Bản án 19/2020/DS-PT ngày 05/06/2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 19/2020/DS-PT NGÀY 05/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Ngày 05 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nam Định mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 10/2019/TLPT-DS ngày 06-01-2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 26/2020/QĐXX-PT ngày 03 tháng 3 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Phạm Văn C (tên thường gọi là Phạm Văn B), sinh năm 1968.

Địa chỉ: Tiểu khu 4, thị trấn I, huyện M, tỉnh S.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Cầm Phúc T, sinh năm 1988 - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư T - Hà Nội. (Theo Hợp đồng ủy quyền có xác nhận của Văn phòng luật sư T - Hà Nội ngày 15-3-2019).

Địa chỉ: Số 486, đường L, phường C, thành phố S, tỉnh S.

2. Bị đơn: Ông Phạm Văn L, sinh năm 1969.

Địa chỉ: Thôn P, xã T, huyện V, tỉnh N.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Văn L: Ông Bùi Văn K, sinh năm 1957 - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH T1 - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội (Theo đơn yêu cầu nhờ luật sư của ông Phạm Văn L lập ngày 24 - 02 - 2020).

3. Người làm chứng: Ông Đỗ Văn H, sinh năm 1968.

Địa chỉ: Thôn P, xã T, huyện V, tỉnh N.

4. Người kháng cáo: Ông Phạm Văn L là bị đơn trong vụ án.

Tại phiên toà có mặt ông C (B), ông T, ông L, ông K; vắng mặt ông H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện ngày 29-5-2019, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, nguyên đơn là ông Phạm Văn C ( tên gọi khác là Phạm Văn B), (sau đây chỉ viết tên là ông B) và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Năm 2013 ông B về quê ở thôn P, xã T, huyện V, tỉnh N chơi và đã rủ ông L hợp tác mua máy gặt và máy cày bừa để làm thuê lấy tiền, ông L đồng ý. Tháng 5 năm 2013 ông B và ông L đã góp vốn chung mua 01 máy gặt nhãn hiệu KUBOTA DC 60 với giá là 540.000.000 đồng và sau đó mua thêm 01 máy cày bừa nhãn hiệu KUBOTA 3408 trị giá 303.000.000 đồng. Ông L bỏ ra số tiền 340.000.000 đồng, ông B góp 395.000.000 đồng, số tiền còn lại thì lấy lợi nhuận trả góp dần. Sau khi mua máy, hai bên thoả thuận: Ông B trực tiếp lái máy gặt, máy cày thì thuê người lái, toàn bộ các khoản thu – chi do ông L đảm nhiệm, lợi nhuận thu được sau khi trừ hết các chi phí, còn lại sẽ chia đôi mỗi người một nửa. Hai ông chỉ thoả thuận miệng với nhau chứ không lập thành văn bản hợp đồng.

Trong suốt quá trình làm ăn chung từ năm 2013 đến năm 2015 hai ông chưa tính toán thu – chi và phân chia lợi nhuận. Cuối năm 2015 ông và ông L xảy ra mâu thuẫn do đó hai bên đã chấm dứt không làm chung với nhau, ông quản lý máy gặt, ông L quản lý máy cày bừa. Cuối năm 2016 hai bên gặp nhau và cùng nhau tính toán các khoản thu, chi và tiền lợi nhuận còn lại mỗi người được hưởng rồi nhờ ông H là người quen của hai bên viết giấy hộ. Ông và ông L tính toán, xác định cụ thể các khoản thu, khoản chi phí nhiên liệu và nhân công rồi đọc cho ông H viết. Ông H viết và đọc lại cho hai ông nghe về khoản tiền lợi nhuận thu được, trừ chi phí nhiên liệu và nhân công, số lợi nhuận còn lại được chia đôi. Ông H ghi cụ thể số tiền lợi nhuận từng vụ mà ông L còn nợ, chưa thanh toán cho ông, ông và ông L nghe xong, công nhận đúng rồi cùng ký và ghi rõ họ tên vào phần cuối trang giấy ông H ghi. Ông H ghi tiền L nợ B ở đây là tiền nợ lợi nhuận của máy gặt và máy cày bừa trong quá trình hai ông hợp tác làm ăn chung các năm 2013 + 2014 + 2015.

Ông và ông L đều xác nhận tổng số tiền thu được và tổng chi phí gồm nhiên liệu và nhân công của từng vụ, số lợi nhuận còn lại mỗi người được hưởng, cụ thể như sau:

- Vụ chiêm 2013: Tổng thu là 118.781.000 đồng, trừ đi chi phí gồm nhân công và nhiên liệu là 33.091.000 đồng, còn lại lợi nhuận là 85.690.000đ, chia đôi mỗi người được 42.845.000 đồng. Vụ mùa 2013: Sau khi đối trừ mỗi người được hưởng lợi nhuận 25.745.000 đồng. Tổng lợi nhuận năm 2013 mỗi người được hưởng 68.590.000 đồng.

- Vụ chiêm 2014: Tổng thu là 128.380.000 đồng, trừ chi phí nhiên liệu và nhân công 22.300.000 đồng, còn lại lợi nhuận là 106.080.000 đồng, chia đôi mỗi người được 53.040.000 đồng. Vụ Mùa 2014: Tổng thu là 105.000.000 đồng, trừ chi phí nhiên liệu và nhân công còn lại lợi nhuận là 83.885.000 đồng, chia đôi lợi nhuận mỗi người được 41.942.500 đồng.

- Vụ chiêm 2015: Tổng thu 90.600.000 đồng, trừ chi phí nhiên liệu và nhân công là 34.960.000 đồng, còn lại 55.640.000 đồng, lợi nhuận chia đôi mỗi người được 27.820.000 đồng.

- Tổng lợi nhuận máy gặt các năm 2013 + 2014 + 2015 mỗi người được hưởng 191.392.500 đồng.

- Máy cày bừa: Tổng thu 67 mẫu x 800.000 đồng/mẫu = 53.600.000 đồng x 4 vụ = 214.400.000 đồng, trả tiền công cho: Ông Tuyên 8.000.000 đồng, ông Ba 6.000.000 đồng, ông Thơm 2.600.000 đồng, tổng lợi nhuận máy cày bừa 4 vụ là 152.585.000 đồng, chia đôi lợi nhuận mỗi người được 76.292.500 đồng.

Như vậy, tổng lợi nhuận của máy gặt và máy cày bừa trong quá trình hai ông hợp tác làm ăn chung từ năm 2013 đến 2015 mỗi người được hưởng là 267.685.000 đồng.

Trong 03 tờ giấy ông H ghi hộ, dưới phần chữ viết của ông H, ông đều ghi “Còn tính lại” vì theo ông tiền lợi nhuận ông L còn phải nợ ông khoảng trên 415.000.000 đồng nhưng do ông chưa có đủ chứng cứ nên ông mới khởi kiện ông L số tiền 267.685.000 đồng. Số tiền còn lại, ông sẽ tìm chứng cứ và tiếp tục khởi kiện ông L ở một vụ án khác.

Từ sau khi chốt thu chi cuối năm 2016 đến nay hai ông không thanh toán khoản tiền gì cho nhau. Toàn bộ khoản tiền lợi nhuận 267.685.000 đồng này hiện ông L đang quản lý, chưa thanh toán cho ông. Ông B đã yêu cầu ông L trả khoản tiền lợi nhuận 267.685.000 đồng nhưng ông L không trả. Năm 2017 ông đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông L phải trả các khoản tiền lợi nhuận 415.000.000 đồng nhưng do thời điểm đó ông thường xuyên đi làm các công trình xa, ông chưa tìm thấy giấy ông H ghi hộ nên ông đã rút đơn khởi kiện.

Ngoài khoản tiền lợi nhuận 267.685.000 đồng, ông còn yêu cầu ông L phải trả số tiền lãi phát sinh do chậm trả tiền trong các năm nêu trên là: 130.298.150 đồng.

Tồng số tiền lợi nhuận và tiền lãi phát sinh là 397.983.150 đồng (Ba trăm chín mươi bảy triệu chín trăm tám mươi ba một trăm năm mươi đồng).

Các tài liệu chứng cứ ông L xuất trình ông đã ứng tiền của ông L và thu tiền từ các hộ dân tổng cộng 314.103.000 đồng ông không chấp nhận. Ông khẳng định trong suốt quá trình hợp tác làm chung máy gặt, máy cày bừa ông chưa ứng bất kỳ khoản tiền nào của ông L. Ông xác định chữ viết trong quyển sổ do ông L xuất trình đúng là chữ viết của ông nhưng đó là do ông chép lại từ sổ của ông L ra chứ không phải là khoản tiền ông ứng của ông L, vì thế ở sổ đó không có ngày tháng giao tiền, không có chữ ký nhận tiền của ông. Số tiền ông đi lảm thuê ở Nghệ An được 5.000.000 đồng, Thanh Hóa được 20.000.000 đồng và ở Hà Nam được 15.000.000 đồng, ông thu về ông đều đưa cho ông L vì đã thỏa thuận toàn bộ việc thu - chi là do ông L. Số tiền 22.173.000 đồng như ông L ghi ông thu của 03 hộ dân tiền cày bừa và gặt (bà Bỉ, bà Bắc, bà Chuyện) 04 vụ, các trường hợp này vì là người nhà của ông nên ông đã bảo ông L là phần ruộng phía nhà ông L không thu tiền thì phần ruộng phía người nhà ông cũng không thu tiền, thực tế ông không thu tiền của các hộ dân này. Các khoản tiền ông L ghi: ông lấy của các hộ dân ở Phong Cốc 15.930.000 đồng, mùa 2013 ông lấy đi Sơn La 6.000.000 đồng, mùa 2014 ông lấy 110.000.000 đồng trả tiền máy, mùa 2015 ông lấy 100.000.000 đồng, tết 2015 ông lấy 20.000.000 đồng là hoàn toàn không có. Vì thấy ông L ghi không đúng thực tế nên ông chép lại để nói ông L về sự không thật thà của ông L.

Ông yêu cầu Toà án giải quyết buộc ông Phạm Văn L phải thanh toán toàn bộ khoản tiền lợi nhuận của ông được hưởng trong quá trình hợp tác làm ăn chung từ máy gặt và máy cày bừa các năm 2013, 2014, 2015 cho ông với số tiền 267.685.000 đồng và số tiền lãi chậm trả từ năm 2013 đến nay là 130.298.150 đồng. Sau đó ông đã rút yêu cầu buộc ông L trả số tiền lãi chậm trả130.298.150 đồng, chỉ yêu cầu trả khoản tiền lợi nhuận là 267.685.000 đồng.

Về số tiền mua chung máy gặt, máy cày bừa và việc phân chia máy gặt, máy cày bừa ông không đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết.

* Tại bản tự khai, biên bản hoà giải và tại phiên toà, bị đơn ông Phạm Văn L trình bày:

Năm 2013 ông và ông B có thỏa thuận miệng với nhau về việc hai bên góp tiền mua máy gặt, máy cày bừa. Máy gặt giá 545.000.000 đồng, mỗi người bỏ ra một nửa tiền là 272.500.000 đồng và đã thanh toán xong. Gặt xong vụ chiêm 2013 thì ông và ông B thống nhất mua thêm 01 máy cày bừa giá 302.500.000 đồng. Công ty yêu cầu trả trước 182.500.000 đồng và phần còn lại phải trả góp 06 tháng trả một lần, mỗi lần trả 60.000.000 đồng. Khi đó hai người lấy một phần lợi nhuận của máy gặt vụ chiêm 2013 là 82.500.000 đồng và ông B đi vay ngoài 100.000.000 đồng để trả đủ số tiền mà công ty yêu cầu trả trước. Còn 120.000.000 đồng thì hai người thống nhất lấy một phần lợi nhuận của các vụ chiêm 2014 là 60.000.000 đồng và vụ mùa 2014 là 60.000.000 đồng để trả, đến cuối năm 2014 thì trả xong tiền mua máy cày.

Hai bên hợp tác làm ăn nhưng không lập hợp đồng, không lập sổ sách kế toán thu chi mà hai bên tự thỏa thuận: Ông B là người lái máy gặt, máy cày thì thuê người lái, toàn bộ việc thu tiền và chi tiền là do ông thu và chi. Nếu ông B ứng tiền hoặc thu khoản tiền gì thì ông B tự ghi vào 01 quyển sổ do ông quản lý, quyển sổ gốc này hiện nay ông đã xuất trình cho Tòa án. Toàn bộ danh sách những hộ dân thuê máy cày, máy gặt thì ông B đều ghi chép vào sổ cho ông để ông căn cứ vào các số liệu đó mà tính thành tiền và đi thu tiền của các hộ dân về. Cuối năm 2015 ông và ông B xảy ra mâu thuẫn, hai người không hợp tác làm ăn chung nữa, ông B quản lý máy gặt, ông quản lý máy cày bừa. Từ khi hợp tác làm ăn chung năm 2013 đến khi chấm dứt làm ăn chung 2015 hai bên chưa tính toán thu, chi và thanh toán lợi nhuận. Cuối năm 2016 ông và ông B mới ngồi tính toán cụ thể phần thu, chi, lợi nhuận còn lại mỗi người được hưởng và nhờ ông H ghi chép hộ. Tổng lợi nhuận của máy gặt và máy cày bừa sau khi đã trừ chi phí nhiên liệu và nhân công trong toàn bộ quá trình hợp tác làm ăn chung, ông được hưởng 267.685.000 đồng, ông B được hưởng 267.685.000 đồng.

Ông công nhận 03 tờ giấy ông H ghi mà ông B đang dùng để khởi kiện là đúng về khoản thu, khoản chi phí nhân công, nhiên liệu và phần lợi nhuận còn lại mỗi người được hưởng là 267.685.000 đồng. Thời điểm ghi là cuối năm 2016, sau khi hai bên đã không hợp tác làm ăn chung nữa. Toàn bộ chữ ký và chữ viết của ông trong 03 tờ giấy ông H ghi là đúng chữ ký và chữ viết của ông. Số liệu để tính toán thu, chi đều lấy từ sổ của ông B nhưng ông thấy số liệu, số tiền tổng thu, chi từ máy gặt, máy cày bừa đều đúng nên ông nhất trí và ký vào đó. Tuy nhiên hôm đó, ông H viết 05 tờ trong đó 03 tờ đầu ông B đang dùng để khởi kiện ông, còn 02 tờ nữa ông B không xuất trình cho Tòa án. Hiện ông B đang quản lý tờ số 04 ghi tổng số tiền ông B đã ứng là 314.103.000 đồng trừ đi lợi nhuận 267.680.000 đồng, ông B còn nợ lại ông 46.423.000 đồng và tờ số 05 ghi cam kết chung giữa hai bên. Ông H ghi 05 tờ, mỗi tờ ghi 01 bản, sau khi ông H ghi xong thì ông B cầm toàn bộ 05 tờ bản gốc, không phôtô đưa cho ông bản nào.

Ông xác định ông B đã ứng tiền và trực tiếp thu tiền máy gặt, máy cày của các hộ dân, tự tay ông B viết vào sổ của ông “Tiền B đã lấy”, cụ thể: Mùa 2013 B lấy 6.000.000 đi Sơn La; Mùa 2014 B lấy 110.000.000 đồng; Mùa 2014 B lấy của Hương (Nghệ An) 5.000.000 đồng, lấy của Minh (Thanh Hóa) 20.000.000 đồng, lấy của Quynh (Hà Nam) 15.000.000 đồng; Mùa 2015 lấy của L 100.000.000 đồng; Tết 2015 B lấy 20.000.000 đồng; Mùa 2014 + chiêm 2015 B thu tiền gặt và cày bừa của 23 hộ dân thôn Phong Cốc là 15.930.000 đồng. B thu của 03 hộ dân tiền cày bừa và gặt (bà Bỉ, bà Bắc, bà Chuyện) 04 vụ là 22.173.000 đồng. Tổng cộng ông B đã ứng tiền của ông và trực tiếp thu tiền của các hộ dân là 314.103.000 đồng, các khoản tiền này ông B đều chi tiêu cá nh, không nằm trong các khoản chi phí trong tờ giấy ông H ghi. Như vậy đối trừ đi số tiền lợi nhuận mỗi người được hưởng (314.103.000 đồng - 267.685.000 đồng) thì hiện nay ông B còn đang nợ ông số tiền 46.423.000 đồng nhưng ông không yêu cầu ông B phải trả lại ông khoản tiền thừa này.

Vì vậy ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B về việc đòi nợ số tiền lợi nhuận 267.685.000 đồng.

* Người làm chứng là ông Bùi Ngọc H trình bày: Khoảng cuối năm 2016 ông B có gọi điện hẹn ông cùng ông L và một số người bạn xuống nhà hàng ở thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản để ăn uống. Sau đó ông B, ông L có mang sổ sách ra để tính toán công nợ và nhờ ông viết hộ những vấn đề mà hai bên đã thống nhất với nhau. Ông đồng ý viết hộ nhưng ông chỉ biết viết hộ còn tất cả những việc làm ăn, công nợ giữa ông B và ông L ông không biết. Toàn bộ những gì ông viết đều do ông B và ông L cùng thống nhất từng từ ngữ và con số rồi cùng đọc cho ông viết. Ông B và ông L có đọc lại toàn bộ các phần ông viết và ông B, ông L cùng ký vào các hạng mục công nợ từng vụ của từng năm 2013, 2014, 2015 tại từng trang giấy.

* Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản quyết định:

Căn cứ vào các Điều 504, 505; 512 của Bộ luật dân sự năm 2015; Các Điều 26, 35, 39, 147; 91; 92; khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án..

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn C (B).

2. Buộc ông Phạm Văn L phải trả cho ông Phạm Văn C (B) khoản tiền lợi nhuận mà ông B được hưởng trong quá trình ông B và ông L hợp tác làm ăn chung của máy gặt và máy cày bừa năm 2013, 2014, 2015 là 267.685.000 đồng (Hai trăm sáu mươi bảy triệu sáu trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn C (B) đối với yêu cầu buộc ông Phạm Văn L phải thanh toán khoản tiền lãi suất là 130.298.150 đồng.

4. Án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Phạm Văn L phải nộp 13.384.000đ (Mười ba triệu ba trăm tám mươi tư nghìn đồng).

Ông Phạm Văn C (B) được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 10.000.000đ theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số BB/2012/09949 ngày 29-5-2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

* Tại đơn kháng cáo ngày 27/11/2019 ông Phạm Văn L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn C (B).

* Tại phiên toà các đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm, yêu cầu như đã nêu trên.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có quan điểm vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và cho rằng nguyên đơn không có căn cứ khởi kiện đòi số tiền lợi nhuận 267.685.000 đồng vì: Số tiền ông B khởi kiện không đúng, giấy do ông H viết hộ vào cuối năm 2016 (khoảng tháng 11 năm 2016) xác định ông L còn nợ 267.685.000 đồng, nhưng tại đơn đề nghị xã Tân Khánh giải quyết vào ngày 14 tháng 02 năm 2017 thì ông B chỉ yêu cầu ông L phải trả hơn 100 triệu đồng. Có căn cứ xác định ông B đã ứng tiền của ông L và thu tiền máy gặt, máy cày của một số hộ dân, ông B cũng thừa nhận nhưng chưa được đối trừ. Giấy do ông H viết hộ không phải giấy chốt nợ vì chưa đối trừ hết các khoản thu, chi, các khoản ông B ứng và ông B đã thu trong quá trình hợp tác làm ăn, trong giấy ông B ghi là “Còn tính lại”. Vì vậy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận, đề nghị Toà án bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.

- Người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn có quan điểm vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Đại diện nguyên đơn cho rằng giấy chốt nợ do ông H viết hộ đã được hai bên thừa nhận nên là tình tiết không phải chứng minh theo Khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Còn các khoản ông B ứng của ông L thì ông L có thể khởi kiện bằng một vụ kiện khác. Vì vậy đề nghị Toà án buộc ông L phải trả ông B khoản tiền lợi nhuận là 267.685.000 đồng.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn. Xác định ông B đã ứng 200 triệu đồng của ông L, trong đó có 100 triệu đồng ông B ứng để đầu tư máy móc chung với ông L, còn lại 100 triệu đồng ông B ứng sử dụng vào việc riêng nên cần đối trừ với khoản tiền lợi nhuận hai bên phải thanh toán cho nhau.

Về án phí: Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn là hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Nội dung:

- Ông Phạm Văn B và ông Phạm Văn L đều công nhận năm 2013 hai ông có thỏa thuận miệng về việc góp tiền mua chung máy gặt và máy cày bừa để gặt thuê, cày bừa thuê lấy tiền, như vậy xác định có việc hợp tác làm ăn chung máy gặt và máy cày bừa giữa ông B và ông L từ năm 2013. Hai bên thống nhất: Ông B trực tiếp lái máy gặt, máy cày bừa thuê người lái; việc thu và chi các khoản tiền từ máy gặt, máy cày bừa là do ông L phụ trách. Các khoản lợi nhuận thu được từ máy gặt, máy cày bừa sau khi đã trừ chi phí, còn lại chia đôi, mỗi người hưởng một nửa.

- Sau vụ chiêm năm 2015, ông B và ông L xảy ra mâu thuẫn nên không làm chung nữa. Hai ông đã tự thoả thuận phân chia máy, ông B quản lý máy gặt, ông L quản lý máy cày bừa, đến nay hai ông không tranh chấp về số tiền mua máy gặt, máy cày bừa và việc phân chia máy gặt, máy cày bừa, nên không xem xét giải quyết. - Ông B và ông L đều xác nhận trong quá trình làm ăn chung các năm 2013, 2014, 2015 hai ông chưa thanh quyết toán tổng thu, tổng chi và phân chia lợi nhuận. Đến cuối năm 2016 ông B và ông L mới tính toán và thống nhất số tiền lợi nhuận thu được, trừ các khoản chi phí nhiên liệu, nhân công và số lợi nhuận còn lại mỗi người được hưởng rồi nhờ ông Đỗ Văn H là người quen ghi hộ. Tại buổi ông H ghi hộ, ông B và ông L có uống rượu nhưng vẫn tính toán và xác định đúng số tiền thu được từ máy gặt, máy cày bừa, sau khi trừ các khoản chi phí nhiên liệu và nhân công, số lợi nhuận còn lại mỗi người được hưởng là 267.685.000 đồng. Ông B và ông L đều ký và ghi rõ họ tên, cuối mỗi trang, sau khi ký thì ông B còn ghi là “Còn tính lại”.

[3] Xét kháng cáo của ông Phạm Văn L, Hội đồng xét xử nhận thấy:

- Về 03 tờ giấy ông H viết hộ: 03 tờ giấy không ghi tiêu đề là giấy gì, không ghi ngày, tháng, năm; Nội dung thì ghi tổng thu, tổng chi của từng vụ, đối trừ đi còn lại là lợi nhuận chia đôi mỗi người được một nửa và ghi “L nợ B”. Các khoản chi theo hai ông xác nhận là chi phí nhiên liệu, nhân công, không ghi các khoản tiền ông B ứng của ông L và khoản tiền ông B đã thu. Ông B và ông L đều ký xác nhận nhưng cuối mỗi trang giấy sau khi ông B ký tên thì đều ghi “Còn tính lại”- chữ do C ông B viết. Vì vậy xác định 03 tờ giấy này chưa phải là giấy chốt khoản tiền lợi nhuận ông L còn nợ ông B.

- Ông L thừa nhận 03 tờ giấy ông H ghi mà ông B đang dùng để khởi kiện là đúng về khoản thu, khoản chi phí nhân công, nhiên liệu và phần lợi nhuận còn lại mỗi người được hưởng là 267.685.000 đồng. Thời điểm ghi là cuối năm 2016, sau khi hai bên đã không hợp tác làm ăn chung nữa. Tuy nhiên nội dung trong 03 tờ giấy không ghi các khoản tiền ông B đã ứng và đã thu để trừ đi.

- Tại cấp sơ thẩm ông B khai rằng trong thời gian hợp tác làm ăn từ 2013 đến 2015 không ứng khoản tiền nào của ông L nhưng tại biên bản đối chất ngày 05-5- 2020 và tại phiên toà phúc thẩm ông B thừa nhận đã ứng của ông L 200 triệu đồng. Ngoài ra theo lời khai của ông L và tài liệu do ông L xuất trình là quyển sổ ghi chép do C ông B viết vào sổ của ông L thì số tiền ông B đã lấy của L và thu tiền máy ở một số nơi như Thanh Hoá, Nghệ An… là hơn 300 triệu đồng. Ông B cho rằng số tiền ứng và tiền thu ở một số nơi ông B đã trả ông L và nộp lại cho ông L, nhưng ông B không có căn cứ gì chứng minh nên không được chấp nhận.

- Ông B xác định chữ viết trong quyển sổ ghi chép do ông L xuất trình đúng là chữ viết của ông nhưng đó là do ông chép lại từ sổ của ông L ra chứ không phải là khoản tiền ông ứng của ông L, mục đích để nói ông L không thật thà chứ thực chất ông chưa ứng hoặc lấy bất kỳ khoản tiền nào. Lời khai này của ông B là không có cơ sở.

Như vậy có căn cứ xác định, trong quá trình hợp tác làm ăn chung từ 2013 đến 2015 ông B và ông L chưa thanh toán phân chia lợi nhuận. Ông B đã nhiều lần ứng tiền và thu tiền máy gặt, máy cày của một số hộ dân với số tiền hơn 300 triệu đồng như ông L trình bày là đúng nhưng trong giấy chốt nợ do ông H ghi không có khoản tiền này và không đối trừ đi khoản tiền này. Nếu đối trừ đi thì khoản tiền ông B đã lấy của L vượt quá khoản tiền lợi nhuận mà ông B được hưởng. Mặt khác trong 03 tờ giấy ông B đều ghi “Còn tính lại” thì chưa phải là căn cứ để xác định ông L nợ ông B khoản tiền lợi nhuận 267.685.000 đồng.

Từ nhận định nêu trên xét thấy việc ông B căn cứ vào 03 tờ giấy do ông H viết hộ để khởi kiện buộc ông L phải thanh toán trả cho ông 267.685.000 đồng tiền lợi nhuận là chưa đủ căn cứ vững chắc nên không được chấp nhận. Yêu cầu kháng cáo của ông L là có căn cứ nên được chấp nhận. Do ông L không có yêu cầu phản tố buộc ông B phải trả lại số tiền thừa sau khi đối trừ đi số tiền đã ứng và đã thu nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết. Vì vậy cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là phù hợp với quy định của pháp luật.

Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Về án phí: Do kháng cáo của ông L được chấp nhận nên ông L không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm. Ông B phải nộp án phí sơ thẩm do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS – ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản.

Căn cứ vào các Điều 504, 505, 506, 507, 512 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147, 148, khoản 2 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn C (Phạm Văn B) về việc yêu cầu ông Phạm Văn L phải trả cho ông Phạm Văn C khoản tiền lợi nhuận mà ông C được hưởng trong quá trình hợp tác làm ăn chung của máy gặt và máy cày bừa năm 2013, 2014, 2015 là 267.685.000 đồng (Hai trăm sáu mươi bảy triệu, sáu trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

2. Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn C (Phạm Văn B) đối với yêu cầu buộc ông Phạm Văn L phải thanh toán khoản tiền lãi suất là 130.298.150 đồng.

3. Án phí: Ông Phạm Văn C (Phạm Văn B) phải nộp 13.384.000đ án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 10.000.000đ theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 09949 ngày 29-5-2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông C còn phải nộp 3.384.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Ông Phạm Văn L không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, được trả lại 300.000đ số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001862 ngày 27/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu Thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (05-6-2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

395
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2020/DS-PT ngày 05/06/2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

Số hiệu:19/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về