Bản án 202/2018/DS-PT ngày 07/08/2018 về tranh chấp di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 202/2018/DS-PT NGÀY 07/08/2018 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 07 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 54/2018/TLPT-DS ngày 20 tháng 3 năm 2018 về “Tranh chấp di sản thừa kế”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2017/DS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 591/2018/QĐ-PT ngày04 tháng 5 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Trần Thị Phương Th, sinh năm 1962. (có mặt)

Địa chỉ: số nhà 262, tổ 4, ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

2. Bà Trần Thị Kiều H, sinh năm 1964. (vắng mặt)

Địa chỉ: số nhà 308, tổ 12, ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

- Bị đơn: Ông Trần Duy Kh, sinh năm 1952.

Địa chỉ: tổ 20, ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Duy H1, sinh năm 1965. (có mặt)

Địa chỉ: số 140 đường Ng, khu phố 6, Phường 4, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Kh: Luật sư Trương Vĩnh Th1 – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án:

1. Ông Trần Duy Kh1, sinh năm 1948.

Địa chỉ: 21D T Place, Y, N W2199 Australia.

Người đại diện hợp pháp của ông Kh1: Ông Trần Duy Kh.

2. Ông Trần Duy K, sinh năm 1950. (vắng mặt)

Địa chỉ: số 712c đường L nối dài, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Ông Trần Duy Kh2, sinh năm 1956. (vắng mặt)

Địa chỉ: 489A/24 Đường H, Phường 12, quận Ph, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Bà Trần Thị Thúy Ph, sinh năm 1957. (vắng mặt)

cư trú tại: Ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

5. Ông Trần Duy Kh3, sinh năm 1960. (vắng mặt)

Địa chỉ: Số 402, tổ 3, ấp Th1, xã T1, huyện T2, tỉnh Tây Ninh.

6. Bà Tân Kiểm D, sinh năm 1955. (vắng mặt)

Địa chỉ: tổ 20, ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

7. Ông Nguyễn Việt H3, sinh năm 1956. (vắng mặt)

Địa chỉ: số C205, khu phố 1, Phường 2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

- Người kháng cáo: Bà Trần Thị Phương Th, bà Trần Thị Kiều H, ông Trần Duy Kh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Trần Thị Phương Th trình bày:

Cha mẹ bà là cụ Trần Văn C, chết năm 1985, mẹ tên là Khưu Thị N, chết năm 1982. Cha mẹ bà có 09 người con chung (không có con riêng, con nuôi) trong đó 01 người chết lúc còn nhỏ, hiện còn 08 người con, gồm: Ông Trần Duy Kh1, ông Trần Duy K, ông Trần Duy Kh, ông Trần Duy Kh2, bà Trần Thị Thúy Ph, ông Trần Duy Kh3, bà Trần Thị Kiều H và bà. Cha mẹ bà chết không để lại di chúc. Khi còn sống cha mẹ bà có tạo lập được các tài sản gồm:

+ Tài sản thứ nhất: Đất thổ cư giáp Quốc lộ 22B, tại ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh có diện tích ngang khoảng 63m, dài 70m, trên đất có một căn nhà mái ngói nằm giữa đất có diện tích ngang khoảng 13m, dài 15m. Sau khi cha mẹ bà chết, ông Kh là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất đến khoảng năm 2010 ông Kh không sử dụng cho đến nay. Trong quá trình sử dụng phần đất, ông Kh có đổ khoảng 02 đến 03 xe đất để xây dựng nhà nhưng do anh chị em trong gia đình không đồng ý nên ông Kh không xây dựng nữa. Năm 1988, bà có nhu cầu về chỗ ở nên ông Kh bán cho vợ chồng bà (bà và ông Nguyễn Việt H3 đã ly hôn năm 2013) phần đất diện tích ngang 13,4m, dài hết đất, với giá 08 chỉ vàng 24K. Việc mua bán đất các anh chị em trong gia đình đều biết và không ai có ý kiến phản đối. Sau khi mua đất, bà và ông H3 xây dựng căn nhà tường cấp 4, chưa làm hàng rào; năm 1998, ông Kh làm hàng rào lấn sang phần đất bà đã mua nên xảy ra tranh chấp và bà làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế nhưng vụ án được tạm đình chỉ. Năm 2006, bà xây dựng lại nhà và xây dựng vách tường rào như hiện nay. Năm 2015, bà yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ án. Do xảy ra tranh chấp nên đến nay bà vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phần đất này. Phần đất bà đã nhận chuyển nhượng của ông Kh, là tài sản chung của bà và ông H3 chưa chia nhưng vợ chồng bà đã ly hôn, hiện bà không biết ông H3 ở đâu.

+ Tài sản thứ hai: Đất vườn không nhớ rõ diện tích, tọa lạc tại ấp Tr, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh, trên phần đất có mồ mả của ông bà, cha mẹ. Từ khi cha mẹ chết, ông Kh trực tiếp sử dụng phần đất này trồng một số cây trên đất. Bà không biết ông Kh đã được cấp GCNQSDĐ hay chưa.

+ Tài sản thứ ba: Nhà, đất tại Chợ Th, thuộc ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh; nhà cấp 4 ngang 16m, dài khoảng 10m hiện bà H đang sử dụng. Hiện trạng phần đất do nhà nước làm đường có lấn vào 03m đến 04m, ngoài ra không thay đổi gì, bà H sử dụng cũng không cơi nới, tu sửa gì thêm. Hiện nay căn nhà đã xuống cấp không sử dụng được nữa và Nhà nước đã quy hoạch hết toàn bộ nhà đất nên bà không yêu cầu chia phần đất này.

+ Tài sản thứ tư: Đất ruộng có diện tích khoảng 04 hecta, tọa lạc tại ấp B1, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh. Trước đây Nhà nước lấy phần đất ruộng này đưa vào hợp tác xã, sau đó có chính sách trả lại đất nên bà đăng ký và sử dụng 0,5 hecta, Ph sử dụng 0,5 hecta, bà H sử dụng 0,4 hecta, phần còn lại ông Kh sử dụng để làm ruộng. Hiện bà, Ph, bà H, ông Kh đã được cấp GCNQSDĐ.

Ngoài ra, cha mẹ bà còn để lại một số tài sản khác như xe Honda, 6 câysao, máy may, máy xới, máy bơm.

Bà khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản của cha mẹ theo quy định của pháp luật. Sau đó bà có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, bà chỉ yêu cầu chia di sản gồm:

- Tài sản thứ nhất là đất và căn nhà trên đất: Bà yêu cầu trừ phần đất ông Kh đã bán cho vợ chồng bà, phần còn lại chia 8 phần cho 8 người, theo chiều dọc, bà được hưởng 01 phần bằng hiện vật; trường hợp ông Kh yêu cầu đưa phần đất đã bán cho vợ chồng bà vào di sản thừa kế để chia lại thì bà yêu cầu ông Kh phải bồi thường thiệt hại giá trị đất theo giá thị trường đã được thẩm định giá vì ông Kh tự ý lấy tài sản cha mẹ để lại chưa chia để bán cho vợ chồng bà.

- Tài sản thứ hai: Bà yêu cầu chia làm 08 phần, bà được hưởng 01 phần bằng hiện vật; trừ diện tích đất mồ mả bà không yêu cầu chia. Không đồng ý trích công sức gìn giữ, tôn tạo di sản thừa kế cho vợ chồng ông Kh vì theo bà ông Kh không có công sức quản lý, gìn giữ gì đối với tài sản cha mẹ để lại.

Các tài sản còn lại bà không yêu cầu chia thừa kế trong vụ án này.

Hiện bà H không có chỗ ở do căn nhà tại Chợ Th đã quá cũ nên nếu bà H có nhu cầu sử dụng căn nhà gỗ trên phần đất giáp Quốc lộ 22B của cha mẹ để lại thì bà đồng ý giao cho bà H căn nhà này.

Nguyên đơn bà Trần Thị Kiều H trình bày:

Cha mẹ bà chết không ai để lại di chúc. Bà thống nhất với lời trình bày của bà Th về quan hệ huyết thống, ngày cha mẹ chết và tài sản cha mẹ để lại trước khi chết. Tuy nhiên, bà có bổ sung thêm một số vấn đề sau: Phần đất có căn nhà tại Chợ Th hiện bà và Ph cùng đang quản lý sử dụng, mỗi người ½ căn nhà. Căn nhà này bà đã tu sửa, xây dựng, sơn tường, thay cửa kính. Hiện bà không có nơi ở và đang gặp khó khăn nên bà yêu cầu được chia phần đất có căn nhà gỗ để thờ cúng cha mẹ.

Nay bà yêu cầu cụ thể như sau: Bà yêu cầu chia theo quy định của pháp luật phần đất thứ nhất và phần đất thứ hai làm 08 phần bằng nhau, bà được hưởng một phần bằng hiện vật. Việc ông Kh bán đất cho vợ chồng bà Th bà không biết rõ cụ thể, bà yêu cầu chia di sản bao gồm cả phần đất mà ông Kh đã bán cho bà Th. Các tài sản khác bà không yêu cầu chia.

Bị đơn ông Trần Duy Kh trình bày:

Ông thống nhất với lời trình bày của bà Th về quan hệ huyết thống, thời gian cha mẹ chết và khối tài sản của cha mẹ tạo lập. Cụ N chết không để lại di chúc, cụ C trước khi chết có di chúc miệng, phân chia tài sản cho các con có sự chứng kiến của các ông Kh1, ông K. Nội dung di chúc miệng: Cha ông nói “đứa nào ở đâu thì ở yên đó”, vì trước đó cha ông đã phân chia tài sản cho các con cụ thể: Ngôi nhà tại Chợ Th, 01 xe máy hiệu Cup 81, 01 xe máy hiệu Honda, 02 chiếc máy may, 01 Tivi chia cho 03 người con gái và mỗi người 03 lượng vàng; những người con trai mỗi người 01 cây Sao và 01 lượng vàng; còn phần đất ruộng và ngôi nhà gắn liền với đất chia cho ông để dùng vào việc thờ cúng ông bà.

Vào năm 1988, bà Th năn nỉ ông bán lại một phần trong phần đất giáp Quốc lộ 22B (tài sản thứ nhất) có chiều ngang 10m, chiều dài đến cây dừa làm ranh với giá 06 chỉ vàng 24K. Nhưng đến khi xây nhà bà Th đào móng lấn qua đến 01m - 02m nên hai bên xảy ra tranh chấp. Sau đó, hai bên thỏa thuận chiều ngang đất đến chân hàng rào và khấu trừ nợ 02 chỉ vàng mà ông nợ vợ chồng bà Th. Nay ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Th, bà H; nếu bà Th, bà H có nhu cầu chia đất để xây nhà ở thì theo nguyện vọng của cha ông trước khi chết “nếu ai nghèo khó xin cất nhà ở thì cho đất cất nhà”. Ông đồng ý chia phần đất gắn liền với căn nhà thờ tại Quốc lộ 22B chia đều 08 người, còn căn nhà thờ thì ông yêu cầu dùng vào việc thờ cúng cha mẹ giao cho ông hoặc ông Kh3 quản lý. Phần đất vườn tại ấp Tr (phần thứ hai) cha mẹ đã chia cho ông hiện ông đang đứng tên trên GCNQSDĐ và các tài sản khác yêu cầu vẫn giữ nguyên hiện trạng.

Phần đất giáp Quốc lộ 22B, sau khi cha mẹ chết năm 1985, ông có lợp lại toàn bộ mái ngói, vách ván do bị hư hỏng và có xây dựng 01 căn Ki-ốt ở phía trước để kinh doanh. Ngoài ra, trên đất còn có các cây trồng lâu năm như cây Sao, cây Sưa do ông trồng đến nay được 10 năm tuổi. Nếu buộc phải chi di sản thừa kế, ông yêu cầu phải tính công sức tôn tạo, gìn giữ các tài sản của cha mẹ để lại, ai được hưởng phần đất có cây trồng thì phải thanh toán tiền lại cho ông. Đối với phần đất vườn tại ấp Tr, ông có trồng một số cây Sưa, cây Sao đến nay khoảng 10 năm tuổi nhưng do đất xấu, cây không phát triển nên ông không tranh chấp các tài sản này.

Tại biên bản hòa giải ngày 23/5/2017, ông Kh trình bày do không hiểu biết nên từ trước đến nay ông trình bày cha ông chết có di chúc miệng, nay ông xác định lại là trước khi cha ông chết đã phân chia tài sản cho các con. Bà Th công nhận phần đất cha mẹ đã cho ông nên mới mua đất của ông. Do đó, ông không đồng ý chia di sản thừa kế theo yêu cầu của bà Th và bà H. Trường hợp phải chia thừa kế theo pháp luật thì ông yêu cầu đưa phần đất ông đã chuyển nhượng cho bà Th, ông H3 vào di sản thừa kế để chia đều, ông sẽ trả lại cho bà Th, ông H3 8 chỉ vàng 24K 98% đã nhận. Đối với phần chi phí tu sửa, tôn tạo di sản ông đã bỏ ra nhưng giá trị không lớn nên ông không yêu cầu thanh toán lại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Duy Kh1 và người đại diện hợp pháp của ông Kh1 trình bày:

Ông Kh1 thống nhất với lời khai của bà Th, ông Kh về quan hệ huyết thống, thời gian cha mẹ chết và khối tài sản của cha mẹ tạo lập. Trước đây khi còn ở Việt Nam, bà Th có xuống nhà ông tại Thành phố Hồ Chí Minh (ông không nhớ rõ thời gian) nhờ ông nói với ông Kh bán lại cho bà Th phần đất giáp Quốc lộ 22B để bà Th cất nhà ở vì trước khi chết cha ông đã chia di sản cho các con, việc phân chia chỉ nói miệng, không lập thành văn bản, với nội dung như ông Kh trình bày. Do đó, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Th, bà H.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Duy K trình bày:

Ông thống nhất với lời khai của bà Th, ông Kh về quan hệ huyết thống, thời gian cha mẹ chết và khối tài sản của cha mẹ tạo lập. Trước khi cha mẹ chết không có phân chia tài sản gì cho các con cũng không để lại di chúc bằng văn bản hay bằng miệng. Ông biết việc ông Kh bán một phần đất cho bà Th nhưng ông không nhớ rõ thời gian, không biết rõ diện tích, giá tiền thỏa thuận giữa hai bên. Việc này tất cả các anh em trong gia đình đều biết và không ai có ý kiến phản đối vì lúc đó mọi người đều có sự nghiệp ổn định nên để mặc ông Kh muốn làm gì thì làm. Kể từ khi cha ông chết, các anh em trong gia đình đều mặc định ai đang quản lý tài sản nào thì người đó được quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó, cụ thể phần đất có căn nhà tại Chợ Th, Ph và bà H sử dụng còn lại các tài sản khác do ông Kh quản lý và sử dụng.

Theo ông, yêu cầu của bà Th, bà H về việc chia di sản của cha mẹ để lại là chính đáng, ông không có yêu cầu gì trong vụ án này. Nếu Tòa án chia di sản theo quy định của pháp luật ông đồng ý nhận phần của mình, nhận bằng hiện vật hay giá trị ông đều đồng ý.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Duy Kh2 trình bày:

Ông thống nhất với lời khai của bà Th, ông Kh về quan hệ huyết thống, thời gian cha mẹ chết và khối tài sản của cha mẹ tạo lập. Trước khi chết cha ông không để lại di chúc nhưng có nói tài sản đã chia hết rồi không còn gì để chia, ai đang quản lý sử dụng tài sản nào thì vẫn sở hữu tài sản đó. Trước khi chết, cha ông đã chia tài sản cho các con, cụ thể:

- Ba người con gái được cho mỗi người 01 lượng vàng 24K; nữ trang của mẹ để lại chia cho Ph và bà H; nhà tại Chợ Th chia cho Ph và bà H mỗi người ½ căn nhà; bà Th được chia một máy may, một xe máy hiệu Honda và nữ trang khi lấy chồng;

- 05 người con trai, mỗi người được chia 01 lượng vàng 24K, chia đều phần đất ruộng 04 hecta. Do Nhà nước lấy đất đưa vào hợp tác xã, sau đó có chính sách trả lại đất nên các anh em thống nhất chia cho bà Th, bà H, Ph mỗi người 0,5 hecta đất ruộng, còn lại thì ủy quyền cho ông Kh đứng tên quản lý sử dụng. Khi cha mẹ còn sống, ông Kh là người trực tiếp canh tác, sản xuất để nuôi cả gia đình nên sau khi cha mẹ chết tất cả các anh em đều thực hiện theo nguyện vọng của cha ông, để cho ông Kh sở hữu, sử dụng toàn bộ tài sản. Trước khi cha ông chết có để lại di chúc miệng rằng sau này những người con trai nếu có làm ăn thất bại thì ông Kh phải có nghĩa vụ giúp đỡ, cho đất cất nhà, lúc đó chỉ có ông và ông K chứng kiến. Sau này, ông và ông K có nói lại cho các anh em biết việc phân chia di sản của cha, mọi người đều đồng ý, không có ý kiến phản đối.

Ông có biết việc ông Kh bán đất cho bà Th vì đây là tài sản của ông Kh nên ông Kh có quyền quyết định; khi đó, tất cả các anh em khác đều đồng ý, ngoại trừ ông K không đồng ý, nhưng ông K vẫn xác nhận việc bán hay không là quyền của ông Kh.

Nay ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Th, bà H vì trước khi cha mẹ chết đã phân chia tài sản cho các con, những người con gái được phần nhiều hơn; nếu Tòa án quyết định chia di sản thì ông đồng ý nhận phần của mình và yêu cầu nhận bằng hiện vật. Nếu chia đều phần đất giáp Quốc lộ 22B thì ông Kh phải trả lại cho bà Th 8 chỉ vàng 24K và bà Th phải di dời căn nhà đi nơi khác. Phần căn nhà gỗ giao cho ông Kh gìn giữ để thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Thúy Ph trình bày:

Bà thống nhất với lời khai của bà Th, ông Kh về quan hệ huyết thống, thời gian cha mẹ chết và khối tài sản của cha mẹ tạo lập. Khi cha mẹ chết không để lại di chúc bằng văn bản hay bằng miệng. Vào năm 1998, bà có cùng bà Th, bà H, ông Kh3 khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại. Ngày 23/12/2015, bà rút lại đơn khởi kiện chia di sản thừa kế.

Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Th, bà H theo bà là chính đáng, vì khi chết cha mẹ chưa chia tài sản cho ai, nếu Tòa án quyết định chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật thì bà đồng ý nhận phần của mình bằng tiền hoặc hiện vật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Duy Kh3 trình bày:

Ông thống nhất với lời trình bày của bà Th, ông Kh về quan hệ huyết thống, thời gian cha mẹ chết và khối tài sản của cha mẹ tạo lập. Vào năm 1998, ông có cùng bà Th, bà H, Ph khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cha mẹ ông để lại. Ngày 11/9/2015, ông yêu cầu rút lại đơn khởi kiện vì không muốn anh em trong gia đình tranh chấp với nhau, mong muốn giữ lại tài sản làm tài sản chung thờ cúng cha mẹ, giữ nguyên hiện trạng của cha mẹ để lại, ai đang quản lý tài sản nào thì tiếp tục quản lý tài sản đó. Trường hợp Tòa án chia di sản của cha mẹ, thì ông yêu cầu chia đều cho tất cả các anh chị em và ông sẽ nhận phần của mình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Tân Kiểm D trình bày:

Bà là vợ của ông Kh, bà thống nhất với lời trình bày của ông Kh về việc bán đất cho bà Th. Năm 1984, bà và ông Kh kết hôn. Sau khi kết hôn, vợ chồng bà sống cùng với cha chồng và 02 người em chồng là Ph và bà H. Sau đó khoảng một tháng, ông C cho 02 vợ chồng bà ra ở riêng và nói miệng cho toàn bộ căn nhà thờ và phần đất tại ấp Tr, 100 giạ lúa tương đương 02 chỉ vàng 24K, các anh em trong gia đình đều biết việc này. Do bà Th ngăn cản không cho vợ chồng bà tu sửa lại căn nhà thờ để ở nên năm 2006, vợ chồng bà xây dựng 01 căn nhà khác và đến năm 2009, vợ chồng bà chính thức về ở trên căn nhà này cho đến nay. Căn nhà thờ để trống nhưng vợ chồng bà vẫn là quản lý, bảo quản. Đối với căn nhà thờ, phần đất đồng và các cây trồng là cây Sao, cây Sưa cha chồng đã cho vợ chồng bà nên bà không đồng ý chia di sản thừa kế các phần đất này, còn các tài sản khác bao gồm căn nhà Chợ Th, đất ruộng đã chia xong nên không tranh chấp.

Khi cụ C còn sống, Ph là người sống chung, chăm sóc và lo đám tang khi cụ C chết, vợ chồng bà và những người con khác cũng thường xuyên tới lui chăm sóc. Trong vụ án này, bà không có yêu cầu độc lập, nhưng nếu chia di sản thừa kế thì bà yêu cầu tính công sức gìn giữ, bảo quản di sản cho vợ chồng bà, đối với cây trồng trên đất và căn Ki-ốt do vợ chồng bà tạo lập thì yêu cầu không đưa vào di sản thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Việt H3: Bà Th và ông H3 đã ly hôn nên không cung cấp được địa chỉ của ông H3. Tòa án đã tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi cư trú cuối cùng của ông H3 nhưng ông H3 không đến Tòa án và cũng không gửi cho Tòa án văn bản trình bày ý kiến.

Tại Chứng thư thẩm định giá số 161006/VIETTIN JSC-TNH ngày 11/01/2016 của Công ty Cổ phần Thẩm định giá Việt Tín, thể hiện như sau: Tài sản tranh chấp thứ nhất: Nhà, đất tọa lạc tại ấp B, xã Th, huyện G, tỉnhTây Ninh có diện tích 4.573,5m2 thuộc thửa đất số 157, 158, tờ bản đồ số 96 (bảnđồ năm 2005) hiện chưa được cấp GCNQSDĐ có giá 962.000 đồng/m2, có tứ cận: Đông giáp ông B (thửa 156) và đường đất, dài 83,27m; Tây giáp đất ông K (thửa số 8, tờ bản đồ 98); Nam giáp ông Ph (thửa 12) và ông Tr (thửa 37); Bắc giáp đường Quốc lộ 22B; gồm 2 thửa:

+ Thửa đất số 157: Có diện tích 2.349,5m2 (lộ giới quy hoạch 108,6m2), loại đất: ONT: 400m2 + CLN: 1.949,5m2, diện tích đo đạc thực tế 3.512m2 (quy hoạch lộ giới 181,7m2) do ông Kh quản lý, trị giá 3.203.844.800 đồng.

Tài sản trên đất gồm: 01 căn nhà gỗ, kết cấu nền gạch tàu, vách + cột + kèo

+ đòn tay + mẻ gỗ, cửa đi + cửa sổ gỗ, mái ngói; hiện trạng đã xuống cấp, diện tích 145m2, trị giá 113.738.000 đồng; 01 căn nhà tường kết cấu nền gạch tàu, tường gạch trát vữa quét vôi bên trong, kèo + đòn tay gỗ, trần ván ép, mái tôn fibro xi măng + tôn kẽm, hiện trạng xuống cấp nhẹ, có diện tích 36,5m2, trị giá 21.472.950 đồng; 40 cây kiểng Hoàng Nam trồng khoảng năm 2005 trị giá 6.000.000 đồng, 24 cây Sưa trồng khoảng năm 2008 trị giá 48.000.000 đồng, 55 cây Sao trồng khoảng năm 2008 trị giá 22.000.000 đồng.

+ Thửa đất số 158: Có diện tích 2.224m2 (lộ giới quy hoạch 127,9m2), loại đất: ONT: 400m2 + CLN: 1824m2) do bà Trần Thị Phương Th đang quản lý có diện tích đo đạc thực tế là 1.061,5m2 (lộ giới 54,8m2), trị giá 968.445.400 đồng. Tài sản trên đất các bên không tranh chấp, không yêu cầu đo đạc, định giá.

Tài sản tranh chấp thứ hai: Tọa lạc tại ấp Tr, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh, thuộc thửa đất số 79, tờ bản đồ số 68 (thửa cũ 1421-1426, tờ bản đồ số 11) theo GCNQSDĐ số 02602QSDĐ ngày 07/10/1997 do UBND huyện G, tỉnh Tây Ninh cấp cho ông Trần Duy Kh đứng tên có diện tích 3.735m2 hiện ông Kh đang sử dụng đất, diện tích đo đạc thực tế là 8.086,3m2 (trong đó diện tích nằm trong GCNQSDĐ 3.735m2, diện tích chưa được cấp GCNQSDĐ 3.964,8m2 + 386,5m2 (phần đất nghĩa địa), loại đất: CLN, trị giá 301.929.900 đồng, hiện trạng trên đất có cây Sao, cây Sưa các bên không yêu cầu định giá, đất có tứ cận: Đông giáp đường đất dài 127,50m; Tây giáp đất bà U (thửa 155) dài 96,80m; Nam giáp thửa

82, dài 75,23m; Bắc giáp đường đất, dài 76,29m.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2017/DS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định:

Căn cứ Điều 232, 277 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 618, 623, 660, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 7 Điều 27 của Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ quốc hội khóa 12; Điều 12 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tóa án nhân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Phương Th và bà Trần Thị Kiều H tranh chấp về yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Trần Văn C và cụ Khưu Thị N.

2. Chia bằng giá trị: Ông Trần Duy Kh2, ông Trần Duy Kh1, ông Trần DuyK, ông Trần Duy Kh, ông Trần Duy Kh3, bà Trần Thị Thúy Ph, bà Trần ThịPhương Th và bà Trần Thị Kiều H mỗi người được hưởng phần thừa kế trị giá436.671.800 đồng. Vợ chồng ông Trần Duy Kh, bà Tân Kiểm D được hưởng phần công sức bảo quản di sản trị giá 436.671.800 đồng.

3. Chia bằng hiện vật:

3.1. Phần đất diện tích 4.573,5m2 thuộc thửa đất số 157, 158 tờ bản đồ số 96 và tài sản trên đất tại ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh được chia như sau:

+ Ông Kh2 được hưởng (phần thứ nhất) có diện tích 427,2m2 trong đó có72m2 đất thổ cư, có tứ cận:

Đông giáp phần chia cho bà H (phần thứ hai), dài: 82,6m;

Tây giáp đất ông B (thửa 156), dài: 33,28m + 22,7m + 23,63m + 3,66m;

Nam giáp đất ông Ph (thửa 12), dài: 4,64m;Bắc giáp Quốc lộ 22B, dài: 5,58m.

Ông Kh2 được sở hữu 04 cây Hoàng Nam; 06 cây Sưa; 19 cây Sao và các cây trồng khác trên đất.

+Phần bà H được hưởng (phần thứ hai) có diện tích 413,8m2 trong đó có72m2 đất thổ cư, có tứ cận:

Đông giáp phần chia cho ông Kh3 (phần thứ ba) dài: 81,94m; Tây giáp đất phần thứ nhất, dài: 82,6m; Nam giáp đất ông Ph (thửa 12) ,dài: 4,56m; Bắc giáp Quốc lộ 22B, dài: 5,54m.

Bà H được sở hữu 05 cây Hoàng Nam; 04 cây Saovà các cây trồng khác trênđất.

+Phần ông Kh3 được hưởng (phần thứ ba) có diện tích 410,8m2 trong đó có 72 m2 đất thổ cư, có tứ cận:Đông giáp phần chia cho ông Kh (phần thứ tư) dài: 81,3m; Tây giáp đất phần thứ hai, dài: 81,94m; Nam giáp đất ông Ph (thửa 12) dài: 4,56m; Bắc giápQuốc lộ 22B, dài: 5,54m.

Ông Kh3 được sở hữu 04 cây Hoàng Nam; 06 cây Sao và các cây trồng khác trên đất.

+Phần Ph được chia (phần thứ tám) có diện tích 395,6m2 trong đó có 70m2đất thổ cư, có tứ cận:

Đông giáp phần chia cho bà Th (phần thứ 9) dài: 78,2m;

Tây giáp đất phần thứ bảy, dài: 78,79m;

Nam giáp đất ông Ph (thửa 12) dài: 4,55m;Bắc giáp Quốc lộ 22B dài: 5,54m.

Ph được sở hữucây trồng gồm: 04 cây Hoàng Nam; 04 cây Sao; 02 cây sưa và các cây trồng khác trên đất.

+Phần bà Th được chia (phần thứ chín) có diện tích 392,6m2 trong đó có69m2 đất thổ cư (bà Th dang quản lý 141,2m2), có tứ cận:Đông giáp phần bà Th đang quản lý (tường rào) dài: 77,83m;

Tây giáp đất phần thứ tám, dài: 78,2m; Nam giáp đất ông Tr (thửa 37) dài: 2,66m; Bắc giáp Quốc lộ 22B dài: 3,80m. Bà Th được sở hữu 04 cây Hoàng Nam; 03 cây Sao; 13 cây Sưa và các cây trồng khác trên đất.Bà Th và ông H3 được sử dụng phần đất còn lại đã chuyển nhượng có diện tích 920,3m2 trong đó có 160 m2 đất thổ cư, thuộc thửa số 158, tờ bản đồ số 96, có tứ cận:Đông giáp phần đất ông K, thửa 8, tờ bản đồ 98, dài: 76,15m;Tây giáp đất phần thứ chín, dài: 77,6m; Nam giáp đất ông Tr (thửa 37), dài: 12m; Bắc giáp Quốc lộ 22B, dài: 12m.

Ông Kh, bà D có nghĩa vụ giao lại quyền sử dụng đất và tài sản trên đất choÔng Kh2, bà H, ông Kh3, Ph, bà Th, ông H3.

+ Phần ông Kh được chia (phần thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy) có diện tích 1.613,2m2 trong đó có 285m2 đất thổ cư, có tứ cận: Đông giáp phần chia cho cho Ph (phần thứ tám) dài: 78,79m; Tây giáp đất phần thứ 3 dài: 81,3m; Nam giáp đất ông Ph (thửa 12), ông Tr (thửa 37) dài: 18,25m; Bắc giáp Quốc lộ 22B dài: 22,12m.

Ông Kh được sở hữu 01 căn nhà gỗ diện tích 145m2, kết cấu nền gạch Tàu, vách + cột + kèo + đòn tay + mè gỗ, cửa đi + cửa sổ gỗ, mái ngói và các tài sản gắn liền với đất. 

3.2. Ông Kh được sử dụng diện tích đất 8.086,3m2 thuộc thửa đất số 79, tờ bản đồ số 59 (thửa cũ 1421-1426, tờ bản đồ số 11) tại ấp Tr, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh; trong đó, có diện tích 3.735m2 ông Trần Duy Kh đứng tên GCNQSDĐ số 02602 QSDĐ ngày 07/10/1997 do UBND huyện G, tỉnh Tây Ninh, diện tích chưa được cấp GCNQSDĐ là 3.964,8m2 + 386,5m2 (phần đất nghĩa địa), đất có tứ cận:

Đông giáp đường đất, dài: 127,5m;

Tây giáp đất bà U (thửa 55), dài: 96,8m;

Nam giáp thửa 82, dài: 75,23m;

Bắc giáp đường đất, dài: 76,29m.

Tổng giá trị phần di sản ông Kh được quản lý, sử dụng là 1.967.566.300 đồng. Trong đó, phần ông Kh được chia trị giá 436.671.800 đồng, phần tài sản chung của vợ chồng ông Kh, bà D được chia là 436.671.800 đồng.

4. Ông Kh có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch giá trị tài sản được hưởng cho:

- Thanh toán cho ông Kh1, ông K mỗi người số tiền 436.671.800 đồng (bốn trăm ba mươi sáu triệu sáu trăm bảy mươi mốt nghìn tám trăm đồng).

- Thanh toán cho ông Kh2 số tiền 5.505.400 đồng (năm triệu năm trăm lẻ năm nghìn bốn trăm đồng);

- Thanh toán cho ông Kh3 số tiền 38.482.200 đồng (ba mươi tám triệu bốn trăm tám mươi hai nghìn hai trăm đồng);

- Thanh toán cho Ph số tiền 49.904.600 đồng (bốn mươi chín triệu chín trăm lẻ bốn nghìn sáu trăm đồng);

- Thanh toán cho bà Th số tiền 31.190.600 đồng (ba mươi mốt triệu một trăm chín nghìn sáu trăm đồng);

- Thanh toán cho bà H số tiền 36.246.200 đồng (ba mươi sáu triệu hai trăm bốn mươi sáu nghìn hai trăm đồng).

5. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều468 Bộ luật Dân sự năm 2015. (Các phần đất, tài sản được phân chia có sơ đồ bản vẽ kèm theo).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, việc áp dụng Luật thi hành dân sự trong quá trình thi hành án và quyền kháng cáo vụ án theo luật định. thẩm.

Ngày 10/10/2017, ông Trần Duy Kh có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ Ngày 12/10/2017, bà Trần Thị Phương Th và bà Trần Thị Kiều H có đơn kháng cáo không đồng ý cách chia phần đất tại Quốc lộ 22B, ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh và không đồng ý nhận giá trị phần đất tại ấp Tr, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trần Thị Kiều H vắng mặt không có lý do; bà Trần Thị Phương Th trình bày ý kiến xin rút lại yêu cầu kháng cáo, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Duy Kh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư Trương Vĩnh Th1 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn ông Trần Duy Kh đưa ra các lập luận cho rằng phần đất tại ấp B cùng tài sản trên đất và phần đất tại ấp Tr, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh không phải là di sản của cụ Trần Văn C và Khưu Thị N để lại mà thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của ông Trần Duy Kh. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Kh, sửa án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm xác định đúng hàng thừa kế và di sản thừa kế do cụ C và Cụ N để lại. Ông Kh là người quản lý, sử dụng tài sản tranh chấp từ trước đến nay nên quyết định giao cho ông Kh tiếp tục sử dụng và hoàn trả giá trị cho các đồng thừa kế khác là đúng quy định. Đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử kháng cáo của bà Th, bác kháng cáo của bà H và ông Kh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Bà Trần Thị Kiều H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ 02 lần nhưng vắng mặt, không có lý do chính đáng. Do đó, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bà H.

 [2] Xét nội dung kháng cáo của các đương sự:

 [2.1] Bà Trần Thị Phương Th và Trần Thị Kiều H cho rằng di sản thừa kế do cụ Trần Văn C và cụ Khưu Thị N để lại gồm 4 tài sản: 01 phần đất thổ cư giáp Quốc lộ 22B; 01 phần đất vườn tại ấp Tr; 01 nhà đất tại chợ Th, ấp B; 01 phần đất ruộng tại ấp B1, cùng thuộc xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh. Trong đó, bà yêu cầu chia 02 phần tài sản 01 phần đất thổ cư giáp Quốc lộ 22B; 01 phần đất vườn tại ấp Tr hiện do ông Trần Duy Kh quản lý, sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia thừa kế đối với 02 tài sản nêu trên.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Th và bà H kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm chia quyền sử dụng phần đất giáp Quốc lộ 22B chưa phù hợp và giao cho ông Kh sử dụng toàn bộ phần đất tại ấp Tr là không đúng. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Th đồng ý với bản án sơ thẩm và có ý kiến xin rút lại yêu cầu kháng cáo. Xét việc rút yêu cầu kháng cáo của bà Th là hoàn toàn tự nguyện, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 284 Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Th.

Ông Trần Duy Kh kháng cáo đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì cho rằng trước khi chết cha mẹ đã chia đều tài sản cho các anh em, riêng phần đất tại ấp Tr gia đình ông đã quản lý, sử dụng từ thời điểm trước khi cha mẹ mất.

 [2.2] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử xét thấy:

Phần diện tích đất 4.573,5m2 thuộc thửa đất số 157, 158, tờ bản đồ số 96, toạ lạc tại ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh hiện do ông Trần Duy Kh quản lý, sử dụng. Diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong phần đất tranh chấp này, có 01 căn nhà gỗ do cụ C và Cụ N để lại.

Phần đất diện tích 8.086,3m2 thuộc thửa 79, tờ bản đồ số 68, tọa lạc tại ấp Tr, xã Th, huyện G, tỉnh Tây Ninh, ông Trần Duy Kh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 3.735m2. Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02602QSDĐ ngày 07/10/1997, UBND huyện G cấp cho ông Trần Duy Kh không thể hiện đây là đất do thừa kế. Phần còn lại 3.964,8m2 và phần đất thổ mộ 386,5m2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nguyên đơn khởi kiện cho rằng hai phần đất này là di sản của cha mẹ để lại. Tuy nhiên tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận khi cụ C và Cụ N còn sống thì họ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003. Do đó, theo Nghị Quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao thì hai diện tích đất trên không phải là di sản thừa kế. Tuy nhiên trong phần đất tranh chấp thứ nhất, có 01 căn nhà gỗ do cụ C và Cụ N để lạ. Theo lời khai của các bên đương sự thì phần nhà đất này lúc cha mẹ còn sống có vợ chồng ông Kh ở cùng với cha mẹ và 02 em gái là bà H và bà Th. Sau khi, bà H và bà Th lấy chồng thì vợ chồng ông Kh quản lý đến nay. Nên chỉ có diện tích đất của căn nhà được xác định là di sản thừa kế. Do đó, việc Toà án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ hai diện tích đất trên là di sản thừa kế của cụ C và Cụ N để chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn là ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn và cấp phúc thẩm không không thể bổ sung tại phiên toà phúc thẩm được, nên cần thiết phải huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

 [3] Do bản án sơ thẩm bị hủy nên các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 284 và khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015,Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Trần Thị Phương Th. Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Trần Thị Kiều H và ông Trần Duy Kh.

Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2017/DS-ST ngày 27/9/2017 của Tòa ánnhân dân tỉnh Tây Ninh. Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh giải quyết lại theo thủ tục chung.

Án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng khác sẽ được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Trần Thị Phương Th, Trần Thị Kiều H, ông Trần Duy Kh không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn lại cho ông Kh, bà Th, bà H mỗi người 300.000 đồng tạm ứng án phí lần lượt theo biên lai thu số 0000345 ngày 12/10/2017, 0000360 và 0000361 cùng ngày 17/10/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

866
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 202/2018/DS-PT ngày 07/08/2018 về tranh chấp di sản thừa kế

Số hiệu:202/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về