số đo đạc, hộ gia đình cụ L sử dụng ổn định, không có tranh chấp đất với ai, nên diện tích đất tăng lên thuộc quyền sử dụng của hộ cụ L. Đề nghị Tòa án căn cứ quy định của pháp luật để giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện theo ủy quyền của UBND xã AD là ông Nguyễn Văn C có đơn đề nghị vắng mặt.

Kiểm sát viên, đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện TY phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án là chưa đảm bảo, còn vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử:

Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ S:

Xác nhận vợ chồng cụ S, cụ L đã cho vợ chồng ông T1 bà B diện tích đất 618,9 m2, trong thửa đất 29, tờ bản đồ số 21.

Diện tích đất còn lại là 1.981,2 m2 là tài sản chung của cụ L, cụ S, cụ S được quyền sử dụng 1/2 diện tích đất còn 1/2 diện tích đất là di sản thừa kế của cụ L để lại đề nghị chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Bác một phần yêu cầu phản tố của bà Hoàng Thị B về: Yêu cầu cụ Thân Thị S, ông Nguyễn Văn Q phải tháo dỡ công trình và cây cối lâm lộc để trả lại cho bà diện tích đất 1080 m2 địa chỉ thửa đất khu TĐ thuộc Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang; Yêu cầu cụ Thân Thị S, ông Nguyễn Văn Quảng phải trả lại số tiền 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) gốc và lãi suất 17.550.000 đồng (mười bẩy triệu lăm trăm lăm mươi nghìn đồng), tổng số là 22.550.000 đồng (Hai mươi hai triệu lăm trăm lăm mươi nghìn đồng).

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu tiền công san lấp mặt bằng của bà Hoàng Thị B.

Cụ L được miễn án phí, bà Sen phải chịu án phí theo quy định, các đương sự được quyền kháng cáo, quyền đề nghị Thi hành án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà và kết quả tranh tụng tại phiên toà, căn cứ vào kết quả thảo luận, nghị án.

Hội đồng xét xử thấy:

 Về tố tụng: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông D, bà N2, UBND huyện Tân Yên do ông H đại diện theo ủy quyền, đại diện UBND xã An Dương do ông Cù đại diện theo ủy quyền đều có đơn xin vắng mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

Về thời hiệu khởi kiện: Ngày 26/9/1997 cụ Lê Văn L chết, đến ngày 03/12/2018 cụ S làm đơn khởi kiện gửi Tòa án để yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L. Theo Điều 623 Bộ luật dân sự thì thời hiệu khởi kiện là ba mươi năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, cụ S làm đơn khởi kiện trong thời hạn.

Về yêu cầu chia thừa kế: theo yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn cho rằng thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, diện tích 2.300 m2 có nguồn gốc do cụ L, cụ S tạo lập được và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đứng tên cụ L, hiện thửa đất trên không có tranh chấp và chưa chuyển nhượng, tặng cho ai, nay cụ L đã chết nên 1/2 diện tích đất trên là di sản thừa kế, cụ S đề nghị chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Bị đơn là bà B nhất trí với ý kiến của nguyên đơn về nguồn gốc thửa đất, nhưng bà B cho rằng thửa đất trên năm 1993, cụ L và cụ S đã cho vợ chồng bà diện tích 720 m2, vợ chồng bà đã xây dựng công trình trên diện tích đất đã cho thành một khuôn viên riêng, diện tích đất còn lại là 1.580 m2 thì năm 1999 cụ S, ông Q đã đổi diện tích đất trên cho vợ chồng bà để cụ S ông Q lấy diện tích đất 1080 m2 mà trước đó vợ chồng bà đã nhận chuyển nhượng của cụ L, cụ S, bà H1, khi đổi đất trên vợ chồng bà phải trả tiền chênh lệch là 5.000.000 đồng, do là người trong gia đình nên khi đổi đất và trả tiên chỉ thỏa thuận bằng lời nói, không lập văn bản gì. Nhưng ngày 22/12/2010 toàn bộ các thành viên trong gia đình cụ S đã họp và thống nhất tặng cho thửa đất trên cho ông Lê Văn T1 (chồng bà) được toàn quyền sử dụng, thỏa thuận trên đã được lập thành văn bản và các thành viên trong gia đình gồm cụ S, ông D, bà N, bà H1, ông T1, ông Q, bà N2 đều ký vào văn bản trước sự chứng kiến của ông Trần Quang Hiển Trưởng thôn Đèo. Do đó, bà B xác định thửa đất trên đã được tặng cho, nay thuộc quyền sử dụng của bà, nên không phải là di sản thừa kế.

Hội đồng xét xử nhận thấy về nguồn gốc thửa đất các đương sự trong vụ án đều thống nhất thửa đất trên được cụ S, cụ L tạo lập được. Đối với trình bầy của bà B về việc năm 1993 cụ S, cụ L đã cho vợ chồng bà diện tích đất 720 m2 để vợ chồng bà ở riêng, cụ S cũng thừa nhận có cho vợ chồng bà B một phần diện tích đất để ở riêng nhưng chỉ cho diện tích 360 m2, qua xem xét thẩm định tại chỗ ngày 15/11/2019 thì thấy hiện bà B đã xây dựng nhà ở và công trinh trên diện tích đất 618,9 m2 thành một khuôn viên riêng độc lập với diện tích đất còn lại. Như vậy, có thể khẳng định việc cụ L, cụ S đã cho vợ chồng bà B diện tích đất để ra ở riêng, việc tặng cho không được lập thành văn bản nhưng khi vợ chồng bà B xây dựng công trình trên diện tích đất đã cho thì cụ L, cụ S và những thành viên khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì, vợ chồng bà B đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai. ổn định. Khi cho đất thì các bên không xác định ranh giới, diện tích đất cụ thể, đến nay các bên không thống nhất được với nhau về diện tích đất đã cho nên cần lấy kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 15/11/2019 làm căn cứ giải quyết. Từ những phân tích ở trên cần xác định diện tích đất 618,9 m2 đã được tặng cho nên không còn là di sản thừa kế nữa. Đối với diện tích đất còn lại bà B cho rằng diện tích đất đó cụ S, ông Q đã đổi cho bà để lấy diện tích đất mà bà đã nhận chuyển nhượng của cụ L, cụ S, bà H1 trước đó, nhưng bà B không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho ý kiến của mình mà bà B chỉ căn cứ vào lời khai có trong hờ sơ vụ án của bà H1 tại biên bản đối chất ngày 15/10/2019 (bút lục 107, 108, 109,110) và lời khai của cụ S ngày 07/10/2019 (Bút lục 93). Nhưng trong hồ sơ vụ án thể hiện ngay sau khi có lời khai trên thì cụ S đã có ý kiến thay đổi với lý do: “Sau khi được Tòa án đọc lại biên bản do cao tuổi nên cụ không nghe rõ nên đã ký tên, nay cụ khẳng định cụ không được nhận số tiền 5.000.000 đồng...” và bà H1 cũng có thay đổi lời khai, bà H1 xác định chỉ chuyển nhượng cây trên đất chứ bà không chuyển nhượng đất, diện tích đất trên là của cụ L, bà không có quyền chuyển nhượng. Như vậy có thể thấy các đương sự trong vụ án có quyền đưa ra lời khai, ý kiến của mình trong quá trình giải quyết vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và có quyền thay đổi lời khai. Lời khai của các đương sự chỉ được chấp nhận khi phù hợp với các chứng cứ khác và các tình tiết khách quan. Do đó ý kiến của bà B không được chấp nhận.

Đối với trình bầy của bà B cho rằng ngày 22/12/2010 gia đình đã họp và lập văn bản tặng cho ông T1 chồng bà toàn bộ diện tích đất trên, nhưng tại biên bản đối chất ngày 15/10/2019 ông Q, bà N1, bà H1, bà N, bà N2 đều cho rằng không có việc họp gia đình việc lập văn bản chỉ để ông T1 làm thủ tục tách đất và văn bản trên bà H1, bà N2 không ký. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã giải thích và yêu cầu giám định chữ ký nhưng các đương sự trong vụ án đều không đề nghị giám định. Mặt khác, văn bản họp gia đình trên không được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của Luật đất đai và bà B cũng không giao nộp được bản gốc biên bản trên. Như vậy văn bản này không thể hiện ý chí tự nguyện của các bên tham gia, nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Từ các phân tích ở trên, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu đòi lại diện tích đất 1080 m2 của bà bà B. Có cơ sở xác định diện tích đất còn lại tại thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21 là tài sản chung của cụ S, cụ Liên và di sản thừa kế của cụ L để lại là 1/2 diện tích đất trên, khi cụ L chết không để lại di chúc nên cụ S yêu cầu chia thừa kế tài sản trên theo quy định của pháp luật là có căn cứ chấp nhận.

Đối với yêu cầu của bà B về việc buộc cụ S, ông Q phải trả lại diện tích đất 1080 m2 mà cụ S, ông Q đang sử dụng đồng thời cụ S, ông Q phải trả lại số tiền 5.000.000 đồng gốc và lãi suất phát sinh theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử thấy diện tích đất trên có nguồn gốc do cụ L, cụ S khai hoang và nhận thầu của UBND xã An Dương. Qua ý kến của địa phương thì diện tích đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc bà B cho rằng diện tích đất trên cụ L, cụ S, bà H1 đã chuyển nhượng cho bà, tại phiên tòa bà B cho rằng bà nhận chuyển nhượng diện tích đất trên của bà H1, cụ L, cụ S không lập văn bản gì nhưng trong quá trình giải quyết vụ án cụ S và bà H1 đã thừa nhận đã chuyển nhượng diện tích đất trên cho bà. Hôi đồng xét xử thấy tại biên bản lấy lời khai ngày 07/10/20199 (bút lục 93) cụ S có trình bầy: “tôi xác nhận có việc chuyển nhượng đất giữa bà H1 với vợ chồng bà B, còn tôi không chuyển nhượng đất với vợ chồng bà B, vợ chồng bà B có đổi đất cho tôi nhưng chỉ đổi diện tích đất 360 m2 đất ở cửa miếu để vợ chồng bà B lấy diện tích đất 360 m2 phía sau liền kề với diện tích đất mà vợ chồng bà B đang sử dụng thành diện tích đất như hiện nay”. Tại biên bản đối chất ngày 15/10/20199 (bút lục 107,108,109,110) bà H1 trình bầy: “ Năm 1999 bà có bán cho vợ chồng bà B diện tích đất 360 m2, diện tích đất chuyển nhượng là đất 02 do cụ L để lại cho bà”, nhưng trong biên bản bổ sung đối chất ngày 12/10/2019 (Bút lục 111) và tại phiên tòa bà H1 trình bầy: “diện tích đất trên là bà mượn của cụ L để trồng cây, nên bà chỉ bán cây trên đất, bà không có quyền bán đất”. Từ các trình bầy trên thì thấy những lời khai đều không thống nhất và không có căn cứ để chấp nhận lời khai nào là đúng. Mặt khác, bà B không đưa ra được chứng cứ cho việc chuyển nhượng trên và các đương sự khác trong vụ án đều không thừa nhận có việc chuyển nhượng đó. Do đó, việc đòi lại diện tích đất 1080 m2 của bà B không được chấp nhận.

Đối với số tiền 5.000.000 đồng và lãi suất phát sinh theo yêu cầu của bà B thì thấy tại biên bản lấy lời khai ngày 07/10/2019 (Bút lục 93) cụ S có thừa nhận có nhận 5.000.000 đồng của vợ chồng bà B nhưng số tiền đó là tiền vợ chồng bà B trả tiền tài sản trên đất, ngay sau đó ngày 10/10/2019 cụ S đã có bản tự khai và có ý kiến việc khai ngày 07/10/2019 là do nhần lẫn, cụ xác định không được nhận số tiền trên của vợ chồng bà B và ông Q không thừa nhận đã được nhận số tiền trên. Mặt khác, Tại các lời khai của bà B cũng có mâu thuẫn với nhau, tại biên bản đối chất ngày 15/10/2019 thì bà B có trình bầy ông T1 đưa trực tiếp số tiền 5.000.000 đồng cho ông Q, khi đưa tiền bà có được chứng kiến, còn tại đơn yêu cầu phản tố và các lời khai khác thì bà B trình bầy cụ S, ông Q đã nhận số tiền 5.000.000 đồng trên. Như vậy, các lời khai của các đương sự đều không thống nhất và có mâu thuẫn. Mặt khác, bà B không đưa ra được chứng cứ về việc giao số tiền trên. Do đó yêu cầu đòi lại số tiền 5.000.000 đồng và lãi suất phát sinh của bà B cũng không được chấp nhận.

Về diện tích đất thừa kế và công sức tôn tạo trên đất: Tại sổ địa chính thề hiện thửa đất trên có diện tích 2.300 m2, trong đó có 300 m2 đất ở và 2.000 m2 đất vườn. Nhưng tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 15/11/2019 và đo vẽ bằng máy chuyên dụng thì diện tích đất thực tế là 2.600,1 m2, khi đo vẽ thì các đương sự trong vụ án có mặt và chỉ đúng mốc giới, ranh giới của thửa đất với các hộ liền kề đã được phân đinh rõ, sau khi thông báo kết quả đo vẽ thì các đương sự không ai có ý kiến phản đối gì. Qua ý kiến của địa phương thì diện tích đất trên hiên không có tranh chấp về ranh giới với ai, việc dôi dư diện tích đất là do sai số về đo đạc. Do đó cần lấy kết quả đo vẽ để làm căn cứ giải quyết vụ án. Như vây, xác định diện tịch đất 618,9 m2 đã được tặng cho vợ chồng bà B, diện tích đất còn lại là 1.981,2 m2 trong đó có 1/2 diện tích đất là quyền sử dụng của cụ S, diện tích đất còn lại là 990,6 m2 là di sản thừa kế của cụ L để lại, trong đó có 100 m2 là đất ở trị gia 24.000.000 đồng và 890,6 m2 là đất vườn trị giá 37.405.000 đồng, tổng trị giá là 61.405.000 đồng. Đối với các tài sản của bà B gồm nhà ở, nhà ngang, công trình chăn nuôi, nhà vê sinh, sân gach, trụ cổng, cánh cổng, ao cá diện tích 128,9 m2 và cây cối cùng tường bao trên diện tích đất 618,9 m2, đã xác định thuộc quyền sử dụng của bà B nên Hội đồng xét xử không xem xét đến công sức tôn tạo đối với tài sản trên. Đối với tài sản là ao giáp nhà ông D diện tích 318,9 m2, 21 cây bưởi, 02 cây mít, 03 cây sấu, 03 cây soan, 03 cây ổi, 01 cây na, 04 cây đu đủ, 08 khóm chuối, 03 cây bạch đàn, 03 cây keo, 15 cây bạch đàn loại nhỏ, 02 cây sung, 01 cây lộc vừng và bờ tường bao trên diện tích đất 1.981,2 m2 là do bà B tạo lập được, việc tạo lập tài sản trên của bà B là ngay tình. Do đó nếu ai được nhận phần đất có tài sản mà bà B tạo lập được thì phải trả bà B giá trị bằng tiền đối với tài sản đó

Về quyền được hưởng thừa kế: Do cụ L chết không để lại di chúc nên di sản thừa kế của cụ L được phân chia theo pháp luật. Tại thời điểm cụ L chết thì bố mẹ của cụ L đã chết trước và cụ L, cụ S sinh được 07 người con là ông D, bà N1, bà H1, bà N, ông Q, bà N2 và ông T1. Ông T1 có vợ là bà B và con là anh T ông T1 chết sau cụ L nên bà B và anh T được hưởng thừa kế của ông T1. Do vậy, những người được hưởng di sản thừa kế của cụ L gồm: cụ S, ông D, bà N1, bà H1, bà N, ông Q, bà N2 và ông T1 (do bà B, anh T hưởng) và giá trị di sản thừa kế của mỗi người được hưởng là 61.405.000 đồng/8 = 7.675.000 đồng.

Về phân chia tài sản thừa kế: Qua xem xét thẩm định tại chỗ thì thửa đất trên đã được tách một phần cho bà B ông T1 sử dụng diện tích là 618,9 m2. Khi tách đất thì không nêu cụ thể bao nhiêu đất ở và bao nhiêu đất vườn nên cần xác định diện tích đất đã tách có 100 m2 đất ở, 518,9 m2 đất vườn, phần đất còn lại ở phía sau đất đã tách cho bà B ông T1 và phía tây nam có diện tích là 1981,2 m2 (có 200 m2 đất ở, 1781,2 m2 đất vườn). Trong đó có 990,6 m2 (có 100 m2 đất ở, 890,6 m2 đất vườn) thuộc quyền sử dụng của cụ S, diện tích đất còn lại để chia thừa kế là 990,6 m2 (có 100 m2 đất ở, 890,6 m2 đất vườn). Tại phiên tòa bà N, bà N1, bà H1, ông Q, bà N2 đều có ý kiến phần thừa kế mà ông bà được hưởng thì ông bà để lại toàn bộ cho cụ S quản lý, sử dụng và trong quá trình giải quyết vụ án ông D có ý kiến phần tài sản thừa kế ông được hưởng ông tặng cho anh T. Như vậy, cụ S được hưởng thừa kế 06 phần bằng diện tích là 742,95 m2 (trong đó có 75 m2 đất ở và 667,95 m2 đất vườn), bà B, anh T được hưởng thừa kế 02 phần bằng 247,65 m2 (trong đó có 25 m2 đất ở và 222,65 m2 đất vườn). Để đảm bảo cho việc sử dụng sau này cần chia thửa đất thành hai phần, phần phía tây nam của thửa đất có ranh giới được cắt bởi đường thẳng có điểm đầu là phía ngoài trụ cống do bà B xây dựng (Có ký hiệu A14 trong sơ đồ kèm theo), điểm sau là phần cuối đất (Có ký hiệu A26 trong sơ đồ kèm theo) có diện tích là 1.246,9 m2 phần đất này cần giao cho cụ S sử dụng. Phần đất còn lại có 618,9 m2 đã được tặng cho vợ chồng bà B nên cần giao cho bà B, anh T sử dụng, phần đất phía sau có diện tích 734,3 m2 (trong đó có 25 m2 đất ở và 709,3 m2 đất vườn), xác định là tài sản thừa kế cần giao cho bà B, anh T sử dụng nhưng bà B, anh T phải trích trả tiền chênh lệch do được hưởng phần diện tích thừa kế nhiều hơn là 486,65 m2 đất vườn, giá trị thành tiền là 20.439.000 đồng cho cụ S nhưng được đối trừ vào tiền cụ S phải trả giá trị tài sản tôn tạo trên đất gồm: 01 cây lộc vừng trị giá 200.000 đồng; 02 cây xoan to, 01 cây xoan nhỏ trị giá 426.000 đồng; 08 khóm chuối trị giá 688.000 đồng; 21 cây bưởi trị giá 11.949.000 đồng; 02 cây sấu trị giá 1.420.000 đồng; 02 cây mít 1.012.000 đồng; 01 cây sung to, 01 cây sung nhỏ trị giá 770.000 đồng; 01 cây na trị giá 49.000 đồng; 03 cây ổi trị giá 147.000 đồng:

04 cây đu đủ trị giá 332.000 đồng; 01 ao thả cá trị giá 5.880.000 đồng, 01 bờ tường cay giáp đất ông D 5.814.000 đồng, 01 bờ tường gạch giáp đường thôn trị giá 11.628.000 đồng. Tổng số là 40.315.000 đồng. Đối trừ 02 khoản trên thì cụ S còn phải trả cho bà B số tiền là 19.876.000 đồng.

Đối với yêu cầu san lấp mặt bằng: Tại đơn yêu cầu phản tố bà B yêu cầu cụ S, ông Q phải trả tiền công san lấp mặt bằng, nhưng tại phiên hòa giải ngày 27/12/2019 và tại phiên tòa bà B xin rút yêu cầu trên. Việc rút yêu cầu là hoàn toàn tự nguyện Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tung dân sự đình chỉ xét xử đối với yêu cầu trên, bà B không phải chịu án phí đối với yêu cầu đã đình chỉ.

Về chi phí định giá tài sản, chi phí đo vẽ sơ đồ hiện trạng thửa đất: Do yêu cầu của bà B không được chấp nhận nên bà B phải chịu toàn bộ số tiền chi phí đo vẽ, thẩm định và định giá tài sản là 4.550.000 đồng (xác nhận bà B đã nộp đủ số tiền trên); Do yêu cầu của cụ S được chấp nhận một phần nên các đương sự cùng phải chịu tiền đo vẽ, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản cụ thể: Cụ S phải chịu 3.250.000 xác nhận cụ S đã nộp đủ số tiền trên. Bà B, anh T phải hoàn trả cho cụ S 1.300.000 đồng tiền chi phí đo vẽ và xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản.

Về án phí: Cụ S được miễn án phí dân sự sơ thẩm, bà B, anh T phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm đối với tài sản được giao và bà B phải chịu án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận.

Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 271, 273 Bộ Luật tố tụng dân sự

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào khoản 5 Điều 26; khoản 1 Điều 147; Điều 227; Điều 228:

khoản 1, khoản 2 Điều 157; khoản 1, khoản 2 Điều 165; khoản 2 Điều 244; Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; điều 613; Điều 623; Điều 649; Điều 650; Điều 651; Điều 660; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự. Điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 26; khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử:

- Xác nhận diện tích đất 618,9 m2 (trong đó có 100 m2 đất ở, 518,9 m2 đất vườn) tại thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, địa chỉ thửa đất Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Hoàng Thị B:

- Xác nhận diện tích đất 990,6 m2 (trong đó có 100 m2 đất ở, 890,6 m2 đất vườn) tại thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, địa chỉ thửa đất Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang thuộc quyền sử dụng của cụ Thân Thị S:

- Xác nhận diện tích đất 990,6 m2 (trong đó có 100 m2 đất ở, 890,6 m2 đất vườn) tại thửa đất số 29, tờ bản đồ số 21, địa chỉ thửa đất Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang là di sản thừa kế.

2. Bác một phần yêu cầu của bà Hoàng Thị B về việc:

Yêu cầu cụ Thân Thị S, ông Nguyễn Văn Quảng phải tháo dỡ công trình và cây cối lâm lộc để trả lại cho bà diện tích đất 1080 m2 địa chỉ thửa đất khu Thần Đánh thuộc Thôn Đ, xã AD, huyện TY, tỉnh Bắc Giang (trị giá thành tiền theo định giá là 7.560.000 đồng):

Yêu cầu cụ Thân Thị S, ông Nguyễn Văn Quảng phải trả lại số tiền 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) gốc và lãi suất 17.550.000 đồng (mười bẩy triệu lăm trăm lăm mươi nghìn đồng), tổng số là 22.550.000 đồng (Hai mươi hai triệu lăm trăm lăm mươi nghìn đồng).

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu buộc cụ S, ông Q phải trả tiền công san lấp mặt bằng của bà Hoàng Thị B.

 3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Thân Thị S:

- Giao cho bà Hoàng Thị B, anh Lê Văn T sử dụng, sở hữu phần đất phía Tây diện tích 1.353,2 m2 (trong đó có 125 m2 đất ở và 1.228,2 m2 đất vườn) trị giá 81.584.000 đồng (Tám mươi mốt triệu lăm trăm tám mươi tư nghìn đồng), trên đất có nhà ở hai tầng, công trình và cây cối lâm lộc trên đất, diện tích đất có các cạnh cụ thể:

Cạnh thứ nhất: từ điểm A1 đến điểm A2 dài 18,01 m Cạnh thứ hai: từ điểm A2 đến điểm A3 dài 6,78 m Cạnh thứ ba: từ điểm A3 đến điểm A4 dài 5,31 m Cạnh thứ tư: từ điểm A4 đến điểm A5 dài 3,83 m Cạnh thứ năm: từ điểm A5 đến điểm A6 dài 2,39 m Cạnh thứ sáu: từ điểm A6 đến điểm A7 dài 3,76 m Cạnh thứ bẩy: từ điểm A7 đến điểm A8 dài 5,16 m Cạnh thứ tám: từ điểm A8 đến điểm A9 dài 4,03 m Cạnh thứ chín: từ điểm A9 đến điểm A10 dài 2,84 m Cạnh thứ mười: từ điểm A10 đến điểm A11 dài 25,00 m Cạnh thứ mười một: từ điểm A11 đến điểm A12 dài 8,22 m Cạnh thứ mười hai: từ điểm A12 đến điểm A13 dài 19,28 m Cạnh thứ mười ba: từ điểm A13 đến điểm A14 dài 3,41 m Cạnh thứ mười bốn: từ điểm A14 đến điểm A26 dài 48,69 m Cạnh thứ mười năm: từ điểm A26 đến điểm A27 dài 2,45 m Cạnh thứ mười sáu: từ điểm A27 đến điểm A31 dài 12,09 m Cạnh thứ mười bẩy: từ điểm A31 đến điểm A32 dài 9,77 m Cạnh thứ mười tám: từ điểm A32 đến điểm A33 dài 8,95 m Cạnh thứ mười chín: từ điểm A33 đến điểm A34 dài 7,51 m Cạnh thứ hai mươi: từ điểm A34 đến điểm A35 dài 4,74 m Cạnh thứ hai mươi mốt: từ điểm A35 đến điểm A1 dài 3,72 m (có sơ đồ kèm theo).

- Giao cho cụ Thân Thị S sử dụng, sở hữu phần đất phía Nam diện tích 1.246,98 m2 (trong đó có 175 m2 đất ở và 1.071,98 m2 đất vườn) trị giá 87.023.000 đồng (Tám mươi bẩy triệu không trăm hai mươi ba nghìn đồng), diện tích đất có các cạnh cụ thể:

Cạnh thứ nhất: từ điểm A14 đến điểm A15 dài 14,61 m Cạnh thứ hai: từ điểm A15 đến điểm A16 dài 3,00 m Cạnh thứ ba: từ điểm A16 đến điểm A17 dài 12,43m Cạnh thứ tư: từ điểm A17 đến điểm A18 dài 3,71 m Cạnh thứ năm: từ điểm A18 đến điểm A19 dài 21,12 m Cạnh thứ sáu: từ điểm A19 đến điểm A20 dài 11,11 m Cạnh thứ bẩy: từ điểm A20 đến điểm A21 dài 5,63 m Cạnh thứ tám: từ điểm A21 đến điểm A22 dài 10,67 m Cạnh thứ chín: từ điểm A22 đến điểm A23 dài 3,36 m Cạnh thứ mười: từ điểm A23 đến điểm A24 dài 6,95 m Cạnh thứ mười một: từ điểm A24 đến điểm A25 dài 8,08 m Cạnh thứ mười hai: từ điểm A25 đến điểm A26 dài 5,83 m (có sơ đồ kèm theo).

 Trên đất có 01 cây lộc vừng, 02 cây xoan to, 01 cây xoan nhỏ, 08 khóm chuối, 21 cây bưởi, 02 cây sấu, 02 cây mít, 01 cây sung to, 01 cây sung nhỏ, 01 cây na, 03 cây ổi, 04 cây đu đủ, 01 ao thả cá, 01 bờ tường cay giáp đất ông D, 01 bờ tường gạch giáp đường thôn. Nhưng cụ Thân Thị S phải trả tiên công tôn tạo và trồng cây cối lâm lộc trên đất cho bà Hoàng Thị B số tiền là 19.876.000 đồng (Mười chín triệu tám trăm bẩy mươi sáu nghìn đồng). Sau khi án có hiệu lực pháp luật, bà Hoàng Thị B phải có nghĩa vụ thu hoạch cá trong ao để trả lại diện tích ao cho cụ S sử dụng.

Đường danh giới giữa diện tích đất giao cho cụ S với diện tích giao đất giao bà B, anh T được quyền sử dụng là đường thẳng từ có điểm đầu là điểm A14 kép thắng đến điểm A26 (có sơ đồ kèm theo ).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không trả được hoặc trả không đầy đủ số tiền trên thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự cho đến khi trả xong.

4. Về chi phí định giá tài sản, chi phí đo vẽ và án phí:

Bà Hoàng Thị B phải chịu 4.550.000 đồng chi phí định giá tài sản và chi phí đo vẽ đối với yêu cầu không được chấp nhận, xác nhận bà B đã nộp đủ số tiền trên.

Cụ Thân Thị S phải chịu 3.250.000 đồng chi phí định giá tài sản và chi phí đo vẽ đối với yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận cụ S đã nộp đủ số tiền trên (Do Ông Q nộp thay). Bà Hoàng Thị B, anh Lên Văn Tuyên phải liên đới hoàn trả cho cụ Thân Thị S tiền chi phí định giá tài sản và chi phí đo vẽ là 1.300.000 đồng (Một triệu ba trăm nghìn đồng).

Miễn án phí chi thừa kế chô cụ Thân Thị S.

Bà Hoàng Thị B phải chịu 1.505.000 đồng án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận; Bà Hoàng Thị B, anh Lê Văn T phải liên đới chịu 5.073.000 đồng án phí chi thừa kế. Nhưng bà B được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.064.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/005799, ngày 13/6/2019 tại Chi cuc Thi hành án dân sự huyện Tân Yên.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

697
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2020/DS-ST ngày 13/07/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế

Số hiệu:21/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Yên - Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:13/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về