Bản án 21/2017/DSPT ngày 05/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 21/2017/DSPT NGÀY 05/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 05 tháng 09 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 11/2017/DSPT ngày 25 tháng 7 năm 2017 về việc: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DSST ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố Hưng Yên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14/2017/QĐ-PT ngày 07 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Vũ Thị T. Cư trú tại: Đường A, phường B, thành phố C, tỉnh Hưng Yên

Người được ủy quyền: Ông Trần Quang H.

Cư trú tại: đường B, phường B, thành phố C, tỉnh Hưng Yên.

2. Bị đơn: Chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L

Đều cư trú tại: Đường D, phường E, thành phố C, tỉnh Hưng Yên

3. Người kháng cáo: Chị Nguyễn Thị Thu H, anh Ngô Đức L - Bị đơn

4. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hưng Yên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 29/7/2011 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Vũ Thị T trình bày:

Bà và bố mẹ chị Nguyễn Thị Thu H trước đây cùng buôn bán hàng nông sản và các mặt hàng tiêu dùng tại Lạng Sơn. Bà có biết và coi chị Nguyễn Thị Thu H như người nhà. Khoảng đầu năm 2010, vợ chồng chị H, anh L có hỏi vay bà 4.000.000.000 đồng để mở rộng Doanh nghiệp tư nhân LB, có trụ sở tại đường D, phường E, thành phố C. Do số tiền quá lớn nên bà phải đi gom trong anh em họ hàng và cho vợ chồng chị H vay 3.690.000.000 đồng. Số tiền này chị H lấy làm hai lần nhưng khi viết giấy nhận tiền chỉ viết một lần vào ngày 06/4/2010 có chữ ký của cả hai vợ chồng chị H. Thời hạn vay là từ 06/4/2010 đến 06/7/2010. Về tiền lãi trong giấy biên nhận không ghi mức lãi suất phải trả/nợ gốc nhưng hai bên có thỏa thuận miệng lãi suất là 2%/tháng.

Khi đến hạn bà yêu cầu vợ chồng chị H trả nợ, chị H viết giấy cam kết sẽ trả bà đủ số nợ trên vào ngày 28/8/2010. Ngày 28/8/2010, chị H gọi điện báo bà lên trụ sở Doanh nghiệp tư nhân LB để trả nợ. Sau khi đọc cho bà tính toán các khoản trả và khoản vay thêm để ghi ra giấy, chị H không trả tiền bà. Ngày 02/9/2010, chị H viết bản cam kết trả số nợ đã vay của bà chậm nhất vào ngày 02/11/2010. Tại bản cam kết này chị H còn dùng cả con dấu của Doanh nghiệp tư nhân LB để xác nhận. Tuy nhiên từ đó cho đến nay chị H mới chuyển khoản trả bà được 25.000.000 đồng và khoảng tháng 05, tháng 06 năm 2010 bà có lấy một số hàng hóa của Doanh nghiệp tư nhân LB với giá trị là 213.075.000 đồng.

Việc bà cho vợ chồng chị H, anh L vay tiền là cho vay cá nhân chứ bà không cho Doanh nghiệp tư nhân LB vay, trong các giấy nhận nợ chị H có đóng dấu của doanh nghiệp là để tạo niềm tin đối với bà. Do vậy anh Ngô Công B là con trai chị H, anh L không liên quan đến việc vay nợ này, mặc dù anh Bằng có tham gia góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân LB (nay là công ty TNHH TM).

Nay bà khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân thành phố C buộc chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L phải trả bà toàn bộ số nợ gốc là: 3.690.000.000 đồng sau khi trừ đi số tiền vợ chồng chị H đã trả bà là: 238.075.000 đồng ( gồm 213.075.000 đồng tiền hàng và 25.000.000 đồng tiền chuyển khoản). 

Số tiền gốc còn lại là 3.451.925.000 đồng và số tiền lãi tính trên số nợ gốc còn lại theo mức lãi suất do pháp luật quy định tính từ thời điểm chậm trả là ngày 02/11/2010 cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm.

Bị đơn chị Nguyễn Thị Thu H (đồng thời là người được đồng bị đơn anh Ngô Đức L ủy quyền) trình bày: Số tiền 3.690.000.000đồng mà chị viết trong giấy nhận nợ ngày 06/4/2010 với bà Vũ Thị T thực chất là số tiền vợ chồng chị vay bà T trước đó rất nhiều lần đến ngày 06/4/2010 là hai bên chốt nợ với nhau. Số tiền này bao gồm cả tiền gốc và lãi của các khoản vay trước đó chứ không phải chỉ là tiền gốc, cụ thể: từ năm 2007 đến năm 2009 giữa chị và bà T thường xuyên có việc vay mượn tiền của nhau và đến ngày 09/11/2009, chốt nợ gốc và lãi chị còn nợ bà T số tiền: 2.639.000.000 đồng (chị đã viết giấy nhận nợ và đóng dấu Doanh nghiệp tư nhân LB do chị làm giám đốc) và từ ngày 09/11/2009 đến ngày 06/4/2010 bà T tính lãi của số tiền: 2.639.000.000 đồng bằng: 1.440.597.000đồng, chị đã trả bà T 400.000.000 đồng qua tài khoản của chị Nguyễn Thị Mai H (con dâu bà T). Cộng hai khoản gốc và lãi thành: 3.690.000.000 đồng. Mục đích chị vay tiền bà T trong các năm là để phục vụ công việc kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân LB do chị làm giám đốc và các công việc khác của gia đình. Quá trình từ khi chốt nợ đến nay chị đã trả bà T được 3.300.000.000 đồng vào ngày 15/7/2010, tháng 12/2010 chuyển khoản trả 25.000.000 đồng, tháng 12/2010 bà T đã lấy hàng của Doanh nghiệp tư nhân LB với giá trị khoảng: 213.000.000 đồng.

Ngoài ra chị còn vay bà T số tiền 1.600.000.000 đồng vào tháng 4/2010 và khoản lãi của khoản vay này (với mức lãi suất 2.000đồng/triệu/ngày) để rút sổ đỏ nhà chị tại đường G, phường H, thành phố C từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Đ, Lạng Sơn. Sau khi trừ đi các khoản chị đã trả bà T thì chị chỉ nợ bà T: 2.890.000.000đồng. Mọi khoản vay của vợ chồng chị đều được thực hiện tại nhà bà T và không có người làm chứng. Cam kết trả nợ viết ngày 02/9/2010 thực chất là cam kết trả khoản nợ 2.890.000.000 đồng nhưng chị H con dâu bà T lại đọc cho chị ghi số nợ là 3.690.000.000 đồng và nói đây là giấ nháp. Nay chị tính toán lại số tiền nợ gốc và số tiền đã trả thì chị đã trả dư cho bà T, cụ thể: tổng số tiền chị nợ bà T là: 3.588.000.000 đồng (chưa tính lãi) trong đó 1.988.000.000 đồng là số nợ gốc từ trước còn 1.600.000.000 đồng là chị vay để giải chấp căn nhà tại đường G, phường H, thành phố C. Chị đã trả bà T là: 4.896.725.000 đồng (cả gốc và lãi ), như vậy chị trả dư cho bà T là: 1.308.725.000đồng. Đề nghị tòa án xem xét số tiền đã trả và số tiền lãi chưa trả nếu thiếu chị trả thêm nếu thừa bà T phải trả lại chị.

Tại bản án sơ thẩm số 04/2012/DSST ngày 10/05/2012, Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T. Buộc chị H và anh L phải trả bà T số tiền nợ gốc là 3.451.925.000 đồng và tiền lãi là 557.334.456 đồng. Tổng cộng 4.029.259.446 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm chị H kháng cáo.

Bản án phúc thẩm số 22/2013/DSPT ngày 29/05/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Tại bản dân sự sơ thẩm số 04/2017/DSST ngày 29/5/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên đã quyết định:

Áp dụng Điều 471; Điều 474; Điều 476; Điều 478; Khoản 2 điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Thông tư liên tịch số 01 ngày 19/6/1997 của TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản. Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/2/2009 của UBTVQH.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vũ Thị T.

Buộc chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L có trách nhiệm trả bà Vũ Thị T số tiền nợ gốc còn lại là: 1.749.925.000 VNĐ và tiền lãi tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là: 1.049.556.775 VNĐ. Cộng cả gốc và lãi chị H, anh L phải trả bà T là: 2.799.481.775 VNĐ.

Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 08/06/2017, chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 12/06/2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hưng Yên kháng nghị bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên sửa bán án sơ thẩm. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả nguyên đơn số tiền gốc là 3.451.925.000đồng và tiền lãi của số tiền nợ gốc trên tính đến thời điểm xét xử 29/5/2017.

Tại phiên tòa hôm nay: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên giữ nguyên quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hưng Yên Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Chị H xuất trình 01 tờ giấy ghi bà T đã nhận số hàng trị giá 24.650.000 đồng. Đề nghị Tòa án trừ vào số nợ.

Bà T khẳng định chưa nhận số hàng trên vì không có hóa đơn xuất hàng và trên thực tế chị H chưa giao hàng cho bà. Thừa nhận những con số ghi tại bút lục 200 thể hiện 1150, 795 là viết tắt của số tiền nợ gốc 1.150.000.000 đồng, 795.000.000 đồng; số 236.650 và 353.290 là viết tắt của số tiền lãi 236.650.000 đồng và 353.290.000 đồng, cộng thêm vay mới bằng 2.564.920.000 đồng, được viết vào giấy vay tiền ngày 09/11/2009 là 2.639.000.000 đồng. Số tiền này chị H đã trả bà xong.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên thể hiện quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Từ khi thụ lý phúc thẩm vụ án và tại phiên tòa hôm nay Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và thư ký đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về đường lối giải quyết vụ án: Quá trình Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án, các đương sự đều xác định: ngày 06/04/2010, vợ chồng chị H, anh L có viết giấy biên nhận vay của bà T số tiền 3.690.000.000đồng là có thật. Chị H xuất trình một số giấy tờ trong đó ghi những con số và giải trình chứng minh số tiền 3.690.000.000đồng là tổng số gốc và lãi của các khoản vay của chị với bà T trước đó. Những chứng cứ chị H cung cấp cùng nội dung giải trình còn nhiều mâu thuẫn, thể hiện thời gian khác nhau, không có sự nối tiếp, không thể hiện sự logic. Do vậy, không có căn cứ xác định số tiền 3.690.000.000đồng là khoản tiền gồm cả gốc và lãi cộng dồn từ những khoản vay trước.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của VKSND thành phố Hưng Yên: sửa bán án sơ thẩm theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc chị H và anh L có trách nhiệm trả bà T số tiền gốc là 3.451.925.000 đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật tính từ ngày 02/11/2010 đến thời điểm xét xử.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng. Trên cơ sở xem xét đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Tại giấy biên nhận ngày 09/11/2009 thể hiện chị Nguyễn Thị Thu H vay bà Vũ Thị T số tiền 2.639.000.000đồng hẹn từ 25/11/2009 đến 15/12/2009 sẽ trả; giấy biên nhận ngày 06/04/2010 có nội dung chị H và anh L có mượn của bà T số tiền 3.690.000.000 đồng hẹn đến ngày 06/07/2010 trả tiền.

Bà T cho rằng số tiền 2.639.000.000 đồng và 3.690.000.000 đồng ở hai giấy biên nhận không liên quan đến nhau. Ngày 15/12/2009 chị H đã trả bà 2.639.000.000 đồng tiền gốc của giấy biên nhận ngày 09/11/2009 còn nợ tiền lãi là 145.000.000 đồng. Đến ngày 06/04/2010 bà tiếp tục cho chị H và anh L vay số tiền 3.690.000.000đồng.

Chị H khẳng định số tiền 3.690.000.000 đồng mà vợ chồng chị viết trong giấy nhận nợ ngày 06/4/2010 với bà Vũ Thị T thực chất là tiền gốc và tiền lãi của khoản vay ngày 09/11/2009 là 2.639.000.000đồng. Ngày 06/04/2010 bà T tính tổng hai khoản và yêu cầu chị viết giấy nhận nợ.

[2]. Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ (08 tờ giấy bản chính ghi cụ thể việc vay và thanh toán tiền giữa bà T và chị H tại các bút lụ 255, 256 và từ 259 đến 263 tương ứng với các bút lục từ 47 đến 52, bút lục 55, 56, 57 bản pho to) thể hiện: trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2010 chị H có vay tiền của bà T nhiều lần. Khi vay bà T ghi nợ vào giấy đồng thời ghi số tiền lãi từng lần đã thanh toán của các khoản vay. Lãi suất tiền vay được tính theo ngày với mức 1.500đ/triệu/ngày; 3.000đ/triệu/ngày, 5.000đ/triệu/ngày.

Mức lãi suất trên được bà T thừa nhận tại bút lục 173: “...tiền lãi của số tiền 3.690.000.000 đồng x 3.000đ/triệu/ ngày”; bút lục 174: “...năm 2009 có cho chị H vay 2.639.000.000đồng lãi suất 1.500đ//triệu/ ngày”. Phù hợp với tài liệu tại các bút lục 259, 260, 261 thể hiện tiêu đề ghi thanh toán Hằng từ 01/01/2009: vay 795.000.000 x 3. Tính đến 26/3 là 85 ngày = 202.725.000đồng tiền lãi bằng 3.000đồng/1 triệu/1 ngày (795.000.000 đồng x 0.3%  x  85 ngày);  ngày 25/04/2009 vay 260.000.000đ đến 29/05/2009 = 34 ngày = 44.200, tại phần ghi tổng số (cộng các khoản lãi 44.200 được ghi là 44.200.000đồng).

Tại bút lục số 262 thể hiện từ 14/7/09 đến 19/09/09 ghi các chữ số: 1.150.000.000đồng , 67 ngày, 385.250; 795.000.000 , 67 ngày, 159.800. Cộng bằng: 547.390 – 194.100 ( là các khoản tiền lãi được trả tính từ 01/08/2009 đến 18/9/2009) = 353.290.

Đối chiếu với bút lục 259, 260 và các bản ghi tiền gốc và lãi khác thể hiện các con số được viết tắt. 1.150.000.000đồng được viết là 1.150; 795.000.000 được viết tắt là 795. Như vậy lãi suất của 1.150.000.000đồng , 67 ngày, 385.250 (tức 385.250.000 đồng ) là: 1.150.000.000 đồng x 0.5% x 67 ngày = 385.250.000 đồng; lãi suất của 795.000.000, 67 ngày , 159.800 (tứ 159.800.000đ) là 795.000.000đồng x 0.3 % x 67 ngày = 159.800.000đồng.

Bà T thừa nhận những con số trên là do bà viết nhưng không giải trình được và cho rằng những con số đó không có ý nghĩa gì. Chị H khẳng định tài liệu chị xuất trình là một số giấy ghi nợ và thanh toán các khoản vay giữa chị và bà T mà chị còn lưu giữ.

Như vậy, có cơ sở xác định: giữa chị H và bà T có thiết lập hợp đồng vay tài sản, lãi suất the thỏa thuận là 1.500đ/triệu/ngày; 3.000đ/triệu/ngày, 5.000đ/triệu/ngày từ năm 2007. Từng lần vay tiền bà T viết vào giấy, số tiền gốc được vay nhiều lần và tiền lãi không trả theo từng lần vay, mà có lần trả đượ gốc, không trả được lãi và ngược lại có lần trả được lãi, không trả được gốc nên có việc cộng gối nhau nợ gốc và lãi. Tuy giấy tờ thanh toán nợ chị H lưu giữ chưa đầy đủ, không liên tục về thời gian nhưng vẫn có sự logic và phù hợp với nhau là cơ sở để xem xét số tiền nợ gốc.

Với lãi suất của 1.150.000.000 đồng là 5.000 đồng/triệu/ngày và 795.000.000 đồng là 3.000đồng/triệu/ngày cộng với khoản vay mới 30.000.000 đồng, trừ đi tiền lãi đã trả tính đến ngày 9/11/2009 chị H viết giấy nhận nợ là 2.639.000.000đ và đến ngày 06/04/2010 bằng 3.690.000.000 đồng. Đối chiếu chữ viết tay của bà T tại các bút lục số 259, 260, 261, 262, 263 với giải trình của chị H là phù hợp. Tại bút lục số 263 còn thể hiện việc tính lãi của số tiền 3.690.000.000đồng từ ngày vay 06/4/2010 đến 05/06/2010 bằng 3.690.000.000đồng x 3 x 60 ngày = 664.200.000 đồng tiền lãi.

Bà T cho rằng số tiền 2.639.000.000đồng chị H đã trả bà vào ngày 15/12/2009. Tuy nhiên, giấy nhận nợ ngày 09/11/2009 do bà T là người cho vay tiền giữ và xuất trình tại Tòa án. Về nguyên tắc khi vay tiền người cho vay sẽ giữ giấy nhận nợ, khi thanh toán người vay nợ sẽ lấy lại giấy hoặc hai bên phả có văn bản xác nhận về việc giao nhận trả tiền nợ. Bà T không xuất trình được chứng cứ chứng minh chị H đã trả số tiền trên, chị H không thừa nhận nên không có cơ sở chấp nhận.

Từ những phân tích trên đủ căn cứ xác định:

Khoản tiền trong giấy biên nhận ngày 09/11/2009 là 2.639.000.000 đồng và giấy biên nhận ngày 06/04/2010 là 3.690.000.000đồng không phải là tiền nợ gốc mà thực chất gồm cả nợ gốc và nợ lãi cộng lại.

Các con số tại bút lục số 262 thể hiện ghi từng ngày chị H trả lãi và tính lãi trên nợ gốc. Theo tài liệu này thì đến ngày 19/8/2009 chị H còn nợ bà T 1.945.000.000 đồng (1.150.000.000 đồng + 795.000.000 đồng). Đến ngày 09/11/2009 số tiền chị H nợ bà T là 1.988.000.000đồng (BL 388).

[3]. Về tiền lãi:

Do các khoản vay từ 01/01/2009 đến 09/11/2009 không xác định rõ lãi suất, các bên không xác định rõ thời gian trả nợ. Giấy biên nhận tiền ngày 09/11/2009, ngày 06/04/2010 ghi thời hạn trả nợ là ngày 06/07/2010. Đến hạn chị H không trả được nợ và tiếp tục có nhiều lần cam kết gia hạn trả nợ, lần cam kết trả nợ cuối cùng là ngày 02/11/2010. Do đó từ ngày 01/01/2009 đến ngày 02/11/2010 sẽ áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 về lãi suất: “... 2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.

Căn cứ vào giấy ghi vay nợ bản chính, quan hệ vay nợ giữa chị H và bà T phát sinh từ ngày 01/01/2009. Từ 01/01/2009 đến ngày 09/11/2009 số tiền nợ gốc là 1.150.000.000đ + 795.000.000đ = 1.945.000.000đồng. Theo Quyết định số 172/QĐ-NHNN ngày 01/02/2009 và Quyết định số 2459/QĐ-NHNN ngày 28/10/2009 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 7%/năm. Tiền lãi = (1.945.000.000đ x 7%) : 360 ngày x 10 tháng 8 ngày = 116.483.888 đồng.

Từ ngày 10/11/2009 đến ngày 01/05/2010 số tiền nợ gốc là 1.988.000.000đ. Áp dụng lãi suất theo Quyết định 2665/QĐ-NHNN ngày 25/11/2009 mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm. Số tiền lãi là (1.988.000.000đ x 8%): 360 ngày x 05 tháng 21 ngày = 75.544.000 đồng

Từ 02/05/2010 đến 02/11/2010 số tiền nợ gốc là 1.988.000.000đ – 213.075.000đ ( chị H trả vào tháng 5/2010) = 1.774.925.000đồng. Áp dụng lãi suất theo Quyết định số 1011/QĐ-NHNN ngày 27/04/2010 mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm. Số tiền lãi là: (1.774.925.000đ x 8%):  360 ngày x 06 tháng = 70.997.000đồng.

Từ ngày 03/11/2010 là ngày tiếp theo ngày chị H cam kết trả nợ nhưng không thực hiện. Bởi vậy, chị H phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng theo quy định tại Khoản 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự 2005.

Tại Khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “ Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Do đó cần áp dụng mức lãi suất theo quy định tại Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 để đảm bảo quyền lợi cho bà T. Cụ thể:

Từ ngày 03/11/2010 đến ngày 04/11/2010 số tiền nợ gốc là 1.774.925.000đồng. Áp dụng lãi suất theo quyết định số 1011/QĐ-NHNN ngày 27/04/2010 mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm x 150% = 12%/ năm. Số tiền lãi là: (1.774.925.000đ x 12%): 360ngày = 591.600đồng

Từ ngày 05/11/2010 đến 30/11/2010 số tiền nợ gốc 1.774.925.000đ. Áp dụng lãi suất theo quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 05/11/2010, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm x 150% = 13,5%/ năm. Số tiền lãi là: (1.774.925.000đ x 13,5%): 360ngày x 25ngày = 16.639.900đồng.

Từ ngày 01/12/2010 đến ngày 29/05/2017. Số tiền gốc là 1.774.925.000đ- 25.000.000đ (chị H trả vào tháng 12/2010)= 1.749.925.000đ. Áp dụng lãi suất theo quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 05/11/2010, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm x 150% = 13,5%/ năm. Số tiền lãi là: 1.749.925.000đ x 13,5%) : 360ngày x 06 năm 05 tháng 29 ngày = 1.554.589.621đồng

Tổng lãi từ 01/01/2009 đến ngày xét xử sơ thẩm là: 1.834.846.000 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời điểm bắt đầu tính lãi từ ngày 01/11/2010 và không tính lại số tiền lãi suất cao mà chị H đã trả là trái quy định tại Khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.

Theo Quyết định số 172/QĐ-NHNN ngày 01/02/2009 đến quyết định số 2459 QĐ-NHNN ngày 28/10/2009, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 7%/năm; Quyết định 2665/QĐ-NHNN ngày 25/11/2009 mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm; quyết định 2619/QĐ-NHNN ngày 05/11/2010 mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm

Trong vụ án này giấy vay tiền không ghi lãi suất bao nhiêu %. Và thực tế, lãi suất được tính là 1.500đ/triệu/ngày, 3.000đ/triệu/ngày, 5.000đ/triệu/ngày. Việc thỏa thuận mức lãi suất như trên đã vượt quá 13,5%/ năm nên đã vi phạm pháp luật dân sự về việc áp dụng lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự nói trên. Khi có tranh chấp xảy ra, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Do đó tiền lãi đã trả sẽ được tính lại.

Từ 01/01/2009 đến 05/03/2009 chị H đã trả bà T số tiền lãi là: 122.000.000 đồng (BL 261); từ 25/04/2009 đến 29/05/2009 trả lãi 171.000.000đồng (BL 259); từ 01/8/2009 đến 18/09/2009 trả lãi 194.100.000đồng; từ 21/9/2009 đến 30/10/2009 trả lãi 96.900.000đồng. Cộng bằng: 584.000.000đồng.

Số tiền lãi chị H phải trả bà T là 1.834.846.000 đồng -584.000.000đồng = 1.250.846.000đ. Cộng tổng cả gốc và lãi là: 3.000.771.000đồng

Tại phiên tòa chị H xuất trình 01 tờ giấy liệt kê một số hàng hóa trị giá 24.650.000 đồng, không ghi ngày tháng, không có căn cứ để xác định thời điểm bà T nhận số hàng nên không có cơ sở xem xét.

[4]. Chị H cho rằng ngày 15/07/2010 đã trả bà T số tiền 3.300.000.000 đồng. Thể hiện bằng những con số bà T ghi: 3.690.000.000 + 1.775= 5.465 - 3.300 = 2.165 (BL số 34) . Mặc dù, đây là những con số do bà T trực tiếp tính và viết ra nhưng sau đó chị H không trả tiền. Đến ngày 28/8/2010 và ngày 02/09/2010 chị H vẫn viết cam kết nợ bà T: 3.690.000.000 đồng nên không có cơ sở chấp nhận.

Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận khoản 400.000.000 đồng chị H khai chuyển vào tài khoản của chị Nguyễn Thị Mai H (con dâu bà T) là có căn cứ.

Đối với số tiền 1.600.000.000đồng chị H vay để giải chấp căn nhà đường G, phường H, thành phố C, tỉnh Hưng Yên tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Đ đang được Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xem xét trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên không đặt vấn đề giải quyết trong vụ án này.

Từ những căn cứ trên không có cơ sở chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố C. Chấp nhận một phần kháng cáo của chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L.

Do cấp phúc thẩm sửa bản án nên chị H, anh L không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự. Không chấp nhận kháng nghị của VKSND thành phố C; chấp nhận một phần kháng cáo của chị Nguyễn Thị Thu H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Ngô Đức L. Sửa bản án sơ thẩm

Áp dụng Điều 471, Điều 474, Điều 476, Điều 478, Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 688 BLDS năm 2015; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vũ Thị T.

Buộc chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L phải trả bà Vũ Thị T số tiền nợ gốc là: 1.749.925.000 đồng và tiền lãi tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là: 1.250.846.000 đồng. Cộng tổng cả gốc và lãi là: 3.000.771.000đồng (Ba tỷ, bảy trăm bảy mươi mốt ngàn đồng chẵn).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn đề nghị hợp pháp, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Bên phải thi hành không thi hành khoản tiền trên thì phải chịu lãi theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: bà Vũ Thị T phải chịu 63.060.000 đồng án phí DSST. Đối trừ số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm bà T đã nộp 26.450.000 đồng theo biên lai thu số 001619 ngày 03/08/2011 của Chi cục THA dân sự thành phố C. Bà T còn phải nộp 36.610.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L phải chịu 92.015.420 đồng án phí dân sự sơ thẩm

Án phí phúc thẩm: Chị Nguyễn Thị Thu H và anh Ngô Đức L không phải chịu án phí phúc thẩm dân sự. Hoàn trả chị H, anh L số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 002842 ngày 19/06/2017 và biên lai số 002877 ngày 27/7/2017 của Chi cục THADS thành phố Hưng Yên.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

584
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2017/DSPT ngày 05/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:21/2017/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về