Bản án 20/2019/DS-ST ngày 08/05/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN U, TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 20/2019/DS-ST NGÀY 08/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 08 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện U, tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 34/2019/TLST-DS ngày 06 tháng 3 năm 2019 về tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 49/2019/QĐXXST-DS ngày 04 tháng 4 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Huỳnh Thị S, sinh năm: 1976 (có mặt).

Địa chỉ: Số 554A đường Nguyễn Chí Thanh, khu phố 6, phường S, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

- Bị đơn: Ông Trần Quốc T1, sinh năm: 1976.

Địa chỉ: HKTT: Số 512, 520 đường Nguyễn Chí Thanh, phường S, thành phố R, tỉnh Kiên Giang;

Địa chỉ hiện nay: Ấp 1, xã K, huyện U, tỉnh Cà Mau (có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Châu Thanh T2, sinh năm: 1985 (vắng mặt).

HKTT: Số 512, 520 đường Nguyễn Chí Thanh, phường S, thành phố R, tỉnh Kiên Giang;

Địa chỉ hiện nay: Ấp 1, xã K, huyện U, tỉnh Cà Mau.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Tại đơn khởi kiện ngày 06 tháng 3 năm 2019 và quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn bà S trình bày:

Bà có cho ông T1 (Lam) vay tiền vào ngày 01/01/2015 số tiền 62.000.000 đồng và ngày 01/01/2016 số tiền 58.000.000 đồng, tổng cộng 120.000.000 đồng lãi suất thỏa thuận là 5%/tháng. Từ tháng 4/2016 thì ông T1 không đóng tiền lãi. Đến tháng 4/2017, ông T1 bán xe cho người khác, tiền bán xe bà nhận được 35.000.000 đồng, bà có mua vật liệu và vợ Thanh là bà T2 đóng hụi dùm bà là 5.000.000 đồng, bà đóng tiền phạt cho ông T1 để lấy giấy tờ xe và bà thống nhất chia một nửa số tiền đã nộp là 10.500.000 đồng, sau khi trừ lại số tiền phạt bà đóng cho ông T1, số tiền còn dư lại là 35.575.000 đồng ((35.000.000 + 11.075.000) - 10.500.000 đồng = 35.575.000 đồng) bà đồng ý trừ vào số tiền gốc, vì vậy ông T1 còn thiếu lại 84.425.000 đồng, làm tròn 85.000.000 đồng. Bà yêu cầu vợ chồng ông T1 và bà T2 trả lại cho bà số tiền gốc là 85.000.000 đồng và tính tiền lãi từ tháng 5/2017 đến nay, lãi suất theo quy định của nhà nước.

Tại phiên tòa, bà S yêu cầu nếu ông T1 không thực hiện theo thỏa thuận tại phiên hòa giải thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo đơn khởi kiện, cụ thể buộc ông T1 trả số tiền lãi trên số tiền 120.000.000 đồng từ tháng 5/2016 là thời điểm ông T1 ngừng thanh toán tiền vay và tính lãi từ tháng 5/2017 sau khi trừ số tiền 35.000.000 đồng, còn lại 85.000.000 đồng theo lãi suất nhà nước quy định theo mức lãi suất quá hạn. 

- Tại phiên hòa giải, bị đơn ông Trần Quốc T1 trình bày: Ông thừa nhận có vay tiền của bà S vào ngày 01/01/2015 số tiền 62.000.000 đồng và ngày 01/01/2016 số tiền 58.000.000 đồng, tổng cộng: 120.000.000 đồng, hàng tháng ông có đóng lãi cho bà S 5% trên số tiền vay đến tháng 4/2016 thì ngưng đóng lãi do không còn khả năng; Sau đó, ông có bán cho người khác 01 chiếc xe tải nhưng bà S là người nhận tiền, số tiền theo thỏa thuận là 35.000.000 đồng, ngoài ra bà S còn mua vật liệu xây dựng và vợ ông có đóng tiền hụi dùm bà S ông yêu cầu trừ số tiền này vào số tiền vay ông còn thiếu; ông đồng ý trừ một nửa số tiền phạt mà bà S đã đóng để lấy giấy tờ xe của ông; ông thống nhất tính đến tháng 4/2017 sau khi trừ số tiền xe ông bán mà bà S nhận và tiền vật liệu, tiền hụi vợ ông đóng dùm thì số tiền còn lại là 35.000.000 đồng, trừ vào tiền vay 120.000.000 đồng thì vợ chồng ông còn thiếu bà S số tiền 85.000.000 đồng làm tròn; ông hiện nay không có khả năng trả nợ một lần cho bà S và không đồng ý trả lãi theo yêu cầu của bà S do không có khả năng.

Tại phiên tòa, ông T1 trình bày: Ông thừa nhận có vay tiền của bà sành như bà S trình bày, tổng cộng số tiền vay là 120.000.000 đồng. Ông đã đóng lãi cho bà sành mỗi tháng 5% đến tháng 4/2016 thì ngưng đóng. Đến tháng 4/2017 ông và bà S thỏa thuận trừ tiền ông bán xe và tiền vật liệu, số tiền còn lại là 35.000.000 đồng trừ vào 120.000.000 đồng gốc đã vay. Nếu bà S đồng ý không tính lãi thì ông đồng ý trả cho bà S số tiền 85.000.000 đồng, bà S không đồng ý thì ông yêu cầu Tòa án tính lãi suất theo quy định của nhà nước và trừ tiền lãi 5% ông đã đóng vượt, còn lại bao nhiêu ông đồng ý trả.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Chị Huỳnh Thị S yêu cầu ông Trần Quốc T1 và bà Châu Thanh T2, hiện ở xã K, huyện U, tỉnh Cà Mau, cùng trả tiền đã vay của bà và tính lãi quá hạn theo mức lãi suất Ngân hàng, tranh chấp giữa các đương sự được xác định là tranh chấp dân sự về việc vay tài sản và thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện U theo quy định tại khoản 3 Điều 26; điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a, khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự. Bà T2 vắng mặt lần hai tại phiên tòa, ông T1 vắng mặt không có lý do khi tuyên án căn cứ khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng tiến hành xét xử vắng mặt bà T2.

[2] Về nội dung: Các đương sự thống nhất nội dung về việc vay tiền, cụ thể ngày 01/01/2015 bà S cho ông T1 vay số tiền 62.000.000 đồng lãi suất thỏa thuận là 5% tháng, đến ngày 01/01/2016 ông T1 vay thêm 58.000.000 đồng mức lãi suất 5% tháng. Ông T1 đã đóng lãi theo thỏa thuận đến 4/2016 thì ngưng đóng. Bà S yêu cầu ông T1 trả số tiền 120.000.000 đồng và tính lãi theo quy định nhà nước từ tháng 5 năm 2016 và lãi theo quy định từ tháng 5/2017 đến nay sau khi trừ số tiền 35.000.000 đồng đã quy đổi từ xe và tiền vật liệu bà thiếu, lãi suất tính theo mức lãi suất quá hạn. Ông T1 không đồng ý, ông T1 tính lãi theo quy định của pháp luật yêu cầu đối trừ tiền lãi đã đóng trước đó.

Xét thấy, khi thực hiện hợp đồng vay vào tháng 01/2015 các bên có thỏa thuận lãi suất là 5% tháng, mức lãi suất này đã vượt mức lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự hiện các bên tranh chấp và có yêu cầu tính lãi lại nên phải điều chỉnh lại mức lãi suất. Thời điểm vay là ngày 01/01/2015, áp dụng Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005, lãi suất vay được tính là 1,125% tháng (lãi suất cơ bản là 9%/năm), số tiền vay là 62.000.000 đồng. Ông T1 đã đóng tiền lãi 5%/tháng, từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2015 là 12 tháng, tiền lãi đã đóng mỗi tháng là 62.000.000 đồng x 5% = 3.100.000 đồng, đã vượt so với lãi theo quy định nên sau khi trừ số tiền lãi đã đóng với tiền lãi theo quy định, số tiền còn dư được trừ vào số tiền gốc, cụ thể:

Tiền lãi của tháng 1/2015 được trả vào tháng 02/2015, lãi theo quy định trên số tiền gốc 62.000.000 đồng là 697.500 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.402.500 đồng, tiền gốc còn lại là 59.597.500 đồng.

Tháng 3/2015, lãi theo quy định là 670.472 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.429.528 đồng, tiền gốc còn lại là 57.167.972 đồng.

Tháng 4/2015 lãi theo quy định là 643.140 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãiđã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.456.860 đồng, tiền gốc còn lại là 54.711.112 đồng.

Tháng 5/2015 lãi theo quy định là 615.500 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.484.500 đồng, tiền gốc còn lại là 52.226.612 đồng.

Tháng 6/2015 lãi theo quy định là 587.549 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.512.451 đồng, tiền gốc còn lại là 49.714.161 đồng.

Tháng 7/2015 lãi theo quy định là 559.284 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.540.716 đồng, tiền gốc còn lại là 47.173.445 đồng.

Tháng 8/2015 lãi theo quy định là 530.701 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.569.299 đồng, tiền gốc còn lại là 44.604.147 đồng.

Tháng 9/2015 lãi theo quy định là 501.797 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.598.203 đồng, tiền gốc còn lại là 42.005.943 đồng.

Tháng 10/2015 lãi theo quy định là 472.567 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.627.433 đồng, tiền gốc còn lại là 39.388.510 đồng.

Tháng 11/2015 lãi theo quy định là 443.008 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.656.992 đồng, tiền gốc còn lại là 36.721.518 đồng.

Tháng 12/2015 lãi theo quy định là 413.117 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.688.883 đồng, tiền gốc còn lại là 34.034.635 đồng.

Tháng 01/2016 lãi theo quy định là 382.890 đồng, trừ vào 3.100.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 2.717.110 đồng, tiền gốc còn lại là 92.034.635 đồng do vay thêm 58.000.000 đồng.

Tháng 02/2016 lãi theo quy định là 1.035.390 đồng, trừ vào 6.000.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 4.964.883 đồng, tiền gốc còn lại là 87.070.025 đồng.

Tháng 03/2016 lãi theo quy định là 979.538 đồng, trừ vào 6.000.000 đồnglãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 5.020.462 đồng, tiền gốc còn lại là 82.049.563 đồng.

Tháng 04/2016 lãi theo quy định là 923.058 đồng, trừ vào 6.000.000 đồng lãi đã đóng, còn dư lại được trừ vào tiền gốc 5.076.942 đồng, tiền gốc còn lại là 76.972.620 đồng.

Vậy đến tháng 4/2016, số tiền gốc còn lại là 76.972.620 đồng. Sau khi đóng lãi vào tháng 4 thì ông T1 cho rằng không còn khả năng đóng lãi; do ông T1 không đóng lãi nên bà S yêu cầu ông T1 trả tiền vay nhưng ông T1 không còn khả năng trả. Do đây là tiền vay có lãi nhưng khi được yêu cầu trả lãi và gốc nhưng ông T1 không trả nên ông T1 phải tiếp tục chịu tiền lãi theo quy định từ tháng 5 năm 2016 đến tháng 12/2016 là 8 tháng x 1,125% x 76.972.620 đồng = 6.927.536 đồng. Ngoài ra, ông T1 còn phải chịu tiền lãi quá hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 474 Bộ luật dân sự 2005, thời gian tính lãi quá hạn từ tháng 5/2016 đến tháng 12/2016 là: 76.972.620 đồng x 0,75%/tháng x 8 tháng = 4.618.357 đồng.

Từ ngày 01/01/2017, áp dụng khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 lãi suất được điều chỉnh là 1,67% tháng đến tháng 4 năm 2017 là 4 tháng lãi và tiền lãi được xác định theo mức lãi suất quá hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể: 2,5% x 76.972.620 đồng x 4 tháng = 7.697.262 đồng.

Tổng cộng tiền lãi đến tháng 4 năm 2017 là 6.927.536 đồng + 4.618.357 đồng + 7.697.262 đồng = 19.243.155 đồng.

Tháng 4 năm 2017, ông T1 trả được 35.000.000 đồng, sau khi trừ lãi, số còn dư được trừ vào gốc thì số tiền gốc còn lại là (76.972.620 đồng + 19.243.155 đồng) – 35.000.000 đồng = 61.215.775 đồng.

Từ tháng 5 năm 2017 đến tháng 5 năm 2019 thời gian phải chịu lãi là 25 tháng tính theo lãi suất quá hạn là 2,5%/tháng x 61.215.775 đồng x 25 tháng = 39.790.254 đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền phải thanh toán tiếp là 61.215.775 đồng + 39.790.254 đồng = 101.006.029 đồng.

Đối với bà T2 là vợ ông T1 cùng có trách nhiệm liên đới trả nợ với ông T1 do đây là nợ phát sinh trong thời kì hôn nhân và việc cấn trừ nợ bà T2 cũng đã tham gia.

Vì vậy, buộc ông T1 và bà T2 phải trả cho bà S số tiền 101.006.029 đồng, trong đó tiền gốc là 61.215.775 đồng và tiền lãi 39.790.254 đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành khoản tiền nêu trên thì người phải thi hành án còn phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền gốc theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.

Bà S yêu cầu tính theo quy định từ tháng 5/2016 đến tháng 4/2017 trên số tiền gốc 120.000.000 đồng và lãi từ tháng 5/2017 đến nay trên số gốc 85.000.000 đồng. Vì vậy tiền lãi được tính: từ tháng 5/2016 lãi suất là 1,125%; từ tháng 01/2017 đến tháng 5/2019 lãi suất 1,67%; tiền gốc từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2017 là 120.000.000 đồng; từ tháng 5/2017 đến từ tháng 5/2019 trên số gốc 85.000.000 đồng; tiền lãi tổng cộng là 10.800.000 đồng + 8.016.000 đồng + 35.487.500 đồng = 54.303.500 đồng + gốc 85.000.000 đồng = 139.303.500 đồng; số tiền được chấp nhận là 101.006.029 đồng. Như vậy, không chấp nhận yêu cầu của bà S đối với ông T1 và bà T2 số tiền 139.303.500 đồng - 101.006.029 đồng = 38.297.471 đồng. Đối với số tiền 38.297.471 đồng không được chấp nhận bà S phải chịu án phí.

[3] Án phí dân sự sơ thẩm: Yêu cầu của bà S được chấp nhận một phần nên phải chịu án phí đối với phần không được chấp nhận 38.297.471 đồng x 5% = 1.914.874 đồng.

Ông Trần Quốc T1 và bà Châu Thanh T2 phải chịu án phí là 101.006.029 đồng x 5% = 5.050.303 đồng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 3 Điều 26; Điều 147; khoản 2 Điều 227; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng 474, Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 357; Điều 463; Điều 466; Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Áp dụng khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về mức thu, miễm, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu của chị Huỳnh Thị S đối với ông Trần Quốc T1 và Châu Thanh T2 về việc trả tiền vay.

Buộc ông Trần Quốc T1 và bà Châu Thanh T2 cùng liên đới trả cho chị Huỳnh Thị S tiền vay tổng cộng 101.006.029 (Một trăm lẻ một triệu, không trăm lẻ sáu ngàn, không trăm hai mươi chín) đồng, trong đó, tiền gốc là 61.215.775 đồng và tiền lãi 39.790.254 đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành khoản tiền nêu trên thì người phải thi hành án còn phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự. 

Không chấp nhận yêu cầu của bà S đối với ông T1 và bà T2 số tiền 38.297.471 đồng

- Về án phí: Bà S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu không được chấp nhận là 1.914.874 đồng (Một triệu chín trăm mười bốn ngàn, tám trăm bảy mươi bốn) đồng. Bà S đã nộp tạm ứng án phí 3.000.000 đồng theo biên lai thu số 0008376 ngày 21 tháng 8 năm 2018 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang được đối trừ chuyển thu án phí. Bà Huỳnh Thị S được nhận lại 1.085.126 (Một triệu, không trăm tám mươi lăm ngàn, một trăm hai mươi sáu) đồng.

Ông Trần Quốc T1 và bà Châu Thanh T2 cùng liên đới chịu án phí là 5.050.303 (Năm triệu không trăm năm mươi ngàn, ba trăm lẻ ba) đồng.

Đương sự có mặt quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

271
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 20/2019/DS-ST ngày 08/05/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:20/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện U Minh - Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về