Bản án 203/2019/DS-PT ngày 14/11/2019 về tranh chấp quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản khác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 203/2019/DS-PT NGÀY 14/11/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN MẮC ĐƯỜNG DÂY TẢI ĐIỆN QUA BẤT ĐỘNG SẢN KHÁC

Ngày 14/11/2019 tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 198/2019/DS-PT ngày 02/10/2019 về việc “Tranh chấp quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản khác” Do Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2019/DS-ST ngày 29/8/2019 của TAND huyện Krông Pắk bị kháng cáo, Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 196a/2019/QĐPT-DS ngày 08/10/2019 và Quyết định hoãn phiên toà số180/2019/QĐPT-DS ngày 28/10/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Hồ Văn D; sinh năm 1952;

Trú tại: Số 14 đường Z, tổ dân phố A, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk;

2. Bị đơn: Ông Trần Văn T; sinh năm 1962 và ông Võ Văn T1 - sinh năm 1943;

Cùng trú tại: Thôn W, xã S, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án: Ông Hồ Văn M; sinh năm 1957;

Trú tại: Thôn Y, xã X, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn – ông Hồ Văn D; Các đương sự đều có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn trình bày:

Nguyên đơn làm rẫy, từng mắc đường dây tải điện qua nhiều rẫy, đều được các chủ rẫy đồng ý cho mắc qua để phục vụ việc tưới tiêu, trong đó có mắc qua rẫy của ông Giang Thanh Q. Việc mắc đường dây tải điện qua các rẫy, nguyên đơn khẳng định là an toàn, dây điện loại tốt, trụ cột cao, chưa hề xảy ra mất an toàn lần nào, không hề ảnh hưởng đến việc canh tác rẫy của người khác, đều được mọi người đồng ý cho mắc qua.

Năm 2014 ông Trần Văn T mua lại rẫy của ông Giang Thanh Q. Cho đến ngày 09/3/2019 ông Trần Văn T ngăn cản, không cho nguyên đơn mắc đường dây điện qua rẫy. Sau đó, ông Võ Văn T1 cũng ngăn cản không cho nguyên đơn mắc đường dây điện qua rẫy của mình. Nguyên đơn cho rằng: Vì mâu thuẫn cá nhân ở một vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất mà các bị đơn đã không cho nguyên đơn mắc đường dây tải điện qua rẫy nhà mình, mà yêu cầu mắc đường dây điện đi đường vào rẫy, dài hơn, có cây to, mưa gió nguy hiểm ảnh hưởng đến đường dây điện, gây tốn kém hơn, nguyên đơn không có điều kiện để mắc dây điện theo đường này. Điều đó là không hợp lý, vi phạm quyền quyền của công dân được mắc đường dây tải điện qua bất động sản khác quy định tại Điều 11, Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015.

Vì vậy nguyên đơn làm Đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn cho mình được mắc đường dây tải điện qua bất động sản của bị đơn.

Bị đơn trình bày:

- Ông Trần Văn T trình bày: Cách đây 06 năm gia đình ông mua rẫy cà phê sau đó chuyển đổi trồng hồ tiêu. Trước đó, ông có nói chuyện với nguyên đơn về vấn đề đường dây điện qua rẫy, lúc hồ tiêu nhỏ thì không sao, đến khi hồ tiêu lớn thì nguy hiểm, đề nghị nguyên đơn dời đường điện ra khỏi rẫy nhưng nguyên đơn không đồng ý. Đến ngày 01/01/2019 được sự đồng ý của Điện lực huyện K, ông đã cắt đường dây điện của nguyên đơn chạy qua rẫy của mình để tránh rủi ro cho gia đình.

- Ông Võ Văn T1 trình bày: Cách đây 07 năm, nguyên đơn tự tiện kéo đường dây điện qua rẫy của mình nhưng vì tình làng nghĩa xóm ông cho mắc tạm. Quá trình sử dụng, đường dây điện bị xuống cấp, gây mất an toàn, được sự đồng ý của Điện lực huyện K ông đã cắt đường dây điện này để phòng trừ thiệt hại có thể xảy ra.

Vì các lý do trên, bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn mắc đường dây điện qua rẫy nhà mình, mà phải mắc đi đường khác, đường đi vào rẫy của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Vào năm 2006 ông và nguyên đơn kéo chung đường dây điện để phục vụ tưới cà phê, hồ tiêu. Đường dây điện này đã sử dụng hơn 10 năm nay an toàn, không có vấn đề gì xảy ra vì trụ điện có chiều cao trung bình là 5,5 mét, không ảnh hưởng gì tới vườn cây đi qua. Tuy nhiên, từ ngày 09/3/2019 bị đơn ngăn cản không cho kéo, tự ý cắt đứt các dây điện.

Nếu đường dây điện đi đường khác, phải dài thêm 150 mét, đi dưới các cây muồng cổ thụ, gây nguy hiểm mỗi khi mưa to, gió lớn, chi phí di dời quá lớn, không thể lo được. Do vậy ông đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2019/DS-ST ngày 29/8/2019 của TAND huyện Krông Pắk quyết định:

Căn cứ khoản 14 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157; Điều 266; Điều 271; Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 4 khoản 5 Điều 7, Điều 18 Quyết định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn, Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp;

Căn cứ vào Điều 2 Luật người cao tuổi;

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH-14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí toà án.

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hồ Văn D về việc yêu cầu ông Trần Văn T và ông Võ Văn T1 phải có nghĩa vụ cho ông Hồ Văn D mắc đường dây tải điện qua bất động sản của ông Trần Văn T và ông Võ Văn T1.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí thẩm định tại chỗ, án phí nhưng không bị kháng cáo, kháng nghị.

Ngày 04/9/2019 nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không căn cứ vào Điều 11, Điều 255 Bộ luật dân sự để xét xử, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án giữ nguyên quan điểm như đã trình bày ở cấp sơ thẩm. Hai bên đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án.

Đại diện VKND tỉnh Đắk Lắk phát biểu ý kiến:

- Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm;

- Về nội dung: Kháng cáo của nguyên đơn không có cơ sở chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án cấp sơ thẩm đã xét xử.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét, thẩm tra công khai tại phiên toà, kết quả tranh luận của các đương sự và ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa, xét đơn kháng cáo nguyên đơn, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

[1] Về yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn:

- Tại Công văn số 98/CV-ĐLKP ngày 03/7/2019 Điện lực huyện Krông Pắk căn cứ vào Hợp đồng mua bán điện số 267791 ngày 29/02/2012, điểm i khoản 2 Điều 46 Luật điện lực, điều 7 và điều 18 Quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn ban hành theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã khẳng định:

“... Đường dây tải điện sau công tơ 3 pha của ông Hồ văn D được mắc qua bất động sản của ông Trần Văn T và ông Võ Văn T1 dây dẫn điện có tiết diện chưa phù hợp (4mm), cũ nát, nhiều mối nối đi đan xen vào các trụ tiêu là chưa đảm bảo án toàn, có nguy cơ dẫn đến tai nạn điện...”;

- Tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 13/6/2019 của TAND huyện Krông Pắk xác định: “... Ngoài việc mắc dây tải điện qua rẫy ông Trần Văn T và ông Võ Văn T1, ông Hồ Văn D vẫn có thể mắc đường dây tải điện này theo dọc bờ đường đi rẫy....”.

Từ hai kết luận nêu trên, cần phải khẳng định rằng: Đường dây tải điện của ông Hồ Văn D mắc qua rẫy của ông Trần Văn T và ông Võ Văn T1 là không an toàn. Ông Hồ Văn D vẫn còn đường khác để mắc đường dây tải điện của mình, mặc dù có thể tốn kém chi phí hơn.

Từ hai kết luận nêu trên và căn cứ Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “... Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường...” nhận thấy rằng: Bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn mắc đường dây tải điện qua bất động sản của mình là có cơ sở thực tế và có căn cứ pháp luật. Do vậy, yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở thực tế và không có căn cứ pháp luật để chấp nhận.

[2] Về án phí phúc thẩm dân sự:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009, điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 28, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH-14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí toà án: Người kháng cáo – Ông Hồ Văn D là người cao tuổi, không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

[1] Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn - ông Hồ Văn D; Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2019/DS-ST ngày 29/8/2019 của TAND huyện Krông Pắk;

Căn cứ Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009;

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 28, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH-14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí toà án;

[2] Tuyên xử:

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hồ Văn D về việc yêu cầu ông Trần Văn T và ông Võ Văn T1 phải có nghĩa vụ cho ông Hồ Văn D mắc đường dây tải điện qua bất động sản của ông Trần Văn T và ông Võ Văn T1.

[3] Về án phí phúc thẩm: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Hồ văn D.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

820
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 203/2019/DS-PT ngày 14/11/2019 về tranh chấp quyền mắc đường dây tải điện qua bất động sản khác

Số hiệu:203/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về