Bản án 20/2020/HS-ST ngày 22/07/2020 về tội hủy hoại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẢNG TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 20/2020/HS-ST NGÀY 22/07/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 13/2020/TLST-HS ngày 16 tháng 3 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 17/2020/QĐXXST-HS ngày 15/5/2020, đối với các bị cáo:

1. Phạm Sơn H, sinh ngày 25/6/1941; tại: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nơi ĐKHKTT: số 08A/1C1 - Thái Văn L, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; ch ở hiện nay: thôn Đ, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Hưu trí; trình độ văn hóa: lớp 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm H và bà Nguyễn Thị H (đều đã chết); có vợ Tạ Thị H và 05 con; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

2. Phạm Minh D, sinh ngày 05/5/1955; tại: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nơi cư trú: thôn Đ, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa: lớp 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm H và bà Nguyễn Thị H (đều đã chết); có vợ Phạm Thị S và 04 con; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: năm 1978, bị TAND tỉnh Bình Trị Thiên xử phạt 09 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản XHCN”. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

3. Ngô Xuân Đ, sinh ngày 07/5/1948; tại: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nơi cư trú: thôn Đ, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa: lớp 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ngô Xuân D và bà Trần Thị L (đều đã chết); có vợ Phạm Thị T và 07 con; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho các bị cáo Phạm Sơn H và Ngô Xuân Đ: Ông Nguyễn Bá Thành - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

- Bị hại: Ông Phạm Văn M; nơi cư trú: thôn Đ, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.

- Người đại diện hợp pháp của bị hại: Anh Phạm Ngọc O; nơi cư trú: thôn D, thị trấn T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

+ Chị Phạm Thị H; nơi cư trú: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.

+ Chị Phạm Thị H; nơi cư trú: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.

+ Chị Phạm Thị H; nơi cư trú: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.

+ Chị Phạm Thị H; nơi cư trú: xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Vắng mặt.

+ Chị Phạm Thị H; nơi cư trú: xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Vắng mặt.

+ Anh Phạm Ngọc O; nơi cư trú: xã T, thành phố S, tỉnh Đồng Tháp. Vắng mặt.

- Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Phạm Ngọc O; nơi cư trú: thôn D, thị trấn T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Vắng mặt.

- Những người làm chứng:

+ Anh Phạm Xuân K; nơi cư trú: thôn Đ, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình.

Có mặt.

+ Ông Dương Công Đ; ông Phạm Xuân T, anh Hồ Xuân T, anh Phạm Văn C, anh Nguyễn Minh S, anh Lê Thế V, ông Phạm Xuân H, ông Phạm Hữu N, anh Phan Văn C. Đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào năm 2011, vợ chồng ông Phạm Văn M và bà Nguyễn Thị H xây dựng ngôi nhà cấp 4, diện tích rộng 40m2 trên đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Phạm Văn M ở thôn Đ, xã Q. Trong qúa trình xây dựng, Phạm Sơn H là anh trai của ông M có cho ông M một số tiền để ông M xây dựng ngôi nhà trên (vì thời gian đã lâu nên các bên không nhớ cụ thể số tiền là bao nhiêu). Đến năm 2016, bà H chết, ông M ở một mình trong ngôi nhà này. Tháng 3 năm 2018, Phạm Sơn H có viết thư cho ông M đề nghị ông M tháo dỡ ngôi nhà để tu bổ giếng làng nhưng ông M không trả lời. Tháng 8 năm 2018, ông M bị xuất huyết não và điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, đến tháng 9 năm 2018, ông M xuất viện nhưng bị liệt, mất khả năng nhận thức nên phải chuyển đến ngôi nhà mà chị Phạm Thị H, là con gái của ông M (ngôi nhà này cũng nằm trên quyền sở hữu đất của ông M) để chị H chăm sóc. Ngôi nhà của ông M được sử dụng để cất giữ đồ dùng của gia đình và không có người ở.

Mặc dù chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp ngôi nhà là ông Phạm Văn M và gia đình ông M về việc đồng ý cho đập phá ngôi nhà để lấy đất tu bổ lại giếng làng Đông Dương nhưng vào ngày 18/11/2018, trong cuộc họp đại đoàn kết của thôn Đông Dương, Phạm Sơn H phát biểu trước toàn thể hội trường thôn hứa sẽ giao đất khu vực nhà ông Phạm Văn M cho thôn Đông Dương để cải tạo lại giếng làng đã cũ. Trong bữa cơm tối ngày 18/11/2018 tại nhà Phạm Minh D (là em trai của Phạm Sơn H) gồm có Phạm Sơn H, Phạm Minh D và bà Phạm Thị S (vợ của Phạm Minh D), Phạm Sơn H đã bàn bạc với Phạm Minh D về việc thuê người tháo dỡ ngôi nhà của ông M. Sau khi nghe Phạm Sơn H trình bày ý kiến, Phạm Minh D đồng ý. Phạm Sơn H chỉ đạo cho Phạm Minh D thuê người tháo dỡ phần ngói, đòn tay, rui mè và các cánh cửa của ngôi nhà, còn phần tường và móng thì có thôn lo. Sau đó, Phạm Sơn H hỏi ý kiến của Ngô Xuân Đ về kinh phí sửa chữa và tu bổ giếng làng, Ngô Xuân Đ trả lời rằng kinh phí để làm lại giếng làng là khoảng 25.000.000 đồng nên Phạm Sơn H đã đưa cho Ngô Xuân Đ số tiền 25.000.000 đồng để ủng hộ việc tổ chức xây lại giếng làng. Ngô Xuân Đ cầm tiền và đến nói với ông Dương Công Đ là Trưởng thôn Đông Dương biết về việc Phạm Sơn H ủng hộ tiền tu bổ giếng làng, sau đó Ngô Xuân Đ đưa số tiền trên cho bà Phạm Thị T (là vợ của Ngô Xuân Đ) cất giữ.

Ngày 19/11/2018, Phạm Minh D thuê anh Phạm Xuân K tháo dỡ phần mái và cửa của ngôi nhà, anh K gọi thuê thêm thợ là anh Phạm Xuân T, anh Hồ Xuân T và anh Nguyễn Minh S để tháo dỡ phần mái.

Theo như thỏa thuận, đến khoảng 07 giờ 00 phút ngày 20/11/2018, anh K, anh T, anh T và anh S mang theo búa, xà nạy và các dụng cụ khác đến nhà ông M để tháo dỡ nhà. Phạm Minh D chỉ đạo nhóm thợ cùng nhau tiến hành tháo dỡ phần cửa, mái hiên và toàn bộ phần mái nhà. Tháo dỡ đến đâu thì nhóm thợ đem xuống và xếp gọn ở góc vườn trước nhà. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, nhóm thợ trên tiến hành tháo dỡ xong và ra về, chỉ còn lại tường và phần móng nhà. Tiền công tháo dỡ anh K nhận từ Phạm Minh D, công được tính theo ngày, cụ thể một ngày bao nhiêu tiền thì Phạm Minh D và nhóm thợ không nhớ rõ.

Về phần tường và móng của ngôi nhà, Phạm Minh D và Phạm Sơn H đã trao đổi với Ngô Xuân Đ để thuê người đập phá. Mặc dù biết rõ ngôi nhà thuộc sở hữu hợp pháp của ông M, khi chưa có sự đồng ý của ông M và gia đình ông M nhưng Ngô Xuân Đ vẫn thuê anh Phạm Văn C đập phá phần tường của ngôi nhà. Ngày 21/11/2018, anh C điều khiển xe máy múc của mình đến nhà ông M, theo như thỏa thuận, anh C tiến hành điều khiển máy múc đập phá toàn bộ phần tường của ngôi nhà. Trong quá trình anh C thực hiện công việc, Phạm Minh D muốn để lại cho ông M một gian để đựng đồ nên đã trao đổi với Ngô Xuân Đ, Ngô Xuân Đ nói: “Đã không dỡ thì thôi, đã dỡ thì dỡ hết để làm cho đẹp”. Sau khi đập xong phần tường và móng, Ngô Xuân Đ hỏi Phạm Minh D: “Phần tường hạ xuống có làm gì không ?”, Phạm Minh D trả lời: “Không làm gì nữa, cho làng đó”. Sau đó, Ngô Xuân Đ nhờ anh C thuê anh Lê Thế V chở đi đổ tại đường làng thôn Đông Dương cách nhà ông M khoảng 100 mét. Anh C và anh V làm đến khoảng 12 giờ cùng ngày thì xong. Tiền công đập phá và vận chuyển được Ngô Xuân Đ lấy tiền cá nhân chi trả, anh C được trả 2.600.000 đồng nhưng anh C chỉ lấy số tiền là 2.000.000 đồng, còn 600.000 đồng anh C ủng hộ làm miếu làng ở ngoài đồng; anh V được chi trả 550.000 đồng nhưng anh V chỉ lấy 500.000 đồng.

Tại Bản kết luận định giá lại tài sản số 3861/STC-KLĐG ngày 21/11/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Quảng Bình kết luận: tổng giá trị thiệt hại của ngôi nhà của ông Phạm Văn M tại thời điểm tháng 11/2018 là 120.200.000 đồng.

Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp của bị hại và gia đình các bị cáo đã thống nhất thỏa thuận bồi thường đầy đủ, tương ứng với thiệt hại gây ra. Đại diện bị hại đã nhận đủ tiền bồi thường, không có yêu cầu gì thêm.

Tại Cáo trạng số 14/CT-VKSQT ngày 12 tháng 3 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã truy tố bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D và Ngô Xuân Đ về tội “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại các điểm b khoản 2 Điều 178 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo theo toàn bộ nội dung cáo trạng, có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhân thân, vai trò của từng bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 178; các điểm b, o, s, v, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 và Điều 36 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Sơn H và Ngô Xuân Đ; Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 178; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 36 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Minh D; căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội: xử phạt bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D mỗi bị cáo từ 12 đến 15 tháng cải tạo không giam giữ; xử phạt bị cáo Ngô Xuân Đ từ 09 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho các bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt. Buộc các bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa người bào chữa đồng nhất với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát và luận tội của Kiểm sát viên, việc Tòa án đưa ra xét xử đối với các bị cáo về tội “Hủy hoại tài sản” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 178; các điểm b, o, s, v, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 36 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Sơn H và Ngô Xuân Đ mỗi bị cáo từ 06 đến 09 tháng cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho các bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt và miễn tiền án phí cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, các bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D và Ngô Xuân Đ đã thừa nhận và thống nhất khai nhận hành vi mà các bị cáo đã thực hiện. Các bị cáo đã trao đổi, thống nhất về kinh phí tu bổ, xây dựng giếng làng, việc tháo dỡ nhà của ông M nhưng cho rằng hành vi thực hiện là đúng, vì mục đích chung, không vì động cơ cá nhân. Qua phần tranh tụng công khai tại phiên tòa, sau khi được Hội đồng xét xử phân tích, giải thích pháp luật, đối chiếu hành vi mà các bị cáo đã thực hiện với quy định của pháp luật là vi phạm, đã cấu thành tội phạm nên các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Như vậy, mặc dù chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp ngôi nhà là ông Phạm Văn M và gia đình của ông M về việc tháo dỡ ngôi nhà để lấy đất tu bổ lại giếng làng Đông Dương nhưng các bị cáo đã cùng nhau thuê người tháo dỡ, đập phá ngôi nhà. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản mà các bị cáo gây ra theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản là 120.200.000 đồng. Xét thấy, lời khai nhận hành vi phạm tội trên của các bị cáo tại phiên tòa và trong quá trình điều tra, truy tố là hoàn toàn phù hợp và thống nhất với nhau, phù hợp với lời khai của đại diện bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa. Hành vi tháo dỡ, đập phá tài sản của người khác do các bị cáo thực hiện đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại tài sản”. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã có đủ căn cứ để kết luận các bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D và Ngô Xuân Đ phạm tội “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 178 của Bộ luật Hình sự.

[3] Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện là nguy hại cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của gia đình ông Phạm Văn M được pháp luật bảo vệ, đồng thời còn xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý bất bình trong nhân dân. Khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp về tài sản các bị cáo đã ngang nhiên thuê người đập phá tài sản, gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến tinh thần của bị hại cũng như người thân bị hại. Vì vậy, cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên, việc hủy hoại tài sản của các bị cáo không vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân mà mục đích xuất phát là để phục hồi, tôn tạo lại di tích cộng đồng, phục hồi lại giếng làng. Vì vậy, khi quyết định hình phạt cũng cần xem xét, cân nhắc áp dụng hình phạt tương xứng, phù hợp.

[4] Xét tính đồng phạm, vị trí, vai trò của mỗi bị cáo thấy rằng: Vụ án mặc dù có 3 bị cáo tham gia thực hiện hành vi phạm tội, có sự thống nhất ý kiến, điều hành công việc nhưng các bị cáo không vì động cơ vụ lợi mà mục đích là để phục hồi giếng làng, khôi phục di tích lịch sử cho quê hương. Vì vậy, tính chất đồng phạm chỉ mang tính giản đơn mà không có sự tổ chức, cấu kết chặt chẽ theo hình thức đồng phạm phức tạp hay phạm tội có tổ chức. Trong 3 bị cáo thì Phạm Sơn H là người đề xướng ý kiến ban đầu và trao đổi, thống nhất cùng Phạm Minh D, Ngô Xuân Đ tháo dỡ nhà, đập phá tài sản của gia đình ông M để xây dựng lại giếng làng. Phạm Minh D, Ngô Xuân Đ sau khi tiếp nhận ý kiến đã đồng thuận, chủ động, trực tiếp thuê nhân công tháo dỡ nhà, san lấp, làm mặt bằng. Như vậy, xét vai trò, vị trí đồng phạm của ba bị cáo trong vụ án là ngang nhau nên phải chịu trách nhiệm với mức hình phạt tương đương nhau như vậy là phù hợp.

[5] Xét về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Xét về nhân thân thì bị cáo Phạm Minh D có nhân thân không tốt, bị cáo Phạm Sơn H và Ngô Xuân Đ là người có nhân thân tốt.

[6] Xét về tình tiết giảm nhẹ thì các bị cáo sau khi gây thiệt hại về tài sản cho gia đình ông M đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả gây ra; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo Phạm Sơn H và Ngô Xuân Đ là người có công cách mạng, được tặng thưởng Huân chương, Huy chương cao quý; khi phạm tội đã trên 70 tuổi. Bị cáo Phạm Minh D có anh trai là liệt sĩ và hiện đang do bị cáo thờ phụng. Ngoài ra, các bị cáo được bị hại có đơn, được người dân địa phương có tờ trình đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, o, s, x khoản 1; khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, cần áp dụng cho các bị cáo theo điều kiện, mức độ mà mỗi bị cáo được hưởng khi quyết định hình phạt.

[7] Xét quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên, người bào chữa về việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo là chưa nghiêm, chưa phù hợp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, hậu quả do hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. Vì vậy, không chấp nhận.

[8] Từ những nhận định, đánh giá trên, Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo Hải, Đang có nhân thân tốt, bị cáo D mặc dù có nhân thân không tốt nhưng trong vụ án bị cáo có vai trò đồng phạm không đáng kể; các bị cáo tuổi đã cao, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, có đủ điều kiện được rèn luyện, cải tạo tại địa phương nên chưa cần thiết buộc phải đi chấp hành hình phạt tù tại Trại giam, cách ly ra khỏi xã hội mà áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, giao về chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình quản lý, giám sát cũng đủ tính răn đe, giáo dục. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự nên căn cứ Điều 54 của Bộ luật Hình sự, quyết định cho các bị cáo hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định, như vậy là phù hợp.

[9] Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo đã trực tiếp gây ra thiệt hại về tài sản cho bị hại với tổng số tiền theo kết luận định giá là 120.200.000 đồng, do vậy các bị cáo phải có trách nhiệm, nghĩa vụ liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra. Trước khi mở phiên tòa, giữa người đại diện hợp pháp của bị hại và gia đình các bị cáo đã thống nhất thỏa thuận bồi thường đầy đủ, tương ứng với thiệt hại gây ra với số tiền là 120.200.000 đồng. Ngoài ra còn bồi dưỡng sức khỏe cho bị hại số tiền 29.800.000 đồng. Đến tại phiên tòa không ai có ý kiến, yêu cầu gì thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[10] Về vật chứng của vụ án: Các vật chứng liên quan đến vụ án là ngói, xà g , đòn tay, ruôi mè, phần cửa của ngôi nhà bị các đối tượng tháo dỡ để ở góc vườn nhà ông Phạm Văn M đã bị mục nát, hư hỏng, Cơ quan CSĐT đã tiến hành kiểm đếm, thu thập thông tin và giao cho anh Phạm Ngọc O quản lý, không tiến hành tạm giữ, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[11] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc các bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D và Ngô Xuân Đ phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 178; các điểm b, o, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Sơn H và Ngô Xuân Đ;

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 178; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Minh D.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D và Ngô Xuân Đ phạm tội “Hủy hoại tài sản”.

2. Về hình phạt:

Xử phạt bị cáo Phạm Sơn H 01 (một) năm tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt bị cáo Phạm Minh D 01 (một) năm tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt bị cáo Ngô Xuân Đ 01 (một) năm tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Giao các bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D và Ngô Xuân Đ cho Ủy ban nhân dân xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình phối hợp cùng gia đình giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách của án treo.

3. Về trách nhiệm dân sự: không xem xét.

4. Về xử lý vật chứng: không xem xét.

5. Về án phí: Buộc các bị cáo Phạm Sơn H, Phạm Minh D và Ngô Xuân Đ mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm để nộp sung vào ngân sách nhà nước.

Báo cho các bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

203
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 20/2020/HS-ST ngày 22/07/2020 về tội hủy hoại tài sản

Số hiệu:20/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quảng Trạch - Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về