TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 207/2020/DS-PT NGÀY 30/03/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ VÀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Trong các ngày 17 và ngày 30 tháng 3 năm 2020 tại Phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số:16/2020/TLPT-DS, ngày 06 tháng 01 năm 2020, về việc: “Tranh chấp về hợp đồng dịch vụ và hợp đồng vay tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số:460/2019/DS-ST ngày 21/11/2019 và Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số:180/2019/QĐ-DS ngày 25/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số:392/2020/QĐ-PT ngày 10/02/2020, Quyết định hoãn phiên tòa số:1689/2020/QĐ-PT ngày 03/3/2020 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm số:2407/2020/QĐ - PT ngày 17/3/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa:
1.Nguyên đơn: Ông A, sinh năm: 1971 (Có mặt).
Địa chỉ: Số 184 Đường Đ1, xã X, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Bị đơn: Bà B, sinh năm 1954 (Có mặt).
Địa chỉ: Số 79, Đường Đ2, xã X, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ông C, sinh năm 1978 (Có đơn xin vắng mặt).
3.2. Bà D, sinh năm 1983 (Vắng mặt).
3.3. Ông E, sinh năm 1952 (Vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Số 271/4 đường Đ2, xã X, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Người kháng cáo: Ông A - nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, sự việc được tóm tắt như sau:
Tại đơn khởi kiện ngày 27 tháng 02 năm 2018, biên bản hòa giải và tại phiên tòa nguyên đơn ông A trình bày: Tháng 04/2012, ông có nhận nấu đám cho bà B để nấu đám cưới cho con của bà B tên G với số bàn đặt là 28 bàn, với giá là 1.450.000 đồng/bàn, sau đó bà B đặt thêm 4 bàn nữa, tổng cộng là 32 bàn cùng với đơn giá là 1.450.000 đồng/bàn; tổng cộng số tiền nấu ăn cho cả đám tiệc là 46.400.000 đồng (Bốn mươi sáu triệu bốn trăm ngàn đồng). Thực hiện theo hợp đồng trên, cho đến tháng 6, ông đã nấu đám để tổ chức đám cưới cho con của bà B, quá trình nấu đám thì bà B yêu cầu ông nấu thêm 02 bàn nữa do khách đi đông. Như vậy, tổng cộng ông đã nấu đám hết 34 bàn, tính thành tiền là 34 bàn x 1.450.000 đồng = 49.300.000 đồng (Bốn mươi chín triệu ba trăm ngàn đồng). Khi tính tiền, bà B đã tự ý trừ của ông hết 10 bàn với lý do là lúc trước ông có mượn tiền của bà B nên nay tính cả vốn và lãi ông phải trả tiền tương ứng với số tiền của 20 bàn tiệc, nhưng nay bà B trừ trước là 10 bàn x 1.450.000 đồng = 14.500.000 đồng (Mười bốn triệu năm trăm ngàn đồng), còn 10 bàn bà B sẽ trừ trong lần ông nấu đám thứ 2. Ông có đồng ý trừ cho bà B nên có ghi nhận vào tờ giấy bản hợp đồng nhận nấu đám tiệc là trừ đi 10 bàn là 14.500.000 đồng (Mười bốn triệu năm trăm ngàn đồng) và ông gửi tiền đi đám là 400.000 đồng (Bốn trăm ngàn đồng). Như vậy, trong lần nấu đám lần đầu cho bà B, thì bà B còn thiếu ông số tiền là: 49.300.000 đồng - 14.500.000 đồng - 400.000 đồng = 34.400.000 đồng (Ba mươi bốn triệu bốn trăm ngàn đồng) bà B chưa trả.
Lần thứ 2: Bà B đặt ông nấu đám cưới cho con của bà B tên C để nấu đám vào ngày 10/10/2012. Vì mới nấu đám cho bà B xong nên lần này giữa ông và bà B chỉ trao đổi bằng miệng, bà B đặt 20 bàn, với đơn giá 1.600.000 đồng/bàn, tổng cộng thành tiền là: 20 bàn x 1.600.000 đồng = 32.000.000 đồng (Ba mươi hai triệu đồng).
Ngay sau khi bà B đặt ông nấu đám lần 2, bà B nhờ ông chở dùm bà B xuống Ngân hàng để bà B rút tiền trả cho ông. Sau khi bà B rút tiền xong, bà B có đưa cho ông số tiền là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) để trả tiền nấu ăn cho cả hai đám cưới. Nên ông đã ghi vào tờ giấy của Hợp đồng nhận nấu đám tiệc nội dung là ông có nhận của bà B số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) để bà B trả tiền đặt đám của cả hai đám cưới là 54 bàn, số tiền còn lại sẽ tính sau, và ông cũng xác định sẽ tiếp tục trừ tiền mà trước đây ông đã nợ bà B trong lần nấu đám lần thứ 2 là 10 bàn. Sau đó, ông và bà B cùng ký tên trên tờ giấy Hợp đồng nhận nấu đám tiệc để xác định nội dung giao dịch.
Sau khi nhận 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) do bà B đưa, bà B nói đám cưới lần thứ 2, ông chưa nấu, mà nay bà B đã đưa tiền cho ông, lỡ ông lật lọng không nấu nữa thì không được nên có yêu cầu ông viết tờ giấy nợ với nội dung là ông có nợ của con bà B tên D và H số tiền là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) nhưng không có ghi ngày tháng và không có chữ ký của người cho mượn tiền (Bản chính tờ giấy này do bà B giữ). Sau này bà D dựa vào tờ giấy này nên có đòi ông trả cho bà D 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng). Bà D cho người đến đòi nợ làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của ông nên ông phải trả số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) cho bà D thông qua bà B nhận thay (theo giấy mượn vàng, tiền). Như vậy về bản chất, ông chưa nhận được số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) do bà B đã trả tiền cho 02 lần nấu đám cưới của con bà B.
Riêng số tiền mà bà B cho rằng trước đây ông còn nợ tiền của bà B nên ông phải trừ 20 bàn tiệc để trả nợ thì nay ông không đồng ý trừ 20 bàn tiệc bà B đã đặt cho đám cưới để trả nợ bà B vì đúng là trước kia ông có mượn tiền của bà B, vụ việc đã được Tòa án xét xử, thời điểm bà B nói ông phải trừ 20 bàn tiệc để trả nợ cho bà B thì ông đồng ý do sự việc đã lâu nên ông không nhớ rõ, sau này ông đi trích lục lại bản án phúc thẩm số: 1264/2007/DS-PT ngày 15/11/2007 thì mới biết là giữa ông và bà B không có quan hệ nợ nần gì nhau.
Còn về số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) do con của bà B là ông C nhận của ông vào ngày 13/10/2017 là do bà B điện thoại nói ông cho bà B mượn, nên khi ông C đến ông giao tiền cho bà B thông qua ông C. Số tiền này không có lập thành văn bản về việc vay mượn tiền, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án tại Biên bản ghi nhận ý kiến các đương sự ngày 03/8/2018, ông C đã thừa nhận là có lấy của ông 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) theo yêu cầu của bà B, và ông C có trình bày số tiền này là để ông trả cho khoản vay 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) do ông vay của bà B. Ông khẳng định số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) này là do ông C nhận dùm cho bà B vì trước đó bà B đã hỏi vay tiền của ông. Việc ông C trình bày số tiền đó là tiền để ông trả cho khoản vay 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) do ông vay của bà B là không đúng, vì ông đã trả nợ hết cho bà B theo giấy mượn vàng, tiền ngày 08/02/2018.
Nay ông yêu cầu bà B trả cho ông số tiền ông đã nấu 02 đám cho con của bà B là 81.300.000 đồng (Tám mươi mốt triệu ba trăm ngàn đồng), trong đó ông nấu đám lần đầu là 34 bàn x 1.450.000đồng/bàn = 49.300.000 đồng (Bốn mươi chín triệu ba trăm ngàn đồng) và nấu đám lần 2 là 20 bàn x 1.600.000 đồng/bàn = 32.000.000 đồng (Ba mươi hai triệu đồng).
- Yêu cầu bà B phải trả lại số tiền đã mượn của ông là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
Tổng cộng bà B phải trả cho ông là 91.300.000 đồng (Chín mươi mốt triệu ba trăm ngàn đồng).
Tại bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, bị đơn bà B trình bày:Bà có đặt ông A nấu đám cưới 02 lần, lần 1: Ngày 08/12/2013, đặt 25 bàn, mỗi bàn 1.400.000 đồng (Một triệu bốn trăm ngàn đồng); lần 2: Ngày 06/7/2014, đặt 10 bàn, mỗi bàn 1.400.000 đồng (Một triệu bốn trăm ngàn đồng). Bà đã trả đầy đủ tiền nấu đám cho ông A, không thiếu khoản nào cả.
Còn tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) ông C nhận, là do ông A trả nợ cho bà 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) trong số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) mà ông A mượn của bà. Số tiền 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng) còn lại, ông A cũng đã trả hết. Bà không có nợ tiền nên không đồng ý yêu cầu của A.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 460/2019/DS - ST ngày 21-11-2019 của Tòa án nhân dân huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử:
Bác yêu cầu của ông A về việc yêu cầu bà B phải trả cho ông A tiền nấu đám tiệc là 81.300.000 đồng (Tám mươi mốt triệu ba trăm nghìn đồng), trong đó gồm: Tiền nấu đám tiệc lần đầu là 49.300.000 đồng (Bốn mươi chín triệu ba trăm nghìn đồng) và tiền nấu đám tiệc lần 2 là 32.000.000 đồng (Ba mươi hai triệu đồng).
Bác yêu cầu của ông A về việc yêu cầu bà B phải trả cho ông số tiền đã mượn là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự và quy định về thi hành án.
Ngày 06/12/2019, ông A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp vụ án.
Nguyên đơn ông A kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm với những lý do:
Về tố tụng:
Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập bà G, ông I và ông H vào tham gia tố tụng, vì bà B đặt tiệc nấu đám cưới cho con của bà B là bà G, ông I và số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) ông cho bà B vay, chứ không phải ông trả nợ cho ông H.
Về nội dung:
Yêu cầu chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông, buộc bà B phải trả cho ông 91.300.000 đồng (Chín mươi mốt triệu ba trăm ngàn đồng).
Bị đơn bà B không đồng ý yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông C có đơn xin xét xử vắng mặt. Bà D và ông E vắng mặt.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu:
Từ khi thụ lý vụ án cho đến khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thực hiện đúng theo trình tự của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Các đương sự chấp hành đúng theo quy định của phát luật.
Về tố tụng: Nguyên đơn ông A kháng cáo yêu cầu đưa bà G, ông I và ông H tham gia tố tụng. Xét, bà G, ông I và ông H không liên quan đến vụ án nên không cần thiết phải đưa bà G, ông I và ông H vào tham gia tố tụng nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo phần này của ông A.
Về nội dung:
Nguyên đơn đòi bị đơn phải trả hai khoản tiền: Tiền đặt nấu tiệc cưới và khoản tiền vay.
Đối với khoản tiền nấu tiệc đám cưới cho con của bà B, bà B cho rằng đã trả cho ông A nhưng bà B không có chứng cứ chứng minh nên buộc bà B phải trả cho ông A 60.500.000 đồng (Sáu mươi triệu năm trăm ngàn đồng). Đối với số nợ 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). Thực tế nguyên đơn có nợ bị đơn 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) và bị đơn cho rằng đã đã cấn trừ nợ. Do đó bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải trả nợ 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). Từ nhận định trên nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền 60.500.000 đồng (Sáu mươi triệu năm trăm ngàn đồng), sửa án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng, tranh luận và ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tòa án đã triệu tập hợp lần thứ hai nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông C có đơn xin xét xử vắng mặt, bà D và ông E vẫn vắng mặt. Căn cứ vào khoản 2 và khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt những người này.
[2] Nguyên đơn ông A kháng cáo yêu cầu đưa bà G và ông I vào tham gia tố tụng. Theo ông A khai, tháng 04/2012, bà B đặt ông nấu tiệc cưới cho con gái của bà B là bà G và con rể là ông I; Đối với số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), ông A khai ngày 13/10/2017 ông cho bà B vay, chứ không phải ông trả nợ cho ông H. Do vậy, phải đưa những người này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự thống nhất khai nhận, bà B là người trực tiếp thỏa thuận với ông A về việc nấu tiệc cưới cho con của bà B là bà G và ông I, chứ bà G và ông I không giao dịch đặt ông A nấu tiệc cưới nên không cần thiết phải đưa bà G và ông I vào tham gia tố tụng. Do đó, kháng cáo phần này của ông A là không có cơ sở chấp nhận.
[3] Đối với kháng cáo yêu cầu bà B trả tiền nấu tiệc cưới là 81.300.000 đồng (Tám mươi mốt triệu ba trăm ngàn đồng).
[3.1] Ông A khai năm 2012, ông có nhận nấu tiệc cưới cho con của bà B 02 lần, tổng cộng 81.300.000 đồng, cụ thể: Lần 1: Tháng 04/2012, đặt 34 bàn, giá 1.450.000 đồng/bàn, tổng cộng là 49.300.000 đồng; Lần 2: Ngày 10/10/2012 đặt 20 bàn, giá 1.600.000 đồng/bàn, tổng cộng 32.000.000 đồng.
[3.2] Bà B xác định ngày 08/12/2013 bà B có đặt ông A nấu tiệc cưới cho con gái của bà B, đặt 25 bàn, mỗi bàn 1.400.000 đồng, tổng cộng 35.000.000 đồng. Ngày 06/7/2014, bà B tiếp tục đặt ông A nấu tiệc cưới cho con trai của bà B, đặt 10 bàn, mỗi bàn 1.400.000 đồng, tổng cộng 14.000.000 đồng. Như vậy, tổng cộng 02 lần đặt tiệc cưới là 49.000.000 đồng (Bốn mươi chín triệu đồng). Tuy nhiên, bà B cho rằng sau khi ông A nấu tiệc cưới xong, bà đã trả cho ông A 49.000.000 đồng (Bốn mươi chín triệu đồng).
[3.3] Xét thấy, nguyên bị đơn có sự khai nhận không thống nhất về thời gian đặt nấu tiệc cưới. Ông A không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho khai nhận tại mục [3.1] nêu trên. Trong khi, bà B không thừa nhận toàn bộ lời khai của ông A chỉ thừa nhận ông A có nấu tiệc cưới cho bà B như nêu tại mục [3.2]. Do đó, có cơ sở xác định, ông Thuốc đã 02 lần nấu tiệc cưới cho con của bà B, tổng cộng số tiền là 49.000.000 đồng (Bốn mươi chín triệu đồng).
[3.4] Bà B cho rằng đã trả số tiền 49.000.000 đồng (Bốn mươi chín triệu đồng) cho ông A nhưng không cung cấp chứng cứ chứng minh cho khai nhận của mình, ông A lại không thừa nhận có việc bà B đã trả số tiền này nên Hội đồng xét xử phúc thẩm, có cơ sở xác định bà B chưa trả số tiền 49.000.000 đồng (Bốn mươi chín triệu đồng) cho ông A. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của ông A là không đúng do đó, sửa bản án sơ thẩm buộc bà B có trách nhiệm trả cho ông A số tiền 49.000.000 đồng (Bốn mươi chín triệu đồng) là phù hợp.
[4] Đối với kháng cáo của ông A yêu cầu đưa ông H vào tham gia tố tụng do liên quan tới số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) và yêu cầu bà B trả số tiền vay 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
[4.1] Ông A khai, ngày 13/10/2017 ông cho bà B vay 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). Đôi bên không lập giấy vay tiền. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà B xác định có nhận của ông A 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) nhưng đây là số tiền ông A trả cho bà D và ông H đối với khoản nợ 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) mà ông A mượn của bà D và ông H.
[4.2] Xét thấy, ông A không thừa nhận khai nhận của bà B; bà B lại không cung cấp được chứng cứ chứng minh lời khai của mình. Do đó, có cơ sở xác định ngày 13/10/2017 bà B có nhận của ông A 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) nhưng chưa trả nên sửa bản án sơ thẩm về phần này buộc bà B phải có trách nhiệm trả cho ông A số tiền trên. Từ phân tích trên, kháng cáo yêu cầu đưa ông H vào tham gia tố tụng là không cần thiết nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của ông A.
[5] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông A, sửa bản án dân sự sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc bà B phải trả cho ông A số tiền 59.000.000 đồng, bao gồm: 49.000.000 đồng (tiền đặt nấu tiệc cưới + 10.000.000 đồng (số tiền vay) = 59.000.000 đồng.
[6] Về các nội dung khác đương sự không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[7] Về án phí:
[7.1] Án phí dân sự sơ thẩm: Do sửa án nên nghĩa vụ án phí sơ thẩm được xác định lại như sau: Ông A phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận. Bà B là người cao tuổi nên được miễn án phí.
[7.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Do chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông A nên hoàn lại án phí 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) cho ông A.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 148, khoản 2 Điều 308, Điều 309 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 518, khoản 2 Điều 520 và khoản 1 Điều 524 Bộ luật dân sự năm 2005;
Căn cứ Điều 463, khoản 1 Điều 466, Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;
Căn cứ Luật cao tuổi năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số:326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án;
Căn cứ Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông A.
2. Sửa một phần bản án sơ thẩm.
3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông A:
Buộc bà B phải có trách nhiệm trả cho ông A số tiền 59.000.000 đồng (Năm mươi chín triệu đồng). Trong đó gồm: 49.000.000 đồng (tiền đặt nấu tiệc cưới ) và 10.000.000 đồng (số tiền vay).
Kể từ ngày ông A có đơn yêu cầu thi hành án, trường hợp bà B chậm thực hiện thanh toán số tiền nêu trên thì bà B còn phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
4. Không chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn ông A đòi bà B trả số tiền nấu tiệc cưới là 32.300.000 đồng (Ba mươi hai triệu ba trăm ngàn đồng).
5. Án phí dân sự sơ thẩm: Bà B là người cao tuổi được miễn án phí; ông A chịu 1.615.000 đồng (Một triệu sáu trăm mười lăm ngàn đồng), được cấn trừ vào tiền tạm nộp án phí 2.282.500 đồng (Hai triệu hai trăm tám mươi hai ngàn năm trăm đồng) đã nộp theo Biên lai thu số: AA/2017/0032119 ngày 23/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông A còn được nhận lại 667.500 đồng (Sáu trăm sáu mươi bảy ngàn năm trăm đồng).
6. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông A không phải chịu, hoàn lại cho ông A 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số AA/2019/0083090 ngày 12/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bản án 207/2020/DS-PT ngày 30/03/2020 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ và hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 207/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/03/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về