Bản án 20/2019/DS-PT ngày 26/11/2019 về tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 20/2019/DS-PT NGÀY 26/11/2019 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 26 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 23/2019/TLPT-DS ngày 23 tháng 10 năm 2019 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 23/2019/QĐPT-DS ngày 04 tháng 11 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa số: 15/2019/QĐ-PT ngày 15 tháng 11 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Đinh Thị C, sinh năm 1945 Địa chỉ: Phòng xxx, nhà Cxx, phường MĐ, quận HM, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo ủy quyền của bà C: Chị Tạ Thị Thu G, sinh năm 1976 Địa chỉ: Số nhà xx ngõ xxx, đường TT, phố LL, phường NT, thành phố NB, tỉnh Ninh Bình. (Theo văn bản ủy quyền ngày 15/11/2019).

2. Bị đơn: Ông Vũ Đức S, sinh năm 1940 Địa chỉ: Xóm thôn TT, xã NG, huyện HL, tỉnh Ninh Bình.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Đinh Thị S, sinh năm 1936 Địa chỉ: Xóm T, thôn TT, xã NG, huyện HL, tỉnh Ninh Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của bà S: Bà Đinh Thị C, sinh năm 1945 Địa chỉ: Phòng xx, nhà Cxx, phường MĐ, quận HM, thành phố Hà Nội. (Theo văn bản ủy quyền ngày 03/6/2019).

3.2. Bà Đinh Thị N, sinh năm 1949 Địa chỉ: Số nhà xx, tổ x, phường NS, thành phố TĐ, tỉnh Ninh Bình. Người đại diện theo ủy quyền của bà N: Chị Tạ Thị Thu G, sinh năm 1976 Địa chỉ: Số nhà xx ngõ xxx, đường TT, phố LL, phường NT, thành phố NB, tỉnh Ninh Bình. (Theo văn bản ủy quyền ngày 15/11/2019).

3.3. Bà Đinh Thị L, sinh năm 1957 Địa chỉ: Thôn TH, xã ĐG, huyện ĐM, tỉnh Đắc Nông.

Người đại diện theo ủy quyền của bà N: Chị Tạ Thị Thu G, sinh năm 1976 Địa chỉ: Số nhà xx ngõ xxx, đường TT, phố LL, phường NT, thành phố NB, tỉnh Ninh Bình. (Theo văn bản ủy quyền ngày 07/11/2019).

3.4. Ông Đinh Hồng L, sinh năm 1956 Địa chỉ: Số nhà xx, đường xx, tổ x, khu phố x, phường PL B, quận x, TP Hồ Chí Minh.

 3.5. Chị Vũ Thị N, sinh năm 1966 Địa chỉ: Số nhà xx, phố KG, phường ĐK, quận HM, thành phố Hà Nội.

3.6. Anh Vũ Đức S, sinh năm 1970 Địa chỉ: Số nhà xx, ngõ xx, phố PS, phường NB, thành phố NB, tỉnh Ninh Bình.

3.7. Anh Vũ Sơn H, sinh năm 1978 Địa chỉ: Số nhà Bxx - xx, KDC HT, tổ xx, khu phố x, phường HT, quận xx,

thành phố Hồ Chí Minh.

4. Người kháng cáo:

4.1. Bà Đinh Thị C là nguyên đơn 4.2. Bà Đinh Thị S là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 4.3. Bà Đinh Thị N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 4.4. Bà Đinh Thị L là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và trong quá trình xét xử nguyên đơn bà Đinh Thị C trình bày:

Cụ Đinh Ngọc Avà cụ Ngô Thị T sinh được 09 người con gồm: Bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị Nh(tên gọi khác là T), bà Đinh Thị C, ông Đinh Văn L, bà Đinh Thị N, ông Đinh Văn N, bà Đinh Thị L1, ông Đinh Hồng L và bà Đinh Thị L trong đó ông Đinh Văn L và ông Đinh Văn N liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ còn bà Đinh Thị L1 chết khi còn nhỏ. Cụ Đinh Ngọc A chết năm 1990. Cụ Ngô Thị T chết năm 1991 khi cụ Avà cụ T chết không để lại di chúc. Tài sản cụ A và cụ T để lại gồm có: 408m2 trong đó 208m2 đất ở và 200m2 đất vườn, diện tích đất này được chỉnh lý theo bản đồ địa chính xã NGlập năm 1998 tại thửa số 160, tờ bản đồ PL05, tài sản trên đất gồm 01 cây nhãn, 01 bể nước mưa và 01 giếng nước, ông Đinh Hồng L là con trai duy nhất của cụ Avà cụ T có xây hai gian nhà để các anh em trong gia đình thay nhau quản lý trông coi thờ cúng cụ An, cụ T và hai người liệt sỹ, năm 1998 ông L đứng ra kê khai sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì ông L ở xa đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2013 vợ chồng ông S và bà Nh về sửa chữa lại căn nhà ông L xây và sinh sống, năm 2014 bà Nh chết, ông S tiếp tục sinh sống trên mảnh đất này. Đến năm 2018 ông S đã tiến hành xây dựng thêm 01 ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn mà không được sự nhất trí của toàn bộ anh em trong gia đình, có ý muốn chiếm toàn bộ thửa đất và ngăn cản ý nguyện của chị em xây dựng nhà thờ cho cha mẹ và hai người liệt sỹ. Vì vậy bà C đề nghị Tòa giải quyết chia thừa kế theo qui định của pháp luật về khối di sản của bố mẹ để lại là quyền sử dụng đất diện tích 408m2 trong đó 208m2 đất ở và 200m2 đất vườn.

Bị đơn ông Vũ Đức S trình bày: Ông xây dựng gia đình với bà Đinh Thị Nh con gái của cụ Avà cụ T (bà Nh chết năm 2014) cụ Avà cụ T sinh được 09 người con trong đó hai người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và một người con chết khi còn nhỏ. Năm 1990 cụ A chết, năm 1991 cụ T chết, ông L chuyển công tác vào trong Miền Nam, các chị gái, em gái đều đã đi xây dựng gia đình, ông L (con trai duy nhất của cụ Avà cụ T) là người có trách nhiệm thờ cúng bố mẹ và hai anh liệt sỹ, nhưng ông L sinh sống và công tác trong Miền Nam, hay ốm đau các con còn nhỏ nên không có điều kiện về hương khói, giỗ bố mẹ và hai người anh hy sinh, nên ông L có nguyện vọng bán di sản của bố mẹ để lại là quyền sử dụng đất cho các chị em trong gia đình lấy tiền chữa bệnh, nuôi con ăn học, với điều kiện không bán cho chị S và cho người ngoài. Toàn bộ chị em trong gia đình động viên vợ chồng ông S mua mảnh đất này đồng thời có trách nhiệm thờ cúng bố mẹ và hai người con liệt sỹ. Ngày 14/10/2001 nhân dịp ngày giỗ cụ A, ông S có đưa văn bản ông L nguyện vọng bán đất của bố mẹ để lại cho ông S, mọi người trong gia đình xem, đều nhất trí chuyển nhượng nhà và đất của cụ Avà cụ T cho vợ chồng ông S với giá 15.000.000đ và lập thành văn bản, các thành viên trong gia đình đều nhất trí ký vào văn bản, vợ chồng bà L ở xa không về được, ông L đã cầm văn bản này đến nhà bà L, vợ chồng bà L cũng nhất trí và ký vào văn bản. Đến ngày 27/6/2013 nhân dịp ngày giỗ cụ T có mặt đông đủ các chị em trong gia đình vắng mặt bà L, ông L đã soạn sẵn văn bản để lại 46,35m2 để ông L xây nhà thờ, còn lại giao cho vợ chồng ông S quản lý sử dụng trong đó có cả diện tích phát sinh, vợ chồng ông S có trách nhiệm làm theo qui định của Nhà nước đưa cho vợ chồng ông S ký vào văn bản, ông S có thắc mắc tại sao bà L không ký ông L có giải thích đã trao đổi với vợ chồng bà L rồi, vợ chồng bà L đều nhất trí vì điều kiện ở xa vợ chồng bà L không về được ông L ký thay, sau đó ông L và ông S mang văn bản lên UBND xã NG xác nhận vào văn bản (có sơ đồ đo vẽ hiện trạng). Ông S đã đề nghị UBND xã NG về đo đạc, để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng cán bộ địa chính xã giải thích để lại 46,35m2 không đủ diện tích cấp giấy chứng nhận theo qui định, ông S đã đồng ý cắt thêm diện tích để cho đủ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo qui định pháp luật cụ thể chiều rộng 04m chiều dài 13m = 52 m2. Năm 2014 bà Đinh Thị Nh vợ ông S chết, bà N coi thường ông S, yêu cầu ông S phải sử dụng đất và thờ cúng bố mẹ theo ý của bà N, năm 2018 ông S làm nhà 03 gian mái lợp tôn phía sau nhà thờ ông L xây, thì bà N, bà C đã mời anh em họ hàng đến lăng mạ ông S cho rằng vi phạm đạo đức vi phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân xã NG đã mời các bên lên giải quyết nhưng bà C và bà N không nghe quay sang làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của cụ Avà cụ Tđể lại theo qui định của pháp luật, ông S không đồng ý, mà ông S đề nghị Tòa bác đơn khởi kiện chia thừa kế của bà C, bà S, bà N và bà L.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị N và bà Đinh Thị L đều trình bày cụ A và cụ T chết không để lại di chúc di sản của cụ A và cụ Tđể lại là quyền sử dụng đất diện tích 408m2 (trong đó 208m2 đất ở và 200m2) đất vườn đã được chỉnh lý theo bản đồ địa chính xã NG lập năm 1998 tại thửa số 160, tờ bản đồ PL05, tọa lạc tại xóm Đ, thôn TT, xã NG, huyện HL, tỉnh Ninh Bình, hiện nay ông S là con rể của cụ A và cụ T đang quản lý sử dụng. Ngày 14/10/2001 nhân dịp ngày giỗ cụ A, vợ chồng ông S, bà Nh có đưa bức thư của ông L nhất trí chuyển nhượng nhà và đất của cụ A và cụ T cho vợ chồng ông S với giá 15.000.000đ, các chị em trong gia đình cho rằng để vợ chồng ông S, bà Nh quản lý, sử dụng tiện việc hương khói cho bố mẹ và hai anh liệt sỹ vì các chị em đều ở xa, ông L là con trai duy nhất sinh sống trong Miền Nam, hay ốm đau, không có điều kiện về hương khói nên chị em trong gia đình nhất trí ký vào văn bản. Ngày 27/6/2013 chị em trong gia đình đã tổ chức họp giải quyết giao quyền sử dụng nhà và đất của cụ A và cụ T cho vợ chồng ông S trong đó để lại 46,35m2 để ông L xây nhà thờ, thờ cúng bố mẹ và hai anh liệt sỹ, phần còn lại để cho vợ chồng ông S quản lý sử dụng. Năm 2018 ông S xây dựng nhà ở phần mái tôn đè lên phòng thờ, làm ảnh hưởng đến việc thờ cúng bố mẹ và hai người anh liệt sỹ, điều này không đúng với mục đích của chị em trong gia đình trong đó bao gồm cả bà Nh vợ ông S. Vì vậy không nhất trí để cho ông S quản lý sử dụng, đề nghị Tòa chia di sản của cụ A và cụ T để lại theo qui định của pháp luật. Ông Đinh Hồng L trình bày diện tích đất 408m2 (trong đó 208m2 đất ở và 200m2 đất vườn) tại thửa 160 tờ bản đồ PL05 của UBND xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư là của của cụ Đinh Ngọc A và cụ Ngô Thị T, sau khi cụ A và cụ T mất phần đất này do ông L là người trông coi, quản lý. Năm 2000 vợ chồng ông S, bà Nhvề ở và có đưa cho ông L 15.000.000đ số tiền này là hoa lợi, lợi tức trên đất chứ ông L không bán đất cho vợ chồng ông S, bà Nhiêm, bà C đề nghị ông S trả lại 408m2 đất của cụ A và cụ T để lại để chia di sản thừa kế theo qui định của pháp luật, ông L không có ý kiến và đề nghị gì, đồng thời ông L xin được vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án. Chị Vũ Thị N, anh Vũ Sơn H và anh Vũ Đức S (con của ông S và bà Nhiêm) đồng ý với ý kiến trình bày của ông S như đã nêu ở trên và đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện chia thừa kế theo qui định pháp luật về khối di sản của cụ A và cụ T để lại.

Tại bản án số 03/2019/DS-ST ngày 12/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện Hoa Lư quyết định:

Áp dụng: Điều 167; 170 và Điều 203 Luật đất đai; Điều 122, 467 Bộ luật dân sự 2005; Điều 119 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 Xử: Bác yêu cầu khởi kiện của bà Đinh Thị C và những người có quyền lợi liên quan đến vụ án gồm bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị N và bà Đinh Thị L về việc chia di sản thừa kế của cụ Đinh Ngọc A và cụ Ngô Thị T theo pháp luật. Công nhận văn bản họp gia đình ngày 27/6/2013 có xác nhận của chính quyền địa phương là hợp pháp. Ghi nhận việc ông S cắt thêm một phần đất để cho ông L làm nhà thờ cụ thể chiều rộng 04m chiều dài 13m = 52m2 để cho ông L làm nhà thờ. Nhưng đảm bảo tài sản còn nguyên giá trị sử dụng theo như biên bản thẩm định ngày 11/6/2019, buộc ông S cắt thêm 01m chiều rộng diện tích đất làm nhà thờ theo như sơ đồ bản vẽ hiện trạng đất đai tại văn bản họp gia đình ngày 27/6/2013 có tổng diện tích là 65m2(có sơ đồ kèm theo).

Về án phí: Các đương sự trong vụ án không phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo đối với các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 20 tháng 9 năm 2019 bà Đinh Thị C là nguyên đơn; bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị N, bà Đinh Thị L là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo toàn bộ bản án số 03/2019/DS-ST ngày 12/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện Hoa Lư. Lý do kháng cáo: Bà C, bà S, bà N, bà L cho rằng việc đánh giá nội dung vụ án thiếu khách quan. Quyết định của Hội đồng xét xử không căn cứ theo quy định của pháp luật, do đó đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của các bà. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết: Hủy bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm; Hủy bỏ giao dịch giữa ông Vũ Đức S và ông Đinh Hồng L; Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc phân chia di sản thừa kế cho những người thừa kế của cụ Đinh Ngọc A và cụ Ngô Thị T.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn vẫn giữa nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo và đề nghị: Tòa án cấp phúc thẩm hủy giao dịch mua bán nhà đất giữa ông S và ông L. Đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ A và cụ T; Cắt 100m2 đất để làm nhà thờ, số diện tích đất còn lại chia đều cho các đồng thừa kế.

Bị đơn ông Vũ Đức S đề nghị: Việc mua bán nhà đất giữa ông và ông L các đồng thừa kế đều biết và không ai có ý kiến gì đều ký vào biên bản. Ông đã trả cho ông L 15 triệu đồng nên ông có toàn quyền sử dụng và sở hữu nhà đất hợp pháp. Ông đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bà N là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị: Tòa án cấp phúc thẩm xử chia di sản thừa kế của cụ A, cụ T cho các đồng thừa kế như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Chị N, anh S: Đề nghị Tòa án ghi nhận việc mua bán nhà đất giữa ông L và ông S như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Đại diện việc kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến:

1. Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Về nội dung: Căn cứ khoản 3 Điều 308, khoản 3 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, đề nghị HĐXX xử:

- Chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Đinh Thị C, Đinh Thị S, Đinh Thị N, Đinh Thị L. Hủy bản án sơ thẩm số 02/2019/DS-ST ngày 10/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện Hoa Lư và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Hoa Lư giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

- Về án phí DSPT: Bà C, bà S, bà N, bà L là người cao tuổi nên không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên toà, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về hình thức: Bà Đinh Thị C là nguyên đơn; bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị N, Đinh Thị L là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Thời hạn nộp đơn kháng cáo trong hạn luật định; hình thức, nội dung đơn kháng cáo phù hợp với quy định tại điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự, do đó được xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

[2] Xét về nội dung vụ án và yêu cầu kháng cáo của bà Đinh Thị C, bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị N, bà Đinh Thị L, hội đồng xét xử xét thấy:

Vợ chồng cụ Đinh Ngọc A và Ngô Thị T sinh được 9 người con, gồm: bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị Nh (Chết năm 2014, có chồng là Vũ Đức S; có ba người con là chị Vũ Thị N, anh Vũ Sơn H, anh Vũ Đức S), bà Đinh Thị C, ông Đinh Văn L(Là liệt sỹ), bà Đinh Thị N, ông Đinh Văn N(Là liệt sỹ), bà Đinh Thị L1(Đã chết khi còn nhỏ), ông Đinh Hồng L, bà Đinh Thị L.

Năm 1988 cụ A cụ T được Ủy ban nhân dân huyện HL cấp giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng đất với diện tích 330m2 đất thổ cư (thửa 341, tờ bản đồ số 3) thôn TT, xã NG, huyện HL. Cụ A chết năm 1990, cụ Tchết năm 1991, hai cụ chết không để lại di chúc. Năm 1998 nhà nước có chủ trương khảo sát đo lại hiện trạng sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong xã, ông L là con trai của hai cụ có đứng lên kê khai và làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất đứng tên ông Đinh Hồng L, với diện tích 480m2 (đất thổ cư 208, đất vườn 200) được thể hiện tại bản đồ xã NG lập năm 1998 (thửa 160, tờ PL5) diện tích 480m2 đất thổ cư (ghi tên Lự), nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Theo quy định của điều 106, khoản 1 điều 113 và 129 Luật đất đai năm 2003 thì thửa đất trên là di sản của cụ A cụ T để lại chưa chia. Do các con của cụ A cụ T đều đã có gia đình, có chỗ ở riêng, ông L là con trai duy nhất có trách nhiệm trông coi thờ cúng bố mẹ và 02 anh liệt sỹ nhưng vì điều kiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh lại hay ốm đau không có điều kiện thường xuyên về giỗ bố mẹ và hai anh liệt sỹ nên năm 2000 ông L có nguyện vọng để lại toàn bộ thửa đất của cụ A cụ T cho vợ chồng ông S bà Nhiêm. Do vậy, năm 2000 ông L và ông S đã tự thỏa thuận với nhau về việc ông L chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất của cụ A cụ T cho vợ chồng ông Vũ Đức S, bà Đinh Thị Nh (là con gái của cụ A cụ T) với giá 15.000.000đồng (ông L đã nhận tiền của ông S theo giấy báo trả tiền cho người nhận ngày 07/12/2000). Đến ngày 14/10/2001 là ngày giỗ của 02 cụ, có mặt anh em họ hàng và các con của cụ A cụ T, vợ chồng ông S có thông báo về việc ông L nguyện vọng bán đất của bố mẹ để lại cho vợ chồng ông S và đưa biên bản họp gia đình chứng kiến việc chuyển nhượng nhà đất của cụ A cụ T, có nội dung ông L giao thổ đất cho ông S và lấy số tiền là 15.000.000 đồng, ông L đã nhận đủ tiền từ nay đất và nhà giao cho ông S sử dụng. Tuy nhiên, biên bản họp chỉ có bà S, bà C, bà N và ông S (chồng bà Nhiêm) tham gia và ký biên bản, bà L không có mặt nhưng có chữ ký của bà L trong biên bản, song bà L không thừa nhận, còn ông L, bà Nh không ký biên bản họp gia đình. Ngày 27/6/2013 các con của cụ A cụ Ttổ chức họp gia đình thống nhất phân chia di sản của hai cụ, có nội dung: Cắt cho bà Đinh Thị Nh 283,65m2 đất, gia đình để lại 46,35 m2 đất (Ngang 3,66m, dài 12,70m) do ông L đứng tên xây nhà thờ, diện tích đất phát sinh bà Nh có trách nhiệm làm thủ tục theo quy định của nhà nước. Biên bản này có xác nhận của Trưởng xóm và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã NG. Trong biên bản thể hiện có tên và chữ ký của bà L, nhưng ông S, ông L, Bà L đều khẳng định bà L ở xa không về để tham gia họp, chữ ký trong biên bản không phải là chữ ký của bà L. Như vậy, theo biên bản thì thành phần tham gia phiên họp phân chia di sản của cụ A cụ T không đầy đủ, hình thức biên bản họp cũng không đúng quy định, bà L không tham gia họp nhưng lại có chữ ký trong biên bản họp; Tại buổi họp gia đình ngày 27/6/2013 Ủy ban nhân dân xã NG không có ai tham gia chứng kiến nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã vẫn xác nhận chữ ký của các thành viên trong gia đình là đúng (trong khi ông S trình bày ông L ký thay tên bà L). Do đó việc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã NG không đúng quy định tại Nghị định số 75/CP ngày 08/12/2000 của chính phủ về công chứng, chứng thực và Thông tư số 04/2006 TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ tư pháp và Bộ tài nguyên môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất. Vì vậy, biên bản họp gia đình ngày 27/6/2013 là không hợp pháp.

Ngoài ra, Biên bản họp gia đình ngày 14/10/2001 không phải là văn bản phân chia thừa kế giữa các đồng thừa kế của cụ A cụ T mà là biên bản họp gia đình chứng kiến việc chuyển nhượng nhà đất của cụ A cụ T giữa ông ông S, ông L trước đó, nay ông S thông báo cho các đồng thừa kế biết và ký biên bản nhưng thành phần không có bà L (Có chữ ký của bà L nhưng bà L không thừa nhận), còn ông L, bà Nh không ký biên bản. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông S thừa nhận năm 2000 ông và ông L tự thỏa thuận việc ông L bán cho vợ chồng ông thửa đất của cụ A, cụ T với giá 15 triệu đồng, ông đã giao đủ tiền cho ông L. Lúc này các các anh chị em là con của hai cụ không ai biết việc giao dịch giữa ông và ông L, đến năm 2001 trong ngày giỗ cụ ông mới thông báo lại cho mọi người biết. Như vậy, việc mua bán đất giữa ông S và ông L các đồng thừa kế không ai biết. Xét thấy, năm 2000 di sản của cụ A và cụ T vẫn mang tên cụ A, ông L không có quyền bán hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cụ A, cụ T cho ông S nếu chưa được sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế. Mặt khác, biên bản ngày 10/11/2000 và biên bản họp gia đình ngày 14/10/2001 chỉ là bản phô tô, không có giá trị pháp lý nhưng trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án sơ thẩm không yêu cầu đương sự cung cấp bản chính hoặc bản sao có công chứng chứng thực đã ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ.

Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định các con của cụ A cụ T đều nhất trí di sản của cụ A cụ T để lại cho vợ chồng ông S với giá 15.000.000 đồng đủ cơ sở để kết luận di sản của cụ A cụ T đã được các đồng thừa kế phân chia nên cấp sơ thẩm đã công nhận văn bản họp gia đình ngày 27/6/2013 có xác nhận của ủy ban nhân dân xã NG hợp pháp và bác yêu cầu khởi kiện của bà Đinh Thị C và những người có quyền lợi liên quan là không đúng quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 và điều 129 Luật đất đai năm 2003.

Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự trình bày năm 2013 vợ chồng ông bà S N chuyển về nhà và đất của cụ A cụ T để ở, trên đất đã có nhà thờ; bể, giếng nước và cây nhãn. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập làm rõ việc ông S bà Nh có xây dựng, sửa chữa nhà thờ hay không; có công bồi trúc đất cũng như duy tu, bảo quản tài sản như thế nào; các đương sự có đề nghị chia tài sản trên đất hay không; Đối với thửa đất có chênh lệch về diện tích đất thực tế so với diện tích ghi trong giấy chứng nhận tạm thời là 67,8m2 (Đất lấn chiếm), Nguyên đơn đề nghị Tòa án chia thừa kế cả phần diện tích đất lấn chiếm nhưng cấp sơ thẩm không định giá phần đất lấn chiếm để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Từ những nhận định, phân tích nêu trên, xét thấy những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Do đó, cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà C, bà S, bà N, bà L. Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

[4] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo được chấp nhận và bà C, bà S, bà N, bà L là người cao tuổi nên không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Xử:

1. Hủy bản án sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 12/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Hoa Lư giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Đinh Thị C, bà Đinh Thị S, bà Đinh Thị N, bà Đinh Thị L không phải nộp.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 26 tháng 11 năm 2019.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

443
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 20/2019/DS-PT ngày 26/11/2019 về tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

Số hiệu:20/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về