TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 203/2020/DS-PT NGÀY 17/09/2020 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÍNH MẠNG BỊ XÂM PHẠM
Ngày 17 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 215/2020/TLPT-DS ngày 10 tháng 8 năm 2020 về việc “Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 51/2020/DS-ST ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 191/2020/QĐ-PT ngày 18 tháng 8 năm 2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1973 (Có mặt).
2. Ông Nguyễn Trọng N1, sinh năm 1996 (Có mặt).
3. Ông Nguyễn Trọng N2, sinh năm 1999 (Vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Ấp T, xã R, huyện P, tỉnh C ..
- Bị đơn:
1. Điện lực huyện Phú T, tỉnh Cà Mau.
Địa chỉ: Ấp C, xã Ng, huyện P, tỉnh C.
Người đại diện hợp pháp của Điện lực Phú Tân: Ông Nguyễn Thanh H sinh năm 1977 – Giám đốc (Có mặt).
Cư trú tại: Ấp S, xã Th, huyện C, tỉnh C.
2. Bà Nguyễn Thị T2 (Vắng mặt) Cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..
3. Ồng Nguyễn Thành C, sinh năm 1964 (Có mặt).
Cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Tổng Công ty điện lực M Địa chỉ: Số 72, đường H, phường B, quận 1, thành phố H.
Người đại diện hợp pháp của Tổng Công ty điện lực M: Ông Nguyễn Thanh H sinh năm 1977, trú lại: Ấp S, xã Th, huyện C, tỉnh C là đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số 4482 ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực M) (Có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tổng Công ty điện lực M: Ông Nguyễn Thành Sang, là luật sư Công ty trách nhiệm hữu hạn Luật Sống thuộc đoàn luật sư tỉnh Cà Mau (Có mặt).
2. Bà Vũ Thị X, sinh năm 1984 (Vắng mặt).
Cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..
3. Ông Nguyễn Trọng M, sinh năm 2000 (Có mặt).
4. Cháu Nguyễn Trọng D2 sinh ngày 13/6/2012 Người đại diện hợp pháp của cháu Nguyễn Trọng D2: Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1973 (mẹ ruột cháu Đức), (Có mặt).
Cùng cư trú tại: Ấp T, xã R, huyện P, tỉnh C ..
- Người kháng cáo: Tổng Công ty điện lực M, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Trọng N1, ông Nguyễn Trọng N2 trình bày: Vào ngày 02/6/2017, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cùng ông Nguyễn Trọng M, ông Nguyễn Văn Tình có điều khiển ghe biển chở vật liệu xây dựng giao cho ông Bùi Quang Hảo ở ấp Tân Phong, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là người trực tiếp điều khiển ghe, còn ông M và ông Tình chạy xe trên bờ. Khi ghe đến đoạn nhà ông Nguyễn Thành C thì mui ghe vướng vào hai dây điện kéo từ đồng hồ điện gắn tại nhà bà Nguyễn Thị T2 làm hai dây điện bị đứt, vắt ngang ghe, ông Nghĩa dừng ghe và dùng tay cuốn dây điện nên ông Nghĩa bị điện giật và bị chết. Qua quá trình điều tra xác minh sự việc cơ quan chức năng trả lời không có đủ căn cứ để truy tố trách nhiệm hình sự. Ông Nghĩa chết để lại 04 người con là Nguyễn Trọng N1, sinh năm 1996; Nguyễn Trọng N2, sinh năm 1999; Nguyễn Trọng M, sinh ngày 24/9/2000 và Nguyễn Trọng D2, sinh ngày 13/6/2012. Bà Nguyễn Thị P, anh Nguyễn Trọng N1, anh Nguyễn Trọng N2 yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Nguyễn Thành C, bà Nguyễn Thị T2, bà Vũ Thị X, điện lực huyện Phú Tân và những người có liên quan liên đới cùng chịu trách nhiệm bồi thường cho những người thừa kế của ông Nghĩa tổng số tiền thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm chi phí mai táng 41.000.000 đồng, chi phí xây mồ 31.900.000, tiền tổn thất cho tính mạng của ông Nguyễn Trọng Nghĩa là 149.000.000 đồng; tổng cộng 221.000.000 đồng và yêu cầu cấp dưỡng cho con của ông Nguyễn Trọng Nghĩa tên Nguyễn Trọng D2 mỗi tháng là 650.000đ đến khi đủ 18 tuổi.
Bị đơn, ông Nguyễn Thành C trình bày: Vào khoảng năm 2009, 2010 do không có tiền hạ thế nên ông đã mua đồng hồ điện của bà Vũ Thị X ở Ấp Tân Điền, xã Tân Hải, huyện Phú Tân (bà X đã bỏ địa phương) với giá 2.500.000 đồng, khi mua đồng hồ chỉ thỏa thuận bằng lời nói không có hợp đồng bằng văn bản. Trước đây, do bà X hợp đồng sử dụng điện với điện lực Phú Tân sau đó bà X đi nơi khác làm ăn nên bán đồng hồ điện lại cho ông sử dụng. Khi mua đồng hồ của bà X ông gởi đồng hồ ở nhà bà Nguyễn Thị T2 và tự kéo dây từ đồng hồ về nhà để sử dụng điện. Từ nhà bà T2 đến nhà ông khoảng 100m, cột điện để kéo dây điện là cây tràm và cây đước. Ông sử dụng điện đến ngày 02 tháng 6 năm 2017 thì xảy ra tai nạn làm điện giật chết ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Khi ông sử dụng điện thì ông đóng tiền điện đầy đủ cho Điện lực. Nguyên đơn yêu cầu ông bồi thường cho gia đình ông Nghĩa số tiền 221.000.000 đồng và cấp dưỡng nuôi con ông Nghĩa đến khi đủ 18 tuổi, ông không có khả năng bồi thường yêu cầu Tòa án xem xét.
Ông Nguyễn Thanh H đại diện điện lực Phú Tân và Tổng Công ty điện lực M trình bày: Sự việc tai nạn xảy ra dẫn đến ông Nghĩa chết, ông Nghĩa cũng có một phần lỗi, vì khi ông Nghĩa chạy ghe vướng dây điện ông Nghĩa không lui ghe lại và có người truy hô là dây có điện nhưng ông Nghĩa vẫn cuốn dây điện dẫn đến điện giật làm ông Nghĩa chết. Ông đề nghị Tòa án xem xét ông Nghĩa điều khiển phương tiện thủy nội địa có bảo đảm đúng theo quy định của Bộ giao thông vận tải hay không. Về yêu cầu của gia đình ông Nghĩa thì Điện lực không đồng ý bồi thường và hỗ trợ cho gia đình ông Nghĩa vì Điện lực không có lỗi. Khi ông C mua đồng hồ điện của bà X thì các bên không có báo nên Điện lực không biết, hàng tháng ông C trả tiền điện cho bà X và trên phiếu thu tiền điện do bà X là người đứng tên.
Bà Vũ Thị X trình bày: Vào khoảng năm 2003, 2004 bà không nhớ rõ thời gian cụ thể, bà có hợp đồng mua bán điện của Chi nhánh Điện lực Phú Tân, khi mua thì giữa bà và Chi nhánh Điện lực Phú Tân có làm hợp đồng đầy đủ, bà là người đứng tên khách hàng. Sau khi làm hợp đồng mua điện thì nhân viên điện lực là người trực tiếp kéo và gắn đồng hồ điện vào nhà bà. Đến khoảng năm 2007, 2008 do bà thường xuyên đi vắng, nhà đóng cửa nhân viên điện lực khó ghi số điện nên đề nghị dời đồng hồ ra ngoài nên bà đồng ý. Do nhà sát mé sông, chỉ có một lối đi nhỏ vào nhà nên bà gửi đồng hồ điện ở nhà bà Nguyễn Thị T2. Năm 2009 bà dời khà đi nơi khác, khi dời nhà đi bà bán đồng hồ điện lại cho ông C với giá 2.500.000 đồng, giữa bà và ông C chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có làm hợp đồng và không có thông báo cho Chi nhánh Điện lực Phú Tân biết. Bà chỉ bán đồng hồ cho ông C còn việc ông C kéo dây về nhà ông C sử dụng như thế nào bà không biết. Sau khi bán đồng hồ điện cho ông C thì nhân viên điện lực không có liên hệ bà thu tiền điện lần nào nữa.
Bà Nguyễn Thị T2 trình bày: Bà có cho bà X mắc nhờ đồng hồ điện, việc mắc đồng hồ điện do Điện lực Phú Tân thực hiện cho nên bà không có liên quan gì, bà X đã bỏ địa phương đi hơn 10 năm nay.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 51/2020/DS-ST ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân QUYẾT ĐỊNH
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Trọng N1, ông Nguyễn Trọng N2. Buộc Tổng Công ty điện lực M, ông Nguyễn Văn C, bà Vũ Thị X có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho những người thừa kế của ông Nguyễn Trọng Nghĩa gồm: Bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Trọng N1, ông Nguyễn Trọng N2, ông Nguyễn Trọng M và Nguyễn Trọng D2 số tiền 164.760.000 đồng (Một trăm sáu mươi bốn triệu bảy trăm sáu mươi ngàn đồng); (Tổng Công ty điện lực M bồi thường 54.920.000 đồng, ông Nguyễn Văn C bồi thường 54.920.000 đồng, bà Vũ Thị X bồi thường 54.920.000 đồng) Buộc Tổng Công ty điện lực M, ông Nguyễn Văn C, bà Vũ Thị X cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Trọng D2, sinh ngày 13 tháng 6 năm 2012 mỗi tháng 650.000 đồng thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 02 tháng 6 năm 2017 cho đến khi Nguyễn Trọng D2 đủ 18 tuổi và có khả năng lao động để nuôi sống bản thân.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 08/7/2020, Tổng Công ty điện lực M có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm. Bác yêu cầu của nguyên đơn kiện buộc Tổng Công ty điện lực M phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn, mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ do ông C, bà X thực hiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Tổng Công ty điện lực M giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Phần tranh luận tại phiên toà:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty điện lực M tranh luận: Đơn vị điện lực chỉ có trách nhiệm đối với công trình lưới điện đến công tơ điện. Công ty điện lực đã ký hợp đồng mua bán điện với bà X. Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 46 Luật điện lực: Người mua điện đầu tư kéo điện về sử dụng, phải trách nhiệm đảm bảo an toàn. Như vậy, bà X là chủ sở hữu nguồn điện sau công tơ điện. Việc bà X bán đồng hồ điện lại cho ông C, không có báo cho Công ty điện lực biết là trái pháp luật nên Công ty điện lực không có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn. Án sơ thẩm cho rằng Công ty điện lực là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ là không chính xác. Do đó, đề nghị sửa án sơ thẩm không buộc Công ty điện lực có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn.
Ông Nguyễn Thanh H không tranh luận.
Bà Nguyễn Thị P tranh luận: Yêu cầu Công ty điện lực có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Anh Nguyễn Trọng N1 tranh luận: Công ty điện lực có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ông Nguyễn Thành C tranh luận: Công ty điện lực không kiểm tra sử dụng điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn là thiếu sót.
Anh Nguyễn Trọng M không tranh luận.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà phát biểu:
Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty điện lực M, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét kháng cáo của Tổng Công ty điện lực M, Hội đồng xét xử nhận định:
[2] Vào ngày 02 tháng 6 năm 2017, ông Nguyễn Trọng Nghĩa điều khiển ghe số đăng ký BL 1989 khi đến trước nhà của ông Nguyễn Thành C thuộc ấp Tân Phong, xã Tân Hải, huyện Phú Tân thì mui ghe vướng vào 02 sợi dây dẫn điện kéo từ đồng hồ điện gắn tại nhà của bà Nguyễn Thị T2 đến nhà ông C làm 02 sợi dây dẫn điện bị đứt, nằm vắt ngang trên ghe. Ông Nghĩa dừng ghe lại dùng tay cuốn 02 dây điện bị đứt thì bị điện giật và tử vong. Kết luận giám định pháp y xác định ông Nguyễn Trọng Nghĩa chết do điện giật. Công an huyện Phú Tân có quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nguyên đơn khởi kiện vụ án dân sự. Sau khi cấp sơ thẩm xử, các đương sự không có kháng cáo về số tiền bồi thường thiệt hại, chỉ có Tổng Công ty điện lực M kháng cáo không đồng ý liên đới bồi thường thiệt cho các nguyên đơn.
[3] Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty điện lực M cho rằng, tai nạn điện xảy ra tại đường dây điện do ông C kéo từ đồng hồ điện mang tên Vũ Thị X. Nguồn điện sau đồng hồ điện là thuộc quyền sở hữu của bà X, bà X chuyển giao nguồn điện trái phép cho ông C nên việc bồi thường thiệt hại chỉ do chủ nguồn nguy hiểm cao độ là bà X cùng với ông C (người chiếm hữu, sử dụng điện trái luật) liên đới bồi thường thiệt hại. Tổng Công ty điện lực M không có trách nhiệm bồi thường. Hội đồng xét xử xét thấy, Bà X trên danh nghĩa là mua điện từ Điện lực Phú Tân nhưng thực tế bà X không có sử dụng điện, không trả tiền điện cho Công ty điện lực, việc trả tiền điện cho Công ty điện lực là do ông Nguyễn Thành C thực hiện, vì bà X đã bán đồng hồ điện, chi phí lắp đặt đồng hồ điện cho ông Nguyễn Thành C từ khoảng năm 2009, 2010 nên bà X thực tế không phải là bên mua điện. Do đó, bà X không phải là chủ sở hữu nguồn điện sau đồng hồ điện như Điện lực Phú Tân, Tổng Công ty điện lực M trình bày. Ông C sử dụng điện thông qua hợp đồng mua bán điện do bà X đứng tên mua với bên bán là Điện lực Phú Tân. Như vậy, ông C không phải là bên mua điện hợp pháp. Hơn nữa, theo Luật điện lực, việc mua bán điện phải thông qua hợp đồng có thời hạn giữa bên bán điện và bên mua điện và bên bán điện phải là Công ty điện lực hoặc một đơn vị được quyền bán điện theo quy định. Bà X không phải là bên bán điện, ông C không phải là bên mua điện dựa trên hợp đồng mua bán điện theo luật định nên việc sử dụng điện của ông C là trái luật theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật điện lực năm 2012. Do đó, Điện lực Phú Tân vẫn là chủ sở hữu nguồn điện mà ông C đang sử dụng nên theo quy định tại khoản 2 Điều 601 Bộ luật dân sự thì Điện lực Phú Tân phải bồi thường thiệt hại.
[4] Điện lực huyện Phú T có ký hợp đồng dịch vụ bán lẽ điện năng với ông Nguyễn Minh Thắng theo hợp đồng số 446/HĐ-PPT ngày 01 tháng 01 năm 2016 thu tiền điện và các công việc khác như: Tham gia kiểm tra sử dụng điện:
tham gia tuyên truyền các biện pháp sử dụng điện an toàn; tham gia kiểm tra, phát hiện và thông báo kịp thời cho điện lực như các hiện tượng bất thường có khả năng gây ra sự cố cho lưới điện, các hiện tượng câu móc điện bất hợp pháp, sử dụng điện không đúng mục đích…; hướng dẫn, giải thích cho dân trong sử dụng điện. Ông Thắng biết được đồng hồ điện mang tên bà X, nhưng ông C đang sử dụng trả tiền và biết được ông C kéo điện qua sông không an toàn nhưng không báo cho Điện lực Phú Tân biết để xử lý. Tuy Điện lực Phú Tân có ký hợp đồng dịch vụ với ông Nguyễn Minh Thắng để ông Thắng báo các hành vi không an toàn lưới điện nhưng Điện lực Phú Tân không thể chuyển giao trách nhiệm kiểm tra cho ông Thắng mà Điện lực Phú Tân phải có trách nhiệm này.
Điện lực Phú Tân phải biết, phải kiểm tra đối với việc sử dụng điện để đảm bảo an toàn lưới điện nhưng Công ty điện lực không kiểm tra, phát hiện xử lý việc sử dụng điện trái pháp luật của ông C dẫn đến ông C sử dụng điện trái luật gây ra thiệt hại thì Điện lực Phú Tân phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 4 Điều 601 bộ luật dân sự.
[5] Theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 137 ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện lực năm 2012, quy định: Công ty điện lực phải kiểm tra để phát hiện những hành vi vi phạm cá c quy định về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện. Nhưng thực tế Điện lực Phú Tân thiếu kiểm tra nên không phát hiện hành vi vi phạm về sử dụng điện của ông C.
[6] Do Điện lực Phú Tân là đơn vị hạch toán phụ thuộc và trực thuộc Tổng Công ty điện lực M nên Tổng Công ty điện lực M có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
[7] Từ những nhận định trên, Bản án sơ thẩm buộc Tổng Công ty điện lực M có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn là có căn cứ nên Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân.
[8] Án phí dân sự phúc thẩm: Tổng Công ty điện lực M phải chịu theo quy định pháp luật.
[9] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty điện lực M.
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Trọng N1, ông Nguyễn Trọng N2. Buộc Tổng Công ty điện lực M, ông Nguyễn Văn C, bà Vũ Thị X có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho những người thừa kế của ông Nguyễn Trọng Nghĩa gồm: Bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Trọng N1, ông Nguyễn Trọng N2, ông Nguyễn Trọng M và Nguyễn Trọng D2 số tiền 164.760.000 đồng (Một trăm sáu mươi bốn triệu bảy trăm sáu mươi ngàn đồng) (Trong đó Tổng Công ty điện lực M bồi thường 54.920.000 đồng, ông Nguyễn Văn C bồi thường 54.920.000 đồng, bà Vũ Thị X bồi thường 54.920.000 đồng).
2. Buộc Tổng Công ty điện lực M, ông Nguyễn Văn C, bà Vũ Thị X cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Trọng D2, sinh ngày 13 tháng 6 năm 2012 mỗi tháng 650.000 đồng. Thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 02 tháng 6 năm 2017 cho đến khi Nguyễn Trọng D2 đủ 18 tuổi và có khả năng lao động để nuôi sống bản thân.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền hàng tháng bên thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015
3. Án phí dân sự sơ thẩm:
- Miễn Toàn bộ án phí dân sự có giá ngạch cho ông Nguyễn Văn C.
- Buộc Tổng Công ty điện lực M nộp án phí dân sự sơ thẩm số tiền 2.846.000 đồng (Hai triệu tám trăm bốn mươi sáu ngàn đồng).
- Buộc bà Vũ Thị X nộp án phí dân sự sơ thẩm số tiền 2.846.000 đồng (Hai triệu tám trăm bốn mươi sáu ngàn đồng).
4. Án phí dân sự phúc thẩm: Tổng Công ty điện lực M phải chịu số tiền 300.000 đồng. Ngày 09/7/2020, Tổng Công ty điện lực M có nộp tạm ứng án phí phúc thẩm dân sự 300.000 đồng theo biên lại số 0011798 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau được đối trừ chuyển thu án phí.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 203/2020/DS-PT ngày 17/09/2020 về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Số hiệu: | 203/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 17/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về