Bản án 205/2017/DS-PT ngày 06/12/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 205/2017/DS-PT NGÀY 06/12/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong các ngày 21 tháng 11 và ngày 06 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý số 148/2017/TLPT-DS ngày 16 tháng 10 năm 2017 về việc: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 47/2017/DS-ST ngày 24/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 236/2017/QĐ-PT ngày 06 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị D, sinh năm: 1968. (Có đơn xin xét xử vắng mặt)

Địa chỉ: Khu phố C, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Nguyễn Thị D là: Bà CaoThị T, sinh năm: 1966. (Có mặt)

Địa chỉ: Khu phố T, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Kiên Giang.

- Bị đơn: Bà Dư Thị Thu L, sinh năm: 1979. (Có mặt)

Ông Phạm Văn A, sinh năm: 1976. (Có mặt) Cùng địa chỉ: ẤpT, xã M, huyện Đ, tỉnh Kiên Giang.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Đoàn Công T - Văn phòng luật sư Đoàn Công T thuộc Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang. (Có mặt)

- Người kháng cáo: Bị đơn bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Cao Thị T trình bày:

Bà với bà Dư Thị Thu L là chị em bạn dâu, do tình nghĩa nên khoảng thời gian năm 2015 - 2016 bà L có nhờ bà vay tiền dùm nhiều lần, mục đích bà L vay tiền là để đáo hạn ngân hàng và cho người khác vay lại để lấy lãi. Qua nhiều lần vay nợ bà L đã nhờ bà T vay tổng cộng số tiền là 450.000.000 đồng. Do đến hạn thanh toán, bà L không có tiền trả cho các chủ nợ nên bà đã chủ động vay tiền của bà D dùm bà L hai lần với số tiền 460.000.000 đồng, số tiền vay này để trả nợ thay bà L do trước đây bà đã vay nợ cho bà L. Sau khi trả nợ xong cho các chủ nợ, đến ngày 17/5/2016 bà yêu cầu bà L phải viết biên nhận nợ cho bà D số tiền 460.000.000 đồng.

Thực tế bà L vay số tiền gốc là 450.000.000 đồng nhưng do không có tiền lãinên bà T đã vay dùm của bà D cho bà L số tiền 460.000.000 đồng để dư ra10.000.000 đồng đóng lãi cho các chủ nợ. Việc vay tiền của bà D thì bà có nói cho bà L biết và bà L cũng đồng ý. Do đó, số tiền này bà L vay của bà D chứ không phải vay của bà.

Tại phiên tòa, bà T là đại diện theo ủy quyền của bà D yêu cầu bà L cùng chồng là ông Phạm Văn A phải thanh toán cho bà D số tiền gốc 460.000.000 đồng và yêu cầu tính lãi suất 1.125%/tháng tính ngày 17/5/2016 cho đến ngày xét xử sơ thẩm.

* Bị đơn trình bày ý kiến:

1. Bà Dư Thị Thu L trình bày: Bà thừa nhận giấy nhận nợ ngày 17/5/2016 là do bà viết với nội dung là bà có nợ bà Dung số tiền 460.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo bà L xác định, vào năm 2015 bà có nhờ bà T vay tiền nhiều lần, trong quá trình vay mượn bà có đưa tiền cho bà T để đóng lãi. Thực tế, số tiền vay này bà T vay của ai để đưa lại cho bà thì bà không biết. Vì các lần vay tiền đều do bà T vay tiền cho bà. Toàn bộ số tiền bà vay của bà T là để chơi hụi, cho vay lại để lấy lãi, đáo hạn ngânhàng và trả tiền mua phân bón thuốc trừ sâu để sản xuất nông nghiệp nhưng do bị giật hụi, giật nợ và làm ăn thua lỗ nên không trả tiền cho bà T.

Theo bà L xác định bà vay của bà T tổng cộng 05 lần, với tổng số tiền vay là410.000.000 đồng. Do bà không có tiền trả cho bà T nên bà T nói vay của người khác để trả nợ cho các chủ nợ. Số tiền bà T vay 460.000.000 để trả nợ gốc và lãi, trong đó nợ gốc là 410.000.000 đồng, còn nợ lãi bao nhiêu thì không biết. Sau đó, bà T kêu bà viết biên nhận nợ vay của bà D số tiền 460.000.000 đồng. Việc bà viết biên nhận là theo đề nghị của bà T chứ hoàn toàn bà không biết mặt bà D.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, nên bà L đề nghị khi nào bà bán được đất của gia đình bà thì bà sẽ trả nợ cho bà T. Còn lãi suất thì bà xin không trả lãi, vì không có khả năng.

2. Ông Phạm Văn A trình bày: Ông là chồng của bà Dư Thị Thu L việc vợ ông vay tiền của bà T như thế nào ông hoàn toàn không biết. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 7/2016 thì ông phát hiện vợ ông nợ bà T số tiền 460.000.000 đồng, từ đó ông đã trực tiếp thương lượng với bà T để xin phần lãi và xin trả dần 50.000.000 đồng/năm cho đến khi dứt nợ nhưng bà T không đồng ý.

Tại phiên tòa, ông An cho rằng bà T cho vợ ông vay tiền để làm gì ông khôngbiết nên ông không đồng ý trả số tiền này cho bà T.

* Tại bản án dân sự sơ thẩm số 47/2017/DS-ST ngày 24/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

Áp dụng các Điều 357, 463, 466 của Bộ luật dân sự; Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 326/2016/PL-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thông qua người đại diện theo ủy quyền là bà Cao Thị T.

Buộc bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A phải thanh toán cho bà Nguyễn Thị D số tiền gốc và lãi là 532.450.000 đồng. Trong đó, tiền gốc 460.000.000 đồng, tiền lãi 72.450.000 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí và báo quyền kháng cáo trong thời gian luật định.

* Ngày 07/8/2017, bà Dư Thị Thu L có đơn kháng cáo với nội dung: Bà đồng ý chịu trách nhiệm cá nhân trả nợ cho bà Cao Thị T số tiền gốc 451.467.000 đồng mà bà đã nợ và xin được miễn tiền lãi. Đề nghị Tòa án buộc chồng bà là ông Phạm Văn A có nghĩa vụ trả cho bà Cao Thị T 8.533.000 đồng do số tiền này sử dụng vào mục đích chung.

* Cùng ngày 07/8/2017, ông Phạm Văn A kháng cáo với nội dung: Phần nợ460.000.000 đồng mà bà L vay của bà Cao Thị T ông không hề hay biết, ông chỉ biết bà L vay số tiền 8.533.000 đồng trả tiền vật tư nông nghiệp mà ông còn thiếu nên ông đồng ý trả cho bà T số tiền 8.533.000 đồng và lãi suất, đồng thời, ông đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị D.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có ý kiến đề nghị HĐXX xem xét chia trách nhiệm trả nợ của bà L với ông A; mặt khác, bà L không vay tiền của bà D mà vay tiền của bà T nên bà L chỉ chịu trách nhiệm trả nợ cho bà T. Khi bà L vay tiền của bà T không có sự đồng ý của ông A, bà L cũng không phải là người đại diện của ông A nên việc vay nợ, trả nợ là trách nhiệm của bà L, không liên quan đến ông A.

Tại phiên tòa, bị đơn bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A có ý kiến đồng ý với đề nghị của Luật sư về chia trách nhiệm trả nợ cho bà T và xin miễn tiền lãi đối với số nợ vay.

Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Cao Thị T không đồng ý yêu cầu của bị đơn bà L, ông A. Bà T yêu cầu Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phát biểu quan điểm về việc tuân theo tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử ở giai đoạn phúc thẩm là đúng quy định pháp luật. Về nội dung, đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm theo hướng buộc trách nhiệm trả nợ gốc, lãi chung của vợ chồng bà L, ông A; sửa lãi suất vay theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 477 BLDS 2005 và giảm một phần án phí cho bị đơn.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện cácchứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, luật sư, nguyên đơn, bị đơn, HĐXX nhậnthấy:

[1] Trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm, tại đơn kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm, bà Dư Thị Thu L, ông Phạm Văn A và Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà L, ông A thừa nhận có nợ số tiền 460.000.000 đồng. Theo bà L, ông A cho rằng, số tiền này bà L nợ của bà Cao Thị T. Lý do bà L viết biên nhận nợ ghi nợ tiền của bà Nguyễn Thị D là vì bà L nghĩ bà T và bà D là cùng một người. Tuy nhiên, bà T thì cho rằng, số tiền này ông A, bà L không phải nợ bà mà nợ của bà Nguyễn Thị D vì bà L yêu cầu bà vay tiền dùm nên bà đã vay của bà D dùm cho bàL.

Xét lời khai của các đương sự, phát biểu của Luật sư HĐXX nhận thấy: Mặc dù giao dịch vay tiền chỉ được thực hiện giữa bà L với bà T, nhưng tại thời điểm viết biên nhận nợ thì các bên đã tự nguyện thỏa thuận và thống nhất chuyển giao quyền yêu cầu trả nợ, cụ thể: Bà T đã chuyển giao quyền yêu cầu bà L trả nợ cho bà D và đã được bà L đồng ý bằng việc viết biên nhận nợ thể hiện bà L nợ tiền bà D. Cho nên, căn cứ Điều 309 BLDS năm 2005 thì thỏa thuận này là phù hợp với quy định của pháp luật.

Mặt khác, bà L cũng xác định chữ viết, chữ ký trong biên nhận nợ đề ngày17/5/2016 do bà trực tiếp ghi và chính bà L cũng thừa nhận có nhờ bà T vay tiền dùm (BL 02, 46). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bà L, ông A phải trả nợ cho bà Dung là có căn cứ. Vì vậy, kháng cáo của bà L, ông A yêu cầu trả nợ cho bà T, không trả nợ cho bà Dung là không có cơ sở chấp nhận.

[2] Đối với yêu cầu kháng cáo của ông A, bà L và phát biểu của Luật sư về việc bà L tự chịu trách nhiệm cá nhân đối với số nợ vay, do bà L không được ông A cử làm đại diện trong việc vay nợ, HĐXX xét thấy: Số tiền bà L vay của bà D thể hiện tại biên nhận nợ về mặt thời gian là trong thời kỳ hôn nhân giữa bà L và ông A, mục đích vay tiền được ông A, bà L xác định là để đáo hạn Ngân hàng mà gia đình ông đã vay, cũng như trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tham gia hụi và cho vay lại để tăng thu nhập cho gia đình cho nên trường hợp này không thể áp dụng chế định đại diện như phát biểu của Luật sư. Tòa án sơ thẩm đã căn cứ Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình để tuyên buộc vợ chồng ông A, bà L phải có trách nhiệm trả nợ cho bà D là có cơ sở, đúng quy định pháp luật.

Ông An, bà L kháng cáo cho rằng đây là nợ riêng của bà L nhưng không đưa ra được chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ. Vì theo quy định khoản 2 Điều 91 BLTTDS: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”. Do đó, HĐXX không có cơ sở để xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông An, bà L.

[3] Về lãi suất: Bà L kháng cáo xin miễn phần lãi suất nhưng không được bà D chấp nhận nên Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bà L phải trả lãi suất đối với số tiền vay bà D là có căn cứ. Tuy nhiên, tại biên nhận nợ đề ngày 17/5/2016 thể hiện bà L có vay bà D số tiền 460.000.000 đồng, giao dịch dân sự này đã thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, do đó, căn cứ điểm c khoản 1, Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thì quan hệ tranh chấp vay tiền giữa bà D với bà L được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 (tức là BLDS năm 2005) để giải quyết.

Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 357, Điều 463, Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 để buộc các bên chịu lãi suất nhưng cách tính lãi lại căn cứ quy định tại Điều 471, Điều 474, Điều 476, Điều 478 Bộ luật dân sự năm 2005 là chưa thống nhất.

Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, bà T, bà L đều thống nhất xác định, khi vay tiền các bên không thỏa thuận thời hạn vay nên căn cứ khoản 2 Điều 477 Bộ luật dân sự năm 2005 thì bên vay chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ (tương đương với mức lãi suất 0.75%/tháng).

Theo đó, thời gian vay từ ngày 17/5/2016 đến ngày 24/7/2017 là 14 tháng. Số tiền lãi bà L phải thanh toán cho bà D cụ thể là:460.000.000 đồng x 0.75% x 14 tháng = 48.300.000 đồng. Tổng số tiền gốc và lãi bà L phải thanh toán cho bà D là:460.000.000 đồng + 48.300.000 đồng = 508.300.000 đồng.

[4] Về án phí: Tại phần nhận định Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà L, ông A phải chịu án phí có giá ngạch số tiền 25.298.000 đồng và chấp nhận cho ông A, L được miễn giảm án phí do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông A, bà L phải nộp án phí với số tiền 12.469.000 đồng, nhưng trong hồ sơ vụ án thể hiện bà L, ông A không có đơn xin miễn giảm án phí. Phần quyết định của bản án lại tuyên buộc bà L, ông A phải chịu án phí là 24.638.900 đồng. Như vậy, giữa phần nhận định và quyết định của bản án có mâu thuẫn; nhận định cho giảm án phí do có đơn trong khi đó quyết định lại tuyên buộc không giảm án phí; nhận định án phí có giá ngạch là 25.298.000 đồng trong khi đó quyết định chỉ tuyên buộc là 24.638.900 đồng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bà L, ông A có cung cấp bổ sung đơn xin miễn giảm án phí do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, có xác nhận của chính quyền địa phương, HĐXX xét thấy yêu cầu trên của đương sự là phù hợp với quy định của pháp luật nên căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án giảm cho ông A, bà L 50% tiền án phí.

Từ các sai sót nêu trên, cấp phúc thẩm cần thiết sửa án sơ thẩm về điều luật áp dụng, lãi suất và án phí.

Trong thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang; chấp nhận ý kiến của luật sư và chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A, sửa bản án dân sự sơ thẩm.

* Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A phải chịu án phí dân sự có giá ngạch với số tiền 508.300.000 đồng là: (20.000.000 đồng + 4% x (508.300.000 đồng – 400.000.000 đồng) = 24.332.000 đồng.

Do ông A, bà L có đơn xin miễn giảm án phí, vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, có xác nhận của chính quyền địa phương, cấp phúc thẩm chấp nhận giảm 50% tiền án phí cho ông A, bà L. Bà L, ông An còn phải chịu án phí với số tiền là12.166.000đ (Mười hai triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn đồng).

Bà Nguyễn Thị D không phải chịu án phí, hoàn trả cho bà D số tiền tạm ứng án phí 5.910.000 đồng (năm triệu chín trăm mười nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí mà người đại điện theo ủy quyền của bà Dung là bà Cao Thị T đã nộp theo biên lai thutiền số 0002995 ngày 17/01/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh KiênGiang.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Dư Thị Thu L, ông Phạm Văn A không phải chịu án phí. Hoàn trả cho bà L, ông A mỗi người 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí mà ông A đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009100 và biên lai thu tiền số0009101 ngày 07/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Kiên Giang.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 - Bộ luật tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 47/2017/DS-ST ngày 24/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Kiên Giang.

Áp dụng Điều 471, Điều 474, Điều 476, Điều 477 - Bộ luật dân sự năm 2005; Căn cứ Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình;

Căn cứ Điều 147, Điều 148 - Bộ luật tố tụng dân sự;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị D với bị đơn bàDư Thị Thu L và ông Phạm Văn A về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

[2] Buộc bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A phải thanh toán cho bà Nguyễn Thị D số tiền gốc 460.000.000 đồng và tiền lãi là 48.300.000 đồng, tổng cộng là508.300.000 đồng (năm trăm lẽ tám triệu ba trăm nghìn đồng).

[3] Kể từ ngày bà Nguyễn Thị D có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A không trả số tiền nêu trên, thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

[4] Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bà Dư Thị Thu L và ông Phạm Văn A phải chịu án phí dân sự có giá ngạch với số tiền 508.300.000 đồng là: (20.000.000 đồng + 4% x (508.300.000 đồng – 400.000.000 đồng) = 24.332.000 đồng.

Do ông A, bà L có đơn xin miễn giảm án phí, vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, có xác nhận của chính quyền địa phương, cấp phúc thẩm chấp nhận giảm 50% tiền án phí cho ông A, bà L. Bà L, ông An còn phải chịu án phí với số tiền là12.166.000đ (Mười hai triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn đồng).

Bà Nguyễn Thị D không phải chịu án phí, hoàn trả cho bà Dung số tiền tạm ứng án phí 5.910.000 đồng (năm triệu chín trăm mười nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí mà người đại điện theo ủy quyền của bà D là bà Cao Thị T đã nộp theo biên lai thu tiền số 0002995 ngày 17/01/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Kiên Giang.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Dư Thị Thu L, ông Phạm Văn A không phải chịu án phí. Hoàn trả cho bà L, ông A mỗi người 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí mà ông A đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009100 và biên lai thu tiền số0009101 ngày 07/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Kiên Giang.

[5] Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

484
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 205/2017/DS-PT ngày 06/12/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:205/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:06/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về