Bản án 20/2018/DSPT ngày 20/08/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 20/2018/DSPT NGÀY 20/08/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN 

Ngày 20/8/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 08/2018/TLPT-DS ngày 03/4/2018 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DSST ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện K bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2018/QĐ-PT ngày 01 tháng 6 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lê Văn T, sinh năm 1965; Địa chỉ: Thôn B, xã D, huyện K, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

2. Bị đơn: Ông Lê Xuân Th, sinh năm 1940; Địa chỉ: Bản H, phường N, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Xuân Th: Ông Lê Khắc A, sinh năm 1936; Địa chỉ: khu dân cư L, phường N, thành phố H, tỉnh Hải Dương (theo giấy ủy quyền ngày 20/01/2016) (có mặt)..

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Đỗ Thị B, sinh năm 1952; Địa chỉ: bản H, phường N, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên (vắng mặt).

3.2. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1965; Địa chỉ: thôn B, xã D, huyện K, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

3.3. Ông Lê Khắc A, sinh năm 1936; Địa chỉ: khu dân cư L, phường N, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).

3.4. Bà Lê Thị V, sinh năm 1959; Địa chỉ: thôn Nh, xã M, huyện K, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

3.5. Bà Lê Thị C, sinh năm 1962; Địa chỉ: thôn V, xã M, huyện K, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

3.6. Anh Lê Đại Ng, sinh năm 1988; Đăng ký HKTT: thôn B, xã D, huyện K, tỉnh Hưng Yên. Hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Hoàng Tiến, Tổng cục VIII, Bộ Công an.

Người đại diện theo ủy quyền của anh Lê Đại Ng: Ông Lê Văn T, sinh năm 1965 (bố đẻ); Địa chỉ: thôn B, xã D, huyện K, tỉnh Hưng Yên (theo giấy ủy quyền ngày 25/10/2016).

4. Người làm chứng: ông Trần Văn E, sinh năm 1965; ông Lê Xuân G, sinh năm 1964; ông Đỗ Văn M, sinh năm 1959. Trú tại: thôn B, xã D, huyện K, tỉnh Hưng Yên (đều vắng mặt).

Ông Trần Ngọc O, sinh năm 1958; trú tại: thôn Sòi, xã D, huyện K, tỉnh Hưng Yên (vắng mặt).

5. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Văn T. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Lê Khắc A.

6. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện và lời khai của nguyên đơn ông Lê Văn T trình bày: Bố mẹ ông là cụ Lê Ngọc P (tên gọi khác là Lê Văn P), sinh năm 1924, chết ngày 12/3/1992 và cụ Bùi Thị M, sinh năm 1921, chết ngày 21/02/2007 có 5 người con là ông Lê Khắc A, ông Lê Xuân Th, bà Lê Thị V, bà Lê Thị C và ông Lê Văn T. Ngoài ra, hai cụ không còn có con nuôi, con riêng nào khác.

Cụ P và cụ M có 816m2 đất thổ cư tại thửa số 258 và 144m2 ao tại thửa số 273, tờ bản đồ số 8, bản đồ 299 thôn B, xã D đứng tên cụ Lê Văn P. Trên đất có 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 02 gian bếp, công trình phụ lợp rạ. Cụ P chết không để lại di chúc. Vợ chồng ông T là người ở cùng với cụ M. Năm 1993 chia đất nông nghiệp, gia đình ông có 4 khẩu được chia ruộng gồm cụ M, ông T, bà L và anh Ng. Xã đã trừ mỗi khẩu 75m2 đất nông nghiệp vào đất ở.

Ngày 05/7/2001 cụ M lập di chúc cho ông Lê Xuân Th được định đoạt và sử dụng toàn bộ nhà cửa, tài sản, đất đai hoa màu và có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cụ M lúc tuổi già và thờ phụng gia tiên. Bản di chúc có điểm chỉ của cụ M, chữ ký của ông Đỗ Văn M trưởng thôn B và chứng thực của UBND xã D ngày 09/7/2001.

Cuối năm 2001 bà Đỗ Thị B là vợ ông Th ốm nặng, ông Th phải trở về Điện Biên để chăm sóc vợ nên nhờ ông A về quê trông nom cụ M. Tuy nhiên, ông A cũng không đảm đương được việc chăm sóc mẹ, chỉ thỉnh thoảng về 1-2 ngày lại đi nên vợ chồng ông T cho anh Ng ở nhà trông nom cụ M. Năm 2004 cụ M ngày càng yếu nên vợ chồng ông T thu xếp công việc ở nhà trông mẹ. Ngày 05/10/2004 ông A mạo danh ông Th viết đơn xin chuyển quyền sử dụng đất thổ cư và tài sản trên đất từ ông Th sang cho ông T. Đơn có xác nhận của ông Đỗ Văn M trưởng thôn B và chứng thực của UBND xã D ngày 07/10/2004.

Tiếp đến, ngày 20/10/2006 cụ M lập “Đơn xin quyền sở hữu tài sản nhà và đất thổ cư” có nội dung: “Tên tôi là Bùi Thị M, 86 tuổi… tôi xin lập bản di chúc như sau: tôi và ông Lê Ngọc P sinh được 5 người con… trong khi ông P còn sống đã tuyên bố giao quyền sở hữu tài sản và đất thổ cư cho con út là 982m2… cho tới nay tôi vẫn tiếp tục sống cùng vợ chồng anh Lê Văn T… kể từ ngày 20/10/2006 anh T có quyền sở hữu và định đoạt toàn bộ tài sản trên và nuôi dưỡng tôi lúc tuổi già cho tới khi qua đời và thờ phụng tổ tiên”. Di chúc do cụ M đọc cho ông T viết, cụ M điểm chỉ và có chữ ký của người làm chứng là ông Đỗ Văn M trưởng thôn, bà Lê Thị Sinh là em gái cụ P, ông Trần Văn E hàng xóm, bà Lê Thị V chị gái ông T. Sau khi lập bản di chúc ông T đưa cụ M đến UBND xã D xin chứng thực, nhưng ông Trần Ngọc O khi đó là Chủ tịch UBND xã từ chối ký xác nhận bản di chúc với lý do cụ M lập bản di chúc năm 2001, nếu muốn xác nhận vào bản di chúc năm 2006 thì phải hủy bản di chúc năm 2001.

Năm 2007 cụ M chết, toàn bộ nhà cửa, đất đai của cụ P và cụ M để lại đều do vợ chồng ông T quản lý. Trước đó, năm 2004 cụ M cho vợ chồng ông dỡ gian buồng của ngôi nhà 5 gian để xây nhà. Năm 2012 vợ chồng ông dỡ nốt 4 gian nhà còn lại để xây dựng nhà ở, công trình phụ và khu chăn nuôi. Đồng thời vợ chồng ông đã thuê san lấp toàn bộ đất ao thành vườn hết 108.000.000đ.

Ngày 18/12/2015 ông Lê Văn T khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho ông được hưởng thừa kế toàn bộ di sản nhà, đất của cụ P và cụ M để lại theo nội dung di chúc của cụ M lập ngày 20/10/2006. Quá trình giải quyết vụ án ông T có quan điểm, nếu các bản di chúc của cụ M lập năm 2001 và năm 2006 đều không hợp pháp thì ông đề nghị chia thừa kế phần di sản của cụ M để lại theo pháp luật, đối với phần di sản của cụ P ông T không đề nghị chia thừa kế vì vợ chồng ông đang quản lý tài sản này. Trường hợp di chúc năm 2001 là hợp pháp, còn di chúc năm 2006 không hợp pháp thì đề nghị Tòa án giải quyết trả lại vợ chồng ông diện tích đất ao và phần đất nông nghiệp mà vợ chồng và con trai ông bị trừ vào đất thổ cư của cụ M và cụ P. Đồng thời đề nghị Tòa án tính công sức của vợ chồng ông trong quá trình quản lý di sản.

Bà Nguyễn Thị L (vợ ông T) nhất trí các nội dung và quan điểm như ông T trình bày.

Bị đơn ông Lê Xuân Th và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Lê Khắc A trình bày: Bố mẹ ông có 05 người con và có khối di sản để lại là 815m2 đất thổ cư, 162m2 ao, 05 gian nhà xây lợp ngói và 03 gian bếp. Cụ P chết không để lại di chúc. Vợ chồng ông T ở cùng với cụ M nhưng đi làm ăn xa, anh em yêu cầu vợ chồng ông T về trông nom mẹ nhưng vợ chồng ông T không về. Ngày 05/7/2001 cụ M lập di chúc giao toàn bộ tài sản trên cho ông Th và ông Th có trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng mẹ. Khi xã tiến hành đo đất thổ cư, ông Th đã kê khai đứng tên toàn bộ đất ở và ao theo di chúc của cụ M. Ông Th trông nom cụ M được 3 năm thì vợ ông Th ốm nên ông Th phải về Điện Biên, không trông nom cụ M được nữa. Ông Th nhờ ông A về quê trông nom mẹ. Ông A cũng không ở nhà trông mẹ được nên ngày 05/10/2004 ông A đã mạo danh ông Th viết đơn chuyển quyền sử dụng đất và tài sản từ ông Th sang cho ông T, kèm theo đó ông T viết 1 tờ giấy cam kết giữ đất cho các anh sau này về quê có đất ở. Việc ông A viết đơn chuyển tên sang cho ông T ông Th không biết.

Sau khi cụ M chết, ngày 18/6/2007 ông Th có đơn đề nghị UBND xã D làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất của cụ P và cụ M sang tên ông Th nên phát sinh tranh chấp với ông T. Ông T xuất trình bản di chúc của cụ M lập ngày 20/10/2006 cho ông T được hưởng toàn bộ nhà cửa, đất đai của bố mẹ để lại. Ông Th xác định bản di chúc của cụ M năm 2006 do ông T xuất trình là không hợp pháp. Toàn bộ đất ở của cụ P và cụ M để lại hiện đang đứng tên ông. Do đó, ông Th đề nghị chia di sản của cụ M và cụ P để lại thành 7 suất cho 5 người con mỗi người 1 suất, còn 2 suất ai nhận trách nhiệm thờ cúng thì giao cho người đó.

Ông A cho rằng bản di chúc năm 2006 do ông T xuất trình không phải do cụ M lập ra, không có chứng thực của UBND xã và anh em không được bàn bạc thỏa thuận nên không hợp pháp và đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại theo pháp luật.

Bà Đỗ Thị B (vợ ông Th) nhất trí quan điểm giải quyết vụ án như ông Th đã trình bày và xin vắng mặt tại tòa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị V và bà Lê Thị C nhất trí với nội dung và quan điểm như ông A và ông Th đã trình bày và đề nghị Tòa án phân chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật để cho ông A và ông Th có nơi đi về quê hương lúc tuổi già.

Ông Trần Ngọc O trình bày: Ông giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã D từ năm 2001 đến năm 2008. Ông ký xác nhận vào bản di chúc của cụ M lập ngày 05/7/2001 và đơn chuyển quyền sử dụng đất thổ cư từ ông Th sang cho ông T ngày 05/10/2004. Đối với bản di chúc của cụ M ngày 20/10/2006 ông không ký chứng thực, vì ông đã ký xác nhận vào di chúc của cụ M năm 2001 nên cụ M muốn lập di chúc khác thì phải hủy bỏ di chúc trước.

Ông Đỗ Văn M trình bày: Ông làm trưởng thôn B từ tháng 3/1994 đến năm 2010. Ông ký xác nhận vào các bản di chúc của cụ M và đơn xin chuyển quyền sử dụng đất từ ông Th sang ông T. Do thời gian đã lâu nên ông không nhớ rõ sự việc.

Ông Trần Văn E trình bày: Ông là hàng xóm với cụ M. Ông chứng kiến cụ M lập di chúc giao toàn bộ tài sản là nhà, đất cho ông T. Cụ M trực tiếp điểm chỉ vào bản di chúc và ông ký tên trong bản di chúc với tư cách là người chứng kiến.

Ủy ban nhân dân xã D cung cấp: Cụ Lê Văn P và cụ Bùi Thị M có thửa đất thổ cư sử dụng từ trước năm 1986 diện tích 815m2, thửa số 258, tờ bản đồ số 08 bản đồ 299 đứng tên cụ Lê Văn P. Năm 1989 hộ gia đình cụ P có 05 khẩu gồm cụ P, cụ M, ông T, bà L và anh Nghĩa mỗi khẩu bị trừ 60m2 đất rau xanh hay còn gọi là đất phần trăm vào đất ở. Năm 1993 chia lại đất sản xuất nông nghiệp, cụ P đã chết chỉ còn cụ M, ông T, bà L và anh Ng được chia ruộng nên xã điều chỉnh 300m2 đất phần trăm trừ vào đất ruộng cho 4 khẩu, mỗi khẩu bị trừ 75m2 đất nông nghiệp. Ngoài ra, năm 1989 cụ P được đổi 48m2 đất nông nghiệp lấy 144m2 ao tại thửa số 273, tờ bản đồ số 8 bản đồ 299. Năm 1993 chia lại ruộng, diện tích ao vẫn giữ nguyên không chia lại.

Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 26/7/2001 và ngày 18/6/2007 thể hiện, các thửa đất ở và ao của cụ P và cụ M trước đây đều do ông Lê Xuân Th kê khai và ký tên phần chủ sử dụng đất. Việc ông Th ký tên trong biên bản xác định ranh giới, mốc giới là do tự kê khai. UBND xã chưa làm thủ tục đề nghị cấp giấy CNQSD đất cho ông Th.

Bản đồ và sổ mục kê năm 2007 và năm 2015 thể hiện, thửa đất thổ cư có diện tích 815m2 (đất ở) tại thửa số 242 và thửa ao có diện tích 162m2 (TSN) thửa số 241, tờ bản đồ số 08 đứng tên ông Lê Xuân Th.

Ngày 30/3/2017 Tòa án nhân dân huyện K đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản kết quả như sau: Đất ở 300m2 trị giá 210.000.000đ; Đất ruộng trừ vào đất ở 300m2 trị giá 21.900.000đ; Đất vườn thừa 215m2 trị giá 15.695.000đ; Đất ao 162m2 trị giá 9.882.000đ

Trên đất tranh chấp có 01 ngôi nhà 02 tầng trị giá 370.133.100đ; 01 nhà xây cấp 4 lợp prôximăng trị giá 89.259.030đ; 01 bếp lợp ngói trị giá 45.516.140đ; nhà tắm trị giá 22.767.680đ; bể 1 trị giá 3.059.214đ; bể 2 trị giá 4.281.671đ; bể 3 trị giá 1.081.168đ; chuồng lợn trị giá 45.330.370đ; sân bê tông trị giá 7.412.760đ; sân gạch trị giá 2.675.115đ; tường bao trị giá 55.611.600đ. Toàn bộ các tài sản trên thuộc sở hữu của ông T và bà L.

Tòa án đã thông báo cho ông Lê Khắc A, bà Lê Thị V, bà Lê Thị C nộp tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu độc lập về việc đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Lê Văn P và cụ Bùi Thị M để lại theo pháp luật nhưng những người này đều không nộp tạm ứng án phí.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DSST ngày 18/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện K đã quyết định: Căn cứ Điều 609, 611, 612, 613, 623, 624, 625, 627, 630, 631, 643, 648 Bộ luật Dân sự (2015); Điều 647, 648, 649, 650, 652, 653 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 652, 653, khoản 3 Điều 655, Điều 656, 657, 659 Bộ luật Dân sự 1995. Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009. Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T. Chấp nhận yêu cầu của bà L, anh Ng.

- Xác nhận bản di chúc ngày 20/10/2006 của cụ Bùi Thị M có hiệu lực đối với phần tài sản của cụ M trước khi chết để lại cho ông Lê Văn T gồm: 150m2 đất ở trị giá 105.000.000đ; 107,5m2 đất vườn trị giá 7.847.500đ; 75m2 đất nông nghiệp (được quy đổi) trị giá 5.475.000đ tại thửa số 242 và 32,4m2 ao trị giá 2.365.200đ tại thửa số 241, tờ bản đồ số 20, đo vẽ năm 2015 do UBND xã D quản lý. Tổng giá trị tài sản là 120.687.700đ. Giao toàn bộ di sản của cụ M cho ông Lê Văn T quản lý, sử dụng.

- Xác nhận ông Lê Văn T, bà Nguyễn Thị L và anh Lê Văn Ng mỗi người được quản lý, sử dụng 75m2 đất nông nghiệp (được quy đổi theo tiêu chuẩn) trong đất thổ cư tại thửa số 242 trị giá 5.475.000đ và 32,4m2 ao tại thửa số 241 trị giá 2.365.200đ, tờ bản đồ số 20, đo vẽ năm 2015 do UBND xã D quản lý.

Tổng diện tích đất ông T, bà L và anh Ng được quản lý, sử dụng như trên là 557,5m2 đất thổ cư (bao gồm cả đất vườn và đất nông nghiệp được quy đổi) và 129 m2 đất ao (có xác định tứ cận và sơ đồ kèm theo bản án).

- Đối với di sản của cụ Lê Văn P, Tòa án chưa giải quyết, nếu sau này có yêu cầu sẽ được giải quyết bằng vụ kiện khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/01/2018 ông Lê Khắc A kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm công nhận bản di chúc năm 2006 của cụ Bùi Thị M, cho ông T hưởng thừa kế phần di sản của cụ M là không đúng pháp luật. Tòa án trừ đất nông nghiệp của ông T, bà L và anh Ng vào đất thổ cư của bố mẹ là không đúng. Bản án chưa giải quyết yêu cầu của ông A buộc ông T bà L phải bồi thường ngôi nhà và bếp của bố mẹ để lại và đã bị ông T bà L phá bỏ. Ngày 16/5/2018 ông Lê Khắc A rút nội dung kháng cáo đối với yêu cầu vợ chồng ông T phải bồi thường ngôi nhà và bếp của bố mẹ để lại nhưng đã bị vợ chồng ông T phá dỡ.

Ngày 02/02/2018 ông Lê Văn T kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định 162m2 ao là quyền sử dụng chung của bố mẹ ông và vợ chồng ông là không đúng, mà phải xác định là quyền sử dụng riêng của vợ chồng ông mới đúng. Đồng thời Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định gia đình ông bị trừ 300m2 đất nông nghiệp vào đất ở là không đúng. Thực tế vợ chồng ông bị trừ 410m2 đất nông nghiệp vào đất ở nên ông kháng cáo đề nghị Tòa án xác minh làm rõ nội dung này. Ngày 16/5/2018 ông T đã rút toàn bộ các nội dung kháng cáo nêu trên.

Ngày 01/2/2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện K có kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS đối với bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DSST ngày 18/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện K, Viện kiểm sát nhận định:

+ Về tố tụng: Bà Nguyễn Thị L là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án giải quyết trả lại diện tích đất nông nghiệp của bà, ông T và anh Ng bị trừ vào đất thổ cư của cụ P và cụ M. Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn đương sự nộp tiền tạm ứng án phí để thụ lý đối với yêu cầu độc lập nhưng vẫn giải quyết và chấp nhận yêu cầu này là vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự (vi phạm khoản 1 Điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự).

+ Toàn bộ 815m2 đất của cụ P và cụ M là đất ở nông thôn. Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ, mà căn cứ vào việc tự phân loại đất của UBND xã D năm 1989 phân chia đất này thành 03 loại: Đất ở 300m2, đất vườn 215m2, đất rau xanh (còn gọi là đất phần trăm) 300m2 để giải quyết vụ án là không chính xác (vi phạm Điều 93 của Bộ luật tố tụng dân sự).

+ Đối với 162m2 đất nuôi trồng thủy sản có nguồn gốc là của cụ Lê Văn P quản lý, sử dụng từ trước. Năm 1989, Hợp tác xã quy đổi bằng 48m2 đất nông nghiệp nhằm mục đích khi chia đất canh tác thì cụ P sẽ bị trừ 48m2 ngoài đồng. Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh việc đối trừ đất nông nghiệp thời kỳ đó hay chưa, nhưng đã xác định thửa đất này là tài sản chung của cụ P, cụ M, ông T, bà L, anh Ng và chia thừa kế của cụ M chỉ có 32,4m2 là không chính xác (vi phạm Điều 93 của Bộ luật tố tụng dân sự).

+ Đối với Giấy di chúc lập ngày 05/7/2001, có điểm chỉ của cụ M và chứng thực của UBND xã D, bản chất đây là văn bản ủy quyền của cụ M cho ông Th thay mặt cụ M có quyền định đoạt và sử dụng toàn bộ nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên, cụ M đã chết ngày 21/02/2007 nên việc ủy quyền không còn hiệu lực. Đối với Đơn xin quyền sở hữu tài sản nhà và đất thổ cư lập ngày 20/10/2006, có điểm chỉ của cụ M nhưng không có công chứng, chứng thực. Phải xác định đây là văn bản tặng cho tài sản giữa cụ M và ông T. Tuy nhiên, về hình thức văn bản này không được công chứng, chứng thực. Về nội dung không đảm bảo căn cứ pháp luật, vì cụ M không được quyền tặng cho đối với phần tài sản của cụ P nên văn bản này không có giá trị. Căn cứ Điều 624 của Bộ luật dân sự thì 2 văn bản này không phải là di chúc. Tòa án cấp sơ thẩm xác định 2 văn bản trên là di chúc của cụ M làm căn cứ giải quyết vụ án là không chính xác. Từ các phân tích nêu trên, Viện kiểm sát đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại cho đúng pháp luật.

Tại phiên tòa:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên giữ nguyên kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện K, đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Ông Lê Văn T rút toàn bộ nội dung kháng cáo và đề nghị Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định di chúc của cụ Bùi Thị M lập ngày 20/10/2006 không hợp pháp thì cũng không yêu cầu Tòa án chia thừa
kế theo pháp luật đối với di sản của cụ P và cụ M để lại.

Ông Lê Khắc A rút một phần kháng cáo đối với yêu cầu buộc vợ chồng ông T phải trả lại giá trị ngôi nhà và bếp của bố mẹ để lại nhưng đã bị vợ chồng ông T dỡ đi. Giữ nguyên nội dung kháng cáo không chấp nhận bản án sơ thẩm xác định bản di chúc của cụ M lập ngày 20/10/2006 hợp pháp và chia cho ông T hưởng một nửa di sản của cụ P và cụ M để lại. Không chấp nhận trừ đất nông nghiệp của vợ chồng và con ông T vào đất ở của bố mẹ. Ông A đề nghị chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật để cho ông và ông A có chỗ đi lại quê hương lúc tuổi già.

Bà Lê Thị V xác định không ký tên trong bản di chúc ngày 20/10/2006 mà ông T xuất trình. Bà V và bà C đề nghị Tòa án chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại theo pháp luật để cho ông A và ông Th có chỗ đi lại quê hương, thờ cúng tổ tiên.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, HĐXX phúc thẩm và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Về đường lối giải quyết vụ án, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3 Điều 308 và Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự, hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại cho đúng pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Cụ Lê Ngọc P (tên gọi khác là Lê Văn P), sinh năm 1924, chết ngày 12/3/1992 và cụ Bùi Thị M, sinh năm 1921, chết ngày 21/02/2007 có 5 người con là ông Lê Khắc A, ông Lê Xuân Th, bà Lê Thị V, bà Lê Thị C và ông Lê Văn T. Ngoài ra, hai cụ không có con nuôi, con riêng nào khác. Di sản của cụ P và cụ M để lại gồm 816m2 đất thổ cư và 144m2 ao tại thôn B, xã D, huyện K. Trên đất có 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 02 gian bếp, công trình phụ lợp rạ. Cụ P chết không để lại di chúc. Ngày 05/7/2001 cụ M lập văn bản cho ông Th được hưởng toàn bộ nhà đất. Tiếp đến, ngày 20/10/2006 cụ M lại lập văn bản cho ông Lê Văn T được hưởng các tài sản trên. Ông Lê Văn T khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho ông hưởng thừa kế tài sản của cụ P và cụ M để lại theo di chúc của cụ Bùi Thị M lập ngày 20/10/2006. Do đó, quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định là tranh chấp về thừa kế tài sản theo quy định của khoản 5 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự. Văn bản của cụ M do ông T xuất trình được lập ngày 20/10/2006 nên luật nội dung để xem xét, đánh giá tính hợp pháp của văn bản là Bộ luật dân sự năm 2005, Luật đất đai năm 2003.

[2] Văn bản ngày 20/10/2006 của cụ Bùi Thị M do ông T xuất trình có tiêu đề là “Đơn xin quyền sở hữu tài sản nhà và đất thổ cư” có nội dung: “Tên tôi là Bùi Thị M, 86 tuổi… tôi xin lập bản di chúc như sau: tôi và ông Lê Ngọc P sinh được 5 người con… trong khi ông P còn sống đã tuyên bố giao quyền sở hữu tài sản và đất thổ cư cho con út là 982m2… cho tới nay tôi vẫn tiếp tục sống cùng vợ chồng anh Lê Văn T… kể từ ngày 20/10/2006 anh T có quyền sở hữu và định đoạt toàn bộ tài sản trên và nuôi dưỡng tôi lúc tuổi già cho tới khi qua đời và thờ phụng tổ tiên”.

Đơn xin chuyển quyền sở hữu tài sản và đất thổ cư nói trên là do ông Lê Văn T viết ra, có điểm chỉ của cụ Bùi Thị M và chữ ký của người làm chứng là ông Đỗ Văn M trưởng thôn B, cụ Lê Thị Sinh là cô ruột ông T, ông Trần Văn An là hàng xóm ông T và bà Lê Thị V là chị gái ông T. Đến nay ông M và ông E đều xác nhận chữ ký trong bản di chúc là của mình, còn cụ Sinh do tuổi đã cao không còn minh mẫn nên không xác minh được, bà V thì không thừa nhận. Ông T xác nhận văn bản trên là di chúc của cụ M nên ông T đề nghị Tòa án chia thừa kế theo di chúc.

Với những thông tin nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định đây là bản di chúc hợp pháp và chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của ông T là chưa đủ căn cứ. Bởi lẽ, theo xác nhận của các đương sự thì cụ M là người không biết chữ, mắt còn bị lòa nên theo khoản 3 Điều 652 BLDS năm 2005 quy định di chúc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Khoản 2 Điều 658 của BLDS năm 2005 quy định: Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được, thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng. Như vậy, văn bản ngày 20/10/2006 mà ông T xuất trình do ông T tự viết ra, không phải do người làm chứng lập và ký trước mặt người lập di chúc và công chứng viên hay người có thẩm quyền chứng thực. Mặc dù, lời khai của ông M và ông E đến nay xác định chữ ký trong văn bản là của mình, nhưng ông M cũng không nhớ rõ việc lập văn bản diễn ra như thế nào, chỉ có ông E xác định di chúc do cụ M điểm chỉ trước mặt ông. Tuy nhiên, như đã viện dẫn ở trên đối với di chúc của người không biết chữ, hạn chế về năng lực hành vi dân sự thì phải tuân theo trình tự nghiêm ngặt mà pháp luật đã quy định. Di chúc của cụ M không được lập theo trình tự pháp luật quy định, do đó lời khai của ông M và ông E đến nay cũng không đảm bảo tính khách quan nên không đủ căn cứ kết luận di chúc hợp pháp.

Tòa án cấp sơ thẩm lập luận, cụ M đã mang bản di chúc này đến gặp ông Trần Ngọc O là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã D thời kỳ đó để xin chứng thực nhưng ông O từ chối không chứng thực nên về hình thức bản di chúc này đã tuân thủ các Điều 654, 656, 657 của BLDS năm 2005 là áp dụng không đúng pháp luật đối với trường hợp di chúc của người không biết chữ.

[3] Điều 646 của BLDS năm 2005 quy định: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên, nội dung văn bản ngày 20/10/2006 của cụ Bùi Thị M ghi kể từ ngày 20/10/2006 anh T có quyền sở hữu và định đoạt toàn bộ tài sản trên. Căn cứ vào tiêu đề và nội dung thì văn bản ngày 20/10/2006 của cụ Bùi Thị M không phải là di chúc, mà là văn bản chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản từ cụ M sang cho ông T ngay thời điểm cụ M còn sống. Tòa án cấp sơ thẩm xác định văn bản ngày 20/10/2006 của cụ M là di chúc là không đúng. Kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung này có căn cứ chấp nhận.

[4] Xét tính hợp pháp của văn bản chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản từ cụ M sang cho ông T ngày 20/10/2006 cũng không hợp pháp. Bởi lẽ, tài sản của cụ M ghi trong văn bản chuyển quyền cho ông T có 1/2 là di sản của cụ P để lại chưa chia. Cụ M không có quyền tự định đối với phần di sản của cụ P để lại. Về thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Điều 689 BLDS năm 2005 quy định việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, bằng văn bản (trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất), có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Điều 692 BLDS năm 2005 quy định việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Căn cứ các quy định nêu trên thì việc cụ M lập văn bản chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản sang cho ông T chưa tuân thu quy định về hình thức, nội dung chưa rõ ràng, không có công chức chứng thực và chưa làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai nên không có giá trị pháp lý.

[5] Từ các phân tích nêu trên, đủ căn cứ kết luận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T đề nghị Tòa án chia thừa kế theo văn bản của cụ M lập ngày 20/10/2006 là không có căn cứ chấp nhận. Kháng cáo của đương sự và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện K về nội dung này là có căn cứ chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ, nhưng về tố tụng đã tuân thủ quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm ông T chỉ yêu cầu chia thừa kế theo di chúc, không yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của cụ M để lại. Do vậy, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, để đương sự thực hiện quyền khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật, mà không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm như nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát.

[6] Đối với bị đơn ông Lê Xuân Th và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông A, bà C và bà V không công nhận bản di chúc của cụ M lập ngày 20/10/2006 do ông T xuất trình và đề nghị Tòa án công nhận bản di chúc của cụ M lập ngày 05/7/2001 cho ông Th hưởng thừa kế. Trường hợp di chúc của cụ M ngày 05/7/2001 không hợp pháp thì đề nghị chia thừa kế di sản của cụ P và cụ M theo quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án bị đơn không có đơn yêu cầu phản tố, không nộp tiền tạm ứng án phí, không cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh đối với yêu cầu đề nghị công nhận bản di chúc ngày 05/7/2001, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không làm thủ tục yêu cầu độc lập chia di sản của cụ P và cụ M theo quy định của pháp luật. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật theo yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là đúng pháp luật, nhưng lại đi xem xét, đánh giá tính hợp pháp văn bản của cụ M lập ngày 5/7/2001 là vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự.

[7] Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát về việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vượt quá yêu cầu của đương sự. Không xác minh làm rõ nguồn gốc đất của cụ P để lại có phải là đất thổ cư hay không, mà chỉ căn cứ vào việc tự phân chia loại đất của UBND xã D để giải quyết vụ án là không chính xác. Không xác minh làm rõ nguồn gốc của 162m2 đất nuôi trồng thủy sản, nhưng đã xác định thửa đất này là tài sản chung của cụ P, cụ M, ông T, bà L, anh Ng và chia thừa kế của cụ M chỉ có 32,4m2 là không chính xác. Nội dung kháng cáo của ông Lê Khắc A không nhất trí trừ đất nông nghiệp của ông T, bà L và anh Ng vào đất thổ cư của bố mẹ. Xét thấy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận nên không còn cơ sở để xem xét các nội dung kháng cáo, kháng nghị nêu trên. Sau này các đương sự khởi kiện lại mà vẫn có yêu cầu thì sẽ được xem xét, giải quyết trong vụ án khác.
 
[8] Đối với nội dung kháng cáo của ông Lê Khắc A đề nghị vợ chồng ông T phải bồi thường ngôi nhà và bếp của cụ P và cụ M để lại mà vợ chồng ông T đã dỡ đi. Ngày 16/5/2018 ông Lê Khắc A đã rút nội dung kháng cáo này nên sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm.

[9] Đối với nội dung kháng cáo của ông Lê Văn T đề nghị xác định 162m2 ao là quyền sử dụng riêng của vợ chồng ông và đề Tòa án xác minh làm rõ nội dung về diện tích đất nông nghiệp mà vợ chồng và con trai ông bị trừ vào đất ở của cụ P và cụ M. Ngày 16/5/2018 ông T đã rút toàn bộ các nội dung kháng cáo nêu trên nên sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm.

[10] Về án phí:

Án phí phúc thẩm: Ông Lê Khắc A kháng cáo được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Ông Lê Văn T rút kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm nên phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lê Văn T khởi kiện thừa kế theo di chúc không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch, theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 289, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ Điều 646, khoản 3 Điều 652, khoản 2 Điều 658, Điều 689, 692 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Điểm a khoản 7 Điều 27, khoản 2, khoản 4 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông Lê Văn T, về việc đề nghị Tòa án xác định 162m2 ao là quyền sử dụng riêng của vợ chồng ông và đề nghị Tòa án xác minh làm rõ diện tích đất nông nghiệp mà vợ chồng và con trai ông bị trừ vào đất ở của cụ P và cụ M.

2. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông Lê Khắc A, về việc đề nghị vợ chồng ông T phải bồi thường ngôi nhà và bếp của cụ P và cụ M để lại mà vợ chồng ông T đã dỡ đi.

3. Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện K và một phần kháng cáo của ông Lê Khắc A; Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DSST ngày 18/01/2018 của Toà án nhân dân huyện K, về việc tranh chấp về thừa kế tài sản như sau:

3.1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T, về việc yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo di chúc của cụ Bùi Thị M lập ngày 20/10/2006.

3.2. Về án phí:
 
+ Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Khắc A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông Lê Khắc A 300.000đ tiền tạm ứng án phí, theo biên lai thu số 007316 ngày 29/01/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K.

Ông Lê Văn T phải chịu 150.000đ án phí dân sự phúc thẩm, trừ vào khoản tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm ông Lê Văn T đã nộp là 300.000đ, theo biên lai thu số 007320 ngày 02/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K; Trả lại ông T 150.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm.

+ Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lê Văn T phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm, trừ vào khoản tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm ông Lê Văn T đã nộp là 4.750.000đ theo biên lai thu số 006866 ngày 21/12/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K; Trả lại ông T 4.450.000đ tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1081
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 20/2018/DSPT ngày 20/08/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:20/2018/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về