TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN ĐỒ SƠN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 21/2018/HNGĐ-ST NGÀY 04/09/2018 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP VỀ NUÔI CON
Ngày 04 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 54/2018/TLST-HNGĐ ngày 04 tháng 6 năm 2018, về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 17/2018/QĐXXST-HNGĐ ngày 31 tháng 7 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 12/2018/QĐST-HNGĐ ngày 16 tháng 8 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Vũ Thị Hồng N; nơi ĐKHKTT: Tổ D, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; nơi sinh sống: Tổ H, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; có mặt.
- Bị đơn: Anh Đinh Xuân T; nơi cư trú: Tổ D, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong Đơn khởi kiện đề ngày 21-5-2018 và Bản tự khai đề ngày 12-6-2018, nguyên đơn là chị Vũ Thị Hồng N trình bày:
- Về hôn nhân: Chị và anh Đinh Xuân T tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2012, đến năm 2013 mới đăng ký kết hôn tại UBND phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Sau khi kết hôn, chị và anh T chung sống cùng gia đình anh T tại phường N, quận Đ. Chị và anh T chung sống hòa thuận cho đến năm 2013 thì xảy ra mâu thuẫn. Trong cuộc sống hàng ngày, chị và anh T thường cãi nhau. Nguyên nhân là do anh T thường xuyên chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác. Chị và gia đình đã khuyên nhiều lần nhưng anh T vẫn không thay đổi. Đầu năm 2015, chị đã về nhà bố, mẹ đẻ của chị để sinh sống từ đó đến nay, chị và anh T sống ly thân, không quan tâm và liên lạc với nhau nữa; chị cũng không muốn quay về chung sống cùng anh T vì anh T đã có gia đình riêng của mình. Chị thấy, tình trạng hôn nhân của chị và anh T không còn tồn tại nên đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh T.
- Về nuôi con chung: Chị và anh T có 01 con chung là Đinh Vũ Tuyết Nh, sinh ngày 28-12-2012. Chị đề nghị Tòa án giao cháu Nh cho chị nuôi dưỡng, không yêu cầu anh T phải cấp dưỡng nuôi con.
- Về tài sản chung: Chị và anh T không có tài sản chung nên chị không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã tiến hành tống đạt Thông báo về việc thụ lý vụ án cho anh T theo quy định của pháp luật nhưng anh T vẫn không đến Tòa tham gia tố tụng, không nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của anh đối với yêu cầu của chị N để giải quyết vụ án.
Do chị N đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải, anh T đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vẫn cố tình vắng mặt nên Tòa án đã tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ vắng mặt anh T theo khoản 2 Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự; đồng thời, lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được theo khoản 4 Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án cũng đã thông báo kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ cho anh T theo khoản 3 Điều 210 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đại diện Viện Kiểm sát đã phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án; đề nghị Hội đồng xét xử:
- Căn cứ khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình, chấp nhận yêu cầu của chị N được ly hôn với anh T, giao cháu Nh cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng.
- Chị N phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm quy định tại khoản 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào ý kiến của đương sự, kết quả xác minh, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Đây là quan hệ tranh chấp về ly hôn và nuôi con chung, bị đơn là anh Đinh Xuân T, cư trú tại: Tổ D, phường N, quận Đ; theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Tại phiên tòa ngày 16-8-2018, anh T vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa, thông báo cho anh T biết về việc hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Phiên tòa hôm nay, anh T vẫn vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt anh T.
Về hôn nhân:
[3] Chị N và anh T kết hôn trên cơ sở tự nguyện, đăng ký kết hôn năm 2013 tại UBND phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Theo quy định tại Điều 9 và Điều 11 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, đây là quan hệ hôn nhân hợp pháp.
[4] Các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án thu thập được xác định: Chị N và anh T chỉ chung sống hòa thuận, hạnh phúc trong thời gian ngắn sau kết hôn. Sau đó, anh, chị xảy ra mâu thuẫn, thường xuyên cãi nhau. Từ năm 2015, sau khi được biết anh T chung sống với người phụ nữ khác như vợ chồng, chị N đã về sinh sống cùng bố, mẹ đẻ của mình. Từ đó đến nay, anh, chị sống ly thân không còn quan tâm, liên lạc với nhau. Bản thân chị N xác định tình trạng hôn nhân của anh, chị không thể tồn tại; chị cũng không có mong muốn quay về chung sống cùng anh T. Anh T biết được việc chị N yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và việc Tòa án giải quyết vụ án nhưng bỏ mặc, không tham gia tố tụng. Cho thấy, anh T không có nguyện vọng giữ gìn hạnh phúc gia đình, không muốn gặp chị N để trao đổi, giải quyết mâu thuẫn để vợ, chồng quay về đoàn tụ. Tuy nhiên, anh T có trao đổi với mẹ của anh là đồng ý ly hôn chị N. Hội đồng xét xử thấy: Từ năm 2015, chị N và anh T đã không còn yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không chung sống với nhau; vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng được quy định tại Điều 19 của Luật Hôn nhân và gia đình làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài nên có đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị N đối với anh T theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình.
[5] Về nuôi con chung: Chị N và anh T có 01 con chung là Đinh Vũ Tuyết Nh, sinh ngày 28-12-2012. Chị N đề nghị Tòa án giao cháu Nh cho chị nuôi dưỡng. Hội đồng xét xử xét thấy, anh T không có văn bản nêu ý kiến của anh về việc nuôi con chung nên cần chấp nhận yêu cầu nuôi con của chị N, việc giao cháu Nh cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng sẽ đảm bảo quyền lợi của cháu Nh. Chị N không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.
[6] Về chia tài sản chung: Chị N khai không có tài sản chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì vậy, Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.
[7] Về án phí dân sự sơ thẩm: Chị N là nguyên đơn nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, điểm a khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[8] Về quyền kháng cáo: Chị N và anh T được quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình;
Căn cứ vào khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ vào điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
Tuyên xử:
1. Về hôn nhân: Cho chị Vũ Thị Hồng N được ly hôn anh Đinh Xuân T.
2. Về nuôi con chung:
2.1. Giao cháu Đinh Vũ Tuyết Nh, sinh ngày 28-12-2012 cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi. Chị N không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con chung nên Hội đồng xét xử không xem xét. Hoặc cho đến khi chị N và anh T có sự thay đổi khác về người trực tiếp nuôi con, về cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật.
2.2. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
3. Về án phí: Chị N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm mà chị đã nộp 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, theo Biên lai số 0006824 ngày 01-6-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; chị N đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.
4. Về quyền kháng cáo: Chị N có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Anh T có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án 21/2018/HNGĐ-ST ngày 04/09/2018 về ly hôn, tranh chấp nuôi con
Số hiệu: | 21/2018/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Đồ Sơn - Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 04/09/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về