TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 201/2019/DS-PT NGÀY 10/09/2019 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 10/9/2019 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 69/2019/TLPT-DS ngày 22/01/2019 về việc “tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 77/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 72/2019/QĐ-PT ngày 21/02/2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1965; địa chỉ: Ấp C, xã A, huyện D, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Bùi Văn Đ, sinh năm 1977; địa chỉ thường trú: Sô B, tô 6, ấp U, xã P, huyện G, tỉnh Tây Ninh địa chỉ tạm trú: Ấp T, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương (văn bản ủy quyền ngày 29/9/2018).
- Bị đơn: Ông Trần Ngọc C, sinh năm 1978; địa chỉ: Ấp P, xã A, huyện D, tỉnh Bình Dương.Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Minh L, sinh năm 1984; địa chỉ thường trú: Ấp Q, xã L, huyện G, tỉnh Tiền Giang; địa chỉ liên lạc: số A, tổ 13, khu phố 2, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương (văn bản ủy quyền ngày 15/5/2017).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Huỳnh Vă
n G, sinh năm 1949; địa chỉ: Ấp C, xã A, huyện D, tỉnh Bình Dương.
- Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Ngọc C.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ông D có quyền sử dụng diện tích đất 41.193m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số vào sổ: D cấp ngày 22/10/2002, trên đất có trồng cây cao su khoảng 14, 15 năm tuổi và đang được khai thác tại ấp C, xã A, huyện D, tỉnh Bình Dương.
Liền ranh đất của ông D ở trên là đất của ông Huỳnh Văn G. Ngày 15/4/2017, ông C (con rể của ông G) dọn vệ sinh đất để chuẩn bị trồng cấy mới ông C gom cành cây, lá cây cao su và đốt bỏ nhưng không trông coi mà bỏ về nhà nên để lửa cháy lan qua phấn đất cao su của ông D (cháy toàn bộ lá dưới các gốc cây, cháy sém gốc cây). Khoảng 14 giờ cùng ngày, ông D phát hiện cây cao su của mình bị cháy và đã tự dập tắt đám cháy, trình báo với cơ quan có thẩm quyền của xã A; cơ quan có thẩm quyền của xã A đến kiểm tra hiện trường và lập biên bản, xác định thiệt hại bao gồm: Cao su của ông D bị cháy 526 cây, trong đó có 341 cây cháy sát gốc, cháy cách gốc 0,5m đến 1m là 185 cây.
Cao su bị cháy nên không thể khai thác được (không có mủ), gây thiệt hại về tài sản cho ông D.
Ngày 27/4/2017, ông D khởi kiện yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại về việc không khai thác được mủ cao su đối với 526 cây cao su với số tiền là 400.000.000 đồng.
Ngày 19/7/2017, ông D khởi kiện bổ sung yêu cầu ông C và ông G phải liên đới bồi thường thêm số tiền 300.000.000 đồng.
Ngày 31/10/2018, ông D thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại số tiền 318.649.000 đồng.
Bị đơn, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Ông C được cha vợ là ông Huỳnh Văn G cho một phần đất khoảng 1,5 ha (liền ranh đất cao su của ông D) tại ấp C, xã A, huyện D để trồng cây cao su; hai bên chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Vào tháng 02/2017, ông C thanh lý cao su để trồng mới, trên đất còn lại cành cao su, lá cao su; ông C gom lại để giữa đất chờ khô và đến ngày 15/4/2017 thì đốt. Khi đốt cành, lá cao su, ông C đã trực tiếp trông coi lửa cho đến khi cháy hết thì ông C đi về nhà. Tuy nhiên, chiều cùng ngày 15/4/2017 có gió lớn nên lửa cháy trở lại, gió thổi tàn lửa lan sang lá cao su khô bên phần đất ông D làm cháy cao su của ông D; ông C đồng ý so cây cao su bị cháy của ông D như biên bản do cơ quan C xã A ghi nhận; tuy nhiên, lá cao su cháy cách gốc cây từ 0,5 đến 01m, nên không có thiệt hại xảy ra.
Ông C không đồng ý bồi thường thiệt hại như yêu cầu khởi kiện của ông D.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Huỳnh Văn G trình bày:
Năm 2009, ông G có tặng cho con rể là Trần Ngọc C diện tích khoảng 02 ha tọa lạc tại ấp C, xã A, huyện D, tỉnh Bình Dương; trên đất có trồng sẵn cây cao su. Ông G chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, sang tên cho ông C nhưng từ khi cho đất đến nay ông C là người chăm sóc, quản lý và thu hoạch mủ cao su, thanh lý cây cao su trên đất.
Ông G không biết ông C làm cháy cao su của ông D; ông G không có liên quan quan gì nên không đồng ý bồi thường.
Bản án dân sự sơ thẩm số 77/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn D đối với bị đơn ông Trần Ngọc C về việc “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Buộc ông Trần Ngọc C có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Văn D số tiền 318.649.000 đồng (ba trăm mười tám triệu, sáu trăm bốn mươi chín nghìn đồng).
2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn D đối với yêu cầu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Huỳnh Văn G phải liên đới với bị đơn ông Trần Ngọc C bồi thường thiệt hại.
3. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn D đối với bị đơn ông Trần Ngọc C về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 381.351.000 đồng (ba trăm tám mươi mốt triệu, ba trăm năm mươi mốt nghìn đồng).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, trách nhiệm chậm thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 03/12/2018, người đại diện hợp pháp của bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Người đại diện hợp pháp của bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự thống nhất giá trị cây cao su là 420.000 đồng/cây; người đại diện hợp pháp của bị đơn đồng ý bồi thường cây cao su bị chết cho nguyên đơn; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Những người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng đã thực hiện đứng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.
Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào bản chiết tính thiệt hại ngày 26/10/2018 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên C để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng vì Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên C không có chức năng giám định giá trị mủ cao su trong thời gian không khai thác được. Sai sót này của Tòa án cấp sơ thẩm đã được Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục bằng cách mời Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cao su T chiết tính thiệt hại là mủ cao su trong thời gian bị cháy không khai thác được. Các đương sự thống nhất số cây cao su bị chết. Tại Văn bản số 31/CV-TTTĐ ngày 15/7/2019, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cao su T xác định: Cao su của ông D: 526 cây; trong đó 09 cây bị chết, 01 cây không cạo mủ; thiệt hại được tính từ số lượng mủ do không thu hoạch được hàng năm, quy ra giá trị mủ thành tiền, trừ đi công chăm sóc, phân, công cạo mủ; do đó, thiệt hại do không khai thác được của 525 cao su được tính thành tiền là 49.349.230 đồng; 09 cây không khai thác mủ nên không tính. Do đó, căn cứ văn bản số 31 ngày 15/7/2019, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn giá trị mủ cao su trong thời gian cao su bị cháy không khai thác được số tiền 49.349.230 đồng và giá trị của 09 cây cao su bị chết.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Quá trình tố tụng các bên đương sự đều thừa nhận ông C vệ sinh, làm đất của ông C (trong đó có đốt cành cây, lá cây) làm cháy lan sang vườn cao su của ông D làm cháy 526 cây cao su. Sự thừa nhận của hai bên đương sự phù hợp với biên bản do cơ quan C xã A ghi nhận ngày 15/4/2017 và các biên bản xem xét thẩm định, biên bản xem xét vật chứng để phục vụ việc giám định của Tòa án.
[2] Các bên đương sự đều thống nhất quyền sử dụng đất ông G vẫn còn đứng tên nhưng đã tặng cho ông C (con rể) từ năm 2009; ông C trực tiếp chăm sóc, khai thác và hưởng lợi từ việc khai thác cao su từ năm 2009, năm 2017 thanh lý cây cao su và trồng lại. Ông C thực hiện quyền của người chủ sở hữu tài sản và hưởng lợi từ việc khai thác tài sản, không phải là người làm thuê cho ông G; do đó, khi thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản của mình mà gây ra thiệt hại cho người khác thì ông C phải có trách nhiệm bồi thường; ông G không có trách nhiệm bồi thường trong việc ông C gây ra thiệt hại cho ông D.
[3] Về nguyên tắc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Ông D xác định có thiệt hại xảy ra và yêu cầu bồi thường; ngược lại ông C thừa nhận việc lá cao su dưới gốc cây cao su bị cháy chưa gây ra thiệt hại nên không đồng ý bồi thường. Qua xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án và sự thừa nhận của hai bên thì trước khi bị cháy, cao su đang khai thác, cao su hơn 10 năm tuổi; từ khi bị cháy đến nay vườn cao su bị cháy vẫn được giữ nguyên hiện trạng, vườn cao su không được khai thác và đang sinh trưởng bình thường. Như vậy, để xem xét thiệt hại thì cần phải giám định thiệt hại cao su không khai thác mủ trong thời gian không khai thác để cây cao su phục hồi, phân bón, công chăm sóc trong thời gian này.... Trong trường hợp nếu hai bên đương sự không thỏa thuận được về cơ quan, tổ chức định giá thiệt hại hoặc hoặc giám định thiệt hại thì Tòa án phải áp dụng quy định tại Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự để trưng cầu cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn giám định thiệt hại. Hai bên đương sự không thỏa thuận được về giá trị thiệt hại, không thỏa thuận được về tổ chức thẩm định giá nhưng Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn và định giá T, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên C để thẩm định giá, xác định giá trị thiệt hại là không đúng quy định tại Điều 104 của Bộ luật Tố tụng dân sự; mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm thành lập Hội đồng định giá và định giá thiệt hại là giá trị toàn bộ cây cao su (420.000đồng/cây) là cũng không đứng với yêu cầu tranh chấp giữa các đương sự. Do việc thực hiện định giá, giám định của Tòa án cấp sơ thẩm được thực hiện không đúng pháp luật nên không phải là chứng cứ để xác định thiệt hại trong vụ án.
[4] Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng quy định tại Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 20 của Luật Giám định tư pháp để tiến hành giám định thiệt hại do không khai thác mủ cao su (từ thời gian cao su bị cháy cho đến khi phục hồi và khai thác mủ) là phù với quan hệ tranh chấp và yêu cầu tranh chấp giữa các bên đương sự. Tại các Văn bản số 406/STC-GCS của Sở T, số 350/PC-SNN của Sở N, số 71/CCTTB VTV-TT ngày 05/3/2019 của Chi cục T thuộc Sở N tỉnh Bình Dương trả lời Tòa án là không có chức năng giám định thiệt hại do không khai thác được mủ cao su như yêu cầu của Tòa án. Sở T tỉnh Bình Dương trả lời Tòa án tại Văn bản số 1112/STP-BTTP ngày 26/6/2019 là không giới thiệu được giám định viên hoặc tổ chức giám định thiệt hại do không khai thác được mủ cao su như yêu cầu của Tòa án; do đó, áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Giám định tư pháp, Tòa án trưng cầu Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cao su T thuộc Viện N Việt Nam (thuộc Bộ N) thực hiện việc giám định là đứng pháp luật.
[5] Biên bản xem xét thu thập vật chứng để thực hiện việc giám định ngày 28/6/2019 được hai bên đương sự thống nhất với nội dung biên bản, số cây sao su của ông D bị thiệt hại (trong vụ cháy) là 526 cây; trong đó 09 cây bị chết, 01 cây không cạo mủ (tức cây nhỏ chưa cạo hoặc không đủ điều kiện để cạo mủ). Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn tự nguyện bồi thường cây cao su bị chết cho nguyên đơn nên ghi nhận.
Tại Văn bản số 31/CV-TTTĐ ngày 15/7/2019, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cao su T xác định:
Cao su của ông D: 526 cây; trong đó 09 cây bị chết, 01 cây không cạo mủ; do vườn cây đang cạo mặt úp thứ hai với chiều dài vỏ cạo còn lại khoảng 70 cm, thời gian cạo mủ còn lại của vườn cây là 03 năm; do đó thiệt hại được tính từ số lượng mủ do không thu hoạch được hàng năm, quy ra giá trị mủ thành tiền, trừ đi công chăm sóc, phân, công cạo mủ; thiệt hại do không khai thác được của 525 cao su được tính thành tiền là 49.349.230 đồng; 01 cây cao su không khai thác mủ (vì không hiệu quả hoặc cao su nhỏ...) không tính thiệt hại. Ngoài ra, cao su ông D có 09 cây bị chết; giá trị cây các bên thống nhất (như biên bản định giá của Tòa án cấp sơ thẩm) là 420.000 đồng cây.
Do đó, thiệt hại của ông D là 49.349.230 đồng + (09 cây chết x 420.000 đồng/cây) = 53.129.230 đồng.
[6] Với phân tích trên, cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng buộc ông C bồi thường cho ông D số tiền là 53.129.230 đồng; quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tình Bình Dương về việc sửa bản án dân sự sơ thẩm là có cơ sở chấp nhận.
[7] Án phí dân sự sơ thẩm: Ông C phải chịu theo quy định của pháp luật.
Ông D phải chịu án phí đối với yêu cầu bồi thường không được chấp nhận (318.649XXX) đồng-53.129.230 đồng=265.519.770 đồng).
[8] Chi phí xem xét thẩm định, định giá và giám định thiệt hại: Các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.
[9] Án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên ông C không phải chịu án phí.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 584, 585, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 20 của Luật Giám định tư pháp; Điều 102, Điều 147; khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 308; Điều 309; Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội Khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Trần Ngọc C.
2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 77/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương như sau:
2.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn D đối với bị đơn ông Trần Ngọc C về việc “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Buộc ông Trần Ngọc C có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Văn D số tiền 53.129.230 đồng (năm mươi ba triệu, một trăm hai mươi chín nghìn, hai trăm ba mươi đồng).
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn D về việc yêu cầu ông Trần Ngọc C phải bồi thường số tiền 265.519.770 đồng (hai trăm sáu mươi năm triệu, năm trăm mười chín nghìn, bảy trăm bảy mươi đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong nếu người phải thi hành án chậm trả tiền thì còn phải chịu thêm tiền lãi của số tiền chậm thi hành án tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
2.2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn D đối với yêu cầu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Huỳnh Văn G phải liên đới với bị đơn ông Trần Ngọc Chuẩn bồi thường thiệt hại.
3. Chi phí thẩm định giá và định giá tại Tòa án cấp sơ thẩm: 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng), ông Nguyên Văn D phải chịu và được khấu trừ tạm ứng đã nộp.
Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và giám định tại Tòa án cấp phúc thẩm: 2.960.000 đồng (hai triệu, chín trăm sáu mươi nghìn đồng), ông Trần Ngọc C phải chịu và được khấu trừ tạm ứng đã nộp.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Ông Trần Ngọc C phải chịu 2.656.461 đồng (hai triệu, sáu trăm năm mươi sáu nghìn, bốn trăm sáu mươi mốt đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Ông Nguyễn Văn D phải chịu 13.275.988 đồng (mười ba triệu, hai trăm bảy mươi năm nghìn, chín trăm tám mươi tám đồng), được khấu trừ vào 17.500.000 đồng (mười bảy triệu, năm trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí nộp theo các Biên lai thu số Q ngày 04/5/2017, số P ngày 24/7/2017 của Chi cục T huyện D. Chi cục T huyện D còn trả lại cho ông D 4.224.012 đồng (bốn triệu, hai trăm hai mươi bốn nghìn, không trăm mười hai đồng) còn thừa.
5. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Ngọc C không phải chịu. Chi cục Thi hành án dân sự thị huyện D, tỉnh Bình Dương trả lại cho ông Trân Ngọc Chuẩn 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số K ngày 03/12/2018.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7A và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 201/2019/DS-PT ngày 10/09/2019 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 201/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/09/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về