Bản án 19/2018/KDTM-PT ngày 12/04/2018 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 19/2018/KDTM-PT NGÀY 12/04/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Ngày 12 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 22/2017/TLPT-KDTM ngày 25 tháng 10 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng.

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 22/09/2017 của Tòa án nhân dân quận L, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 106/2018/QĐ-PT ngày 25- 01-2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 232/2018/QĐ-PT ngày 13-3-2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty A; địa chỉ: Số 5/45 P, phường Q, quận B, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Xuân B, sinh năm 1960; trú tại: Số 5/45 P, phường Q, quận B, Thành phố Hà Nội, theo văn bản ủy quyền ngày 30-10-2017; có mặt.

- Bị đơn: Công ty B; địa chỉ: Số 484 L, phường K, quận L, Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Thành L, sinh năm 1979, Phó Trưởng bộ môn - Phụ trách bộ môn Luật Hàng hải và bà Hoàng Thị Hồng H, sinh năm 1983, Giảng viên Công ty B theo Văn bản ủy quyền ngày 15-11-2017; cùng có mặt.

- Người kháng cáo: Công ty B, là bị đơn

- Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

I. Tóm tắt nội dung, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:

Năm 2003, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin (nay đổi tên là Công ty A) và Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) đã ký02 hợp đồng thi công công trình cụ thể:

Hợp đồng số 05/HĐKT ngày 18-7-2003 về việc thi công gói thầu số 2: San lấp mặt bằng - dự án Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I. Công ty A đã hoàn thành 100% công việc theo hợp đồng. Hai bên đã lập biên bản bàn giao nghiệm thu quyết toán ngày 02-5-2004, giá trị quyết toán đã được kiểm toán là 938.130.337 đồng. Ban quản lý dự án xây dựng trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy đã thanh toán được 600.000.000 đồng, hiện còn nợ Công ty A338.130.000 đồng.

Hợp đồng số 07/HĐKT ngày 25-5-2004 về việc thi công gói thầu số 3: Nhà ký túc xá, nhà bảo vệ, nhà thực hành, nhà để xe, hệ thống cấp thoát nước, cứu hỏa, sân vườn, cây xanh, tháp nước, bể ngầm - dự án Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I. Công ty A đã hoàn thành 100% công việc theo hợp đồng. Hai bên đã lập biên bản bàn giao nghiệm thu quyết toán ngày 19-12-2005, giá trị quyết toán đã được kiểm toán là 8.389.295.985 đồng. Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy đã thanh toán vào các năm 2004, 2005, 2006, 2007 và 2009 tổng số tiền là 7.296.953.985 đồng, hiện còn nợ Công ty A 1.092.342.000 đồng.

Tổng số tiền còn nợ theohai hợp đồng là: 338.130.337 đồng+1.092.342.071 đồng = 1.430.472.000 đồng

Ngày 31-12-2007 Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ra Quyết định số1873/QĐ-BLĐTBXH về việc thành lập Trường cao đẳng nghề Vinashin thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật nghiệp vụ công nghiệp tàu thuỷ I.

Ngày 26-6-2013, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 1799/QĐ-BGTVT về việc chuyển nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về thuộc Công ty B, kể từ ngày 01-7-2013.

Thực hiện quyết định của Bộ Giao thông vận tải, ngày 30-7-2013, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam và Công ty B đã có biên bản bàn giao nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin từ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam về thuộc Công ty B.

Căn cứ vào các quyết định trên, Công ty A đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu nhưng Công ty B không chấp nhận trả nợ. Nay Công ty A khởi kiện yêu cầu Công ty B phải trả nợ gốc và tiền lãi chậm trả căn cứ mức lãi suất của Ngân hàng TMCP đầu tư phát triển nơi Công ty mở tài khoản là 12%/năm, lãi quá hạn là 12% x 150%= 18%/năm (1,5%/tháng), cụ thể:

- Hợp đồng số 05: Tính từ ngày nghiệm thu hoàn thành là ngày 02-5-2004 đến ngày 18-9-2017: Nợ gốc: 338.130.337 đồng, lãi sẽ là: 338.130.337 đồng x 1,5%/tháng x 160 tháng 16 ngày= 814.217.851 đồng.

- Hợp đồng số 07: Tính từ ngày nghiệm thu hoàn thành hạng mục là ngày 19-12-2005 đến ngày 18-9-2017: Nợ gốc là 1.092.342.071 đồng, lãi sẽ là: 1.092.342.071 đồng x 1,5% x 140 tháng 29 ngày = 2.309.757.309 đồng

Tổng tiền lãi của cả 2 hợp đồng là: 3.123.975.000 đồng.

Tổng cộng cả gốc và lãi, Công ty A yêu cầu Công ty B phải trả là 4.554.447.000 đồng.

* Ý kiến của bị đơn: Nhà trường không biết cũng như không quan hệ hay ký kết hợp đồng nào với Công ty A. Trong quyết định và biên bản bàn giao của Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam không nhắc tới Công ty A là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Căn cứ vào yêu cầu trả nợ phát sinh từ hợp đồng xây dựng trên thì chủ thể pháp nhân ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần xây dựng và đầu tư Vinashin là Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ). Công ty B đề nghị Công ty A liên hệ với Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I là bên đã ký hợp đồng với Công ty A để yêu cầu thực hiện các điều khoản đã ký tại Hợp đồng 05 và Hợp đồng số 07 nêu trên. Vì Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I thời điểm ký hợp đồng trực thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (gọi tắt là SBIC). Do vậy SBIC phải là đơn vị xác nhận số nợ và trách nhiệm trả nợ. Đến nay SBIC cũng chưa chuyển giao cho Công ty B báo cáo kiểm toán về số nợ trên để Trường báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Công ty B đề nghị Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin (nay được hiểu là Công ty A) trực tiếp làm việc với Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam để xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về đề án tái cơ cấu Vinashin. Nhà trường không đồng ý trả nợ cho Công ty A.

II. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

Tại Bản án sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 22-9-2017 của Tòa án nhân dân quận L, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào Điều 30, 74, 147, 217 và Điều 266 của Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ vào Điều 3, Điều 81 Luật Xây dựng năm 2003; căn cứ vào Điều 162, Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005; căn cứ vào Điều 27, Điều 42 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07-5-2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng

Xử: Buộc Công ty B phải thanh toán cho Công ty A tổng số tiền là 4.554.447.000 đồng (Bốn tỷ, năm trăm năm mươi tư triệu, bốn trăm bốn mươi bẩy nghìn đồng), trong đó: Tiền gốc là: 1.430.472.000 đồng, tiền lãi là: 3.123.975.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

III. Nội dung kháng cáo:

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02-10-2017 bị đơn là Công ty B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 22-9-2017 của Tòa án nhân dân quận L, thành phố Hải Phòng, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: Làm rõ nghĩa vụ tài chính chuyển giao từ Trường Cao đẳng nghề Vinashin cho Trường Cao đẳng nghề VMU; làm rõ nghĩa vụ tài chính của Ban dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I - Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và trách nhiệm pháp lý của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I đối với các nghĩa vụ tài chính đó; làm rõ tư cách pháp lý của nguyên đơn trong việc kế thừa quyền và nghĩa vụ hợp pháp từ bên nhận thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin, trong đó có quyền đòi nợ từ hai Hợp đồng 05/HĐKT và số 07/HĐKT nêu trên.

Ngày 20-10-2017, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định kháng nghị đối với Bản án sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 22-9-2017 của Tòa án nhân dân quận L, thành phố Hải Phòng. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hủy bản án sơ thẩm, giao cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo hướng phải đưa Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy và Bộ Giao thông vận tải vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đồng thời làm rõ nội dung đến nay Ban dự án Xây dựng trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I còn tồn tại hay không, sau khi thực hiện hợp đồng với Công ty A thì Ban này tự giải thể hay sáp nhập vào đơn vị nào. Trường đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ Công nghiệp tàu thủy I có mối quan hệ như thế nào đối với Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I .

IV. Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện yêu cầu Công ty B phải thanh toán cho Công ty A tổng số tiền là 4.554.447.000 đồng (Bốn tỷ, năm trăm năm mươi tư triệu, bốn trăm bốn mươi bẩy nghìn đồng), trong đó: Tiền gốc là:1.430.472.000 đồng, tiền lãi là: 3.123.975.000 đồng

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và khẳng định việc Công ty A yêu cầu Công ty B phải thanh toán công nợ và tiền lãi phát sinh từ hai hợp đồng kinh tế được ký giữa Công ty Cổ phần xây dựng và đầu tư Vinashin với Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I là chưa đủ căn cứ. Công ty B không từ chối trách nhiệm trả nợ tuy nhiên, nhà trường sẽ phối hợp với Công ty A trong việc xây dựng phương án trình Bộ Giao thông vận tải để giải quyết khoản nợ gốc cho Công ty A.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, quyết định kháng nghị:

- Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về nội dung kháng nghị: Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đủ các tài liệu chứng cứ đã nhận định Công ty B phải có trách nhiệm đối với khoản nợ phát sinh từ hợp đồng do Ban dự án Xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I ký là chưa đủ căn cứ. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I còn tồn tại hay không, sau khi ký hợp đồng với Công ty A thì Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I tự giải thể hay sáp nhập vào đơn vị nào. Trường Đào tạo kỹ thuật và nghiệp vụ Công nghiệp tàu thủy I (sau này là Trường Cao đẳng nghề Vinashin) có mối quan hệ như thế nào đối với Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I. Theo tài liệu có hồ sơ vụ án: Ngày 31-12-2007 Bộ Lao động Thương binh và xã hội thành lập Trường Cao đẳng nghề Vinashin thuộc tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Công nghiệp công nghiệp tàu thủy I nhưng theo bản đối chiếu khối lượng hoàn thành và xác nhận công nợ ngày 30-01-2011 (BL 58) thì đại diện bên A vẫn là Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I. Như vậy có thể khẳng định, sau khi thành lập Trường Cao đẳng nghề Vinashin, Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I vẫn tồn tại độc lập chứ không phải là một đơn vị thuộc Trường cao đẳng nghề Vnashin. Do đó, cần thu thập thêm chứng cứ về việc Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I có mối quan hệ như thế nào với Trường Cao đẳng nghề Vinashin cũng như Công ty B. Hơn nữa trong Quyết định 1799/QĐ-BGTVT ngày 26-6-2013 của Bộ Giao thông vận tải chỉ quyết định chuyển nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin về Công ty B chứ không nhắc tới Ban dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập các tài liệu, chứng cứ trên đã nhận định Công ty B phải có trách nhiệm đối với khoản nợ phát sinh từ hợp đồng do Ban dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I ký là chưa đủ căn cứ. Do đó, ý kiến kháng cáo của bị đơn cũng như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng về làm rõ nội dung này là có căn cứ chấp nhận

- Về nội dung kháng cáo của bị đơn về làm rõ tư cách pháp lý của nguyên đơn trong việc kế thừa quyền và nghĩa vụ hợp pháp từ Công ty A với Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin. Tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty A đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 06-9-2012 có ghi: “cấp lại mã số doanh nghiệp từ ĐKKD số 01003002510 do Phòng ĐKKD- Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 04/7/2003”, tên cũ: Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin). Như vậy, có thể xác định Công ty A chính là Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin. Do đó nội dung kháng cáo này của bị đơn không có căn cứ chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, yêu cầu kháng cáo của bị đơn, việc giải quyết xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa;

- Về thủ tục tố tụng:

[1]. Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là quan hệ tranh chấp về hợp đồng xây dựng, bị đơn có trụ sở tại quận L nên Tòa án nhân dân quận L xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận L là đúng quy định.

- Về nội dung kháng cáo:

[2]. Về nghĩa vụ tài chính của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I- Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và trách nhiệm pháp lý của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I đối với các nghĩa vụ tài chính: Giữa Công ty A và Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) ký 02 hợp đồng thi công công trình gồm Hợp đồng số 05/HĐKT ngày 18-7-2003 và Hợp đồng thi công số 07/HĐKT ngày 25-5-2004. Tổng giá trị quyết toán theo 02 hợp đồng là 9.327.426.322 đồng, đã thanh toán 7.896.953.914 đồng, còn nợ lại: 338.130.337 + 1.092.342.071 = 1.430.472.000 đồng. Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho giai đoạn từ 01-01-2013 đến 30-6-2013 của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I có thể hiện khoản nợ đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vinashin (nay là Công ty A) là 1.630.472.408 đồng. Bị đơn cũng xác nhận và thừa nhận trong báo cáo công tác kiểm tra hồ sơ của Ban dự án thuộc Công ty B thể hiện giá trị còn lại chưa thanh toán cho Công ty A thuộc Dự án xây dựng Trường Cao đẳng nghề VMU là 1.430.442.408 đồng. Căn cứ Quyết định số 1799/QĐ-BGTVT ngày 26-6-2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc từ ngày 01-7-2013 chuyển nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về thuộc Công ty B. Ngày 30-7-2013, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam và Công ty B đã có biên bản bàn giao nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về thuộc Công ty B. Tại điểm 6 mục B của biên bản bàn giao, các bên đã thống nhất như sau: "Đối với các khoản nợ của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Công ty tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy, bên nhận (Công ty B) có trách nhiệm tiếp nhận các khoản nợ và thống nhất kế hoạch thanh toán các khoản nợ cho bên giao sau khi có báo cáo tài chính của Trường Cao đẳng nghề Vinashin và Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo nghiệp vụ và Công nghiệp tàu thủy I". Để xác định trách nhiệm trả khoản nợ của Công ty Ađối với Hợp đồng thi công số 05/HĐKT ngày 18-7-2003 và Hợp đồng thi công số 07/HĐKT ngày 25-5-2004, Tòa án nhân dân quận L có Công văn số 123/TA-LC ngày 09-5-2017 về việc yêu cầu Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy cung cấp thông tin. Ngày 19-7-2017, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy có Công văn số 1397 trả lời về việc chuyển nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin thuộc Vinashin về Công ty B theo đó nghĩa vụ tài chính cũng như trách nhiệm pháp lý của Ban dự án Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I như sau: "Kể từ thời điểm ký kết Biên bản chuyển giao nguyên trạng trường Cao đẳng nghề Vinashin từ Tập đoàn CNTT Việt Nam về trực thuộc Công ty B ngày 30/7/2013, các khoản nợ của Ban dự án xây dựng trường nghiệp vụ và kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I với Công ty A do Trường Cao đẳng nghề Vinashin và Công ty B chịu trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật". Mặt khác thời điểm Công ty B nhận chuyển giao trường Cao đẳng nghề Vinashin, Công ty B và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có giao nhận về quyền, nghĩa vụ tài chính của đơn vị thành viên là Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong đó có khoản nợ phát sinh từ hợp đồng xây dựng giữa Công ty A với Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam). Do quyền và nghĩa vụ tài chính của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy được chuyển giao cho Công ty B tại biên bản bàn giao nguyên trạng nên Công ty A khởi kiện yêu cầu Công ty B phải trả số tiền nợ phát sinh từ hợp đồng số 05 và 07 là có căn cứ. Quá trình tố tụng tại Tòa án cấp phúc thẩm, bị đơn là Công ty B đề nghị Tòa án được hòa giải với Công ty Đoàn Phúc. Ngày 02-02-2018, Công ty A và Công ty B có buổi làm việc thống nhất về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn có ý kiến, sẽ xây dựng phương án trình Bộ Giao thông vận tải để giải quyết khoản nợ gốc cho Công ty A trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Công ty A có công văn trả lời đồng ý tuy nhiên người đại diện theo ủy quyền của Công ty A là ông Nguyễn Xuân B không đồng ý. Theo nội dung biên bản buổi làm việc trên, Công ty B cũng đã xác nhận trách nhiệm của mình trong việc xử lý khoản nợ với Công ty A.

[3]. Về khoản tiền lãi chậm trả: Thực hiện Hợp đồng thi công số 05/HĐKT ký ngày 18-7-2003, ngày 02-5-2004 Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I và Công ty A ký biên bản nghiệm thu công trình theo đó giá trị quyết toán được kiểm toán là 938.130.337 đồng, đã thanh toán 600.000.000 đồng, còn nợ 338.130.000 đồng. Hợp đồng thi công số 07/HĐKT ký ngày 25-5-2004, ngày 19-12-2005 Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I và Công ty A ký biên bản nghiệm thu công trình theo đó giá trị quyết toán được kiểm toán là 8.389.295.985 đồng, đã thanh toán 7.296.953.985 đồng, còn nợ 1.092.342.000 đồng. Tại Điều 5 Hợp đồng thi công số 05/HĐKT và Hợp đồng thi công số 07/HĐKT hai bên thống nhất quyết toán như sau: "Sau khi nghiệm thu bàn giao công trình, bên B (Công ty A) lập 06 bộ hồ sơ hoàn công gửi bên A trong vòng 01 tháng. Sau khi nhận được hồ sơ hoàn công hợp lệ của bên B, bên A (Ban quản lý dự án xây dựng Trường nghiệp vụ và kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I) có trách nhiệm xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán của gói thầu không chậm quá 30 ngày". Hai bên không thoả thuận trả lãi nhưng theo quy định tại Điều 81 Luật Xây dựng năm 2003: "1. Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán, quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện. Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng công việc được nghiệm thu.

2. Chủ đầu tư xây dựng công trình quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày công trình được bàn giao đưa vào sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Người có trách nhiệm thanh toán, quyết toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc của mình và phải bồi thường thiệt hại do hậu quả của việc thanh toán, quyết toán chậm hoặc sai so với quy định."; Điều 26 Nghị định 48/NĐ- CP ngày 07-5-2010 quy định về quyền nghĩa vụ của bên giao thầu thi công xây dựng công trình như sau " đ) Thanh toán cho bên nhận thầu theo tiến độ thanh toán trong hợp đồng…h) Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn theo quy định"; và điểm d khoản 2 Điều 42 Nghị định 48/NĐ-CP ngày 07-5-2010 quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng " d) Bên giao thầu chậm thanh toán thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn áp dụng cho ngày đầu tiên chậm thanh toán do ngân hàng thương mại mà bên nhận thầu mở tài khoản công bố kể từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu". Công ty A đã thực hiện đủ thủ tục đề nghị thanh toán, quyết toán nhưng không được thanh toán theo quy định nên Công ty A có quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi phát sinh từ hai hợp đồng thi công trên. Công ty A có mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam từ năm 2004. Lãi suất cho vay trung hạn trên 3-5 năm của Ngân hàng là 12%/năm, lãi quá hạn là 12% x 150% = 18%/năm (1,5%/tháng). Với mức lãi suất này theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 không vượt quá quy định nên được chấp nhận. [4].Về tư cách pháp lý của nguyên đơn:

Hợp đồng thi công số 05/HĐKT ngày 18-7-2003 và Hợp đồng thi công số 07/HĐKT ngày 25-5-2004 được ký giữa Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) với Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin. Ngày 02-5-2004 hai bên lập biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình đối với Hợp đồng số 05/HĐKT ngày 18-7-2003. Ngày 19-12-2005 hai bên lập biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục đối với hợp đồng thi công số 07/HĐKT ngày 25-5-2004. Ngày 20-01-2011, hai bên chốt công nợ theo đó Ban quản lý dự án xác nhận còn nợ Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin 2.503.839.000 đồng. Ngày 06-9-2012, Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3 theo đó Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin đổi tên thành Công ty A. Việc thay đổi tên đăng ký kinh doanh không làm thay đổi quyền nghĩa vụ của pháp nhân. Do đó, Công ty A có đủ tư cách pháp lý và quyền trong việc yêu cầu Công ty B phải thanh toán khoản nợ phát sinh từ hai hợp đồng thi công xây dựng trên.

[5]. Về việc nghĩa vụ tài chính chuyển giao từ Trường Cao đẳng nghề Vinashin cho Trường Cao đẳng nghề VMU: Dự án xây dựng Trường Cao đẳng nghề Vinashin do chủ đầu tư là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thành lập Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I theo Quyết định số 406/QĐ-TCCB-LĐ ngày 02-5-2003 để thực hiện. Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I được thay mặt chủ đầu tư tổ chức, xúc tiến, quản lý, thực hiện xây dựng trường theo quyết định phê chuẩn dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền. Về tài chính, việc xây dựng trường do Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm với Chủ đầu tư, Trường Cao đẳng nghề Vinashin không có liên quan nên không phát sinh công nợ giữa trường với bên nhận thầu mà chỉ phát sinh công nợ giữa Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I với nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vinashin nay đổi tên thành Công ty A. Tại biên bản bàn giao nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin quyền và nghĩa vụ tài chính của Ban quản lý dự án xây dựng Trường đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ I không chuyển giao cho trường Trường Cao đẳng nghề Vinashin mà giao trực tiếp cho Công ty B vì vậy báo cáo tài chính của Trường Cao đẳng nghề Vinashin không thể hiện bất cứ khoản nợ nào với Công ty Ado đó, nội dung kháng cáo này của bị đơn không có căn cứ chấp nhận.

- Về nội dung kháng nghị:

[6]. Đối với nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố về việc Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I còn tồn tại hay không và mối quan hệ giữa Trường đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ Công nghiệp tàu thủy I với Ban Dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I. Trường đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ công nghiệp tàu thủy I với Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I đều trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Ngày 31-12-2007 Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ra Quyết định số 1873/QĐ-BLĐTBXH về việc thành lập Trường cao đẳng nghề Vinashin trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Công nghiệp tàu thuỷ I. Ngày 26-6-2013, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 1799/QĐ-BGTVT về việc chuyển nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về thuộc Công ty B, kể từ ngày 01-7-2013. Thực hiện quyết định của Bộ Giao thông vận tải, ngày 30-7-2013, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam và Công ty B đã có biên bản bàn giao nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về thuộc Công ty B. Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I được thành lập theo Quyết định số 406/QĐ-TCCB-LĐ ngày 05-5-2003 của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I có chức năng thay mặt chủ đầu tư tổ chức, xúc tiến, quản lý, thực hiện xây dựng trường theo quyết định phê chuẩn dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền. Như vậy, giữa Trường đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ Công nghiệp tàu thủy I (nay là Trường Cao đẳng nghề Vinashin ) với Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I không có mối quan hệ phụ thuộc và nghĩa vụ về tài chính với nhau mà chỉ cùng trực thuộc về mặt tổ chức, quản lý của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Trong biên bản chuyển giao nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tại mục C của biên bản bàn giao hai bên thống nhất bàn giao về: Cơ cấu tổ chức cán bộ; tài chính; trụ sở đất đai; các dự án đầu tư; hồ sơ tài liệu kèm theo biên bản chuyển giao. Tại nội dung bàn giao về tài chính tại thời điểm 30-6-2013 hai bên thống nhất chuyển giao tài chính của đơn vị thành viên là Ban dự án xây dựng Trường Kỹ thuật và nghiệp vụ công nghiệp tàu thủy I cho Công ty B cụ thể như sau: Tổng tài sản: 20.179.763.079 đồng; tổng nợ phải trả: 3.096.225.797 đồng (trong đó nợ vay Vinashin 714.764.789 đồng). Điểm 5 Mục B thể hiện: "Hai bên thống nhất bàn giao tạm thời nguyên trạng tình hình, số liệu tài chính đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính, báo cáo chi phí đầu tư và sổ sách kế toán đến 30/6/2013. Hai bên tiếp tục thực hiện các bước bàn giao cụ thể về tài chính, đầu tư sau khi có báo cáo tài chính của trường Cao đẳng nghề Vinanshin và ban dự án xây dựng Trường kỹ thuật và nghiệp vụ Công nghiệp tàu thủy I tại thời điểm 30/6/2013 đã được kiểm toán độc lập được hai bên thống nhất chỉ định". Trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho giai đoạn từ 01-01-2013 đến 30-6-2013 của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I có thể hiện khoản nợ đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vinashin là 1.630.472.408 đồng. Báo cáo số 176/BC ngày 05-7-2016 của Ban quản lý dự án hàng hải - thuộc Công ty B sau khi kiểm tra và thống nhất với Công ty A xác nhận giá trị quyết toán gói thầu 03 và 02 thuộc dự án Trường đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ công nghiệp tàu thủy 1- Hải Phòng (nay là Trường Cao đẳng nghề VMU) còn lại chưa thanh toán cho Công ty A là 1.430.472.408 đồng. Như vậy, tại thời điểm bàn giao Trường cao đẳng nghề Vinashin, quyền và nghĩa vụ tài chính của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I đã được chuyển cho Công ty B, do đó không cần thiết phải làm rõ về mặt tổ chức cũng như mối quan hệ giữa Ban quản lý dự án với Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ công nghiệp tàu thủy I như nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố.

[7]. Đối với nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát về việc phải đưa Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy và Bộ Giao thông vận tải vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Công ty B và Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đều trực thuộc Bộ giao thông vận tải. Tại công văn số 10324/BGTVT-TC ngày 30-9-2013 và Công văn số 5969 ngày 30-5-2016 của Bộ Giao thông vận tải đã trả lời về công nợ với Công ty A gửi Công ty B như sau: “Công ty B căn cứ biên bản bàn giao nguyên trạng Trường cao đẳng nghề Vinashin từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam về Công ty B và phương án tái cơ cấu của Trường, làm việc với Công ty Avà các bên liên quan để giải quyết công nợ…” Căn cứ biên bản chuyển giao nguyên trạng Trường Cao đẳng  nghề Vinashin ngày 30-7-2013, Công ty B đã nhận quyền và nghĩa vụ tài chính của Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy chuyển giao nên phải có trách nhiệm xử lý các nghĩa vụ tài chính liên quan đến Ban quản lý dự án xây dựng Trường Nghiệp vụ và Kỹ thuật công nghiệp tàu thủy I như đã phân tích ở trên. Trong vụ án này, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đối với các giao dịch phát sinh trong quá trình hoạt động của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thì doanh nghiệp phải chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp vì vậy không có căn cứ để đưa Bộ Giao thông vận tải vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong biên bản bàn giao nguyên trạng Trường Cao đẳng nghề Vinashin giữa Công ty B và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, việc bàn giao Trường Cao đẳng nghề Vinashin đã được bàn giao giữa các bên và đã quy định quyền, nghĩa vụ của bên giao, bên nhận cùng các tài liệu chứng cứ đã được xem xét và đánh giá ở phần trên thấy rằng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam không có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Vì vậy cũng không có căn cứ đưa Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Từ những phân tích nêu trên, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, và quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Về án phí:

[8]. Án phí sơ thẩm: Công ty B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

[9]. Án phí phúc thẩm: Do bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm giữ nguyên nên Công ty B phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 147, Điều 148, Điều 30, 74 Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 3, Điều 81 Luật Xây dựng năm 2003;

Căn cứ vào Điều 162, Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ vào Điều 27, Điều 42 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14;

Xử: Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 22-9-2017 của Tòa án nhân dân quận L, thành phố Hải Phòng.

1. Buộc Công ty B phải thanh toán cho Công ty A tổng số tiền là 4.554.447.000 đồng (Bốn tỷ, năm trăm năm mươi tư triệu, bốn trăm bốn mươi bẩy nghìn đồng), trong đó: Tiền gốc là: 1.430.472.000 đồng, tiền lãi là: 3.123.975.000 đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án chưa thi hành án thì hàng tháng phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của 03 Ngân hàng Thương mại (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương) tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả theo Án lệ số 09/2016/AL ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao.

2. Về án phí kinh doanh thương mại: Công ty B phải nộp số tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là: 112.554.000 đồng (Một trăm mười hai triệu, năm trăm năm mươi tư nghìn đồng). Công ty A được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 56.180.000 đồng (Năm mươi sáu triệu, một trăm tám mươi nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí số 0014706 ngày 04-4-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận L, thành phố Hải Phòng.

- Án phí phúc thẩm: Công ty B phải chịu 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Công ty B đã nộp 2.000.000 đồng án phíphúc thẩm theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/0004723 ngày 08-10-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận L, thành phố Hải Phòng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ tuyên án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1498
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2018/KDTM-PT ngày 12/04/2018 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

Số hiệu:19/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về