Bản án 200/2020/HC-PT ngày 16/06/2020 về khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 200/2020/HC-PT NGÀY 16/06/2020 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

Ngày 16 tháng 6 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 148/2020/TLPT-HC ngày 11 tháng 02 năm 2020 về khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 42/2019/HC-ST ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thấm số: 901/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Công ty C; địa chỉ: số 30 VSIP II đường số 7, khu công nghiệp V - S, khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Nhật Q, địa chỉ 82/10 đường N, phường L, thị xã T1, tỉnh Bình Dương theo Giấy ủy quyền ngày 24/7/2019 (có mặt).

- Người bị kiện: Chủ tịch UBND tỉnh B; địa chỉ: Tầng 16 tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh B, đường L1, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Hùng D, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh B, theo văn bản ủy quyền số 4803/UBND-KTN ngày 20/9/2019 (có yêu cầu xét xử vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty H1; trụ sở tại: số 68-70 đường ĐX 142, phường T2, thành phố T, tỉnh Bình Dương; Người đại diện theo pháp luật: Bà Phạm Thị Thu T3, chức vụ Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Huy D1, chồng bà T3, trú cùng địa chỉ công ty.

2. Ông Phạm Huy D1, sinh năm 1982; địa chỉ: số 68-70 đường ĐX 142, phường T2, thành phố T, tỉnh Bình Dương (ông D1 có yêu cầu xét xử vắng mặt).

3. Vợ chồng ông Lê Văn T4, sinh năm 1966 và bà Nguyễn Thị Xuân Bl, cùng trú tại: tổ 7, khu phố 1, phường T5, thị xã B2, tỉnh Bình Dương (ông T4, bà B1 có yêu cầu xét xử vắng mặt).

- Người kháng cáo: Công ty C là người khởi kiện.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện ngày 24/7/2019, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày: Công ty C hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, mã số doanh nghiệp: 3700865452, đăng ký lần đầu ngày 09 tháng 01 năm 2008, đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 19 tháng 3 năm 2019 tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất các loại máy móc, thiết bị và linh kiện máy móc cho các ngành khai thác mỏ, xây dựng và dầu khí.

Trong quá trình hoạt động, Công ty Có bán các phế liệu được loại ra trong quá trình sản xuất gồm phôi tiện, phôi bào, mảnh vỡ, mạt cưa, mạt giũa, phôi cắt và bavia bằng sắt, thép, gang. Công ty đã ký Hợp đồng mua bán phế liệu với ông Lê Văn T4 ngày 18/12/2018 và Hợp đồng mua bán phế liệu ngày 14/02/2019 với công ty H1 (ông Phạm Huy D1 đại diện công ty mua). Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương xác định các loại phế liệu này là chất thải nguy hại (viết tắt là CTNH) và cho rằng Công ty C đã có hành vi vi phạm là bán chất thải nguy hại cho cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại nên đã lập hai biên bản gồm: Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường số 24/BB-VPHC (PC05) ngày 16 tháng 4 năm 2019 và Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường số 37/BB-VPHC (PC05) ngày 06 tháng 5 năm 2019. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm: Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 05 năm 2019 và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC ngày 17 tháng 05 năm 2019 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty C.

+ Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 5 năm 2019 xác định Công ty Có 03 hành vi vi phạm:

Hành vi 1: Không thu gom chất thải nguy hại theo quy định, để chất thải nguy hại ngoài trời, vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 21, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hành vi 2: Bán chất thải nguy hại cho cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại đối với trường hợp bán từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên, cụ thể: Công ty đã bán 20.630 kg chất thải nguy hại cho ông Lê Văn T4 là cá nhân không có giấy phép xử lý chất thoải nguy hại vi phạm điểm h, khoản 7, Điều 21, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hành vi 3: Xả chất thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp lượng nước thải nhỏ hơn 5m3/ngày (24 giờ), cụ thể: theo Phiếu kết quả thử nghiệm số 19080119 ngày 16/01/2019 của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh B cho thấy mẫu nước thải tại hố ga nước mưa khu vực nhà ăn chảy ra cống chung thoát nước mưa của khu công nghiệp có các thông số môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải: BOD5 vượt 13,3 lần, COD vượt 12,8 lần, SS vượt 7,2 lần, Amoni vượt 2,4 lần vi phạm điểm a, khoản 6, Điều 13, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và khoản 7, Điều 13, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

+ Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ngày 17 tháng 5 năm 2019 xác định Công ty Có hành vi: Bán chất thải nguy hại cho cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại đối với trường hợp bán từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại, cụ thể: Công ty đã bán 4.420 kg chất thải nguy hại cho ông Phạm Huy D1 là cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại vi phạm điểm g, khoản 7, Điều 21, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với tình tiết tăng nặng: tái phạm, cụ thể Công ty C đã bị xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 5 năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B về hành vi “Bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.”

Công ty C nhận thấy Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 05 năm 2019 và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC ngày 17 tháng 05 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty C không phù hợp với quy định của pháp luật bởi các lẽ sau đây:

Về căn cứ xác định chất thải nguy hại:

Cả hai Quyết định trên đều xác định các phế liệu được loại ra trong quá trình sản xuất gồm phôi tiện, phôi bào, mảnh vỡ, mạt cưa, mạt giũa, phôi cắt và bavia bàng sắt, thép, gang mà Công ty C bán cho ông Lê Văn T4 ngày 18/12/2018 và công ty H1 là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, không có cơ sở nào để xác định đó là chất thải nguy hại mà thực chất đây là những phế liệu thải ra trong quá trình sản xuất.

Mục 3 Phục lục 1 về Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: Quy định áp dụng cụ thể đối với một số trường hợp đặc biệt thường gặp trong thực tế:

3.1. Hỗn hợp phế liệu kim loại (hoặc nhựa) lẫn dầu mỡ (ví dụ mã 07 03 11): Phế liệu kim loại (hoặc nhụa) không phải là CTNH còn dầu mỡ thải (trừ dầu mỡ thục phẩm) luôn là CTNH (loại **), do vậy, đâỵ là hỗn hợp CTNH. Trường hợp hỗn hợp này được tách riêng ra, còn lại phế liệu kim loại (hoặc nhụa) tương đối sạch, chỉ bám dính lượng dầu mỡ không đáng kể đến mức không có nguy cơ bị rò rỉ hoặc chảy ra môi trường trong quá hình lưu giữ, thu gom và vận chuyển (ví dụ dầu bảo quản) thì không bị coi là CTNH (bảo đảm thành phần dầu bám dính có hàm lượng tuyệt đối nhỏ hơn ngưỡng CTNH theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH).

3.4. Dầu, hóa chất hoặc dung môi thải: Chỉ được phân loại, áp mã theo loại CTNH có gốc halogen hữu cơ hoặc có thành phần halogen hữu cơ (đặc biệt là cơ clo như PCB) nếu hàm lượng tuyệt đối của ít nhất một thành phần halogen hữu cơ vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH.

Như vậy, phế liệu kim loại tương đối sạch, chỉ bám dính lượng dầu mỡ không đáng kể đến mức không có nguy cơ bị rò rỉ hoặc chảy ra môi trường trong quá trình lưu giữ, thu gom và vận chuyển (ví dụ dầu bảo quản) thì không bị coi là chất thải nguy hại. Các loại phế liệu kim loại của Công ty C gồm: phôi tiện, phôi bào, mảnh vỡ, mạt cưa, mạt giũa, phôi cắt và bavia bằng sắt, thép, gang không có chất thải nguy hại trong đó.

Ngoài ra, hóa chất mà Công ty C sử dụng trong quá trình sản xuất là hóa chất gốc nước, không phải hóa chất gốc dầu.

Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh B chỉ nhìn bằng mắt theo cảm quan xác định các loại phế liệu được loại ra trong quá trình sản xuất gồm phôi tiện, phôi bào, mảnh vỡ, mạt cưa, mạt giũa, phôi cắt và bavia bằng sắt, thép, gang là chất thải nguy hại và buộc Công ty C phải thừa nhận đó là chất thải nguy hại mà không tiến hành giám định để xác định những vật (chất) đó có phải là chất thải nguy hại hay không hoặc có thành phần chất thải nguy hại lẫn trong đó hay không.

Về việc lập Biên bản vi phạm hành chính: Cả hai Biên bản vi phạm hành chính đều lập không đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

Về thẩm quyền lập Biên bản:

+ Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường số 24/BB-VPHC (PC05) ngày 16 tháng 4 năm 2019 ghi người tiến hành lập Biên bản gồm ông Phan Minh T6 là Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, công an tỉnh B và ông Đặng Hoàng S1 là cán bộ Đội 2 nhưng chỉ một mình ông Đặng Hoàng S1 ký tên vào Biên bản, không có ông Phan Minh T6 ký tên.

+ Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường số 37/BB-VPHC (PC05) ngày 06 tháng 5 năm 2019 ghi người tiến hành lập Biên bản gồm ông Phan Minh T6 là Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh B và bà Nguyễn Hoàng N1 là Phó đội trưởng Đội 2 lập nhưng chỉ một mình bà Nguyễn Hoàng N1 ký tên, không có ông Phan Minh T6 ký tên vào Biên bản.

+ Do ông Phan Minh T6 là Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh B không ký tên vào cả hai Biên bản nên cả hai Biên bản trên vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; khoản 4 Điều 49 và điểm a khoản 2 Điều 56 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Về thời điểm lập Biên bản:

+ Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường số 24/BB-VPHC (PC05) ngày 16 tháng 4 năm 2019 không ghi giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm như yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

+ Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường số 37/BB-VPHC (PC05) ngày 06 tháng 5 năm 2019 xác định ngày vi phạm là ngày 20/02/2019, việc lập Biên bản như vậy là chưa phù hợp với khoản 1 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản.

Về quyền giải trình của người vi phạm: cả hai Biên bản đều ghi Công ty C có quyền gửi văn bản giải trình đến cán bộ lập biên bản. Nội dung này là trái quy định tại Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính, theo đó Công ty C có quyền gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của Công ty C trước khi ra quyết định xử phạt. Việc ghi nội dung trái pháp luật như vậy làm cho Công ty Công ty C không thực hiện được quyền giải trình với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B.

Về mức phạt tiền:

Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 05 năm 2019 xác định Công ty Có 03 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt là 622.000.000 đồng nhưng không xác định mức tiền phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm là không đúng với quy định tại khoản 1, Điều 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Nay Công ty C khởi kiện với yêu cầu: Hủy Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 05 năm 2019 và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC ngày 17 tháng 05 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty C.

- Người đại diện hợp pháp của người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh B có yêu cầu xét xử vắng mặt nhưng có ý kiến tại Bản giải trình (không đề ngày tháng):

Ngày 25/4/2019, công an tỉnh B đã có tờ trình số 39/TTr-CAT-PV01 (PC05) tham mưu UBND tỉnh B ra quyết định xử phạt Công ty C. Ngày 03 tháng 05 năm 2019 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty C.

Ngày 14/5/2019, công an tỉnh B đã có Tờ trình số 47/TTr-CAT-PV01 (PC05) tham mưu UBND tỉnh B ra quyết định xử phạt Công ty C. Ngày 17 tháng 05 năm 2019 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty C. Việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành các quyết định xử phạt nêu trên là đúng theo quy định pháp luật hiện hành nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Phạm Huy D1 và Công ty H1 do ông D1 đại diện có yêu cầu xét xử vắng mặt nhưng có lời trình bày:

Ngày 20/2/2019, công ty H1 có ký hợp đồng mua phế liệu tại Công ty C. Ông D1 trực tiếp vận chuyển 4.420 kg phế liệu thì bị Công an tỉnh B lập biên bản vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Ông D1 và công ty H1 không có yêu cầu gì trong vụ án.

Vợ chồng Lê Văn T4, bà Nguyễn Thị Xuân B1 có yêu cầu xét xử vắng mặt nhưng có lời trình bày:

Vợ chồng ông kinh doanh phế liệu, có mua 20.630 kg phế liệu phôi tiện của Công ty C. Ông T4 đã bị Chủ tịch UBND tỉnh B xử phạt vi phạm hành chính. Ông T4, bà B1 không có yêu cầu gì trong vụ án.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số: 42/2019/HC-ST ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, quyết định:

Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty C về việc yêu cầu hủy Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 05 năm 2019 và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC ngày 17 tháng 05 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí hành chính sơ thẩm và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 09/12/2019 Công ty C kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm, với lý do: Không đồng ý với nội dung của bản án hành chính sơ thẩm, đề nghị sửa án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty C vẫn giữ nguyên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung nêu trên.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến quan điểm của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án:

- Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án của thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành xét xử công khai, đúng trình tự thủ tục tố tụng, các đương sự chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Về kháng cáo của Công ty C: Sau khi trình bày nội dung vụ án, đánh giá các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra, tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm nêu quan điểm:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Công ty C không đồng ý vì cho rằng không phải là chất thải nguy hại, trình tự thủ tục ban hành quyết định có vi phạm. Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 5 năm 2019 và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ngày 17 tháng 5 năm 2019 xác định Công ty C có các hành vi vi phạm, xác định chất thải nguy hại, phạt tiền công ty. Cơ sở ban hành Quyết định là dựa vào biên bản công ty vi phạm như công ty đã trình bày. Việc lập biên bản có thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến việc Công ty Có vi phạm trong việc đảm bảo xử lý chất thải nguy hại. Việc ban hành Quyết định xử phạt có căn cứ. Về quyền khiếu nại của công ty, công ty đã gửi Công văn giải trình số 01/CNC ngày 22/01/2019 cho Công an tỉnh B. Công an tỉnh B đã tiếp nhận Công văn giải trình số 01/CNC và Giám đốc Công an tỉnh B đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành quyết định xử phạt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B đã cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, ban hành Quyết định xử phạt đúng quy định. Đại diện công ty trình bày thêm các nội dung kháng cáo, các nội dung này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét đầy đủ. Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của công ty là có căn cứ. Công ty kháng cáo cũng không cung cấp tình tiết mới. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ ý kiến của các bên đương sự và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về quan hệ pháp luật, thời hiệu khởi kiện:

Công ty C khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 05 năm 2019 và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC ngày 17 tháng 05 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo quy định tại Điều 116; Điều 30 và Điều 32 Luật tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện vẫn còn và Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty C:

[2.1] Trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành Quyết định:

[2.1.1] Biên bản vi phạm hành chính số 24/BB-VPHC(PC05) ngày 16/4/2019 và 37/BB-VPHC(PC05) ngày 06/5/2019 có cán bộ trực tiếp thụ lý vụ việc là ông Đặng Hoàng S1, bà Nguyễn Hoàng N1 ký tên, đại diện tổ chức vi phạm là Công ty C có ký tên xác nhận là phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Nghị số 81/2013/NĐ-CP.

Biên bản vi phạm hành chính số 24/BB-VPHC(PC05) ngày 16/4/2019 được lập căn cứ vào Kết luận kiểm fra số 57/KL-PC05 ngày 12/4/2019 của Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh B đối với Công ty C; biên bản VPHC 37/BB-VPHC(PC05) ngày 06/5/2019 được lập căn cứ vào biên bản ghi nhận vụ việc bán chất thải ngày 20/02/2019 của Công ty C. Các biên bản này đã thể hiện đầy đủ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra hành vi vi phạm và được đại diện ủy quyền của Công ty C ký tên xác nhận là phù hợp quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính nên không vi phạm thủ tục như người khởi kiện trình bày.

Tuy hai biên bản vi phạm đều ghi Công ty Có quyền giải trình đến cán bộ lập biên bản nhưng thực tế công ty đã gửi Công văn giải trình số 01/CNC ngày 22/01/2019 cho Công an tỉnh B. Nội dung công văn số 01/CNC, ông Trương Lộc Vĩnh B3 giám đốc Công ty C thừa nhận hành vi bán chất thải nguy hại là sai quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và cam kết sẽ chuyển giao cho đơn vị khác có chức năng để xử lý chất thải nguy hại này. Đối với hai hành vi vi phạm về nước sinh hoạt, về khu vực lưu giữ chất thải nguy hại thì Công ty đã khắc phục, đề nghị Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh B xem xét giúp đỡ. Công an tỉnh B đã tiếp nhận Công văn giải trình số 01/CNC và Giám đốc Công an tỉnh B đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh B áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC nên không ảnh hưởng đến quyền giải trình của công ty.

[2.1.2] Công ty C thừa nhận các hành vi vi phạm hành chính: Không thu gom chất thải nguy hại theo quy định, để chất thải nguy hại ngoài trời vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 21, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, xả chất thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thật về chất thải vi phạm điểm a, khoản 6, Điều 13, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, thống nhất mức xử phạt theo Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 5 năm 2019.

Công ty C thừa nhận số lượng chất thải bán cho ông Lê Văn T4 20.630 kg và bán cho ông Phạm Huy D1 4.420 kg chất thải.Ông Lê Văn T4 đã bị xử phạt vì vận chuyển chất thải khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Đại diện Công ty C đã có giấy ủy quyền cho ông Lê Hồng Đ- nhân viên công ty thừa nhận các hành vi vi phạm của công ty (Bút lục 11,12) như 20 kg giẻ lau dính dầu nhớt, tất cả đều dính hóa chất đã qua sử dụng theo sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; ..bụi kim loại có dính dầu nhớt trong quá trình sản xuất;..bán sắt thép dính dầu nhớt. (Bút lục 111) ông Đ nhân viên công ty thừa nhận bụi kim loại dính dầu từ quá trình cắt đồng, kẽm; thùng phuy, thùng sắt, giẻ lau dính hóa chất đã qua sử dụng. (Bút lục 112 a) bản tường trình của Trần Quốc Q1, nhân viên công ty ngày 23/01/2019 thừa nhận từ phôi thép cuộn, tấm ống thép..sử dụng máy cắt thủy lực, cưa để gia công tạo thành, trong quá trình sản xuất có dùng một phần dầu nhớt kèm theo phát sinh ra chất thải nguy hại gọi là bụi kim loại có dính dầu nhớt.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành quyết định xử phạt số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03/5/2019 và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC ngày 17/5/2019 là đúng thẩm quyền.

Quyết định số 1129/ỌĐ-XPVPHC ngày 03/05/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B đã ghi nhận khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và tổng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm của Công ty C và phù hợp với khung hình phạt quy định tại nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.

[2.2] Về nội dung:

[2.2.1] Công ty C cho rằng tang vật vi phạm hành chính theo Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC gồm phoi tiện, phoi bào, mạt cưa bằng sắt, thép, gang không phải là chất thải nguy hại mà là phế liệu.

Căn cứ giấy chứng nhận đầu tư do Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore chứng nhận thay đổi lần thứ ba ngày 26/8/2010 (Bút lục sô 95) thì Công ty Có ngành nghề kinh doanh là sản xuất các loại máy móc, thiết bị và linh kiện máy móc cho các ngành khai thác mỏ, xây dựng và dầu khí.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014; Theo Mục C Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 36/2015TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015; Theo mục 1.3.1 Quy chuẩn QCVN 07/2009/BTNMT ban hành kèm theo 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì phoi từ quá trình gia công tạo hình do Công ty C tạo ra là chất thải thuộc loại có khả năng là chất thải nguy hại ký hiệu * không phải là phế liệu theo như lời trình bày của công ty.

Theo Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015; Điều 7 Nghị định 38/2015/NĐ-CP và các Điều 29, 30 và Điều 6 Thông tư 36/2015TT-BTNMT thì cho dù chất thải thải rắn công nghiệp thông thường hay chất thải nguy hại thì chủ nguồn chất thải đều phải có trách nhiệm trong việc phân định, phân loại chất thải trước khi chuyển giao cho đơn vị khác, trường hợp không phân định thì phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.

Theo Mục 3 Phụ lục 1 về Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; theo Mục 3.1.2, 3.1.3 khoản 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại (được ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Công ty C chưa thực hiện việc phân định chất thải theo quy định, bao gồm cả việc giám định đối với số phoi thải ra từ quá trình công ty gia công tạo hình kim loại trước khi bán cho đơn vị khác nên Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh B lập biên bản vi phạm xác định chất thải nguy hại là phù hợp với các quy định trên.

[2.2.2] Việc Công ty C cho rằng người có thẩm quyền xử phạt không tiến hành giám định tang vật để xác định ngưỡng chất thải nguy hại là vi phạm trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trước khi ban hành các Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC và Quyết định số 1323/QĐ-XPVPHC là không phù hợp vì trách nhiệm của chủ nguồn thải là phải phân định trước khi bán số chất thải này cho đơn vị khác.

[2.2.3] Theo Mục C Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 quy định mã 07 03 (tính từ mã 07 03 01 đến 07 03 06): đại diện Công ty CNC cho rằng mình sử dụng chất làm mát gốc nước không độc hại là không phù hợp.

[2.2.4] Trong quá trình tố tụng, Công ty C yêu cầu giám định số tang vật vi phạm hành chính, hoặc thu mẫu tương tự để xác định ngưỡng chất thải nguy hại. Tuy nhiên, theo công văn 124/XLCT.NSQT ngày 21/10/2019 về việc cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thể hiện: Chi nhánh xử lý chất thải Công ty Cổ phần nước Môi trường B đã xử lý hoàn thành toàn bộ khối lượng chất thải là 6.140kg và 14.490kg nhận ngày 09/1/2019 của hộ kinh doanh ông Lê Văn T4 và 4.420kg nhận ngày 20/02/2019 của Công ty H1. Đây là số chất thải do Công ty C bán cho hộ kinh doanh ông Lê Văn T4 và Công ty H1. Vì vậy, số tang vật theo hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03/5/2019 và số 1323/QĐ-XPVPHC ngày 17/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B không còn nên không thể thực hiện được thủ tục giám định theo yêu cầu của Công ty C. Nên không có cơ sở để xác định chất thải là tang vật trong vụ án có vượt ngưỡng chất thải nguy hại hay không. Đối với việc thu mẫu giám định tương tự, do không phải là hiện vật gốc, không đảm bảo quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật tố tụng hành chính nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu giám định của Công ty CNC.

[3] Từ những nhận định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty C, giữ nguyên án sơ thẩm như đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa đề nghị.

[4] Về án phí hành chính phúc thẩm: Công ty C phải chịu án phí do yêu cầu kháng cáo không đuợc chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 30, 32, 116, Khoản 1 Điều 241, Điều 348 và Điều 349 của Luật tố tụng hành chính năm 2015;

Căn cứ các Điều 3, 6, 9, 23, 38, 58, 61 Luật xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Điều 3, 7 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015;

Căn cứ Phụ lục 1 về Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tu số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Mục 1.3.1, 3.1.2, 3.1.3 khoản 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

Bác kháng cáo của Công ty C. Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thấm số 42/2019/HC-ST ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

1. Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty C về việc yêu cầu hủy Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC ngày 03 tháng 05 năm 2019 và Quyết định số 1323/QD- XPVPHC ngày 17 tháng 05 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Về án phí hành chính sơ thẩm: Công ty C phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) được khấu trừ toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0027067 ngày 12/8/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

3. Về án phí hành chính phúc thẩm: Công ty C phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) được khấu trừ toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0027211 ngày 13/12/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1125
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 200/2020/HC-PT ngày 16/06/2020 về khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính

Số hiệu:200/2020/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 16/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về