TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 19/2018/DS-PT NGÀY 21/03/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 21 tháng 3 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số 08/2017/TLPT-DS ngày 08 tháng 3 năm 2017 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”. Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 18/2016/DS-ST ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Nghệ An bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2018/QĐ-PT ngày 08 tháng 01 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Quảng Tr, sinh năm 1956. Địa chỉ: Xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đào Thị H, sinh năm 1978; Địa chỉ: Xóm ML, xã HL, thành phố V; Theo Văn bản ủy quyền ngày 16 tháng 11 năm 2015.
Ông Tr và bà H đều có mặt tại phiên tòa.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Vinh Q, sinh năm 1955.
Địa chỉ: Xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Ông Q có mặt tại phiên tòa.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Nguyễn Bình Tr, sinh năm 1938.
Địa chỉ: Xóm 7, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Ông Tr có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1954.
Địa chỉ: Xóm 11, xã NP, thành phố V, Nghệ An. Bà P có mặt tại phiên tòa.
- Ông Nguyễn Ngọc L, sinh tháng 01 năm 1958.
Địa chỉ: Nông trường chè HL, huyện TC, tỉnh Nghệ An. Ông L có mặt tại phiên tòa.
- Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1964.
Địa chỉ: Xóm 3, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Bà M có mặt tại phiên tòa.
- Bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1959.
Địa chỉ: Xóm XH, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Bà Q vắng mặt.
- Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1961.
Địa chỉ: Xóm MH, xã M, huyện QH, tỉnh Nghệ An. Bà L có mặt tại phiên tòa.
- Ông Nguyễn Ngọc L, sinh năm 1965.
Địa chỉ: Xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Ông L có mặt tại phiên tòa
- Ông Nguyễn Thanh T, sinh năm 1966.
Địa chỉ: Xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Ông T vắng mặt.
* Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Quảng Tr và bị đơn ông Nguyễn Vinh Q.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án Dân sự sơ thẩm số 18/2016/DS-ST ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Nghệ An thì vụ án có nội dung như sau:
Trong đơn khởi kiện, lời trình bày trong quá trình tố tụng, đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn và nguyên đơn (Bà Đào Thị H và ông Nguyễn Quảng Tr) thống nhất trình bày:
Cha ông Nguyễn Văn Tr là cụ Nguyễn Văn Q (Tên gọi khác: Nguyễn H) có hai vợ. Vợ đầu là cụ Nguyễn Thị V sinh được hai con là ông Nguyễn Hồng Q và ông Nguyễn Bình Tr. Năm 1945, cụ Nguyễn Thị V chết tại làng XM, xã XL (Là xã NÂ hiện nay). Sau khi cụ V chết, cụ Q lấy Phạm Thị Đ sinh được bốn người gồm: Bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Quang Tr, ông Nguyễn Ngọc L và bà Nguyễn Thị M. Cụ Q và cụ Đ sinh sống tại làng XM, xã XL (Là xã NÂ hiện nay) một thời gian, sau đó cụ Q và cụ Đ về sinh sống tại làng ĐH, nay là xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V (Sinh sống trên mảnh đất đang tranh chấp). Năm 2003, cụ Q chết, năm 2005, cụ Đ chết, cả hai đều không để lại di chúc. Hiện tại, con của cụ Q và cụ V chỉ còn lại ông Nguyễn Bình Tr, còn ông Nguyễn Hồng Q là bố của ông Nguyễn Vinh Q đã chết năm 2006. Sau khi cụ Q và cụ Đ chết thì ông Nguyễn Quảng Tr là người trông coi, quản lý di sản thừa kế cho đến nay. Thửa đất trên là di sản thừa kế của cụ Q và cụ Đ để lại và không có di chúc nên đề nghị: Chia diện tích 100 m2 đất để làm nhà thờ và thuộc sở hữu chung; 712,1 m2 đất diện tích còn lại chia đôi, một nửa thuộc di sản của cụ Q, một nửa thuộc di sản của cụ Đ. Phần di sản của cụ Đ chia đều cho 04 người gồm: Ông Nguyễn Quảng Tr 89 m2, bà Nguyễn Thị Ph 89 m2, ông Nguyễn Ngọc L 89 m2, bà Nguyễn Thị M 89 m2 (Ông Tr chỉ được hưởng thừa kế của cụ Q); Một nửa của cụ Q chia 04 suất, do ông Tr từ chối nhận di sản nên chia cho 04 người ông Nguyễn Quảng Tr 89 m2, bà Nguyễn Thị P 89 m2, ông Nguyễn Ngọc L 89 m2, bà Nguyễn Thị M 89 m2.
Phần di sản của ông Nguyễn Quảng Tr, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Ngọc L, bà Nguyễn Thị M được hưởng gộp chung lại và giao cho ông Nguyễn Ngọc L là người trực tiếp quản lý. Ông Nguyễn Ngọc L có trách nhiệm trích chia phần di sản này cho 04 người theo thỏa thuận riêng. Ông Nguyễn Vinh Q không được hưởng thừa kế di sản của cụ Q và cụ Đ vì không thuộc hàng thừa kế, không có di chúc của cụ Q và cụ Đ.
Quá trình tố tụng, bị đơn ông Nguyễn Vinh Q trình bày: Ông là cháu nội đích tôn của cụ Nguyễn Văn Q và là con trai của ông Nguyễn Hồng Q. Về các mối quan hệ ông bà, cha, các cô chú trong gia đình, ông Q thống như lời khai của nguyên đơn. Cha ông là ông Nguyễn Hồng Q mất năm 2006, có 05 người con gồm: Ông Nguyễn Văn Q, bà Nguyễn Thị Q, bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Ngọc L và ông Nguyễn Thanh T.
Theo ông Nguyễn Vinh Q, mảnh đất đang tranh chấp có nguồn gốc từ lâu đời. Khi ông nội sinh ra đã có mảnh đất trên. Thửa đất này được Ủy ban nhân dân huyện NL cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất mang tên bố ông là Nguyễn H vào năm 1996. Khi còn sống cụ Q biết rõ điều này nhưng không có ý kiến gì. Năm 1992, ông nội làm di chúc để lại mảnh đất này cho ông, bản di chúc có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã NĐ. Năm 2003, ông nội qua đời, năm 2005 cụ Đ mất. Từ khi ông bà mất, không ai ở trên đất này. Ông với tư cách là cháu đích tôn lo việc hương khói thờ tự trên mảnh đất đó từ năm 1989 đến nay. Nay ông Nguyễn Quảng Tr yêu cầu chia thừa kế mảnh đất này ông không đồng ý vì: Thửa đất này đã được Nhà nước cấp bìa đỏ mang tên bố ông; ông nội đã để lại di chúc cho ông được hưởng toàn bộ mảnh đất này, mảnh đất này không thể chia mà là đất thờ tự dòng họ Nguyễn ông có trách nhiệm quản lý.
Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (đứng về phía Nguyên đơn) gồm: Bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Ngọc L, bà Nguyễn Thị M nhất trí như lời khai của ông Nguyễn Quang Tr. Yêu cầu trích một phần đất để làm nhà thờ, phần còn lại chia thừa kế theo pháp luật cho các đồng thừa kế.
Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (đứng về phía bị đơn) gồm: Ông Nguyễn Bình Tr, bà Nguyễn Thị Q, bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Ngọc L và ông Nguyễn Thanh T thừa nhận mảnh đất của cha ông để lại từ trước, đề nghị không chia thừa kế mà để làm nơi thờ tự do ông Nguyễn Vinh Q quản lý và không có yêu cầu gì đến mảnh đất đang tranh chấp.
Với nội dung trên, Bản án Dân sự sơ thẩm số 18/2016/DS-ST ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Nghệ An đã quyết định:
Áp dụng các Điều 633, 634, 636, 645, 667, 670 Bộ luật Dân sự năm 2005; Các Điều 611, 612, 613, 614, 620, 635, 643, 645 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 3, Điều 76 Luật Đất đai năm 1993; Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 5 Điều 26, Điều 35, Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Xử:
Chấp nhận một phàn yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quảng Tr về yêu cầu chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất đối với phần di sản của cụ Nguyễn Văn Q và cụ Phạm Thị Đ.
Chấp nhận cầu chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất đối với phần di sản của cụ Phạm Thị Đ; Bác yêu cầu chia di sản thừa kế đối với di sản của cụ Nguyễn Văn Q là quyền sử dụng đất tại thửa số 406, tờ bản đồ số 20 tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Chia phần diện tích đất di sản đưa vào việc thờ cúng là 108,30 m2 được giới hạn bởi các điểm 6, 7, 9, 8 (Có sơ đồ kèm theo) tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An cho ông Nguyễn Bình Tr, ông Nguyễn Quảng Tr, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Ngọc L, bà Nguyễn Thị M và những người thừa kế của ông Nguyễn Hồng Q là ông Nguyễn Vinh Q, bà Nguyễn Thị Q, bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Thanh T quản lý, sử dụng, sở hữu.
Chia cho ông Nguyễn Ngọc L diện tích 304,70 m2 tại xóm xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An được giới hạn bởi các điểm 4, 5, 6, 7, 9, 10 (Có sơ đồ kèm theo), bao gồm suất thừa kế của ông Nguyễn Quảng Tr, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị M.
Giao cho ông Nguyễn Vinh Q diện tích đất 304,70 m2 tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An được giới hạn bởi các điểm 1, 2, 3, 4, 5 (Có sơ đồ kèm theo), là phần di sản của cụ Nguyễn Văn Q để lại cho ông Nguyễn Vinh Q theo Giấy giao quyền thừa kế lập ngày 19 tháng 11 năm 1992 có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã NĐ ngày 25 tháng 11 năm 1992.
Số cây trên phần đất của ai thì người được được quyền sử dụng, sở hữu.
Các đương sự có nghĩa vụ làm thủ tục theo quy định để được tách quyền sử dụng đất.
Những người thừa kế của cụ Phạm Thị Đ (Gồm ông Nguyễn Quảng Tr, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Ngọc L, bà Nguyễn Thị M) tự thỏa thuận với nhau về việc quản lý, sử dụng, đinh đoạt phần thừa kế được chia.
Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí, lãi suất do chậm thi hành án, quyền thỏa thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, cưỡng chế thi hành án của các đương sự, thời hiệu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự trong vụ án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 07 tháng 11 năm 2016, Bị đơn ông Nguyễn Vinh Q kháng cáo với nội dung:
- Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nhiều điều trong Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hạn thụ lý vụ án quá dài, hết thời hạn thụ lý vụ án theo Điều 203 và Điều 15 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Xem xét không đầy đủ vì đây là thửa đất của nhà thờ;
- Tòa không xem xét tài sản ông Tr tự tháo dỡ và lấy một số tài sản về sử dụng sau khi ông Nguyễn Hồng Q mất vào năm 2006 như 01 tủ cổ, 01 bộ dong, ván gỗ bao quanh nhà.
- Tòa án nhân dân Tối cao có Công văn số 02 ngày 05 tháng 10 năm 2015 đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An lấy vụ án lên để giải quyết nhưng đã không thực hiện;
- Tòa án nhân dân Tối cao có Công văn số 133 ngày 24 tháng 5 năm 2016 đang giải quyết đơn thư của công dân mà Tòa án sơ thẩm vẫn xét xử.
Ông Nguyễn Vinh Q không chấp nhận toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị bác đơn khởi kiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị đơn ông Nguyễn Vinh Q giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Ngày 21 tháng 11 năm 2016, Nguyên đơn ông Nguyễn Quảng Tr kháng cáo với nội dung:
- Ông Tr đã 06 lần nộp tiền định giá x 3.000.000 đồng/lần = 18.000.000 đồng nhưng bản án không đề cập để trả lại cho ông;
- Căn cứ một phần Kết luận giám định số 28 ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an xác nhận chữ ký của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và con dấu của Ủy ban nhân dân xã để công nhận Giấy giao quyền thừa kế của ông Nguyễn Văn Q là trái quy định của pháp luật, một nội dung kết luận là không xác định được chữ ký của ông Nguyễn Văn Q là do ông ký hay người khác ký.
Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không chấp nhận Giấy giao quyền thừa kế ngày 19 tháng 11 năm 1992, chia thừa kế cho ông Hưng, bà Đoàn theo pháp luật vì không có di chúc và xem xét lại tiền tạm ứng án phí định giá tài sản.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông Nguyễn Quảng Tr rút nội dung kháng cáo về số tiền nộp lệ phí định giá tài sản. Các nội dung còn lại đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía Nguyên đơn nhất trí với ý kiến của ông Tr và bà Đào Thị H.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía Bị đơn đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Vinh Q. Riêng ông Nguyễn Ngọc L đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét không chia đất nhà thờ cho con cháu mà chỉ trích chia cho ông L khoảng 200 m2 đến 250 m2 để vợ chồng ông L ở.
Phát biểu của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm:
Việc việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình thụ lý vụ án đến khi xét xử, Thẩm phán được phân công đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử tuân theo đúng trình tự, thủ tục phiên tòa. Các bên đương sự tham gia phiên tòa tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Nguyễn Bình Tr, bà Nguyễn Thị Q và ông Nguyễn Thanh T đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt. Căn cứ khoản Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiếp tục xét xử vụ án.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án đã hỏi ý kiến của các đương sự về việc có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không nhưng các đương sự không thỏa thuận được. Do đó, Tòa án tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung. Đối với việc nguyên đơn rút một phần nội dung kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận và đình chỉ xét xử nội dung kháng cáo đã rút.
[3] Về nội dung vụ án: Xét nguồn gốc đất, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đều thừa nhận mảnh đất đang tranh chấp có nguồn gốc từ hàng trăm năm nay do ông cha để lại và cụ Q, cụ Đ sinh sống trên đó đến khi qua đời. Mảnh đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996 mang tên Nguyễn H, có diện tích 1353 m2. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 483 m2 đất thổ cư, tuy nhiên theo số liệu đo đạc của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường Nghệ An năm 2009 thì thửa đất này hiện tại có diện tích 812,1 m2 đất thổ cư. Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố V, phần diện tích đất tăng giữa năm 1996 và năm 2009, được xác định là do sai số đo đạc qua các thời kỳ và một phần bản đồ năm 2009 đã đo phần đường phía Nam vào thửa đất.
Theo báo cáo của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện NL, qua kiểm tra hồ sơ lưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2000 đến năm 2008 tại huyện NL không có tên ông Nguyễn H, địa chỉ tại xóm XĐ, xã NĐ nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn H lại được Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện NL cấp ngày 28 tháng 11 năm 1996. Mặt khác, tại Biên bản xác minh ngày 20 tháng 01 năm 2011 của Tòa án nhân dân thành phố V, Ủy ban nhân dân xã NĐ cung cấp có nội dung: Hồ sơ cấp đất cho ông Nguyễn H do Ủy ban nhân dân huyện NL lưu trữ nhưng tại Sổ mục kê của Ủy ban nhân dân xã NĐ ghi hồ sơ thửa đất của ông Nguyễn H tại tờ số 02, trang 53 thì thửa đất 556 có tên chủ sử dụng đất là Nguyễn Văn H, ở xã NĐ thì ông Nguyễn Văn H thường được gọi là cố QH và ông này là bố ông Nguyễn Hồng Q.
Như vậy, có đủ căn cứ để khẳng định mảnh đất này của cụ Nguyễn Văn H (Còn gọi là Nguyễn H, tên trong Giấy chứng minh nhân dân là Nguyễn Văn Q). Cụ Nguyễn Văn H là bố của các ông bà Nguyễn Hồng Q, Nguyễn Bình Tr, Nguyễn Quảng Tr, Nguyễn Thị P, Nguyễn Ngọc L, Nguyễn Thị M và là ông nội của ông Nguyễn Vinh Q. Trên thực tế, thửa đất vẫn tồn tại và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn H, hiện phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp với các hộ liền kề.
Diện tích đất này nằm trong Dự án xây dựng Đại lô V - CL, được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt. Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất thì diện tích bị thu hồi là 545 m2, diện tích còn lại là 276,1 m2. Tuy nhiên, Trung tâm phát triển quỹ đất chưa thực hiện công tác kiểm kê, kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất, chưa làm thủ tục thu hồi đất, chưa lập phương án bồi thường đối với thửa đất này. Qua kiểm tra hồ sơ đo đạc năm 1996, thửa đất 556 (Nay là thửa 406) thể hiện có đường đi qua, theo số liệu lưu tại Ủy ban nhân dân xã NĐ, đường đi thể hiện diện tích 94,4 m2. Như vậy, xác định diện tích đất đang tranh chấp là 812,1 m2 – 94,4 m2 = 717,7 m2; Địa chỉ thửa đất: Xóm XH, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
[4] Xét kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Quảng Tr, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Nguyên đơn ông Nguyễn Quảng Tr kháng cáo đề nghị không chấp nhận giấy giao quyền thừa kế ngày 19 tháng 11 năm 1992 của cụ Nguyễn Văn Q (Còn gọi là cụ Nguyễn H) vì giấy này do cụ Q viết, sau đó xin Ủy ban nhân dân xã xác nhận. Căn cứ Kết luận giám định số 28/C54-P5 ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an xác định chữ ký của ông Phan Văn L - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thời gian đó và con dấu của Ủy ban nhân dân xã NĐ xác nhận ngày 25 tháng 11 năm 1992 là đúng. Bản án sơ thẩm đã công nhận giấy giao quyền thừa kế do cụ Nguyễn Văn Q để lại di sản cho cháu đích tôn là ông Nguyễn Vinh Q là có thật và hợp pháp là có cơ sở. Nguyên đơn cho rằng kết luận giám định không xác định được chữ ký tượng hình có phải là chữ viết, chữ ký của cụ Nguyễn Văn Q (Sau đây gọi là cụ H) hay không nhưng cũng không có căn cứ để kết luận chữ viết tượng hình không phải là chữ ký của cụ H. Mặt khác, ông Nguyễn Vinh Q và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía Bị đơn thừa nhận đây là di chúc của cụ H, thể hiện đúng ý chí của cụ H và chữ ký tượng hình trong văn bản là của cụ H.
Do cụ H định đoạt toàn bộ tài sản, trong đó có tài sản của cụ Nguyễn Thị Đ nên Bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận ½ khối di sản cụ H, cụ Đ để lại (Sau khi trích 108,3 m2 diện tích nhà thờ họ) chia cho ông Nguyễn Vinh Q là đúng pháp luật, có lý có tình. Diện tích đất còn lại, Bản án sơ thẩm chia cho các đồng thừa kế là đúng pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo này của Nguyên đơn. Nguyên đơn kháng cáo không chấp nhận Giấy giao quyền thừa kế ngày 19 tháng 11 năm 1992, đề nghị chia di sản của ông H, bà Đ theo pháp luật vì cho rằng không có di chúc, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết như đã nêu trên là có căn cứ nên không chấp nhận nội dung kháng cáo này của Nguyên đơn.
[5] Xét kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Vinh Q, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Về nội dung kháng cáo Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm quy định của pháp luật, kéo dài thời gian giải quyết, nội dung kháng cáo này của Bị đơn là có căn cứ vì vụ án được thụ lý ngày 12 tháng 3 năm 2012 nhưng đến ngày 07 tháng 11 năm 2016 mới xét xử sơ thẩm là quá hạn so với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, do có một số lý do khách quan vì có nhiều đương sự tham gia tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm việc với nhiều người, tiến hành các biện pháp ủy thác thu thập chứng cứ, giám định tài liệu nên mất nhiều thời gian, sai sót này Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Đối với nội dung kháng cáo bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét hoặc xem xét không đầy đủ các chứng cứ theo quy định vì đây là đất nhà thờ đã có từ hàng trăm năm do ông Nguyễn Văn Q (Tức cụ Nguyễn H) thờ tự. Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ, xác minh đầy đủ, từ ý kiến trình bày của các đương sự, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn H năm 1996, báo cáo của Ủy ban nhân dân xã NĐ, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân thành phố V, đã có căn cứ xác định mảnh đất đang tranh chấp là của ông Nguyễn Văn Q (Còn gọi là ông Nguyễn H). Diện tích đất hiện nay là 717,7 m2 tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Sau khi trưng cầu giám định, Bản án sơ thẩm cũng đã xem xét chấp nhận một phần di chúc của ông Nguyễn Văn Q lập ngày 19 tháng 11 năm 1992 là hợp pháp đối với phần di sản của ông Nguyễn Văn Q, còn lại ½ diện tích không chấp nhận vì đó là di sản của bà Phạm Thị Đ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định trong 717,7 m2 đất, để lại 108,30 m2 đất làm nhà thờ, còn lại 609,4 m2 đất, trong đó, 304,7 m2 giao cho ông Nguyễn Vinh Q vì đây là di sản của ông Nguyễn Vinh Q đã được định đoạt theo di chúc. Di sản của cụ Phạm Thị Đ chia đều cho bà P, ông Trường, ông L, bà M và giao cho ông L trực tiếp quản lý đất đai theo sự thỏa thuận của đương sự là có tình, có lý và đúng pháp luật.
Tại Tòa án cấp phúc thẩm, bị đơn có xuất trình thêm “Bài ký nhà thờ họ Nguyễn” (Nguyên văn bằng chữ Hán, khắc trên gỗ, lưu tại nhà thờ) và đã được dịch thuật. Các đương sự đều thừa nhận đây là “Bài ký” của họ tộc họ Nguyễn được lưu tại nhà thờ tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Căn cứ văn bản “Bài ký nhà thờ họ Nguyễn” này thì văn bản được ông V viết năm 1911, xác định nhà thờ được xây dựng từ hàng trăm năm nay (Từ năm 1753). Tuy nhiên, văn bản “Bài ký nhà thờ họ Nguyễn” này không thể hiện, không phản ánh đất nhà thờ có diện tích bao nhiêu, vị trí, ranh giới, kích thước tứ cận thửa đất như thế nào, chiều dài chiều rộng bao nhiêu nên cũng không có thêm căn cứ để chứng minh toàn bộ diện tích đất thổ cư đang tranh chấp 812,1 m2 là đất của nhà thờ.
Mặt khác, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ Nguyễn H ngày 28 tháng 11 năm 1996 chỉ ghi người có quyền sử dụng thửa đất là cụ H, không ghi nhận đây là đất của nhà thờ. Từ các chứng cứ và căn cứ trên đây, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã trích 108,30 m2 đất là nhà thờ, diện tích còn lại chia cho ông Nguyễn Vinh Q và một số người khác mỗi bên một nửa là có căn cứ, có lý có tình và đúng pháp luật nên cần giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm.
Ông Q kháng cáo với nội dung ông Tr phá dỡ, chuyển một số tài sản về sử dụng nhưng ông Tr không thừa nhận. Tại cấp sơ thẩm, ông Q không đề nghị giải quyết nên Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ giải quyết. Ông Q có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự độc lập khác.
Đối với nội dung ông Q kháng cáo Tòa án nhân dân Tối cao có Công văn số 02 ngày 05 tháng 10 năm 2015 đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An lấy vụ án lên để giải quyết. Xem xét nội dung Công văn thấy rẳng: Công văn tóm tắt đơn của ông Q là khiếu nại Tòa án nhân dân thành phố V vi phạm thủ tục nên ông Q đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An lấy lên để giải quyết nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét thấy không cần thiết phải lấy hồ sơ lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm nên không có văn bản quyết định đề nghị Tòa án nhân dân thành phố V chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Về thẩm quyền giải quyết, đây không phải trường hợp có nhân tố nước ngoài nên theo quy định tại Điều 25, Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Điều 26, Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố V là đúng pháp luật.
Ông Q còn kháng cáo cho rằng: Công văn số 133/TANDTC-VP ngày 24 tháng 5 năm 2016 của Tòa án nhân dân Tối cao thể hiện đang giải quyết đơn thư công dân. Xét nội dung Công văn số 133 và Biên bản làm việc ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội thì đây là trường hợp ông Q khiếu nại, tố cáo trước khi Tòa án nhân dân thành phố V xét xử sơ thẩm vụ án. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân Cấp cao tại Hà Nội cũng không có Văn bản nào yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố V tạm dừng giải quyết vụ án nên Tòa án nhân dân thành phố V giải quyết, xét xử vụ án là đúng pháp luật. Do đó, ông Q cho rằng có hai văn bản số số 02 và số 133 nêu trên mà ông không chấp nhận Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố V là không thỏa đáng, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận. Hơn nữa, cũng chính ông Q có một nội dung kháng cáo là Tòa án nhân dân thành phố V đã giải quyết vụ án chậm.
Ngoài ra, quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An có nhận được “Đơn tố cáo” và “Đơn kiến nghị” đều đề ngày 20 tháng 7 năm 2017 của ông Nguyễn Vinh Q do Tòa án nhân dân Tối cao chuyển đến, để giải quyết theoo thẩm quyền. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Q cũng đề cấp đến vấn đề này. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thông báo cho ông Q biết các nội dung trình bày trong đơn đều liên quan việc giải quyết vụ án dân sự, ông Q là Bị đơn, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đang giải quyết xét xử, phúc thẩm bao gồm các nội dung ông Q đang kiến nghị. Do đó, đối với việc tố cáo của ông Q, pháp luật quy định công dân có quyền tố cáo. Nếu ông Q có căn cứ xác định ai cố tình làm sai, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp thì ông có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền.
Đối với nội dung kiến nghị, nếu ông Q cho rằng Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố V và Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An giải quyết vụ án là sai sót thì ông Q có quyền khiếu nại để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.Về lệ phí dịch thuật “Bài ký nhà thờ họ Nguyễn”, theo Hợp đồng dịch thuật ngày 30 tháng 7 năm 2017 và Bản thanh lý hợp đồng ngày 18 tháng 8 năm 2017, giữa ông Q và Ban quản lý di tích lịch sử tỉnh Nghệ An thì lệ phí dịch thuật là
3.000.000 đồng. Ông Q đã thanh toán xong cho Ban quản lý. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Q cũng thừa nhận như vậy và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Xét kết quả dịch thuật không làm thay đổi nội dung giải quyết vụ án theo hướng có lợi hơn cho ông Q nên số tiền lệ phí dịch thuật ông Q phải chịu và ông đã thanh toán xong.
[6] Về án phí Dân sự sơ thẩm: Ông Tr, ông Q đều trên 60 tuổi, là người cao tuổi.
Theo quy định của pháp luật, hai ông đều được miễn án phí Dân sự sơ thẩm.
Ông Nguyễn Ngọc L là người sinh tháng 01 năm 1958, là người cao tuổi cũng thuộc trường hợp được miễn án phí sơ thẩm.
Ông Q đề nghị xem xét vì sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An hủy Quyết định đình chỉ vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Vinh thụ lý lại mà nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng án phí là không đúng. Theo quy định tại Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người khởi kiện nộp một lần tạm ứng án phí sơ thẩm nên Tòa án nhân dân thành phố Vinh thụ lý lại vụ án sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An hủy Quyết định đình chỉ là đúng pháp luật.
Về án phí Dân sự phúc thẩm, nguyên đơn, bị đơn là người kháng cáo, là người cao tuổi nên được miễn án phí phúc thẩm; Trả lại cho nguyên đơn, bị đơn tiền tạm ứng phúc thẩm đã nộp.
Bà Nguyễn Thị L có một đơn ghi là Đơn kháng cáo đề ngày 08 tháng 12 năm 2016 do ông Nguyễn Vinh Q nộp tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 16 tháng 3 năm 2017, nhưng không nộp tiền tạm ứng phí kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, bà L thừa nhận bà không kháng cáo mà đó chỉ là Đơn trình bày nguyện vọng của bà, sau khi bà nhận được thông báo kháng cáo của Tòa án nhân dân thành phố V nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét.
[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 289, khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự,
1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn về tiền lệ phí định giá tài sản; Không chấp nhận kháng cáo nguyên đơn ông Nguyễn Quảng Tr và bị đơn ông Nguyễn Vinh Q, giữ nguyên bản án sơ thẩm về chia di sản thừa kế; Sửa bản án sơ thẩm về án phí.
Áp dụng các Điều 633, 634, 636, 645, 667, 670 Bộ luật Dân sự năm 2005; Các Điều 611, 612, 613, 614, 620, 635, 643, 645 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 3, Điều 76 Luật Đất đai năm 1993; Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 5 Điều 26, Điều 35, Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quảng Tr về yêu cầu chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất đối với phần di sản của cụ Nguyễn Văn Q và cụ Phạm Thị Đ.
Chấp nhận yêu cầu chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất đối với phần di sản của cụ Phạm Thị Đ; Bác yêu cầu chia di sản thừa kế đối với di sản của cụ Nguyễn Văn Q là quyền sử dụng đất tại thửa số 406, tờ bản đồ số 20 tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Chia phần diện tích đất di sản đưa vào việc thờ cúng là 108,30 m2 được giới hạn bởi các điểm 6, 7, 9, 8 (Có sơ đồ kèm theo) tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An cho ông Nguyễn Bình Tr, ông Nguyễn Quảng Tr, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Ngọc L, bà Nguyễn Thị M và những người thừa kế của ông Nguyễn Ngọc Q là ông Nguyễn Vinh Q, bà Nguyễn Thị Q, bà Nguyễn Thị La, ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Thanh T quản lý, sử dụng, sở hữu.
Chia cho ông Nguyễn Ngọc L diện tích 304,70 m2 tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An được giới hạn bởi các điểm 4, 5, 6, 7, 9, 10 (Có sơ đồ kèm theo), bao gồm suất thừa kế của ông Nguyễn Quảng Tr, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị M và của ông Nguyễn Ngọc L.
Giao cho ông Nguyễn Vinh Q diện tích đất 304,70 m2 tại xóm XĐ, xã NĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An được giới hạn bởi các điểm 1, 2, 3, 4, 5 (Có sơ đồ kèm theo), là phần di sản của cụ Nguyễn Văn Q để lại cho ông Nguyễn Vinh Q theo Giấy giao quyền thừa kế lập ngày 19 tháng 11 năm 1992 có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã NĐ ngày 25 tháng 11 năm 1992.
Số cây trên phần đất của ai thì người được được quyền sử dụng, sở hữu.
Các đương sự có nghĩa vụ làm thủ tục theo quy định để được tách quyền sử dụng đất.
Những người thừa kế của cụ Phạm Thị Đ (Gồm ông Nguyễn Quảng Tr, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Ngọc L, bà Nguyễn Thị M) tự thỏa thuận với nhau về việc quản lý, sử dụng, đinh đoạt phần thừa kế được chia.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6 ,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
3. Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp và quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
- Về án phí sơ thẩm: Miễn án phí Dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Vinh Q và ông Nguyễn Ngọc L. Trả lại cho ông Nguyễn Quảng Tr 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0025568 ngày 27 tháng 11 năm 2009.
- Về án phí phúc thẩm: Miễn tiền án phí Dân sự phúc thẩm cho ông Nguyễn Quảng Tr và ông Nguyễn Vinh Q. Trả lại cho ông Nguyễn Quảng Tr 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003809 ngày 26 tháng 11 năm 2016; Trả lại cho ông Nguyễn Vinh Q 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003782 ngày 22 tháng 11 năm 2016.
4. Về chi phí khác: Ông Nguyễn Vinh Q phải chịu 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) lệ phí dịch thuật tài liệu (Ông Q đã thanh toán xong).
5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 19/2018/DS-PT ngày 21/03/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 19/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nghệ An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/03/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về