Bản án 21/2020/DS-PT ngày 14/05/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 21/2020/DS-PT NGÀY 14/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM XÂY DỰNG

Ngày 14 tháng 5 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 13/2020/TLPT-DS ngày 13 tháng 2 năm 2020 về việc "Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng ".

Do bản án dân sự sơ thẩm số 123/2019/DS-ST, ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 13/2020/QĐ-PT, ngày 09 tháng 3 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ban quản lý dự án A.

Địa chỉ: Số 150, đường X, phường M, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Viết C - Chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Lê Duy O - Chức vụ: Phụ trách phòng Kỹ thuật - Thẩm định. (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Đàm Quốc K - Luật sư thuộc Công ty luật TNHH MTV K - Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang. (Có mặt).

2. Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ (PTI)

Địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà số 4A LH, quận B, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Xuân H - Chức vụ: Tổng giám đốc.

* Người đại diện theo uỷ quyền: - Bà Nguyễn Thị E – Chức vụ: Chuyên viên Ban pháp chế Kiểm soát nội bộ.

- Ông Trần Việt R – Chức vụ: Chuyên viên Ban bảo hiểm tài sản kỹ thuật.

- Ông Phùng Việt Y– Chức vụ: Giám đốc công ty bảo hiểm ĐN

3. Người kháng cáo: Bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ban quản lý dự án A trình bày:

Ban quản lý dự án A được thành lập theo Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Trên cơ sở sát nhập các ban: Ban quản lý nâng cấp tỉnh lộ ADB; Ban quản lý dự án giao thông nông thôn 3; Ban quản lý dự án giao thông; Ban quản lý dự án vốn sự nghiệp kinh tế thuộc sở giao thông vận tải; Là đơn vị kế thừa quyền và nghĩa vụ của 04 ban nêu trên, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh được giao quyền tự chủ, không phải là đơn vị kinh doanh, không có mục đích lợi nhuận, với chức năng là chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông được giao. Năm 2016 Ban quản lý tỉnh lộ ADB được giao nhiệm vụ chủ đầu tư Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đã thực hiện việc lựa chọn nhà thầu gói thầu bảo hiểm xây dựng công trình nêu trên.

Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ là nhà thầu trúng thầu gói thầu số 06: Bảo hiểm xây dựng công trình Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km124+500QL2) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh theo Quyết định số 638/QĐ-SGTVT ngày 15/9/2016 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang. Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ ủy quyền cho Công ty bảo hiểm Đkhu vực phía Bắc ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB - Sở Giao thông vận tải A (nay là Ban quản lý dự án A) theo giấy ủy quyền số 151B/GUQ-PTI ngày 04/8/2016 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ. Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB và Công ty Bảo hiểm Đ phía Bắc ký hợp đồng số 06/2016/HĐ-BHXD ngày 06/11/2016 về bảo hiểm xây dựng công trình Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km124+500QL2) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh với các điều khoản chính như sau:

- Bên được bảo hiểm Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB - Sở Giao thông vận tải A (nay là Ban quản lý dự án A); các nhà thầu và các đơn vị khác có liên quan trực tiếp đến công trình.

- Bên bảo hiểm: Công ty Bảo hiểm Đ khu vực phía Bắc;

- Loại hình bảo hiểm: Bảo hiểm mọi rủi ro về xây dựng và lắp đặt;

- Đối tượng bảo hiểm: Theo quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 242/QĐ-PTI ngày 17/9/2012 của Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ và các điều khoản bổ sung trong hợp đồng; - Quyền lợi được bảo hiểm: Bên bảo hiểm sẽ bồi thường cho Bên được bảo hiểm những tổn thất, thiệt hại vật chất trực tiếp, bất ngờ và không lường trước được xảy ra trong quá trình thi công và thời gian bảo hành công trình, trong đó có cả bảo hiểm liên quan đến kiến trúc, nhà dân bị ảnh hưởng rạn, nứt theo điều khoản MR120 do thi công dự án gây nên đối với Công trình Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km124+500QL2) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh do bất kỳ nguyên nhân gì không bị loại trừ trong Quy tắc bảo hiểm xây dựng gây nên.

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm liên quan đến kiến trúc nhà dân bị ảnh hưởng rạn, nứt do thi công dự án gây nên.

Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của Chủ đầu tư/Chủ thầu phát sinh đối với tính mạng, thương tật thân thể hay/và thiệt hại tài sản của Bên thứ 3 trong quá trình thực hiện công trình.

- Trách nhiệm của Bên bảo hiểm: Bên bảo hiểm cam kết cung cấp cho bên được bảo hiểm đầy đủ các loại hàng hóa như quy định tại Điều 1 của Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm được nêu trong điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng; hướng dẫn bên được bảo hiểm trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm và các thủ tục cần thiết khi có tổn thất xảy ra; sau khi nhận được thông báo có tổn thất của bên được bảo hiểm, sau 48 giờ bên bảo hiểm (hoặc đại diện bên bảo hiểm) phải có mặt tại hiện trường để cùng bên được bảo hiểm và các đơn vị liên quan khác tiến hành giám định và lập biên bản giám định hiện trường. Nếu quá thời hạn mà bên bảo hiểm không có mặt thì bên bảo hiểm phải chấp nhận hiện trường và biên bản giám định mà bên được bảo hiểm cùng đơn vị liên quan lập; sau khi nhận hồ sơ khiếu nại đủ và hợp lệ của bên được bảo hiểm, bên bảo hiểm phải giải quyết bồi thường và gửi thông báo kết quả (báo cáo cuối cùng) cho bên được bảo hiểm trong vòng 30 ngày. Giá trị bồi thường là giá trị đã bao gồm 10% thuế GTGT. Nếu vụ tổn thất phức tạp mà thuộc trách nhiệm bảo hiểm thì bên bảo hiểm tạm ứng trước tối đa 50% số tiền bồi thường tạm tính trước khi hoàn tất thủ tục khiếu nại cho bên được bảo hiểm để nhanh chóng khắc phục tổn thất, đảm bảo tiến độ thi công công trình; trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận giá trị bồi thường của bên được bảo hiểm, bên bảo hiểm thực hiện thanh toán 100% giá trị bồi thường cho bên được bảo hiểm; bên bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên được bảo hiểm và các bên liên quan thu thập hồ sơ bồi thường sau khi tổn thất xảy ra; bên bảo hiểm phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở bên được bảo hiểm về hiệu lực của thời hạn bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm liên quan đến kiến trúc, nhà dân bị ảnh hưởng rạn, nứt do thi công dự án gây nên.

- Trách nhiệm của Bên được bảo hiểm: Bên được bảo hiểm cam kết thanh toán cho bên bảo hiểm theo giá hợp đồng quy định tại Điều 5 của hợp đồng đã được ký kết; bên được bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ cho bên bảo hiểm theo thỏa thuận và tiến độ cấp vốn của dự án; trong thời hạn bảo hiểm, trường hợp phát sinh bất cứ tổn thất, thiệt hại nào được xác định thuộc phạm vi bảo hiểm thì bên được bảo hiểm phải thông báo bằng điện thoại, Fax hoặc bằng văn bản cho bên bảo hiểm trong vòng 72 giờ. Bên bảo hiểm sẽ mời chuyên gia hoặc cùng bên được bảo hiểm giám định thiệt hại và cùng nhau phối hợp thu thập hồ sơ yêu cầu bồi thường; khi nhận được yêu cầu của bên bảo hiểm, bên được bảo hiểm sẽ có trách nhiệm cung cấp cho bên bảo hiểm toàn bộ hồ sơ, chứng từ, tài liệu, lịch thi công, hồ sơ dự toán... có liên quan đến đối tượng tổn thất.

Ngoài ra các bên còn ký kết các điều khoản về: Số tiền bảo hiểm tổn thất vật chất; Thời hạn bảo hiểm; Phí bảo hiểm:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nêu trên, Bên được bảo hiểm đã tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng cụ thể: Thanh toán phí và cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu liên quan đến tổn thất cho Bên bảo hiểm; liên tục có các văn bản, giấy mời làm việc và yêu cầu bên bảo hiểm tính toán bồi thường tổn thất do ảnh hưởng của quá trình thi công Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km124+500QL2) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh làm rạn, nứt nhà ở, bếp, công trình phụ trợ của 15 hộ gia đình và 01 tổ chức. Tuy nhiên, bên bảo hiểm chưa thống nhất ý kiến giải quyết và bồi thường, mặc dù Bên được bảo hiểm liên tục có văn bản yêu cầu giải quyết, cụ thể:

Văn bản số 270/BQLDA ngày 07/6/2018 về việc đề nghị bên bảo hiểm triển khai ngay các thủ tục, giám định tổn thất và hoàn thiện hồ sơ, kinh phí bồi thường đối với hộ gia đình ông Trịnh Duy U xong trước ngày 15/6/2018. Ngày 25/6/2018 (sau 18 ngày) bên bảo hiểm mới có văn bản số 2642/PTI-TSKT về việc đề xuất đơn vị giám định độc lập là Công ty cổ phần Giám định HDC để thực hiện công tác giám định tổn thất.

Văn bản số 335/BQLDA-DA1 ngày 27/6/2018 về việc chấp thuận Công ty cổ phần Giám định HDC là đơn vị giám định độc lập thực hiện công tác giám định tổn thất, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bồi thường tổn thất riêng đối với hộ ông Trịnh Duy U có hộ khẩu tại xóm 6, xã I, huyện F, tỉnh Tuyên Quang. Đến ngày 06/7/2018 Công ty CP Giám định HDC có văn bản số 793/CV/HDC về việc xác nhận việc bên được bảo hiểm đã cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của đơn vị giám định và thông báo giá trị khắc phục tổn thất đối với hộ gia đình ông Trịnh Duy U.

Văn bản số 381/BQLDA-DA1 ngày 19/7/2018 về việc đánh giá tổn thất và giá trị bồi thường đối với hộ gia đình ông Trịnh Duy Uvà đề nghị bên bảo hiểm chỉ định đơn vị giám định khác thực hiện giám định các vụ tổn thất đối với nhà ở của nhân dân do bị ảnh hưởng của quá trình thi công.

Bên được bảo hiểm tiếp tục có văn bản số 505/BQLDA-KTTĐ ngày 10/9/2018 về việc đôn đốc bên bảo hiểm chỉ định đơn vị giám định độc lập và hoàn thiện hồ sơ thủ tục bồi thường khắc phục tổn thất. Đến ngày 20/9/2018 (sau 61 ngày) bên bảo hiểm mới có văn bản số 3960/PTI-TSKT về việc đề xuất công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật Z là đơn vị thay thế đơn vị giám định trước để thực hiện giám định tổn thất đối với vụ tổn thất này.

Ngày 28/9/2018 bên bảo hiểm có văn bản số 560/BQLDA-DA1 về việc chấp nhận đơn vị giám định độc lập là Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật Z và đề nghị bên được bảo hiểm khẩn trương giám định, hoàn thiện hồ sơ thủ tục bồi thường đối với vụ tổn thất nêu trên.

Ngày 17-18/10/2018 bên được bảo hiểm cùng Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật Z và các đơn vi liên quan tiến hành kiểm tra và lập biên bản giám định xác nhận những tổn thất đối với các hộ gia đình do ảnh hưởng của quá trình thi công gây nên.

Ngày 25/10/2018 bên được bảo hiểm đã cung cấp hồ sơ, tài liệu theo văn bản số 589/10/2018/CV-Z ngày 22/10/2018 của Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật Z.

Đến ngày 09/01/2019 (sau 79 ngày kể từ ngày bên bảo hiểm cung cấp đầy đủ tài liệu) bên được bảo hiểm nhận được văn bản số 736/12/2018/CV-Z ngày 24/12/2018 của Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật Z, ngày 16/01/2019 bên được bảo hiểm có văn bản phúc đáp số 27/BQLDA-DA1 gửi bên bảo hiểm về việc phúc đáp văn bản số 736/12/2018/CV-Z ngày 24/12/2018 của Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật Z.

Ngày 07/01/2019 bên được bảo hiểm có văn bản số 04/BQLDA-DA1 về việc tiếp tục cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan và đề nghị bên bảo hiểm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán kinh phí bồi thường tổn thất tạm tính là 661.973.000 VNĐ, thời gian hoàn thành trước ngày 31/01/2019, trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bên được bảo hiểm đề nghị bên bảo hiểm tạm ứng 50% số tiền bồi thường tạm tính theo Điều 11 của hợp đồng hai bên đã ký kết, thời gian hoàn thành trước ngày 15/01/2019.

Từ ngày 07/01/2019 đến ngày 23/01/2019 (16 ngày) bên bảo hiểm không có ý kiến giải quyết bồi thường và tạm ứng cho bên được bảo hiểm theo quy định của hợp đồng. Vì vậy, ngày 24/01/2019 bên được bảo hiểm mời bên bảo hiểm cùng Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật Z họp, làm việc. Bên được bảo hiểm đề nghị bên bảo hiểm bồi thường giá trị khắc phục tổn thất là giá trị sau thuế, tổng giá trị đề nghị bồi thường tạm tính là 507.867.000 đồng (theo khối lượng, đơn giá do Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Sở xây dựng tỉnh Tuyên Quang lập tại thời điểm hiện tại. Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân Ban quản lý dự án đã nhờ Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng là đơn vị có chuyên ngành xây dựng thực hiện công tác giám định và lập dự toán chi phí khắc phục tổn thất đối với 15 hộ dân và 01 tổ chức) và đề nghị tạm ứng 50% số tiền bồi thường tạm tính theo Điều 11 của hợp đồng đã ký kết giữa bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm, với số tiền là 285.433.500 đồng, thời gian hoàn thành trước ngày 28/01/2019 và bên bảo hiểm thống nhất hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bồi thường và thanh toán cho bên được bảo hiểm trước ngày 29/01/2019. Tuy nhiên, sau đó bên bảo hiểm vẫn chưa giải quyết bồi thường cho bên được bảo hiểm đối với thiệt hại của bên thứ ba bị ảnh hưởng trực tiếp do quá trình thi công công trình gây thiệt hại.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cac công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang khởi kiện Bên bảo hiểm, với yêu cầu khởi kiện như sau:

1.Vi phạm Hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình đã ký kết về thời gian giải quyết bồi thường và chậm thực hiện giải quyết bồi thường tổn thất, gây bức xúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Bên được bảo hiểm đã cung cấp đủ hồ sơ tài liệu liên quan và có nhiều văn bản đôn đốc yêu cầu hoàn thiện hồ sơ thủ tục để thanh toán kinh phí bồi thường khắc phục tổn thất nhưng đến nay bên bảo hiểm vẫn chưa có ý kiến phản hồi. Vi phạm Điều 11 mục 11.1 Hợp đồng số 06/2016/HĐ-BHXD ngày 01/12/2016.

2. Bên được bảo hiểm đề nghị Bên bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường tổn thất cho 15 hộ gia đình và 01 tổ chức là 507.176.100đ (Năm trăm linh bảy triệu một trăm bảy mươi sáu nghìn một trăm đồng). Theo khối lượng, đơn giá do Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Sở xây dựng tỉnh Tuyên Quang lập tại thời điểm hiện tại và không tính khối lượng quyết vôi, ve của hộ gia đình ông Trịnh Duy U và bà Phạm Thị V. Đã bao gồm 10% thuế GTGT và đã tính mức khấu trừ 10% giá trị tổn thất.

Tại bản tự khai, biên bản hoà giải, người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ trình bày: Theo đơn khởi kiện của Ban quản lý dự án A khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố T yêu cầu Toà án giải quyết đối với Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ, Bảo hiểm ĐPTI có ý kiến như sau:

1. Về nội dung vụ việc: PTI xác nhận Công ty bảo hiểm Đkhu vực phía Bắc (PTI phía Bắc) trực thuộc Tổng Công ty cổ phẩn bảo hiểm Đ có ký hợp đồng bảo hiểm số 06/2016/HĐ – BHXD ngày 06/11/2016 với Ban quản lý dự án A.

2. Đối với yêu cầu khởi kiện đề nghị xem xét phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm và tính toán tổn thất, yêu cầu bồi thường của phía nguyên đơn có quan điểm như sau:

Sau khi hoàn tất các thủ tục về giám định tổn thất để có căn cứ xác định mức độ thiệt hại cũng như mức bồi thường đối với thiệt hại của 15 hộ dân và 01 tổ chức theo yêu cầu của bên được bảo hiểm. Tổng công ty Bảo hiểm Đ đã gửi các tài liệu về kết quả giám định và mức bồi thường cho bên được bảo hiểm. Nhưng bên được bảo hiểm không nhất trí với mức bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm mà bên bảo hiểm đưa ra. Nên Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ chưa đủ căn cứ để thanh toán bồi thường. Trong quá trình giải quyết về tổn thất theo nội dung vụ việc mà bên được bảo hiểm đưa ra, bên bảo hiểm đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, quy tắc bảo hiểm cũng như trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường. Do đó, Tổng công ty bảo hiểm Đ khẳng định không vi phạm bất kỳ một điều khoản nào của Hợp đồng bảo hiểm xây dựng đã ký kết giữa Ban quản lý dự án A và Công ty bảo hiểm Đ khu vực phía Bắc.

Về trách nhiệm bồi thường: Sau khi tổn thất xảy ra, nhận được thông báo của bên được bảo hiểm, bên bảo hiểm đã tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục giám định để xác định thiệt hại làm căn cứ bồi thường. Ban đầu bên bảo hiểm đã lựa chọn Công ty giám định HDC để giám định tổn thất, bên được bảo hiểm đã khiếu nại không nhất trí với kết quả của Công ty giám định HDC, đề nghị bên bảo hiểm lựa chọn đơn vị giám định độc lập khác. Trên cơ sở đề nghị của bên được bảo hiểm, bên bảo hiểm đã lựa chọn Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật Z, là đơn vị giám định độc lập tiến hành giám định thiệt hại và được sự chấp thuận của bên được bảo hiểm. Quá trình giám định Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật Z làm việc độc lập và đã có kết luận cuối cùng về giá trị trách nhiệm bồi thường theo phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, số tiền bồi thường là 193.453.537 đồng (giá trị tính trước thuế VAT và chưa trừ miễn thường). Căn cứ vào kết quả giám định và xác định giá trị tổn thất phải bồi thường thuộc trách nhiệm phạm vi bảo hiểm, bên bảo hiểm xác định: Tổng công ty bảo hiểm Đchỉ có nghĩa vụ bồi thường cho bên được bảo hiểm số tiền 193.453.537đ (một trăm chín mươi ba triệu bốn trăm năm mươi ba nghìn năm trăm ba mươi bảy đồng), là giá trị tính toán trước thuế VAT và chưa trừ miễn thường. Ngoài ra, không chấp nhận bồi thường theo yêu cầu của bên được bảo hiểm, số tiền 507.176.100đ (Năm trăm linh bảy triệu một trăm bảy mươi sáu nghìn một trăm đồng).

Vụ án trên đã được Tòa án nhân dân thành phố T thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ, hòa giải nhưng không thành và đã đưa vụ án ra xét xử. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 123/2019/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố T đã quyết định:

1. Căn cứ các Điều 26; 35; 39; 147; 266; 271; 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Các điều 385; 404; 415; 357; 468 Bộ luật dân sự; Các điều 12; 21; 30; 48 Luật kinh doanh bảo hiểm; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

2. Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về trách nhiệm bồi thường khắc phục tổn thất đối với thiệt hại của bên thứ ba thuộc đối tượng được bảo hiểm.

Buộc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ có nghĩa vụ bồi thường cho Ban quản lý dự án A số tiền 425.074.116đ (Bốn trăm hai mươi lăm triệu không trăm bảy mươi tư nghìn một trăm mười sáu đồng). (Bao gồm tổn thất của 15 hộ dân và 01 tổ chức do quá trình thi công công trình Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km124+500QL2) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh gây nên).

Ngoài ra, bản án còn giải quyết về án phí, lãi suất chậm trả và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/12/2019 Tòa án nhận đơn kháng cáo của người đại diện theo pháp luật của bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ, đơn kháng cáo có nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 123/2019/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố T với lý do bản án chưa xem xét đầy đủ phạm vi bảo hiểm và nội dung, bản chất quan hệ bảo hiểm theo hợp đồng giữa Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ và Ban quản lý dự án A; chưa áp dụng đúng các văn bản pháp luật cũng như xem xét một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện Hợp đồng bảo hiểm, dẫn đến đưa ra phán quyết bất lợi cho bị đơn.

Thứ nhất, cấp sơ thẩm đã không xem xét đến nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm về điều khoản liên quan đến điều kiện bồi thường, theo đó Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ căn cứ vào điều khoản MR 120 chứ không phải là tổn thất thực tế của 15 hộ dân và 01 tổ chức đến đâu thì Công ty phải bồi thường bằng đó.

Thứ hai, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ căn cứ vào kết quả giám định của Z làm căn cứ bồi thường là phù hợp với các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Kết quả giám định của công ty giám định hoàn toàn độc lập, khách quan.

Thứ ba, theo Điều 46 của Luật kinh doanh bảo hiểm về căn cứ bồi thường thì việc xác định số tiền bồi thường là hiện trạng của tài sản bị tổn thất tại thời điểm xảy ra tổn thất chứ không phải là việc phải xác định độ suy yếu của tài sản sau này.

Thứ tư, tại phần Quyết định của bản án sơ thẩm không có nội dung Ban quản lý dự án phải cung cấp hồ sơ yêu cầu bồi thường đầy đủ để PTI có đầy đủ hồ sơ để thanh toán cho Ban quản lý dự án gây bất lợi cho PTI trong việc yêu cầu Ban quản lý dự án hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra bản án sơ thẩm ghi nhận địa chỉ trụ sở của PTI không đúng theo địa chỉ đăng ký kinh doanh của PTI.

Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm Bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Nguyên đơn Ban quản lý dự án A đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị đơn giữ nguyên bản án sơ thẩm Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của người đại diện theo pháp luật của bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đlà hợp lệ, trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ hợp đồng bảo hiểm, kết luận của Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật Z và Luật Kinh doanh bảo hiểm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Xét yêu cầu kháng cáo bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Về nội dung vụ việc, nguyên nhân và mức độ tổn thất: Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB (nay là Ban quản lý dự án A) và Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ (ủy quyền cho Công ty bảo hiểm Đ khu vực phía bắc) ký hợp đồng số 06/2016/HĐ-BHXD về bảo hiểm xây dựng công trình Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km124+500QL2) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh với các điều khoản chính quy định về: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; Đối tượng bảo hiểm; Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản; Phạm vi bảo hiểm; Thời hạn bảo hiểm; Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; Các quy định giải quyết tranh chấp; Hợp đồng trên đã được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Sau khi ký hợp đồng số 06/2016/HĐ-BHXD, hai bên ký các phụ lục hợp đồng về đổi tên bên được bảo hiểm từ Ban Quản lý dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB thành Ban quản lý dự án A; về điều khoản cam kết chung. Quá trình thực hiện hợp đồng ngoài vụ việc đang khởi kiện các bên không có tranh chấp nội dung nào khác.

Các đương sự đều xác định tổn thất của 15 hộ dân và 01 tổ chức trên xảy ra trong quá trình thi công công trình và đều nằm trong thời hạn bảo hiểm của hợp đồng đã ký kết.

Ngay sau khi có thiệt hại xảy ra, bên được bảo hiểm, đại diện của bên bảo hiểm cùng các bên liên quan đã có mặt tại hiện trường và tiến hành lập biên bản xác định nguyên nhân dẫn đến rạn, nứt tường các công trình xây dựng của 15 hộ dân và 01 tổ chức là do “trong quá trình thi công nhà thầu đã sử dụng lu rung để lu lèn nền đường và gây ra chấn động làm ảnh hưởng tới công trình của các hộ dân nằm xung quanh tuyến đường”; đồng thời các bên đã thực hiện các thao tác xác định cụ thể từng phần bị rạn, nứt của các công trình bị ảnh hưởng, tổn thất. Như vậy, bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã thực hiện đúng quy định về trách nhiệm của các bên theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết về việc thông báo khi có tổn thất xảy ra và cùng nhau có mặt ở hiện trường và lập biên bản giám định hiện trường.

Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn, bị đơn đều xác định kết luận giám định của công ty giám định Z là đúng, các bên cùng thống nhất về nguyên nhân dẫn đến tổn thất là do “trong quá trình thi công nhà thầu đã sử dụng lu rung để lu lèn nền đường và gây ra chấn động làm ảnh hưởng tới công trình của các hộ dân nằm xung quanh tuyến đường” và cùng thống nhất tổng số tiền tổn thất của các hộ dân là 475.074.116đ. Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào kết luận giám định của Z để xác định nguyên nhân tổn thất, tổng số tiền tổn thất làm căn cứ tính toán, xác định trách nhiệm bồi thường đối với tranh chấp giữa các bên là phù hợp quy định tại điều 48 luật kinh doanh bảo hiểm.

Về nội dung tranh chấp: Nguyên đơn xác định bản án sơ thẩm xét xử đúng quy định, do đó nhất trí với bản án sơ thẩm. Toàn bộ tổn thất của 15 hộ dân và 01 trường học thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm số 06/2016, Tòa án sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn số tiền 425.074.116đ là đúng quy định.

Bị đơn cho rằng kết luận tại điều khoản mở rộng 120 xác định PTI sẽ không bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn hại bề mặt không làm suy yếu độ bền vững của tài sản, đất đai nhà cửa và không gây nguy hại cho người sử dụng chúng. Kết luận của Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật Z đã tách ra phần thuộc phạm vi bồi thường của điều khoản mở rộng 120 bên PTI sẽ có trách nhiệm bồi thường là 193.435.537đ trên tổng số tổn thất là 475.074.116đ, phần tổn thất còn lại là 281.638.579đ do đã được loại trừ tại điều khoản MR 120 nên bên PTI không phải bồi thường số tiền này.

Hội đồng xét xử thấy rằng:

Hợp đồng bảo hiểm số 06/2016/HĐ-BHXD quy định về trách nhiệm của bên bảo hiểm đối với bên thứ 3 được quy định như sau:

Điểm 3.2 Điều 3 quy định: “Bên bảo hiểm sẽ bồi thường cho bên được bảo hiểm những trách nhiệm pháp lý phát sinh đối với bên thứ 3 liên quan đến quá trình thi công các hạng mục được bảo hiểm như: Thiệt hại tính mạng, thương tật hoặc thiệt hại tài sản với bên thứ ba. Giới hạn bồi thường 1.000.000.000đ/ mỗi vụ tổn thất và không hạn chế số vụ trong thời hạn bảo hiểm. Trong đó trách nhiệm về tài sản là 500.000.000đ/vụ tổn thất. Trách nhiệm về người tối đa 30.000.000đ/người/sự cố...”.

Điểm 8.8 Điều 8 quy định: “Trong phạm vi các số tiền bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm có trách nhiệm pháp lý phải bồi thường những thiệt hại phát sinh do việc gây ra... ...Tổn thất bất ngờ đối với tài sản của người thứ ba...

....Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm liên quan đến kiến trúc, nhà dân bị ảnh hưởng rạn, nứt do thi công dự án gây nên.

Như vậy căn cứ các điều khoản cơ bản của hợp đồng số 06/2016/HĐ-BHXD xác định phạm vi bảo hiểm là bên bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường tổn thất bất ngờ đối với tài sản của người thứ ba cụ thể là có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm liên quan đến kiến trúc, nhà dân bị ảnh hưởng rạn, nứt do thi công dự án gây nên.

Tuy nhiên Điều 8 của hợp đồng xác định quy tắc bảo hiểm sẽ được áp dụng theo Quy tắc bảo hiểm kèm theo Quyết định số 242/QĐ-PTI của bên bảo hiểm, tại điểm c khoản 2 Điều 10 Quy tắc bảo hiểm đã loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với: “Thiệt hại đối với tài sản, đất đai, nhà cửa do chấn động hay kết cấu chịu lực và địa chất công trình bị dịch chuyển hay suy yếu”. Như vậy với việc áp dụng điểm c khoản 2 Điều 10 của Quy tắc bảo hiểm thì phạm vi bảo hiểm đối với bên thứ ba bị giới hạn lại, bên bảo hiểm chỉ bồi thường đối với những tổn thất thiệt hại đối với nhà cửa, kết cấu chịu lực công trình không bị suy yếu.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn cho rằng các tổn thất của các hộ dân nếu không ký kết bổ sung điều khoản MR120 thì không thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng số 06 là không có căn cứ chấp nhận.

Các đương sự cùng thừa nhận do bị loại trừ bởi điểm c khoản 2 điều 10 của quy tắc 242/QĐ –PTI nên bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm đã thỏa thuận bổ sung mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với người thứ ba bằng điều khoản bổ sung MR120.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng: Nội dung của điều khoản MR120 mở rộng phạm vi bồi thường trong đó tổn thất của các hộ dân xuất phát từ nguyên nhân chấn động, dịch chuyển kết cấu công trình bị suy yếu thì sẽ được bồi thường theo điều khoản MR120 và mức bồi thường tăng lên là 5.000.000.0000đ mức khấu trừ tăng lên 50.000.000đ, đồng thời hạn chế phạm vi bảo hiểm bên bảo hiểm chỉ bồi thường các tổn thất do chấn động, dịch chuyển và gây suy yếu, gây nguy hiểm cho người sử dụng chúng: Nội dung của các điều khoản bổ sung đã được giải thích cho bên được bảo hiểm, bên được bảo hiểm đã hiểu rõ nội dung điều khoản mở rộng MR120 nên mới ký kết thêm điều khoản này, về tập văn bản giải thích nội dung các điều khoản mở rộng bị đơn đã nộp cho Tòa án và đã được tòa lưu trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Mục 21 Điều 9 hợp đồng số 06/HĐ –BHXD; mục 20 phần V Biên bản thương thảo hợp đồng ngày 31/8/2016, và mục 21 phần I – Số tiền bảo hiểm của giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 06/11/2016 chỉ có quy định “MR120 Điều khoản về chấn động, dịch chuyển, hoặc suy yếu các bộ phận chống đỡ và liên quan đến kiến trúc, nhà dân bị ảnh hưởng rạn, nứt do thi công dự án gây nên (giới hạn trách nhiệm: 5.000.000.000 VNĐ/vụ và trong suốt thời hạn bảo hiểm. Mức khấu trừ 10% giá trị tổn thất, tối thiểu 50.000.000 VNĐ/vụ)” không có bất cứ nội dung nào thể hiện các bên thỏa thuận loại trừ trách nhiệm bồi thường của bên được bảo hiểm đối với những thiệt hại đã được thỏa thuận tại điều 8.8 của hợp đồng là những tổn thất bề mặt của nhà dân bị ảnh hưởng rạn, nứt do thi công dự án gây nên.

Tại phiên tòa các bên đều thừa nhận ngoài Hợp đồng số 06, biên bản thương thảo và giấy chứng nhận bảo hiểm thì bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm không ký kết thêm bất kỳ văn bản giấy tờ gì về việc giải thích nội dung các điều khoản bổ sung hợp đồng bảo hiểm; các bên cũng thừa nhận quá trình ký kết hợp đồng thì bên Bảo hiểm và bên được bảo hiểm thỏa thuận sơ bộ, bên Bảo hiểm soạn thảo hợp đồng sau đó chuyển cho bên được bảo hiểm gồm hợp đồng số 06/HĐ- BHXD, quy tắc số 242/QĐ- PTI, biên bản thương thảo hợp đồng, ngoài ra bên bảo hiểm không chuyển cho bên được bảo hiểm bất kỳ tài liệu gì khác.

Do đó đủ căn cứ xác định bên bảo hiểm không chứng minh được quá trình thương thảo, ký kết hợp đồng bảo hiểm số 06/HĐ-BHXD ngày 06/11/2016 bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm đã ký kết văn bản với nội dung giải thích điều khoản bổ sung được hiểu như thế nào; bên Bảo hiểm cũng không chứng minh được đã giải thích nội dung điều khoản bổ sung bằng văn bản, hoặc đã gửi cho bên được bảo hiểm tài liệu chứa đựng nội dung giải thích điều khoản bổ sung trong đó giải thích rõ nội dung điều MR120 có quy định PTI không bồi thường đối với tổn thất bề mặt không gây suy yếu và không gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 quy định giải thích hợp đồng bảo hiểm “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. HĐXX thấy rằng Điều 8.8 đã có quy định về phạm vi bảo hiểm, nhưng bị hạn chế bởi điểm c khoản 2 Điều 10 Quy tắc bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 242, do vậy ý chí của bên mua bảo hiểm mua thêm phần bảo hiểm đối với người thứ 3 là đề phòng quá trình thi công dự án gây thiệt hại cho bên thứ 3, và việc ký kết điều MR120 là nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm bị hạn chế bởi Quy tắc bảo hiểm chứ không phải nhằm hạn chế phạm vi bảo hiểm như bên bị đơn giải thích.

Từ những phân tích nêu trên HĐXX thấy không có căn cứ chấp nhận ý kiến của bị đơn, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải bồi thường 425.074.116đ là có căn cứ, đúng kết luận giám định tổn thất, đúng thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, phù hợp quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, do đó HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn số tiền là 425.074.116đ.

Đối với nội dung kháng cáo bản án sơ thẩm không tuyên buộc bên nguyên đơn phải thực hiện thủ tục hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường, gây khó khăn cho PTI trong việc quyết toán. HĐXX thấy rằng Điều 11 hợp đồng thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ do Tòa án thành phố T tỉnh Tuyên Quang giải quyết, việc Tòa án giải quyết là đúng quy định, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành đối với tất cả các bên. Do vậy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của bị đơn. Đối với nhận định của tòa án cấp sơ thẩm đánh giá tổn thất sẽ gây suy yếu là không phù hợp, cần rút kinh nghiệm với cấp sơ thẩm ở nội dung này.

Đối với mức miễn trừ trong hợp đồng bảo hiểm: Kết luận giám định của Z xác định tổng mức tổn thất là 475.074.116đ trong đó 193.435.537 được Z kết luận là các tổn thất do chấn động, dịch chuyển, hoặc suy yếu vì vậy mức miễn trừ là 50.000.000đ. Phần tổn thất còn lại sẽ áp dụng mức miễn trừ theo quy đinh tại khoản 3.2 Điều 3 của hợp đồng, tuy nhiên nguyên đơn không có kháng cáo về nội dung này, do vậy Hội đồng xét xử không xem xét.

[2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm ĐPTI không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Căn cứ các Điều 12; 21; 30; 48 Luật kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án:

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ (PTI), giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 123/2019/DS-ST ngày 18/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố T như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về trách nhiệm bồi thường khắc phục tổn thất đối với thiệt hại của bên thứ ba thuộc đối tượng được bảo hiểm.

Buộc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ có nghĩa vụ bồi thường cho Ban quản lý dự án A số tiền 425.074.116đ (Bốn trăm hai mươi lăm triệu không trăm bảy mươi tư nghìn một trăm mười sáu đồng). (tổn thất của 15 hộ dân và 01 tổ chức do quá trình thi công công trình Tiểu dự án 1, Dự án xây dựng cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km124+500QL2) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh gây nên).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

2. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ phải chịu án phí dân sự có giá ngạch, số tiền 21.003.000đ (Hai mươi mốt triệu không trăm linh ba nghìn đồng).

Ban quản lý dự án A không phải chịu án phí.

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tại biên lai thu số 0000182 ngày 24/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Tuyên Quang. Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Đ đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, ngày 14/5/2020./.

"Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự"./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1531
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2020/DS-PT ngày 14/05/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng

Số hiệu:21/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về