Bản án 19/2020/HS-ST ngày 03/12/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật quý, hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PÁC NẶM, TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 19/2020/HS-ST NGÀY 03/12/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT QUÝ, HIẾM

Trong ngày 30 tháng 11 năm 2020, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 19/2020/TLST-HS, ngày 01 tháng 10 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 17/2020/QĐXXST-HS ngày 15 tháng 10 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 05/2020/HSST-QĐ ngày 30 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo:

Hoàng Văn T- Tên gọi khác: Không Sinh ngày xx tháng x năm 19xx tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Thôn Kh, xã B, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: Lớp 5/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch Việt Nam; con ông Hoàng Văn D và bà Dương Thị D; Vợ là Hoàng Thị Ph: Có 03 con. Con lớn nhất sinh năm 2013, con nhỏ nhất sinh năm 2017.

Tiền án, tiền sự: Không Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/4/2020 đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Đinh Xuân D- Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Chị Hoàng Thị Ph, sinh năm 19xx.

Trú tại: Thôn Kh, xã B, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

Nghề nghiệp: Làm ruộng - Ông Nông Văn S, sinh năm 19xx.

Trú tại: Thôn Kh, xã B, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt.

Nghề nghiệp: Làm ruộng

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hồi 14 giờ ngày 06/3/2020, tại nhà của Hoàng Văn T tại thôn Kh, xã B, huyện Pác Nặm, tổ công tác Công an huyện Pác Nặm tiến hành kiểm tra, bắt quả tang Hoàng Văn T đang có hành vi nhốt 01 cá thể động vật rừng còn sống nghi là Culi trong 01 chiếc lồng bằng kim loại ở dưới gầm sàn nhà. Tổ công tác đã tiến hành tạm giữ và niêm phong 01 cá thể động vật rừng còn sống nghi là Culi, tạm giữ 01 chiếc lồng bằng kim loại đã qua sử dụng.

01 cá thể động vật rừng còn sống tạm giữ khi bắt quả tang Hoàng Văn T đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Pác Nặm gửi đi giám định.

Tại Kết luận giám định động vật số: 158 ngày 09/3/2020 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận:

01 cá thể động vật (còn sống) là loài Cu li lớn có tên khoa học là Nycticebus bengalensis. Loài Cu li lớn Nycticebus bengalensis có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019) và đồng thời có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ).

Tại cơ quan điều tra, Hoàng Văn T khai nhận: Khoảng đầu tháng 02/2020 (không nhớ ngày cụ thể), T cùng vợ là Hoàng Thị Ph đi bộ từ xã A về nhà tại thôn Kh, xã B, huyện Pác Nặm. Trên đường đi đến thôn K, xã B, T dừng lại và đứng ngoài đường để chờ vợ vào quán bán hàng để mua bánh kẹo cho con. Trong lúc đứng đợi, T gặp một người đàn ông không biết tên, địa chỉ điều khiển xe môtô (không biết nhãn hiệu, BKS) đến và hỏi T “có mua con này không?”, T nói “để xem đã”, người đó cầm đến 01 chiếc bao tải (loại bao đựng phân lân) và cởi dây rừng buộc đầu bao, T nhìn thấy trong bao có 01 cá thể động vật rừng còn sống, có lông màu trắng vàng. T không biết là con gì nhưng do thấy đẹp nên nảy sinh ý định mua về nuôi làm cảnh nên đã thỏa thuận và đồng ý mua bán với giá là 500.000 đồng. Sau khi mua được 01 cá thể động vật rừng, T đem về nhà và mượn của ông Nông Văn S trú cùng thôn 01 chiếc lồng bằng kim loại để nhốt. Hàng ngày, T lấy chuối chín bóc vỏ và cho vào lồng cho động vật rừng đó ăn, đồng thời lấy nước vào lồng cho uống. Đến ngày 06/3/2020 thì bị Công an huyện Pác Nặm bắt quả tang. Trong thời gian nuôi, nhốt 01 cá thể động vật rừng, T không xin phép cơ quan có thẩm quyền cũng như không được cơ quan nào cấp phép cho việc nuôi, nhốt; không có dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt cũng như không có phương án nuôi, trồng. Việc mua, nuôi, nhốt 01 cá thể động vật rừng do T tự thực hiện, khi nuôi, nhốt có che lồng bằng 01 chiếc bao tải của gia đình. Mục đích T mua và nuôi, nhốt 01 cá thể động vật rừng là để làm cảnh, không nhằm mục đích gì khác.

Tại bản cáo trạng số 16/CT-VKSPN ngày 28/7/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Pác Nặm truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm để xét xử bị cáo Hoàng Văn T về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và nội dung bản cáo trạng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Pác Nặm giữ nguyên quan điểm truy tố như bản cáo trạng. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Hoàng Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS 2015; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo vì bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bị cáo có đơn xin miễn án phí do vậy đề nghị miễn án phí cho bị cáo.

Tại phiên toà người bào chữa cho bị cáo nhận thấy việc xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn nhận thức về pháp luật còn hạn chế, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền và miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án và căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Pác Nặm, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Pác Nặm, Kiểm sát viên, trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Như vậy, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo:

Hồi 14 giờ ngày 06/3/2020, tại nhà của Hoàng Văn T tại thôn Kh, xã B, huyện Pác Nặm, tổ công tác Công an huyện Pác Nặm tiến hành kiểm tra, bắt quả tang Hoàng Văn T đang có hành vi nhốt 01 cá thể động vật rừng còn sống nghi là Culi trong 01 chiếc lồng bằng kim loại ở dưới gầm sàn nhà.

Tại Kết luận giám định động vật số: 158 ngày 09/3/2020 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận: 01 cá thể động vật (còn sống) là loài Cu li lớn có tên khoa học là Nycticebus bengalensis. Loài Cu li lớn Nycticebus bengalensis có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019) và đồng thời có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ).

Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có cơ sở kết luận:

Mặc dù không có chức năng, không được cấp giấy phép về cứu hộ, bảo tồn động vật nguy cấp, quý, hiếm nhưng từ đầu tháng 02/2020 đến ngày 06/3/2020 tại nhà ở của Hoàng Văn T tại thôn Kh, xã B, huyện Pác Nặm, Hoàng Văn T đã có hành vi nuôi, nhốt trái phép 01 cá thể động vật rừng là loài Cu li lớn. Loài Cu li lớn có tên trong Phụ lục 1, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Hành vi của bị cáo Hoàng Văn T đã cấu thành tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự 2015. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Pác Nặm đã truy tố bị cáo về tội danh nêu trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[3] Tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội: Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, xâm phạm đến sự bền vững của môi trường sinh thái. Tuy nhiên bị cáo nuôi con Cu Li lớn với mục đích làm cảnh, sau khi cơ quan chức năng phát hiện thì cá thế Cu Li lớn này đã được bàn giao cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, hậu quả của hành vi để lại không lớn. Trước khi phạm tội bị cáo luôn chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Xét thấy do có chuyển biến của tình hình mà bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, cần xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.

[4] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo có nhân thân tốt, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, bị cáo có khả năng tự sửa chữa lỗi lầm, do đó cần xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, phù hợp chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự.

[6] Về hình phạt bổ sung như phạt tiền: Xét bị cáo không có nghề nghiệp, không có tài sản nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo là có căn cứ.

[7] Về xử lý vật chứng:

- 01 cá thể Cu li lớn còn sống, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Pác Nặm đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cứu hộ, bảo quản theo quy định. Do vậy cần tiếp tục giao cá thể Cu Li lớn cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội quản lý (Theo biên bản giao nhận động vật hoang dã ngày 09/3/2020).

- 01 chiếc lồng bằng kim loại là tài sản thuộc sở hữu của ông Nông Văn S trú tại thôn Kh, xã B, Huyện Pác Nặm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Pác Nặm đã trả lại cho chủ sở hữu theo quy định.

- 02 chiếc bao tải và 01 đoạn dây rừng khi mua con Cu li lớn và sử dụng trong quá trình nuôi nhốt hiện nay T đã làm mất nên không thu giữ được để xử lý.

Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận bị cáo Hoàng Văn T đã phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Cáo trạng số: 16/CT-VKSPN ngày 28/7/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã truy tố bị cáo Hoàng Văn T về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Ty nhiên hình phạt mà đại diện viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là không phù hợp bởi lẽ: Bị cáo nuôi con Cu Li lớn với mục đích làm cảnh, sau khi cơ quan chức năng phát hiện thì cá thế Cu Li này đã được bàn giao cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, hậu quả của hành vi để lại không lớn. Trước khi phạm tội bị cáo luôn chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Xét thấy đến thời điểm này do có chuyển biến của tình hình mà bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, cần xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, do vậy cần miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo là phù hợp chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự.

Đánh giá việc người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền và miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo. Hội đồng xét xử nhận định đề nghị của người bào chữa là có căn cứ nên được xem xét.

[8] Xem xét, đánh giá hành vi của những người liên quan.

Đối với chị Hoàng Thị Ph là vợ của bị cáo biết nhưng không tham gia vào việc giúp bị cáo mua, nuôi và nhốt 01 con Cu li lớn nên không đề nghị xử lý là có cơ sở.

Đối với Nông Văn S là người đã cho bị cáo mượn 01 chiếc lồng bằng kim loại nhưng S không biết bị cáo sử dụng để nuôi, nhốt 01 con Cu li lớn nên không đề nghị xử lý là có cơ sở.

[9] Về án phí: Căn cứ và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả điều tra, xác minh cho thấy gia đình bị cáo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bị cáo có đơn xin Hội đồng xét xử miễn án phí. Do vậy cần miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 29; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51: của Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Hoàng Văn T.

[2]. Về vật chứng: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

Tiếp tục giao cá thể Cu Li lớn cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội quản lý. Theo biên bản giao nhận động vật hoang dã số A.09.3.2020/BB-GNĐVR ngày 09/3/2020 giữa Công an huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.

[3]. Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

[4]. Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa, có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tyên án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

512
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2020/HS-ST ngày 03/12/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật quý, hiếm

Số hiệu:19/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Pác Nặm - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:03/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về