Bản án 211/2017/HS-PT ngày 22/08/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 211/2017/HS-PT NGÀY 22/08/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Vào ngày 22 tháng 08 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 187/2017/HS-PT ngày 19/5/2017 đối với bị cáo Phạm Văn L về tội “Giết người”. Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 16/2017/HS-ST ngày 12/04/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Phạm Văn L, sinh ngày 17/01/1985; Nơi ĐKNKTT: Xã P, huyện Đ, tỉnh Q; Tạm trú ở: Đường T, phường T, quận T, TP. Đà Nẵng; Trình độ văn hóa: 03/12; Nghề nghiệp: Buôn bán; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông Phạm V (s) và bà Trần Thị B (s); Có vợ là Vũ Thị T và có 02 con: con lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2009; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị cáo bị bắt giam ngày 28/10/2016 (có mặt).

- Người bị hại: Bà Vũ Thị T, sinh năm 1984; Nơi ĐKNKTT: Xã H, huyện T, tỉnh Thanh Hóa; Tạm trú tại: Đường T, phường T, quận T, TP. Đà Nẵng (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Lê Hữu P là Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV HP và cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng bào chữa cho bị cáo theo chỉ định của Tòa án (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Khoảng 01 giờ 00 phút sáng ngày 18/10/2016, tại số nhà Đường T, phường T, quận T, TP. Đà Nẵng do ông Nguyễn Duy P làm chủ sở hữu, cho vợ chồng Phạm Văn L và Vũ Thị T thuê ở và bán hủ tiếu, sau khi nghỉ bán và dọn dẹp xong, chị Vũ Thị T vào trong phòng ngủ, còn Phạm Văn L do nghi ngờ vợ ngoại tình nên đi mua bia về tại phòng bếp để uống và nghe nhạc. Đến khoảng hơn 04 giờ 00 phút sáng cùng ngày, chị T thấy L vẫn còn uống bia nên có nói với L đi nghỉ ngơi thì giữa L và chị T xảy ra mâu thuẫn cãi nhau về chuyện tình cảm vợ chồng. Do bực tức nên chị T dọa sẽ bỏ về quê thì L nghĩ chị T muốn đi theo người khác nên giữa hai bên tiếp tục cãi vả, to tiếng và giằng co với nhau. Sau đó, chị T bỏ đi vào phòng ngủ của hai đứa con lấy quần áo bỏ ra chiếc chiếu dưới nền nhà và dọa sẽ bỏ đi, thì lúc này L có nói với chị T: “Bà mà đi là tôi giết bà và tự tử luôn, chết thì chết chung”, vừa nói xong L quay ra trước phòng lấy 01 con dao bằng kim loại màu trắng, dài khoảng 25cm, cán nhựa màu đen, để trong tủ bán hủ tiếu rồi quay vào phòng ngủ xô ngã chị T xuống chiếu, tay trái nắm tóc áp sát đầu chị T (ở tư thế mặt của L đối diện với mặt của chị T) vào tường, còn tay phải cầm dao cắt một nhát vào vùng cổ chị T theo một đường ngang từ phải qua trái làm cổ chị T chảy máu nhiều, còn tư thế của L ngồi quỳ, một đầu gối chạm nền nhà. Lúc này chị T vùng vẫy, phản kháng và dùng chân đạp mạnh vào L khiến L ngã, chị T thoát ra ngoài. Sau đó, L thấy chị T máu trên cổ chảy ra nhiều và dùng tay bịt vết thương nên L nghĩ chị T sẽ chết, do đó L dùng con dao mà đã cắt cổ chị T, tự cắt vào cổ của L 02 nhát và bất tỉnh. Sau đó, được người dân gần đó đưa vợ chồng Phạm Văn L và Vũ Thị T đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.

Tại Bản kết L giám định pháp y về thương tích số: 310/TgT ngày 21/11/2016 của Trung tâm Giám định Pháp y Đà Nẵng kết L: Vết thương vùng cổ (bên trái) gây đứt cơ ức đòn chủm trái đã điều trị phẫu thuật khâu nối cơ. Hiện tại tổn thương bên ngoài đã lành sẹo, vận động cổ còn đau và hạn chế nhẹ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 12%.

* Tại bản án hình sự sơ thẩm số 16/2017/HS-ST ngày 12/4/2017, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

Tuyên bố: Phạm Văn L phạm tội “Giết người”.

Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 52 Bộ luật hình sự 1999; Nghị quyết số 144/2016/QH13; khoản 3

Điều 7 và điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt: Phạm Văn L 08 (Tám) năm tù. Thời gian thụ hình tính từ ngày bắt giam 28/10/2016.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/4/2017, bị cáo Phạm Văn L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Vì bị cáo nhận thấy mức án trên là quá nặng đối với hành vi của bản thân.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn L giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Tại giai đoạn phúc thẩm Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực hiện và tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về nội dung: Sau khi phân tích tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, hậu quả của tội phạm, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo.

Lời bào chữa của luật sư đối với hành vi phạm tội của bị cáo là thống nhất với tội danh và điều luật mà cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo. Tuy nhiên, luật sư cho rằng hành vi của bị cáo không có tính chất côn đồ, do người bị hại là vợ của bị cáo có những lời lẽ xúc phạm nên làm cho bị cáo bị bức xúc dẫn đến hành vi phạm tội. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, mẹ của bị cáo là bà Trần Thị B đã bồi thường thêm 5.000.000đ cho người bị hại. Đây là tình tiết mới nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo.

Kiểm sát viên vẫn bảo vệ quan điểm đề nghị áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự, vì trong đời sống vợ chồng việc mâu thuẫn nhỏ, có lời qua tiếng lại xung đột nhau là chuyện bình thường, người bị hại không có hành vi gì trái pháp luật đối với bị cáo do vậy hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ một duyên cớ nhỏ nhặt dẫn đến phạm tội. Tuy nhiên, do là quan hệ vợ chồng, hậu quả thương tích chỉ 12%, bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, gia đình bị cáo đã bồi thường thêm và người bị hại kháng cáo tha thiết đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, luận cứ bào chữa của luật sư, lời khai của bị cáo, người bị hại và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Xuất phát từ sự nghi ngờ thiếu căn cứ của bị cáo Phạm Văn L. Sau khi đã sử dụng bia rượu, bị cáo đã có lời nói đe dọa sẽ giết vợ là chị Vũ Thị T, bị cáo đã có hành động dùng dao cắt cổ chị T, gây đứt cơ ức đòn chùm chân trái phải phẫu thuật khâu nối cơ, tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 12%. Bị cáo nhầm tưởng chị T sẽ chết nên đã dùng dao cắt cổ mình để tự sát nhưng đã được mọi người đưa đi cấp cứu và cứu sống cả hai người. Về mặt chủ quan của tội phạm thì hành vi của Phạm Văn L đã thể hiện rõ hành vi giết người, nguyên cớ dẫn đến hành vi giết chị T của bị cáo là rất nhỏ nhặt, chỉ là mâu thuẫn vợ chồng bình thường trong cuộc sống, do vậy việc cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ” là đúng pháp luật, việc chị T sống là nhờ được cấp cứu kịp thời nên hậu quả chết người chưa xảy ra.

Với tính chất hành vi, hậu quả nêu trên, tại bản án sơ thẩm số 16/2017/HS-ST ngày 12/4/2017 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã xét xử bị cáo Phạm Văn L về tội giết người với tình tiết tăng nặng định khung “có tính chất côn đồ” và xử phạt bị cáo 8 năm tù là đúng pháp luật, tương xứng với hành vi pham tội.

Tuy nhiên, xét bị cáo và người bị hại là vợ chồng, bản thân bị cáo nhân thân tốt, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tác động gia đình bồi thường dân sự, gia đình bị cáo có công cách mạng, có bố là thương binh nặng, thương tật 4/4, bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hậu quả do bị cáo gây ra cho bị hại chỉ tổn hại 12% sức khỏe, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Mặt khác, xét hình thức về hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ, song xét về bản chất bản thân bị cáo là người lao động, làm ăn lương thiện, chỉ nhất thời phạm tội. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo đã nộp bổ sung đơn xin giảm nhẹ hình phạt, được tổ dân phố và một số người dân trong khu dân cư xác nhận và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, người bị hại là chị Vũ Thị T tiếp tục xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trên cơ sở tình tiết mới và xét điều kiện cụ thể của vụ án, như đã phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm phần quyết định về hình phạt đối với bị cáo.

Do được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Đối với các quyết định khác về xử lý vật chứng, án phí sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ nêu trên,

Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 248, Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 1999. Nghị quyết số 144/2016 của Quốc hội 13, khoản 3 Điều 7 và điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn L 07 năm tù về tội “Giết người”. Thời gian chấp hành hình phạt kể từ ngày bắt bị cáo giam (28/10/2016)

2. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Bị cáo Phạm Văn L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác về xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

310
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 211/2017/HS-PT ngày 22/08/2017 về tội giết người

Số hiệu:211/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về