Bản án 20/2018/HSPT ngày 25/01/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 20/2018/HSPT NGÀY 25/01/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 25 tháng  01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 428/2017/TLPT-HS ngày 13/12/2017 đối với bị cáo Trần Sỹ C, do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 98/2017/HSST, ngày 23/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện EaH’Leo, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

Trần Sỹ C, sinh năm 1986; tại: huyện TK, tỉnh Nghệ An; Trú tại: Thôn C, xã E, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 12/12; con ông Trần Sỹ Nh và bà Nguyễn Thị C2; có vợ là Trần Thị Bích L, có 01 con sinh năm: 2015; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 29/3/2017 đến ngày 07/6/2017 được gia đìnhbảo lĩnh; Vắng mặt.

Người bị hại: anh Đào Mạnh T, sinh năm: 1986;   Trú tại: Thôn X, xã E, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 07 tháng 02 năm 2017, Trần Sỹ C đi đến quán bi a của ông Nguyễn Minh D thuộc thôn Y, xã E, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk chơi. Tại đây, có Đào Mạnh T đang chơi bi a cùng với Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Văn C1; Nguyễn Hữu L là em họ của T đứng xem. Lúc này, giữa H và T có lời qua tiếng lại về cách chơi bi a. Thấy vậy, C đã nói với T là T chơi sai luật, nghe vậy thì T đáp “việc gì đến mày mà xía vô”, sau đó giữa T và C có lời qua tiếng lại và xô xát với nhau rồi T cầm cây cơ bi a đánh một cái từ trên xuống dưới, C đưa tay trái lên đỡ thì trúng vào tay, cây bi a bị gãy làm hai khúc. L nhìn thấy vậy cũng đến cầm khúc cây bi a bị gãy đánh lại C thì được mọi người can ngăn. Sau đó, C bỏ đi ra xe ô tô tải của mình đang đậu trước quán để đi về thì T đi theo. Khi C vừa mở cửa xe ô tô thì T đi đến và tiếp tục có lời qua tiếng lại với C nên C lấy một con dao rựa dài 60 cm trong ca bin xe ô tô chém từ trên xuống dưới vào người T, thì T đưa tay lên đỡ, phần lưỡi rựa trúng vào hai tay của T gây thương tích.

Tại bản tóm tắt bệnh án điều trị số 144/TKBA-BVT ngày 08/3/2017 của bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, xác định thương tích của Đào Mạnh T như sau: Vết thương phức tạp cổ tay trái, phải, đứt thần kinh, mạch máu, gân cơ, gãy xương bàn 5 tay trái.

Tại bản kết luận pháp y thương tích số: 351/PY-TgT ngày 08/3/2017, của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận Đào Mạnh T: Vết thương dứt hở mạch thần kinh trụ, thần kinh giữa, gãy cơ cổ tay hai bên và gãy 1 xương bàn ngón 5 tay trái; tỉ lệ thương tích là 58%; vật tác động: Sắc bén.

Sau khi xảy ra sự việc, đến khoảng 18 giờ ngày 07/02/2017, Trần Sỹ C đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’leo 01 cây rựa dài 60 cm, cán bằng gỗ dài 25 cm, lưỡi rựa bằng kim loại dài 35 cm, đường kính rộng nhất 4 cm, lưỡi rựa còn dính máu khô. Đây là cây rựa mà Trần Sỹ C đã dùng để chém anh T. Ngày 07/02/2017 trong lúc khám nghiệm hiện trường Công an huyện Ea H’leo đã thu giữ 01 khúc cây cơ bi a dài 72 cm, đường kính đầu lớn02 cm, đường kính đầu nhỏ 01 cm; 01 khúc cây cơ bi a dài 68 cm, đường kính đầu lớn 03 cm, đầu nhỏ 02 cm.

Trong quá trình điều tra vụ án, bị cáo và người bị hại đã thỏa thuận được về việc bồi thường chi phí điều trị thương tích và không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 98/2017/HSST, ngày 31/10/2017 Tòa án nhândân huyện EaH’Leo đã quyết định:

Tuyên bố:

Tuyên bố: Bị cáo Trần Sỹ C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 Điều 104, các điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS.

- Xử phạt bị cáo Trần Sỹ C 06 (sáu) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tự nguyện đi thi hành án hoặc bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ 29/3/2017 đến 07/6/2017 là 02 (hai) tháng 10 (mười) ngày, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại là 05 (năm) năm 09 (chín) tháng 20 (hai mươi) ngày.

Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo và các đương sự.

Ngày 13/11/2017  bị cáo Trần Sỹ C và người bị hại anh Đào Mạnh T có đơn kháng cáo với nội dung xin trưng cầu giám định lại sức khỏe, yêu cầu xử phạt bị cáo theo Điều 105 BLHS về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Sỹ C và người bị hại anh Đào Mạnh T vắng mặt tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị hoãn phiên tòa, tuy nhiên HĐXX không chấp nhận. Do đó, đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo Trần Sỹ C và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mặc dù theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định mức hình phạt từ 05 năm đến 10 năm,  thấp hơn so với mức hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 là từ 05 năm đến 15 năm nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng những tình tiết có lợi được quy định tại Nghị quyết 41/2017/QH 14 của Quốc hội, khoản3 Điều 7 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đối với bị cáo là thiếu sót. Đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng cho bị cáo. Nhưng xét tỷ lệ thương tật 58% mà bị cáo đã gây ra đối với bị hại là gần đến với mức cao nhất của khung hình phạt, do đó, việc cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 năm tù là thỏa đáng nên không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo và người bị hại. Đề nghị HĐXX áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện EaH’Leo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa;  trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1]. Về tố tụng: Tại phiên tòa bị cáo và người bị hại  vắng mặt, nhận thấy bị cáo, người bị hại đã được tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và giấy triệu tập hợp lện nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, căn cứ vào điểm b, điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bị cáo và người bị hại là phù hợp.

[2]. Trong hồ sơ vụ án bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với lời khai của người bị hại, những người làm chứng tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, nên đã có đủ cơ sở kết luận: Do ý thức coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe của người khác nên vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 07/02/2017 Trần Sỹ C đã có hành vi dùng dao rựa chém trúng vào 02 tay của Đào Mạnh T gây thương tích với tỷ lệ là 58%. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội đúng pháp luật.

[3]. Xét kháng cáo của bị cáo và của người bị hại cho rằng bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 105 BLHS năm 1999, thấy rằng:  Anh Đào Mạnh T đã có hành vi cầm cây cơ bi – a đánh trúng tay của Trần Sỹ C, làm cây cơ bi –a gẫy thành hai khúc. Như vậy, trước đó người bị hại đã có hành vi trái pháp luật đối với bị cáo. Tuy nhiên, hành vi này không gây ra hậu quả, không làm tổn hại đến sức khỏe của bị cáo, đã được mọi người can ngăn và đã chấm dứt, bị cáo đã đi ra xe để đi về. Trong khi đó, cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức   khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là “do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó”. Hành vi của anh T không được coi là trái pháp luật nghiêm trọng. Mặt khác, xét tính tương quan giữa bị cáo và bị hại thấy rằng, khi gây thương tích, bị cáo dùng dao rựa, trong khi người bị hại không có công cụ, phương tiện nào để chống đỡ, nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra” chứ khôngthể áp dụng quy định tại Điều 105 BLHS để xử phạt đối với bị cáo.

[4]. Xét kháng cáo của bị cáo và người bị hại yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tật của bị hại để bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, HĐXX thấy rằng: Theo quy định tại khoản 2, Điều 29 Luật Giám định tư pháp: “Việc giám định lạiđược thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác…”;  Khoản 1, Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác....”. Tuy nhiên, cả bị cáo và bị hại không xuất trình được căn cứ đểchứng minh kết luận pháp y thương tích số: 351/PY-TgT ngày 08/3/2017, của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk là không chính xác hoặc không khách quan. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu giám định lại của bị cáo và người bị hại.

[5]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo và của người bị hại thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 06 năm tù về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999 là có căn cứ, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo đã được xem xét và áp dụng đầy đủ. Mặc dù điểm c khoản 3 Điều134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định mức hình phạt từ 05 năm đến 10 năm là nhẹ hơn so với quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999 nhưng  khi  xét  xử  sơ  thẩm,  Tòa  án  cấp  sơ  thẩm không  áp  dụng  Nghị quyết 41/2017/QH 14 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015 đối với bị cáo là thiếu sót, cần phải áp dụng thêm. Tuy nhiên, xét tỷ lệ thương tật 58% mà bị cáo đã gây ra đối với bị hại là gần kề với tỷ lệ thương tật cao nhất của khung hình phạt là 60%. Do đó, mức hình phạt 06 năm tù mà cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và người bị hại là không có căn cứ để chấp nhận.

[6]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Do không được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo và người bị hại mỗi người phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[7.] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ điểm b, c khoản 1 Điều 351, điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự:

Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Trần Sỹ C và người bị hại anhĐào Mạnh T.

Giữ bản án hình sự sơ thẩm số 98/2017/HSST ngày 31/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện EaH’Leo, tỉnh Đắk Lắk về tội danh và hình phạt.

[2]. Áp dụng khoản 3 Điều 104 BLHS; điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều46 BLHS năm 1999; khoản 3 Điều 7, điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017);

Xử phạt bị cáo Trần Sỹ C 06 (sáu) năm tù về tội Cố ý gây thương tích.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tự nguyện đi thi hành án hoặc bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ 29/3/2017 đến07/6/2017.

[3]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Trần Sỹ C và người bị hại anh ĐàoMạnh T mỗi người phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

475
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 20/2018/HSPT ngày 25/01/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:20/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về